Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 51 – Một ngày kỳ lạ – Chương 1
Thầy Phú làm cả lớp há hốc miệng khi ra đề tập làm văn “Bạn hãy kể lại một ngày kỳ lạ trong đời bạn”.
Học văn tự sự, dĩ nhiên học sinh lớp mười phải biết sử dụng những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài làm. Nhưng những đề văn tụi nó từng gặp như “Cảm xúc của bạn về ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông”, “Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của bạn về người thân yêu nhất” hay “Nêu cảm nghĩ sâu sắc về một cuốn sách mà bạn không thể nào quên” thì đứa nào cũng làm được. Dù gì thì những cảm xúc đó tụi nó cũng từng trải qua. Nay ghi lại, có thể hay hoặc không hay, nhưng dẫn sao thì đứa kém nhất vẫn có thể nặn ra đuợc mươi, mười lăm dòng để nộp cho thầy.
Đằng này, thầy lại bắt học trò kể lại “một ngày kỳ lạ”. Đâu phải đứa nào cũng có điều kỳ lạ để kể.
Thằng Đặng Đạo bóp muốn móp cả trán, rồi quay sang nhỏ Vành Khuyên, thở hắt ra.
– Chịu. Tôi chẳng nghĩ ra chuyện gì kỳ lạ hết.
Vành Khuyên rầu rĩ:
– Mình cũng vậy.
Nãy giờ con nhỏ vẫn chống tay lên cằm, thừ ra như người mất của. Cái dáng ngồi đó, Vành Khuyên không phải là đứa sở hữu độc quyền. Có cả đống đứa ngồi giống hệt như nó.
Ở bàn bên cạnh, nhỏ Hiền Hoà thậm chí không chỉ chống cầm. Nó nhai nhai cán bút, liếc thằng Dưỡng:
– Bạn nghĩ ra ý gì chưa?
– Ý gì là ý gì?
– Một ngày kỳ lạ đó?
Dưỡng nháy mắt:
– Nghĩ ra rồi.
– Hay quá vậy! – Hiền Hoà reo khẽ, mắt nó sáng trưng – Bạn nghĩ ra ý gì vậy, kể cho mình nghe đi!
– Kể sao được mà kể! – Dưỡng nhún vai – Kể ra, bạn “cóp” ý của tôi sao?
– Mình không “cóp” đâu – Hiền Hoà liếm môi, có vẻ như nó rất muốn giơ tay thề – Mình chỉ nghe cho biết thôi. Nghe xong, biết đâu mình nghĩ ra được cái ý của mình.
– Vậy tôi nói nha.
– Ừ, bạn nói đi! – Hiền Hoà dòm lom khom vào mặt bạn. – Ngày kỳ lạ của bạn là gì?
Dưỡng lim dim mắt:
– Ngày kỳ lạ nhất của tôi chính là ngày thầy Phú ra cái đề “một ngày kỳ lạ” này. Quá sức kỳ lạ luôn! Hổng biết cách sao làm bài hết á!
Câu pha trò của Dưỡng khiến Hiền Hoà dở cười dở mếu. Nó chồm tới thụi bình bịch vô lưng thằng này:
– Giỡn nè!
– Giỡn gì mà giỡn! – Dưỡng co mình để né đòn, miệng rối rít – Tôi nói thiệt chứ bộ!
– Thiệt nè!
Hiền Hoà “xì” một tiếng, lại nghiến răng thụi tiếp.
Nó chỉ dừng tay khi tiếng thầy Phú đột ngột cất lên:
– Dưỡng, Hiền Hoà, ai em làm gì vậy?
Hiền Hoà giật bắn người, lật đật sửa lại thế ngồi, mặt tái xanh. Thằng Dưỡng cũng gằn mặt xuống bàn, như thể cái đầu đột nhiên quá nặng đối với nó.
Thầy Phú nghiêm mặt, đi xuống chỗ hai đứa học trò trong ánh nhìn hồi hộp của cả lớp. Thầy nghiên đầu nhìn tờ giấy trước mặt Dưỡng và Hiền Hoà, ngoài đề bài và hai chữ “Bài làm” vẫn chưa có một chữ nào.
– Thế đấy! – Thầy nhún vai. Làm bài không lo làm, chỉ ngồi đùa giỡn!
Cả lớp vẫn lặng yên quan sát diễn biến.
Hiển Hoà và Dưỡng không dám ngước lên, thầy Phú chỉ nhìn thấy hai chỏm tóc của tụi nó. Tự nhiên thầy phát bực:
– Sao bây giờ em “hiền hoà” quá vậy, Hiền Hoà?
Hiền Hoà vẫn im ru, mặc dù nó nghe rõ tiếng khúc khích vang lên ở đâu đó.
– Con gái mà ngồi đánh nhau trong lớp! – Thầy tiếp tục gầm gừ – Em đứng lên đi! Và giải thích cho thầy biết chuyện gì xảy ra vậy?
Hiền Hoà rụt rè đứng lên. Ở bên cạnh, thằng Dưỡng len lén nhìn nhỏ bạn, ánh mắt như cầu cứu. Nhưng khổ nỗi, Hiền Hoà không trông thấy vẻ mặt sắp lăn ra xỉu của bạn mình. Nó đang lo lắng nhìn thầy Phú, miệng lắp bắp:
– Thưa thầy… thưa thầy…
– Sao?
– Thưa thầy… em chỉ đùa thôi ạ.
– Đùa? – Thầy Phú quắc mắt – Tự nhiên đùa?
Tia nhìn nghiêm khắc của thầy khiến Hiền Hoà bủn rủn tay chân. Nó đã định bịa ra một lý do nào đó nhưng cái cách thầy ghim mắt vào nó như đe nẹt “Em chớ dại mà nói dối đấy” khiến nó chẳng còn tâm tư đâu tìm cách gỡ tội cho Dưỡng.
– Thưa thầy… không phải tự nhiên ạ.
– Thế thì tại sao?
– Tại vì em hỏi bạn Dưỡng ngày kỳ lạ của bạn ấy là gì…
Trong khi thằng Dưỡng rúm người lại, bụng chửi thầm con nhỏ Hiền Hoà “không chút hiền hoà” này tơi tả thì tụi bạn hồi hộp nín thở chờ xem phần tiếp theo của vụ án”, một phần vì hiếu kỳ, phần khác tụi nó cũng đang bí nên muốn nghe xem cái ngày kỳ lạ của thằng Dưỡng là ngày gì.
– Em nói tiếp đi! – Thầy Phú hất đầu – Thầy vẫn chưa thấy lý do gì để em đấm bạn túi bụi như thế.
Hiền Hoà liếc Dưỡng, thấy mặt mày thằng này xám xịt như vừa đút đầu vào đống tro, bất giác áy náy quá chừng. Nó lấm lét nhìn thầy Phú, cắn môi đáp:
– Em hỏi thật nhưng bạn Dưỡng trả lời đùa nên em … đánh bạn ấy ạ.
Dưỡng sè sẹ thở ra, bụng cảm kích nhỏ bạn không để đâu cho hết. Nhưng vừa thở ra Dưỡng đã phải vội vàng hít vô. Nó đau khổ khi thấy thầy Phú quyết không để cho cuộc điều tra kết thúc ở chỗ mù mờ như vậy:
– Bạn Dưỡng trả lời đùa là trả lời như thế nào?
Hiền Hoà bất giác thấy vai mình trĩu xuống. Đột nhiên nó nhận ra mình cà lăm:
– Thưa thầy… thưa thầy…
Nó ngưng một lát rồi lại “thưa thầy… thưa thầy…”
– Thầy nghe rồi, em khỏi cần thưa nữa! – Thầy Phú nhăn mặt.
– Bạn Hiền Hoà ơi, thầy đang cần bạn trả lời chứ đâu cần bạn thưa! – Thằng Lâm ngứa miệng “đế” một câu khiến thầy Phú phải quay xuống, trừng mắt.
Hiền Hoà cắn môi muốn rớm máu. Nó nhìn xuống mười ngón tay đang ngọ nguậy trên bàn, lí nhí:
– Thưa thầy, bạn Dưỡng nói… ngày kỳ lạ của bạn ấy là… là…
Tới đây, Hiền Hoà lại ngắc ngứ.
Bây giờ không chỉ thầy Phú mmà cả lớp cũng sốt cả ruột.
Từ trong góc lớp, thằng Đỗ Lể chép miệng nói trổng:
– Băng cátxét nhà ai bị nhão vậy bà con?
Hiền Hoà nghe rõ mồn một câu trêu chọc của Đỗ Lễ, lo lắng ngước mặt lên. Bắt gặp ánh mắt chờ đợi của thầy Phú, nó giật thót một cái, lúng túng đưa tay gãi gáy và mở miệng một cách khó khăn:
– Bạn Dưỡng bảo ngày kỳ lạ nhất của bạn ấy chính là ngày… là ngày… là ngày…
– Là ngày gì? – Thầy Phú chịu hết nổi, gần như quát lên.
Hiền Hoà quýnh quáng:
– Dạ… là ngày thầy ra cái đề “một ngày kỳ lạ” này ạ.
Nói xong, nó sợ sệt cúi đầu xuống, như thể trót làm chuyện gì hết sức bậy bạ.
Trong khi thằng Dưỡng chết điếng trên chỗ ngồi, thầy Phú chết điếng trên chỗ đứng thì ở chung quanh những tiếng “hí hí, há há” rúc rích vang lên như có một bầy chuột đang liên hoan dưới gầm bàn khiến mấy đứa trong ban cán sự lớp như Xuyến Chi, Minh Trung, nhỏ Hạnh hấp tấp quay mặt ra bốn phía, trợn mắt hăm doạ.
Lớp trưởng Xuyến Chi tim nhảy tưng tưng. Nó liếc mắt một vòng rồi len lét liếc về phía thầy Phú, thắc thỏm chờ một trận lôi đình nổ ra.
Thầy Phú có vẻ muốn nổ ra một cơn bão giận dữ thật. Mặt thầy tím lại, rất giống một đám mây nguyên tử. Nhưng hên cho cả lớp, và cả cho thằng Dưỡng, là thầy vẫn đứng yên, chờ cho màu tím nhạt đi.
Rồi thầy nhìn Dưỡng, giọng bình tĩnh:
– Tại sao em nói thế, Dưỡng?
Dưỡng lập cập đứng lên khỏi chỗ. Nó gãi tai, ấp úng:
– Tại em thấy cái đề “kỳ lạ” này khó quá, thưa thầy.
Thầy Phú chưa kịp nói,thằng Lâm đã bô bô:
– Thưa thầy, thằng Dưỡng nói đúng đó, thầy. Em nặn óc cả buổi mà chẳng nảy ra được cái ý nào hết, thầy ơi.
– Em cũng vậy, thưa thầy. – Thằng Quang sốt sắng hùa theo – Hình như trong đời em hổng có ngày nào là ngày kỳ lạ hết á.
Chỉ chờ có vậy, cả đống cái miệng nhao nhao:
– Mấy bạn nói đúng đó, thầy.
– Em cũng vậy, thầy ơi.
Thằng Hải quắn còn bạo dạn rấn tới:
– Hay thầy đổi cái đề khác đi, thầy!
Thầy Phú thoáng cau mày, có vẻ bất ngờ trước phản ứng của học trò. Thầy vẫy tay ra hiệu cho Dưỡng và Hiền Hoà ngồi xuống rồi quay đầu nhìn cả lớp, hắng giọng:
– Các em nghe thầy nói nè. Nếu các em không nhớ được một ngày kỳ lạ trong đời mình thì các em có thể tưởng tượng ra. Thầy đâu có bắt buộc đó phải là câu chuyện thật.
Lớp học lại nhốn nháo:
– Ủa, vậy hả thầy?
– Được phép tưởng tượng hả thầy?
– Hay quá, thầy ơi! Vậy thì em làm được!
– Em tưởng tượng em gặp ông Bụt giống như cô Tấm được không thầy?
Thầy Phú dễ dãi:
– Các em tha hồ tưởng tượng, miễn là câu chuyện của các em phải có ý nghĩa.
Câu nói của thầy Phú giống như một hiệu lệnh. Thầy vứa dứt lời, cả lớp cắm đầu vào tập hí hoáy viết.
Tiểu Long huých khuỷu tay vô hông Quý ròm:
– Mày có khối chuyện kỳ lạ, khỏi cần tưởng tượng, sướng há?
– Xiên xỏ gì đó, mày?
Tiểu Long cười hì hì:
– Tao nói thiệt chứ xiên xỏ gì. Mày từng khoe với nhỏ Hạnh nửa đêm mày đang ngủ bỗng có một con rắn hổ mang bò ngang bụng mà. Rồi chuyện mày đi bè bị sóng đánh lật úp, mày phải bơi gần hai cây số để vào bờ nữa. Toàn chuyện kỳ lạ, hiếm có!
– Tao đập mày nghe, mập!
Quý ròm nghiến răng, thu nắm đấm nhưng chưa kịp thụi Tiểu Long phát nào đã hấp tấp rụt tay lại.
Trên bảng thầy Phú đang quét mắt về phía nó.