Lá nằm trong lá

Chương 7


Bạn đang đọc Lá nằm trong lá – Chương 7


Xí Muội từ khi đóng vai Mã Phú, lập tức được ái mộ cuồng nhiệt. Mặc dù khi tụi bạn trong lớp hỏi Mã Phú có phải là nó không, bao giờ nó cũng cười cười nói không phải.
Nhưng sự phủ nhận kèm theo nụ cười lại rất giống với sự hân hoan thừa nhận. Cho nên cứ vài ba hôm không thấy văn sĩ Mã Phú viết tiếp câu chuyện về chàng chăn ngựa, các độc giả trung thành lại tìm đến Xí Muội để thúc giục, năn nỉ.
Xí Muội lại phải gặp thằng Lợi.
Câu chuyện của Lợi ngày càng hấp dẫn, đến mức ngay cả thằng Thọ cũng tấm tắc:
– Không ngờ thằng pê-đê này viết truyện được quá!
Từ “viên ngọc quý” đến “thằng pê-đê”, thái độ của Thọ đối với Lợi quay phắt 180 độ nhưng nó vẫn cần đến văn sĩ Mã Phú để đánh bóng tên tuổi bút nhóm Mặt Trời Khuya. Trong những ngày này, Thọ cũng đang nghĩ đến chuyện thuyết phục thầy hiệu trưởng cho đăng truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua vào đặc san Mùa Hè sắp tới.
Bây giờ không chỉ tụi bạn lớp tôi mà tụi học trò các lớp khác trong trường cũng tích cự truy lùng và hỏi mượn cuốn sổ các-nê của bọn tôi để theo dõi câu chuyện thơ mộng giữa chàng chăn ngựa nghèo khổ và nàng công chúa kiêu sa.
Trong câu chuyện của Thọ, có vẻ như nàng công chúa càng này càng mến chàng trai bần hàn, và tụi con trai con gái mới lớn lại có dịp ca ngợi sự kỳ diệu của tình yêu bằng cách không ngừng ra rả câu hát sến chảy nước: “Ta yêu nhau không kể giàu nghèo”, dù cho đến lúc này văn sĩ Mã Phú vẫn chưa động bút đến chuyện yêu đương trong các trang viết của mình.
Nhưng các độc giả của nhà văn quả quyết những chi tiết trong truyện chính là biểu hiện của tình yêu, những đứa quá khích thậm chí còn cá với nhau sớm muộn gì chàng chăn ngựa cũng sẽ trở thành phò mã, nếu không như vậy tụi nó sẵn sàng quét lớp cho những đứa thắng cuộc suốt một năm!
Tôi không biết thằng Lợi đang nghĩ gì trong đầu, rằng nó có sẽ để cho tình bạn đẹp đẽ giữa công chúa và chàng chăn ngưa nảy nở thành tình yêu vào một ngày đẹp trời nào đó hay không, nhưng tôi thầm công nhận những trang văn tuyệt vời của nó vẫn lấp lánh báo hiệu một điều gì đó rất đáng để chờ đợi.
“Bây giờ thì ngày nào công chúa cũng xin phép vua cha ra chơi ngoài đồng cỏ. Cô ôm tập theo để học bài, để làm toán, nhưng phần lớn là để vứt lăn lóc đâu đó khi mải chạy chảy nô đùa với người bạn mới.
Dần dà, cô học được ở chàng chăn ngựa những điều trước đây chưa từng có ai chỉ bảo cho cô. Cô lấy làm thích thú khi biết loài hoa có các màu trắng đỏ hồng tím mà cô thấy ở ngự hoa viên vẫn mọc đầy ở đồng cỏ, có tên là hoa móng tay, và quả nang của nó khi ai đụng mạnh vào thì hạt bất ngờ bắn ra – cô đã thử làm theo lời chàng chăn ngựa và cô thích thú nhận thấy quả đúng như thế thật. Còi hoa phớt tím mọc bên cạnh những quả tròn có gai như quả dâu lại có cái tên đầy đe dọa là cà độc dược, nhưng loài hoa này đem phơi khô xắt thành sợi làm thuốc lá có thể hút trị suyễn. Lá và quả của nó đập nát đắp lên da có thể chữa trị được nọc rắn – chàng chăn ngựa bảo với cô như vậy và dĩ nhiên cô tin ngay khi cô xúc động nhớ ra chàng đã sống lầm lũi một thời gian dài trong rừng sâu.
Nhưng công chúa thích nhất là hoa bông tai mọc trên những bụi cây chỉ cao tầm một mét. Ngày nào cô cũng vòi vĩnh bắt chàng chăn ngựa dắt cô đi hái dù cây bông tai nằm xa tít ở cuối cánh đồng, sau đó cô giắt chùm hoa có màu đỏ nâu và vàng cam rực rỡ kia lên tóc như một cô dâu nhí nhảnh khiến chàng chăn ngựa không thể nào rời mắt khỏi cô.
Có nhiều hôm cô ngồi hàng giờ bên giỏ cỏ của chàng chăn ngựa để nghe chàng chỉ cho cô cách phân biệt cỏ nhung, cỏ chăn vịt, cỏ gà, cỏ xuyến chi và các loại cỏ khác. Những lúc đó, thực ra không cần nhiều thời gian đến thế để nhận ra sự khác nhau giữa các loài cỏ nhưng cô vẫn ngồi lặng một chỗ chỉ để đưa mắt ngắm chàng trai mà không biết từ bao giờ cô đã thấy vô cùng thân thiết.
Dĩ nhiên là công chúa còn bé. Cô mới mười bốn tuổi. Nhưng đến ngày chàng chăn ngựa sau một đêm ngủ dậy ngạc nhiên phát hiện đang đắp ngang người mình, bên trên mớ cỏ khô và mảnh chăn dạ cũ kỹ, một tấm chăn bông đẹp đẽ và thơm tho, chàng lập tức nghĩ ngay đến công chúa và nếu đây đúng là hành vi của công chúa thì hình như cô không còn bé bỏng nữa.
Chính chàng chăn ngựa cũng nghĩ thế. Chàng ngồi thừ ra, mường tượng đến cảnh nửa đêm cô công chúa nhỏ lén ra khỏi lâu đài trong bầu không khí lạnh lẽo và đẫm sương đêm rồi lần mò đến chỗ tàu ngựa để đắp tấm chăn bông lên ngực chàng. Ý nghĩ đó khiến lòng chàng bất giác nảy mầm một cảm giác gì đó rất khó tả, thứ cảm giác mà chàng chưa từng biết đến, nhưng chắc chắn là nó rất dễ chịu.
Văn chương của Mã Phú càng ngày càng mượt mà và trữ tình khiến đám con gái mê tít.
Nhìn cảnh bọn con gái trong trường háo hức chuyền tay nhau cuốn sổ các-nê, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn hất hàm về phía tôi, Hòa và Sơn, giọng hả hê:
– Thắng lợi rồi, tụi mày ạ.
– Bút nhóm Mặt Trời Khuya sẽ được lên tivi à? – Thằng Hòa gãi gáy hỏi, thằng này suốt ngày chỉ mơ mộng được chường mặt lên màn ảnh truyền – Tivi cái đầu mày! – Lãnh Nguyệt Hàn hừ mũi. – Tao đang nói chuyện khác.
Hòa ngơ ngác:
– Chuyện gì?
Thọ thò tay vào túi áo định móc thuốc lá (chắc nó nghĩ vừa phả khói mù mịt vừa nói thì lời nói sẽ nghiêm trang hơn, vì vậy dễ thuyết phục hơn) nhưng trong túi áo nó chẳng còn điếu thuốc nào, Thọ đành bỏ tay xuống.
– Tao sẽ cho đăng chuyện Chàng chăn ngựa của nhà vua vào đặc san Mùa Hè tới đây. Và tụi mình sẽ mang đặc san qua các trường khác rao bán, không phát miễn phí nữa.

Sơn bĩu môi:
– Có ma mới mua!
Thọ trừng mắt nhìn Sơn, như muốn dùng tia nhìn đóng thằng này dính luôn vào tường:
– Tao cứ tưởng cái trò ăn cắp hình của nó Nguyệt nhét vào bóp là cái ngu cuối cùng của mày. Té ra cái ngu của mày có vẻ chưa chịu dừng lại!
Lời lẽ của Thọ làm Sơn nổi khùng. Nó hầm hầm vặc lại, chuyện chưa từng xảy ra trước đây:
– Mày mới ngu! Đặc san Mùa Xuân, hồi Tết mày cũng kêu tụi tao ôm qua các trường khác, đi rục cả giò, quảng cáo ê cả mồm, có bán được cuốn nào đâu. Cuối cùng phải phát phát không, mày quên rồi sao? – Tao không quên. Nhưng đứa ngu thì quên đặc san Mùa Hè sắp tới có truyện của Mã Phú. Đó chính là chìa khoắ của thắng lợi.
Thọ long mắt gầm gừ, giọng nói gần như rít qua khe răng, nhưng không phải vì vậy mà tôi lộ vẻ đồng tình với nó.
Tôi tin ở Mã Phú.
*
*      *
Mã Phú ngày càng giống “chìa khóa của thắng lợi” khi ngay cả cô Hiền và cô Mười cũng đâm ra khoái truyện của nó, ngày nào cũng hỏi thăm Mã Phú là ai và nó đã viết thêm đoạn nào mới chưa.
Tôi nói chưa và hỏi đề thi học kỳ hai môn sinh vật cô soạn chưa cô.
Cô Hiền bảo chưa, và cô mỉm cười nói thêm là đề thi sắp tới không liên quan gì đến lá và rễ cây vì bài nó nằm trong chương trình học kỳ một.
Cô Hiền trêu tôi nhưng sắp đến ngày thì cô giấm giúi đề thi cho tôi, không quên dặn tôi kín miệng.
Tôi mừng quýnh, vâng dạ rối rít, sau đó lập tức chạy đi khoe với tụi thằng Hòa.
Các nàng thơ trong ban báo chí hôm trước leo lẻo “tụi này không cần”, còn mắng bọn tôi “ma giáo”, bữa nay thấy tụi thằng Hòa thậm thà thậm thụt ngồi chép đề thi, xúm lại tíu tít:
– Gì thế? Đề sinh vật hả?
– Làm gì có!
– Mấy chàng thi sĩ chối bai bải, tay khum khum che kín tờ giấy nhưng các nàng quyết lôi ra cho bằng được:
– Cho coi với!
– Đồ tồi!
Bọn con gái là chúa siêng, tôi biết tụi nó chẳng cần xem trước đề thi, nhưng khi biết trên đời có cái đề thi đó, đứa nào cũng quyết coi cho bằng được. Biết đề trước, dẫu sao tụi nó tụng bài cũng đỡ mỏi miệng hơn, và quan trọng là có thể dồn tâm trí cho những môn học khác.
Nhà văn Mã Phú có vẻ không màng đến đề thi của cô Hiền. Thoạt đầu tôi tưởng nó khoái đóng vai người hùng, sau mới biết nó xấu hổ.
Khi tối giúi đề thi sinh vật vào tay nó, nó đẩy ra làm tôi tức anh ách. Tôi giở giọng xiên xỏ:
– Mày là anh, mày không muốn làm gương xấu cho hai em mày hả?

– Không phải vậy! – Lợi cười khổ.
Tôi hừ mũi, vẫn chưa nguôi giận
– Hay là mày thuộc bài vanh vách rồi, không cần trò “ma giáo” này?
– Tao không có thì giờ học bài.
Lợi buồn buồn đáp và đứa mắt nhìn đi chỗ khác. Thú nhận của nó làm tôi chưng hửng:
– Vậy sao mày chê đề thi sinh vật?
– Tao thấy… kỳ kỳ! – Lợi bối rối đáp, mặt nó ửng lên như có ai vừa thắp nến dưới da nó.
– Mày khờ quá! – Tôi lại nhét tờ giấy chép đề thi vào tay nó, ngoác miệng bốc phét. – Nếu không có mày, cô Hiền đâu có ưu ái tụi mình như vậy. Cô mê chuyện chàng chăn ngựa của mày nên giúi cho cái đề này, ý bảo mày khỏi cần học bài, để thì giờ viết truyện cho cô đọc.
Tôi không biết Lợi có tin lời tôi không nhưng lần này nó không đẩy tay tôi ra nữa. Sợ nó suy nghĩ lung tung, tôi rón rén tránh xa đề tài thi cử:
– Này, trưa đi học về mày làm gì mà bảo là không có thì giờ học bài?
Không hiểu sao Lợi không đáp lời tôi, mặc dù tôi nghĩ là nó nghe rất rõ.
Tôi đá vào chân nó:
– Chắc hở tí thì giờ nào là mày ngồi viết truyện hả?
Lợi ngọ ngậy đầu và cúi nhìn tờ giấy trên tay, nhưng vẫn không hề nhếch môi. Trông nó như người thình lình bị á khẩu. Tôi chán quá, thay đổi câu hỏi:
– Nhà cậu mày ở đâu vậy?
*
*      *
Câu họ Lợi ở Liễu Trì, cách đường quốc lộ khoảng ba cây số, so với nhà thằng Hòa thì gần trường hơn nhưng hằng ngày Lợi cuốc bộ nên nó phải tốn nhiều thì giờ hơn để đến lớp.Nó bảo tôi thế, tuy nhiên hôm nào Lợi viết được đoạn truyện mới, bọn tôi ôm cặp lò dò tới cổng đã thấy nó ngồi sẵn ngoài hiên đợi Xí Muội, cứ như nhà cậu nó ở ngay cạnh trường.
Hôm đầu tiên vào lớp, trông Lợi có vẻ ủ rũ, gương mặt trơn bóng của nó se lại như đau thương. Sau một thời gian đánh bạn với tụi tôi, lại bất ngờ trở thành văn sĩ được bạn bè ái mộ, Lợi tươi ra nhưng da dẻ lại sạm đi.
Tôi nhìn nó, thắc mắc:
– Chắc hôm nào mày cũng trốn ngủ trưa đi dang nắng phải không?
– …
– Mày đi bắn chim, bắn ổi, bắn xoài trộm trong vườn nhà hàng xóm chứ gì?

Mặc tôi hỏi hết câu này đến câu khác, Lợi vẫn im thít. Tôi thấy có lúc quai hàm nó nhúc nhích, nhưng rồi chờ hoài chẳng thấy nó ừ hử tiếng nào, làm như nó định trả lời tôi nhưng câu nói lại mắc kẹt đâu đó trong cổ.
Chỉ có tiếng trống vào lớp thay nó trả lời tôi và như chỉ đợi có vậy, nó bỏ tọt tờ giấy trên tay vào túi áo và đi thẳng một mạch.
Tôi nhìn theo Lợi, nhìn mái tóc hoe vàng như mớ rơm khô trên đầu nó, bân khuâng nghĩ: thằng này là học trò sao bộ dạng nó ngó giống… chàng chăn ngựa vậy ta!
Chàng chăn ngựa của Lợi chắc đẹp trai hơn Lợi, vì ở những phần tiếp theo, tình cảm của công chúa dành cho chàng dường như mỗi lúc một sâu đậm.
“Công chúa hỏi chàng trai vào sáng hôm sau khi họ gặp lại nhau ở cuối cánh đồng cỏ, nơi chàng chăn ngựa vẫn hay dắt cô đi hái hoa bông tai cài lên tóc, sau đó thích thú ngắm lũ bướm thay nhau lượn quanh cô mãi cho đến lúc cô vẫy tay chào tạm biệt chàng trai để quay về lâu đài.
Cách cô công chúa hỏi như đêm hôm qua không có chuyện gì xảy ra khiến chàng trai thốt nhiên bối rối. Chàng vò một chiếc lá trên tay, trả lời mà không nhìn công chúa:
– Tôi ngủ rất ngon, thưa công chúa!
– Ngươi quay mặt lại đi! – Đột nhiên công chúa nói.
Cô nói với ngữ điệu bình thường, thậm chí dịu dàng nhưng vì cô là công chúa, chàng trai cảm thấy đó là một mệnh lệnh.
Chàng quay lại, ngượng ngập, nhưng rồi trái tim chàng đập rộn, lần này đan xen cả cảm giác hân hoan khi chàng thấy công chúa đang chìa ra trước mặt chàng một con hạc giấy.
– Ta tặng ngươi nè!
Chàng rụt rè đưa tay cầm lấy món quà bất ngờ và sung sướng mân mê nó bắng mắt, xúc động đến quên cả cảm ơn.
– Ngươi biết đấy là chim gì không?
– Chim hạc, thưa công chúa!
– Đấy là loài chim may mắn. – Công chúa mỉm cười. Khi nào ngươi có đủ một ngàn con chim này, ngươi có thể ước một điều ước.
Công chúa tất nhiên là một cô gái xinh đẹp (hình như mọi công chúa đều xinh đẹp). Khi cô cười mặt cô tỏa sáng như có một mặt trời vừa đậu xuống vai cô, vì vậy nếu như ánh mắt chàng chăn ngựa đọng mãi trên gương mặt yêu kiều của cô mặc dù chàng biết như thế là bất nhã thì cũng không nên trách chàng (công chúa chắc nghĩ khác: chàng sẽ thật là bất nhã nếu không chịu nhìn cô như vậy!).
– Một ngàn con? – Chàng lặp lại, thì thầm như mơ ngủ.
– Ngươi đừng lo! – Công chúa nhìn chàng trai đang ngây ra trước mắt, giọng ấm áp. Mỗi ngày ta sẽ tặng ngươi một con. Một ngàn ngày sau, ngươi có thể ước bất cứ điều gì và điều đó sẽ trở thành sự thật.
Chàng trai chớp mắt, bồi hồi hỏi:
– Công chúa tự tay xếp con hạc này?
– Tất nhiên là tự ta xếp. Nếu muốn, mỗi ngày ta có thể gấp được một trăm con.
Công chúa vừa đáp vừa nghiêng đầu một cách duyên dáng khiến chàng trai càng không thể rời mắt khỏi cô. Chàng thấy trái tim mình rơi xuống chỗ nào đó và chàng buột miệng hỏi, bần thần và ngây ngô:
– Thế sao công chúa không…
Đang mấp máy môi, thấy gương mặt công chúa thoắt xịu xuống, câu hỏi lập tức tuột khỏi miệng chàng.
– Ngươi nghe này. Nếu mỗi ngày ta tặng ngươi một trăm con hạc giấy, ta với người chỉ gặp nhau có mười ngày thôi.
Công chúa nói giọng hờn dỗi và khi cô nói tiếp thì đến lượt cô quay mặt đi.
– Ngươi không thích gặp ta suốt ngàn ngày sao?
Bây giờ thì chàng chăn ngựa đã biết mình vụng về như thế nào. Chàng đứng trơ ra, biết mình có lỗi với công chúa nhưng vì quen sống cô độc chàng loay hoay mãi vẫn không chọn được từ ngữ nào thích hợp với tâm trạng của mình trong lúc này. Suốt một lúc lâu chàng cứ im lìm chôn chân trên cỏ, ngẩn ngơ nhìn đàn bướm sặc sỡ vờn quanh mái tóc mượt mà của công chúa, đến mức có cảm tưởng chàng đã đánh rơi tiếng nói ở chỗ nào đó trên đồng cỏ bao la.”

*
*      *
Văn sĩ Mã Phú có cái lối kết thúc từng kỳ truyện ở những chỗ khiến người đọc tức điên.
Tôi hỏi nó thì nó bảo nó không cố tình chọc giận bạn bè, rằng nó viết đến khi nào buồn ngủ thì nó ngưng, chẳng để ý truyện đã kéo dài đến đâu.
Tôi khịt mũi:
– Sao mày không viết ban ngày? Viết ban ngày thì đâu có buồn ngủ?
Tôi nhìn mái tóc cháy nắng của nó, lặp lại câu hỏi hôm trước:
– Ban ngày mày mải đi bắn chim, bắn ổi, bắn xoài trộm trong vườn nhà hàng xóm chứ gì?
– Đâu có!
Lợi đáp và nhe răng cười. Lợi ít khi cười nên nó cười mặt nó trông lạ hoắc lạ huơ.
Xí Muội chạy tới đúng vào lúc tôi định hoạnh họe thằng Lợi thêm vài câu:
– Truyện mới đâu, ông?
Vừa nói vừa chìa tay trước mặt Lợi, trông bộ tịch thì có vẻ như nó sẽ không rút tay lại cho đến chừng nào Lợi đưa truyện mới ra.
– Hôm nay không có. – Lợi bối rối đáp, nụ cười trên mặt nó như bị ai thình lình đánh cắp.
– Tôi gia hạn cho ông thêm một ngày nữa. Sáng mai phải có cho tôi đó. – Xí Muội nói như ra lệnh.
– Tôi phải ôn bài nữa chi. Sắp thi rồi.
Giọng Lợi nghe như năn nỉ nhưng Xí Muội chẳng buồn động lòng: – Tôi không biết. Ai bảo ông không dám nhận mình là Mã Phú. Tôi đóng vai Lê Lai cứu chúa, mấy hôm nay bị tụi bạn níu rách cả áo đây nè.
Xí Muội thõng tay xuống nhưng không vì vậy mà nó thôi ca cẩm: – Tụi nó còn bảo không viết kịp thì kể tụi nó nghe khúc sau cũng được. Híc, tôi biết gì mà kể!
Tâm hồn nhà văn thường mỏng manh, dễ động lòng trắc ẩn. Nghe Xí Muội vì mình mà lâm vào hoàn cảnh khó xử, Lợi không viện lý do thi cử để từ chối nữa. Nó ngồi thừ ra, nhăn nhó, trong khi con nhỏ Xí Muội tươi như hoa, biết rằng khi thằng Lợi mặt mày trông giống như khỉ ăn gừng có nghĩa là văn sĩ Mã Phú thật đã nhận lời với văn sĩ Mã Phú dỏm.
Khi Xí Muội than vãn với tôi và Lợi về nỗi đau khổ của người nổi tiếng vào buổi sáng hôm sau đó, nó không bao giờ ngờ (cả tôi và Lợi cũng thế) sự thể còn đi xa hơn nhiều so với những gì nó đã trải qua.
Bọn học trò nhiều đứa mê truyện của Mã Phú đến mức mượn cuốn sổ các-nê của bút nhóm Mặt Trời Khuya về, rồi sắm một cuốn tập để chép truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua vào đó.
Tụi nó chép lại chỉ để buồn buồn lôi ra đọc, vì cuốn các-nê thì tụi nó không giữ lâu được.
Tụi nó đọc thì anh chị tụi nó cũng đọc, nếu đứa nào có cả anh lẫn chị.
Thị trấn quê tôi chưa mở cấp b nên đứa nào học xong lớp chín đều phải khăn gói ra thành phố. Thành phố có bốn trường cấp ba – hai trường công lập và hai trường tư thục.
Tùy theo học lực và điều kiện kinh tế, bọn học trò thị trấn rải đều cả bốn trường và vì thành phố chỉ cách thị trấn có sáu mươi cây số nên đám “du học sinh” này cứ đến chiều thứ bảy lại đón xe đò về thăm nhà, những đứa nhà giàu thì chạy honda.
Những ông anh bà chị về nhà, tình cờ vớ phải cuốn tập chép truyện của thằng em (thường thường là của con em), thế là chúi mũi vào đọc, lúc đầu đọc vì tò mò, về sau đâm mê tít. Mê đến mức hỏi mượn cuốn tập đem ra thành phố (không ượn thì đánh cắp), bảo là cầm theo đọc cho đỡ nhớ nhà.
Dĩ nhiên câu chuyện về chàng chăn ngựa chẳng có tác dụng gì trong việc xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhưng các ông anh bà chị láu cá cứ bịa ra thế để đánh vào lòng trắc ẩn của lũ em khờ dại.
Kết quả: Cũng y như ở trường tôi, những cuốn tập kia được chuyền tay khắp các trường cấp ba trong thành phố và chẳng mấy chốc văn sĩ Mã Phú nổi tiếng như cồn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.