Đọc truyện Lam Y Nữ Hiệp – Chương 6: Khẩu Phật tâm xà, Hắc Đầu Đà trổ ngón Quốc sắc thiên hương, Hà Thái Phượng lâm nguy
Ngày đi đêm nghỉ, vó câu dong ruổi năm hôm sau đã tới Dương Châu.
Dương Châu là một trong mấy châu lớn và phồn thịnh nhất Giang
Nam. Nhà cao cửa rộng, lâu đài các ngọc, tường hoa mái ống nguy nga. Dân cư đông đúc, buôn bán tấp nập người qua, kẻ lại huyên náo dị thường.
Chu Đức Kiệt nói :
– So với Trấn Giang, thành Dương Châu cũng lớn và phần tráng lệ nguy nga có lẽ còn hơn nhiều.
Phàn Mộng Liên nói :
– Tuy chưa được đi Dương Châu chuyến nào, nhưng theo lời gia phụ và gia huynh thì thị trấn này là đất ăn chơi, ngựa xe như nước, áo quần như nêm đó, Nữ hiệp à.
Chu Tú Anh trách :
– Phàn muội! Chớ có xưng hô như vừa rồi, e lộ liễu. Tránh sự tò
mò được bao nhiêu hay bấy nhiêu. vả lại chúng ta cùng bạn nữ lưu cả, mà
câu nệ cái gì.
Chu Đức Kiệt hỏi :
– Phàn huynh đi Dương Châu nhiều lần chưa!
Phàn Thế Hùng đáp :
– Lúc còn gia phụ, cứ một hay hai năm lại được đi một lần. Từ
ngày gia phụ qua đời, đưa cô mẫu trở về, tôi cũng chưa đi chuyến nào
nữa, thấm thoắt đã trên ba năm rồi. Lẹ thật!
– Nhà ở đâu?
Phàn Thế Hùng nói :
– Ở phố Chiều Dương lối cửa Bắc, rẽ sang đường này.
Nói đoạn Thế Hùng giật cương rẽ ngựa sang tay hữu. Chu Đức Kiệt hỏi Phàn Thế Hùng :
– Chúng ta tìm quán trọ để rồi sẽ tới đó có nên không?
– Khỏi cần. Nhà bà cô mẫu rộng rãi đủ chỗ cho chúng ta ăn ở.
Vòng mấy phố nữ thì tới Chiều Dương lộ. lộ này khá sầm uất đầu
lộ có chợ Bắc Qua nên người đi lại buôn bán khá tấp nập. Tới giữa phố
gần cây hòe lớn bóng mát rợp cả một khu, Phàn Thế Hùng chỉ một căn nhà.
– Tiệm Đạt Hưng kia kìa. Tới rồi.
Phàn Mộng Liên hỏi :
– Ồ! Sao lại đóng cửa giờ này trong lúc mọi người còn đang buôn bán náo nhiệt.
– Chắc có việc gì. Không lẽ dọn đi nơi khác. Tấm bảng hiệu còn kia mà.
Bốn người cùng xuống ngựa. Phàn Thế Hùng đưa dây cương cho Phàn
Mộng Liên, bước tới gõ cửa. Mọi người ở lối xóm thấy người lạ đi ngựa
tới đều tò mò đổ xô ra coi. Mấy người nhận ra Phàn Thế Hùng thì chạy tới chào hỏi vui vẻ. Một người trạc năm mươi tuổi hỏi :
– Ồ!… Phàn hiền điệt đây mà! Cứ ngỡ là ai. Sao lâu nay không đi Dương Châu chơi.
Thế Hùng vái chào tất cả rồi đáp :
– Từ khi gia phụ mất, nhà vắng người không rảnh nên chẳng đi
được đâu cả. Vương thúc thúc buôn bán phát tài không? Cô mẫu đi đâu mà
tiệm Đạt Hưng đóng cửa sớm thế này.
Người họ Vương đáp :
– Hiền điệt tới Dương Châu vừa đúng lúc Hạ thái thái cần.
Phàn Thế Hùng biến sắc.
– À, Có việc chi vậy hả Vương thúc? Cô mẫu và Thái Phương đâu? Không có ai ở nhà sao.
Họ Vương đáp :
– Chuyện lôi thôi lắm nói ở đây không tiện… Vương thái có nói
với tiện nội là đi lễ ngoài miếu đó, chắc cũng sắp về rồi. Trong nhà có
người, hiền điệt cứ gọi cửa đi.
Phàn Thế Hùng không hỏi thêm nữa, chỉ ba người giới thiệu :
– Mãi nói chuyện quên khuấy đi mất, đây là Mộng Liên, em cháu đó. Còn hai vị đây là bằng hữu Chu tiên sinh và Chu tiểu thư.
Mấy người tiến tới vái chào nhau. họ Vương nói :
– Chà! Mộng Liên lớn thế này rồi à? Hồi sanh thời, Phàn đại ca
thường nói chuyện luôn. Hiền điệt đi gọi cửa đi. Nếu người nhà không mở, tôi gọi lối sau hộ.
Phàn Thế Hùng liền vào gõ mạnh trên cửa gỗ. Chợt một người đứng gần đó reo lên :
– A ha! Hạ thái thái đã trở về kia kìa.
Mọi người vội nhô ra nhìn. Từ phía chợ tiến tới một chiếc kiệu
có hai người phu khiêng đi khá lẹ. Không bao lâu đã đỗ ngay trước tiệm
Đạt Hưng.
Một bà dáng người phúc hậu, trạc ngoài năm mươi, tay bê chiếc
tráp, tay cầm mấy nén hương lớn khói ngạt ngào bước xuống. Phàn Thế Hùng vội chạy lại đỡ chiếc tráp cho Mộng Liên theo sau. Rồi hai người cùng
quỳ xuống vái lạy. Hạ thái thái giật mình, chớp mắt nhìn :
– Ủa! Hai cháu từ Dương Châu từ bao giờ? Sao không vào nhà?
Nói đoạn, ứa nước mắt nâng hai người đứng dậy. Người họ Vương nói :
– Để tôi về nhà gọi lối sau cho. Đừng gõ cửa mất công.
Mọi người thấy họ Vương đi thì ai cũng về nhà ấy. Lát sau trong
nhà có tiếng lệt xệt chân đi. Cái lỗ nhỏ ở cánh cửa mở ra, hai con mắt
sợ sệt ló nhìn. Hạ thái thái nói :
– Ta và Phàn hiền điệt đây mà!
Tiếng rút mấy chiếc then cửa rồi hai cánh cửa mở rộng ra. Phàn
Thế Hùng giới thiệu anh em Chu gia với cô mẫu. Thi lễ xong, Hạ thái thái nói :
– Quí hóa quá! Nhị vị ở đây với các cháu cho vui, nhà rộng đủ chỗ ở.
Từ trong nhà bước ra một người đàn ông trạc trên năm mươi, người đàn bà cũng trạc tuổi ấy và một cô gái ở tuổi Mộng Liên. Thiếu nữ ấy đỡ cái tráp đứng sang một bên. Ba người mới ra cùng chào Phàn Thế Hùng và
mọi người. Thế Hùng bảo khẽ anh em họ Chu.
Đây là vợ chồng Lý Trung quản gia, và con gái là Tiểu Kim, ở trong gia đình này mấy chục năm rồi.
Đoạn Phàn Thế Hùng vui vẻ vỗ vai Lý Trung :
– Thế nào? Mạnh khỏe chứ lão.
– Dạ. Tôi nghe tiếng gõ cửa mạnh quá không dám ra, tới lúc Vương tiên sinh kêu tôi tới hay là cậu tới và chủ nhân về.
Nói đoạn, chạy tới dắt bốn con ngựa buộc ở cây gần trước nhà. Phàn Thế Hùng nói với anh em họ Chu.
Lý quản giá dắt ngựa ra hẻm gần đây vào vườn sau nhà có tàu ngựa hẳn hoi.
Mọi người theo Hạ thái thái vào nhà. Ngoài là cửa hàng chạp phô
lớn. Nàng đi vào trong căn nhà càng nở hậu, có lầu cao. Phía sau là nhà
bao và vườn rộng rãi trồng cây mát mẻ. Sân lát gạch đỏ gọn gàng tươm
tất. Hạ thái thái bảo anh em Phàn Thế Hùng :
– Các cháu hãy dẫn tiên sinh và tiểu thư lên hai phòng trên lầu
cất hành trang, tắm rửa thay y phục cho dễ chịu. Đi đường xa gió bụi…
Chu Đức Kiệt tươi cười :
– Chúng hiền điệt đối với Phàn gia đây là tình bằng hữu, xin thái thái coi như con cháu trong nhà cho tiện.
Hạ thái thái gật đầu, cười :
– Nhị vị hiền điệt đã có lòng ưu ái như vậy. Lão quí hóa lắm. Xin tự nhiên như ở nhà.
Nói đoạn, Hạ thái thái cắm mấy nén hương ở miếu về vào bát hương thở ở góc nhà. Phàn Thế Hùng và Mộng Liên đưa họ Chu lên lầu.
Trên lầu có tới năm căn phòng xinh xắn chạy dài từ ngoài mặt
hàng vào tới sân trong. Khi bốn người gọn gàng chỉnh tề xuống nhà thì
vừa vặn bữa cơm chiều. Phàn Thế Hùng hỏi Hạ thái thái.
Biểu muội Thái Phượng đi đâu mà giờ này chưa trở về.
Hạ thái thái thở dài ứa nước mắt kể chuyện cho mọi người nghe…
° ° °
Nguyên Phàn Thế Đức, cha Phàn Thế Hùng có người em
gái họ con chú, con bác là Phàn Ngọc Tiên, cùng ở Thái An huyện. Về sau, Ngọc Tiên lấy Hạ Phủ là khách thương trường đi lại Thái An huyện cất và bán các hàng hóa. Hạ Phủ làm ăn phát đạt, và lại cũng đã đứng tuổi,
không muốn lưu động vất vả nữa, bèn mùa nhà đất lập nên một tiệm chạp
phô lấy tên hiệu là Đạt Hưng, buôn bán rất thịnh vượng ở đất Dương Châu. Phàn Ngọc Tiên chăm chỉ giúp chồng trong việc thương mại làm nên giàu
có.
Vợ chồng Hạ Phủ luôn luôn đi lễ bái cầu tự, cư xử hiền hòa với
tất cả mọi người, hay giúp đỡ kẻ nghèo hèn nên được nhiều người sủng ái. Bà con lối xóm ai cùng quí mến.
Mãi tới năm ba bảy tuổi, Vợ chồng Hạ Phủ mới sanh được một gái
đặt tên là Thái Phượng và từ đó Phàn thị không sanh nở lần nào nữa. Hạ
Phủ rất quí mến Phàn thị nên không nghĩ tới việc nạp thiếp để kiếm con
trai nối dõi.
Họ Hạ thường nói :
– Chà! Trai hay gái đằng nào cũng là con, miễn là nó phải có
hiếu, ngoan ngoãn dễ bảo. Không con trai thì có con rể, sau này về già,
vợ chồng nó cũng vẫn cúng lễ mình như thường cơ mà.
Vợ chồng Hạ Phủ rất đỗi yêu chiều Thái Phượng. Thái Phượng mỗi
ngày một lớn, mặt hoa da phấn, hiếu dễ khôn ngoan vô cùng. Hạ Phủ, Phàn
Thị nâng niu như hòn ngọc trên tay.
Không ngờ tới năm Thái Phượng mười ba tuổi thì Hạ Phủ bị cảm
phong từ giã nhân thế. Mẹ con Thái Phượng thương xót vô cùng. Vì đã quen giúp chồng trong mọi việc thương mại nên Phàn thị tang ma chồng xong
xuôi, lại tiếp tục sanh nhai buôn bán như khi Hạ Phủ sinh thời. Hạ Thái
Phượng tuy còn nhỏ tuổi nhưng biết nghĩ, giúp mẹ làm ăn và coi sóc việc
nhà. Lại có vợ chồng lão bộc Lý Trung rất tận tâm, nên mọi công việc đều được ổn thỏa. Thái Phượng càng lớn lên càng đẹp, tánh tình ủy mị đoan
trang.
Trong thành Dương Châu cũng đã có nhiều người nhờ manh mối nhưng Thái Phượng không ưng ý nơi nào cả. Phàn thị cũng không nỡ ép con.
Năm ấy, Thái Phượng đã mười bảy tuổi. Vừa được ngày lành, vừa
quen lệ, toàn thể thành Dương Châu ai nấy đều mở cửa hàng mồng mười
tháng Giêng.
Buổi sáng hôm mười hai, mẹ con Hạ thái thái đang ngồi trong tiệm bán gàng thì chợt thấy hai hòa thượng mặt mũi dữ tợn vóc người to lớn,
đi qua phố. Tới trước cửa tiệm Đạt Hưng, hai hòa thượng đó đứng lại nhìn trừng trừng hồi lâu mới đi. Mẹ con Hạ thái thái thấy họ dữ tợn, phát
khiếp, không dám nhìn. Chiều hôm ấy, hai hòa thượng ấy lại đi qua phố
Chiều Dương lần nữa và vẫn nhìn chăm chú vào tiệm Đạt Hưng rồi mới đi
thẳng. Thái Phượng nói với mẹ :
– Mẫu thân à, người tu hành gì mà như kẻ cướp vậy.
Hạ thái thái đáp :
– Ừ, trông dữ tợn thiệt đấy, nhưng họ là người tu hành chắc
trong tâm không ác như bề ngoài đâu. Mặc kệ! Hơi đâu mà để ý, hả con?
Thái Phượng im lặng không nói gì thêm e mẹ lo phiền. Về phần Hạ
thái thái tuy ngoài miệng nói vậy, nhưng thật ra trong tâm rất lo ngại.
Mấy hôm sau, tới ngày Quốc khánh, tỉnh Dương Châu vào hội vui vẻ vô cùng, không có điều chi lạ cả. bốn hôm sau, Lý Trung như thường lệ
mở cửa tiệm sớm. Lát sau, Hạ thái thái đi ra ngồi tới lúc mặt trời đã
lên cao mà không thấy Thái Phượng xuống. Hạ thái thái ngạc nhiên bảo vợ
chồng Lý quản gia và Lý Tiểu Kim :
– Quái, sao hôm nay Thái Phượng ngủ muộn thế! Tiểu Kim lên đánh thức nó dậy đi.
Tiểu Kim vâng dạ lên lầu giơ tay gõ cửa phòng Thái Phượng, thấy
cánh cửa chỉ khép lại chứ không cài the trong, bèn đẩy cửa bước vào.
Trong phòng vắng tanh, Tiểu Kim mở màn ra coi thì giường trống rỗng,
Thái Phượng biến đâu mất rồi. Tiểu Kim tái mặt, tìm kiếm khắp trên lầu
không thấy Thái Phượng đâu, bèn hoảng hốt chạy xuống nhà dưới báo cho Hạ thái thái và vợ chồng Lý Trung biết. Hạ thái thái vội hỏi :
– Có lẽ nào vậy! Người đã tìm kỹ chưa.
Tiểu Kim run rẩy :
– Dạ con tìm khắp trên lầu rồi.
Hạ thái thái lo lắng hỏi Tiểu Kim coi hàng rồi cùng vợ chồng Lý
quản gia vào nhà trong chia nhau đi kiếm khắp trên lầu, dưới nhà một lần nữa thiệt kỹ. Thái Phượng biến mất dạng. Cánh cửa ra lan can lầu trông
xuống sân sau chỉ khép lại.
Lý Trung vội la lên :
– Ủa! Rõ ràng tôi đóng và cài then cửa này chiều qua như thường lệ, sao bây giờ lại mở thế này? Từ sáng có ai mở cửa này không?
Hạ thái thái và vợ Lý Trung lắc đầu :
– Dạ tôi xuống hỏi con Tiểu Kim xem nó có mở không.
Nói đoạn, Lý Trung xuống nhà. Chốc lát trở nên nói với Hạ thái thái.
Tiểu Kim không mở cửa này… Hừ! Gớm thật, nếu vậy chắc có kẻ nào vào đây bắt cóc Thái Phượng rồi.
Vợ Lý Trung nói :
– Lối ngoài, lối trong đóng hết, tường lại cao ai vào đây được? Trừ phi có ma quỷ mới có thể từ trên nóc nhà xuống được.
Lý Trung bĩu môi :
– Phải! Ma quỷ à? Người có bản lãnh võ nghệ có thể chuyền qua
nóc nhà này được. Đến mặt thành cao lớn như vậy mà cũng có người vượt
qua được nữa là nóc nhà này thì đã vào đâu.
Câu nói của Lý Trung khiến Hạ thái thái giật mình liên tưởng tới hai hòa thượng dữ tợn đi qua tiệm mấy hôm trước buổi lễ Quốc khánh. Bèn bảo Lý Trung :
– Hay là mấy hòa thượng dữ tợn nữa nọ là thủ phạm…
Lý Trung suy nghĩ đáp :
– Có thể lắm. Trong thiên hạ này thiếu gì kẻ khẩu phật tâm xà.
Nghe nó bọn đầu đà ấy mượn áo cà sa để che đậy hành vi hắc ám của chúng.
Hà thái thái ngắt lời :
– Làm thế nào bây giờ! Thái Phượng ơi!
Nói đoạn bưng mặt khóc hu hu. Vợ chồng Lý Trung đỡ Hà thái thái ngồi xuống ghế, khuyên giải :
– Thái thái phải can đảm để tính toán việc này, khóc lóc có ích lợi gì đâu?
Hà thái thái khóc lớn hơn :
– Can đảm thế nào được? Con Thái Phượng từ bé tới nay chưa từng
ra khỏi nhà bước nào nay bỗng dưng bị kẻ hung đồ bắt đi… Trời ơi! Tôi
có một mình nó là con, nay vừa lớn lên thì gặp phải cảnh đau lòng này.
Tôi chết mất.
Hà thái thái khóc lịm người ngất đi. Vợ chồng Lý Trung lấy dầu thoa mãi mới tỉnh.
Nhà bên cạnh họ Vương nghe thấy tiếng khóc cũng vội chạy sang thăm hỏi, theo sau là mấy người lân cận. Họ Vương bàn rằng.
– Thái thái nên ra Huyền Nữ Trân Môn lễ bái xin xâm xem thần
linh dạy thế nào? Ở ngay miếu có thầy tử vi thần tướng coi số hay lắm,
thái thái nói cho thầy biết ngày sanh tháng đẻ, đúng giờ, đúng niên, xem số mệnh chỉ dẫn ra sao. Rồi sẽ trình báo quan sở tại ra tìm thấy manh
mối vụ mất tích này. Hạ thái thái nghe phải lẽ, bèn hối vợ chồng Lý
Trung tạm đóng cửa tiệm, sửa soạn lễ vật ra Huyền Nữ miếu cầu xin…
Phàn Thế Hùng hỏi :
– Thế ra, Hạ biểu muội mới mất tích sáng hôm nay hay là đêm qua đó. Tức quá, cháu qua trễ mất một ngày.
Hạ thái thái gật đầu :
– Phải! Hai cháu tới sớm một ngày thì cô đỡ lo, đỡ khổ. Trong
quẻ xăm thầy nhân dạy rằng phải tìm ở hướng Đông Bắc mới thấy và có quí
nhân phù trợ. Lá số tử vi của Thái Phượng, thầy tử vi thần tướng đoán
thế này: “Niên hạn Kế đô của Thái Phượng, nhưng nhờ có tuần triệt đối chiếu nên tai nạn tuy nặng nề mà thân mạng không hề gì, chỉ bị sợ hãi
thôi. Lại thêm có tả Phù, Hữu Bật chiếu mạng thì thế nào cũng có đại quí nhân phù trợ”.
– Thầy tử vi bảo cô đừng lo, nhưng có Thái Phượng như thế, cô
không lo sao được. Còn quí nhân phù trợ biết đâu không phải là anh em
cháu có tài võ dũng giúp cô tìm thấy em Thái Phượng chăng.
Phàn Thế Hùng chưa kịp đáp, Phàn Mộng Liên đã nói ngay :
– Quí nhân không phải là chúng cháu bất tài, nhưng là nhị vị đại hiệp từ Hoa Bắc xuống du Giang Nam, đang ngồi đây này.
Phàn Mộng Liên chỉ anh em Chu gia.
Hạ thái thái vội nói :
– Thế à cháu? Sao không sớm cho cô mừng…?
Nói đoạn đẩy ghế đứng lên, ra trước mặt Chu Đức Kiệt, Tú Anh quỳ xuống lạy.
– Già này có mắt không có con ngươi, nhị vị đại hiệp ra ơn cứu…
Anh em Chu gia hoảng hốt vội tránh sang bên, cùng đỡ Hạ thái thái đứng lên đưa về chỗ ngồi, vái lạy rằng.
– Hai cháu đây gốc biển chân trời, tứ cố vô thân, kết giao với
Phàn gia đây, tình bằng hữu ý hạp tâm đầu. Việc nhà ta cũng như việc
riêng chúng cháu, bổn phận tất phải lo, sao thái thái hành động như vậy
khiến chúng cháu đắc tội muôn phần.
Hà thái thái nói :
– Nhị vị cố sức giúp tôi, không tìm thấy Thái Phượng chắc tôi cũng sẽ chết theo nó cho rồi…
Phàn Thế Hùng đứng lên vái Chu gia song hiệp :
– Xin nhị vị đừng cho là ngu đệ vẽ vời khách khí, nhưng đây là
cả tấm lòng thành thực yêu cầu vì ngu đệ và Phàn Mộng Liên tự xét tài
nghệ còn non nớt, trăm sự cúi xin nhất nhất tuân theo lời chỉ giáo.
Chu Đức Kiệt kéo Phàn Thế Hùng về chỗ ngồi như trước :
– Chà, Phàn ca sao lại cư xử như thế? Anh em tôi đối với người
ngoài cũng không quản ngại vung ba thước kiếm diệt gian, trừ bạo đem lại công lý cho mọi người, huống chi hiện tại là việc nhà! Vả lại thế nào
cũng nhờ Phàn ca và Phàn muội giúp sức mới mong thành công mau lẹ.
Phàn Mộng Liên hỏi Đức Kiệt, Tú Anh :
– Nghe thấu câu chuyện, nhị vị có ý kiến chi không?
Chu Đức Kiệt đưa mắt nhìn Tú Anh. Chu Tú Anh nghiêm nghị :
– Hẳn mọi người còn nhớ việc gặp hai tên đầu đà dữ tợn ở Vạn Thảo mỹ điếm trên núi Giang đầu bên Trấn Giang.
Anh em họ Phàn gật đầu. Chu Tú Anh nói tiếp :
– Tôi e hai tên đó tức là hai hòa thượng mà Hạ thái thái thấy đi qua đường Chiều Dương nhìn vào tiệm ta đây. Có gì lạ đâu! Chúng nhìn vì thấy Thái Phượng xinh đẹp! Có thế thôi. Sau đó cả hai cùng đi Trấn
Giang bởi vật bọn ta mới gặp chúng trên Giang Đầu sơn.
Anh em họ Phàn ngẩn người ra gật đầu. Hạ thái thái, vợ chồng Lý quản gia và Tiểu Kim cùng đờ người ra nghe câu chuyện.
Chu Tú Anh nói tiếp :
– Từ Trấn Giang hai tên ấy về qua đây giở thủ đoạn bắt Thái Phượng đem đi…
Mọi người gật đầu khen phải. Chu Tú Anh nói :
– Đây là giả thuyết thôi. Tiếc một điều vì lẽ không biết hai tên đó trú ngụ tại đâu?
Chu Đức Kiệt hỏi :
– Ở Dương Châu này có nhiều chùa chiền không.
Hạ thái thái nói :
– Lão đi lễ bái nhiều nhưng không bao giờ gặp bọn hung ác ấy trong các chùa nội ngoại thành Dương Châu.
Phàn Thế Hùng hỏi :
– Có lần nào cô mẫu đi chiêm bái tại Kim Cương tự không?
– Có chớ! Nhưng lâu lắm rồi, hồi còn sanh thời hạ thúc thúc có
tới năm, sáu năm nay rồi. Các hòa thượng trụ trì ngôi Kim Cương tự điều
rất uy nghiêm đắc đạo.
Chu Tú Anh vội hỏi :
– Kim Cương tự ở đâu, phương hướng nào.
Hạ thái thái nói :
– Không nhớ nữa, nhưng phải ra cửa Đông thành.
Lý quản gai suy nghĩ nói :
– Kim Cương tự ở hướng… Đông bắc nếu tôi không lầm…
Chu Tú Anh mỉm cười :
– Thế thì đúng với quẻ sấm, Hạ thái thái xin trưa nay ở Huyền Nữ miếu rồi. Trong xăm chả dạy tìm ở Đông bắc hướng là gì.
Hạ thái thái và anh em Phàn gia khen ngợi.
– Nữ hiệp xét đoán như thần, Thái Phượng có phước mới gặp được cứu tinh như nhị vị.
Chu Đức Kiệt nói :
– Gia muội ước đoán thôi, chưa chắc lắm, nhưng cũng nên tới ngôi chùa đó tìm kiếm dò hỏi xem thế nào. Chùa cách Dương Châu thành bao xa.
Lý quản gia nheo mắt đáp :
– Bẩm độ sáu mươi dặm trở lại. Kim Cương tự lớn lắm và rất giàu.
Đức Kiệt nhìn Tú Anh khẽ gật đầu suy nghĩ, giây lát nói :
– Nếu quả như gia muội dự đoán trúng thì Kim Cương tự không phải là nơi dễ vào. Ta phải tổ chức thám thính thăm dò đại quy mô trước khi
ra tay thì mới thắng được.
Sáng mai, Tú Anh và Phàn muội cải trang giã làm khách thập
phương đi lễ đem ngầm theo khí giới trong người, ngoài choàng áo dài,
nên dự bị cẩn thận, nếu xảy ra chuyện gì thì chỉ có việc bỏ áo đi là gọn gàng rồi.
– Tôi và Phàn ca đi riêng ra phòng hờ, liệu tiếp tay nhau.
Chu Tú Anh hỏi Lý Trung.
– Lý quản gia có biết gần chùa có thôn xóm nào không?
– Có! Có xóm Vân gia cách chùa độ mười dặm đường.
Chu Tú Anh nói :
– Được lắm, Chu huynh, Phàn ca và chị em tôi cứ việc đi ngựa lên Vân gia thôn. Cho kiệu đi trước chờ ở thôn đó. Chừng nào tới sẽ giữa
ngựa rồi dùng kiệu vào chùa cho ra vẻ khách dâng hương thiệt thọ.
Lý Trung nói :
– Khỏi cần. Vân gia thôn khá lớn có đủ kiện cho thuê. Lên tới đó rồi hãy sắm lễ vật cũng tiện. Có bán sẵn cả.
Chu Đức Kiệt gật đầu :
– Như vậy tiện dụng lắm rồi. Thôi Phàn ca và Phàn muội nên đi
nghỉ sớm lấy sức. Mai cần tỉnh táo và biết đâu sẽ không phải dùng sức.
Cơm nước xong xuôi ai nấy đều về phòng đi nghỉ. Hạ thái thái và
vợ chồng Lý quản gia thấy hai hiệp khách họ Chu tính toán đâu ra đấy sắp đặt cẩn thận công việc thì cũng an tâm. Chu Đức Kiệt nói với Hạ thái
thái.
– Sáng mai thái thái cứ dọn hàng như thường, tựa như không có việc gì xảy ra trong nhà cả.