Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 44 – Quà tặng ba lần – Chương 1
Chương 1
Lúc bảy giờ, nói chính xác là lúc sáu giờ bốn mươi lăm, tức là khi cả nhà vừa ăn cơm tối xong, thì thằng Tùng bắt đầu làm chuyện lạ.
Nó lôi chiếc giày thể thao ra ngoài phòng khách, bật đèn sáng trưng, cầm bàn chải ngồi cặm cụi đánh tới đánh lui.
Thằng Tùng tự dưng lôi giày ra đánh đã là chuyện lạ. Lại đánh một chiếc giày mà mẹ nó mới đánh hôm qua là chuyện lạ thứ hai.
Làm một việc mà có tới hai chuyện lạ bắt buộc người chung quanh phải chú ý.
Nhỏ Hạnh hỏi:
– Em làm gì thế hở Tùng?
Thằng Tùng có vẻ không thích người khác để ý đến công việc của mình. Nó làu bàu:
– Thấy rồi mà chị còn hỏi!
Tùng tưởng đáp thế là hay lắm. Nó không hiểu trong trường hợp này, chính là vì thấy rồi nên chị nó mới hỏi. Vì nhỏ Hạnh thực tình không biết em mình đánh giày để làm gì. Cũng có thể ngày mai lớp Tùng có giờ thể thao, nhưng nếu như vậy nó phải đánh cả hai chiếc. Đằng này nó chỉ đánh có mỗi một chiếc.
Nhỏ Hạnh thắc mắc quá. Nó ngồi xuống cạnh em, thò lỏ mắt ngắm nghía. Ngồi nhìn một lát, nó buộc miệng bâng quơ:
– Sạch lắm rồi!
Tùng làm như chẳng nghe chị mình nói gì. Nó bặm môi đưa mạnh bàn chải, đầu càng lúc càng cúi thấp.
Ở dưới bếp đi lên, dì Khuê lập tức đưa tay bưng mặt:
– Trời đất, dì có nhìn lộn không vậy hở Tùng?
Tùng ngước bộ mặt cau có:
– Dì …
– Đừng có làm mặt như thế với dì! – Dì Khuê mỉm cười, trêu già – Bất cứ ai nhìn thấy cảnh này cũng sẽ sửng sốt như dì thôi …
Tùng không để dì nói hết câu. Nó đứng bật dậy, cầm chiếc giày đi một mạch ra cửa. Trông nó có vẻ bực bội lắm, nhưng nếu nhìn kỹ hai vành tai đang ửng đỏ của nó, có thể tin rằng cái phần bực bội chỉ chiếm có một phần trăm trong long nó. Chín mươi chin phần trăm còn lại là sự ngượng ngùng.
Cũng tại thằng Tùng cả thôi, một đứa biếng nhác như nó tự nhiên làm một cái chuyện không mơ thấy nổi là lôi giày ra đánh làm sao không bị mọi người trêu chọc.
À quên, nói mọi người là không hoàn toàn chính xác. Ba không trêu chọc Tùng. Ở ngoài hành lang đi vào, thấy Tùng đang đứng dựa lan can với chiếc giày và bàn chải trên tay, bà vuốt tóc nó, tủm tỉm:
– Siêng quá há, con trai!
Ba nói vậy, dĩ nhiên ba biết Tùng đánh giày để làm gì.
Cho nên khi ba vào nhà, nhỏ Hạnh hỏi:
– Thằng Tùng làm gì vậy hở ba?
Ba liền nheo nheo mắt:
– Ồ, con không nhớ bây giờ là tháng mấy sao?
– Tháng mười hai.
– Phải rồi, – ba gật đầu và tiếp tục giọng bí hiểm – con không nhớ bây giờ là ngày mấy sao?
Nhỏ Hạnh đáp, vẫn không hiểu gì cả:
– Ngày mười bảy.
Ba cười:
– Cho nên thằng Tùng nhà mình mới o bế chiếc giày.
Nhỏ Hạnh chẳng thấy mối liên quan nào giữa việc làm của thằng Tùng và ngày tháng vừa nêu cả. Nó không hiểu tại sao ba nó lại dùng từ “cho nên”. Nó bóp trán, lẩm bẩm:
– Mười bảy tháng mười hai …
Dì Khuê thình lình reo lên:
– A, dì nhớ rồi! Còn một tuần lễ nữa là đến Noel.
Ba hấp háy mắt khi nhìn nhỏ Hạnh:
– Vậy đó, con gái.
Bây giờ thì nhỏ Hạnh đã nhớ ra rồi. Và nó mỉm cười: Thì ra thằng oắt Tùng đang chuẩn bị vòi quà của Ông già Noel.
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến lễ Giáng sinh là thằng Tùng nắn nót viết thư cho Ông già Noel. Trong thư, Tùng kể đủ thứ chuyện, nào là năm vừa rồi nó chăm học ra sao, nó ngoan ngoãn vâng lời ba mẹ, vâng lời dì Khuê và chị Hạnh như thế nào. Tùng “kê khai thành tích” tỉ mỉ lắm, tại nó sợ Ông già Noel quanh năm bận đi thăm thú khắp nơi, sẽ lơ đãng không nhớ hết những chuyện tốt của nó.
Tất nhiên, Tùng cũng giấu biến một vài chuyện. Chẳng hạn cái tật lười biếng, thực tình là Tùng cố khắc phục nhưng kết quả chẳng khá lên được bao lăm.
Viết thư xong, Tùng gấp lại ngay ngắn, phẳng phiu và cho vào phong bì cẩn thận. Chỗ người gửi, dĩ nhiên Tùng ghi tên mình, có địa chỉ nhà ở đàng hoàng. Chỗ người nhận, bắt buộc phải là thế này:
Kính gửi
Ông già Noel
Ở trên trời
Đó là ba “tham mưu” cho Tùng. Ba bảo:
– Ông già Noel đương nhiên là ở trên trời rồi.
– Ghi cụt ngủn như vậy, ông ấy có nhận được không hở ba? – Tùng lo lắng hỏi lại.
– Được chứ con! – Ba trấn an – Ông ấy đã nhận bao nhiêu thư như thế này rồi.
Sau đó, ba nhét lá thư của Tùng vào túi áo, bảo là sẽ bỏ ngay vào thùng thư bưu điện.
Nghe vậy, Tùng lại băn khoăn:
– Bưu điện đâu có chuyển thư lên trời được hở ba?
– Bưu điện dĩ nhiên không thể chuyển thư lên trời được. Nhưng cứ sắp đến lễ Giáng sinh, đêm nào Ông già Noel cũng rảo khắp các thùng thư bưu điện để lấy đi những lá thư trẻ em gửi cho mình.
Dĩ nhiên Tùng chẳng nghi ngờ gì những điều ba nói. Vì sáng hôm sau đêm Giáng sinh, bao giờ Tùng cũng nhận được quà Ông già Noel gửi cho mình.
Tùng đã đọc nhiều mẩu chuyện về Ông già Noel. Rằng suốt năm ông lang thang khắp trái đất để theo dõi trẻ em, xem đứa nào ngoan, đứa nào hư. Để đến cuối năm, vào dịp Giáng sinh, đúng nửa đêm ông vác một túi quà to ơi là to, lẻn vào nhà những trẻ em nghèo và những trẻ em ngoan để tặng những gói kẹo, những món đồ chơi xinh xắn.
Trong sách người ta bảo ông thường chui vào nhà theo đường ống khói. Nhưng nhà Tùng lại không có ống khói. Ba nói:
– Không sao! Ông ấy sẽ leo qua cửa sổ.
Trong sách người ta cũng bảo ông có thói quen đặt quà vào giày. Thế là Tùng vòi ba mẹ mua giày. Rồi nó cẩn thận treo giày lơ lửng nơi cửa sổ. Năm đó Tùng mới học lớp hai.
Lần đầu tiên đợi quà, Tùng hồi hộp ghê lắm. Nó cứ sợ Ông già Noel không nhận được lá thư của nó. Ba nó từng gửi thư cho chú nó, nhưng khi gặp nhau, chú nó bảo là không nhận được. Có nghĩa là chuyện thất lạc thư từ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Chậc, chắc là không đến nỗi nào, Tùng cắn chặt góc mền trong miệng và tự nhủ, ba đã bảo rồi, rằng Ông già Noel không giống như chúng ta, ông không ngồi đợi thư chuyển đến tận tay mình (dĩ nhiên rồi, vì các chú phát thư có biết ông ở đâu mà chuyển!), ông tự mình đi lục lọi các thùng thư, như vậy thì không thể có chuyện thất lạc được.
Nhưng khi nỗi sợ đó lắng xuống, lòng Tùng lại mọc ra nỗi sợ khác. Tùng không rõ Ông già Noel có biết chuyện nó là chúa biếng nhác hay không. Tùng cố tình không nhắc đến điều đó trong thư nhưng nó tin thế nào ông cũng biết việc nó chuyên đùn đẩy mọi chuyện trong nhà cho chị Hạnh. Khi nghe ba bảo Ông già Noel không thích những trẻ lười, Tùng lo ngay ngáy. Nó nhất định sang năm nó sẽ cố, nó sẽ khá hơn. Nhưng dẫu sao đó cũng là chuyện sang năm, còn năm nay thì nó đã trot lười mất rồi. Vì vậy mà đêm Giáng sinh năm đó, Tùng leo lên giường nằm một hồi lâu, vẫn không sao dỗ giấc được. Phải lâu, lâu lắm, mắt nó mới chịu ríu lại.
Sáng hôm sau, vừa mở mắt Tùng đã tót ngay lại chỗ cửa sổ. Và nó reo lên hớn hở khi trông thấy một gói quà bọc giấy kính màu đang cột lủng lẳng nơi chiếc giày.
Khi nỗi mừng rỡ dịu xuống, Tùng cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng Tùng chỉ ngạc nhiên một chút xíu thôi. Rồi nó hiểu ngay tại sao Ông già Noel không làm giống như những gì nó đọc được trong sách. Chẳng qua là món quà to quá, ông không đặt vào trong giày được nên phải cột vào sợi dây giày của nó.
Tiếng reo của Tùng đánh thức cả nhà dậy. Mẹ dụi mắt hỏi:
– Gì ồn ào thế con?
Tùng huơ gói quà trước mắt mọi người, mắt long lanh:
– Ông già Noel tặng quà cho con nè.
Mẹ tươi cười:
– Thế à. Như vậy có lẽ ông ấy đã biết năm vừa rồi con đã thăng mười bậc trên bảng xếp hạng.
Ba gật gù:
– Và nói chung là có dấu hiệu ngoan hơn.
Chỉ nhỏ Hạnh là không khen Tùng. Nó nhún vai:
– Đây là có sự xí xóa. Chứ nếu xét về mặt lao động, em sẽ chẳng nhận được món quà nào đâu.
Tùng không buồn cãi nhau với chị. Lòng nó đang tràn ngập hân hoan. Lúc này, thậm chí nhỏ Hạnh có cốc đầu nó, nó cũng sẽ nhe rằng cười khì khì.
Dì Khuê vuốt tóc Tùng:
– Dù sao thì cháu cũng không đến nỗi nào. Nhưng nếu sang năm, cháu siêng năng hơn thì chắc gói quà sẽ to hơn.
Năm sau, rồi năm sau nữa, Tùng vẫn được Ông già Noel tặng quà. Đúng như dì Khuê nói, những lần sau, ông tặng cho Tùng nhiều kẹo bánh hơn, nhiều đồ chơi hơn. Vì Tùng đã dần dần bỏ được tật lười biếng. Bỏ dần dần thôi, chứ không thể bỏ ngay. Vì trong những tật xấu của con người, lười biếng là cái tật quyến rũ nhất, vì vậy buộc phải chia tay với nó, Tùng cứ dùng dằng, cảm thấy không nỡ.
Những năm về sau này, Tùng cố thức thật khuya vào đêm Giáng sinh. Tùng ước ao được tận mắt nhìn thấy Ông già Noel trèo qua cửa sổ với túi quà khệ nệ trên vai, và quan trọng hơn Tùng muốn được cảm ơn ông và hứa với ông những điều tốt đẹp mà nó tin rằng ông sẽ hài lòng.
Nhưng chả lần nào Tùng gặp được ông. Lần nào nó cũng nằm quay mặt về hướng cửa sổ, và lần nào nó cũng thiếp đi trước khi nhìn thấy ông hiện ra.
Ba an ủi:
– Con không cần phải nói lời cảm ơn với Ông già Noel. Con chăm học, lễ phép, siêng năng, tốt với mọi người là ông ấy vui rồi.
Tất nhiên, không đợi ba nói ra Tùng mới biết điều đó. Trong thực tế, Tùng đã cố trở thành một đứa trẻ chăm học, lễ phép và đặc biệt là siêng năng. Tùng cũng biết Ông già Noel không cần đến lời cảm ơn của nó. Nhưng nó vẫn muốn được gặp ông biết bao. Năm nay, đã lên lớp năm, Tùng vẫn háo hức chờ đến đêm Giáng sinh, háo hức đánh bong chiếc giày của mình và nôn nao chờ đến lúc treo nó lên cửa sổ. Y như thể lần đầu.