Đọc truyện Làm Dâu Nhà Phú Ông – Chương 88
Mới vừa nãy còn có vài đứa bĩu môi chắc mẩm cậu sẽ bao che mợ, thì thụt ca thán với nhau rằng đời bất công, gièm pha mợ hai đủ kiểu, nay thấy cậu hai chả thiên vị ai thì tự dưng kẻ hầu người hạ trên dưới đều trềm trồ thán phục. Mợ ba hả hê kinh khủng, mợ cố ngân nga thật dài, thật cao, thật chua.
-“Ối Trâm ơi Trâm, chuẩn bị về quê với bu đi nha Trâm!”
Mợ Trâm ngứa tai dễ sợ. Về quê? Quên đi, mỡ đấy mà húp. Mợ bỏ công cua cậu biết bao ngày tháng từ thuở thiếu nữ, dồn bao tâm huyết mới hơ ấm được cái hòn đá lạnh như băng ấy, về thế nào được mà về?
-“Quyên khỏi dặn, còn tẫn bảy ngày thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu.”
-“Ấy, ngốc, giờ cứ gói ghém áo quần rồi chập tối lên đường có phải hay không? Vừa được cái tiếng mợ bỏ cậu vừa đỡ nhục vì bị cậu tống khỏi phủ.”
Gớm mợ ba, nói nhăng nói quậy hổ danh con gái nhà quan. Gái bỏ chồng dân làng cười chê thối mặt thối mũi chứ tốt lành gì mà kêu được cái tiếng?
Khi xưa ở thôn mợ, có vài đứa hễ giận chồng chuyện nhỏ xíu thôi cũng ngúng nguẩy xách đồ về nhà mẹ đẻ, kiểu muốn dằn mặt thằng chồng, cho nó nhớ nhung đau khổ xong tới dỗ dành năn nỉ. Nhưng hỡi ôi, đời có phải mơ đâu? Về được dăm bữa nửa tháng nó đã rước ngay con khác, thầy bu không chịu nổi miệng đời cay nghiệt nên đành dắt sang nhà thông gia trả người, đến khổ!
Bu mợ tất nhiên chả như người khác, nếu mợ lỡ dại chắc bu chứa chấp mợ như đợt chứa con Trang thôi. Nhưng mợ trâm trừ những lúc bồng bột sốc nổi ra thì khi bình tâm suy nghĩ thấu đáo thấy thương bu nhiều lắm, bu già rồi, mợ đâu còn mười ba mười bốn mà làm cái trò con nít ranh hại bu ban ngày ra đường phải cúi gằm mặt, đêm về lén lau nước mắt?
Mợ nhất định sẽ sống sao để bu tự hào về mợ. Sáng nay ngu nên bị lừa, sau này rút kinh nghiệm không phạm sai lầm nữa, sổ sách năm nay xem chưa hiểu thì cố gắng tiếp tục học chữ học tính toán, đợi năm sau thông thạo. Làm vợ Trấn thủ xứ Đoài thôi chứ gì? Rồi mợ sẽ làm thật tốt cho coi!
-“Cái loại quê một cục, mắc ớn à!”
Mợ Quyên tiếp tục dè bỉu, mợ Trâm bực mình đáp trả.
-“Ừ, đây quê đấy. Quê thì sao? Quê cơ mà là mợ hai nhé, còn đằng ấy tiểu thư khuê các hẳn hoi mà lại làm mợ ba thôi à?”
Có người tức tím mặt, có người định xổ thêm một tràng nữa cho bõ ghét nhưng bị cậu lườm lườm nên thôi, lầm lũi đem thúng cà pháo xuống nhà kho cất. Con Quế tình cờ liếc qua thấy cậu hơi cười tủm, trìu mến nom theo bóng mợ. Nó sốc, tại nó tưởng cậu bực mợ chứ? Con bé ngây người một lúc mới ba chân bốn cẳng chạy theo méc mợ, ngặt nỗi mợ chả chịu tin. Mợ rủ nó ra giếng rửa chân tay sạch sẽ thơm tho cùng nhau sang thăm mợ Thuỳ.
-“Này, tôi có việc cần năm trăm quan gấp, mợ cho tôi vay được không? Từ giờ tôi sẽ chi tiêu dè xẻn, thi thoảng ra chợ buôn bán lặt vặt nữa, đảm bảo trả đủ cho mợ trong vòng ba tháng.”
-“Mợ cần nhiều tiền vậy làm gì?”
Mợ Trâm phân trần đầu đuôi câu chuyện, mợ Thuỳ gượng dậy sai vú Oanh lấy ra chiếc hộp chứa bảy thỏi vàng ròng, kêu chỗ này bét cũng ngần ấy tiền, mợ cất đi đợi hôm cậu hỏi đem nộp là được. Mợ Trâm mừng huýnh cảm ơn rối rít, nán lại hàn huyên đôi chút, mợ Thuỳ còn yếu nên chẳng nói được nhiều, cơ mà có một câu khiến mợ Trâm băn khoăn ghê lắm.
-“Kỳ lạ thật, đơn đặt hàng chỉ mình tôi với chủ nông trang biết.”
Đêm về, mợ Trâm cứ thao thức mãi, nếu đúng là như vậy, phải chăng người lừa mợ có quan hệ với nhà đó. Gà gáy canh năm mợ đã tò mò bật dậy quấn khăn kín mít, áo quần rách rưới lẻn xuống dưới nông trang kia quan sát. Mợ trốn trong bụi rậm rình mấy ngày liên tiếp, thuộc mặt gần hai chục đứa người làm mà không thấy thằng nào giống thằng bán cải cho mợ. Chiều ngày thứ sáu, ngay cái lúc mợ thất vọng nhất, đang định lủi thủi quay về thì nghe giọng ông chủ than vãn.
-“Có khổ tôi không cơ chứ? Hạt giống cải thìa loại xấu thì bị trộm mất, loại tốt thì mọt hết thế này sao mà giao đúng hạn cho phủ Trấn thủ được đây? Chỉ e phải đền đống tiền thì toi.”
-“Ôi dào, khỏi lo, để sai cậu Dậu đến nói khó, đảm bảo không mất một cắc.”
Bà vợ thủ thỉ an ủi, ông chồng cảm kích vô cùng, kêu đầy tớ sang nhà cậu Dậu, mợ Trâm thấy nghi liền bám theo. Ối làng nước ơi, ngoài quả râu quai nón ra thì cái mặt nó giống y sì đúc cái thằng bán cải, úi giời ạ, chính nó đấy!
Mợ ghim mày rồi con ạ, giờ mợ về gọi hội tẩn chết mày. Bảy thằng to cao lực lưỡng nhất phủ Trấn thủ được triệu tập, ngày thường chỉ quanh quẩn ở nhà chẻ củi xách nước, giờ có việc cần vận động cơ bắp đâm ra hớn hở phấn chấn hẳn. Thẳng Dậu ấy thế mà hèn, mặt hơi sưng sưng đã khóc lóc xin tha, nó thương chị gái nên giúp thôi chứ có được xu nào. Cái loại chị bất lương, mợ Trâm lôi đứa nhỏ đến hỏi tội bà chủ nông trại, bà trốn quanh mãi, đến khi bị doạ lôi lên trấn đường mới nức nở khai báo do thua bạc nên làm liều.
Ông chồng choáng váng muốn hộc máu, ông lấy tiền dành dụm trả cho mợ Trâm, mợ nom ông trói vợ vào giọ lợn, đánh cho nhừ tử rồi nhất quyết sai người đem đi bán mà sởn hết cả gai ốc. Ngẫm cái lúc cậu điên mợ, nhưng thấy mợ sặc nước ho liên tục vẫn lấy khăn bọc mợ, vỗ lưng cho mợ, bất chợt mắt mợ đỏ hoe.
Mãi khuya mợ mới về tới phủ, việc đầu tiên là qua chỗ mợ Thuỳ. Trong vườn mẫu đơn bạt ngàn, đèn lồng treo xen kẽ toả ra thứ ánh sáng mơ hồ, mợ Thuỳ ngồi đoan trang trên chiếc ghế tựa, cậu hai đứng bên cạnh, chỉ tay lên ngôi sao sáng nhất trên nền trời trong vắt.
-“Cậu Nguyên ở đó, cậu ấy sẽ luôn dõi theo tiểu thư.”
Mợ Thuỳ nhìn theo ngôi sao kia, chua xót có, tiếc nuối có, ăn năn có. Chỉ là, tại sao ánh mắt mợ ấy nhìn cậu hai, lại có chút gì đó giống ánh mắt cô Hoàng Anh khi xưa đến thế? Mợ bần thần quay người tìm vú Oanh trả vàng rồi lặng lẽ về. Trong phòng bọn nó đã chuẩn bị sẵn nước ấm rải cánh hoa thơm ngát, mợ hài lòng khép cửa, thả hồn theo hơi nước nghi ngút. Cả ngày mệt mỏi nên mợ ngủ gà ngủ gật, mãi tới lúc nghe giọng nói trầm trầm mới giật nảy mình.
-“Ngày mai đem cây trâm này tạm giao cho quản gia, bảo đây là đồ trước kia phú ông cho mợ, đây là ngọc quý, đáng giá ít nhất hai ngàn quan.”
Mấy thằng đầy tớ nhọc quá nên chắc lăn quay ra ngủ rồi chứ chưa báo cậu chuyện mợ đã lấy lại đủ tiền. Cậu ngồi cạnh chiếc bàn lớn, đang chăm chú xem tập giấy luyện chữ của mợ, sắc mặt có chút nhợt nhạt. Làm quan tham thật sướng, ăn chơi phè phỡn suốt, chứ như cậu hai nghiêm minh và cầu toàn quá đâm vất vả. Vụ lớn vụ bé cứ chất thành chồng như núi trên trấn đường, những việc nhỏ dù có giao cho bề dưới nhưng đến cuối cậu vẫn xem lại, thành ra bận rộn tối ngày.
Cậu được dân chúng tin tưởng mợ tất nhiên phổng mũi, nhưng cũng xót cậu chẳng kém. Vết xước trên tay kia khiến lồng ngực mợ nhói đau. Mợ nhướn người với váy áo, thắt vội dây yếm rồi rón rén chạy tới bóp vai cho cậu.
-“Cậu hai thi thoảng có nhọc thì ghé qua đây, tôi chăm cậu, nha!”
Chính là cái giọng này, cái giọng thỏ thẻ bùi bùi, cái điệu bộ xun xoe nịnh nọt, cái mặt phụng phịu dễ ghét. Một vài cánh hoa nhỏ vẫn còn vương trên lớp da thịt mịn màng của mợ, mùi hương thoang thoảng nhưng sức sát thương thì vô cùng lớn. Bàn tay cậu vô thức đưa lên chạm lưng mợ, mợ bạo gan ôm lấy cậu, cằm nhỏ ghì sát trên đầu cậu, lòng mợ xốn xang khi cặp lông mày dày rậm ấy cọ cọ trên xương quai xanh mảnh khảnh.
Những giọt nước từ mái tóc chưa khô không ngừng thấm xuống ướt thẫm yếm đào, qua lớp vải mỏng manh, cánh môi cậu chạm tới nơi nào đó tròn trịa đầy khêu gợi. Tim mợ mềm nhũn, khoé mắt rưng rưng, ấp úng hỏi cậu.
-“Cậu hai hết bực tôi rồi phải không? Hay còn giận cơ mà vẫn thương ý, chẳng nỡ xa tôi, tôi chỉ cần nhìn qua là biết, cây trâm đó do chính tay cậu khắc.”
Mợ xúc động quá nên trót lỡ lời, tự dưng thấy mình dại gần chết, đang yên đang lành gợi chuyện cũ, châm lại ngọn lửa ngùn ngụt trong lòng cậu làm chi không biết? Cậu rất nhanh lại giống cậu thường ngày, đẩy mợ ra, lạnh lùng bảo.
-“Tôi đâu có rảnh như mợ.”
-“Ôi dào, nói xạo, tay bị dùi đâm chảy máu còn chối. Nhìn này, đường nét không quá tinh xảo nhưng rất thân thuộc, giống hệt cái vòng đá quý của tôi. Mà nói thật tôi không rảnh đâu nhé, tôi bận bù lu bao việc luôn!”
Mợ lanh lợi phân tích, đoạn lượm ngay chiếc trâm ngọc, thích thú bỏ vào túi. Mợ còn định lấy thuốc xoa cho cậu, nhưng cậu không chịu, tỏ rõ thái độ chán ghét mợ, mặc kệ mợ năn nỉ ỉ ôi đêm nay ở với mợ vẫn cương quyết về phòng, trước khi đi còn bỏ lại câu xanh rờn.
-“Ừ, mợ bận. Bận uống rượu với trai.”
-“Cậu cũng bận ngắm mẫu đơn trong đêm mà.”
Mợ lủng bủng trong miệng, nói lí nhí nhỏ xíu à, tiếc rằng cậu nghe không sót một từ. Mợ trách nghe hay lắm, thử hỏi đàn bà chốn này có ai như mợ? Mới ngày nào cùng ai kia mần nhau say sưa, bữa nay đã tỉnh bơ hờn chồng.
-“Tôi nói mợ nghe, ngắm mẫu đơn hay thược dược là việc của tôi, mợ khỏi cằn nhằn, bởi mợ chẳng đủ tư cách!”