Kính vạn hoa - Tập 43 - Khách sạn hoa hồng

Chương 1


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 43 – Khách sạn hoa hồng – Chương 1


Chương 1
Lúc đó khoảng bốn rưỡi chiều. Dì Năm ngồi tiếp khách mà bụng không yên. Dì hết nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường lại thấp thỏm quay đầu ngó ra màn mưa lất phất ngoài trời, sốt ruột thấy mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mưa thoạt đầu không tiếng, thoắt đã vang lên lộp bộp rồi chuyển qua rào rào nghe như tiếng hàng ngàn con ngựa đang phi.
Giờ này lẽ ra dì đã có mặt trước cổng trường Minh Tâm để đón thằng Triều, con dì. Triều năm nay tám tuổi, vừa vô lớp ba bán trú, ngày nào đúng bốn rưỡi cũng theo đám bạn ra trước cổng đợi dì.
Dám thằng bé lúc này đang ướt mem. Mưa xối xả thế này chẳng biết nó đứng ở đâu. Dì lo lắng nghĩ. Dì nhớ là mái che trước cổng trường nhỏ xíu, không đủ chỗ cho bọn nhóc chen chúc. Mà giờ tan học thì cả trường ùa ra chứ ít ỏi gì. Nhưng chắc là không đến nỗi nào. Thế nào cô bảo mẫu cũng sắp xếp cho bọn học trò trú ở đâu đó, đời nào cô để cho bọn nhỏ dầm mưa. Dì Năm tự trấn an và bồn chồn quay sang khách.
Khách là mối lái quen, tới bàn bạc chuyện bỏ mối hàng ngoài chợ. Khổ nỗi, chuyện hàng họ đã xong lâu rồi nhưng khách không chịu nhớm đít, cứ ngồi cà kê dê ngổng suốt.
Đã thế, khách hăng chuyện đến quên cả ý tứ. Cái việc dì Năm chốc chốc lại ngước nhìn đồng hồ ngoài mục đích coi giờ còn có ý nghĩa nhắc cho người đối thoại biết mình đang có chuyện phải đi, khách biết điều thì nên lập tức cáo từ cho.
Nhưng vì khách không ý tứ, nên dĩ nhiên cũng không biết điều. Thấy dì Năm quay tới quay lui, khách tưởng dì mỏi cổ, bèn sốt sắng khoe hiểu biết:
– Chắc chị bị khớp. Tuổi này mười người hết chín người bị khớp. Bệnh này để lâu nguy hiểm, không khéo chuyển qua tim. Để tôi giới thiệu chị ông bác sĩ Cương. Ông này chuyên về …
Khách thao thao, bất chấp dì Năm có muốn nghe những chỉ dẫn y học của mình hay không. Bài diễn thuyết của khách làm khuôn mặt dì Năm méo đi như quả dưa chuột phơi khô. Dì biết khách lại bắt đầu một câu chuyện lằng nhằng mới và cũng như cơn mưa ngoài kia, loại chuyện liên hoàn dây cà ra dây muống này khó mà biết được chừng nào nó mới chấm dứt.
Khách nhác thấy vẻ đau khổ của dì, lại hăm hở:
– Chị đừng quá lo. Thứ bệnh này tuy khó chữa nhưng cũng chưa đến nỗi gọi là nan y.
Dì Năm đáp lại sự quan tâm quá đáng của khách bằng cách đánh mắt lên đồng hồ một lần nữa. Lần này, dì cảm thấy cây kim phút đang mỗi lúc một rời xa con số 6 kia như đang chích mạnh vào tim dì. Thế là dì đứng bật dậy, cho phép mình tạm quên đi những đức tính như kiên nhẫn hay lịch sự:

– Chết, tới giờ tôi đi đón thằng nhỏ rồi! Xin lỗi chị nghe!
Khách sửng sốt:
– Trời đất, vậy hả?
Rồi khách phủi quần đứng lên, trách móc một cách chân thành:
– Thế mà nãy giờ chị không lo đi đón cháu, cứ ngồi cà kê hoài! Chuyện trò thì lúc nào chuyện trò chẳng được.
Nói xong, khách te te ra cửa, ngoắt xích lô, nháy mắt đã biến mất.
Dì Năm quơ vội chiếc áo mưa, tròng qua loa vào người, chỉ kịp gài hai trong mười bốn chiếc nút, rồi quýnh quíu đạp Honđa, hấp tấp chạy đi.
Thằng con dì mới có tám tuổi, nếu đứng bơ vơ một mình trước cổng trường, lại giữa cảnh mưa gió sấm chớp thế này, chắc nó sợ hãi lắm! Dì càng nghĩ càng lo, lòng nóng như lửa đốt. Cho nên mưa quất rát mặt mà dì lóng ngóng hoài, không sao kéo nổi chiếc nón phía sau lên trùm đầu. Cuối cùng, sốt ruột quá, dì chẳng thèm đánh vật với chiếc nón nhùng nhằng đó nữa, cứ để đầu trần chạy băng băng dưới mưa.
Chỉ đến khi trường Minh Tâm hiện ra với lố nhố học sinh và phụ huynh đang đứng chờ con trước cổng, dì mới thở phào:
– May quá! Vẫn còn đông người thế kia!
Dừng xe sát lề đường, dì lướt mắt dọc đám học sinh lúc nhúc, môi nở sẵn một nụ cười, chờ tiếng kêu hân hoan quen thuộc:
– Mẹ ơi, con ở đây nè!
Nhưng dì Năm chờ hoài, chờ hoài, vẫn chẳng nghe thằng con dì lên tiếng gọi. Đảo mắt một lượt nửa, vẫn chẳng thấy thằng Triều đâu, dì lấy làm lạ quá. Nó đang ở đâu kìa? Hay nó đụt mưa trong hành lang chưa kịp ra?

Dì nhướn mày, ánh mắt xoáy vào bên trong sân, phập phồng sục sạo. Lúc này nụ cười trên môi dì đã tắt, thay vào đó là vẻ lo âu càng lúc càng rõ nét. Dì không biết là dì đã rời khỏi yên xe và đang đứng nhấp nhổm bên lề đường trên đôi chân liên tục ngọ nguậy.
Đang cồn cào lo lắng, dì bỗng nhìn thấy cô bảo mẫu lớp thằng Triều. Cô đang đứng kế cổng trường, bên cạnh dăm đứa học trò lớp cô. Dì Năm nhận ra ngay những đứa nhỏ cùng lớp với con mình.
– Cô giáo!
Dì vội vã bước lại, cất tiếng chào.
Nhận ra dì Năm, cô giáo vui vẻ:
– Chào chị.
Đang nói, chợp bắt gặp vẻ khác lạ trên mặt người đối diện, cô bỗng sững lại:
– Chị … chị chưa về sao?
– Về– Dì Năm nghe một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng – Tôi mới đến mà cô giáo.
Rồi ngay tức khắc, linh cảm có sự chẳng lành, dì hoảng hốt, lưỡi ríu lại:
– Thằng Triều đâu, cô giáo?

Tới lượt cô bảo mẫu chết điếng. Cô há hốc miệng, quai hàm cứng lại nên cô nói một cách khó khăn:
– Không phải … không phải lúc nãy chị đã … đón cháu về rồi sao?
Dì Năm nghe như có ai nện búa vào đầu mình:
– Không!
Dì bàng hoàng thốt lên, chân loạng choạng như muốn té.
Cô bảo mẫu bước nhanhh tới, đưa tay đỡ người phụ nữ trước mặt. Cô đã hoảng lắm, nhưng thấy dì Năm hoàn toàn mất tinh thần, cô cố tỏ ra bình tĩnh:
– Chị đừng lo lắng quá! Nếu không phải chị, có thể người nhà chị đã đón cháu về rồi!
– Không thể nào đâu, cô giáo! – Dì Năm phản đối bằng giọng hoang mang, lúc này dì đã gượng đứng lại được – Nhà tôi trước nay chỉ có tôi đi đón cháu.
– Chứ còn ba cháu?
– Ông nhà tôi không bao giờ làm chuyện đó. Cô giáo biết mà.
Dì Năm biết rõ chồng mình hơn ai hết. Dượng Năm vốn là con sâu rượu. Dượng suốt ngày say bét nhè, và với đầu óc lúc nào cũng khật khừ như vậy, e rằng dượng không biết thằng Triều học ở trường nào, nói gì đưa với đón.
– Thế cháu Triều có anh chị gì không? – Cô bảo mẫu lại hỏi, cố tìm một chút ánh sáng.
– Nó có một đứa anh. Nhưng anh nó giờ này đang đi học thêm, cô giáo à.
Dì Năm đáp và nghe trái tim mình càng lúc càng bị nén chặt dưới nỗi lo âu. Dì dán mắt vào mặt cô bảo mẫu, run run hỏi:
– Thế khi nãy cô có thấy rõ ai đón cháu không?

– Dạ … dạ … không! – Cô bảo mẫu đáp, miệng khô khốc, cố giữ cho giọng đừng đứt quãng – Vừa ra tới cổng, cháu bỗng vụt chạy băng băng.
Cô cúp mắt xuống, giọng ân hận:
– Lúc đó tôi nghĩ cháu đã nhìn thấy chị.
Lòng dạ cô bảo mẫu lúc này bứt rứt không để đâu cho hết. Cô thầm giận sự khinh suất của mình quá. Xưa nay, cô rất cẩn thận, bao giờ cô cũng chỉ yên tâm khi đã giao tận tay từng đứa học trò cho người nhà. Thế mà chiều nay không hiểu sao cô lại chủ quan đến mức không buồn gọi thằng Triều lại, thậm chí cũng không nghĩ đến chuyện xem người đón nó là ai. Chắc tại lúc đó đông đúc quá, phần học trò tuôn ra như bầy ong vỡ tổ, phần phụ huynh đứng dày trước cổng, tiếng gọi nhau í ới chen lẫn tiếng mưa lộp độp càng lúc càng lớn khiến đầu óc cô rối bời.
Cuối cùng, không thể im lặng mãi được, mà im lặng cũng chẳng giải quyết được gì, cô bảo mẫu khẽ liếc đám đông tò mò bu quanh đang xôn xao bàn tán rồi ngước lên nhìn dì Năm, mấp máy môi:
– Xin chị bình tĩnh! Tôi sẽ báo chuyện này cho bên công an. Tôi nghĩ họ sẽ tìm ra cháu trong thời gian ngắn nhất.
– Chắc phải vậy thôi, cô giáo à! – Dì Năm cắn môi, nhìn mặt dì có cảm giác dì cố nén một tiếng nấc – Tôi sẽ chở cô đi!
Dì Năm quày quả quay xe ra. Nhưng khi đã ngồi lên xe, cầm tay lái rồi, dì bỗng thay đổi ý định.
– Khoan đã, cô giáo! – Dì quay lại nhìn cô bảo mẫu – Để tôi chạy về nhà trước đã! Biết đâu có người nào đó đón cháu về.
Mặt cô bảo mẫu rạng lên:
– Ừ, biết đâu!
– Nếu không có, lúc đó tôi sẽ gọi điện cho cô giáo.
Dì Năm vội vàng nói rồi vội vàng đạp máy, chính xác là vừa nói vừa đạp máy cùng một lúc. Rồi dì hối hả vọt xe đi.
Mưa đã tạnh nhưng dì không nghĩ đến chuyện cởi áo mưa. Cũng có thể dì không nhớ mình đang mặc áo mưa trên người.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.