Lã Mai Nương

Chương 35: Tái chiếm Thiếu Hoa, đầu đà tặc đạo ỷ mạnh lộng hành Đáo hồi Tần Lĩnh, anh hùng, hiệp nữ loan phượng vầy duyên


Đọc truyện Lã Mai Nương – Chương 35: Tái chiếm Thiếu Hoa, đầu đà tặc đạo ỷ mạnh lộng hành Đáo hồi Tần Lĩnh, anh hùng, hiệp nữ loan phượng vầy duyên

Song hiệp về tới quán trọ, thay xong dạ hành phục, thì ba anh em Âu
Dương và hai mẹ con Lâm gia về tới nơi. Mọi người lặng lẽ đi ngủ một
mạch lấy sức, đến sang hôm sau qua giờ Tỵ mới trở dậy, tụ họp cả bên
phòng Song hiệp trước khi xuống thực phòng dùng bữa.

Tòng Lân thuật cho Mai Nương, Tử Long nghe việc bắt sống bọn Ngụy quái
ngoài Đông môn trang, ngoại trừ tên Cẩm Mao Quái Ngụy Hóa đã cắn lưỡi tự sát, sau khi đả chết hai tên trong bọn quan quân áp trói.

Kim Loan nói :

– Nực cười thay cho viên Huyện lệnh, y vẫn nể sợ Ngụy Hóa cho tới lúc
tên lão quái đó tự sát, y mới nhất quyết thẳng tay quát tháo, nhiếc mắng bọn đạo tặc Ngụy gia.

Lã Mai Nương vuốt đợt tóc mai lòa xòa trên má, mà rằng :

– Nếu không vì lũ thất quái, tôi quyết không tha Ngụy Hóa và cảnh tỉnh y bằng đường lối khác, tất thế nào y cũng biết cải tà quy chánh. Cảm phục hạng người trực nết như y rất dễ dàng. Tôi ưa hạng thảo mãnh ấy hơn là
bọn quan lại hèn nhát hưởng bổng lộc triều đình, mà đâm đầu phục vụ
cường hào ác bá!…

Bảy người cùng xuống quán gọi cơm, rượu thịnh soạn ăn uống.

Chủ quán lăng xăng đến bên thồi tiệc xem xét. Biết gã muốn tán chuyện, Cam Tử Long mỉm cười hỏi :

– Ung Thành huyện an tĩnh thiệt! Bọn tôi ngủ say không còn biết trời đất là chi nữa. Tiên sinh có đồng ý không?

Chủ quán giơ hai tay lên trời, nghẹo đầu, miệng tặc lưỡi :

– Trời đất ơi, đêm qua xảy ra vụ ghê gớm lắm, quý khách ạ. Quan huyện
huy động lực lượng đánh Bát Quái trang bắt được nhiều người giải về qua
đây lúc đầu giờ Tỵ. Tôi lên lầu thỉnh quý vị xuống xem, nhưng thấy ngủ
say quá, cửa đóng chặt nên lại thôi. Hừ! Thiệt không ai ngờ, Ngụy gia
lại là bọn tặc đạo ẩn danh.

– Thiệt vậy không?

Chủ quán phùng má, trợn mắt đáp :

– Thiệt lắm chớ! Chính mắt tôi trông thấy các thiếu gia… à quên, bọn
Ngụy tặc ngồi trong xa tù áp tải qua đây. Hiện thời, dân chúng toàn
huyện, ai ai cũng bàn tán xôn xao về vụ này. Không ngờ, quan huyện lại
điều tra tài giỏi, võ nghệ siêu luân, chớ có vừa đâu! Ghê gớm thiệt! Tặc đạo đội lốt Đại trang chủ hiền lương. Không khéo những vụ dâm án xảy ra trong huyện thành cũng do bọn chúng.

Nhấp một hớp rượu, Tòng Lân cả cười :

– Từ nay trở đi, nếu không còn những vụ án tương tự xảy ra như vậy, thì đích xác thủ phạm là bọn Ngụy tặc rồi.

Nói đoạn, chàng bàn qua chuyện khác. Chủ quán biết ý, lảng ra ngoài quầy hàng.

Lã Mai Nương nói với mọi người :

– Vụ Bát Quái trang đã hoàn tất, ngày mai, chúng tôi xin phép lên đường về Mã Dương cương. Còn quý vị tính sao?

Âu Dương Kim Loan hồi hộp nhìn Tử Long, Mai Nương mà rằng :

– Lã thơ thơ và Cam nhân huynh vội vàng vậy? Hỏa hữu nan đắc trùng
phùng! Mấy khi được gặp nhau, xin thỉnh nhị vị trở về tệ trang nghỉ ngơi ít lâu để tiểu muọi được thỏa tình hầu tiếp.

Mai Nương thân mến cầm tay Kim Loan.

– Đã vào đất Bắc không lẽ lại xuôi Nam? Thơ thơ lượng tính cho và để khi khác, ta sẽ cùng nhau họp mặt. Dầu chúng ta kéo dài thời gian tụ họp
biết mày thì cũng sẽ đến lúc chia tay cáo biệt, dùng dằng có lợi ích chi đâu, mà rồi đây càng thêm bịn rịn sầu muộn chia phôi.

Lâm Hồng Vân nói với Mai Nương.

– Chừng nào nhị vị đáo hồi Tần Lĩnh thế nào cũng nghỉ lại Đồng Quan ghé qua tệ xá, nghen?

Mai Nương mỉm cười nhìn Lâm Hồng Vân và Tòng Lân.

Cam Tử Long tiếp lời Mai Nương :

– Chắc gì khi đó bá mẫu và Lâm muội còn ở Đồng Quan? Hay là Âu Dương nhân huynh đã rước nhị vị về Tô Châu rồi?

Tòng Lân gật đầu :

– Cam nhân huynh dạy chí phải. Nhị vị đi khỏi, chúng tôi sẽ trở về Tô
Châu báo cho nhà biết vụ Bát Quái trang, sau đó tôi sẽ đưa nhạc mẫu về
Đồng Quan, thu xếp thiên cư về Âu Dương trang. Chỉ tiếc một điều là rồi
đây quan san ngàm dặm, trong bữa tiệc vui, chúng tôi không được hân hạnh cụng ly hồng tửu cùng nhị vị.

Mai Nương quay chiếc muỗng trên mặt thồi, mỉm cười mà rằng :

– Chúng ta là con nhà võ, không nên chú ý tới tiểu tiết. Dầu sao chúng
tôi cũng rất vui mừng về sự hai họ Âu Dương, Lâm gia kết nghĩa sắc cầm.
Nhân đây, thỉnh quý vị cùng cạn ly này, chúc đôi bên sắt cầm hòa hợp.

Mọi người đều nâng ly uống cạn. Riêng có tiểu anh hùng Tòng Phượng mới
nhấp có một hợp nhỏ đã đỏ mặt tía tai, bưng miệng muốn sặc.

Thân mật, Cam Tử Long vuốt lưng Tòng Phượng :

– Bây giờ coi bộ sợ rượu, nhưng năm, sáu năm nữa sẽ biết nhau, thiên bôi bất túy anh hùng tửu, đa!…

Mọi người đều cười vang nhìn Tòng Phượng, riêng Kim Loan tâm tư sầu bận, cố hé môi cười, nhưng chẳng xóa được nỗi u buồn man mác trên sắc diện
nàng trinh nữ lỡ mối tình đầu…

Tử Long nhác nhìn hiểu ngay, chàng cố thản nhiên như không.

Thế mới biết, khách anh hùng chẳng quản vào sanh ra tử nơi chiến trường
thiên nguy, vạn hiểm, nhưng không khỏi nao núng trước cặp huyền của giai nhân quốc sắc.

Sắc bất ba đào dị nịch nhân!…

Sáng hôm sau, Song hiệp cáo biệt mọi người lên Khai Phong phủ.

Ba anh em Âu Dương và Lâm mẫu, Hồng Vân ở lại Ung Thành huyện một ngày,
nhận xét xem Quách Hàn Văn xử sự thế nào với bọn Ngụy quái rồi mới xuôi
về Tô Châu.

Vó câu dong ruổi, nhẹ bước dặm trường, Mai Nương, Tử Long thanh thản ghé qua Yên Châu, ghé thăm Bát Thập trang là nơi hai người đánh cướp giúp
viên ngoại Du Quảng Văn khi trước, qua Hoàng Hà vào Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông.

Đường đi lúc đồng bằng dân cư trù mật, khi vượt núi băng ngàn nguy hiểm, nghịch địa đầy dẫy lục lâm cường đòa, song chúng kinh nhiệm biết nhìn
người, thấy cặp nam nữ kỵ sĩ khí thế hào hùng, oai dũng hiên ngang nên
bảo nhau tránh được mặc cho hai người tiến bước.

Đến Tế Nam, Song hiệp nán lại hai ngày mua nhiều vật dụng, mua luôn một
con lừa tải hàng vào Mã Dương cương, rồi thẳng đường lên Bạch Vân tự.

Lên gần tới thiên môn thì ác vàng đã ngả non tây, Dưới gốc thông giả bên sườn núi, Cam mẫu đang đứng nhìn phương trời xa thẳm, mối hoài vọng
hiện trên nét mặt hiền từ.

Cam Tử Long vùng nhảy xuống ngựa, chạy tới bên hiền mẫu quỳ lạy.

Mừng rỡ, cảm động, Cam mẫu đỡ người con trai thân yêu độc nhất đứng dậy, cặp môi rung rung mãi mới nói được nên lời :

– Mẹ sung sướng thấy con trở về và hãnh diện vì con…

Cam Tử Long nhắc nhở :

– Mẫu thân, Lã Mai Nương tiến tới lạy chào.

Khẽ nở nụ cười thiệt hiền từ, Cam mẫu vội ngồi thụp xuống ôm lấy hai vai Mai Nương đỡ nàng dậy.

Mai Nương thỏ thẻ :

– Tiểu nữ kính chào bá mẫu, chẳng hay người có được an khang?

– Mạnh giỏi như thường con ạ, ta chỉ nóng ruột nên chiều nào cũng ra đây ngóng chờ hai con trở về… Ta mừng rỡ sung sướng biết ngần nào khi
thấy hai con ngày một thêm cao lớn đẫy đà, thành công đạt ý…

Thân mến cầm lấy tay hai người đứng hai bên, Cam mẫu hết nhìn Mai Nương lại ngó Tử Long nhẹ nhàng nói qua hơi thở :

– Mười mấy năm trời trông đợi buổi hôm nay, thiệt là đáng cao xanh tựa
người hiền lương! Ta đã may sẵn áo lạnh cho hai con, chắc vừa vặn lắm vì ta dự đoán hai con sẽ đẫy đà ra hơn lúc khởi hành…

Tử Long âu yếm nhìn Mai Nương.

Nàng chịu cái nhìn đầy ý nghĩ trong giây lát rồi đon đả dắt ngựa mà rằng :

– Nào sư huynh, cho ngựa về tàu rồi còn lên bái kiến nhị vị Đại sư?

Cam mẫu nói :

– Hiện nhị vị Đại sư ở cả trên bảo điện.

Song hiệp dắt lừa, ngựa xuống dãy nhà ngang, khuân hành lý vào nhà, đoạn cho chúng vào tàu ăn cỏ. Khi trở lên thì vừa lúc Mạnh Sơn tăng, Võ Sơn
tăng và gia đình thủ hộ hay tin kéo tới chào hỏi.

Mạnh Sơn, Võ Sơn niềm nở chúc mừng Cam, Lã đã thành công và báo đặng thù nhà.

Tử Long, Mai Nương khiêm tốn cảm ơn, vào nhà rửa mặt, sửa soạn qua loa
rồi lên Đại Hùng Bảo Điện bái kiến Chiêu Dương đại sư và Hồng hiệp Lã Tứ Nương.


Tử Long trình bày tỉ mỉ vụ giúp hai mẹ con Lâm gia đánh đuổi bọn Ngụy
quái bên huyện Ung Thành. Hai vị Đại sư đều lấy làm hài lòng.

Lúc đó vào thượng tuần tháng Mười, tiết trời miền Bắc khởi lạnh nhiều. Cam mẫu lấy các áo lạnh mới may cho Song hiệp mặc thử.

Mai Nương dò giã :

– Bá mẫu thiệt khéo tay, vừa như đo, mà tiểu nữ cũng rất ưng ý kiểu này, gọn gàng, tiện dụng.

Cam mẫu sung sướng :

– Ta cứ nhắm lại tưởng tượng và ước ao hai con như thế nào thì quả nhiên trúng như vậy.

Ngay hôm hai con moi gan kẻ thù, ta mộng thấy người quá cố trở về hân
hoan báo cho ta hay các con đã thành công. Lời nói của người ta còn nhớ
rõ mồn một…

Lẹ miệng, Lã Mai Nương hỏi :

– Lão anh hùng nói những gì, thưa bá mẫu?

Âu yếm, hiền lành, Cam mẫu nhìn Mai Nương và Tử Long chậm rãi nói :

– Phu quân ta nói thế này: “Vợ chồng… Tử Long đã lấy máu kẻ thù. Từ
nay ta an lòng trở về Tần Lĩnh… Có vậy thôi hai con ạ, và người rũ áo
đi thẳng vào đám mây mù ngang sườn núi…”.

Khẽ chớp cặp phượng nhãn mi cong, Mai Nương má ứng hồng, cúi đầu nhìn
mũi hài cong cong, tay vân vê giải áo… trong khi Cam Tử Long ngước mắt nhìn cặp trường kiếm Yểm Nhật, Huyền Tiễn song song gác chéo trên
tường.

Song hiệp về Bạch Vân tự được mười hôm. Trong thời ấy, hai người tung
tăng đi thăm thú khắp nơi nhớ lại buổi ấu thời, hoặc đi lấy mồi cho hai
con Kim điểu và con trăn gấm Trấn sơn.

Một hôm hai vị Đại sư cho gọi Mai Nương, Tử Long vào thiền phòng.

Lã đại sư hỏi :

– Cam hiền đồ, sau thời gian nghỉ ngơi tại Chùa, chắc con sẽ rước Cam thái thái về Tần Lĩnh sống cảnh gia đình điền viên?

Cam Tử Long khoanh tay cúi đầu đáp :

– Dạ bạch Đại sư, gia mẫu và đệ tử đã tính tới việc đó.

– Cam thái thái và con muốn ở lại Chùa bao lâu cũng không sao, nhưng
Chiêu Dương thiền sư và ta dự tính tác thành cho con trước khi rời khỏi
Mã Dương cương. Vậy hai con vẫn đồng tâm nhất trí đó chớ?

– Dạ, lời thề nguyện bền gan tuế nguyệt.

Lã đại sư nhìn Mai Nương, Tử Long, đoạn sai tiểu đồng đi thỉnh Cam thái thái tới thiền phòng.

Lát sau, Cam mẫu bước vào, Lã đại sư mời ngồi mà rằng :

– Hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi muốn nhân đông đủ cả ở đây, Tử Long,
Mai Nương công khai thề nguyện trăm năm kết chặt chữ đồng và hai họ trao đổi kỷ vật hứa hôn. Các hôn lễ thì sẽ định sau tại Cam gia trại.

Cam mẫu thưa :

– Bạch đại sư, đó là ân tối hậu mà người ban cho họ Cam chúng tôi. Mẹ
con tôi nương nhờ nhị vị Đại sư từ khi lâm cảnh đại nạn cho tới nay, Tử
Long thành nhân thành tài nay lại được nhị vị tác tạo cho nên nghĩa phu
thê, ơn ấy còn nặng hơn Thái Sơn, sâu hơn Bắc Hải.

Chiêu Dương thiền sư hân hoan đích thân tới trước bàn thờ Đạt Ma sư tổ
thắp nhang khấn vái một hồi rồi bảo Song hiệp quỳ xuống bệ thờ hỏi rằng :

– Trước bàn thờ Sư tổ, hôm nay mồng Tám tháng Mười, Bính Thìn niên, giờ
Tỵ, hai đồ đệ Cam Tử Long, Lã Mai Nương nguyện kết duyên phu phụ trăm
năm đầu bạc ăn đời ở kiếp, phải không?

Cam, Lã đồng thanh kính cẩn :

– Dạ, chúng đệ tử xin thề.

Cam mẫu đứng bên đưa mắt ra hiệu cho Cam Tử Long. Chàng biết ý, với Tay
ra sau gáy tháo chiếc dây vàng đeo hạt ngọc Thủy Liên Vân là bảo vật tứ
đại của họ Cam, hai tay cung kính đưa cho Chiêu Dương thiền sư.

Lã Mai Nương kín đáo nhìn cô mẫu rồi cũng tháo viên Bích ngọc kim ra, Bảo vật của gia đình nàng đưa cho thiền sư.

Lặng lẽ, thiền sư đeo hai món bảo vật treo đổi hứa hôn lên cổ Song hiệp, đoạn đứng sang bên.

Mai Nương, Tử Long lễ tạ trước bàn thờ và tam nhị vị Đại sư cùng Cam mẫu.

Lã đại sư hỏi :

– Chừng nào thái thái sẽ cùng Tử Long, Mai Nương về Tần Lĩnh?

– Bạch đại sư, hành trang sẵn sàng cả rồi, chừng nào hồi hương cũng được Cam thái thái khẩn khoản thỉnh cầu nhị vị Đại sư về Cam gia trại dự hôn lễ Tử Long, Mai Nương.

Chiêu Dương nói :

– Đối với bần tăng, lời nguyền của hai họ trước bàn chờ sư tôn thế là
đủ. Còn về đại lễ tại Cam gia trại, Lã đạo hữu đây sẽ đại diện võ phái
và nhà gái là hoàn toàn lắm rồi. Vậy, nên ấn định hôn kỳ để Lã đạo hữu
đến cho kịp thời.

Tin Song hiệp đính hôn với nhau loan ra, mọi người trong chùa đều rủ nhau chúc mừng hai họ.

Mấy hôm sau, Cam thái thái cùng Song hiệp lên đường. Khi chia tay, Cam
mẫu không khỏi cảm động rưng rưng hàng lệ nhớ nhung một nơi mà vị hiền
mẫu ấy đã sống an nhàn suốt mười bốn năm trường…

Ra khỏi khu vực Mã Dương cương, Cam Tử Long mượn mã xa để mẫu thân chàng lộ hành cho tiện.

Đoàn người đi qua một phần đất thuộc tỉnh Trực Lệ rồi vào Hà Nam, Thiểm
Tây. Đường đi hiểm trở, cách xa phu không dám đi quá địa phận quen thuộc của mình, thành thử trong lộ trình, Song hiệp phải đổi mã xa ngót hai
mươi lần.

Chặng đường Sơn Đông, Thiểm Tây vì thiên hiểm nên giặc cướp như rươi.

Những toán lục lâm lớn phần nhiều đã từng nghe danh Song hiệp nên nhượng đường cho đi. Còn những toán nhỏ thì sau khi được mục kích Mai Nương,
Tử Long trổ thần lực nạt nộ, chúng tức khắc biết thân phận rút lui ngay.

Nhờ vậy cuộc hành trình đáng lẽ nguy hiểm mà thành ra tương đối khá yên ổn.

Bất cứ trong trường hợp nào, Cam thái thái cũng tỏ ra rất can đảm, phần
vì tin ở tài lực của con trai và nàng dâu là một kỵ nữ cân quắc anh thư
danh vang hồ hải.

Tiết trời mỗi ngày một lạnh thêm. Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, chẳng bao lâu một hôm kia đã tới Tây An Phủ.

Vì không mấy khi đi xa, Cam thái thái bảo hai con nán lại nơi thủ phủ
sầm uất mấy ngày, đủ thì giờ mua hàng, sắm sửa các thứ cần dùng cho cuộc hôn lễ Mai Nương, Tử Long.

Ngoài ra, thái thái và Song hiệp còn may sắm đủ thứ y phục đẹp đẽ để
dùng vào kỳ đại lễ. Cam Tử Long thuê một đoàn xe thồ hàng đi suốt hết
dãy Tân Linh Phong, vào khu vực bên trong dãy núi hùng vĩ và địa phận
Cam gia trại. Dầu mười bốn năm xa nhà, Cam thái thái ngắm nhìn chốn cũ
thấy toàn khu được mở mang khai thác khác trước nhiều.

Phần Song hiệp cũng vậy. Hai người nhận thấy nhiều thay đổi trong vòng
hai năm xa cách, nhưng sự thay đổi lớn lao hơn hết là cách phục sức gọn
gàng ra vẻ võ sành của số trai tráng và lối phòng thủ của toàn khu.

Quả vậy, đây đó các vọng lâu tuần phòng canh cẩn được xây dựng hoặc bằng vôi gạch đá, hoặc bằng gỗ súc rất chắc chắn, tuần đinh canh phòng
nghiêm chỉnh.

Khoát tay ra hiệu cho đoàn người ngựa xa ngừng tiến, Lã Mai Nương nói với Cam Tử Long :

– Trông cách thức canh phòng nhật dạ của khu Cam gia trại, người dễ tính đến đâu cũng phải cho là gần quanh đây có lục lâm đại đạo trấn đóng,
hoặc chúng hăm dọa dân chúng chi đây! Phải không sư huynh?

Cam Tử Long đưa tay vuốt bộ râu hai ngày không cạo lởm chởm ở cằm và hai bên má :

– Ngu huynh đồng ý. Năm xưa khi ra đi, Đặng lão bên Hoang Sơn thôn và
quản gia Cam Phúc có nhờ chúng ta kiếm hộ một vị võ sư để luyện tập trai tráng trong thôn trại, nhưng vì bận rộn công chuyện, chúng ta đã bỏ
lửng việc đó. Trong tình trạng này, có lẽ họ đã có người rồi đó sư muội.

Mai Nương gật đầu :

– Có lẽ.

Nàng quay lại hỏi Cam thái thái :

– Mẫu thân có nhận ra Cam gia trại không?

Đứng hẳn lên, Cam thái thái nheo mắt nhìn về phía trại mà rằng :


– Có chứ, nhưng khác lạ hết sức! Cây cối nào ngày trước còn nhỏ nay đã
cao lớn rườm rà. Quanh trại thay vì tường gạch và từng đoạn hàng rào,
nay là cả một tòa thành đá vững chãi. Nếu không chờ mấy nóc nhà ngang
dọc nguyên nếp cũ, cơ hồ mẹ không nhận ra.

Mai Nương tươi cười :

– Thưa mẫu thân, bức tường đó mới được xây đó. Hai năm trước khi chúng
con khởi hành tầm nã kẻ thù nhà, bếp tường cũ hãy còn y nguyên.

Cam thái thái nhíu cặp mày lại :

– Nếu thế chắc hữu sự chi đây, Cam Phúc có nổi điên cũng không phí công phá tường cũ, xây Tòa thành mới làm chi hả con?

– Dạ mẫu thân dạy chí phải. Chúng con cũng đang bàn tán về vụ đó.

Dứt lời, nàng vẫy tay ra hiệu cho đoàn người ngựa tiến vào khu phòng
thủ. Những người hiện diện trong khu vực nhận ngay ra Cam Tử Long, Lã
Mai Nương cưỡi nhựa đi trước và Cam thái thái ngồi trên mã xa đi sau. Họ reo lên :

– A ha, chủ mẫu và công tử đã về. Báo cho quân gia biết mau?

Cam Tử Long hân hoan vẩy tay chào mọi người và rẽ ngựa về phía trại. Cam Phúc và toàn thể nhân viên trang trại đứng đón cả ngoài cổng. Bên cạnh
quân gia là một vị hảo hán trạc ngoại tứ tuần.

Song hiệp nhảy xuống nhựa, trao cương cho tráng đinh, đáp lễ mọi người.

Cam Phúc tiến lên nói với Song hiệp :

– Trời ơi! Công tử và tiểu thư đón chủ mẫu về Tần Lĩnh mà chúng tôi không biết để ra đón sớm.

Đoạn viên Lão quản gia trung thành tiến tới bên xe vái chào Cam thái thái và bảo phu xe đánh thẳng xe vào trong trại.

Cam quản gia chỉ vị hảo hán tứ tuần giới thiệu cùng Song hiệp là vị võ
sư họ Tần tên Trí Võ, thỉnh ở Tây An phủ kề huyện cho tráng đinh và dân
chúng Cam gia trại Song hiệp niềm nở chào hỏi.

Tử Long nói :

– Trong khi chúng tôi xuất ngoại, dân chúng tệ trang được võ sư huấn luyện và tổ chức phòng thủ chu đáo, ơn ấy xin ghi tạc.

Tần Trí Võ khiêm tốn :

– Công Tử dạy quá lời, đó là công việc phận sự của tôi ăn lương tháng
trong khi công tử vắng nhà. Trước đại danh của công tử và tiểu thư, sự
hiện diện của tôi ngay tại Cam gia trại chỉ là một sự quá thừa.

Lã Nương nói :

– Võ sư chỉ quá nhún mình, dầu rằng chúng tôi có nhà thì sự thỉnh võ sư
về huyện tập cho trai tráng trong trại vẫn tiến hành như thường. Mong
rằng võ sư mang cả quý quyến về ở cả đây cho vui.

– Đất lành chim đậu, Cam quản gia đã chu đáo việc đó rồi.

Cam Tử Long chỉ các vọng đài mà rằng :

– Hình như địa phận ta bất an nên võ sư tổ chức việc canh phòng nghiêm nhặt này.

Thay Tân Trí Võ, Cam Phúc nói :

– Dạ quả có thế, các công tác xây dựng canh phồng đã được một năm nay
rồi, không những ở trại nhà mà bên Hoang Sơn thôn cũng vậy, và hai khu
dựa vào nhau theo thế ỷ giốc, lát nữa tôi sẽ tường trình. Nay mời nhị vị vào trong nghỉ ngơi đã. Mọi sự ngoài này mặc tôi định liệu.

Nguyên khi Song hiệp rời Cam gia trại lên đường du hiệp truy tập Tăng
Tòng Hổ nửa năm, thì tên đầu đà Bao Đại Cổ, bạn thân của hai tên đầu
lĩnh Thiếu Hoa sơn là Trình Thiên Hổ, Trình Bá Hổ kéo đồ đảng lại nội
khu thăm dò, biết Lã Mai Nương và Cam Tử Long đã đi khỏi, nên tới tái
chiến trang trại uy hiếp cả thung lũng thuộc Cam gia trại và Hoang Sơn
thôn.

Bao Đại Cổ cho đầu mục đến dụ bọn cựu lâu la của Trình gia nhị hổ về qui thuận Thiếu Hoa sơn.

Nhưng cựu đại đầu mục là Võ Đại Tam đã cải tà quy chánh, vốn rất phục Song hiệp, tử chối.

Lúc đó, Đặng lão trưởng thôn Hoang Sơn và Cam Phúc đã phái người ta Tây
An phủ thỉnh được hai võ sư, Tần Trí Võ và Giang Kiên về Tần Lĩnh luyện
tập võ nghệ cho các trang đinh, nên hai công cuộc xây dựng, tổ chức
phòng thủ được tức khắc tiến hành.

Khôn khéo, Võ Đại Tam liền phao ngôn là Song hiệp sắp hồi hương. Lời đồn đến tai đầu đà Bao Đại Cổ.

Vốn đã chết hụt vì Song hiệp, tên đầu đà hung ác đó tưởng thật nên không dám hành động mạnh đối với dân Hoang Sơn và Cam gia trại.

Tuy vậy, y cũng đã mấy lần phái đồng bọn đem lâu la xuống quấy rối Hoang Sơn thôn, song lần nào quân giặc cũng vấp phải sức kháng chiến khá mạnh và hăng hái của các đoàn tráng niên và đoàn cựu lâu la dưới sự điều
khiển của Võ Đại Tam.

Bởi lẽ ấy, Bao Đại Cổ lại càng tin là Song hiệp sắp hồi hương thật sự.
Đã có lần y muốn bỏ Thiếu Hoa sơn đi nơi khác làm ăn. Nhưng một năm qua, Bao Đại Cổ phái đầu mục do thám biết Song hiệp đi xa chưa về cũng chưa
nhất định, nên y an tâm quyết định ở lại và tìm cách thăng cường lực
lượng.

Ít lâu sau, hai chị em Giản Hà Cô, Giản Kim liên, nhân viên đảng Bạch
Liên giáo, chạy thoát trận Nhu Lâm Quán lang bạt đến Thiếu Hoa sơn gặp
Bao Đại Cổ là người quen thuộc với cha chúng là Giản Đình, liền nhập bọn sơn tặc.

Đồng thời Sử Huyền Cô (vợ Bành Khoát Hải) và con gái là Bành Thúy Linh,
sau khi chạy thoát trận Hổ Đầu sơn tỉnh Nhiệt Hà cũng về núi Thiếu Hoa
đầu quân.

Đầu đà Bao Đại Cổ thâu nhận hết. Vốn là một tên dâm ác, Bao Đại Cổ luân
phiên thông dâm cùng hai chị em họ Giản và Bành Thúy Linh.

Vốn cùng hận thù Song hiệp, chúng nhất quyết hợp sức chờ hai người trở về sẽ đánh báo thù.

Tuy ngoài miệng hô hào sẽ quyết chiến trả hận, sang phẳng Cam gia trại,
thiệt ra tên nào cũng rất ngán hai kiếm khách Trại Nhiếp Ẩn và Thôi Sơn
Thái Bảo.

Thế rồi ngày tháng thoi đưa, một năm nửa trôi qua.

Bao Đại Cổ bèn họp bốn nữ đầu lãnh bản tính lâu la vào thung lũng Tần
Lĩnh, san thành bình địa thôn Hoang Sơn và Cam gia trại để lỡ khi nào
Song hiệp hồi hương thì sẽ không có nơi trú ngụ làm bàn đạp gây chiến
với núi Thiếu Hoa.

Chúng ngang nhiên hạ chiến thơ, thẳng cánh đe dọa dân Hoang Sơn và Cam gia trại.

Bởi vậy, hai võ sư giáo đầu Tần Trí Võ, Giang Kiên và bọn Võ Đại Tam tổ chức phòng thủ cực kỳ nghiêm nhặt, nhất định chống đánh.

Tình hình thung lũng Tần Lĩnh giữa lúc đang căng thẳng, dân chúng hồi hộp chờ bọn cường đạo tấn công thì Song hiệp hồi hương.

Như cất được gánh nặng, Cam Phúc tức khắc phái gia nhân loan báo cho Đặng lão bên Hoang Sơn thôn và bọn Võ Đại Tam hay.

Dĩ nhiên họ thập phần vui mừng và tin Song hiệp hồi hương được loan truyền khắp mọi cửa miệng.

Một mặt, Đặng lão, các bô lão Hoang Sơn, Giang Kiên và Võ Đại Tam liền
tụ họp kéo nhau sang Cam gia trại chào mừng Cam thái thái và Song hiệp
thành công trở về.

Cam Tử Long cũng làm đại tiệc tế gia tiên, linh hồn Cam lão anh hùng,
nhân thể thết đãi khách bên Hoang Sơn và toàn thể dân Cam gia trại.

Tin này lọt vào tai bọn thám tử núi Thiếu Hoa, nên Bao Đại Cổ được báo cáo ngay.

Tức thì, tên lục lâm đầu đà này triệu tập các nữ đầu lãnh hội nghị định
kế hoạch tiến đánh Cam gia trại và Hoang Sơn thôn. Bao Đại Cổ hỏi :

– Sử Huyền Cô đại nương và quý cô nương có kế hoạch chi thiệt hay để càn quét thung lũng Tần Lĩnh không? Chừng nào sát được cặp nam nữ yêu ma ấy họa chăng lòng này mới nguôi giận.

Bốn nữ tặc nhìn nhau, hồi lâu Sử Huyền Cô với cất lời :

– Trước kia chưa kịp suy tính xa xôi, tôi định đánh Cam gia trại thiệt,
nhưng sau khi so sánh kỹ lưỡng tôi thấy lực lượng Thiếu Hoa sơn không
mạnh bằng Bành gia ổ khi trước, vậy chúng ta cần bàn luận kỹ hơn nữa mới được, kẻo hối bắt cập.

Bao Đại Cổ há hốc miệng cá ngáo ra nghe.

Bành Thúy Linh lẳng lơ đưa mắt nhìn tên đầu đà mập mạp mà rằng :

– Gia mẫu so sánh phải đó. Bành gia ổ mạnh hơn Thiếu Hoa sơn, mà Hổ Đầu

sơn ở Quan ngoại còn mạnh hơn Bành gia ổ nhiều, vậy mà còn bị cặp nam nữ yêu ma đó càn quét san thành bình địa thì với lực lượng hiện thời chống cự còn khó, chớ còn nói chi tấn công kẻ địch nữa?

Giản Hà Cô tặc lưỡi :

– Chúng mạnh thiệt, võ nghệ siêu luôn! Mỗi khi hồi tưởng tới đêm ở Nhu Lâm Quán, tôi còn thấy rùng mình rởn gáy.

Giản Kim Liên hùa theo :

– Không những chúng mạnh về võ lực, mà tinh thần cũng ghê gớm bội phần.
Không biết con nữ yêu ấy thế nào, nhưng thoạt nhìn cặp mắt thằng chả là
tôi đã run rẩy…toàn thân!

Bao Đại Cổ nghĩ thầm, bọn nữ đầu lãnh này nói đúng, tuy vậy y vẫn cau đôi mày sâu rọm dằn giọng :

– Thế ra tới lúc cần hiện tại, quý nương tử đều xuống tinh thần cả.

Bành Thúy Linh nói :

– Tinh thần xuống hay không xuống chưa thể nói được, nhưng sự nhận xét
công cộng vừa rồi hoàn toàn đúng sự thật. Thà rằng ta mặc họ, và cứ sống an ổn với số lợi tức thâu hoạch được ở chỗ khác có hơn không?

Bao Đại Cổ trợn mắt :

– Trời ơi! Bành cô nương tưởng dễ lắm ư? Nếu ta không khởi chiến ăn thua với chúng, quyết không khi nào chúng để ta yên ổn đâu.Trong tình trạng
này phải một mất một còn.

Giản Hà Cô nguýt tên lục lâm đầu đà :

– Cặp trai gái ấy mời hồi hương, theo ý tôi, chúng còn muốn sống an bình hạnh phúc chớ gây hắn với ta làm chi?

Bao Đại Cổ lắc đầu nguầy nguậy :

– Tánh tình phụ nữ thay đổi thế này thì ngay quá!

Trước đây ai cũng hăng hái đòi đánh tức thì, nay mới nghe danh kẻ địch
hồi hương là đã đổi luôn ý kiến, thế có báo hại không! Một là phải liều
mạng đánh, hai là bán sới đi nơi khác, sống an bình ở Thiếu Hoa sơn sao
được! Thiệt uổng công tái chiếm tu bổ sơn trại.

Sử Huyền Cô nhiều tuổi hơn hết, ôn tồn bảo tên đầu đà :

– Đầu lãnh chớ vội trách chúng tôi. Chồng tôi, con trai tôi, anh ruột
tôi đều thác dưới lưỡi kiếm xuất quỷ nhập thần của chúng, lẽ nào mẹ con
tôi không thù hận muốn băm vằm chúng ra trăm ngàn mảnh, nhưng biết là
không thắng nổi mà còn mua chuộc thêm lấy cái chết nên đành…để chuyển
khác thuận lợi hơn. Tôi khuyên đầu lãnh nghĩ lại.

Bao Đại Cổ hồi lâu la rót một ly rượu, tợp một hơi hết nhẵn, đoạn nhoài ra trên kỷ suy tính rất lung…

Nói về Lã Mai Nương, Cam Tử Long sau khi đãi tiệc hỉ hạ bèn rủ nhau sang thăm Hoang Sơn thôn, và phái hai võ sư cùng Võ Đại Tam điều khiển một
toán tráng đinh đem thơ lên Thiếu Hoa sơn hạch tội, truyền hạn trong ba
ngày, Bao Đại Cổ phải giải tán đồng đảng, nếu trái lệnh, Song hiệp sẽ
tức khắc càn quét hạ sát hết.

Khi phái đoàn lên tới nơi thì không dè chỉ còn sơn trại rỗng, vắng tanh, ngoại trừ mấy con miêu, khuyển bị bỏ lại.

Phái đoàn bên đóng quân lại sơn trại và phái người về Hoang Sơn báo cáo với Song hiệp.

Đặng lão và toàn dân ai nấy đều vui mừng, mở đại tiệc thết đãi Song hiệp.

Họ Đặng nói :

– Nhờ hổ oai của nhị vị, không phải chiến mà giặc đã tan. Từ nay trở đi, bọn dân lành chúng tôi chắc chắn được tận hưởng thái bình.

Mai Nương, Tử Long nói mấy lời khiêm tốn, ở chơi Hoang Sơn thôn hai ngày mới trở về trang trại. Cam thái thái và quản gia Cam Phúc sửa soạn hôn
lễ cho Song hiệp. Tin đó được loan ra khắp trong thung lũng Tần Lĩnh.

Đến ngày Cam gia báo hỷ, mọi người đều cử đại diện ra tận Tây An phủ mua các tặng vật quý giá về mừng hai họ Cam, Lã. Vì số tặng vật rất quan
trọng, hai võ sư Tần Trí Võ, Giang Kiên đích thân theo ra Tây An áp tải
lễ vật về Tần Lĩnh.

Nhờ có Cam thái thái là bậc hiền mẫu, tề gia nội trợ, Mai Nương, Tử Long được nhàn rỗi đi thăm thú khắp vùng Tần Lĩnh.

Một hôm, cặp nam nữ kiệt hùng ấy ngồi trên thạch phiến nhẵn như mài dưới gốc cây đại dương bên sườn núi, cách xa Cam gia trại độ chừng non một
dặm. Cả hai cùng mải miết ngắm phong cảnh hùng vĩ hữu tình, non cao vạn
thước, rừng bạt ngàn với những dòng suối bạc vằn vèo, lóng lánh phản
chiếu ánh tà dương, xa trông như những con ngân long đang trườn mình
trên chiếc thảm bao la rộng lớn.

Mai Nương mơ màng cất tiếng oanh vàng :

– Sư huynh coi, cảnh Tần Lĩnh vô cùng ngoạn mục. Tiểu muội nhất định
khai thác cho trang trại thêm diện tích, và mở mã trại ngay tại khu vực
này. Cha chả, đẹp tuyệt!…

Ngây ngất, Cam Tử Long mải miết nhìn mái tóc huyền gợn sóng trước đông
phong và làm nổi bật nước da mịn hồng như trái đào của giai nhân.

– Kìa! Sư huynh nhìn chi vậy mà không trả lời tiểu muội?

Cam Tử Long say sưa cất giọng trầm :

– Lần đầu tiên Tử Long này không trả lời… hiền nương mà đã trách nhau
ư? Ngắm giai nhân tuyệt sắc giữa cảnh non cao rừng thẳm quả thật không
có bức danh họa nào đẹp bằng!

Trời! Ngờ đâu thiên hương quốc sắc nhường kia mà khi dụng võ lại thế khả bạt sơn và lúc bình thường thì dịu dàng đáng mến, đến khách Du vàng các ngọc cũng còn thua… Chắc kiếp trước Tử Long này dày công tu luyện nên bây giờ mới có diễm phúc vui vầy loan phụng lương duyên cùng khách cân
quắc anh thư nữ kiệt.

Mai Nương nhìn người yêu, mỉm cười hồn nhiên duyên dáng :

– Chao ơi, ông bạn hôm nay mơ mộng đa tình như mặc khách thi nhân…

Tử Long thở phào :

– Chà! Thi nhân thất bộ thành thơ, còn hiệp khách thì nhãn hoa để kiếm.
Một văn một võ nhưng cùng một tâm tình, mỹ cảm như nhau, phải không Mai
Nương?

Nói đoạn chàng nhẹ nhàng cầm tay Trại Nhiếp Ẩn.

Nàng để nguyên, khẽ ngã đầu vào vai Tử Long, mùi trầm hương tỏa từ làn mây huyền ngào ngạt khiến chàng ngây ngất bàng hoàng :

– Trời! Bao nhiêu năm nay, bây giờ ngu huynh mới được hưởng diễm phúc nồng nàn.

Mơ màng, Mai Nương ngước mắt nhìn Tử Long :

– Thiệt tình, chàng… mến thiếp từ hồi nào?

– Ngay từ khi đôi ta sắp được phép hạ sơn. Thế còn Mai Nương?

– Cùng một thời kỳ ấy. Nếu không thì ai dạy gì bỗng dưng theo một người
bạn đồng môn hằng mấy năm trường, chung ăn, chạ ở cho mang tiếng xử nữ,
dầu đó là một công tác nghĩa cử. Nhưng tại sao hiền huynh kín tiếng
không nói cho thiếp hay?

Cam Tử Long dịu dàng vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên má hôn thê :

– Ý à! Ai dại gì mà nói ngay để Mai Nương e lệ mất tự nhiên và còn có thể bỏ dở cuộc du hành truy nã kẻ thù?

Hai người im lặng nhìn trời mây cây cỏ hoa ngàn, hai trái tim cùng hòa nhịp yêu đương…

Tới lúc xế chiều, Mai Nương ngồi thẳng lại, tỏ vẻ băn khoăn :

– Sư huynh à, hôn lễ của hai ta đến nơi rồi mà cô mẫu còn biệt cô âm tín… Hay là người quên định kỳ?

– Không, Lã đại sư khi nào lại quên một việc hệ trọng như vậy? Còn hai
ngày nữa, biết đâu mai hay mốt Người sẽ cưỡi Kim Điểu tới.

Lã Mai Nương lắc đầu :

– Không bao giờ cổ mẫu ngự Kim Điểu, ngoại trừ đi cùng Thiền sư. Tánh
tình cẩn thận, mới khi định làm việc gì, Người đều đến trước, huống hồ
hôn lễ hệ trọng của đôi ta!… Tiểu muội cảm tưởng Người bị điều chi
ngăn cản.

Tử Long im lặng nhìn cặp chim chiều bay về tổ. Tuy vậy, chàng cũng rất xốn xang về sự đại sư Lã Tứ Nương chậm trễ.

Suốt hai ngày hôm sau, Song hiệp phái gia nhân đón ở ngay lối vào thung
lũng, chừng nào thấy Hồng Hiệp Lã Tứ Nương tới thì phải phi mã báo ngay.

Mai trưa ngày mốt, Lã Tứ Nương mới cưỡi hoa lừa vào địa phận Cam gia trại.

Được phi báo, Song hiệp mừng rỡ, phóng mình lên tuấn mã cột sẵn ngoài sau trại, phi như bay ra đón tiếp.

Quỳ bái, Mai Nương nói :

– Chúng con đã tưởng cô mẫu hữu sự nên trễ cuộc hành trình.

Lã đại sư xuống lừa, đỡ hai người dậy mà rằng :

– Ẩu hữu sự thiệt nên ta trễ mấy ngày, dầu sao,sớm muộn, ta bỏ qua sao được ngày trọng đại của các con?

Trao cương lừa, ngựa cho tráng đinh, ba thầy trò lững thững trở về trại.

Được báo trước, Cam thái thái ra tận trang môn đón rước.

Hôm sau, hôn lễ của Lã Mai Nương, Cam Tử Long được cử hành vừa trọng
thể, vừa thân mật trước sự hiện diện đông đảo của toàn thể dân Cam gia
trại và Hoang Sơn thôn.

Cam gia trại nhà nào cũng treo đèn kết hoa, ca nhạc tưng bừng, tiệc tùng linh đình hỉ hạ, mừng mối lương duyên của cặp trai tài gái sắc lừng
danh kiếm khách một thời.

Đêm tân hôn, trước ly hồng tửu hợp cẩn đã cạn, Lã Mai Nương đưa hai tay khẽ nâng cằm Cam Tử Long, thiết tha trìu mến :

– Cam lang ráng ngồi yên cho thiếp được nhìn rõ nét mặt thân yêu…

Âu yếm vòng hai tay vào eo lưng vợ, Cam Tử Long dịu dàng :

– Bộ hiền thê còn chưa biết rõ diện mạo qua sao?

Mai Nương nũng nịu lắc đầu :

– Quả thực chưa. Có bao giờ thiếp dám nhìn rõ lang quân đâu!…

Tân lang cười lớn, bế bồng tân nương lên tay :


– Hiền thê nhẹ quá, chẳng bù cho khi lâm chiến, tọa bộ nặng như núi Thái Sơn.

Để ngón tay trỏ lên môi, tân nương khẽ suỵt miệng :

– Nói nhỏ chớ lang quân! Không sợ bọn nhi nữ đứng ngoài kia nghe thấy cười ta ư?

Từ từ đi về phía giường bát bảo màn che, trướng rủ, Tử Long áp môi lên má ửng hồng của Lã Mai Nương :

– Chà! Lo chi? Chúng thừa biết là chẳng khi nào đôi ta gọi tới nên có
lẽ… dong từ lâu rồi, Mai Nương à, đêm xuân ngàn vàng không chuộc, qua
chờ đón diễm phúc động đào mà ái khanh là đào nguyên tiên tử…

Thay vì trả lời, Mai Nương nhắm nghiền cặp phượng nhãn, nghe tiếng nói
của người yêu dạt dào như gió thoảng tây hiên, toàn thân nàng rung động
bởi một cảm giác lạ lùng miên man kỳ bí…

Yến tiệc linh đình suốt năm ngày mới chấm dứt. Đại sư Lã Tứ Nương ở lại
Cam gia trại mười hôm mới gọi vợ chồng Cam Tử Long bảo rằng :

– Ta nhất định ngày mốt lên đường và muốn nhắc các con một điều…

Cam Tử Long ngạc nhiên :

– Tết Nguyên Đán đến nơi rồi, kính mời cô mẫu nán lại Tần Lĩnh, sang Xuân hãy về Sơn Đông cũng vừa.

Lã đại sư nghiêm nghị :

– Đối với mọt người đã từng giang hồ hành hiệp, gót chân đặt dấu khắp
bốn phương trời như ta, thời gian bất thành vấn đề. Thế nào ta cũng lên
đường và căn dặn bảo hai con mấy điều.

Lã Mai Nương thắc mắc :

– Xin cô mẫu cứ dạy, dầu khó khăn biết mấy chúng con cũng chẳng từ nan.

Nhắm mắt suy nghĩ hồi lâu, Lã đại sư cất giọng trầm trầm :

– Mối thù của họ Lã nhà ta, hai con đã thừa biết là ta đã trả như thế nào chớ gì?

Vợ chồng Tử Long đồng thanh :

– Dạ.

– Chính vì vụ trả thù khủng khiếp đó nên mới có vụ liên tục hiện thời và ta mong hai con giúp sức… nhưng chỉ e một mỗi là đang tuần trăng
mật…

Cam Tử Long sốt sắng :

– Xin cô mẫu cứ truyền dạy, vợ chồng tiểu điệt dầu nhảy ngay vào nước
lửa hay san phẳng Thái Hàng Sơn thành bình địa cũng chẳng từ nan.

Lã đại sư mỉm cười :

– Hay quá! Hiền điệt vừa nhắc đến Thái Hàng sơn, thì chính trong vụ mà
ta sắp kể đây dính líu tới võ phái Thái Hàng, Ngũ Đài và Không Động…

Lã Mai Nương nhíu đôi mày xếch ngược :

– Chà! Phải chăng cô mẫu muốn nói tới Phi Phụng người Hoàng tộc Mãn Thanh và đồng bọn của nó?

Lã đại sư gật đầu :

– Chính thế, Cam Phượng Trì đã báo cho ta hay, sau khi con rời Bạch Vân
tự về Tần Lĩnh, hiệp sức với Phi Phụng còn có vợ chồng Chung Tam Muội,
Lý Tôn Bảo. Cả ba cùng là nhân vật kỳ tài, cao đồ của đại sư Pháp Không
phái Không Động. Ngoài ra còn mười bảy hào kiệt phái Ngũ Đài và tám hào
kiệt phái Thái Hàng giúp đỡ.

Chúng sẽ chống với một mình ta, bởi vậy ta cần sự cộng tác của hai con.

Lã Mai Nương hỏi :

– Thưa cô mẫu, thành tích của mười bảy môn đồ Ngũ Đài và tám môn đồ Thái Hàng như thế nào?

Lã đại sư chậm rãi :

– Được, để ta kể cho mà nghe. Hai con còn nhớ sáu năm trước đây, ta đã
từng có lần nói tới tích tấm biển Danh Trấn Giang Hồ không?

– Thưa có. Xin người thuật cho nghe.

– Ta cần phải thuật cho hai con nghe mới nhận thức được công phu quốc kỳ của bọn hiện tại chúng đối với ta, và hai con sau đây sẽ có dịp trổ tài lực so kiếm với họ…

Lã đại sư yên lặng giây lát, đoạn thở dài :

– Tránh cũng chẳng khỏi định mệnh. Câu chuyện Danh Trấn Giang Hồ như sau đây. Hai con ráng nhớ lấy thành tích, mức độ công phu của họ để thận
trọng trong các trận giao tranh mà ta dự đoán sẽ xảy ra khủng khiếp
trong tương lai, nếu tên Phi Phụng dám gây bán cùng ta.

Lã Nương hỏi :

– Bạch cô mẫu, phải chăng Phi Phụng là con của Dận Đế mà cô mẫu đã có
lần kể sơ sơ lai lịch cho chúng con nghe khi còn ở trên Bạch Vân tự?

Lã đại sư gật đầu :

– Chính nó đó.

– Thưa, chừng nào cô mẫu mới cần tới vợ chồng con?

Lã đại sư suy nghĩ giây lát :

– Hai con cứ bình tâm tận hưởng gia đình hạnh phúc và vui tân Xuân. Ta sẽ báo sau cho biết.

Cam Tử Long nói :

– Từ Sơn Đông đến Tào Lĩnh đường sá hiểm trở xa xôi, không đi trước chúng, tiểu điệt e trễ mắt.

Đại sư mỉm cười :

– Con quên rằng Bạch Vân tự có hai con Kim Điểu lão luyện dư sức bay ngàn dặm ư? Chúng sẽ đưa tin về tận đây.

Sốc lại đai áo, Lã Mai Nương hỏi :

– Ngoài Cam lang và con, cô mẫu có bảo ai giúp sức nữa không?

– Vợ chồng Cam Phượng Trì.

Tử Long thưa :

– Tế điệt e ít người quá. Riêng tên Phi Phụng và hai vợ chồng Lý Tồn
Báo, Chung Tam Muội đã đáng tay bảo thủ rồi, ngoài ra còn mười bảy hào
kiệt Ngũ Đài, tám danh thủ Thái Hàng. Lực lượng đối phương khá lớn.

Lã đại sư nói :

– Hảo thủ Ngũ Đài còn mười sáu người thì đúng hơn, đó là: Vạn Phu Hùng
Bằng Phi, Kỳ Tử Kiến, Phùng Tiểu Điền, Mã Vân, Từ Hoàng, Chiêu Bạch Tốn, Lâm Đức Mạnh, Tảo Long, Tảo Hồ, Cấp Vân Lương, Lý Đạt, Tiêu Thiên Cát,
Bách Quang Hòa, Đới Thái Kỷ, Hàn Đăng, Hoàng Trí Hiền. Còn đệ nhị hảo
thủ Ngũ Đài là Vương Trút Tiết, con trai của Vương Cửu Công thì bỏ đi
mất rồi.

Mai Nương nói :

– Cô mẫu có nhớ tên hảo thủ Thái Hàng không?

– Có chứ, Hùng Văn Lượng, Đặng Thiên Văn, La Bích, Kiều Mỹ Hoa, Giang Thành, Hán Siêu, Thái Diên Khoa, Vương Hảo.

Theo như tin đồn thì Hán Siêu đã vong mạng vì Vạn Phu Hùng Bằng Phi khi trước nhưng cũng có người đồn là y thoát chết.

Đáng lẽ hai toán hào thủ đó đối lập với nhau vì vụ Hán Siêu nhưng nhờ sự khuyên ngăn và trung gian của vợ chồng Lý Tôn Báo, Chung Tam Muội và
Phi Phụng nên hai bên đã hợp tác, và cả hai bên cùng hùa theo Pháp Không phái Không Động.

Mày kiếm xếch ngược, Lã Mai Nương nói :

– Phái Ngũ Đài có Ỷ Vân thiền sư và phái Không Động còn Thạch Phủ Kính,
lẽ nào hai vị ấy lại để những nhân vật kia gây hẳn mù quáng với cô mẫu?

Lã đại sư trầm ngâm hồi lâu :

– Ỷ Vân đạo hữu nhu nhược và có ý nể nang Vạn Phu Hùng Bằng Phi. Tên họ
Bằng này rất có thể một ngày kia sẽ cùng đồng bọn kéo về Ngũ Đài sơn
truất phế Ỷ Vân cho dễ kéo cánh hiệp tác với Không Động.

Còn Thạch Phủ Kính thì so bì sao được với Pháp Không là sư huynh y.
Không những thế, Pháp Không còn có ba đệ nhất môn đồ, Lý Tôn Báo, Chung
Tam Muội và Phi Hùng vào hùa thì cái ngôi vị Sư trưởng Không Động của
lão sư Thạch Phủ Kính không còn chi chắc chắn. Chúng ta cũng căn cứ vào
đó để dự đoán thái độ của Pháp Không và ba đồ đệ ruột của nhân vật ấy.

Nói tới đây, Lã đại sư bèn thuật rõ ràng tỉ mỉ câu chuyện Danh Trấn Giang Hồ cho Song hiệp nghe.

Sau bữa tiệc tiễn hành, hai hôm sau, Lã đại sư từ biệt Cam thái thái và Mai Nương, Tử Long, lên đường.

Cam, Lã tiễn đại sư ra khỏi thung lũng Tần Lĩnh sơn, dùng dằng chẳng muốn chia tay.

Đại sư nói :

– Dầu đưa nhau vạn dặm cũng sẽ tới lúc đôi ngả, đôi nơi, thôi hai con khá trở về cho ta an tâm dong ruổi dặm trường.

Lã Mai Nương đành cùng chồng bái lạy, đứng nhìn người ra đi, mãi cho tới lúc Đại sư khuất bóng sau rừng cây.

Đường về vắng vẻ, giữa cảnh hoa ngàn gió núi, Mai Nương, Tử Long quàng ngang lưng nhau lặng lẽ hồi trang.

Gió lạnh lùng thổi mạnh từ phương Bắc, Mai Nương rùng mình kéo cao cổ áo lông cừu.

– Hôm nay trời chuyển gió, lạnh dữ da, hiền thê?

Mai Nương âu yếm ngước mặt nhìn chồng, nàng nói nhẹ nhàng qua hơi thở :

– Thiếp nhớ lại những mùa Đông đã qua, chúng ta đi bên nhau mà đâu có được… ấm áp như buổi hôm nay?

Không ai bảo ai, đồng thời hai cánh tay quàng trên lưng siết chặt hơn…

Hết


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.