Kính Vạn Hoa - Tập 27 - Phù thủy

Chương 2


Đọc truyện Kính Vạn Hoa – Tập 27 – Phù thủy – Chương 2


Chương 2
Nhà cô Bảy ở bên này đường lộ, ngay cột cây số 129. Băng qua bên kia đường, đi xuôi con dốc chừng một trăm mét là tới con đường đất đỏ dẫn vô rẫy cà phê.
Hạnh, Tùng, anh em thằng Bốc và nhỏ Trang, năm đứa năm cái nón đội thùm thụp trên đầu, líu ríu dắt nhau đi sát mấy bụi cây dọc lề quốc lộ.
Cô Bảy đã dặn chị em Hạnh rồi. Cô bảo ở trên này không giống như ở dưới thành phố. Trên này đường sá vắng vẻ, xe phóng vèo vèo đến chóng mặt, các cháu đi đứng phải hết sức cẩn thận.
Nhớ lời cô dặn, nhỏ Hạnh nắm khư khư cổ tay Tùng và nhỏ Trang, sợ tụi nó cao hứng chạy ra giữa đường lộ.
Nhưng nhỏ Trang lập tức vùng ra:
– Chị thả tay em ra đi! Em đi một mình được mà!
– Không được đâu! – Nhỏ Hạnh lừ mắt – Em còn bé, không đi một mình được!
– Từ bé đến giờ em toàn đi một mình chứ mấy mình. Chị ở thành phố mới lên, chưa quen đường sá trên này, em không dẫn chị đi thì thôi chứ sao chị lại nắm tay em chặt cứng thế này!
Nghe nhỏ em “lý luận”, nhỏ Hạnh dở cười dở khóc. Một đứa “siêu thông minh” như nó cũng chẳng biết phải đối đáp thế nào. Cuối cùng, nó tặc lưỡi buông tay nhỏ em ra:
– Thôi được, đi một mình thì đi một mình! Nhưng em không được chạy ra giữa lộ nghe chưa!
Nhỏ Trang toét miệng cười:
– Nghe!
Thấy nhỏ Trang được “phóng thích”, Tùng liền lu loa:
– Chị buông tay em ra đi! Nhỏ Trang bé hơn em mà đi một mình được, chẳng lẽ em thua nó sao!
Nhỏ Hạnh đành buông nốt tay kia:
– Nhớ đi sát trong lề đấy!
Anh em thằng Bốc thấy nhỏ Hạnh mặt mày nghiêm trọng quá xá, tụi nó muốn cười lắm nhưng không dám. Thằng Bốc cố nén cười bằng cách quay lại nạt con Bờm đang lẽo đẽo bám theo bên chân:
– Về đi, Bờm! Tụi tao đi xa lắm, mày theo làm gì!
Nhỏ Trang cúi xuống tính ôm cổ chú chó nhưng con Bờm đã lảng tuốt ra xa khiến nó nổi sùng, sầm mặt đe:
– Mày về trông nhà đi nghe chưa! Nếu mày không nghe lời tao, lát trưa tao phạt mày nhịn đói à!
Không biết có phải vì sợ bị phạt hay không mà nhỏ Trang vừa buông lời dọa dẫm, con Bờm liền đứng lại. Nó ngoe nguẩy đuôi, giương cặp mắt đen nhánh nhìn cô chủ một hồi rồi quay người lững thững chạy về đường cũ.
Tùng xuýt xoa:
– Con Bờm của cô Bảy khôn ghê! Hệt như con Tai To nhà mình!
Nhỏ Trang khoái chí khoe:
– Nó còn biết chơi cờ cá ngựa nữa đấy!
– Xạo đi mày! – Tùng nheo mắt – Nó không có tay làm sao đổ xúc xắc!
Nhỏ Trang nghênh mặt:
– Em đổ giùm cho nó chứ bộ!
– Nhưng mày chỉ đổ xúc xắc giùm nó được thôi! – Tùng nhún vai – Chẳng lẽ lúc đi quân mày cũng đi giùm luôn?
Nhỏ Trang tỉnh khô:
– Thì em đi giùm cho con Bờm luôn chứ sao!
– Xì, vậy mà cũng khoe! – Tùng bĩu môi – Như vậy chỉ là mày tự đánh cờ với mày thôi!

– Nhưng lúc đó con Bờm ngồi ngay trước mặt em! – Nhỏ Trang gân cổ cãi – Anh không biết đâu, lúc em đi giùm nó, nó nhìn em chăm chú ghê lắm. Nó sợ thua í mà!
Tùng vờ ngạc nhiên:
– Nó nhìn mày chăm chú thật à?
– Thật! – Thấy ông anh lộ vẻ quan tâm, nhỏ Trang mừng lắm. Nó đưa hai tay lên mắt – Lúc đó, cặp mắt con Bờm tròn xoe như thế này này!
Tùng xuýt xoa:
– Con Bờm này khôn thật! – Rồi làm như chợt nhớ ra, Tùng vỗ trán – À, hình như lúc đó mày vừa chơi cờ vừa nhai chóp chép phải không?
Thấy ông anh tự nhiên ngoặt sang chuyện khác, nhỏ Trang ngẩn tò te:
– Nhai chóp chép là sao?
Tùng thản nhiên:
– Tức là mày đang ăn một món gì đó! Thường người ta vẫn vừa chơi cờ vừa nhai nhóc nhách cho vui miệng vậy mà! Nhất là khi người ta lại đang chơi cờ với một con chó thông minh như con Bờm!
Nhỏ Trang không biết thằng Tùng đang giăng bẫy. Thấy ông anh không còn nghi ngờ về tài chơi cờ của con Bờm, nhỏ Trang quên béng cảnh giác. Nó gật đầu mau mắn:
– Ờ, hình như lúc đó em đang nhai một món gì đó!
Tùng khụt khịt mũi:
– Nhất định là mày nhai xương gà!
Nhỏ Trang ngơ ngác:
– Sao anh biết?
Tùng gật gù:
– Tao đoán thế! Tao đọc sách thấy người ta bảo các cao thủ về cờ thường thích … nhai xương gà! Xương gà bổ óc mà lại!
Nhỏ Trang đáp bừa, đối với nó xương gà hay không phải xương gà chẳng có gì quan trọng:
– Đúng rồi, em nhai xương gà!
Chỉ đợi có vậy, Tùng toét miệng cười:
– Như vậy là lúc đó con Bờm mải nhìn khúc xương gà trên tay mày chứ đâu phải chăm chú xem mày đánh cờ giùm nó!
Nhỏ Trang nhận ra mình “sập hố” thì đã quá muộn. Trong khi nhỏ Hạnh và anh em thằng Bốc ôm bụng cười rũ thì nhỏ Trang phụng phịu quay mặt đi chỗ khác:
– Anh chơi xấu em! Em nghỉ chơi anh ra luôn!
Tùng cười khì:
– Tao đùa một tí mà!
– Em không biết! – Nhỏ Trang vẫn ngúng nguẩy chạy tuốt ra xa – Em không chơi với anh nữa đâu!
Thằng Tùng định đuổi theo thì nhỏ Trang đã rẽ vào con đường đất đỏ.
Nhỏ Phệ nói:
– Rẫy cà phê gần xịt à! Từ chỗ cua quẹo này, đi chừng ba cây số là tới.
Con Phệ này đúng là chúa ăn nói lung tung! Ba cây số mà nó dám bảo là gần xịt! Tùng ngán ngẩm nhủ bụng và tặc lưỡi đặt chân lên con đường đất.
Đất dính rin rít dưới đế giày khiến chị em nhỏ Hạnh cất bước một cách khó khăn. Thằng Bốc ngó thấy, nói: – Hôm qua mới mưa sơ sơ thôi đấy. Tới giữa mùa mưa, muốn vô rẫy, chị phải đi chân không như tụi em vậy nè.
Bây giờ nhỏ Hạnh mới nhận thấy anh em thằng Bốc và nhỏ Trang chẳng mang giày dép gì sất.
– Đi chân không dễ đạp gai lắm! – Nhỏ Hạnh rụt cổ.

Thằng Bốc cười hì hì:
– Tụi em chả sợ đạp gai. Chỉ sợ dẫm nhằm rễ tranh thôi. Rễ tranh đâm đau lắm!
Nhỏ Hạnh thè lưỡi:
– Rễ tranh hay gai gì chị cũng sợ!
Nhưng nhỏ Hạnh chỉ đi giày được chừng năm phút. Tới phút thứ sáu, nó đành phải tháo giày ra cầm tay:
– Ừ, đi giày nó cứ vướng víu thế nào!
Thấy bà chị tháo giày, thằng Tùng liền bắt chước làm theo. Vừa đặt chân trần lên mặt đất, nó đã xuýt xoa:
– Ôi, đi chân không mát dễ sợ!
Tùng không nói dóc. Sau cơn mưa đầu mùa, mặt đất mát rượi như có một con suối chảy ngầm bên dưới. Phải đi một đỗi xa, Tùng mới nghe mặt đất ấm dần lên, lớp sình đỏ cũng dần đặc lại và khô theo ánh nắng, thôi còn bám sệt vào chân.
Ở thành phố chưa bao giờ Hạnh và Tùng đi bộ xa như thế. Nhưng phong cảnh hùng vĩ chung quanh khiến hai đứa mải trố mắt nhìn, quên cả mệt nhọc.
Những đồi chè san sát nhau kéo dài tận chân núi xa mờ. Giữa màu xanh bạt ngàn, lốm đốm những hoa chè trắng muốt hệt như có hàng ngàn cánh bướm đang rủ nhau về đậu.
Nhỏ Trang chỉ tay vào một khoảnh chè sát ven đường:
– Chè nhà em đấy!
Tùng liếm môi:
– Mấy cây chè này lá nhiều quá, tụi mình vào hái đi!
Nhỏ Trang cười:
– Toàn lá già không hà! Mẹ em chỉ hái những đọt non, mà mười ngày mới hái một lần cơ!
Đường vào rẫy chạy dọc sườn đồi thoai thoải. Lúc bọn trẻ vừa rẽ khỏi đường quốc lộ, dân cư còn đông đúc, nhưng càng vào sâu nhà cửa hai bên càng thưa thớt dần.
Thi thoảng, vài đợt khói mỏng rụt rè bay lên từ một túp nhà nhỏ nằm trơ trọi cuối chân đồi xa, những làn khói tội nghiệp chưa kịp uốn lượn thỏa thích đã vội vã hòa vào những cụm sương núi dày đặc không ngừng bốc lên ngùn ngụt từ dưới các thung sâu. Thằng Bốc bảo đó là túp lều của những người giữ vườn.
Hôm trước Tùng được ba mẹ dẫn đi chơi Đà Lạt. Đà Lạt cũng là thành phố của núi đồi, nhưng núi đồi Đà Lạt với vô số những tòa nhà mái nhọn khiến người ta liên tưởng đến những bức tranh hay những cảnh trong phim. Còn núi đồi Bảo Lộc gần với thiên nhiên hoang dã hơn. Núi đồi Bảo Lộc còn nguyên dấu vết hoang sơ. Càng vào sâu trong núi, khung cảnh càng u tịch. Tiếng xe chạy ngoài đường quốc lộ thoạt đầu còn mơ hồ vọng tới nhưng rồi mỗi lúc một nhỏ dần và cuối cùng tắt hẳn.
Bây giờ bọn trẻ chỉ còn nghe tiếng chim khắc khoải vẳng đến từ trên đồi, tiếng những sinh vật bí hiểm đang lén lút đi luồn trong các bụi rậm, tiếng gió hát rì rào trên những tán lá, tiếng đập cánh rào rào của bầy châu chấu bay từng đàn khi bọn trẻ nghịch ngợm khua chân vào những bụi cỏ mọc dày hai bên đường, tất cả xen lẫn với tiếng ngân dài mơ hồ và lạ lùng không ngừng vọng lên từ đáy thung, hòa quyện vào nhau tạo thành một điệu nhạc du dương khó tả.
Tùng vừa thấy thinh thích lại vừa thấy rờn rợn. Nó bước lẽo đẽo theo anh em thằng Bốc, dặn mình cố giữ im lặng nhưng rồi không nén được hồi hộp, nó lại buột miệng hỏi:
– Gần đến nơi chưa hở Bốc?
– Tới rồi! – Bốc chỉ tay lên ngọn đồi trước mặt – Rẫy cà phê ở đằng sau ngọn đồi kia kìa!
Nhỏ Hạnh và thằng Tùng từ trước đến nay vẫn nhìn thấy mẹ pha cà phê cho ba mỗi sáng. Cà phê đen nhỏ tí tách từng giọt từ chiếc phin nhôm xuống ly thủy tinh. Ba thong thả múc từng muỗng đường trắng tinh thả vào chất nước đen sóng sánh, khuấy lanh canh nghe rất vui tai. Nhìn ba nhấp từng ngụm cà phê, chị em Hạnh hình dung cà phê hẳn là ngon lắm.
Nhưng chị em Hạnh chưa nhìn thấy cây cà phê bao giờ. Vì vậy, khi lên tới đỉnh dốc, nhìn xuống rừng hoa trắng xóa cả sườn đồi đang tỏa hương thơm ngào ngạt, nhỏ Hạnh không khỏi ngẩn ngơ buột miệng:
– Ôi!
Tùng như không tin vào mắt mình:
– Hoa gì thơm vậy hở Trang?
– Hoa cà phê đấy!
Tùng trầm trồ:
– Hoa cà phê đẹp ghê hén mày, lại thơm nức mũi!

Bốc hăm hở khoát tay:
– Mình xuống dưới đi!
Nói xong, nó lần theo con đường nhỏ len giữa rừng cà phê, tuôn xuống thung.
Nhỏ Trang nhìn ông anh bà chị:
– Chị Hạnh và anh Tùng cẩn thận đấy! Đi không khéo trượt ngã bây giờ!
Nhỏ Hạnh tò mò nhìn những kè đá chèn quanh các gốc cà phê:
– Rẫy cà phê này của nhà em hả Trang?
– Dạ.
– Thế nhà cô Tươi không trồng cà phê sao?
– Dạ không. Cô Tươi chỉ trồng dâu. Nhà cô Tươi nuôi tằm mà.
Tiếng nhỏ Phệ thình lình reo lên bên cạnh:
– Chị Hạnh ơi! Nấm nè!
Hạnh nhìn theo tay chỉ của nhỏ Phệ, thấy cạnh gốc cà phê nhô lên một chiếc tai nấm tròn xoe ngơ ngác.
Nhỏ Hạnh chưa kịp cúi xuống, thằng Tùng đã nhảy bổ lại:
– Để em hái cho!
Và nó thò tay nhổ phắt chiếc nấm trăng trắng bỏ vào chiếc giỏ tre nhỏ Phệ đang cầm trên tay.
Nhỏ Trang cười khúc khích:
– Anh Tùng khỏi cần giành! Tối hôm qua trời mưa, sáng nay thế nào nấm cũng trồi lên rào rào!
Nhỏ Trang không nói ngoa. Mắt dán xuống đất, bọn trẻ đi lòng vòng một lát đã hái được lưng giỏ.
Thoạt đầu, mỗi khi dọ dẫm phát hiện được một chiếc tai nấm nép mình bên gốc cây hay nấp dưới một chiếc lá khô, nhỏ Hạnh và Tùng còn hí hửng reo hò nhưng chẳng mấy chốc tụi nó vơi dần hào hứng.
Nhỏ Hạnh mê đọc sách, xem phim, ít ra còn tưởng tượng mình là cô bé Tania tung tăng trong rừng bạch dương với chiếc lẵng nấm trên tay, chứ thằng Tùng thì chẳng nghĩ ra được điều gì lý thú. Khom xuống đứng lên một hồi, vừa tẻ vừa mỏi lưng, nó đâm chán.
– Còn trò gì hay hơn không hở mày?
Tùng quay sang thằng Bốc đang lom khom bên cạnh, chép miệng hỏi.
Bốc quệt mồ hôi trán:
– Bộ mày không thích hái nấm nữa hả?
– Tao hết thích rồi! – Tùng nhún vai – Hái nấm là trò con gái, chán ngắt!
Bốc nhíu mày nghĩ ngợi:
– Hay là … hay là …
– Hay là sao?
Bốc chỉ tay xuống chân đồi:
– Tụi mình đi xuống dưới kia chơi!
– Dưới kia có gì mà chơi?
Bốc nheo mắt:
– Mày nghe tiếng gì dưới kia không?
Tùng lắng tai:
– Tao có nghe thấy tiếng gì đâu?
Bốc liếm môi:
– Mày nghe kỹ đi!
Tùng lại nghiêng đầu, lần này nó nhắm tịt mắt:

– Tiếng dế gáy?
– Không phải.
– Tiếng gió thổi?
– Không phải.
– Chứ tiếng gì?
– Tiếng nước chảy.
Tùng mở mắt ra:
– Ủa, ở đây có sông hả?
Bốc lắc đầu:
– Suối chứ không phải sông.
– A! – Tùng reo lên – Hóa ra mày định rủ tao đi tắm suối đấy?
Bốc nhún vai:
– Con suối này cạn xợt, không tắm được.
Tùng ngạc nhiên:
– Vậy xuống dưới đó làm chi?
– Tao và mày xuống đó câu cá chơi.
Mắt Tùng sáng trưng:
– Con suối này nhiều cá lắm hả?
– Chẳng có con cá nào! – Bốc lắc đầu – Con suối này nước trong leo lẻo, lại chảy róc rách suốt, chỉ có bọn cá lòng tong bé bằng hạt tấm thôi.
Câu trả lời của thằng Bốc khiến Tùng xịu mặt xuống:
– Bộ mày giỡn mặt với tao hả Bốc? Suối không có cá sao mày rủ tao xuống câu?
Bốc nhe răng cười:
– Suối không có cá nhưng cạnh bờ suối có hai cái ao. Tao và mày sẽ câu cá trong ao.
Nghe Bốc nói vậy, Tùng không hỏi nữa. Nó làm thinh hăm hở theo chân bạn.
– A, anh Bốc và anh Tùng xấu nhé! Xuống suối chơi mà không rủ em!
Tiếng nhỏ Phệ thình lình vang lên sau lưng. Tùng quay lại, thấy con nhóc béo tròn như hột mít này đang nhảy chân sáo xuống con đường dốc, theo sau là chị Hạnh và nhỏ Trang.
– Dưới này có gì đâu mà chơi! – Tùng khịt mũi.
Nhỏ Phệ nheo nheo mắt:
– Thế anh Bốc không rủ anh hái chuối và đu đủ bên bờ suối à?
Tùng nhún vai:
– Trò đó chả có gì hay ho! Trong vườn nhà cô Bảy tao, chuối và đu đủ cả khối, mấy ngày nay tao ăn căng bụng rồi! Tao xuống suối là để câu cá cơ!
Nhỏ Hạnh vỗ tay:
– Đúng rồi đó! Em và Bốc câu cá còn chị và Trang, Phệ xuống suối bắt ốc!
Tùng cười hì hì:
– Con suối này không có cá cũng chẳng có ốc, chị đừng có ham!
Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
– Thế em định câu cá ở đâu?
– Em câu cá ở trong ao. Cạnh bờ suối có hai cái ao. Một ao toàn cá là cá, còn ao kia đầy những ốc là ốc, lại toàn ốc bươu kia đấy!
Tùng huơ tay quảng cáo, mặc dù nó chưa hề thấy qua hai cái ao thằng Bốc nói và thật tình nó cũng không rõ trong hai cái ao đó có con cá hay con ốc nào không.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.