Đọc truyện Ký Ức Tựa Mùa Rơi – Chương 1: Hoa tàn, lá rụng, một kiếp duyên
Năm giờ sáng, tiếng chuông báo thức từ nhà tắm vọng ra. Tôi uể oải mở mắt, bò ra khỏi giường, chân vừa đặt xuống nền nhà liền co rụt lại, lạnh tái người. Tôi ngồi đực cuối đuôi giường, nhìn chằm chằm cái tivi đang phát chương trình chào buổi sáng. Tối qua lại ngủ quên lúc xem phim.
Giữa tháng chín, thành phố nhỏ chìm trong mưa ẩm, có hôm mưa liên tục mấy ngày liền, sương giá và khí lạnh quẩn quanh, không khí chưa lúc nào cao hơn mười lăm độ. Đánh răng trong cái thời tiết này quả là tra tấn, nước lạnh vừa vào khoang miệng, cả thể chất lẫn tinh thần đông cứng lại, lạnh như băng.
Sáng nay anh Khang ra tòa. Lý do: li dị.
Tôi thương anh nhất trong mấy người anh họ, chẳng ngờ cuộc sống của anh lại lâm vào bước đường này. Thời đại bây giờ, con người ta yêu nhau rồi lấy nhau, hết yêu sẽ chia tay. Nghĩ cho cùng mới thấy, thế hệ trước vĩ đại thế nào.
***
Đã năm ngày kể từ lần cuối tôi ra khỏi nhà. Nếu không phải có chuyện, tôi nghĩ có người hâm mới dậy giờ này. Việc chạy xe trong màn sương dày đặc và lạnh buốt là một sự dũng cảm không gì so sánh được.
Tôi vốn lên phố học từ cấp ba, bố mẹ và họ hàng đều ở huyện, một thân một mình tự lập cũng đã được gần mười năm có lẻ. Phiên toà hôm nay của anh họ diễn ra ở huyện nhà. Từ phố về huyện, đi xe máy chừng một tiếng. Đằng nào cũng mất công đi lại, tôi quyết định sau phiên tòa sẽ về nhà ở mấy ngày.
Lúc tôi đến tòa đã là bảy giờ hơn.
Đúng như dự đoán, anh Khang đang ngồi cô độc ở ghế chờ, hai bác và anh em đều không đến. Với một gia đình nhiều đời làm nghề giáo, xảy ra chuyện thế này cứ như là thể diện trôi đi đâu mất hết, ra đường lấm lét chả dám nhìn ai.
Ở dãy ghế phía cuối hành lang, chị dâu cùng bố mẹ, họ hàng ngồi kín hết, nói chuyện huyên náo, khí thế bừng bừng như đi đánh trận. Đôi ba lần, chị dâu lại nhìn về phía anh Khang, khuôn mặt chứa đầy căm ghét và chán nản, chẳng thể nào nhìn thấy được chút yêu thương chị từng dành cho anh. Đúng là, không ai yêu ai mãi mãi, phải học cách sống chung với nó.
Tôi thở dài, đến ngồi cạnh anh. Nhân lúc anh chưa để ý, hích vai anh một cái. Anh Khang quay sang thấy tôi, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên, rồi lại xấu hổ cúi gầm mặt xuống, nói:
– Sao em biết?
– Hôm qua mẹ em gọi điện, em biết thể nào cũng chả có ai đi cùng anh.
– Nhục nhã quá. Vợ cắm sừng rồi vợ bỏ.
Nhìn anh buồn khổ, lòng tôi nặng trĩu. Đúng là làm sao mà ngờ nổi.
– Nhưng mà anh chị tranh chấp gì mà ra tòa ầm ĩ như vầy?
– Nuôi thằng Bin…
Đúng tám giờ, mọi vị trí trong phòng phán xử đã hoàn toàn ổn định, sau vài thủ tục cũ kỹ, cuộc tranh luận bắt đầu.
Chị dâu thuê hẳn luật sư, giấu nhẹm hết cả nguyên nhân li dị là do mình ngoại tình, một mực đổ lỗi do anh Khang tệ bạc, bỏ bê gia đình. Cuối cùng, anh Khang vốn có ưu thế hơn trong việc giành quyền nuôi con, lại mất quyền ấy vào tay chị.
Tôi hậm hực nhìn đám người đang ăn mừng ở dãy ghế bên kia, thấy tên luật sư đó chướng mắt kinh khủng. Dạo này phim Hàn hay có mấy vị luật sư kiểu này, đổi trắng thay đen, tham lam tiền bạc.
Hừ, may mà lúc nãy không nghe rõ tên họ người đó, không thì cả đời này tôi ghét hết mấy người mang tên ấy luôn.
Anh Khang từ tòa án bước ra, dáng liêu xiêu, cả thế giới của anh dường như đổ sụp. Thấy tôi cứ lẽo đẽo theo sau, anh quay lại, run run cất giọng:
– Cảm ơn bé, em về đi.
– Anh để xe lại đây đi, em chở anh về.
– Có xỉn rượu, đau ốm gì đâu mà chở. Anh khắc về. Về đi.
Nhìn anh lái xe ra khỏi cổng, tôi thất thểu đi lấy xe của mình, đầu óc rỗng tuếch, chán nản. Rõ là chuyện của người ta mà buồn như thể chuyện của mình, tự dưng thấy mất hết niềm tin vào tình yêu. Giờ mà có một anh đẹp trai trên trời rơi xuống muốn yêu đương với mình, chắc tôi đề nghị tình một đêm cho đỡ phí chứ chả yêu đương gì sất. Toàn giả dối.
Còn hiện tại, tay luật sư kia từ đâu rơi xuống trước mắt tôi. Cái bản mặt đáng ghét từng tấc một đấy nhìn tôi gật đầu một cái.
Đúng là thằng điên. Tôi leo lên xe, rồ ga chạy thằng.
***
Từ tòa án về nhà đã là giữa trưa, bố mẹ tôi ngồi ăn cơm dưới bếp nghe thấy tiếng xe máy liền chạy ra, mẹ trố mắt nhìn tôi:
– Sao về không nói?
– Hì hì, con về đi xem anh Khang li dị.
Bố tôi theo sau mẹ, nghe vậy liền hỏi:
– Sao?
– Thua rồi, chị Trang nuôi thằng Bin. Thuê hẳn luật sư mà…
– Cất đồ, rửa tay rồi vào ăn cơm.
Suốt bữa cơm, tôi kể lại đầy đủ cho bố mẹ nghe chuyện ở tòa, bố chỉ yên lặng lắng nghe, mẹ nói vài câu phụ họa. Nói đông nói tây, cuối cùng nói đến chuyện học hành của tôi:
– Học xong chưa?
– Xong gần cả tuần rồi mẹ.
– Thế sao hôm nay mày mới về?
– Thì còn công chuyện trên trường nên hôm nay con mới về.
Công chuyện gì đâu, ngủ no mắt cả năm ngày.
– Rồi mày tính thế nào?
– Mẹ nuôi con học tiến sĩ tiếp nha, haha.
– Nuôi bằng đó đủ rồi, học tiếp thì tự nuôi thân đi. Bố mẹ mày tuổi già sức…
Bố tôi đang yên lặng, đột nhiên lên tiếng cắt lời mẹ:
– Cứ nghỉ ngơi đi, từ từ rồi tính.
Rửa chén xong, tôi lại chui vào giường ngủ vùi đến tối. Lúc mở mắt chỉ thấy đen thui. Ngủ ở nhà thật thích, chỉ ở nhà mới có mùi này – mùi vị của ấm áp và an tâm.
Trong bóng đêm, tôi nhớ đến những lời mẹ nói hồi trưa. Lúc đó tôi chỉ muốn đùa mẹ cho vui thôi, tôi đâu muốn học nữa, ngán học lắm rồi. Trước đây tôi chưa từng nghĩ mình sẽ học lâu như thế.
Lớp mười hai, lúc làm hồ sơ thi đại học, tôi chả biết mình thích học gì, muốn làm gì. Đến hạn nộp hồ sơ, tôi chọn đại ngành sư phạm Lý vì đó là môn mình học tốt nhất. Học đại học bốn năm, ra trường gần một năm vẫn mãi không xin được việc, đi đâu ai cũng quở: “Học sư phạm làm gì.” Cuối cùng tôi nghe lời bố, học lên thạc sĩ, mới vừa hoàn thành xong.
Tuổi hai lăm, có người thành công, có người đã lập gia đình và có người như tôi. Nếu ở ngoài nhìn vào, không ít người sẽ ngưỡng mộ tôi. Học vấn cao, ngoại hình được, gia cảnh khá. Có gì sầu não nữa. Nhưng mà bản thân tôi suốt thời gian qua đã không dưới ba lần nghĩ rằng: “Hay mình chết quách đi.”
Áp lực học hành, áp lực thành công và bao nhiêu thứ áp lực vô hình đè xuống, có những lúc không cách nào chống chịu nổi. Tôi ghét nhất mấy câu nói lạc quan sáo rỗng kiểu như: “Cứ sống rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.” Thực ra chỉ cần một điều không ổn sẽ dẫn đến việc này việc kia đều không ổn.
Nghĩ đến đây, chẳng hiểu tại sao gương mặt của tên luật sư kia lại hiện lên trong đầu tôi. Đến cả tưởng tượng mà gương mặt anh ta cũng có thái độ lồi lõm như thật vậy. Hây, nhắc mới nhớ, biết thế hồi xưa tôi cũng học luật. Mấy năm gần đây xảy ra ngày càng nhiều vụ giết người, cướp của, ly hôn, giành giật, thiết nghĩ làm luật sư bây giờ giàu phải biết.
Lúc tôi đang mơ màng, từ ngoài cửa vọng vào tiếng bước chân, sau đó im bặt tại cửa phòng tôi. Đột ngột, mẹ tôi lên tiếng:
– Dậy, dậy ngay, định nằm sình bụng luôn hả con? Con người ta giờ này một nách hai con, tay chân bận bịu nấu ăn cho nhà chồng, còn mày thì ngủ mãi không chịu dậy. Thằng nào nó chịu lấy mày!
Nghe mẹ quát, tôi giật mình bật dậy, mặt phụng phịu ra khỏi phòng. Mẹ giống hệt như cái máy chạy DVD, mỗi lần tôi về đều tự động bật lên cái đĩa ấy, nói hoài không chán.
– Tụi mày bây giờ cứ thích đẹp trai rồi kén cá chọn canh. Ế sưng ế xỉa ra đấy. Đẹp trai, bóng bẩy suốt ngày, có làm ra tiền mà ăn không.
Tôi vừa uống nước vừa nghĩ, đẹp trai bây giờ là hái ra tiền, một đống tiền đấy. Người lớn có những lập trường không thể lý giải được. Kể cả chuyện yêu đương cũng vậy. Tôi có kén cá chọn canh bao giờ. Người mình thích, không thích mình. Người thích mình, không có. Đó là một chuyện. Một chuyện nữa, ví dụ như ai hỏi: “Bạn thích mẫu người như thế nào?” Có ai dở hơi bảo thích người xấu trai không. Mà dù có đi chăng nữa người ta cũng sẽ bảo thế này này: “Tôi không quan trọng ngoại hình, chỉ cần tốt là được.” Nhưng mẹ à, người tốt họ có người yêu cả rồi, hay mẹ muốn con yêu người vừa không tốt vừa xấu.
Tôi vừa hưởng thụ mạch suy nghĩ của mình vừa tiếp tục uống nước. Mẹ đang đứng chiên cá, đột nhiên lên tiếng:
– Bố mày xấu như thế, mẹ vẫn sống hạnh phúc lâu nay.
Phụt. Tôi sặc nước, buốt tận óc.
Bố mẹ tôi thực sự rất đối lập, suốt ngày bất đồng quan điểm, cãi nhau chí chóe. Hôm nào nhà cửa yên ắng, dường như hai người họ rất khó chịu. Vậy mà sống với nhau đã gần ba chục năm rồi.
Đến cả cách dạy dỗ và quan tâm tôi cũng khác. Bố chẳng bao giờ áp đặt điều gì, còn mẹ thì luôn yêu cầu tôi thế này thế nọ. Mẹ luôn la mắng tôi, còn bố chỉ lẳng lặng quan tâm.
Lần nào tôi về, bố cũng len lén mang đôi giày của tôi cất vào góc tủ, sợ giày con gái bị hư hay trộm mất, bố len lén đưa thêm tiền cho mẹ, bảo mẹ: “Cho nó thêm thêm, lớn rồi, trong người phải có đồng này đồng kia.” Bố len lén mua về một đống sữa chua, sau đó nói: “Người ta cho đấy.”
Con cái, là món nợ của bố mẹ từ kiếp trước. Còn bố mẹ, là món quà mà ông trời ban cho con cái ở kiếp này.