Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 53 – Má lúm đồng tiền – Chương 5
Chuyện Quới Lương, một thành viên nổi cộm trong băng “tứ quậy” mê tít nhỏ Thạch Anh, đến mức ngày nào cũng để con nhỏ này “sai vặt” trở thành đề tài bàn tán và chọc ghẹo của lớp 10A9 suốt một tuần lễ liền.
Dĩ nhiên con nhỏ Thạch Anh chẳng coi chuyện đó ra cái củ khoai tây gì. Riêng Quới Lương mặc dù đã xác định “chẳng thà để tụi nó nghĩ vậy” nhưng mỗi lần tụi thằng Cung ngoác miệng ông ổng là mặt mày nó lập tức đỏ bừng như tôm luộc.
Nhờ vậy tụi bạn mới có dịp chứng kiến thằng Lâm làm chuyện lạ.
Nó không những không trêu Quới Lương, còn gân cổ bênh vực.
Nó leo lên ghế, mặt nghiêm trang:
– Đề nghị các bạn không được xâm phạm đời tư người khác!
– Trời! – Thằng Bá dựng cả hai mắt lên – Phải mày nói đó không, Lâm?
Lớp phó kỷ luật Minh Trung hừ mũi:
– Trước khi kêu gọi bạn bè không được xâm phạm đời tư người khác thì bạn không được quyền xâm phạm nội quy trong lớp!
Lâm thao láo:
– Tôi có làm gì đâu!
Minh Trung quắc mắt:
– Ai cho bạn đứng trên ghế hả?
Lâm đánh phóc một cái, đã ở dưới đất. Nó đâu có dám giỡn mặt nhỏ Minh Trung. Năm ngoái nó chẳng coi lớp phó kỷ luật Minh Vương ra cái đinh gì. Nhưng con nhỏ Minh Trung “chằn tinh” này thì nó hơi ngán.
Nó ngán, nghĩa là không dám nấn ná trên ghế. Nhưng miệng vẫn bai bải:
– “Bà” này! Tôi đứng có chút xíu, làm gì ghê vậy!
– Chút xíu cũng không được đứng!
Lâm hừ mũi:
– Không đứng thì không đứng! Xì!
Thủ lĩnh băng “tứ quậy” xử vậy là nhũn lắm rồi. Nào ngờ lớp phó Minh Trung vẫn chưa buông tha:
– Bạn lấy giẻ lau ghế đi!
– Cái gì? – Lâm đỏ mặt tía tai – Bắt thằng này lau ghế á?
Minh Trung tỉnh bơ, vừa nói nó vừa lôi cuốn sổ trong cặp ra:
– Bạn làm dơ ghế thì bạn phải lau!
Lâm đã định ngoác miệng vặc lại, nhác thấy cuốn sổ kỷ luật trên tay Minh Trung, giọng nó bỗng xìu như bún:
– Lau thì lau!
Nó quàu quạu tiến đến chỗ miếng giẻ treo đằng góc bảng, miệng làu bàu:
– Tôi lau vì tôi làm dơ ghế của lớp chứ không phải tôi sợ “bà” đâu đấy! Đừng có tưởng bở!
Lâm chỉ chờ Minh Trung phản kích, nó sẽ xổ tung tóe cơn ấm ức đang kìm nén nãy giờ. Nhưng Minh Trung không nói gì, chỉ im lặng nhìn Lâm đi tới chỗ góc bảng bằng ánh mắt hài lòng.
Không tìm ra cớ gây sự, con nhà Lâm càng tức thêm. Nhưng không gây không được. Người nó đang sôi sùng sục như nồi súp-de. Không gây thì người nó nổ tung ra mất. Thế là vừa chà miếng giẻ lên mặt ghế nó vừa đay nghiến thằng Quới Lương:
– Tại mày đó!
– Tại tao cái gì? – Quới Lương ngơ ngác.
– Còn hỏi nữa! – Mặt Lâm sa sầm – Nếu không vì mày, tao đâu có bị con nhỏ Minh Trung làm nhục như thế này!
– Ơ…
– “Ơ, ơ” cái con khỉ! Nếu mày không “mê gái” thì tao đâu có… leo lên ghế hô hào bảo vệ mày!
Quới Lương biết thừa “leo lên ghế” và “bảo vệ bạn” là hai chuyện không dính dáng gì với nhau. Đứng dưới đất bảo vệ bạn như người ta thì có sao đâu! Nhưng nó không muốn cãi cọ với Lâm lúc này. Dù sao cũng vì bênh nó mà thằng Lâm mới rơi vô tình cảnh này. Quới Lương chỉ sợ nhỏ Thạch Anh nghe thấy những lời thằng Lâm chì chiết mình.
Bảo nó vì “thích” Thạch Anh nên vâng lời con nhỏ này răm rắp dẫu sao nghe cũng nhẹ nhàng chút đỉnh, còn bảo nó “mê gái”, cái từ kinh dị đó sao nghe lùng bùng lỗ tai quá. Nhưng nhỏ Thạch Anh dường như chẳng nghe thằng Lâm nói gì, hoặc giả nó nghe thấy nhưng chả buồn để vào tai. Quới Lương liếc sang nhỏ bạn, thấy nó tỉnh bơ ngồi nhai chewingum như thể nãy giờ hổng có chuyện gì xảy ra trong lớp.
Thái độ thản nhiên của nhỏ Thạch Anh giúp Quới Lương yên tâm, mặt khác lại khiến nó thấy tưng tức. Chuyện tày đình như vậy mà mấy bữa nay con nhỏ này làm như chuyện của ai.
Chỉ đến hôm học môn địa lý, chiếc mặt nạ phớt đời trên mặt Thạch Anh mới bị rơi xuống, nhưng khi điều đó xảy ra Quới Lương lại chẳng thấy hả hê chút nào.
Thạch Anh bị thầy Xuân kêu lên bảng đầu tiên, lãnh điểm 10 ngon ơ. Nó thuộc bài vanh vách (chắc nhờ hên!), nhưng điều khiến thầy Xuân hết sức hài lòng là các biểu đồ trong tập Thạch Anh được vẽ đầy đủ, nắn nót, tô màu đẹp đẽ đâu ra đó.
Sau Thạch Anh, tới thằng Đặng Đạo.
Sau Đặng Đạo, thầy kêu tới Quới Lương.
Xui làm sao, hôm đó Quới Lương chưa chép bài mới vô tập. Từ bữa bị nhỏ Thạch Anh cằn nhằn, Quới Lương không dám lơ là chuyện bài vở. Tan học, nó cầm luôn mấy cuốn tập của nhỏ Thạch Anh về nhà, tối gò lưng chép qua mấy cuốn tập của nó, sáng hôm sau lại đem tập đến lớp trả cho nhỏ bạn.
Tuần trước, nó cũng cầm cuốn tập địa lý về, nhưng sau khi chép bài học tiếng Anh, tiếp theo là bài văn dài lê thê, con nhà Quới Lương buồn ngủ díp cả mắt, thế là nó chui vô giường, chả thèm chép bài địa, coi như không có môn địa lý trên cõi đời này.
Cũng như thầy Huấn hôm trước, thầy Xuân nhìn vô cuốn tập, tay loay hoay lật tới lật lui, rồi ngước nhìn đứa học trò đang đứng khép nép trước mặt bằng ánh mắt sửng sốt:
– Bài học hôm trước đâu, Quới Lương?
– Dạ… dạ…
Trong khi mấy đứa trong ban cán sự lớp ngoảnh đầu nhìn Minh Vương, tổ trưởng của thằng Quới Lương, thì ở trên bảng ánh mắt thầy Xuân vẫn bám cứng gương mặt trắng bệch của đứa học trò.
– “Dạ, dạ” là sao? – Thầy Xuân hất hàm, cằm bạnh ra – Thầy nhớ tuần trước em vẫn đi học bình thường mà.
Quới Lương túng quá, lại giở mửng cũ:
– Dạ thưa thầy, tháng trước em bị ngã xe nên tay em bị trặc ạ.
Những tiếng “hí hí” phát ra từ dưới lớp khiến Quới Lương nhột nhạt như có kiến chui vô cổ áo nhưng nó cố trân mình chịu trận, chỉ mong thầy Xuân đuổi nó về chỗ quách cho rồi.
– Em nói thật không đó? – Thầy Xuân chớp mắt.
– Dạ thật ạ. – Quới Lương nhanh nhẩu – Chuyện em bị trặc tay không chép bài được, thầy Huấn cũng biết, thưa thầy.
Thấy Quới Lương đem thầy Huấn dạy sử ra làm “bằng chứng”, trán thầy Xuân dãn ra. Thầy không biết đồng nghiệp của thầy cũng giống y như thầy, nghĩa là cũng chỉ nghe thằng Quới Lương khai báo, còn nó có té xe thật không thì ngoài nó ra chỉ có trời mới biết.
– Thôi được rồi. – Thầy Xuân thở hắt ra, tay đẩy cuốn tập về phía đứa học trò – Em nhớ chép bài đàng hoàng, tuần sau thầy sẽ kêu em lên kiểm tra đó.
Quới Lương không ngờ thoát nạn dễ dàng thế, nó chộp lấy cuốn tập, mặt tươi roi rói như vừa được điểm mười.
Nhưng nó mới đi vài ba bước, thầy Xuân bỗng gọi giật:
– Khoan đã!
Quới Lương quay lại, ngơ ngác:
– Dạ…
Thầy Xuân ngoắt:
– Em lại đây!
Quới Lương rụt rè bước lại, mặt lộ vẻ hoang mang. Lúc này không chỉ nó, mấy chục đứa đang ngồi bên dưới cũng tròn xoe mắt không rõ thầy Xuân kêu thằng Quới Lương lại để làm gì.
Trước vẻ mặt hồi hộp của Quới Lương (và của cả lớp), thầy Xuân hắng giọng:
– Em đưa cuốn tập cho thầy xem lại một chút!
Thầy cầm lấy cuốn tập Quới Lương dè dặt chìa ra, lật nhanh vài trang rồi chúi mắt cẩn thận săm soi. Quới Lương thấy rõ càng xem trán thầy càng cau lại, trông như thầy đang dò tìm một cái gì đó trong cuốn tập của nó chứ không phải là đang đọc.
Bất thần thầy ngước mắt lên, giọng sang sảng:
– Thạch Anh!
Thầy gọi nhỏ Thạch Anh mà thằng Quới Lương giật bắn. Bụng quặn lại, trong một thoáng nó cảm thấy một nỗi bất an mơ hồ đang xâm chiếm toàn bộ tâm trí nó.
– Dạ. – Thạch Anh đứng lên khỏi ghế, lấm lét nhìn thầy Xuân.
– Em đem cuốn tập của em lên đây!
Thầy Xuân lừ mắt nhìn cô bé. Bọn học trò ngạc nhiên khi nhận thấy vẻ mặt nghiêm nghị bất thường của thầy. Trừ thằng Lâm, không đứa nào đoán ra được thái độ kỳ lạ của thầy Xuân. Cũng như Quới Lương, thằng Lâm đang thắc thỏm dõi mắt theo từng bước chân của con nhỏ Thạch Anh, lòng tràn ngập lo lắng.
Thạch Anh sè sẹ đặt cuốn tập địa lý lên bàn thầy. Tiếng chạm giữa cuốn tập và mặt bàn vang lên rất khẽ nhưng trong không khí lặng phắt như tờ lúc này, Quới Lương có cảm giác nhỏ Thạch Anh vừa đặt một tảng đá bự chảng lên ngực mình.
Đã vậy, cái cách thầy Xuân xếp cuốn tập của nó và cuốn tập của nhỏ Thạch Anh bên cạnh nhau, rồi ánh mắt thầy đi qua đi lại giữa hai cuốn tập, chắc chắn là để so sánh hai tuồng chữ, khiến Quới Lương đột ngột hết muốn thở. Nó phải đưa tay nắm cổ áo giật giật mấy cái, làm như tại cái áo chật quá nên không khí không chui vô phổi nó được.
Gương mặt bình thản của nhỏ Thạch Anh lúc này cũng đã rất giống một tàu lá. Qua khóe mắt, nó nơm nớp quan sát những biểu hiện trên mặt thầy Xuân, cố đoán xem chừng nào tai họa sẽ xảy ra và xảy ra theo kiểu gì.
Không chỉ hai đứa nó nín thở. Mấy chục cái miệng bên dưới hình như cũng chỉ thở ra mà hổng thấy hít vô, nhất là khi thầy Xuân từ từ ngẩng đầu lên, ánh mắt đọng lại một lúc trên mặt hai đứa học trò, rồi từ đâu đó trong cổ họng thầy bay ra một giọng nói trầm trầm:
– Ra thế!
Tất nhiên chẳng đứa nào hiểu “ra thế” là “ra như thế nào” nhưng nhìn cảnh Quới Lương và nhỏ Thạch Anh đứng gằm đầu trước mặt thầy, đứa nào cũng có cảm giác “ra thế” là một cái gì đó ghê gớm lắm, từa tựa như trời sập.
– Vậy là em đâu có ngã xe? – Thầy Xuân nhìn Quới Lương, giọng gằn gằn như thể thầy đang nhai từng từ.
– Dạ. – Quới Lương lí nhí đáp, vẫn không dám ngẩng đầu lên.
– Tức là em cũng không hề bị trặc tay?
Quới Lương lại “dạ”, mặt nóng tới mang tai.
Cả lớp chong mắt theo dõi cuộc đối đáp bí ẩn giữa hai thầy trò, hồi hộp như thể đang coi phim trinh thám, đứa nào đứa nấy mặt căng ra, tiếc hùi hụi không mọc thêm vài cái tai nữa để nghe cho rõ.
Tới khi thầy Xuân cao giọng hỏi:
– Tại sao em không chép bài vô tập của em mà lại chép vô tập của bạn Thạch Anh?
Dưới các dãy bàn lập tức vang lên những tiếng “ô”, “a” “ồ”, “à”… làm Quới Lương càng quíu. Nó khẽ ngước mặt lên, ấp úng:
– Thưa thầy… tại vì… tại vì…
Nhỏ Thạch Anh nãy giờ đứng im, ngay ngáy đợi thầy “tra hỏi”. Bây giờ thấy thằng Quới Lương có vẻ muốn khai huỵch toẹt chuyện “làm ăn” giữa hai đứa, liền láu táu vọt miệng:
– Thưa thầy, tại vì bạn Quới Lương… thích em ạ.