Bạn đang đọc Lá nằm trong lá – Chương 3
Bọn tôi không rủ cô Hiền và cô Mười xuống cầu Hà Kiều ngồi hóng mát nữa nhưng hằng tuần vẫn kéo nhau lên tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường thăm hai cô.
Có lẽ nhờ vậy tôi luôn được cô Hiền cho điểm ỗi khi dò bài, dù suốt một năm học tôi chỉ thuộc mỗi một bài đầu tiên nói về lá và rễ cây.
Hồi bút nhóm Mặt Trời Khuya chưa ra đời, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn chưa lên chức trưởng ban báo chí trường, tôi bị cô Hiền kêu lên bảng và dò đúng bài này. Dĩ nhiên tôi đọc làu làu và lãnh điểm 10 ngon lành.
Đến khi thằng Thọ bày ra trò làm đặc san, thường xuyên xin nghỉ tiết của cô để “đi làm báo” thì tôi không thèm tụng bài sinh vật nữa. Chép bài thì tôi vẫn mượn tập tụi bạn để chép nhưng chép xong tôi vứt tập vào ngăn bàn, không thèm ngó ngàng gì đến nó.
Cô Hiền dễ dãi khi tụi tôi xin nghỉ tiết dạy của cô,nhưng cột điểm hằng tháng không thể để trống, vì vậy hôm nào tụi tôi không “đi làm báo”, cô lần lượt kêu tám mống trong ban báo chí lên bảng, không sót một đứa nào.
Khi cô kêu đến tên tôi, dĩ nhiên tôi rất run.
Cô lật tập, ngay bài mới nhất, kêu tôi đọc.
Tôi gí gí mũi giày xuống nền nhà, mặt đỏ tới tận mang tai.
Thấy tôi đứng lâu lắc, có vẻ như đang nghĩ ngợi xem nên mở miệng hay cứ lì ra như thế cho đến khi có trống đổi tiết, cô Hiền ngước mắt nhìn tôi:
– Sao thế? Hôm qua em không học bài à?
– Thưa cô, hôm qua em đi ăn giỗ ạ.
Tôi lí nhí đáp, bùng đã sẵn sàng ôm tập về chỗ.
Nhưng cô Hiền có vẻ không nỡ đuổi tôi. Cô không muốn thi sĩ Cỏ Phong Sương mất mặt trước bạn bè.
Tôi gằm đầu và nghe tiếng cô bay trên mái tóc:
– Thôi, em đọc bài tuần trước cũng được.
– Bài tuần trước em cũng không thuộc ạ. – Tôi đáp, giọng xấu hổ, nhưng ý tứ thì giống như đố cô làm gì được em.
Cô Hiền không làm gì tôi thật. Lần thứ hai, giọng cô đầy nhẫn nại:
– Vậy cô cho em đọc bài tuần trước nữa!
– Bài tuần trước nữa… cũng vậy, thưa cô! – Tôi nhắm mắt lại, ấp úng thú nhận, ước gì có thể chui được xuống đất ngay lúc đó.
Sau một phút ngẩn ngơ, cô Hiền thở hắt ra:
– Thôi, em thuộc bài nào thì đọc bài ấy!
Trước sự rộng lượng bất ngờ của cô, tôi nhanh nhảu đọc bài về lá và rễ cây. Tôi không dám đọc to, sợ tụi bạn ngồi dưới nghe thấy sẽ kiện cáo lôi thôi.
Hôm đó, tôi được cô Hiền cho 9 điểm, mặc dù tôi đọc một bài cũ rích và giọng tôi phát ra từ một âm vực thấp đến độ tôi ngờ rằng cô không thể nào nghe thấy.
Từ bữa đó, tôi không sợ cô Hiền kêu trả bài nữa.
Những lần bọn tôi đến thăm cô, cô và tôi đều không nhắc gì đến chuyện đó và tháng sau tôi lại tiếp tục thì thầm đọc bài lá và rễ cây khi bị cô kêu lên bảng.
Tóm lại, suốt một năm học môn sinh vật, tôi chỉ thuộc độc nhất mỗi một bài. Đó là vốn lận lưng của tôi, lần nào bị cô Hiền gọi trả bài, tôi cũng véo von về lá và rễ cây. Đến mức, những lần sau thấy tôi lò dò đi lên, cô chỉ đưa tay cầm lấy cuốn tập và hất đầu chiếu lệ “Em đọc đi!”, chẳng buồn nói bài nào vì cô biết thừa nếu cô bảo tôi đọc bài khác chắc chắn tôi sẽ ngất xỉu giữa lớp.
Có lần không kềm được, tôi đem chuyện cô Hiền ưu ái tôi khoe với tụi bạn trong bút nhóm và sung sướng thấy tụi nó tròn xoe mắt vì ngạc nhiên, sau đó mặt đứa nào đứa nấy xám đi vì ghen tị. Thằng Thọ phun nước bọt:
– Tao sẽ kiện!
Tất nhiên tôi biết nó chỉ nói chơi.
*
* *
Giữa năm học, bút nhóm Mặt Trời Khuya bất ngờ có thêm một thành viên mới. Đó là thằng Lợi.
Lợi ở miệt ngoài. Ba mẹ nó sống bằng nghề đào vàng trên núi, nửa đêm hầm bất ngờ bị sập, ba mẹ nó bị chôn vùi trong đất đá cùng hàng chục người khác, đào bới mấy ngày mới moi được xác.
Sđêm, ba anh em nó đột ngột mồ côi ba mẹ, chẳng biết bấu víu vào đâu. Bà con thương tình cưu mang, bác nó đem đứa bé kế nó về bào bọc, đứa út được bà cô dắt về nhà. Riêng nó, cả tuần lễ sau mới có ông cậu họ ở xa tới xin nhận nó về nuôi.
Chuyện này mãi về sau, khi đã chơi thân với nhau và Lợi đã trở thành nhà văn Mã Phú trong bút nhóm Mặt Trời Khuya, nó mới bùi ngùi kể cho tôi nghe.
Hôm đầu tiên, Lợi rụt rè đi theo thầy hiệu phó vào lớp, chẳng đứa nào biết gốc gác lai lịch của nó, cũng chẳng biết nó có tài viết văn. Chỉ thấy đó là đứa có thân hình dong dỏng, gương mặt nhàu nhò, lúc nào cũng như sắp òa ra khóc.
Học trò mới Lưu Thành Lợi ngồi ở bàn chót với ba đứa khác, nhưng từ lúc vô học đến khi có trống tan trường, nó chẳng buồn bắt chuyện với ai. Ngày nào cũng như vậy, nó như con ốc không chui ra khỏi vỏ, vô lớp là chúi mặt vào tập.
Thời gian đầu bọn tôi chẳng quan tâm đến Lợi, thực ra muốn quan tâm cũng chẳng biết quan tâm gì ở một đứa cứ im thít suốt buổi như thế. Trông nó còn chán hơn cả cái cột đình.
Chỉ đến khi bài tập làm văn tháng đó được phát ra, bài của nó được điểm cao nhất và vinh dự được thầy Chinh đọc lên cho cả lớp nghe, bọn tôi mới biết Lợi là viên ngọc quý.
Ba chữ “viên ngọc quý” là do Thọ đặt cho Lợi.
Giờ ra chơi, Thọ triệu tập tôi, Hòa và Sơn trong quán cà phê trước cổng trường, chui vào xó xỉnh kín đáo quen thuộc để không đứa nào nhìn thấy cả bọn đang ti toe bập thuốc.
Đợi cà phê bưng ra, Thọ lôi từ trong túi áo điếu thuốc lẻ nhăn nheo chắc vừa đánh cắp được của mẹ nó hồi sáng, quẹt que diêm vào gót giày đánh xoẹt một tiếng cho lửa xòe ra rồi thản nhiên gí que diêm cháy đó vào đầu mẩu thuốc.
Nó rít một hơi, nhắm mắt ngửa cổ nhả khói lên trần nhà với phong cách rất ư là nghệ sĩ, rồi gật gù:
– Lớp mình có một viên ngọc quý.
Biết thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn khoái mào đầu theo kiểu lửng lơ, ba đứa tôi im lặng nhìn nó, nín thở chờ nó nói tiếp.
Thọ quét mắt một vòng, chậm rãi:
– Thằng Lợi chính là viên ngọc quý đó.
Sơn chớp mắt:
– Tại nó học giỏi văn hở mày?
– Chính xác! – Thọ gật đầu, nó nheo mắt nhìn bọn tôi – Tụi mày có biết tại sao học giỏi văn là viên ngọc quý không?
Hòa gãi cổ:
– Vì mai mốt nó sẽ trở thành Khải Hưng, Thạch Lam…
Thọ đập tay xuống mặt bàn đánh chát khiến ba đứa tôi giật bắn. Nhưng không phải nó nổi giận mà đó là hành động bày tỏ sự tán thưởng với câu trả lời của thằng Hòa:
– Mày nói đúng lắm, Trầm Mặc Tử! Hòa chưa kịp toét miệng sung sướng, Thọ hùng hồn giải thích:
– Thằng Lợi có mọi phẩm chất để trở thành một nhà văn lớn trong tương lai, nhưng với điều kiện ngay từ bây giờ nó phải được nuôi dưỡng trong bầu không khí văn chương sôi động.
Tôi hiểu ngay ý Thọ:
– Mày muốn rủ nó gia nhập bút nhóm?
– Đúng vậy! – Thọ huơ điếu thuốc vẽ một vòng tròn lập lòe trong không trung, nãy giờ mải bận bịu chuyện kết nạp thành viên, nó quên bẵng việc ép tụi tôi hút thuốc lá. – Mặt khác, bút nhóm tụi mình cũng cần một cây bút như nó. Bọn mình chỉ rặt thi sĩ, cần bổ sung một văn sĩ cho nó… cân đối!
Lúc Thọ quyết định thế, Lợi chưa khác lên người cái bút danh mỹ miều Mã Phú.
*
* *
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn uốn ba tấc lưỡi để thuyết phục “viên ngọc quý” nhưng xem chừng “viên ngọc quý” vẫn e dè. Chỉ đến khi Thọ trưng ra cuốn sổ sáng tác của bút nhóm Mặt Trời Khuya thì Lợi mới lung lay.
Hôm đầu tiên ôm cuốn sổ về nhà, Lợi giữ ba ngày, đến ngày thứ tư nó đem lên trả. Thọ cầm lấy cuốn sổ, mắt sáng trưng. Nhưng sau khi lật tới lật lui, chẳng thấy chữ nào của thằng Lợi, Thọ sầm mặt:
– Sao thế mày?
Lợi nhìn xuống đất:
– Tao chẳng biết viết gì.
Tôi đứng bên cạnh, ánh mắt đi qua đi lại giữa Tho và Lợi một cách lo lắng, thấp thỏm chờ thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn thốt ra tiếng “Ngu!” quen thuộc.
Nhưng khác với điều tôi chờ đợi, Tho không mắng Lợi, cũng có thể muốn mắng lắm nhưng nó kềm lại được. Dẫu sao Lợi cũng là học trò mới, không phải bạn bè than thiết như tôi, Sơn hay Hòa mà muốn nặng lời lúc nào cũng được. Chưa kể, bút nhóm Mặt Trời Khuya đang thiếu văn sĩ trầm trọng, Thọ không muốn làm mếch lòng Thạch Lam tương lai.
– Mày cầm về đi! – Sau một lúc ngẫm nghĩ, Thọ giúi cuốn sổ vào lại trong tay Lợi, tặc lưỡi – Chừng nào viết được gì đó, mày hãy trả cho tao!
Lợi không chịu cầm lấy cuốn sổ. Nó nhìn thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn bằng ánh mắt van nài:
– Nhưng tao…
– Không “nhưng” gì hết! – Thọ nhún vai, một cử chỉ cho biết còn lâu thằng Lợi này mới hòng từ chối được – Mày cứ nghe tao đi. Tao biết mày là đứa có tài.
Thọ đập tay lên vai Lợi, động viên:
– Tao biết mày viết được mà. Mày viết thể loại nào cũng được. Thậm chí mày có thể sáng tác truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện trinh thám… Tùy!
– Viết đi, Lợi! – Tôi phụ họa – Tao học văn giỏi như mày, tao sáng tác truyện từ khuya rồi!
Hai đứa tôi đã nói đến nước đó, Lợi không thể không nghe.
Nó nhăn nhó cầm cuốn sổ nhét vào túi xách, chép miệng:
– Được rồi. Tao sẽ cố!
*
* *
Để thằng Lợi toàn tâm toàn ý hơn nữa cho việc sáng tác, hôm sau Thọ xin cho nó vào ban báo chí của lớp và của trường.
Lợi đồng ý ngay, nhưng cuốn sổ các-nê thì nó vẫn giữ rịt.
Bọn tôi hỏi thì nó bảo đang viết. Hỏi viết gì thì nó không nói.
Lợi cũng chẳng chịu nghỉ học tiết sinh vật để “đi làm báo” với bọn tôi.
Tôi kéo tay nó, nó trì lại, bảo:
– Tao thích học.
– Kệ nó đi! – Thọ hất đầu ra hiệu cho tôi – Nó không thích nghỉ học thì thôi.
Trong thời gian đó, bọn tôi phải lo dàn xếp những chuyện rắc rối xảy ra với các nàng thơ nên mặc Lợi muốn làm gì thì làm, kể cả chuyện gai mắt nhất là nó không thèm nghỉ tiết sinh vật của cô Hiền như bọn tôi.
Rắc rối đầu tiên đến từ Thỏ Con.
Một chủ nhật nọ tôi rủ thằng Hòa đến nhà Thỏ Con chơi, mối tới đầu ngõ đã thấy trong nhà nó thấp thoáng mấy đứa con trai lạ mặt.
Thỏ Con đang ngồi tiếp chuyện vui vẻ với đám này, nhác thấy tôi và Hòa, nhanh nhảu chạy ra mời hai đứa tôi vô.
Chiếc bàn khách nhà nó có bốn chiếc ghế. Thỏ Con ngồi một chiếc, ba người khách của nó ngồi ba chiếc, tôi và Hòa phải đặt mông ngồi ké trên bộ ván kế đó.
Nhưng chuyện đó không làm tôi bực mình bằng chuyện mấy tên kia cứ thản nhiên buông lời tán tỉnh Thỏ Con, coi tôi và Hòa như hai cục gạch không có khả năng hiểu bọn họ nói gì.
Ba anh chàng này cũng là dân thị trấn, con ông A ông B ông C, Thỏ Con giới thiệu thế. Tôi biết ông A, ông , ông C nhưng không biết con của họ. Cả ba đều trạc mười tám tuổi, học lớp mười hai ngoài thành phố, do thị trấn quê tôi chưa mở cấp ba.
Suốt nửa tiếng đồng hồ dộng vô tai tôi toàn những câu khó nghe kinh khủng:
– Anh thấy em càng lớn càng xinh!
– Hôm nào đi Tiên Nông chơi với bọn anh nhé!
Toàn những lời nhố nhăng vậy mà Thỏ Con cứ ngồi toét miệng ra cười làm tôi sôi máu.
Tôi kéo tay Hòa:
– Xuống nhà dưới ngồi chơi!
Hòa chắc cũng đang bất bình giùm tôi. Tôi vừa mở miệng, nó đứng bật dậy ngay. Hai đứa đùng đùng kéo nhau xuống nhà dưới, chẳng thèm nói tiếng nào với Thỏ Con và ba vị khách.
Tôi ngồi trên võng, nó ngồi trên chiếc chõng tre, chìa hai bộ mặt hầm hầm vào mắt nhau như xem thử đứa nào xịt khói ra đằng mũi trước.
Một lát, Thỏ Con chạy xuống:
– Sao hai bạn ngồi đây?
Tôi cáu:
– Muốn tụi này đi về hả?
– Ơ…
Thỏ Con ngân lên một tiếng ngân dài.
– Ơ gì mà ơ? – Tôi cay đắng – Hay bạn muốn tụi này ở lại nghe mấy tay kia tán nhăng tán cuội?
– Người ta nói gì kệ người ta chứ! – Thỏ Con đỏ mặt – Tôi có thích nghe đâu!
– Không thích mà ngồi nhe răng ra cười như đười ươi!
– Lịch sự mà!
– Hừ, lịch sự! Đồng lõa thì có.
Thỏ Con có vẻ muốn chuộc lỗi với tôi. Nó ngồi lì ở nhà dưới, bỏ mặt ba vị khách loay hoay trên kia.
Tôi hơi nguôi nguôi được một chút, chợt nhớ một chuyện liền đưa mắt nhìn quanh:
– Ba mẹ bạn đâu?
– Đi vắng rồi.
– Thế còn Út Năm?
– Em mình qua nhà bạn. Tôi cắn môi, nghe máu nóng bốc lên đầu:
– Thế là bạn rủ bọn người kia đến nhà?
Bạn nói bậy! – Thỏ Con nhăn mặt – Tôi không thèm nói chuyện với bạn nữa!
Nói xong, nó quay mình chạy lên nhà trên.
Hành động của Thỏ Con chẳng khác gì đổ dầu vô lửa. Tôi đứng phắt lên khỏi võng, đá chân vào chân Hòa:
– Về!
*
* *
Đi một quãng xa, đầu tôi từ từ nguội dần. Gió ngoài đồng trống thổi mơn man đầu cổ tóc tai giúp tôi bắt đầu nhận ra trí thông minh của tôi vừa rồi đã bị cơn nóng giận làm cho vón cục lại.
Tôi liếc thi sĩ Trầm Mặc Tử đang trầm mặc bên cạnh, tặc lưỡi:
– Bậy quá mày!
– Ờ, Thỏ Con bậy thiệt! – Hòa phụ họa.
– Không! Tao bậy chứ không phải nó!
Hòa trố mắt như thể tôi vừa nói tiếng Ấn Độ. Tôi thở dài:
– Tụi kia đến chơi chắc do vô tình thôi.
– Dĩ nhiên là vô tình!
Thằng Hòa lại nhanh nhảu hùa theo khiến tôi chán ngán không buồn mở miệng nữa. Đã có lúc tôi định quay lại nhà Thỏ Con để làm hòa với nó nhưng long tự ái đã kềm chân tôi.
Hòa thấy tôi làm thinh, nó cũng ngậm miệng luôn.
Kể từ lúc đó, hai đứa lủi thủi và câm nín đi bên nhau như hai chiếc bóng. Mãi tới tận nhà.
Hôm sau đến lớp, Thỏ Con không thèm nói chuyện với tôi.
Giờ ra chơi, Thọ tập họp ban báo chí để phân công công việc, Thỏ Con vẫn góp mặt, nhưng từ đầu đến cuối tuyệt không nhìn tôi lấy một cái.
Khi đám con gái giải tán, Thọ lừ mắt nhìn tôi:
– Mày với Thỏ Con có chuyện gì hả?
Có thằng Hòa đứng đó, tôi không thể chối. Tôi “ừ” và tặc lưỡi kể cho nó nghe chuyện xảy ra hôm qua.
Nghe xong Thọ nhún vai, kết luận gọn lỏn:
– Ngu!
– Ngu á? – Tôi gãi má, tròn mắt nhìn nó.
– Thực ra thì mày không ngu! – Thọ gật gù – Phải nói là… quá ngu mới đúng!
Không để tôi kịp phản ứng, Thọ chặn họng luôn:
– Thứ nhất, mày không nên đổ tội lên đầu Thỏ Con một cách vô lối như vậy. Thứ hai, mày là Cỏ Phong Sương. Thi sĩ thì phải bao dung, độ lượng, có tấm lòng rộng rãi như trời bể, không thể vì một chuyện cỏn con và không rõ đầu đuôi mà xù lông nhím lên với… người tình như một tên du côn hạng bét!
Tôi không biết Thỏ Con có phải là “người tình” của tôi không (thực lòng tôi thấy nó chẳng có gì giống như vậy). Nhưng tôi biết hôm qua tôi đã mất bình tĩnh. Tôi quá nóng nảy. Tôi đã nói với Thỏ Con những lời lẽ mà một thi sĩ không được phép nói.
– Bây giờ tao phải làm sao? – Cuối cùng, sau một hồi nhắm mắt lại cho bớt sốc, tôi mở mắt ra nhìn Thọ, cầu cứu.
– Thi sĩ không bao giờ nói chanh chua, đanh đá. Thi sĩ mở miệng là nói ra thơ!
Thọ nói vòng vo, nhưng tôi hiểu:
– Tao phải làm thơ xin lỗi nó?
– Đúng vậy. – Thọ cười khì khì – Khi nào thằng Lợi đưa lại cuốn các-nê, mày chép bài thơ vô đó. Tao sẽ chuyền cho Thỏ Con xem.