Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 26 – Tiết mục bất ngờ – Chương 5
Chương 5
Quý ròm hỏi nhỏ Hạnh:
– Hôm qua hạnh ở lại làm gì thế? Nhỏ Hạnh mỉm cười:
– Tổ 2 và tổ 5 mời ban cán sự lớp ở lại bàn bạc. Quý ròm trố mắt:
– Về hoạt cảnh văn nghệ ấy ư?
– Ừ.
– Lạ thật! – Quý ròm nhíu mày – Sao lại phải có ý kiếm của ban cán sự lớp trong chuyện này kìa?
Biết Quý ròm có nghĩ đến sói trán cũng không ra, nhỏ Hạnh liền nhanh nhẹn giải đáp bằng cách thuật lại cuộc tranh luận chiều hôm qua cho bạn nghe.
– Hay đấy! – Nghe xong, Quý ròm gật gù. Nhỏ Hạnh không hiểu:
– Quý bảo cái gì hay?
– Tôi bảo Hạnh và Xuyến Chi hay!
– Hay chuyện gì?
– Làm bộ hoài! – Quý ròm nheo nheo mắt – Thì về chuyện hai bạn mạnh dạn bênh vực cho hoạt cảnh của tụi thằng Lâm chứ chuyện gì!
Nhỏ Hạnh khịt mũi:
– Quý cũng cho rằng hoạt cảnh này không có gì “phạm thượng” hả?
– Tôi chả thấy có gì gọi là “phạm thượng”! – Quý ròm nhún vai – Tôi tin rằng khi xem hoạt cảnh này, các thầy cô sẽ rất thích thú.
– Quý nói vậy thì Hạnh yên tâm rồi! – Nhỏ Hạnh thở dài – Thực ra, Hạnh vẫn cảm thấy chưa thực sự tự tin lắm. Thậm chí, có lúc Hạnh còn định xin ý kiến cô Trinh.
– Nếu muốn khỏi băn khoăn thì Hạnh cứ đi gặp cô Trinh. Nhỏ Hạnh lắc đầu:
– Nhưng Hạnh lại không muốn cô biết trước mọi chuyện. Hạnh muốn dành cho cô sự bất ngờ.
– Hạnh lộn xộn quá! – Quý ròm nhăn mặt – Lúc thì muốn gặp cô lúc lại không muốn gặp! Nhỏ Hạnh nhoẻn miệng cười:
– Bây giờ thì Hạnh không muốn gặp nữa. Nhưng như vậy, ban cán sự lớp phải bám sát tổ 2 và tổ 5 trong khi dàn dựng. Thế còn Quý?
Câu hỏi đột ngột của cô bạn khiến Quý ròm ngẩn tò te.
– Tôi đâu có định đi gặp cô Trinh!
– Vô duyên! Ai hỏi chuyện đó hồi nào! – Nhỏ Hạnh cười khúc khích – Hạnh hỏi là hỏi bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” kia! “Thi sĩ” đã làm xong bài thơ để đọc trước lớp chưa?
– Chưa! – Quý ròm vò đầu – Mới được có hai câu à!
– Quý nói gì! – Tới phiên nhỏ Hạnh sửng sốt – Quý mới làm được có hai câu thôi sao?
– Ừ.
Nhỏ Hạnh há hốc miệng:
– Bây giờ mà mới có hai câu thế đến chừng nào mới làm xong?
– Hạnh yên tâm đi! – Quý ròm huơ tay – Tuy chỉ mới có hai câu nhưng đã là phân nửa bài thơ rồi đấy!
– Nghĩa là sao? Quý ròm cười hì hì:
– Nghĩa là bài thơ của kẻ hèn này chỉ có bốn câu thôi chứ sao!
– Trời đất! – Nhỏ Hạnh kêu lên – Thơ gì mà ngắn ngủn vậy?
– Hạnh chả biết gì mà cũng nói! – Quý ròm hừ mũi – Thơ hay đâu kể ngắn dài! Bốn câu của tôi là bốn câu đầy ý nghĩa, bốn câu chất lượng như vàng… bốn số 9 cơ đấy!
Nghe Quý ròm quảng cáo thơ y hệt người ta quảng cáo bia Tiger trên ti-vi, nhỏ Hạnh đâm tò mò:
– Thế Quý có thể đọc cho Hạnh nghe hai câu Quý đã sáng tác được không?
– Không được! – Quý ròm nghiêm nghị – Khi nào làm xong cả bốn câu, tôi mới đọc cho Hạnh nghe được!
Rồi làm ra vẻ bí mật, Quý ròm thấp giọng nói thêm:
– Tôi chỉ có thể tiết lộ một điều thôi.
– Điều gì?
– Trong câu thơ đầu tiên có tên Hạnh đấy!
– Có tên Hạnh? – Nhỏ Hạnh trò xoe mắt.
– Ừ
Nhỏ Hạnh nhăn mặt:
– Quý đưa tên Hạnh vào thơ làm gì thế?
– Rồi Hạnh sẽ biết!
– Thôi, thôi, Hạnh không chịu đâu! Quý rút tên Hạnh ra đi!
Quý ròm vỗ ngực:
– Không chịu cũng phải chịu! Tên Hạnh hay như thế, nếu rút ra bài thơ sẽ dở ẹc liền! Rồi nó nhe răng cười hề hề:
– Nếu Hạnh muốn “trả thù” thì Hạnh làm một bài thơ khác rồi đưa tên tôi vào!
Nhỏ Hạnh bĩu môi:
– Xì! Ai mà thèm đưa tên Quý vào thơ! Cái tên gì nghe xấu hoắc!
Tiểu Long lo lắng không thua gì nhỏ Hạnh. Tổ 4 của nó chỉ có mỗi tiết mục của Quý ròm. Vì vậy, sắp tới buổi liên hoan văn nghệ, nó cứ đi theo gạ Quý ròm:
– Mày đọc tao nghe bài thơ của mày thử xem!
– Tao làm chưa xong!
Tiểu Long liếm môi:
– Chưa xong cũng được! Tao chỉ nghe khúc đầu thôi! Quý ròm thở hắt ra:
– Khúc đầu chả có gì hay! – Đang nói, mắt Quý ròm bỗng sáng lên – À, chỉ có một điều độc đáo thôi!
– Điều gì vậy?
– Có tên của mày trong câu thơ của tao.
– Tên tao?
– Ừ.
Tiểu Long ngơ ngác:
– Mày đưa tên tao vào thơ chi vậy?
– Rồi mày sẽ biết! – Quý ròm lặp lại câu trả lời bữa trước với nhỏ Hạnh. Tiểu Long ngẫm nghĩ một hồi rồi reo lên:
– A, tao biết rồi! Mày đưa tên tao vào để khen tao phải không? Quý ròm chìa cùi chỏ:
– Khen cái mốc xì! Tiểu Long chột dạ:
– Chứ chẳng lẽ đưa vào để chê? Quý ròm khịt mũi:
– Chả khen chê gì sất! Tao thích cái tên mày, thế là tao đưa vào thôi!
Tiểu Long liếm môi:
– Thế ngoài tao ra, mày còn đưa tên ai vào nữa?
– Nhiều lắm! Đứa nào tao thích, tao đều đưa vào tất!
– À, phải rồi! – Tiểu Long gật gù – Bài thơ của mày là bài thơ viết về lớp mình mà lại!
– Đúng vậy!
Thấy Quý ròm xác nhận sự phỏng đoán của mình, Tiểu Long càng hăng hái:
– Thế ra đây là bài Lớp em 2 đấy? Quý ròm giật thót:
– Lớp em 2 là sao?
Tiểu Long tỏ vẻ hiểu biết:
– Thì bài thơ “Lớp em ca hát thật là hay ho… là bài Lớp em 1, còn bài thơ này là Lớp em 2!
Mày làm tới hai bài thơ về “lớp em” lận mà!
– „Một, hai” cái đầu mày! – Quý ròm gầm gừ – Bài thơ này chẳng liên quan gì đến bài thơ
hồi trước cả, mày đừng co xâu vào!
Thấy mình nhắc nhỏ chuyện quá khứ để ca ngợi “sự nghiệp văn chương” của bạn mà không hiểu sao mặt bạn lại xụ xuống một đống, Tiểu Long hết dám chứng tỏ mình là người thông minh. Nó nói, giọng ỉu xìu:
– Không xâu thì không xâu!
Không chỉ có nhỏ Hạnh và Tiểu Long “quan tâm” đến bài thơ của Quý ròm. Từ khi cô Trinh tuyên bố sẽ trao phần thưởng cho tiết mục nào xuất sắc nhất, những đứa xưa nay vốn thờ ơ với chuyện văn chương như thằng Cung và hai con nhỏ Kim Em, Hiển Hoa cũng xúm lại gặng hỏi “thi sĩ Bình Minh” chằm chặp:
– Thế Quý có chắc bài thơ của Quý sẽ đem giải thưởng về cho tổ mình không đấy?
– Tôi không biết.
Không thỏa mãn với câu trả lời của thi sĩ, nhỏ Hiển Hoa nhăn nhó:
– Sao lại không biết? Quý phải tự tin lên chứ! Quý ròm bực mình:
– Không tự tin tự tỉn tự tìn gì hết! Tôi làm thơ không phải để đoạt giải! hê:
Sự gắt gỏng đột ngột của Quý ròm khiến nhỏ Hiển Hoa thè lưỡi. Còn thằng Cung thì cười hê
– Cứ làm ra vẻ ta đây! Thế đứa nào hôm trước ra sức giành giật “giải thưởng lớn” với thằng Lâm trong cuộc thi “phổ thơ” các bài học thế?
Bị thằng Cung chơi trò “thọc gậy bánh xe”, Quý ròm tức anh ách. Thực ra, trong cuộc thi với thằng Lâm “thi sĩ Hoàng Hôn” bữa trước, ngay từ đầu Quý ròm đã muốn rút lui. Nó chả thích thú gì với chuyện tranh tài này. Nhưng nhỏ Hạnh cứ theo năn nỉ. Nhỏ Hạnh đưa ra đủ thứ lý do. Nào là Quý phải vì lợi ích chung. Nào là Quý phải biết thương bạn bè. Nếu Quý từ chối cuộc thi, “thi sĩ Hoàng Hôn” sẽ rảnh rỗi, sẽ lại đem tài làm thơ ra đặt vè châm chích người khác… Nghe riết, “thi sĩ Bình Minh” bùi tai, bèn chấp nhận sự thách thức, quyết đem tài hèn sức mọn ra thi thố với “thi sĩ Hoàng Hôn”.
Quý ròm tham gia cuộc thi với “tình thương bao la” như vậy, và những bài thơ phổ công thức của nó và thằng Lâm sau đó còn giúp cho khối đứa thuộc làu các quy tắc hóc búa của các môn học, vậy mà bây giờ thằng Cung “ăn cháo đá bát” kia nỡ đem chuyện đó ra để giễu cợt, bảo Quý ròm không sôi gan sao được!
Nó nhìn thằng Cung bằng cặp mắt như muốn ăn tươi nuốt sống:
– Ai bảo mày là tao giành giật “giải thưởng lớn” với thằng Lâm? Cóc biết gì mà cũng nói! Cung bĩu môi:
– Xì! Chuyện đó ai chẳng biết! Nhỏ Kim Em can:
– Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi! Hai bạn đừng cãi nhau nữa! Nhỏ Hiển Hoa gật đầu hùa theo:
– Kim Em nói đúng đó! Bây giờ tụi mình chỉ bàn về bài thơ sắp tới của Quý thôi!
Đang bực mình, Quý ròm gạt phắt:
– Không có bàn tới bàn lui gì sất! Đợi tới hôm liên hoan, tôi sẽ đọc cho các bạn nghe!
Nói xong, nó quay lưng đi thẳng một mạch, mặc cho ba đứa kia thộn mặt đén trông theo.