Kính vạn hoa - Tập 52 - Tóc ngắn, tóc dài

Chương 7


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 52 – Tóc ngắn, tóc dài – Chương 7


Chương 7
Nhỏ Minh Trung đã bỏ đi từ lâu rồi mà con nhà Tần vẫn đứng bần thần giữa sân nắng.
Nó đang sàng lọc các cảm giác, ngán ngẩm thấy các cảm giác cứ trộn lẫn vào nhau – ngổn ngang, chồng chéo, lộn tùng phèo, nói chung là vô cùng phức tạp.
Nó đang thu thập và chắp nối các ý nghĩ để đau khổ nhận ra chẳng có ý nghĩ nào mạch lạc, sáng sủa. Những ý nghĩ cứ đứt khúc và trôi lềnh bềnh trong đầu nó.
Một lát, Tần thấy mình ngồi trên băng ghế dưới gốc phượng, đang cố rà soát lại bản thân.
Nó không rõ cách xử sự của nó vừa rồi trước sự dò hỏi của Minh Trung là đúng hay sai và điều đó làm nó dằn vặt ghê gớm.
Nó đã làm tất cả những gì “cô giáo” Lan Kiều mách bảo (những chuyện mà nó không nghĩ có ngày nó sẽ làm) chỉ để Minh Trung quan tâm đến nó.
Nhưng khi mọi thứ đã có kết quả, Minh Trung đã tỏ thân thiện với nó, đã ướm hỏi về “bạn ấy” của nó thì nó lại lúng túng và ngớ ngẩn để vuột mất cơ hội.
Có lẽ mình đã không chuẩn bị tinh thần từ trước! Mình không bao giờ nghĩ có lúc Minh Trung sẽ gặp mình để hỏi thăm về “bạn ấy” của mình! Tần loay hoay tự bào chữa, nhưng rồi nó biết đó không phải là lý do thực sự. Chẳng qua nó sợ nếu nó tiết lộ “bạn ấy” là Minh Trung, nó không biết Minh Trung sẽ phản ứng như thế nào.
Minh Trung gần đây có cảm tình với nó thật, nhưng thiện cảm đó xuất phát từ việc nó đã tình nguyện giúp đỡ Minh Trung ổn định trật tự lớp. Nếu biết Tần làm vậy chỉ vì thích mình, chắc Minh Trung chửi Tần tắt bếp quá. Có khi nó nổi khùng vác guốc rượt Tần chạy lòng vòng quanh sân trường cũng nên. Nghĩ vậy nên Tần hãi, chối bay chối biến.
Nhưng nếu chỉ với lý do đó thì ý nghĩ và cảm giác trong lòng thằng Tần cũng chưa đến nỗi gọi là phức tạp. Đằng này, Tần không dám thú nhận mình thích Minh Trung một phần cũng vì nó sợ điều ngược lại: nhỡ Minh Trung không chửi như tát nước vào mặt nó hoặc rượt đánh nó, nhỡ Minh Trung cũng thú nhận là thích nó thì Tần không biết phải làm gì tiếp theo.
Tần chưa bao giờ để trí tưởng tượng của mình đi xa hơn những gì “cô giáo” Lan Kiều đã bày vẽ, cho nên khi đã làm mọi cách để người ta thích lại mình và người ta có vẻ sắp sửa thích mình rồi thì nó lại đâm hoảng. Tự dưng nó chột dạ thối lui.
Bây giờ thì nó đang vò đầu bứt tai và tự nguyền rủa mình tơi bời về cái sự nhát cáy đó.
Nó thò tay lên cốc đầu: Ngu ơi!
Chưa hả, nó cốc đầu cái nữa: Đồ thỏ đế!
Vẫn chưa đã nư, nhưng lần này Tần chưa kịp cốc thêm cái thứ ba thì chuông vào học đã vang lên, nếu không có lẽ đầu nó chẳng mấy chốc đã mọc lên mấy cái bướu rồi.
Thằng Dưỡng và Hiền Hòa thấy Tần lếch thếch vào lớp, mặt mày buồn xo thì lạ lắm.
Hiền Hòa ngồi ngay cạnh Tần, cứ chốc chốc lại quay sang:
– Bữa nay Tần làm sao thế?
– Có chuyện gì vậy hở Tần?
Tần chỉ biết ậm ừ cho qua. Nhưng con nhỏ Hiền Hòa cứ lẵng nhẵng hỏi hoài. Nó hỏi dai nhách, đến nỗi Tần biết mình không thể giả điếc với con nhỏ này được.
Cuối cùng nó nhún vai:
– Tại mình lo cho trận đấu chiều nay đó mà.

Chiều nay, đội bóng lớp 10A9 của tụi nó gặp đội bóng lớp 11A5 trong trận bán kết giải bóng đá toàn trường thật.
Gần Tết, nhà trường tổ chức hội thao, hội diễn: các lớp thi tài ca hát, diễn kịch, làm báo tường, bóng đá, bóng chuyền, bóng ném…
Đội bóng đá lớp 9A4 vốn là đội bóng sừng sỏ của trường Tự Do năm ngoái. Lên cấp ba, chuyển qua trường Đức Trí, đội hình chủ lực đi theo đầy đủ: đội trưởng Tiểu Long, Minh Vương, Quý ròm, Hải quắn, Dưỡng, Tần và Lâm. Mấy đứa trường Thống Nhất năm ngoái như Gia Nghĩa, Mười, Oánh ở trong thành phần dự bị.
Trong đội, Tần bắt gôn, dự bị cho nó vẫn là thủ môn Đỗ Lễ – tụi bạn gọi đùa là “thủ môn để lỗ” vì thằng này tâm lý không vững, khi bị đối phương gây sức ép mạnh thế nào cũng lụp chụp để lọt vài quả lãng xẹt. Ngay từ năm lớp 8, Đỗ Lễ đã bị thằng Lâm “thi sĩ Hoàng Hôn” đặt vè trêu chọc “Vì Đỗ Lễ chuyên môn… để lỗ/ Mình tốn tiền mua rổ đựng banh”. Từ đó con nhà Đỗ Lễ chết tên luôn. Tụi bạn toàn gọi nó là “thủ môn để lỗ”.
Vì vậy mà ở những trận đấu quan trọng, trách nhiệm bảo vệ khung thành đè nặng lên vai Tần. Hiền Hòa cũng hiểu điều đó. Nghe Tần nói vậy, nó chẳng nghi ngờ gì hết. Chỉ động viên:
– Tần là thủ môn xuất sắc nhất trường Tự Do năm ngoái mà sợ gì!
Tần chép miệng:
– Sợ chứ! Tụi 11A5 chơi bóng có nghề lắm!
– Sợ gì mà sợ! – Thằng Dưỡng ngồi đầu bàn bên kia nói vói qua, giọng hậm hực – Chiều nay tao phang tụi nó gãy giò cho mày coi!
– Thôi đi! – Hiền Hòa nhăn mặt – Dưỡng nói gì thấy ghê!
Tần nhún vai, dọa:
– Mày đá gấu, bị trọng tài đuổi ra sân, đội mình đá thua vì thiếu người là cả lớp xúm vào làm thịt mày đó!
Nhỏ Hiền Hòa chớp mắt:
– Chiều nay Tần và Dưỡng cố lên nha!
Dưỡng toét miệng cười:
– Dĩ nhiên rồi!
Thằng Tần cũng nói:
– Dĩ nhiên rồi!
Hai đứa đều trả lời giống nhau, chỉ khác là thằng Tần không tin tưởng vào câu nói của mình lắm. Thực ra Tần đâu có ngán tụi 11A5. Nó đã xem tụi này chơi mấy trận ở vòng ngoài rồi. Đội 11A5 là một đội bóng mạnh, nhưng không mạnh đến mức tụi thằng Tần không vượt qua được.
Con nhà Tần chỉ sợ mình không vượt qua được sự vướng víu trong lòng thôi. Mỗi lần nghĩ đến Minh Trung, nghĩ đến sự lóng nga lóng ngóng của nó trước con nhỏ này là tay chân Tần như không còn hơi sức, lúc đó chắc nó còn “để lỗ” gấp mấy lần thằng Đỗ Lễ.
Cũng may cho Tần, từ lúc tụi bạn phản ứng trò đùa dai của thằng Lâm, “thi sĩ Hoàng Hôn” không còn trêu nó nữa. Lâm đá vai tiền vệ trong đội bóng, có lẽ cũng không muốn thủ môn của mình tinh thần hoảng loạn trước khi đá trận bán kết sinh tử với tụi 11A5. Ờ, nếu thằng Lâm vẫn tiếp tục lải nhải mấy vần thơ ứng tác của nó, chiều nay thủ môn Tần chắc phải “lấy rổ đựng banh” thiệt chứ chẳng chơi!
° ° °
Bữa đó, một lần nữa Tần và Lan Kiều lại là hai đứa cuối cùng rời khỏi lớp. Giống hệt như lần trước.
Có vẻ như “học trò” Tần muốn nói chuyện với “cô giáo” Lan Kiều và “cô giáo” cũng đang có chuyện muốn nói với “học trò”.

Tần đã nguôi ngoai chuyện nó bị bạn bè chọc ghẹo về bài thơ Bạn ấy, à quên, bài thơ Đôi khi. Nó đã thôi trách Lan Kiều “xúi dại”. Lòng nó bây giờ chỉ canh cánh một điều: nếu mai mốt lớp phó Minh Trung lại cắc cớ hỏi nó về “lý lịch” của “bạn ấy” trong bài thơ thì nó phải đối phó ra sao.
Trong khi Tần chưa biết phải mở miệng như thế nào thì may cho nó, Lan Kiều đã lên tiếng trước:
– Khi nãy mình thấy Tần đứng nói chuyện với Minh Trung nè.
Tần chớp mắt:
– Vậy hả? Bạn đứng ở đâu mà thấy?
– Mình đứng chỗ hành lang ngó ra. – Lan Kiều đáp, rồi nó hạ giọng tò mò hỏi – Hai bạn nói gì với nhau vậy?
Tần liếm môi:
– Minh Trung hỏi tôi về bài thơ Bạn ấy…
– Bài thơ Đôi khi. – Lan Kiều nhăn mặt.
– À quên, bài thơ Đôi khi. – Tần lỏn lẻn – Minh Trung hỏi bài thơ đó tôi viết cho bạn nào vậy?
– Hay quá! – Lan Kiều long lanh mắt, reo lên – Như vậy là “cá đã cắn câu”. Thế Tần đáp như thế nào?
Tần nuốt nước bọt:
– Tôi… tôi…
– Tôi sao? Thấy “cô giáo” nhìn mình chằm chằm, tự nhiên “học trò” nghe cổ họng khô rang. Thế là nó lại tiếp tục lắp bắp:
– Tôi… tôi…
Dòm bộ tịch thằng Tần, Lan Kiều biết mình còn phải chờ đến Tết Ma Rốc. Nó sốt ruột quá, bèn hỏi thẳng:
– Tần nói là Tần viết tặng Minh Trung chứ?
– Không. – Tần lắc đầu, hai gò má nóng ran.
– Ủa. – Lan Kiều dựng mắt lên – Chứ Tần nói sao?
Tần khó nhọc đáp, trông nó rặn từng tiếng mà Lan Kiều muốn khóc quá chừng:
– Tôi nói bài thơ đó… tôi không tặng… cho bạn nào hết.
– Trời đất! Sao Tần lại nói vậy? – Lan Kiều kêu lên thất vọng, nó nhìn thằng Tần bằng ánh mắt như thể thằng này vừa làm một điều gì đó hết sức ngu ngốc.

Tần ngó lơ chỗ khác để không phải nhìn vào mặt nhỏ bạn, nhưng ngay cả như vậy nó vẫn không cảm thấy nó ít tội lỗi hơn. Nó lúng búng nói, không quay mặt lại, giọng bỗng dưng nghèn nghẹt như phát ra từ lỗ mũi:
– Tại lúc đó tự nhiên tôi sợ…
Đôi mày Lan Kiều cau lại:
– Tần sợ gì?
Tần buồn bã:
– Tôi sợ tôi nói ra, Minh Trung sẽ giận tôi, sẽ chế nhạo tôi, sẽ xách guốc rượt tôi chạy quanh sân trường…
– Tần khờ quá. – Lan Kiều khẽ lắc mái tóc – Minh Trung sẽ không giận Tần, cũng không chế nhạo Tần.
Nó cười khúc khích:
– Càng không xách guốc rượt Tần.
Tần quay mặt lại, nhìn sững nhỏ bạn:
– Sao bạn biết?
– Sao lại không biết.
– Lan Kiều lắc mái tóc lần nữa, mặc dù tóc nó lúc này đã nằm qua một bên – Chắc chắn Minh Trung đã đoán ra bài thơ đó Tần viết cho bạn ấy.
– Minh Trung đã đoán ra?
– Ờ.
Mặt thằng Tần thuỗn ra:
– Thế sao bạn ấy còn hỏi tôi?
– Tần khờ quá!
Lần thứ hai trong vòng chưa tới năm phút, “học trò” Tần bị “cô giáo” Lan Kiều chê “khờ”. Nhưng con nhà Tần chẳng lấy đó làm buồn, vì tự nó cũng thấy nó khờ thiệt. Nó thấy nó đang ngu đi từng phút một. Cho nên nó ngoan ngoãn dỏng tai nghe Lan Kiều giải thích:
– Minh Trung hỏi là vì bạn ấy muốn nghe chính miệng Tần xác nhận điều đó.
Tần há hốc miệng:
– Để chi vậy?
Thấy thằng Tần muốn chứng minh nó thuộc loại “khờ hết thuốc chữa”, Lan Kiều muốn nấc lên một tiếng quá. Không nấc được, nó nói mà miệng méo xệch:
– Thì con gái nào mà chẳng thích nghe con trai nói thế.
– Thế à. – Tần buột miệng, nghe chán phèo, trông nó ngây ngô như đang mắc kẹt giữa mớ cảm giác lộn xộn của mình.
Lan Kiều hít vô một hơi để yên tâm rằng mình chưa bị vẻ mặt ngu ngơ của thằng Tần làm cho buồn ngủ:
– Điều này còn quan trọng hơn nè.

– Điều gì?
– Minh Trung chờ Tần xác nhận để bạn ấy có dịp nói cho Tần biết là bạn ấy cũng thích Tần!
Lan Kiều nói bằng giọng quả quyết đến mức thằng Tần rơi luôn ra ngoài rìa cơn mê. Nó cựa quậy người, chớp chớp mắt, tỉnh như sáo:
– Bạn nói thiệt không?
– Sao lại không thiệt! Mình là con gái, mình biết mà!
Thực ra thằng Tần cũng từng nghĩ đến điều Lan Kiều nói, và nó vừa mong vừa không mong điều đó xảy ra. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua óc nó mơ hồ như một bóng chim bay. Nó không chắc Minh Trung thích nó. Ờ, chẳng có gì rõ ràng hết. Bây giờ nghe Lan Kiều nói chắc như đinh đóng cột, lòng nó bất chợt xao xuyến lạ.
Tần lại bắt gặp mình vừa hân hoan vừa sợ hãi, và thiệt sự thì nó không rõ cảm giác nào mạnh hơn cảm giác nào.
Lan Kiều không hiểu được tâm trạng Tần, thấy mặt mày thằng này lúc đỏ tía lúc trắng bệch nó tưởng Tần đang lên cơn sốt rét do phấn khởi quá mức, liền sốt sắng “phán”:
– Lần sau Minh Trung còn hỏi như vậy nữa, Tần phải nói rõ là bài thơ đó Tần viết cho bạn ấy nha! Tần nuốt nước bọt:
– Thế nhỡ Minh Trung thích lại tôi thật thì sao?
– Ủa, chứ chẳng phải Tần đang mong điều đó sao?
Lan Kiều tròn xoe mắt, nó sửng sốt đến mức không biết mình đang trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi, và trông cái cách nó nhìn thằng Tần lúc này có cảm giác nếu như nó tin vào tai mình thì nó đang không tin thằng Tần vẫn còn lý trí.
Thằng Tần có vẻ như không còn lý trí thật. Nó nắm tay lại, rồi duỗi các ngón ra, rồi nắm chặt lại, như phân vân không biết chọn động tác nào cho phù hợp với các ý nghĩ rối bời trong đầu nó. Đôi lúc nó cũng không biết nó muốn gì nữa.
Tần cảm thấy nó có lỗi với Lan Kiều quá. “Cô giáo” của nó đã tận tình dạy bảo nó, đã thức suốt đêm (chắc vậy!) làm thơ giùm nó để nó giãi bày tình cảm với “người ta” (giống như làm giùm bài thi tốt nghiệp vậy!), thế mà bây giờ kết quả đã như ý rồi, “người ta” đã kêu tên nó lên để “phát bằng tốt nghiệp” thì nó lại trốn biệt.
Lan Kiều dán mắt vào bộ mặt khó coi của thằng Tần một hồi lâu, và sau khi đi từ sửng sốt đến ngỡ ngàng, từ thắc mắc đến ngờ ngợ, nó bắt đầu hiểu ra:
– Hổng lẽ Tần thích Minh Trung nhưng lại sợ Minh Trung thích lại mình?
Tần sè sẹ thở ra khi nghe Lan Kiều nói trúng phóc tâm trạng của mình.
“Học trò” Tần quay mặt đi và rón rén gật đầu, cứ như thể nó là “học trò mẫu giáo” thật và cậu học trò khốn khổ đó vừa xấu hổ thừa nhận với cô giáo là mình vừa trót “bĩnh” ra quần.
“Cô giáo” Lan Kiều ngắm nghía cậu “học trò” thêm một hồi nữa rồi khẽ nhắm mắt lại như để cho bớt sốc. Trong tư thế không muốn nhìn thẳng vô sự thật trước mắt đó, Lan Kiều lắc đầu, ngán ngẩm:
– Mình không hiểu nổi Tần!
Tần chép miệng, ỉu xìu:
– Tôi cũng có hiểu tôi đâu.
– Biết vậy mình đã không chỉ cách cho Tần.
Lan Kiều nói giọng chán chường, vừa nói nó vừa xách cặp đứng lên như muốn kết thúc câu chuyện.
Tần chộp cứng cặp sách của nhỏ bạn, giọng hoảng hốt:
– Bạn khoan về đã! Thực ra tôi chỉ sợ nhỡ Minh Trung thích tôi thì tôi không biết phải làm gì tiếp theo thôi!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.