Kính vạn hoa - Tập 34 - Cháu của bà

Chương 10


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 34 – Cháu của bà – Chương 10

Tiểu Long bước những bước nặng nề. Hôm nay là hôm cuối cùng nó đóng vai anh Ðỗ Nghĩa. Cũng là hôm cuối cùng nó đến nhà Ðỗ Lễ. Thực ra nó chẳng thích thú gì chuyện đóng giả người khác. Ðó chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng không hiểu sao khi nhiệm vụ khó khăn này sắp chấm dứt, lòng nó lại chẳng nhẹ nhõm như nó nghĩ. Có một điều gì đó cứ vướng víu trong lòng.
Tiểu Long vừa xuất hiện ở cửa, Ðỗ Lễ đã hấp tấp chạy ra đón.
Nó liếc về chổ bà ngồi rồi quay lại thì thào với bạn:
– Còn bữa cuối cùng thôi đấy.
Thấy Tiểu Long ngẩn tò ten, Ðỗ Lễ nháy mắt nói thêm:
– Mày cẩn thận nhé. Cố đừng để sơ suất gì.
Tiểu Long chưa kịp đáp, bà đã lên tiếng hỏi:
– Cháu về đấy hả Nghĩa?
– Dạ cháu đây ạ.
Vừa đáp Tiểu Long vừa bước lại gần bà.
Nó ngồi xuống cạnh giường và ôm cánh tay bà.
– Bà ơi, cháu yêu bà lắm! – Nó nói, giọng xúc động.
Bà vuốt tóc Tiểu Long:
– Bà cũng yêu cháu lắm, cháu ngoan của bà ạ.
Ðỗ lễ ngồi đằng bàn vọt miệng:
– Bà yêu cả cháu nữa chứ?
– Ừ, cả cháu nữa! – Bà mỉm cười hiền lành – Bà yêu cả hai đứa.
Tiểu Long lấy từ trong túi xách ra một ổ bánh bông lan:
– Bà ơi, cháu mua cho bà cái này đây ạ.
– Gì thế cháu?
Tiểu Long đặt ổ bánh vào tay bà:
– Bánh bông lan. Bánh này mềm lắm bà ạ.
– Ôi, cháu mua làm gì thế? – Bà kêu lên – Bà già rồi, đâu có ăn uống bao nhiêu!
Tiểu Long khụt khịt mũi:
– Mai mốt cháu… đi học suốt. Cả em cháu cũng thế. Cháu mua bánh cho bà để đấy, khi nào đói bụng bà lấy ra ăn.
Bà khẽ “ồ” một tiếng và cảm động đưa tay nắn nắn bả vai Tiểu Long. Tuy bà không nói gì nhưng Tiểu Long đọc được sự âu yếm trong cử chỉ của bà.
– Vết sẹo trên cườm tay cháu càng ngày càng bé lại bà ạ.
Tự dưng Tiểu Long buột miệng khoe. Và nó chìa cánh tay ra trước mạt bà:
– Bà ơi, bà sờ xem thử nào!
Bà sờ tay lên vết sẹo, gật gù:
– Ừ, đúng là nó bé lại thật.

Tiểu Long nhíu mày cố nghĩ ra chuyện gì để nói với bà. Hôm nay nó muốn ngồi với bà lâu lâu một chút. Ngày mai khi anh Ðỗ Nghĩa đã về nhà, hẳn nó sẽ không dám bén mảng lại đây nữa. Nó chả biết đến bao giờ nó mới lại gặp bà, mới lại được ngồi cạnh bà để nghe những ngón tay gầy guộc của bà mơn man lên tóc, lên vai nó.
– Con cào cào bà cho cháu đâu rồi hở cháu? – Bà bỗng hỏi.
Bà hỏi Tiểu Long nhưng Ðỗ Lễ lại tái mặt. Ðỗ Lễ biết Tiểu Long đã đem con cào cào về nhà, đã tặng cho nhỏ Oanh mất rồi. Hôm qua Tiểu Long đã nói với nó như thế.
Ðỗ Lễ nhấp nhổm trên ghế, hồi hộp dán mắt vào mặt bạn.
– Con cào cào ấy hở bà! – Tiểu Long bối rối đáp, mặt nó cũng xanh lè xanh lét – Cháu đã đem lên trường…
– Rồi cháu đánh mất hở cháu?
– Không ạ! – Tiểu Long đưa tay quẹt mũi – Tụi con gái thấy con cào cào xinh quá, liền hỏi xin. Thế là cháu đem cho tụi nó.
Rồi sợ bà phật ý, nó rụt rè nói thêm:
– Như thế là không nên hở bà?
– Nên chứ cháu – Bà nhẹ nhàng đáp – Như vậy là cháu tốt với bạn. Ðể bà tết cho cháu con cào cào khác.
– Thế nhỡ bạn nào lại hỏi xin tiếp thì sao hở bà?
– Thì cháu cứ tặng cho bạn. Rồi bà sẽ lại làm cho cháu một con cào cào khác nữa.
– Anh Nghĩa ơi! – Ðỗ Lễ thình lình gọi – Lại chỉ giùm em bài toán này với!
Tiểu Long chạy lại:
– Bài toán nào?
Ðỗ Lễ thấp giọng:
– Tao phịa đấy Tao muốn mày lại đây ngồi với tao!
– Sao thế?
– Còn trăng với sao gì nữa – Ðỗ Lễ nhăn nhó – Mày ngồi đằng đấy bép xép một lát thế nào cũng lòi đuôi!
Tiểu Long liếm môi:
– Từ nãy giờ tao có nói gì bậy bạ đâu!
– Từ nãy đến giờ thì chưa. Nhưng từ giờ trở đi thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tốt nhất là mày cứ ngồi đây với tao!
Ðỗ Lễ làm Tiểu Long tức điên. Tất nhiên là nó biết bạn thận trọng như thế là đúng. Khi nãy suýt chút nữa nó đã bị hố về chuyện con cào cào đấy thôi.
Nhưng Ðỗ Lễ lại không đếm xỉa gì đến tâm trạng của nó. Ngày mai nó không còn đến đây nữa, do đó nó muốn trò chuyện cùng bà nhiều nhiều. Thế mà thằng Ðỗ Lễ lại bắt nó ngồi đây.
Tiểu Long không biết trút sự bực bội vào đâu, liền cau mặt gắt:
– Bài toán dễ ợt thế này mà làm không ra hả?
Vẻ đằng đằng sát khí của bạn khiến Ðỗ Lễ sửng sốt. Nó ấp úng:
– Tao…
– Còn hỗn láo nữa! – Tiểu Long lại nạt – Mày xưng hô với anh mày như thế đấy hả?
Ðỗ Lễ hoảng hồn lắp bắp:

– À, em…
– Học với chẳng hành! – Tiểu Long cắt ngang, giọng tiếp tục gầm gừ – Chắc tao phải cốc cho mày vài cái quá!
Không biết Tiểu Long nói thật hay nói chơi nhưng thấy mặt mày thằng mập hắc ám quá xá, Ðỗ Lễ vội vàng nhích tuốt ra xa.
Nó nhích ra mà lòng nó ấm ức lắm. Chuyện ôn tập chỉ là chuyện vờ, chuyện nó nhờ Tiểu Long giảng bài cũng là chuyện vờ nốt, thế mà thằng mập lại cáu kỉnh thật. Thấy Tiểu Long nóng tiết lên với nó, Ðỗ Lễ muốn cự lại quá. Nhưng có bà ngồi đó, nó đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Ðỗ Lễ lầm bầm trong miệng:
– Ðợi đấy! Ngày mai sẽ biết tay nhau…
Vẻ nhăn nhó khó coi của Ðỗ Lễ khiến Tiểu Long bất giác phì cười. Bỗng chốc nó quên béng mất giận hờn. Nó vỗ vai bạn, tươi tỉnh hạ giọng:
– Ðùa tí mà!
Ðỗ Lễ nghiến răng ken két:
– Ðùa kiểu mày có ngày tao đứt gân máu tao chết mất!
Tiểu Long chưa kịp đáp, bà chợt lên tiếng:
– Học bài làm bài cho xong đi các cháu, đừng có ở đó cãi nhau mãi như thế!
Ðỗ Lễ giật thót:
– Tụi cháu có cãi nhau gì đâu bà. Tụi cháu chỉ giỡn chơi thôi!
Nói xong, nó vội cắm mặt vào tập, miệng lầm rầm.
Tiểu Long cũng giở tập ra, ngoác miệng ê a.
May mà bà không rành chương trình học của bọn trẻ, nếu không bà sẽ biết ngay cái bài mà “thằng cháu Ðỗ Nghĩa” của bà đang tụng lấy tụng để kia là bài học của lớp chín chứ chả phải của lớp mười một gì sất.
Hai đứa ngồi vừa vờ vịt học bài vừa sốt ruột liếc mắt về phía bà.
Nhưng hôm nay bà làm sao ấy.
Mọi hôm bà vẫn thường đi ngủ sớm. Tám giờ, muộn lắm là tám giờ mười lăm bà đã nằm xuống gối rồi. Nhưng hôm nay, đã hơn tám giờ rưỡi mà bà vẫn còn ngồi đó.
Mà bà chưa ngủ thì Tiểu Long chưa thể ra về được.
Ðỗ Lễ đưa mắt nhìn bạn, hỏi qua hơi thở:
– Giờ sao mày?
– Cứ đợi thêm một lát nữa.
Ðỗ Lễ băn khoăn:
– Mày về trễ, có bị la không?
– Không sao đâu! Chắc bà sẽ đi nằm ngay bây giờ thôi!
Nhưng Tiểu Long đoán trật lất. Tụi nó cắm đầu tụng bài một hồi, ngoảnh sang vẫn thấy bà ngồi yên trên giường, tay phe phẩy chiếc quạt giấy một cách thong thả.
Cuối cùng, Ðỗ Lễ đành hắng giọng:

– Sao hôm nay bà thức khuya thế hở bà?
– Ừ, hôm nay tự nhiên bà không thấy buồn ngủ.
Câu trả lời của bà làm Ðỗ Lễ thất vọng quá. Nó tặc tặc lưỡi, nói trống không:
– Hôm nay trời đâu có nóng bức như mọi hôm!
– Ừ, hôm nay trời không oi bức, nhưng không hiểu sao bà vẫn không ngủ được.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
– Bà nên ngủ sớm bà ạ. Thầy cháu bảo thức khuya là có hại cho sức khoẻ lắm đấy.
– Cha mày! – Bà mỉm cười trách yêu – Cháu cứ làm như bà là học trò của cháu vậy!
– Cháu nói thật đấy bà ạ!
Tiểu Long vừa nói vừa chạy lại giường. Nó ngồi xuống và cầm lấy tay bà:
– Thầy cháu bảo ban ngày làm việc nhọc mệt, ban đêm phải đi ngủ sớm để cơ thể sữa chữa lại những chổ hỏng hóc trong người…
Bà cười:
– Y như cháu vẫn sửa chiếc xe của cháu mỗi ngày vậy chứ gì!
Nghe nhắc đến xe cộ, Tiểu Long giật thót:
– Vâng ạ… Cũng từa tựa như thế.
– Ừ. Có lẽ thầy cháu nói đúng đấy.
Tiểu Long mừng rơn:
– Thế là bà sẽ đi ngủ sớm phải không bà?
– Ừ, bà sẽ đi ngủ ngay bây giờ.
Bà gật đầu đáp, nhưng bà vẫn chưa đi ngủ ngay. Bà trầm ngâm một thoáng, rồi buông chiếc quạt xuống, bà khẽ đưa tay vuốt tóc Tiểu Long, giọng dịu dàng:
– Cả cháu nữa, cháu cũng nên đi ngủ sớm. Ðừng chờ bà ngủ rồi mới về!
Giọng bà nhẹ nhàng nhưng Tiểu Long nghe như sét đánh bên tai. Cả Ðỗ Lễ ngồi đằng bàn cũng giật nảy người. Cả hai đứa ngơ ngác nhìn nhau, mặt đầy sửng sốt.
Mãi một lúc Tiểu Long mới rụt rè lên tiếng:
– Bà bảo cháu về đâu cơ?
– Thì về nhà cháu chứ về đâu! – Giọng bà vẫn điềm nhiên.
Tiểu Long như không tin vào tay mình. Nó lúc lắc đầu, cố trấn tĩnh:
– Bà nói gì cháu không hiểu! Cháu ở ngay trong nhà mình còn về đâu nữa?
– Ðây không phải là nhà cháu! Cháu đâu phải là thằng Ðỗ Nghĩa của bà.
Tiểu Long và Ðỗ Lễ chưa hết kinh hoàng, bà đã thủng thẳng tiếp:
– Thằng cháu của bà chơi với bạn xấu đã bị công an giam giữ ba tuần nay rồi. Nhưng ngày mai thì nó sẽ được tha về cháu ạ.
Ðỗ Lễ không kìm được nữa. Nó hét lên:
– Ôi, bà! Làm sao mà bà biết tất cả những chuyện đó? mẹ cháu nói với bà phải không?
– Mẹ cháu không nói gì với bà, vì sợ bà lo lắng. Nhưng khoảng một tuần sau hôm anh Nghĩa cháu bị bắt, công an đã đến tận nhà điều tra. Mà lúc đó thì mẹ cháu đã ra tiệm, còn cháu thì đi học, chỉ có mình bà ở nhà…
– Ôi, thế ra ngay hôm đầu tiên thằng Tiểu Long đến nhà ta, bà đã biết ngay nó không phải là anh Nghĩa rồi ư?
Bà quay sang Tiểu Long, bàn tay vẫn âu yếm đặt trên đầu nó:

– Cháu tên là Tiểu Long ư?
– Vâng ạ.
Tiểu Long lí nhí đáp, mặt đỏ tới mang tai, may mà bà không nhìn thấy.
– Bà không biết tên cháu. Nhưng bà biết cháu là một đứa trẻ ngoan.
Bà càng khen, Tiểu Long càng ngượng:
– Cháu không ngoan đâu bà ạ. Cháu đã gạt bà…
– Chuyên đó không phải do bạn Tiểu Long đâu bà. Chính cháu đã nhờ bạn ấy đấy. Chính cháu mới không phải là đứa trẻ ngoan.
– Các cháu đều ngoan cả! – Bà nói, giọng cảm động – Không cháu nào gạt bà. Các cháu chỉ muốn cho bà yên tâm thôi. Bất đắc dĩ các cháu mới phải làm thế!
Bà là người thứ tư bảo việc giả mạo của Tiểu Long là bất đắc dĩ, sau nhỏ Oah, Quý ròm và nhỏ Hạnh.
Ba tiếng đó khiến Tiểu Long thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Như vậy là bà không giận nó. Bà cũng không trách cứ nó. Bà vẫn khen nó là đứa trẻ ngoan.
Và bà không chỉ khen một mình Tiểu Long. Bà còn khen cả đứa đầu trò là thằng Ðỗ Lễ. Vì vậy, Ðỗ Lễ cũng phấn khởi không kém gì bạn.
Qua cơn hoảng hốt, nó bắt đầu bô bô:
– Nhưng bà thấy thằng Tiểu Long đóng kịch có tài không hở bà? Nếu các chú công an không đến nhà ta, bà đâu có phân biệt được nó với anh Nghĩa phải không?
– Bà vẫn phân biệt được! – Bà cười hiền hậu – Vì cháu Tiểu Long không chạy xe gắn máy, không biết xưa nay bà vẫn hay tết cào cào bằng lá dừa…
Ðỗ Lễ chống chế:
– Ðó đâu phải là sơ hở gì lớn hở bà?
– Ðúng vậy. Ðó không phải là những sơ hở lớn. Sơ hờ lớn nhất của cháu Tiểu Long là vết sẹo nơi cườm tay. Vết seo của anh Nghĩa cháu nằm ở cườm tay trái, còn vết sẹo của cháu Tiểu Long lại nằm ở cườm tay phải.
Nhận xét của bà làm Tiểu Long điếng người. Khi bà nắm lấy tay nó đòi xem vết sẹo, bà nắm tay phải. Thế là nó cứ đinh ninh vết sẹo của anh thằng Ðỗ Lễ nằm ở cườm tay phải. Hoá ra không phải thế. Hoá ra ngay lần đầu tiên gặp nó, bà đã biết ngay nó là kẻ giả mạo. Thế nhưng bà vẫn không nói gì. Bà vẫn đối xử với nó dịu dàng như thế nó là cháu của bà. Bà vẫn âu yếm xoa đầu nó, vẫn nấu chè nấu xôi để dành chờ nó tới ăn, vẫn kiếm lá dừa mò mẫm tết cào cào tặng nó. Sáng nay ở trên lớp nghe thằng Ðỗ Lễ bảo “Bà tao thương mày lắm, bà tao tưởng mày là anh Nghĩa tao”, Tiểu Long đã tủi thân vô hạn. Nhưng bây giờ thì nó đã hiểu. Bà thương nó, dù biết nó không phải là cháu Ðỗ Nghĩa của bà. Như vậy là bà thương nó thật. Cũng như nó đã thương bà thật.
– Cháu còn một điểm rất khác với thằng Nghĩa của bà ! – Bà bỗng nói – Thằng Nghĩa của bà hư lắm. Nó không được ngoan ngoãn, lễ phép như cháu đâu!
– Ra thế! – Ðỗ Lễ vọt miệng trêu bà – Hèn gì cháu thấy bà cưng Tiểu Long một cách đặc biệt dù bà biết nó không phải là cháu của bà!
– Cháu nói vậy là sai rồi! – Bà nói, giọng nghiêm trang – Tiểu Long là cháu của bà, luôn luôn là cháu của bà. Bà xem Tiểu Long cũng như cháu và anh Nghĩa cháu vậy!
– Ðúng đó, bà ơi! – Tiểu Long xúc động kêu lên – Cũng như cháu vậy. Cháu luôn luôn xem bà là bà của cháu.
Ðỗ Lễ láu lỉnh:
– Bà cứ xem Tiểu Long là cháu của bà và Tiểu Long cứ xem bà là bà của nó, nhưng cháu thì cháu nhất định không xem Tiểu Long là anh của cháu nữa đâu. Nó chỉ là bạn của cháu thôi.
– Cháu chỉ mồm mép là giỏi! – Bà cười vui vẻ – Lo đưa bạn ra về đi kìa!
Ðỗ Lễ đứng lên, nháy mắt với Tiểu Long :
– Thôi, về đi chứ! Ngày mai trở đi mày tha hồ đến thăm bà, không cần phải nấn ná như thế đâu!
Tiểu Long cũng đứng dậy:
– Cháu về, bà nhé!
– Ừ, cháu về đi kẻo ba mẹ mong. Rảnh rỗi nhớ đến chơi với bà!
Nhưng Ðỗ Lễ và Tiểu Long vừa dợm bước đã thấy Quý ròm và nhỏ Hạnh lù lù ngay cửa.
Không biết bí mật đã vỡ lở, Quý ròm oang oang khiến hai thằng bạn nó ôm bụng cười bò:
– A, Ðỗ Nghĩa, Ðỗ Lễ! Hai anh em mày hẹn tụi tao đến chơi sao bây giờ lại định đi đâu đấy?
Nguồn: hgth /diendan/showthread.php?t=15749#ixzz2OBQ90saZ


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.