Đọc truyện Lam Y Nữ Hiệp – Chương 28: Giở thói dâm tà, họ Hồ manh tâm thù oán Cứu kẻ hiền lương, Tam hiệp quyết ra tay
Ba hiệp khách trở về Tiên Long trấn, vào dinh quan sở tại treo Mao Toán lên cột cờ rồi về quán trọ. Trống vừa điểm canh tư.
Hôm sau, vụ ba tên gian đạo bị một vị nữ hiệp hạ sát được loan
đồn khắp trấn. Mấy tên nhà bếp Nam Hương lâu đi chợ về cùng ba hoa thuật chuyện lại nghe tức cười. Nào là vị nữ hiệp ấy biết bay thật cao mới
vào nổi trong tháp Cửu Trùng, nào là có người trong trấn được trông thấy ánh sáng lập lòe đêm qua như ma trơi ở trên tháp… Thật là tam sao
thất bổn.
Chiều hôm ấy, trong khi gợi chuyện chủ quán, Chu Đức Kiệt được
hay rằng, quan sở tại đã cho yết thị ngoài chợ, thần miếu và tại bốn cửa trấn, bố cáo cho dân nghèo kể từ ngày mai đến các nơi chỉ định trong tờ yết thị lãnh chẩn.
Chủ quán nói :
– Từ bao lâu nay, bây giờ bỗng dưng có việc phát chẩn tiền bạc
cho dân nghèo, kỳ thật! Những khi hạn thủy, hạn hán dân chẳng được lấy
một tiền.
° ° °
Từ Tiên Long trấn, ba hiệp khách theo đường nhỏ ăn
thông với đại lộ Thái An huyện. Phàn mẫu và vợ chồng Phàn Thế Hùng mừng
rỡ thấy ba người trở lại.
Lam Y đem việc hạ sát bọn Hắc Đầu Đà kể lại một lượt, Phàn mẫu
cũng nhẹ được nỗi đau đớn phần nào. Nàng đặt mũi phi tiêu oan trái lên
bàn thờ Mộng Liên thắp hương khấn vái một hồi, cầu cho oan hồn kẻ bạc số được hả lòng nơi chín suối.
Mấy hôm sau, anh em Chu gia xin phép Phàn mẫu trở về Tô Châu.
Một hôm, qua Phong Giang huyện, ba người nán lại tửu lầu trước
cửa huyện đường, định bụng dùng bữa trưa xong là lên đường ngay, chẳng
ngờ trong khi ăn uống, thì thấy cổng huyện mở toang, bốn tên lính khiêng chiếc củi đứng gióng gỗ lớn bằng tay đặt ngay bên cạnh cổng.
Lát sau, hai tên lính khác tay cầm roi hò hét, lôi một người y
phục tả tơi đầy vấy máu, tóc xõa xuống mặt, hai tay bị trói quặt lại sau lưng.
Tội nhân đó có vẻ bị đánh đau lắm, đi được vài bước lại té lăn ra mặt đất.
Hai tên lính la hét rầm rầm, hoa roi lên quật lấy quật để :
– Đồ súc sanh thông đồng với giặc, không chịu đi, còn định để chúng ông phải khiêng mày sao! Khiêng này…
Miệng chửi tay quất roi vun vút. Tội nhân hình như đã quá đau,
da thịt ê ẩm không kêu ca, mặc cho chúng hành hạ. Bất nhẫn quá, Âu Dương Bích Nữ buông đũa đứng lên toan xông ra can thiệp, nhưng Lam Y kịp ngăn lại, đưa mắt nói :
– Mặc họ, xem tình hình thế nào đã.
– Tử tù thì đến hành quyết là cùng chớ gì, hành hạ bất nhân quá! Tiểu muội vẫn không ưa lối hành động cậy thế của lũ tiểu tốt ấy! Bực
thật!
– Nhưng đừng để mọi người chú ý tới bọn ta.
Hai tên lính đã lôi tội nhân ra tới chỗ củi đứng, đẩy y vào đó,
đóng xập cửa lại, rồi khóa chiếc khóa đồng lớn bằng ống chân. Một tên
lính khác từ trong huyện đi ra quét hồ dán tờ giấy xanh lớn lên trên tấm biển ở phía trên cũi.
Khách qua đường xúm lại đứng vòng trong vòng ngoài, nhưng kỳ
thay, nét mặt người nào cũng có vẻ ái ngại cho kẻ tội nhân tử tù đó.
Nguyên luật pháp thời bấy giờ, kẻ nào thông đồng với giặc cướp
sau khi bị kết án, đều bị giam vào cũi đúng bảy ngày trước khi ra pháp
trường, cho thiên hạ coi đó là tấm gương. Trong thời gian bảy ngày, cứ
chính Ngọ, tội nhân bị đem ra cổng huyện nhốt cũi cho tới khoảng cuối
giờ Thân lại nhập ngục. Lính canh phòng được tăng cường phòng khi đồng
bọn giặc lẩn vào huyện thành cướp ngục.
Chu Đức Kiệt ra khỏi quán, đứng lẩn vào nơi đông người nhận xét.
Chàng đọc mấy hàng chữ trên tấm giấy xanh:
“Tên Dương Cảnh Thái, chân tú tài, huyện Phong
Giang, đồng lõa với đám cường đạo Ma Vân cốc. Y đã nhận tội trạng liên
lạc với bọn lục lâm trong vụ cướp huyện hồi tháng mười năm ngoái.
Phủ đường đã phê chuẩn hành quyết lệnh.
Nhân dân hãy trong đó làm gương”.
Qua làn tóc xõa trên mặt, Chu Đức Kiệt nhận thấy nét mặt tội nhân thanh tú, hiền lành.
Trở vào trong quán chàng đứng bên quầy hàng gợi chuyện với chủ quán :
– Gớm nhỉ! Tên họ Dương tướng người trói gà không nổi, nó làm được việc tày đình. Thế mới biết, xét người qua bề ngoài sai hết.
Chủ quán chép miệng lắc đầu, nhìn họ Chu từ đầu đến chân :
– Quý khách từ xa qua đây phải không?
– Chính phải!
– Có lẽ vì thế nên khách quan không rõ gia cảnh Dương tú tài.
– Vì y nghèo nên thông đồng với bọn lục lâm kiếm tiền xài chăng.
Một thực khách ra quầy trả tiền.
Chủ quán im lìm không dám hé môi, lát sau, nhìn Chu Đức Kiệt y chậm rãi nói :
– Xin khách quan hiểu cho. Bổn quán buôn bán ngay trước cửa huyện, kẻ ra người vào chẳng ai gian ai ngay khó, nói lắm.
Đức Kiệt mỉm cười trả tiền, cùng Lam Y, Âu Dương Bích Nữ lên ngựa đi thẳng.
Nhằm một quán vắng vẻ gần Đông Môn, ba người vào lấy phòng trọ.
Chiều hôm ấy, Đức Kiệt gợi chuyện Dương Cảnh Thái với tiểu nhị :
– Nói đến Dương hiếu tử, người huyện này ai ai cũng biết. Y bị oan khách quan ạ.
Nhưng huyện quan xử như vậy, thì biết làm thế nào :
– Lai lịch họ Dương ra sao?
– Khách quan đã hỏi, tôi cũng chẳng dám tiếc…
° ° °
Dương Cảnh Thái nhà ở Nam Ngư lộ, mồ côi cha từ nhỏ
và chí hiếu với mẹ. Nhờ gia cảnh khá giả nên họ Dương theo nghề đèn sách năm xe, bảy gánh thuộc lòng.
Dương mẫu có Cảnh Thái là con một, nên năm con trai mới mười tám tuổi đã cưới nàng dâu, người cùng huyện là Kỳ Tố Loan, nhưng mong mau
có cháu bế. Tố Loan là con nhà buôn bán, có sắc đẹp hiền dịu thùy mị,
hầu như mẹ chồng rất đỗi nết na, người đồng huyện ai ai cũng quí mến.
Cưới dâu được hai năm, Dương mẫu mất vì bệnh già.
Từ đó, cặp vợ chồng trẻ ở một mình tại nhà, tình chăn gối thiệt
mặn nồng không hề xảy ra chuyện gì xích mích. Vì muộn con, nên Kỳ thị
không mượn người làm công e tốn ải, mình nàng cáng đáng hết mọi việc
trong nhà. Bà con lối xóm đều có lòng quý mến và khen Cảnh Thái ở hiền
gặp lành nên mới có nội trợ nết na như Tố Loan. Vợ chồng Kỳ ông cũng
thường sang thăm rể và con gái.
Dương Cảnh Thái chuyên việc đèn sách thi đậu Tú tài, nhưng từ đó cũng không tiến xa hơn được nữa, có lẽ tại vận thanh vân chưa tới hay
vì không biết đường lo lót nên công danh lận đận nhiều lần.
Kỳ Tố Loan không lấy thế làm buồn, thường khuyên nhủ chồng :
– Học tài thi phận, hội rồng mây cũng còn do nơi thiên số, chàng chẳng nên lấy thế làm buồn, đường công danh hữu chí cánh thành, có công mài sắt tất có ngày nên kim, gia cảnh đủ ăn, chàng đừng lo mà hao tổn
tinh thần thêm hại đường kinh sử.
Thấy vợ nết na hiếu thuận, Cảnh Thái chiều chuộng thương quý vô cùng và cũng khuyên giải vợ đừng lo nỗi muộn con.
Năm Cảnh Thái hai mươi lăm, có người biểu huynh họ xa là Hồ Tích Thiện từ Phước Kiến tới ở đậu. Họ Hồ nói là đi buôn bị cường đạo bóc
lột hết nên tới Phong Giang huyện ở nhờ Dương Cảnh Thái, chừng nào có cơ sở sanh nhai sẽ đền ơn và ở riêng. Thêm một người nữa chẳng qua chỉ
thêm chén thêm đũa, tốn ải chẳng là bao, Kỳ thị trái lại rất mừng rỡ vì
chồng có bạn tối ngày đàm luận đỡ buồn.
Tới Phong Giang huyện chưa được bao lâu, nhờ tài khéo nói, luồn
lọt giỏi nên Hồ Tích Thiện quen biết nhiều người, nhất là giới đề lại
trong huyện đường. Suốt ngày, Tích Thiện theo họ lúc rong chơi khi chè
chén thường để cơm đợi canh chỉ tối mới lần về nhà ngủ, mai sớm lại biến mất. Vợ chồng họ Dương cũng mặc y để giữ nguyên tình hòa hảo người nhà.
Hơn một năm sau, nhờ khéo luồn lọt, Hồ Tích Thiện chạy được chân nha lại trong huyện và được quan huyện là Liễu Thoại Tân trọng dụng. Từ đó, Hồ Tích Thiện thường đi luôn hai, ba ngày mới về nhà một lần, lần
nào cũng say khướt, nhiều khi nôn ộc đầy nhà khiến Kỳ thị phải dọn dẹp.
Thấy chồng không nói, Kỳ thị cũng đành nhịn không hé nửa lời.
Cực chẳng đã, một hôm Dương Cảnh Thái bảo Tích Thiện :
– Biểu huynh đi chơi đêm về trễ luôn luôn, cửa nhà trống hoắt! Xảy ra việc trộm cướp thì sao?
Tích Thiện ba hoa :
– Có ta ở đây còn đạo chích nào dám bén mảng tới mà lo? Nếu chú
mày muốn ta đi nơi khác thì thủng thẳng ta sẽ đi. Không cần nhiều lời.
– Từ khi huyện này bị cướp, tôi thấy lo ngại mới nói vậy, còn thì mặc ý biểu huynh.
Hồ Tích Thiện cười xằng sặc :
– Chú mày định nói tới bọn Ma Vân cốc hả? Bắt được một tên trong bọn rồi và sẽ bắt thêm nữa. Chúng phải có tay trong mới đột nhập nổi
huyện đường này, đương nhiên vào sao nổi! Ta sẽ bắt cả bọn cho mà coi.
Thấy Tích Thiện ngang bướng như vậy, Cảnh Thái mặc không nói
nữa. Nhưng cơ sự đã xảy ra tai hại hơn mà Dương Cảnh Thái không ngờ tới. Trong thời gian sau này, những khi họ Dương vắng nhà, Hồ Tích Thiện
thường lả lướt thả lời trêu chọc Kỳ Tố Loan. Kỳ thị giận lắm mắng y
nhiều lần.
Họ Hồ không lấy thế làm xấu, nhăn nhở :
– Nàng tưởng làm vợ tú tài hãnh diện lắm sao? Như ta đây ra vào
nơi huyện đường trên yêu dưới kính, muốn gì được lấy, nàng hãy chịu khó
nghe lời, ta chẳng phải con người không biết yêu thương tiếc ngọc đâu!
Vả lại, Cảnh Thái biết sao được mà lo? Mất mát gì cho cam.
Kỳ thị giận quá, không ngờ tên họ Hồ lại cẩu trệ đến nước ấy. Nàng vào phòng gài cửa lại.
Từ đó, tuy chẳng dám nói sự thật với chồng e xảy ra sự không hay giữa hai anh em, nhưng Kỳ thị khuyên chồng đuổi Tích Thiện nơi khác.
Thấy Tích Thiện trơ tráo vô liêm sỉ, Cảnh Thái nể vợ nhận lời nói, thiệt ra chàng không muốn so lời với họ Hồ nữa.
Một hôm, Cảnh Thái đi sang huyện bên đòi tiền, vắng nhà mấy hôm. Trái với thường lệ, Hồ Tích Thiện bất chợt về nhà thấy vắng tanh cửa
phòng họ Dương đóng chặt, bèn leo lên giường nhà ngoài nằm ngủ.
Vừa đặt mình xuống, y bỗng nghe thấy tiếng bì bõm vã nước trong
phòng… Mỉm cười tinh quái, Tích Thiện nhón nhén đi vòng ra lối sau ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ… Chao ôi! Y run bắn người lên, trợn mắt nhìn
kỹ. Cái cảnh mà y đang co diễm phước thấy diễn ra ở bên trong thiệt là
hãn hữu… Người đâu mà trong ngọc trắng ngà! Kỳ Tố Loan ngồi trong bồn
nước lớn đang tắm. Nàng vô tình vớt nước lên khắp người, chà sát nào cổ, nào ngực, bộ ngực nở nang tròn tĩnh biết nhường nào. Tắm xong, nàng
đứng thẳng người lên vuốt nước, lau khô…
Tích Thiện rung lật bật, nuốt nước miếng ừng ực, lóe mắt, ngây
ngất như được lạc vào động Thiên thai ngắm trộm Tiên nữ khỏa thân nước
giao trì.
Như có linh tính báo có kẻ nhòm ngó, Tố Loan vội trùm khăn che người, chạy vào giường hạ màn che xuống…
Sợ lộ hình tích, Tích Thiện cũng vội trở ra ngoài, bước nhẹ lên giường kéo mền giả đắp ngủ say.
Mở cửa bước ra khỏi phòng, Kỳ Tố Loan giật mình khi thấy họ Hồ nằm ngủ. Nàng nghi ngờ, hiểu một đôi phần…
Tới chiều, Hồ Tích Thiện vùng dậy, thản nhiên :
– Dương biểu đệ đi đâu không có nhà?
Tố Loan lẳng lặng xuống bếp.
Tích Thiện nhăn nhở cũng khoác áo bỏ đi nốt. Kỳ thị vuốt ngực
thở phào, nhẹ nhõm. Nàng tự giận đã để chồng đi xa và không biết nói
thực với chồng! Biết tính sao đây! Suy tính giây lát, Kỳ thị thu xếp
tiền bạc áo quần gói vào một bọc, khóa trước, khóa sau bỏ nhà sang tạm ở với cha mẹ đẻ, chờ Dương Cảnh Thái về sẽ hay.
Tối hôm ấy, Hồ Tích Thiện lần về nhà với ý định nhất quyết ép
liễu nài hoa cho thỏa lòng khao khát bất lâu nay. Chẳng ngờ, khi về tới
nhà, thấy cửa đóng khóa ngoài. Tích Thiện nổi giận đùng đùng lấy dao cạy tung khóa đồng ra, đi thẳng vào nhà chờ đến lúc trời tối hẳn. Chắc chắn là Kỳ thị sợ mình, lánh sang nhà cha mẹ, chờ chồng mới trở về nhà. Tích Thiện tức bực không biết làm thế nào cho nhẹ bớt lòng dục bùng cháy từ
lúc nhìn trộm thấy Tố Loan khỏa thân tắm trong phòng, y bèn rẽ sang xóm
ca nhu vũ nữ. Tuy vậy, lòng ham muốn chiếm đoạt thể xác Tố Loan vẫn như
nung nấu trong lòng tên Tích Thiện mà bất thiện ấy. Y coi Dương Cảnh
Thái như là chướng ngại vật ngăn đôi y và Dương Kỳ thị.
Mấy hôm sau, Dương Cảnh Thái về nhà thấy khóa bị bẻ tung, cánh
cửa he hé thì giật mình chạy vội vào nhà. Cửa phòng khóa cửa sau cũng
vậy, Cảnh Thái đoán có việc gì trong lúc mình vắng nhà nên Kỳ thị mới bỏ nhà đi.
Chàng liều sửa lại cửa, khóa như trước rồi sang thẳng nhạc gia.
Gặp vợ, họ Dương mừng rỡ, nói giỡn :
– Tôi tưởng hiền thê bỏ đi nơi khác rồi.
– Phu quân còn giỡn sao? Nếu thiếp không lanh trí, có lẽ giờ đây vợ chồng chẳng còn nhìn thấy nhau.
Kỳ thị liền đem việc lúc đang tắm thì Hồ Tích Thiện trở về, và nàng có cảm tưởng y đã nhìn trộm qua khe cửa sổ sau nhà.
– A, thảo nào mà khóa ngoài bị bẻ gãy, cánh cửa hé mở. Chắc tên
súc sanh trở lại nhà tối hôm đó với ý định bất hảo. Được! Đã vậy tôi sẽ
cho nó một bài học giáo dục.
Kỳ thị âu yếm nhìn chồng.
– Từ trước phu quân không nói nó, nay mắng chửi y làm chi cho thêm thù hận.
– Chúng ta ở nhà vắng vẻ có lẽ không tiện, chi bằng hãy ở nhà
bên nhạc gia ít lâu, mặc cho tên Tích Thiện ngán bỏ đi, lúc đó ta sẽ về.
Dương Cảnh Thái nói :
– Có tôi ở nhà, thẳng cẩu trệ ấy chẳng dám giở trò, ngoài ra còn có luật pháp công minh chớ, hiền thê e sợ gì nó.
– Phu quân chính nhân quân tử. Tích Thiện bẩm tánh tiểu nhân,
thiếp chỉ e nó hại người sau lưng thôi. Chi bằng cứ lánh tạm ở đây là
hơn cả.
Dương Cảnh Thái nhất định không nghe. Cực chẳng đã Kỳ thị cũng
đành chiều ý. Luôn mười hôm sau, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cả. Hồ Tích Thiện cũng biệt dạng.
Vợ chồng họ Dương đã có ý mừng. Cảnh Thái bảo vợ :
– Hiền thê coi tôi nói có trúng không? Nghe mọi người bàn tán từ lâu, hình như Tích Thiện có nhà riêng. Bây giờ mới vỡ lẽ là y còn ở lại đây là vì mê luyến hiền thê. Thiệt không ngờ! Để coi y còn để y phục ở
đây không.
Dương Cảnh Thái mở chiếc rương kê gần giường Tích Thiện ra xem :
– A, Tích Thiện đem hết quần áo đi rồi. Càng hay để mang tiếng ác phải đuổi đi.
Kỳ Tố Loan mừng lắm. Nhưng phước bất trùng lai, họa vô đơn chí.
Một buổi sáng sớm kia, vợ chồng Dương Cảnh Thái còn đang mơ màng ngon giấc thì bỗng có tiếng đập cửa rầm rầm. Giựt mình, cả hai cùng
trỗi dậy ngơ ngác nhìn nhau chưa đoán ra được việc gì, thì tiếng đập cửa lại vang lên.
– Dương Cảnh Thái có nhà không?
Nghe gọi đích danh, Cảnh Thái vội vàng chạy ra khỏi phòng, hỏi vọng ra ngoài :
– Ai đó, sáng sớm tinh sương, hỏi chuyện chi vậy.
Tiếng người quát lớn :
– Lệnh huyện quan sai tới, mở cửa mau không ta phá bây giờ.
Tự nghĩ mình tâm địa thẳng thắn, không hề làm điều chi phi pháp, mở cửa chớ lo chi. Nghĩ đoạn, Cảnh Thái kéo then chưa mở kịp, thì hai
cánh cửa đã bị đẩy tung ra. Bọn nha dịch gươm đao tuốt trần xông thẳng
vào nhà, vây tròn lấy Cảnh Thái. Viên chỉ huy xuất trình giấy tống đạt
cho họ Dương coi. Cho hai tên nha dịch đứng kèm bên Cảnh Thái rồi tự
mình dẫn đồng bọn bắt đầu khám xét trong nhà.
Kỳ thị sợ hãi chạy vội ra nói :
– Nhà tôi làm ăn lương thiện xưa nay, người huyện Phong Giang này ai ai cũng biết, sao lại có sự ức hiếp như thế này.
Viên chỉ huy nạt lớn :
– Tội ai làm kẻ ấy chịu. Phận đàn bà biết điều câm miệng, kẻo vạ lây đó.
Ức quá, Kỳ thị ôm mặt khóc rưng rức. Bọn nha lại khám khắp trong phòng, ngoài nhà không thấy gì bèn kéo nhau ra sân sau xuống bếp ra
vườn. Hồi lâu, chúng cầm một bọc hai chục đĩnh bạc bê bết đất, bảo Cảnh
Thái :
– Bạc này lấy ở đâu ra nhiều như vậy? Phải chẳng là phần của nhà ngươi được bọn cướp ba nhà họ Thường, Lý, Trần chia cho, nên chôn giấu
dưới gốc cây mộc lan ngoài vườn kia.
Vợ chồng Dương Cảnh Thái ức quá, không biết nói sao thì viên chỉ huy đã hô nha dịch trói Cảnh Thái điệu đi. Kỳ thị xông ra níu chặt lấy
chồng khóc ầm ĩ, bọn nha dịch gạt trở lại.
Viên chỉ huy nói :
– Nàng khôn hồn hãy tạm lánh sang nhà cha mẹ kẻo Cảnh Thái nhận
tội, nhà cửa sẽ bị niêm phong đó nghe? Sẽ có ân nhân gỡ tội cho.
Nói đoạn, y theo bọn nha dịch điều họ Dương về huyện.
Người lối xóm thấy động đứng vòng trong vòng ngoài xem, ai nấy đều ái ngại thay cho vợ chồng họ Dương oan uổng.
Kỳ thị khóc sướt mướt chưa hiểu xử sự ra sao, ông già họ Triệu
và người phước hậu bước tới khuyên nàng vào nhà chờ xem quan trên xét xử ra sao chớ đứng mãi ngoài đường khóc lóc cũng chẳng ích gì. Kỳ thị nghe lời vào trong nhà, Nhân dịp vắng vẻ, Triệu lão nói nhỏ :
– Trong vụ này tất có kẻ âm mưu hãm hại, nhân dịp chúng vô tình
lỏng tay, thái thái mau lẹ thu xếp tiền bạc áo quần lén sang nhà lão tạm lánh ít ngày xem sao. Nếu chạy sang nhà lệnh phụ, lỡ chúng biết âm mưu
kết tội đồng lõa thì khốn. Lão sẽ đảm nhiệm việc thông báo cho Kỳ lão
ông biết việc này, thái thái an tâm.
Kỳ thị nghe phải, tức khắc thu xếp lẻn lối sau đi vòng ra đầu
xóm đến nhà Triệu lão. Một mặt, Triệu bà chờ sáng rõ sang báo tin cho Kỳ Thúc Đạo, thân sanh Kỳ thị biết rõ tự sự.
Nói về quan huyện sở tại là Liễu Thoại Tân trị nhậm Phong Giang
được trên hai năm, tánh tình khắc nghiệt chuyên dùng bạo pháp tra án nên nhiều người hàm oan. Đã hồ đồ lại ưa lệnh, gặp Hồ Tích Thiện mồm mép
bẻo lẻo, Liễu tri huyện lấy làm ưng ý cất nhắc cho từ chân nha dịch lên
chức tư văn. Tích Thiện nói sao, huyện quan đều lọt tai hết.
Từ khi xảy ra vụ cướp lớn hồi cuối năm ngoái, nha dịch bắt được
tên côn đồ họ Lỗ tên Đắc biệt hiệu Hắc Ma Vương, tình nghi dính líu
trong vụ cướp. Điều tra nhiều lần, Lỗ Đắc bướng bỉnh không khai nhận chi hết, nên huyện quan vẫn cho hạ ngục y chờ bắt thêm được đồng đảng sẽ
tiếp tục tra xét sau. Liễu Thoại Tân thấy Hồ Tích Thiện lanh lẹ bèn trao cho đặc vụ bí mật điều tra nội, ngoại huyện xem may ra bắt thêm được
nhân chứng nào đưa vụ cướp lớn đó ra ánh sáng. Họ Hồ nham hiểm liền tính kế đưa Dương Cảnh Thái vào vòng lao lung để chiếm đoạt Kỳ Tố Loan.
Từ hôm nhìn trộm Tố Loan tắm, Hồ Tích Thiện lòng càng thêm nung
nấu những muốn đoạt ngay người đẹp cho thỏa lòng dục vọng. Y bèn nghĩ ra một kế cực kỳ bất nhân, kế mà chỉ những loài nhân diện thú tâm như y
mới làm nổi.
Tích Thiện liền vào trong ngục thăm Hắc Ma Vương Lỗ Đắc gông đứng bên cửa sắt, lắc đầu cười lạt :
– Vô ích! Ta không khai đâu. Đừng mất công.
Hồ Tích Thiện ôn tồn :
– Ta vào đây không phải để điều tra, nhưng để tính một việc có
lợi cho ngươi và lẽ cố nhiên lợi cho cả ta, còn nghe hay không mặc
ngươi.
Nghi ngờ, Lỗ Đắc nheo mắt nhìn họ Hồ hồi lâu :
– Được! Nói thử xem nghe có trôi không…
Hạ giọng, Tích Thiện mở hẳn cửa bước vào trong ngục bảo :
– Tuy ngươi không khai gì hết trong vụ cướp lớn này, nhưng bao
lâu nay vẫn bị hạ ngục như thường chưa biết bao giờ mới được thả. Nay
quan huyện đặc cách cho ta điều tra án tích hồ sơ đều ở trong tay ta giữ nên muốn thương lượng với ngươi một điều…
Lỗ Đắc cả cười :
– Tiền bạc hả, Hắc Ma Vương này vô gia đình lang thang nay đó, mai kia, làm gì có tiền bạc mà lo lót.
Tích Thiện lắc đầu :
– Ngươi đoán sai rồi. Ta không cần tiền bạc, nhưng ta có một kẻ thù…
Ngừng nói, Tích Thiện nhìn thẳng vào mặt Lỗ Đắc nhận xét. Hồi lâu nói tiếp :
– … Ngươi sẽ khai là đêm hôm cướp, ngươi bất chợt đi đâu qua
đó bắt gặp… kẻ thù của ta tuy bịt mặt nhưng ngươi nhận ra dáng người
và giọng nói của y đang nói chuyện, chỉ nhà ba họ Thường, Lý, Trần cho
bọn giặc mà ngươi nghi ngờ là bọn Ma Vân cốc. Kẻ thù của ta sẽ thế chân
ngươi trong vụ này. Do đó, ngươi sẽ vô can và ta sẽ lo cho ngươi thoát
khỏi vòng lao lung này sớm ngày nào hay ngày ấy. Một khi thoát khỏi nơi
đây, ngươi chỉ có việc đào tẩu ngay đi phương khác là êm chuyện, cần
tiền bạc ăn đường, ta sẽ đài thọ.
Hắc Ma Vương dịu nét mặt suy nghĩ :
– Nói vậy nghe được lắm! Kẻ vô phước đó là ai?
Tích Thiện ghé tai Lỗ Đắc nói nhỏ.
Hắc Ma Vương cười khẩy :
– Tưởng ai chớ con người ấy thì huyện quan nào khờ dại nghe lời lấy cung.
– Việc đó mặc ta, miễn rằng ngươi nhận lời là đủ.
Lỗ Đắc suy nghĩ hồi lâu :
– Kể ra thì táng tận lương tâm đấy, nhưng trong đời đầy rẫy sự
bất công chớ riêng gì vụ này! Nằm ngục tối bấy nhiêu lâu có ai đoái
tưởng tới Lỗ Đắc này không!… Được, tôi nhận lời, nếu không giữ lời hứa thì chớ trách Hắc Ma Vương này nhé.
Hồ Tích Thiện mỉm cười gật đầu, lấy trong áo ra một gói bánh bao đưa cho Lỗ Đắc :
– Đây, ăn đi! Đừng quên nghe.
Hai hôm sau, Dương Cảnh Thái bị bắt. Tội nhân vừa bị giải tới,
Liễu tri huyện tức khắc cho khai trống đăng đường. Nha dịch đứng giàn
hai bên răm rắp.
Viên lục sự ngồi kế bên huyện quan. Trong góc công đường, tư văn viên Hồ Tích Thiện ngồi bên chiếc bàn chồng chất hồ sơ. Viên lục sự
truyền dẫn tội nhân vào. Hai nha dịch đi kèm hai bên tả hữu, Cảnh Thái
tay bị trói giựt cánh khuỷu, bước vào quỳ trước án đường.
Liễu tri huyện hỏi lớn :
– Ngươi có phải là Dương Cảnh Thái không?
Họ Dương cúi đầu dõng dạc thưa :
– Da, vãn sanh phạm tội gì mà đại quan cho bắt tới đây.
– Phạm tội gì ngươi tự hiểu. Hãy nghe lục sự viên đọc trạng.
Lục sự đứng vậy đọc bản cáo trạng, đại khái nói Dương Cảnh Thái
tư thông với lục lâm Ma Vân cốc, hồi cuối năm ngoái làm chỉ điểm viên
cho giặc cướp phá ba họ Thường, Lý, Trần lấy của giết người. Chẳng ngờ
trong khi hành động có tên côn đồ Lỗ Đắc đi đêm bắt gặp. Lỗ Đắc bị giam
lâu ngày, không chịu nổi cực hình nên phải khai sự thật, nha dịch được
lệnh đến khám nhà Dương Cảnh Thái là kẻ bị tình nghi, bắt được số bạc
hai chục đỉnh chôn giấu dưới gốc cây mộc loan ngoài vườn. Bởi vậy, bị
can bị truy tố về tội thông đồng với giặc.
Nghe viên lục sự đọc bản công tố tội trạng, Cảnh Thái lạnh toát
cả người, nhìn vào trong thấy Hồ Tích Thiện nghiêm chỉnh ngồi trước đống hồ sơ, lặng lẽ nhìn mình như kẻ không quen biết bao giờ. Chàng thấy hối hận đã không nghe lời vợ tạm lánh đi nơi khác ít lâu để đến nỗi bị tai
bay vạ gió.
Liễu tri huyện cất tiếng hỏi khiến chàng giật mình :
– Họ Dương nghe rõ tội trạng chưa.
Cảnh Thái ảo não thưa :
– Bẩm đại quan, vãn sanh là người sanh trưởng tại huyện nhà, ai
ai cũng biết, ngày ngày chỉ biết dùi mài kinh sử, đọc sách thánh hiền,
tuyệt nhiên không bao giờ phiếm đức chớ đứng nói tới việc liên lạc với
tên giặc Ma Vân cốc. Vụ này quả là oan ức, cúi mong đại quang minh xét.
Đập bàn ầm ầm, Liễu tri huyện quát.
– Được ngươi chối tội! Nhưng việc tìm thấy hai mươi đĩnh bạc chôn trong vườn sau nhà, ngươi trả lời ra sao?
– Dạ, chắc có kẻ hãm hại vãn sanh nên chôn bạc đó sau nhà.
– Ủa! Ngươi đi vắng thì đã có vợ ở nhà, ai vào đó chôn nổi số
bạc ấy được. Tên này cứng đầu cổ, tội trạng đã rành rành còn lẻo mép
chối tội. Dùng biện pháp ôn tồn thì ngươi không bao giờ cung khai! Quân
đâu! Nện cho nó hai chục hèo, mau!
Nha dịch dạ rân, nọc Dương Cảnh Thái ra mặt sàn gạch, đánh đủ
hai mươi hèo tre. Chưa bao giờ bị lâm vào cảnh này, hai mông bị đòn chảy máu dầm ra đầy quần, Cảnh Thái trước còn kêu la, sau ngất lịm.
Huyện qua sai đổ nước lên mặt họ Dương cho tỉnh dậy.
Dân trong huyện được vào xem đứng quanh sân, ai cũng thương sau
ái ngại thay cho Cảnh Thái mà không biết làm thế nào can thiệp được, sợ
vạ lây. Dạn dĩ có người thấy họ Dương đau đớn kêu la quá phát sợ ngất
hẳn trên sân. Cảnh Thái lần lần tỉnh dậy. Hai tên nha dịch đỡ cho quỳ
như trước.
Liễu tri huyện quát :
– Cảnh Thái! Ngươi có nhận tội không?
– Bẩm đại quan, quá oan ức cho vãn sanh.
– Được, ta cho ngươi gặp ngươi đã trông thấy ngươi đêm cướp nhé!… Tả hữu, điệu cổ thằng Lỗ Đắc lên đây! Mau.
Lát sau, một tên vai u thịt bắp, mặt đen bóng, râu tóc lởm chởm
đeo xích sắt theo lính đi ra quỳ trước sân, cách họ Dương chừng vài
thước.
Lạy chào quan huyện xong, Lỗ Đắc nhìn Dương Cảnh Thái nói :
– Dương tú tài! Đáng lẽ tôi không khai sự thật là cố ý giấu diếm hộ, nhưng tôi vô tội mà bị giam cầm điều tra lâu quá nên đành phải phụ
ông còn hơn là để người phụ tôi, tú tài đừng trách tôi nhé.
Nghe Lỗ Đắc vô cớ đổ tội cho mình, Cảnh Thái ức quá :
– Lỗ Đắc, ngươi có thù gì với ta mà nỡ tâm hại ta như vậy. Có
nói có, không nói không, lương tâm dạy ngươi hại kẻ hiền lương sao.
Lỗ Đắc nheo mắt, nhăn nhở :
– Thôi đi, tú tài ơi! Đêm hôm đó rõ ràng đại ca chỉ đường cho Ma Vân cốc cùng đồng bọn cướp ba nhà Thường, Lý, Trần. Y gọi tên đại ca và đưa cho đại ca bao bạc lớn và nói thêm: “Lần sau sẽ cho nhiều hơn, bây
giờ hãy tạm nhận hai mươi đĩnh bạc”. Đại ca nhận bạc xong đi về, thì Ma
Vân cốc mới bắt đầu cùng đồng bọn đánh phá tài gia. Đại ca còn muốn nói
chuyện lương tâm à! Hà.. Hà… Lỗ Đắc này bị điều tra cực hình hạ ngục
tối trong bao lâu nay chì vì tình nghi đã dần đường chỉ lối cho Ma Vân
cốc, có thấy mặt đại ca đến thăm hay nuôi bữa nào không. Hay là đại ca
yên trí đã có đứa chịu tội thay, ở nhà hưởng tiền bạc lãnh thưởng, hú hí với vợ đẹp thâu canh…
Nghe tới đây, Liễu tri huyện hỏi :
– Nhân chứng rõ ràng tang vật hai mươi đĩnh bạc hẳn hoi, Cảnh Thái có nhận tội không.
Họ Dương lắc đầu một mực kêu oan.
– A! Tên này ghê gớm thật, không dùng cực hình không được! Quân bây! Tấn mau.
Thế là bọn nha dịch như hùm beo bắt được mồi ngon, xúm lại, kẻ
cùm, người kẹp, Cảnh Thái sức vóc học trò chịu sao nổi thảm hình, ngấy
đi ngất lại mấy lần. Về sau, chịu không nổi cực hình đành nhắm mắt nhận
liều.
– Được, tôi nhận tội, đưa tờ cung khai đây tôi ký.
Viên lục sự lấy ra một bổn cung tội biên sẵn cầm tới đưa tận nơi đưa nghiên bút cho họ Dương ký.
Mồ hôi nhễ nhại, máu chảy đầy mình, áo quần tả tơi, Cảnh Thái mờ cả mắt, cầm bút ký liều. Hồ Tích Thiện nhìn Cảnh Thái ra chiều đắc ý.
Tin Dương tú tài bị bắt về tội thông đồng với Ma Vân cốc và bị
cực hình truyền đi khắp Phong Giang huyện, Ai cũng thương xót vợ chồng
họ Dương và nhất quyết là người ấy bị oan, nhưng chẳng hiểu tại sao Cảnh Thái lại liều lĩnh nhận tội như vậy. Ngay đến ba gia tài họ Thường, Lý, Trần cũng không tin Dương Cảnh Thái thông đồng với Ma Vân cốc cướp phá
nhà họ. Việc Lỗ Đắc cung khai cho Cảnh Thái càng khiến họ ngạc nhiên hơn nữa.
Kỳ Thúc Đạo được Triệu lão cho hay tin nên yên lòng về phần con
gái mình. Một mặt, Kỳ ông lo liệu gửi thuốc men, áo quần và thức ăn cho
con rể. Nhưng Hồ Tích Thiện đã chuẩn bị không cho phép bất cứ một ai
được liên lạc với Dương Cảnh Thái.
Bọn cai ngục nể nang Kỳ ông, phần thương xót Cảnh Thái, nên cũng lén lút đem thuốc và thức ăn cho họ Dương.
Ngay chiều hôm ấy, Hồ Tích Thiện về nhà cố ý gặp Kỳ Tố Loan
nhưng thấy nàng đã bỏ nhà đi đâu mất. Hỏi thăm mấy nhà lân cận, không
một ai biết Kỳ thị đi đâu cả, giá có biết họ cũng chẳng nói. Tích Thiện
buồn rầu cho người dò xét khắp mọi nơi. Hai ngày sau, không được tin gì
về Kỳ thị, họ Hồ bèn nói với huyện quan niêm phong nhà họ Dương lại. Một mặt, y làm tờ phúc trình đưa Liễu tri huyện ký gởi lên Thiên Bình xin
chuẩn y vụ án Dương Cảnh Thái can tội thông đồng với cướp.
Thấy vụ án này đã kéo dài mất nhiều thì giờ, phủ quan phê chuẩn
ngay sự chấp thuận án tử tình họ Dương và cho thi hành ngay theo đúng
phong tục.
Dương Cảnh Thái vốn sức học trò yếu đuối, bị ốm liên miên sau
đòn tra tấn khắc độc ấy. Chàng đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn không hiểu trong khi chính mình mắc chốn lao lung, người vợ hiền ở nhà có bị kẻ
manh tâm đàn áp làm nhơ nhuốc đời nàng không? Từ huyện nha về nhà cũng
chẳng mấy đỗi đường, nhưng lúc này chàng cảm thấy như cả bức trường
thành vạn lý ngăn đôi hẳn chàng và Tố Loan, người vợ dịu hiền can đảm.
Thông đồng với giặc! Tội xử trảm! Tội đã nhận, khẩu cung đã ký,
cái ngày máu chảy đầu rơi chắc cũng chẳng còn xa! Rồi đây đôi ngã âm
dương, ôi đau đớn cho vợ chồng chàng biết là ngần nào.
Về phần Kỳ Tố Loan, nàng suốt ngày nằm trong phòng, lăn lộn đầu
tóc rối bời, khóc hết nước mắt. Nàng đã đoán ra kẻ gây cơn bão táp phong ba cho gia đình nàng đang êm ấm mặn nồng. Nếu chẳng may Cảnh Thái có
mệnh hệ nào, nàng quyết sẽ trả thù và tự sát để được cùng chồng chắp mối duyên xưa… Nàng không đau đớn nữa, can đảm chờ định mệnh. Theo dõi
tình hình bên ngoài, Kỳ thị phì cười chua chát. Nàng có ngờ đâu Cảnh
Thái đã nuôi ong tay áo.
Một tên họ xa khố rách áo ôn từ đâu đến xin nương nhờ. Nuôi ăn,
nuôi mặc, cho tiền. Thế rồi tên Tích Thiện vô lại ấy bỗng dưng trở thành tư văn viên của huyện quan, tác oai tác ác, vênh vang lên mặt luật gia, ưa ai vo tròn thù ai bóp bẹp, lấy đồng tiền làm lào, sống chết mặc bọn
dân hèn ngu xuẩn cổ ra mà chịu.
Những ai chẳng may phải tới nơi công đường thấy Tích Thiện áo
quần bảnh bao đi qua, đi lại hoặc nghiêm chỉnh ngồi trước án thư đầy
công tư văn, thì tưởng ngay y là thánh thần, lời nói có mực thước suy
tính đắn đo trước khi hạ cây viết, chớ biết đâu dưới chiếc áo thụng rộng tay ấy ẩn một con người trác táng đầy tội lỗi vắt ra rượu, bóp ra
khói… Con người tội lỗi và vô liêm sỉ ấy hiện đang làm tan nát gia
đình êm ấm của nàng.
° ° °
Nghe tiểu nhị kể sơ lược về gia cảnh họ Dương, Tam hiệp Chu gia trở về phòng nghỉ ngơi.
Chu Đức Kiệt bảo Lam Y và Âu Dương Bích Nữ ở nhà để chàng hỏi thăm sang nhà Kỳ Thúc đạo, hỏi rõ lại xem thực hư thế nào.
Quá giờ Thân, chàng trở về rủ Lam Y, Âu Dương Bích Nữ đai nịt gọn gàng lên thẳng huyện môn.
– Nhị vị hiền muội chờ đây xem động tĩnh thế nào, ngu huynh tự
kỷ vào ra mắt huyện quan. Nếu thấy có bạo động, cứ việc phá cũi đem
Dương Cảnh Thái ra khỏi huyện và chờ ngu huynh ở hướng chính tây. Sau đó sẽ hay.
Dứt lời chàng rẽ đám đông người tiến thẳng vào cổng huyện.
Bọn quan quân canh phòng liền ngăn lại.
Một tên quát hỏi :
– Đây là nơi công đường nghiêm cấm, ngươi định đi đâu mà xông xáo vậy.
Không thèm trả lời, Đức Kiệt gạt hẳn hai tên lính sang hai bên
xa tới hơn trượng, rút lẹ dù trống “Đăng văn” gõ mấy tiếng vang động,
rồi phăng phăng đi thẳng vào trong huyện, bọn lính đuổi theo không kịp.
Chiều hôm ấy rảnh việc, Liễu tri huyện vừa tan hầu chưa vào tới hậu đường, kinh ngạc :
– Quái! Tên nào dám dùng trống “Đăng văn”? Ta đã tuyệt đối cấm từ lâu mà kẻ nào cả gan mạt thượng.
Liễu Thoại tân lật đật đi ra.
Nào lục sự, tư văn, nào giáo đầu, nha địch lính huyện toàn thể
nhân viên huyện nha đang đứng xúm quanh một mãnh hán diện mạo khôi vĩ, y phục đen tuyền hoa bóng, chân vận hổ đầu hài, lưng gài chéo báu đao,
dáng điệu hòa nhã nhưng cực kỳ hiên ngang.
Thấy huyện quan đã ra công đường, mọi người vội đứng giàn cả sang hai bên, gươm đao tuốt trần.
Tráng sĩ tiến thêm lên mấy bước vòng tay vái chào, khiến mọi người trong huyện công phẫn sao y không quỳ lạy.
Phật lòng, Liễu tri huyện nói gần như gắt :
– Nhà ngươi đánh trống “đăng văn” vi phạm luật cấm. Oan khuất
điều chi? Nếu cố ý náo động công đường, tội ấy quyết không tha. Phải
biết bản chức đây chí công vô tư, đèn trời soi xét, trình bày ngay nỗi
oan uổng nghe.
Ném thẳng vào mắt Tri huyện luồn nhỡn quang long lanh nẩy lửa
khiến Liễu Thoại Tân phải chớp mắt luôn mấy cái, Chu Đức Kiệt cười khẩy :
– Đại quan đèn trời soi xét, quyết không có sự gì oan khuất, mà
từ thời trong cũi đứng ngoài cổng huyện có một người oan thấu động thiên hạ, toàn dân đất Phong giang này đều phàn nàn phẫn uất vì nỗi oan của
người đó.
– Là người học rộng biết nhiều, đại quan đã thấy án lệ hoặc cổ
hoặc nào nói về người con chí hiếu mà thông đồng với giặc để phạm tội
bất tạng chưa? Hay một bầy tôi trung nào phạm tội bất hiếu chưa? Cho
nên, vụ án hiếu tử Dương tú tài, tôi e đèn trời của đại quan soi chưa
thấu.
Liễu tri huyện nổi giận đập bàn quát lớn :
– Nhà ngươi tên chi, từ đâu tới hạt này? Khua môi múa võ nói bàn luật pháp? Tên Dương Cảnh Thái thông đồng với tặc đạo Ma Vân cốc tang
chứng rõ rệt, cung khai đàng hoàng. Bản chức chiếu theo luật pháp nhốt
tử tội vào cũi răn đe người khác. Ngươi là hạng người nào dám vào đây
mạt sát phụ mẫu chi quan? Giáo đầu và chư quan bắt tên này hạ ngục cho
ta coi.
Quân, tướng dạ rân xông lại, nhưng Chu Đức Kiệt nhảy lộn qua đầu chúng ta giữa sân nhấc chiếc cùm sắt bứt xích ra làm đôi liệng xuống,
trước mặt bọn giáo đầu pha dịch khiến chúng chùn cả lại :
– Liệu các ngươi có cứng rắn bằng chiếc cùm sắt này thì hãy động chơi ta nghe! Nếu ta cố ý bạo động chắc có kẻ bị bay đầu từ lâu rồi đó.
Dứt lời, chàng gườm gườm nhìn theo bọn nha lại, tiến dần vào trước án.
Mọi người sợ hãi lùi bước theo.
Liễu Thoại Tân cũng vội đẩy ghế lên toan chạy.
Chu Đức Kiệt nói lớn :
– Khoan! Chạy đi đâu cho thoát? Sơn Đông Chu Đức Kiệt này đầu
đội trời, chân đạp đất, không bao giờ giết kẻ hèn yếu! Hôm nay tới đây
dùng lý lẽ chỉ cốt minh oan cho Dương Cảnh Thái, mời huyện quan hãy can
đảm ngồi nghe.
Thấy cách cư xử đường đường chân chánh của họ Chu, Liễu Thoại Tân cũng hơi an tâm ngồi xuống như cũ.
Chu Đức Kiệt dõng dạc cất tiếng như chuông vang :
– Giang hồ hành hiệp qua đây nhận xét thấy họ Dương quả rất oan
uổng. Thấy việc nghĩa đáng làm mà bỏ qua tất không phải là kẻ trượng
phu.
– Đại quan bảo rằng việc họ Dương thông đồng với giặc tang chứng rõ rệt, vậy tôi xin hỏi: “Có chứng minh được số bạc tìm thấy trong nhà
họ Dương là do chính tay y hay vợ y chôn không?” Hay là có người khác
chôn vào đó để gieo vạ hãm hại chánh nhân quân tử? Lời khai của tên côn
đồ sanh vô gia cư, thác vô địa táng như Lỗ Đắc có đủ giá trị không? Hay
là tên côn quang đó đã nghe lời kẻ khác vu cáo đưa họ Dương vào vòng tử
tội! Cái quá khứ Cảnh Thái không đủ bảo đảm hơn là lời khai của tên Lỗ
Đắc sao. Sức trói gà không nổi như họ Dương mà bị cực hình, liệu lời
cung khai của y có xác thật không, hay là bị đau quá nên nhận liều? Dù
họ Dương có thật sự thông đồng với Ma Vân cốc, trong khi chưa bắt được
tên chánh phạm, đại quan căn cứ vào đâu khép Dương Cảnh Thái vào tử tội? Hành quyết họ Dương rồi, lỡ Ma Vân cốc bị bắt khai không hề liên lạc
với y, liệu đại quan có thâu hồi cái án tử hình và biến hóa cho họ Dương trở về nhân thế không? Khi đó, chính đại quan là người phạm tội sát
nhân, làm tan nát gia đình người hiền lương.
Tuy Liễu Thoại Tân tánh tình khắc nghiệt, tàn nhẫn, nhưng trước
những lý ngay lẽ cứng ấy, không còn biết trả lời thế nào, đành dịu mặt
nín thinh. Nhân viên huyện nha đờ người ra nghe, phục hào kiệt họ Chu
anh hùng bặt thiệp.
Riêng có Hồ Tích Thiện, mồ hôi toát lạnh cả người, lấm lét đứng lùi lại phía sau lánh mặt.
Nhận xét thấy lời nói của mình đã có hiệu quả, Chu Đức Kiệt đổi giọng ồn tồn :
– Tuy hiện nay họ Dương đã bị ghép vào tử tội, nhưng đại quan có quyền hủy lệ bỏ cũi, giam y vào ngục như mọi tội nhân khác, đình ngay
hành quyết lại, cấp tốc cho nhân viên truy tìm kỳ được Ma Vân cốc, đem
về đây đối chứng, lòng ngay thẳng của họ Dương sẽ được rõ ngay. Dù bất
tài, tôi cũng tình nguyện thuộc quyền điều khiển của đại quan, giúp đại
quan bắt tên Ma Vân cốc đem về đây điều tra trị tội. Chẳng hay đại quan
có ưng thuận không.
Liễu Thoại Tân nhận thấy mình quá đáng, chưa biết xử trí ra sao
truy nã Ma Vân cốc bằng cách nào, thì Chu Đức Kiệt đã tình nguyện đi bắt giặc giúp, liền tươi cười nói rằng :
– Chu tráng sĩ đã tình nguyện đi bắt Ma Vân cốc, thì bản chức
cũng ưng thuận trình lên phủ xin đình cuộc hành quyết Dương Cảnh Thái để chờ bắt được tên đạo họ Ma. Một mặt bản chức tạm tha cho họ Dương được
giam như thường tội chờ kết quả hành động của Chu tráng sĩ. Việc truy
tìm Ma tặc đạo, tráng sĩ phải tùy hành với bổ đầu bản nha. Chừng nào bắt được tên giặc, sẽ tra xét lần nữa, lúc đó mới định đoạt về họ Dương
được. Vậy tức thì hành động ngay?
Chu Đức Kiệt gật đầu :
– Lẽ cố nhiên phải hành động ngay, tôi cũng không có nhiều thì giờ la cà tại quý huyện.
Liễu Thoại Tân gọi giáo đầu Bàng Tuấn bảo :
– Giáo đầu cùng đi với Chu tráng sĩ trong việc bắt Ma Vân cốc.
Nếu có sự gì khó khăn với các địa phương khác thời giáo đầu can thiệp
với tư cách là nhân viên đi công vụ của Phong Giang huyện.
– Bàng Tuấn xin tuân lệnh.
Ngay từ lúc đầu, Bàng giáo đầu đã có ý khâm phục Chu Đức Kiệt
nay được cùng đi với vị hiệp khách ấy, họ Bàng lấy làm thích chí lắm.
Huyện quan sai nha dịch giải Dương Cảnh Thái vào hạ ngục như thường tội.
Chu Đức Kiệt nói :
– Tôi yêu cầu đại quan cho phép nhạc phụ Cảnh Thái là Kỳ Thúc
Đạo được hàng ngày vào ngục thăm và tiếp tế các thứ cần dùng cho y. Tôi
xin hoàn toàn bảo đảm nếu có sự gì bất trắc.
Liễu tri huyện ngần ngừ giây lát nhưng cũng ưng thuận, tan chầu, lui về hậu đường.
Lúc Chu Đức Kiệt cùng Bàng Tuấn đi ra cổng thì vừa gặp bộ dịch áp giải Dương Cảnh Thái trở vào.
Bàng giáo đầu bèn bảo cho họ Dương biết sự thể. Cảnh Thái hướng vào Chu Đức Kiệt vái lạy.
Họ Chu nói :
– Tú tài an tâm tĩnh dưỡng, tôi sẽ cố sức minh oan cho.
Chờ bộ dịch giải Cảnh Thái đi khỏi, Đức Kiệt bảo Bàng giáo đầu :
– Tôi còn có gia muội chờ ngoài kia, giáo đầu hãy theo tôi rồi đi đâu sẽ hay.
– Xin hiệp khách tùy tiện.
Hai người ra khỏi cổng huyện.
Lam Y và Âu Dương Bích Nữ chờ ngoài cổng huyện thấy Đức Kiệt mãi không ra, thì có ý nóng ruột xem sự thể thế nào. Vừa khi ấy bộ dịch
tháo cũi giải Dương Cảnh Thái trở vào huyện, hai người biết ngay hành
động của Chu Đức Kiệt đã có hiệu quả.
Dân chúng đứng xem đông đảo ngay từ lúc Chu Đức Kiệt xông vào
cổng huyện đánh trông “Đăng văn”. Họ nghe ngóng tin tức cho tới khi
Dương Cảnh Thái được ra khỏi cũi, thì ai nấy đều mừng cho cả nhà họ
Dương gặp được vị cứu tinh. Người nọ bảo người kia, không ngờ vị hiệp
khách xa lạ đó lại có năng lực khiến huyện quan có tiếng xưa nay là khắc nghiệt phải hồi tâm.
Kỳ lão ông có mặt tại chỗ, vui mừng hết sức, chờ Đức Kiệt trở
ra, vội tiến tới chắp tay ân cần cảm tạ. Đức Kiệt thuật cho Kỳ ông biết
việc huyện quan chấp thuận cho hàng ngày vào ngục thăm con rể.
Vốn quen biết nhau sẵn, Bàng giáo đầu cũng chúc tụng Kỳ ông có
phước mới gặp được hiệp khách can thiệp vụ này. Chu Đức Kiệt giới thiệu
Lam Y nữ hiệp và Âu Dương Bích Nữ với hai người.
Bàng Tuấn giật mình nói :
– Lâu nay nghe tiếng đại danh như cồn, không ngờ hôm nay Bàng mỗ lại có hân hạnh lớn được diện kiến quý vị giang hồ hiệp khách tại đây.
Vùng Phong Giang này từ hồi xảy ra vụ cướp của giết người tại ba nhà, Thường, Lý Trần dân chúng cẩn thận hàng ngày, Liễu tri huyện tuy
có phái nhân viên nhiều lần điều tra, nhưng vẫn không ra manh mối, nay
bỗng dưng không hiểu tại sao lại bắt Dương tú tài hạ ngục điều tra,
Riêng phần tôi vẫn không tin họ Dương phạm tội thông đồng với Ma Vân
cốc, duy Liễu tri huyện là một người chuyên chế rất đỗi khắc nghiệt,
chúng tôi thuộc hạ chỉ biết cúi đầu nghe lệnh chớ không dám phát biểu ý
kiến cản ngăn. Nay được gặp quý vị anh hùng hiệp khách can thiệp, âu đó
cũng là dịp để huyện quan cần suy nghĩ nhiều cho những vụ án khác nữa
sau này.
Lam Y nói mấy lời khiêm nhường.
Kỳ lão ông nói :
– Nhà lão rộng rãi, xin mời ba vị hiệp khách về tạm trú để bàn việc bắt lục lâm đ*o tặc cho tiện.
Chu Đức Kiệt nói :
– Chúng tôi còn để ngựa ở tửu quán.
– Nhà lão cũng có tàu ngựa xưa nay vẫn tiếp thượng khách tải
hàng hóa tới, tiện lắm. Nhân thể xin mời cả Bàng giáo đầu về nhà xơi
rượu và bàn kế tính cùng quí vị anh hùng đây.
Giáo đầu nhận lời.
Đức Kiệt nói :
– Mời Kỳ lão tiên sinh về trước, anh em tôi về quán trọ lấy ngựa tới sau.
Kỳ lão vâng lời, vội vàng về nhà thông báo cho Kỳ Tố Loan hay tin lành.
Tố Loan đang âu sầu khổ sở, sắc mặt lợt lạt, khóc nhiều mắt sưng húp, nhận được tin chồng gặp cứu tinh, nàng mừng rỡ vô cùng, vội quỳ
xuống trước bàn thờ Quan Âm nhà Triệu lão, tạ ơn Đức Phật Bà đã thấu
hiểu lời nàng cầu khẩn đêm ngày.
Chập tối hôm ấy, quanh thồi rượu tại nhà Kỳ Thúc đạo, Bàng Tuấn
thuật lại cuộc đối chất giữa Lỗ Đắc và Dương Cảnh Thái cho Tam hiệp
nghe.
Lam Y lắc đầu :
– Việc Cảnh Thái bị kẻ thù hãm hại hiển nhiên lắm rồi, nhưng căn cứ vào lời khai của tên côn quang họ Lỗ nói Ma Vân cốc là chánh phạm vụ cướp ba nhà Thường, Lý, Trần cũng không được. Biết đâu y khai gian cho
Ma Vân cốc cũng như y đã cung gian cho họ Dương? Ma tặc đạo là nhân vật
thế nào, giáo đầu có biết không :
– Tôi chỉ biết y qua các bản phúc trình và lời thiên hạ đồn:
Y là giống người sơn cước ở Vân Nam, dũng lực võ nghệ khá cao,
rất hung bạo, gây ra nhiều án mạng, cướp bóc nhiều nơi. Trong vòng hai
năm nay, Ma Vân cốc đến hành động ở nhiều nơi trong khu việc nhiều huyện này, bay đây mai đó, đổi chỗ ở luôn luôn, quan quân tuy hoạt động nhưng không thể nào kiềm nổi y. Hình như y có cái tật ở đỉnh đầu nên giới hắc đạo thường gọi y là Độc Giác Long. Hiện nay, nha dịch huyện vẫn tiếp
tục điều tra do thám với hy vọng may ra kiếm thêm được chi tiết nào về
vụ cướp hồi năm ngoái chăng.
Chu Đức Kiệt cười :
– Thế mà hồi chiều, vì muốn cứu Dương Cảnh Thái khỏi cực hình,
tôi cứ hứa liều là sẽ bắt Ma Vân cốc về nạp cho huyện quan. Bóng chim,
tăm cá, bắt được tên cường đạo ấy cũng còn mất nhiều thì giờ!… À,
ngoài trừ cái tật trên đầu, giáo đầu có nghe y có đặc tính gì không?
Suy nghĩ giây lát, Bàng Tuấn nói :
– Nó tiêu xài rất lớn và ưa ăn chơi ở những nơi có ca nhi, vũ nữ nổi tiếng thiên hương quốc sắc.
Tươi hẳn nét mặt, Lam Y hỏi :
– Phong Giang huyện có nơi ca lâu nào như vậy không?
– Không. Nhưng bên Thạch huyện và Ngọc Nhi châu nổi tiếng có ca vũ nữ đẹp nhất vùng này.
– A, hay lắm! Hai nơi đó có xa không?
– Không. Mỗi nơi cách đây độ vài ngày đường. Đi ngựa thì chỉ hơn một ngày.
– Được! Sớm ngày mốt, ta lên đường đi Thạch huyện.
Bàng giáo đầu không hiểu hỏi :
– Chúng ta chẳng nên trì trễ, sớm mai đi được không.
Đức Kiệt hiểu ý Lam Y, nói đỡ :
– Ngày mai chúng tôi có chút việc cần thanh toán tại quý huyện
và có lẽ cũng phải nhờ đến giáo đầu giúp đỡ một tay. Sáng ngày mốt mới
khởi hành được.
Bàng Tuấn không biết thế nào, đành nghe lời vậy.
Đức Kiệt nói thêm :
– Ngày mai, giáo đầu cứ ở nhà, huyện quan biết thế nào mà lo được.
Đức Kiệt ghé tai giáo đầu nói nhỏ mấy lời.
Bàng Tuấn mỉm cười khẽ gật đầu :
– Ở đầu Thạch Kiều lộ. Qua cầu, đi độ hai trăm bước là tới nơi. Trước nhà có cây đa lớn, bên tay hữu đường đi. Tôi sẽ tới đón.
Tiệc rượu tàn, Bàng Tuấn ra về.
Âu Dương Bích Nữ trách Chu Đức Kiệt :
– Chu huynh nói chuyện gì với Bàng giáo đầu thế? Tiểu muội không hiểu chút gì cả! Có lẽ định gạt nhau ra ngoài vòng hành động chăng?
Đức Kiệt mỉm cười :
– Ấy chớ, nói oan nào. Tại hiền muội chậm hiểu đó thôi. Trả lời
ngu huynh câu này, trong khi sáng mai, ta có thể khởi hành được mà Lam Y lại xin hẹn giáo đầu ngày mốt lên đường, tất phải có lý do gì?
– Hiền muội biết tất cả mấy nhân vật trong vụ án Dương Cảnh Thái này, vậy hiền muội có đặt nghi vấn lên đầu người nào không?
– Lẽ cố nhiên tên Hồ Tích Thiện đáng ghét nhất. Hiền muội nghi nó hãm hại họ Dương.
– A, được lắm! Ban chiều nó thấy huyện quan ưng thuận việc ngu
huynh đi tróc nã Ma Vân cốc, nếu hiền muội là họ Hồ thì nghĩ thế nào?
– Sợ mưu gian bại lộ.
– Và hiền muội phải làm thế nào?
– Đào tẩu, kẻo sau này không kịp trốn.
– Vì thế Lam Y muốn bắt nó ngay đêm nay, kẻo khi ra đi rồi thì còn ai bảo đảm nhiệm vụ ấy.
Âu Dương Bích Nữ khẽ gật đầu, mở tròn đôi mắt nhung huyền, cặp mắt trái tim hé nụ cười duyên dáng :
– Xin lỗi đã trách Chu huynh nhé. Tiểu muội xuẩn quá, còn phải học hỏi nhiều. Nhưng…
– Sao nữa?
– … Bắt Tích Thiện là việc đêm nay. Vậy còn ngày mai?
Chu Đức Kiệt cười :
– Việc này hiền muội nên hỏi Lam Y kẻo lại trách ngu huynh bí mật.
Bây giờ Lam Y vỗ vai Âu Dương Bích Nữ hỏi :
– Chúng ta đi Thạch huyện vào những nơi ca lâu tìm Ma tặc đạo,
hiền muội định vận võ phục kiểu nữ nhi này sao? Chị em ta đều phải cải
trang cho thành hai tay thiếu gia công tử mới theo kịp Chu huynh chứ!
Sáng sớm mai, phải kíp gọi thợ đặt hai bộ võ phục kiểu nam giới hai đại
bào. Hai vuông khăn, toàn thể bằng thứ hàng lộng lẫy hợp thời trang.
Phải không? Hay là định mượn áo của Chu huynh.
Âu Dương Bích Nữ thẹn thùng, má ửng hồng như trái đào xuân bỗng
gặp phải cặp mắt của Đức Kiệt, nàng vội tảng lời nhìn đi nơi khác.
– Tùng!… Tùng…
Trống huyện đang điểm canh hai. Ba người lẹ làng đeo khí giới,
mở cửa lầu nhảy xuống đường… Trời tối như mực. Một bóng đen từ bên
đường nhô ra.
Chu Đức Kiệt hỏi khẽ :
– Giáo đầu tới lâu chưa?
Bàng Tuấn đáp :
– Vừa mới tới. Đêm nay tối quá.
Bốn người lặng lẽ đi qua các khu phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa
kín mít im lặng như tờ. Văng vẳng tiếng chó sủa xóm xa, tiếng trẻ nít
khóc giật mình ban đêm, và giọng mẹ ngáy ngủ ru con ời ợi. Qua hết đường này đến đường khác, nhà cửa thưa dần, bốn người im lìm như những bóng
ma tiến lên Thạch Kiều. Phía dưới, nước lạnh chảy róc rách, đêm khuya
nghe rõ mồn một.
Bàng giáo đầu nói nhẹ :
– Sắp tới rồi! Cây đa lớn kia kìa!
Đức Kiệt hỏi họ Bàng :
– Thuật khinh thân thế nào?
– Nặng nề, hiệp khách cầm tay cho tôi theo.
Đức Kiệt cầm tay giáo đầu phi thân lên mặt tường hoa thấp. Căn
nhà ở giữa, chung quanh có vườn. Trong nhà có ánh đèn le lói, Chu, Bàng
hai người nhảy xuống vườn lầu vào gần chân nhà. Đức Kiệt chỉ tay lên nóc nhà, Bàng Tuấn gật đầu. Đức Kiệt bấm tay ra hiệu, hai người cùng nhảy
lên nóc.
Lam Y và Âu Dương Bích Nữ đã từ mặt tường băng mình lên nóc chờ
sẵn đó rồi. Đi lần lần, Lam Y nhắm nơi có ánh đèn hồi nãy, nhẹ tay rút
ngói nhìn xuống.
Trong văn phòng vắng tanh, một người đàn ông diện mạo bần hàn,
dáng dấp thô kệch, đang xếp áo quần, bỏ bừa trên giường vào trong rương.
Lam Y ra hiệu bảo giáo đầu nhìn qua khe ngói. Bàng Tuấn cúi
xuống nhìn, gật đầu. Nhưng bỗng nặng tay, họ Bàng làm xô viên ngói khác.
Người đàn ông trong phòng thấy động, vội ngừng tay, ngơ ngác lo
sợ nhìn quanh. May thay giữa lúc ấy hai con mèo đực, cái rượt nhau qua
mái kêu ầm ĩ, nhảy biến xuống vườn. Trong phòng, người kia vuốt ngực hết lo lắng, tiếp tục xếp quần áo vào rương, đậy nắp lại.
Đức Kiệt ra hiệu bảo Lam Y, Âu Dương Bích Nữ xuống trước. Hai
người thoăn thoắt ra đầu nhà nhảy xuống lẹ làng không một tiếng động
nhỏ. Bàng Tuấn rùng mình.
Hai nữ hiệp tiến đến bên cửa sổ kéo bung ra, nhảy vụt vào phòng. Người nọ hoảng sợ lùi lại mấy bước, chưa kịp kêu thì mũi kiếm Thái
Dương sáng loáng buốt đã dí tới cổ :
– Câm miệng kẻo mất đầu!
– Dạ… dạ. Vàng bạc… ở trong rương… xin… xin tha… cho tôi.
Lam Y dí thêm mũi kiếm :
– Im ngay!
Hồ Tích Thiện chưa luận ra vì lẽ gì hai thiếu nữ lạ mặt này lại
tới uy hiếp mình giữa lúc đêm hôm khuya khoắt. Hắn run sợ vì có tật nên
giật mình.
Lam Y bắt nạt :
– Tích Thiện! Mi thông đồng với tên Lỗ Đắc khai man hại họ Dương thế nào? Nói mau!
– Bẩm.. bẩm cô nương… oan cho tôi.
Lam Y cười gằn, trợn mắt nạt :
– Mi muốn chết thì được chết.
Dứt lời, nàng túm tóc Tích Thiện ấn xuống mài lưỡi kiếm lạnh toát vào gáy.
Hoảng hồn Tích Thiện ríu cả lưỡi :
– Cô… Cô nương, tha chết, tôi xin nói… xin nói.
Lam Y đẩy họ Hồ ngồi xệp xuống gạch. Tích Thiện mặt tái ngắt,
đưa tay thoa gáy run rẩy kể lại một lượt việc y hãm hại Cảnh Thái cốt
chiếm đoạt Kỳ Tố Loan thế nào.
Nghe xong, Lam Y bắt Tích Thiện lấy nghiên bút viết tờ cung khai rồi ký tên hẳn hoi.
Nàng gọi vọng lên nóc nhà :
– Mời giáo đầu xuống.
Trên nóc nhà, Chu Đức Kiệt và Bàng Tuấn cả dậy. Họ Bàng nói :
– Tôi xuống được, tráng sĩ khỏi phải cầm tay.
Lần ra đầu mái, giáo đầu nhảy huỵch xuống vườn rung chuyển cả căn nhà, khiến mấy con chó ở nhà lân cận sủa im ỏi.
Lam Y nhìn Bàng Tuấn hỏi :
– Giáo đầu đã nghe rõ lời khai của tên gian tà này chưa?
– Đã nghe rõ lắm. Thiệt không ngờ y dã man đến thế.
– Nếu vậy, yêu cầu giáo đầu ký vào cả tờ cung khai này để huyện quan khỏi trách cứ về sau.
Bàng Tuấn cầm bút thỏa mấy chữ vào góc tờ cung. Lam Y đọc lại
một lượt, gấp giấy đó bỏ vào túi. Trong khi đó, Chu Đức Kiệt trói Hồ
Tích Thiện lại. Âu Dương Bích Nữ lục đáy rương lấy ra mấy gói vàng bạc
để trên bàn.
Lam Y lựa lấy hai đĩnh vàng để sang bên, còn thì gói tất cả lại vào một bọc :
– Hai đĩnh vàng này bỏ riêng để cho vợ chồng họ Dương như tiền
bồi thường thiệt hại. Số còn lại sẽ tùy ý huyện quan sung công hay phát
cho dân nghèo!… Nào bây giờ ta điệu tên gian tặc này về huyện.
Một khắc canh sau, bốn người giải Hồ Tích Thiện về tới huyện.
Bàng Tuấn dẫn mọi người ra lối cổng nhỏ, sau huyện nơi gần hậu đường :
– Việc này nên kín đáo… Quí vị chờ tôi vào báo huyện quan.
Nói đoạn, Bàng Tuấn tiến đến sát cửa gõ ba tiếng mạnh, hai tiếng nhẹ. Mấy lần như vật không thấy bên trong trả lời, giáo đầu lẩm bẩm :
– Thằng Ngưu Thất có lẽ ngủ quên! Tệ thật!
Nóng ruột, Chu Đức Kiệt đến gần bảo họ Bàng :
– Để tôi giúp vượt qua tường cho đỡ mất thì giờ!
– Nhưng tường cao lắm.
Không trả lời, Chu Đức Kiệt cắp Bàng Tuấn ngang sườn phi thân
vụt lên mặt tường rồi nhảy xuống bên trong. Lát sau, cửa mở nhường lối
cho mấy người đi vào.
Bàng Tuấn vào báo trước, hồi lâu trở ra :
– Liễu tri huyện mời quý vị vào hậu đường!
Tới nơi, thi lễ xong, Chu Đức Kiệt nói mấy câu giới thiệu. Huyện quan thấy Lam Y và Âu Dương Bích Nữ người nào cũng khí phách hiên ngang thì rất đỗi cảm phục mời ngồi. Bàng giáo đầu thuật chuyện cho huyện
quan nghe. Lam Y mở tờ cung khai đặt lên án thư cùng gói bạc.
Liễu Thoại Tân cầm lấy đọc, rồi chỉ mặt Hồ Tích Thiện mắng :
– Thấy ngươi lanh lẹ, ta cất nhắc cho công ăn việc làm tử tế,
ngờ đâu ngươi lợi dụng quyền thế hại người lành. Nếu không nhờ Tam hiệp
đây thì ta đã xử oan người hiền lương. Ngươi đáng tội chi biết không?
Tích Thiện len lét cúi mặt xuống đất.
Liễu Thoại Tân bảo Bàng Tuấn :
– Giáo đầu hãy tống giam thằng này xuống ngục tối, chờ bắt được Ma Vân cốc sẽ xử luôn thể.
Trong khi giáo đầu áp giải Hồ Tích Thiện xuống ngục, Liễu tri huyện nói với anh em Chu Đức Kiệt :
– Nhờ quí vị hành hiệp bắt giặc hộ, ơn đức ấy không những mình
bản chức mà cả toàn dân trong khu vực này phải chịu. Số bạc này, xin hứa sẽ sử dụng một cách đích đáng. Sáng sớm bản chức sẽ lập phúc trình lên
phủ minh oan xin tha cho Dương tú tài, và luôn thể sẽ cách lưu dụng họ
Dương vào chức tư văn.
Bàng giáo đầu lên tới nơi.
Ba anh em Chu gia cùng giáo đầu từ tạ theo lối sau, huyện trở ra.