Đọc truyện Làm Dâu Phú Ông – Chương 65
-“Ê…ê…đừng có ngu mà nhảy nhá, nhảy là chết toi luôn đó, tui không cứu nổi đâu, tui không muốn mất cái hĩm!”
Mợ Chi gọi thất thanh bên dưới, mợ Trâm ngoảnh lại càu nhàu.
-“Dở à? Lên hóng gió tý, làm gì mà căng?”
-“Mợ mới dở ấy, mắt nhắm mắt mở ban nãy dẫm vào chân tui đau điếng đây này.
Cả làng đón Trạng mình mợ đứng trên đấy bán dáng hử? Hay muốn chơi trò đuổi bắt, muốn Võ Trạng Nguyên phải đích thân lên rước cho nó hoành tráng.”
-“Tui không có!”
Mợ Trâm hét toáng lên, uất ức tích tụ dâng tới đỉnh đầu, mợ nóng người quát tháo inh ỏi.
-“Cái con ranh đó xấu hoắc à, ăn mặc bẩn thỉu thì nào có phải tiểu thư khuê các gì cho cam? Đào bưởi xẹp lép, lông mi không dài bằng tui, tóc không mượt mà bồng bềnh như tóc tui, mặt cũng không phúc hậu như tui.
Được mỗi cái điệu hơn tui chứ gì? Tui không chịu đâu, tui hận chết mất!”
-“Con nào? Mợ nói gì tui không hiểu?”
-“Cái con yêu nữ cậu hai rước về ý, lúc cậu nhà tui xuống kiệu nó õng ẹo chỉnh áo cho cậu, cậu còn vỗ về nó nữa, cậu thương nó xừ mất rồi, xa mặt cách lòng, chắc cậu quên tui rồi.”
Mợ hai khóc lóc ai oán, mợ cả ôm bụng cười ngặt nghẽo.
-“Mợ thức trắng cả đêm nên nhìn gà hoá quốc hử? Cả một đoàn toàn thanh niên trai tráng móc đâu ra yêu nữ? Nó là giai đó, giai nên bưởi đào héo hon là phải rồi.
Cậu hai chỉ đập nhẹ lên vai nó thôi mà, vỗ về lúc nào?”
Mợ Trâm cãi chày cãi cối làm gì có thằng đàn ông nào tóc tai loã xoã người ngợm ẻo lả như lá liễu mùa thu vậy đâu? Mợ Chi hỏi xoáy thế ngày trọng đại như vậy, làm gì có con đàn bà nào lại không mặc váy yếm? Hai mợ tranh luận một hồi không bên nào chịu bên nào, rốt cuộc đành rủ nhau xuống núi nhòm lại.
Kết quả mợ Chi thắng.
Mợ Trâm thua, đuối lý cơ mà cười như nắc nẻ.
Cổng đình đóng rồi, phía trong cậu hai, phú ông cùng các bô lão đang dâng hương.
Bên dưới là hàng ghế của các quan khách, bu mợ, cu Trí, bà hai, cậu cả được ưu tiên ngồi đầu.
Cậu Hưng ban sáng còn chốt trái cửa khóc rấm rứt trong buồng.
Mợ Chi phải phân tích mãi, rằng hôm nay cậu không đi đón cậu hai thì cậu quá hèn.
Buồn vì người ta hơn mình, vậy buồn cả đời hử?
Cậu nên nhớ, bây giờ cậu chỉ là con trai của phú ông ở ngôi làng nhỏ xíu.
Còn cậu hai, Võ Trạng Nguyên của cả nước, việc cậu ấy nhậm chức chỉ là sớm muộn thôi, hằn học, gây hấn với quan lớn, được ích lợi gì đâu? Chi bằng cứ vui lên, quân tử chúc mừng, lấy tấm gương của người ta mà phấn đấu.
Cậu cả nghe vợ, rồi cũng xuôi.
Mợ cả nom phong thái của chồng hài lòng vô cùng, trong khi đó mợ hai tiếc hùi hụi, giá kể không ngu thì có phải giờ mợ đang ngồi chễm trệ trong sân đình ngắm cậu không? Nào có phải vắt vẻo trên cành sấu với mợ Chi như bây giờ?
-“Này, thi thoảng cậu hai lén đưa mắt tìm mợ hay sao ý!”
-“Ôi dào không phải đâu, chắc xa quê lâu ngày giờ quan sát đó đây tý mà.”
Thẹn thẹn nên nói đại vậy chứ lòng mợ Trâm hoa nở ngập tràn rồi ý chứ.
Mợ Chi kêu cái hĩm đói rồi mợ phải về ăn trước đây, mợ Trâm thì vẫn kiên trì hóng hớt.
Mấy cái người trong đó, nói rõ lắm ý, lại còn bao nhiêu thủ tục rườm rà, hết hành lễ với thầy Kim bu Phúc, các bô lão, phát lì xì cho từng người một tới bọn trẻ trong thôn lần lượt lên xin chữ lấy may, xong xuôi cũng tới xế chiều.
Bấy giờ cổng đình mới mở.
Đông đúc quá nên cỗ bàn lần này quyết tổ chức ở nhà phú ông, nhà ông thì rộng rồi, ông cho bắc rạp từ đêm qua, mọi người tha hồ đánh chén.
Ở mấy ngày ông cũng chiều, chỉ sợ các vị không đủ sức ăn thôi!
Đoàn người nô nức ùa đi khai tiệc, đi cùng Võ Trạng Nguyên lúc nào cũng có lính canh chừng tứ phía, lại còn bao nhiêu kẻ nô nức muốn tới gần chiêm ngưỡng dung nhan.
Nháo nhác xô bồ, mợ hai chịu chẳng thể nào mà chen được, mợ đành chạy thật nhanh đến chỗ ngã ba đón đầu, mợ chỉ cần cậu đi ngang qua nhìn thấy mợ một cái là được rồi, cho cậu biết rằng mợ có ra đón cậu.
Mợ thẫn thờ nhìn đám đông tiến tới lúc một gần, đông nghịt luôn, mợ mất dấu của chồng mợ luôn rồi, thấp quá kiễng mãi không nom thấy bóng cậu đâu.
Mợ tiu nghỉu cúi gằm mặt đá đá mấy viên sỏi ven đường.
Đã buồn nẫu ruột thì chớ, lại còn bị đứa nào chọt một cái vào eo đau điếng chứ, đúng là phạt rồ lên được.
Mợ toan chửi đổng một trận cho bõ tức, mà chưa kịp xả giận, đã bị cái đứa đó kéo tay hoà vào dòng người.
Cái đứa ấy, mợ không rõ mặt, nhưng bàn tay này, hơi ấm này, cả tấm lưng rộng lớn và bờ vai vững chắc kia nữa, trong mơ mợ cũng nhớ, cũng mong.
Bên cạnh mợ toàn người là người, chật cứng, đằng sau mợ tụi nó xô đẩy nhau khốc liệt, đẩy mợ đập mặt vào lưng người phía trước.
Bàn tay còn lại của người ấy bao bọc nốt tay kia của mợ, rồi vòng hai tay mợ qua eo người ta.
Thi thoảng những ngón tay bị siết rất chặt, sống mũi mợ cay xè, mắt mợ đỏ quạch.
Mợ khóc, chẳng biết vì sao lại khóc nấc lên nữa, khóc thì khóc thôi.
Có ông Trạng che cho rồi mà, cứ chúi đầu vào lưng ông ấy, lau nước mắt lên áo ông ấy, chả sợ xấu hổ đâu.
Mợ ước khoảnh khắc đó kéo dài mãi mãi ấy, tiếc rằng, giờ khác xưa khác, nay là ông Trạng rồi, có phải cậu hai của riêng mình mợ nữa đâu.
Đến cửa một cái ông Trạng phải theo cha đến nhà thờ tổ tông làm lễ, toàn những bậc trưởng bối trong họ, mợ phận đàn bà nên đành chui xuống bếp sắp mâm sắp bát thôi.
Cơ mà cái ông Trạng đó, trước khi đi ông còn bấu eo mợ cái rõ đau, xong mặt ông tỉnh bơ luôn à, ghét nhỉ? Còn sợi dây đỏ mảnh dẻ nữa, đeo trên tay mợ từ lúc nào đây? Xâu qua sợi dây có duy nhất một đoá hoa nhỏ đúc từ đá quý, cũng màu đỏ nốt, màu mợ thích nhất.
Trên đoá hoa khắc chữ gì, thì mợ chịu không biết.
Mợ Chi cũng chịu luôn, mợ ấy kêu chữ cổ, nhưng cứ nằng nặc đòi cái vòng cho con hĩm.
-“Quên đi, con hĩm nhà mợ còn chưa ra, đeo sao được.
Để đó cho con Lúa nhà tui.”
Cái Trang phản bác, nghe đồn đây là vòng bình an của ông thầy phong thuỷ, ông có cái túp lều ở cạnh suối Yến trên đường ra chùa Hương Tích.
Lều nhỏ xíu mà mỗi năm đón cả ngàn lượt khách quá giang, chủ yếu là nhờ xem tướng, xem hướng xây dựng nhà cửa làm ăn, còn về việc phát vòng bình an, ba năm mới phát một lần, mỗi lần chỉ phát đúng hai cái.
Bởi vậy nên mới hiếm, ai cũng muốn có.
Thím Phương chú Trình xin cho bé Ngọc, vợ chồng Nhung Nam xin cho thằng Bắp, vú Năm xin cho con dì Chín, cu Trí năn nỉ dành đồ cho con Dung, gian bếp nghi ngút khói tự dưng sồn sồn cả lên.
Tranh nhau mỏi miệng, tiếc rằng mợ hai lắc đầu nguầy nguậy, đoạn lừa lừa chạy biến theo thằng ẻo lả.
Nó vẫy mợ từ nãy rồi, thấy mợ ra liền đưa tới căn phòng phía Tây.
Mợ vào trong trước, nó ở ngoài ngó nghiêng ngó dọc không thấy ai bám theo liền thở phào đóng kín cửa, run run bê bát ngọc chuẩn bị sẵn kính cẩn đưa mợ.
-“Huyết yến đó mợ, mau, mau ăn cho nóng.”
Mợ Trâm tươi cười đón lấy chiếc bát, mùi thơm ngào ngạt quả thực khó cưỡng.
Huyết yến, cả đời mợ cũng chưa thấy huống chi là thưởng thức.
Mợ khéo léo múc một thìa nhỏ, vừa định nếm thử thì tình cờ bắt gặp tên đó lén lút lau mồ hôi hột, mợ chợt bần thần, rồi rất nhanh liền lấy lại tinh thần, mợ đưa chiếc thìa về phía nó, nhỏ nhẹ bảo.
-“Ngươi theo cậu vất vả, cho ngươi dùng trước!”.