Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 54 – Cà phê áo tím – Chương 2
Chương 2.
Hải quắn phục Quỳnh Như sát đất.
Tới giờ ra chơi, nó mon men lại gần con nhỏ này, nịnh nọt:
– Bạn “siêu” thật đó!
– Siêu gì đâu! – Quỳnh Như bẽn lẽn, ngạc nhiên thấy Hải quắn dường như quên bẵng chuyện hôm trước nó bảo thằng này “học dốt”.
Nhưng Hải quắn đâu có quên. Nó cười hề hề:
– Siêu quá đi chứ! Bạn chê tôi học dốt là đúng. Cỡ như tôi có tụng bài đến rã họng cũng không thể nhớ nổi các con số thống kê trong biểu đồ.
Thái độ thật thà của Hải quắn làm Quỳnh Như cảm động. Nó vội vàng thanh minh:
– Hôm đó mình nói đùa thôi.
– Đùa gì mà đùa! – Hải quắn ngoác miệng cãi, làm như “học dốt” là một vinh dự cao quý lắm – Tôi nói thiệt đó. Trong lớp mình, họa may chỉ có bạn với nhỏ Hạnh là học giỏi môn công nghệ thôi.
Quỳnh Như phổng mũi khi được so sánh với “nhà thông thái” Hạnh. Nó nhìn Hải quắn, chớp chớp mắt:
– Mình nghĩ bạn thừa sức học giỏi môn này. Vấn đề là bạn đừng coi nó là một môn học bắt buộc…
– Nhưng nó thực sự là một môn học bắt buộc kia mà. – Hải quắn gãi đầu, nó nhìn cô bạn gái trước mặt bằng ánh mắt bối rối như đang đối diện với một người thích đùa.
Vẻ nhăn nhó của Hải quắn khiến Quỳnh Như lúng túng mất mấy giây. Ờ nhỉ, công nghệ là một môn học mà mình bảo đừng coi là môn học thì đúng là khó hiểu!
– Như thế này này! – Quỳnh Như tặc lưỡi giải thích, nó cố nói thật chậm để hy vọng nhờ vậy một điều khó hiểu cũng có thể trở thành dễ hiểu – Ý mình muốn nói là khi học môn này, bạn đừng nghĩ là mình học để trả bài…
Hải quắn lại cắt ngang:
– Ủa, nếu không phải trả bài thì tôi đâu có è cổ ra học làm chi!
Làm như không nghe thấy Hải quắn, Quỳnh Như tiếp tục “thuyết trình”:
– Bạn phải tưởng tượng mình là một… nhà nghiên cứu. Nếu bạn nghĩ bạn đang nghiên cứu một công trình cấp quốc gia, bạn sẽ cảm thấy hứng thú…
– Nhà nghiên cứu á? – Hải quắn trố mắt.
– Ờ, nhà nghiên cứu. – Quỳnh Như gật đầu, rồi cảm thấy chưa thuyết phục lắm nó lật đật nói thêm – Nhà nghiên cứu cũng giống như nhà bác học vậy đó. Bạn tưởng tượng bạn là Archimède, Newton hay Pavlov…
Quỳnh Như vừa ca ngợi “nhà nghiên cứu” lên mây vừa thăm dò Hải quắn qua khóe mắt, mừng rơn khi thấy mặt thằng này rạng ra.
– Ờ, hay đấy! – Hải quắn gục gặc đầu – Tôi sẽ là nhà bác học.
– Mình sẽ học chung với bạn.
Đột nhiên Quỳnh Như nói.
Nó không hiểu tại sao nó bạo dạn như vậy. Có lẽ nó sợ Hải quắn chỉ hào hứng lúc trò chuyện với nó thôi, về tới nhà là thằng này lại lập tức liệng cuốn công nghệ vô xó tủ.
– Bạn học chung với mình? – Hải quắn sửng sốt hỏi lại, trông nó dựng cả mắt lẫn tai có thể tin nó hoàn toàn không chờ đợi một đề nghị bất ngờ như thế.
– Ờ. – Quỳnh Như mỉm cười.
Kể từ giây phút lịch sử đó, Quỳnh Như và Hải quắn trở thành một cặp, tất nhiên không phải “một cặp” kiểu như thằng Tần và Minh Trung hay Quới Lương và Thạch Anh. Đây là một cặp đến với nhau vì mục đích hết sức cao cả là quảng bá cho môn công nghệ và tập tễnh dìu nhau trên con đường… nghiên cứu khoa học. Những cặp như vậy, hồi cấp một, cấp hai đầy rẫy và vẫn được biết dưới tên gọi vô cùng mỹ miều là “đôi bạn cùng tiến”.
Cùng tiến tại đâu? Thoạt đầu Hải quắn định “cùng tiến” tại nhà mình. Nó quảng cáo bằng giọng du dương:
– Bạn tới nhà tôi học chung đi! Nhà tôi rộng rãi, mát mẻ lắm!
Lại còn thêm chiêu “khuyến mãi”:
– Tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng có xi-rô và trái cây. Mẹ tôi chất cả tủ, tụi mình muốn lấy ra ăn uống lúc nào cũng được.
Chưa gì mà Hải quắn đã nhanh nhẩu gọi gộp hai đứa là “tụi mình”. Còn nữa: không biết có ý đồ gì không mà nó sốt sắng đem chuyện ăn uống ra dụ dỗ nhỏ Quỳnh Như. Hải quắn còn nhỏ, chắc chưa biết câu “danh ngôn” của người lớn: “Con đường ngắn nhất đi tới trái tim một phụ nữ là con đường đi ngang qua… dạ dày”. Nhưng bằng trực giác của một đứa con trai mười lăm tuổi, nó đã biết đánh đúng vào “nhược điểm” của bọn con gái.
Nhưng Quỳnh Như cương quyết không để mình bị cái tủ lạnh nhà Hải quắn mê hoặc. Chẳng phải nó có bản lĩnh gì, chỉ vì hoàn cảnh của nó không cho phép:
– Không được đâu! Mình phải ở nhà để trông em. Bạn qua nhà mình học đi!
Em của Quỳnh Như tức là Quỳnh Dao, con bé lém lỉnh từng làm “gia sư” Quý ròm khổ lên khổ xuống. Và nếu tác giả truyện này đoán không lầm, Hải quắn rất có thể là nạn nhân tiếp theo của nó.
Thế là từ bữa đó, tuần ba buổi Hải quắn lọc cọc đạp xe tới nhà Quỳnh Như để cùng con nhỏ này “nghiên cứu” về… nông, lâm, ngư nghiệp.
Xưa nay, bọn học trò vẫn ôm tập đi học thêm hoặc lập tổ, nhóm để “nghiên cứu” về các môn quan trọng như văn, Anh văn, toán, vật lý, hóa học… chứ chưa từng có trường hợp nào một “đôi bạn cùng tiến” được lập ra chỉ vì môn công nghệ.
Chưa kể, môn này mỗi tuần chỉ có một tiết trên lớp, đại khái không phải là môn học chính yếu, thế nên Quỳnh Như và Hải quắn sẵn sàng dành ra ba buổi mỗi tuần để học thêm ở nhà thì đúng là kỳ tích, nếu biết được có khi thầy Khuê sẽ rưng rưng đề nghị Bộ Công nghệ phát bằng khen cho hai đứa nó không chừng.
Công bằng mà nói, “nghiên cứu” nghiêm chỉnh như Quỳnh Như và Hải quắn thì việc tụi nó tiêu tốn thì giờ cho môn công nghệ cũng có chỗ hiểu được. Học hành lớt phớt như tụi bạn trên lớp thì môn học này chẳng choán chỗ bao nhiêu trong tâm trí, nhưng với Quỳnh Như và Hải quắn thì khác.
Khi học bài “Xác định sức sống của hạt”, hai đứa phải đi lòng vòng ba, bốn ngôi chợ mới mua được 100 hạt giống đậu đỏ vừa ý. Riêng chuyện đó đã mất béng hai buổi. Rồi thêm một buổi nữa đi lùng mua dao cắt hạt, giấy thấm, kẹp, hộp petri và thuốc thử.
Đến bài “Xác định độ chua của đất”, tụi nó lại lang thang đi kiếm các mẩu đất khô, đi mua dung dịch KC1 1N và nước cất, toát mồ hôi chạy vạy khắp nơi để mượn cho bằng được máy đo pH và cân kỹ thuật để về làm thí nghiệm.
Phòng thí nghiệm nhà trường dĩ nhiên có đầy đủ thiết bị nhưng hai đứa nó lại không muốn chui vô đó để chen chúc giành giật với tụi bạn. Đã là “nhà nghiên cứu” thì phải có phòng thí nghiệm riêng. May mà cuối cùng Hải quắn nhớ ra thằng em con dì của nó đang học lớp chuyên hóa, “đồ nghề” không thiếu thứ gì.
Từ ngày hai “nhà nghiên cứu” tụ lại với nhau, say sưa ngâm phơi pha chế, phòng học của chị em Quỳnh Như ngó giống hệt phòng thí nghiệm của nhà nông học lừng danh Jethro Tull.
Hải quắn thực ra không thích được ví von với nhà nông học. Trong ý nghĩ của nó, nhà nông học cũng từa tựa… nhà nông, nghe không oai. Nó thích được so sánh với nhà nghiên cứu hơn. Nhà nghiên cứu tức là nhà bác học, nghe sang trọng hẳn.
Quỳnh Như thấy Hải quắn chê bai nhà nông học Jethro Tull, liền hừ giọng:
– Bạn biết Jethro Tull là ai không?
– Là ai?
– Là người cách tân các phương pháp canh tác bằng cách phát minh các dụng cụ sản xuất, trong đó nổi bật nhất là máy gieo hạt do ông sáng chế vào năm 1701. Từ khi máy gieo hạt ra đời, năng suất tăng gấp mười lần. Ghê không?
Hải quắn không bảo “ghê” hay không, chỉ nói:
– Giỏi quá há.
Thấy Hải quắn khen không có vẻ hào hứng lắm, Quỳnh Như chớp mắt tiếp:
– Nhà nông học thực ra cũng là… nhà bác học đấy, toàn những bậc tài giỏi. Sau này mình sẽ học tới công nghệ sinh học, sẽ tạo ra những loại ngũ cốc năng suất cao, những gia súc cho nhiều thịt và sữa, sẽ tạo ra những trái dưa hấu không có hạt…
Hải quắn là chúa thích dưa hấu. Nghe tới chỗ này, mắt nó sáng trưng:
– Tạo ra dưa hấu không có hạt á?
– Ờ, không có hạt. – Quỳnh Như gật đầu – Không chỉ dưa hấu mà cả mãng cầu, mít, thanh long…
Quỳnh Như say sưa quảng cáo, quên béng trái thanh long mà không có những hạt li ti chạm vào đầu lưỡi thì cắn vào miệng trông chẳng ra làm sao, chẳng còn gì là thú vị nữa.
Nhưng con nhà Hải quắn đang mê tít vụ dưa hấu, không phát hiện ra sơ suất của nhỏ bạn.
– Tuyệt thật! – Nó nhấp nhổm trên ghế – Thế mai mốt tụi mình cũng sẽ tạo ra được nhiều loại giống mới phải không, Quỳnh Như?
– Chứ gì nữa! – Quỳnh Như mau mắn đáp, giọng điệu của nó cứ như thể đó là chuyện đương nhiên.
Hải quắn sướng quá. Nó nhìn lên trần nhà, bắt đầu mơ mộng:
– Mình sẽ tạo ra thứ gì há? À, phải rồi, tôi sẽ tạo ra một giống gà mái đẻ trứng hằng ngày, mỗi ngày đẻ khoảng 50 trứng.
– Hay quá! – Quỳnh Như khuyến khích – Và ngày nào mình cũng ăn bánh mì ốp-la.
– Tôi sẽ tạo một giống nho ra trái bốn mùa, trái nào trái nấy to bằng… trái cà chua.
Hải quắn tiếp tục thả trí tưởng tượng bay xa.
Và Quỳnh Như lại xuýt xoa:
– Nho ăn không hết mình sẽ đem phơi khô và làm mứt.
Hải quắn lim dim mắt:
– Rồi tôi sẽ nghiên cứu…
Lần này Quỳnh Như không cho Hải quắn đi hết cuộc phiêu lưu của mình. Nó sốt ruột cắt ngang:
– Thôi, nghiên cứu gì gì đó để mai mốt tính tiếp. Bây giờ bạn cùng mình “nghiên cứu” mấy mẩu đất khô này đã! Ngày mai phải nộp kết quả thực hành cho thầy Khuê rồi.
Hải quắn mở mắt ra:
– Ờ há.
Và nó lật đật lấy muỗng múc vài muỗng đất khô đã nghiền nhỏ đựng trong chiếc hộp nhựa trước mặt đổ lên bàn cân.
Sau khi cân đúng 20 gam mỗi mẩu, nó thận trọng đổ đất vào hai chiếc bình nhỏ bên cạnh.
Trong khi đó, Quỳnh Như dùng ống đong, cẩn thận đong dung dịch KC1 1N đổ vào bình bên trái rồi đong nước cất đổ vào bình bên phải.
Trông hai đứa đang loay hoay “nghiên cứu” các trị số pH của đất thật khó tin đó là con nhỏ Quỳnh Như học hành làng nhàng và thằng Hải quắn quanh năm quậy phá.
Cứ theo đà này, không khéo cả hai thành nhà bác học tới nơi chứ chẳng đùa!