Bạn đang đọc Làm Dâu Nhà Hội Đồng – Chương 13
Chỉ vì một câu nói không đầu không đuôi của cậu Cả mà làm tôi thất thần lo lắng cả ngày.
Không xong rồi, không xong thật rồi, cậu Cả chẳng lẽ đã biết tôi không phải là Út Quân thật rồi sao? Nhưng mà làm sao… làm sao mà cậu ấy biết được?
Hay có khi nào, cậu Cả cũng là người xuyên không về đây giống tôi không, vì giống như tôi nên cậu nhìn là biết đồng môn?
Không, không thể nào!
Cậu Cả quá giống với những người ở đây, cậu ấy không hề giống tôi, cái gì cũng không biết.
Mặc dù phong cách ăn mặc của cậu Cả hơi giống với thanh niên hiện đại thật nhưng như vậy cũng không nói lên được chuyện gì cả, có thể cậu ấy có tầm nhìn đi trước thời đại cũng nên.
Mà nếu nói như vậy thì câu hỏi khi nãy của cậu cả rốt cuộc là như thế nào? Cậu ấy có ý gì cơ chứ? Hồi hộp chết đi được à!
Đang lúc nước sôi lửa bỏng thì dì Nguyệt lại gọi tôi lên có chuyện cần nói.
Eo ơi, hết em rồi tới chị, sống kiểu này chắc cả tôi và Út Quân đều đi đầu thai sớm vì bệnh tim quá.
Đi lên nhà trên, gõ cửa phòng mấy cái, bên trong truyền tới giọng dì Nguyệt:
– Vô đi con, Út Quân.
Tôi “dạ” một tiếng rồi mở cửa đi vào trong, bên trong tôi thấy dì Nguyệt đang xếp quần áo em bé cho vào giỏ, bộ dáng của dì trông hạnh phúc lắm.
Thấy tôi, dì cười nói:
– Dữ ác hôn, đợi tôi kêu cô mới chịu lên gặp tôi, bộ tính giận tôi luôn hay sao vậy hả cô Út?
Tôi cười ngại ngùng rồi đi tới ngồi xuống gần dì, phụ dì xếp quần áo, tôi trả lời:
– Dạ đâu có, con đâu có giận dì đâu.
Dì Nguyệt liếc yêu bảo:
– Tôi rành cô quá, giận dỗi bỏ ăn phải đợi Hai Ngọc xuống năn nỉ là tôi hiểu rồi.
Nhưng mà con đó, lớn tướng rồi mà mần chuyện theo cảm tính quá trời.
Con ăn nói vậy với bà nội, bộ hổng sợ bà ấy phạt con hay sao?
Tôi bĩu môi, lầm bầm:
– Nhưng con có nói cái gì quá đáng đâu dì.
– Nói vậy mà không quá đáng? Dì nghe là dì hiểu liền đó đa.
Con với Kim Chi thì sao cũng được nhưng con nói chuyện với người lớn thì phải khác.
Cứ như vậy biểu sao cậu Cả không phạt, mà cậu phạt thì phạt vậy thôi, con cứ suy nghĩ rồi để bụng mần chi cho mệt người.
– Con…
Thấy tôi không nói được gì, dì Nguyệt lại thủng thỉnh khuyên nhủ:
– Con gái lớn rồi đừng mần chuyện theo ý mình nữa, dì dạy dỗ bây để sau này bây biết cách mà sống cho tròn đạo lý.
Đờn bà con gái ăn nói phải biết giữ ý giữ tứ, ăn coi nồi ngồi coi hướng, kính trên nhường dưới, trăm chuyện nhịn trăm chuyện nên nghen con.
Nghe dì Nguyệt nói thì cũng có phần đúng đắn, trăm chuyện nhịn thì trăm chuyện lành nhưng nhịn cũng nhịn tùy chuyện thôi chứ chuyện nào cũng nhịn thì có mà để người ta leo lên đầu mình ngồi.
Nhưng nói gì thì nói, ở thời này quan niệm sống của người phụ nữ còn chưa được cởi mở, đúng hay sai gì thì tôi cũng không nên cãi lại dì, mất hay.
Gật gật đầu ra vẻ chăm chú lắm, tôi nói:
– Dạ, con biết rồi dì.
Dì Nguyệt thở dài, giọng dì đầy lo lắng:
– Rầu thiệt với tụi bây, trong mấy đứa con gái ở nhà, đứa làm dì thấy yên tâm nhứt là Thục Oanh, đứa làm dì lo nhất là Kim Chi.
Con thì không tới nỗi nào nhưng tuổi còn nhỏ quá, tánh tình cũng ngang bướng không khác gì Kim Chi.
Phải sửa đổi lại tính nết một chút nghen Út Quân, đờn ông họ không thích đờn bà ngang ngược.
Đó, con cứ học hỏi theo Thục Oanh, con nhỏ kiểu gì cũng được nhà chồng ưng bụng cho mà coi.
Tôi cười hề hề:
– Con còn nhỏ lung lắm, tính chi chuyện chồng con hở dì.
Chị Oanh thì dì còn phải nói nữa, người gì đâu mà hiền lành thấy ghê luôn, mà coi bộ cậu Phú cũng để ý tới chị Oanh lung lắm á dì.
– Ừ, cậu Phú coi vậy mà được, quá trời mối môn đăng hộ đối hơn nhưng nó vẫn quyết tâm chờ con Oanh gật đầu.
Dì cũng tính sang năm sẽ bàn chuyện cưới xin của Thục Oanh với Bà Nội thằng Ngọc.
Gả con nhỏ thì thấy thương nhưng để vậy hoài thì tội nghiệp…
Mà nói tới đây, dì lại thở dài thường thượt:
– Nhắc tới mấy chuyện cưới xin này, thiệt dì lo lung lắm.
Nhà toàn là trai lớn chưa vợ, gái lớn chưa chồng, nhứt là cái thằng Trạch, già đầu nhứt mà không chịu lấy vợ cho dì yên tâm.
Cứ lông nha lông nhông, suốt ngày cắm đầu cắm cổ vào con chim đại bàng.
Thiệt tình…
Nghe dì Nguyệt bàn tới cậu Cả, tôi liền nhào tới góp lời.
– Ủa sao cậu Cả không lấy vợ hở dì, người như cậu thì khối cô theo ấy chớ.
– Ừ thì khối đứa theo nhưng bây chừ có đứa nào đâu, cả ngày trời nó ru rú trong nhà, năm thuở mười thì mới chịu ra đường thì gặp được ai mà theo.
Mà ôi cái thằng trời đánh, nhắc tới nó dì tức chết, dì dạm hỏi bao nhiêu đứa rồi á chớ, nó chưa kịp nhìn ngó mặt mũi người ta đẹp xấu ra làm sao là một hai không chịu rồi.
Nó nói có đánh chết nó nó cũng không lấy vợ, ép nó lấy nó bỏ nhà đi.
Thây kệ nó xác nó, đợi nó qua 30 đi rồi dì tính tiếp.
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên hỏi:
– Qua 30 tuổi á hở dì?
Dì Nguyệt gật đầu, dì nói với vẻ trầm tư sốt ruột:
– Ừ qua mốc 30 đi, phải coi số mạng Thế Trạch ra sao nữa… rồi dì tính tiếp.
Chuyện này… cậu Cả bị gì ấy nhỉ? Sao phải qua mốc 30 tuổi?
Chợt nhớ tới chuyện quan tài trong phòng cậu Cả, tôi vờ hỏi:
– Chuyện… đợt con vô tình thấy trong phòng cậu Cả có… cái quan tài… sao lại vậy hở dì? Cậu Cả…
Dì Nguyệt có chút cả kinh, dì vội đưa tay lên miệng làm động tác “suỵt”, dì nói:
– Nhỏ nhỏ thôi đừng có nói lớn… chuyện này dì vẫn giấu không muốn cho người ngoài biết.
– Nhưng mà tại sao vậy dì, sao tự dưng có giường không ngủ lại chui vào… quan tài ngủ?
Dì Nguyệt nói như khóc, ánh nhìn lo lắng tột độ:
– Cái số của nó không hiểu ra làm sao… tội nghiệp thằng nhỏ…
Vừa kể dì vừa khóc, dì kể là cậu Cả từ nhỏ đã rất đáng thương.
Cái tuổi bé tí đã phải xa mẹ, cậu Cả là một tay dì Nguyệt nuôi lớn lên.
Vừa thiếu thốn tình cảm của mẹ, vừa bị vợ bé của cha chèn ép, thế nên cuộc sống của cậu không mấy tốt đẹp gì.
Cũng trong lúc khó khăn, cậu Cả với dì gặp được ông ngoại của Út Quân, ông ấy cưu mang hai chị em dì một thời gian rồi dì với cậu Cả lại được cha đón về nhà ở.
Mà cậu Cả thông minh lắm, mới tuổi nhỏ đã biết tính toán làm ăn rồi một tay cậu đấu trí giành lấy phần gia tài vốn dĩ thuộc về chị em cậu.
Sau khi có được tài sản, cậu mở rộng kinh doanh làm ăn rồi cũng chính một tay cậu hỗ trợ tài chính cho thầy Trầm để đuổi theo cái chức vị ông hội đồng quyền quý.
Nhưng mà người có tài thì thường bạc mệnh, cậu mắc bệnh từ nhỏ vì bị vợ nhỏ của cha hại, số cậu không chết thì đã là may lắm rồi.
Có một vị thầy cao tay bảo là cậu sống không quá 30 tuổi, số mạng của cậu khác với số mạng của người trần.
Còn lý do vì sao cậu không ngủ trên giường mà lại ngủ ở quan tài là vì cậu… muốn như thế.
Theo như dì Nguyệt kể lại thì tôi nghĩ có lẽ cậu bị ám ảnh tâm lý, nguyên nhân vì sao cậu Cả bị như vậy thì dì Nguyệt cũng không biết.
Dì ấy chỉ biết nếu cậu Cả không ngủ trong quan tài thì không chỗ nào khác cậu ngủ được.
Nghe dì Nguyệt kể lại, tôi thật sự không thể tưởng tượng ra nổi cuộc sống của hai chị em bọn họ đã phải trải qua những gì.
Những chuyện dì kể cứ như tình tiết trong phim, nghe mà xót hết cả ruột gan.
Thấy dì Nguyệt xúc động quá, tôi mới nắm lấy tay dì mà an ủi:
– Dì… chuyện qua rồi, dì đừng buồn nữa… dì mà buồn là em con trong bụng cũng buồn theo đó dì…
Dì Nguyệt lau vội nước mắt trên mặt, dì vỗ vỗ lấy tay tôi trấn an, giọng của dì tràn đầy sự chua xót:
– Ừ dì biết rồi… bây chừ dì chỉ mong cho thằng Trạch qua được tuổi hung hiểm mà sống với dì.
Rồi chuyện vợ con của nó, nó muốn sao dì chiều hết theo như vậy.
Thôi, dì không nói nữa… không nói nữa…
Thấy dì Nguyệt buồn, tôi liền pha trò chọc ghẹo vài câu, nói tới chuyện đứa bé trong bụng, cảm xúc của dì Nguyệt lại tốt lên hẳn.
Hai dì cháu ngồi xếp đồ cho em bé, tôi mới vu vơ hỏi:
– Con tưởng là dì đợi khi nào bụng lớn rồi mới thông báo chuyện có bầu ấy chứ.
Dì Nguyệt cười cười:
– Ừ dì cũng định vậy nhưng thằng Trạch không chịu, nó biểu dì cứ nói ra cho trong nhà biết, có giấu là giấu người bên ngoài thôi.
Nó dặn sao thì dì làm y như vậy, không thôi nó rầy.
Tôi gật gù, cũng chưa hiểu lắm lý do vì sao cậu Cả muốn thông báo chuyện dì Nguyệt có thai ra bên ngoài.
Nhưng nếu cậu Cả đã muốn như vậy thì nhất định là có lý do của nó.
Tự dưng tôi thông suốt được một chuyện, cậu Cả chưa bao giờ làm chuyện gì một cách vô cớ, chắc chắn.
Nói chuyện xong với dì Nguyệt thì tới giờ cơm chiều, cơm chiều ngày hôm nay tương đối đông đủ, cậu Hai cậu Ba cũng có mặt, chỉ thiếu duy nhất cậu Cả mà thôi.
Ăn cơm chiều xong, mấy người đàn bà trong nhà đi theo Bà Nội tụng kinh, tôi báo là mệt trong người nên xin kiếu không đi theo.
Thấy tôi không đi, Bà Nội lại được dịp nói xiên nói xỏ nhưng tôi mặc kệ, giả điếc không nghe.
Tối nay tôi có cuộc hẹn quan trọng nên không rảnh mà đối phó với lão yêu bà này.
……………………..
Trời sụp tối, tiếng nhái kêu rền rang ngoài đồng, sau khi đợi cả nhà đi ngủ hết, tôi mới xách cái đèn bão đi vòng cửa sau đặng đi ra ngoài vườn.
Eo ôi, hẹn đâu không hẹn lại hẹn ở chỗ chiếc xe hơi mất thắng của anh Bí, sợ chết khiếp đi được ý.
Vì sợ người làm phát hiện nên tôi thổi tắt đèn rồi mò mẫm đường theo trí nhớ mà đi tới.
Cái xe đem về rồi để tuốt trong gốc vườn, gần với đình nghỉ mát.
Trời lúc này tối om, cũng may là có sao với trăng nên cũng không đến nỗi nào.
Tôi luồng lách như mấy con gà thả vườn, vừa đi vừa khấn luôn miệng vì sợ gặp… ma.
Lọ mọ cả buổi trời cũng tới, ban đêm nên ngoài vườn cũng không có ai mà khúc này gần với cái xe mất thắng nên càng không có ai dám thò đầu tới gần.
Ôi mẹ ơi, nhìn cái xe từ xa là tôi đã thấy dựng hết cả tóc gáy chứ đừng nói là tới gần.
Cậu Cả suy nghĩ đúng quái gở, hẹn hò mà cũng hẹn ở chỗ ma mị như vậy được nữa, sợ muốn tè ra quần rồi đây này.
Tôi đứng ở góc cây ổi, đưa mắt nhìn dáo dác ra xung quanh, tôi khẽ kêu:
– Cậu Cả… cậu Cả!
Không có tiếng đáp lại, chẳng lẽ là cậu chưa ra?
– Cậu… Cả….
cậu Cả ơi!
Lần này vẫn im thin thít, ngoài tiếng ếch nhái kêu ra thì chẳng còn nghe được tiếng động nào nữa.
Tôi đưa mắt kiếm tìm xung quanh, đang tập trung cao độ thì ngay chỗ chiếc xe hơi, cánh cửa xe vốn đang đóng chặt tự dưng từ từ mở ra.
Tiếng mở cửa kêu “kót két… kót két” khiến chân cẳng tôi như muốn rụng rời.
Tôi đứng không còn vững nữa, miệng thì giật giật vì sợ, cả người dựa hết vào thân cây ổi.
Giờ mà có ai hiện ra chắc tôi chết, tôi chết chứ sống không nổi nữa..
– Cậu Cả ơi!
Tôi vừa kêu vừa run, tiếng kêu yếu ớt như ruồi muỗi bay ngang.
Cánh cửa đang mở ra đột nhiên đóng lại… mà điều đáng nói là bên trong lại không có người…
Giờ phút này tôi chỉ muốn chạy ngay về phòng, chạy không cần ngoảnh đầu lại, chạy không cần biết đến ngày mai… chạy buông bỏ tất cả… chạy…
– Út Quân…
Hai chữ “Út Quân” kéo dài thường thượt nghe mà rợn da gà, cả người tôi run lên bần bật, miệng lưỡi khô đắng ú ớ không nói được câu gì.
Trong đầu suy nghĩ muốn bỏ chạy nhưng hai chân lại như chôn chặt dưới đất không nhấc lên được chút nào.
Tới tầm này, tôi coi như phó mặc thân mình cho số phận, muốn ra sao thì ra…
– Ha ha, là tôi đây…
Từ sau chiếc xe hơi, cậu Cả thân mặc bộ bà ba lụa màu trắng đi ra, mặt mày cậu cười rạng rỡ, thần thái trông vui vẻ lắm.
Tôi vốn dĩ còn đang sợ thụt cả cổ vào trong nên mặt trông ngố tàu, mồ hôi mồ kê thì chảy ròng ròng.
Thấy cậu Cả vui như được cho vàng, tôi tự dưng thấy mình hơi ngáo, có lẽ nào…
Tôi nhìn cậu rồi lấp bấp hỏi:
– Cậu… hù em?
Cậu Cả phá lên cười, cậu nhái giọng ma quỷ:
– Út Quân….
ha ha… mắc cười muốn chết… nhìn cô kìa…
Ơ cái thằng cha này…
Tôi giận thật sự, vừa giận vừa ức, nước mắt không biết ở đây tự dưng chảy dài ra, tôi khóc rống lên tu tu.
– Hu… hu… hu…
Thấy tôi Khóc, cậu Cả cười vui vẻ bảo:
– Giỡn chút mà, nín đi khóc gì hông biết.
Mặc cho cậu nói gì thì nói, tôi khóc vẫn cứ khóc.
Đứng dưới gốc cây, tôi khóc um lên, khóc oan ức khổ sở như kiểu ai gϊếŧ cha gϊếŧ mẹ không bằng.
Cậu Cả lúc này mới thấy hoảng, cậu đi nhanh lại chỗ tôi, một tay cậu bịt miệng tôi lại, một tay thì vỗ nhè nhẹ lên đỉnh đầu tôi, cậu dỗ:
– Ớ nín nín… cô khóc như vậy cả nhà biết thì làm sao… nín đi.
Kệ cậu, tôi không quan tâm, cậu nói kệ cậu, tôi khóc kệ tôi.
Thấy tôi khóc quá, cậu Cả lúng túng loạn hết cả tay chân:
– Thôi được rồi, cậu xin lỗi… cậu lỡ giỡn quá trớn… nín đi… nín dứt… nín!
Thấy cậu xuống nước, tôi hít hít mếu máo nói:
– Cậu giỡn… vậy… rồi lỡ em sợ quá… em chết luôn rồi sao? Hu hu.
Cậu Cả gãi đầu, mặt ngẩn tò te:
– Ờ ai biết… vui mà.
Tôi lườm nguýt cậu, đánh vào vai cậu mấy cái, tôi quát:
– Cậu vui nhưng em không vui, em mà chết em cũng kéo cậu theo.
Cậu Cả nhìn nhìn tôi, cậu dịu giọng:
– Chết gì mà chết, ai cho cô chết… tôi cho cô chết hở?
Tôi bĩu môi, làu bàu:
– Làm như cậu là Diêm Vương gia không bằng…
Cậu Cả đánh một phát vào trán tôi, cậu lườm lườm:
– Đợi cô từ nãy tới giờ, cô mần cái chi mà lâu quá vậy?
Tôi lau nước mắt trên mặt, tôi trả lời:
– Đợi mọi người đi ngủ hết…
Tự dưng nhớ tới chuyện khi sáng, tôi có chút run rẩy lo lắng, tôi hỏi:
– Nhưng mà cậu Cả… hồi sáng cậu nói cái chi mà em không hiểu.
Thân phận gì hở cậu? Thân phận gì?
Nghe tôi hỏi, cậu Cả cười cười, mặt toát lên vẻ đắc ý, cậu ép sát tôi vào thân cây ổi, giọng cậu nhàn nhạt:
– Thân phận hả? Cái này cô phải tự hiểu chớ hỏi tôi làm gì?
Tôi sợ tới mức tim đập loạn lên, dựa người sát vào thân cây ổi, tôi lấp bấp trả lời:
– Em… em có biết gì đâu… cậu nói cái chi… lạ lùng vậy cậu?
Cậu Cả híp mắt nhìn tôi, giọng điệu cậu đầy sát khí:
– Cái chi mà lạ lùng? Tôi nghi ngờ cô lâu rồi… nói… cô là ai? Cô là ai tới đây?
Thôi chết mẹ rồi… cậu Cả biết rồi… biết rồi… Không được, tôi không thể nói… không thể….
Tôi đưa mắt nhìn thẳng vào mắt cậu Cả, mặc dù run lắm nhưng tôi vẫn cố gắng nói bằng giọng dõng dạc.
– Em… em không hiểu cậu đang nói cái gì… em không hiểu…
Cậu Cả giữ chặt hai tay tôi, cậu cười đểu:
– Không hiểu? Vậy được rồi, cô cứ trả lời cho tôi biết… cô là Út Quân hay không phải là Út Quân?
Tôi cười gượng:
– Em là… Út Quân mà… cậu bị điên rồi hả? Buông em ra đi.
Cậu Cả siết chặt hai tay tôi, cậu ép tôi vào sát thân ổi, hai chân cậu kẹp chặt vào hai chân tôi, cậu gằn từng tiếng:
– Nếu cô chịu nói thiệt cho tôi biết thì tôi còn giúp cô… còn nếu cô đã cố tình muốn giấu giếm… vậy thì đừng trách tôi không nể tình.
Tôi nói cho cô biết trước, tôi cấm cô làm hại tới gia đình tôi, nhứt là chị hai của tôi… cô nghe rõ chưa?
– Em… em…
– Nói! Cô là ai?
Dưới sức ép của cậu Cả, thần kinh tôi như muốn nổ tung lên, cảm giác sợ hãi vây tới, tôi đúng như kiểu đứa trẻ làm sai bị người lớn hỏi tội, nửa muốn nhận nửa lại không dám.
Trốn tránh ánh mắt của cậu Cả, cậu lại ép tôi phải nhìn thẳng vào mắt cậu.
Huhu, cậu Cả đẹp trai là thật nhưng sao giây phút này trông cậu đáng sợ thế không biết nữa.
Bây giờ tôi phải làm sao đây, có nên nói ra không hay là chết sống không hé răng nửa lời? Mà nếu tôi nói ra thì cậu Cả có…
– Cậu Út… cậu mần cái giống gì vậy, hở?
Tiếng quát này… tiếng quát đầy giận dữ này là của… của… của cậu hai Ngọc.
Thôi toang rồi, toang thật rồi, phen này thì chết mẹ tôi rồi!.