Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 24 – Giải thưởng lớn – Chương 5
Chương 5
Cách phát âm chữ “s” và “es” trong danh từ số nhiều của tiếng Anh khá… lộn xộn. Khi thì “xờ”, khi thì “zờ”, khi thì “i-zờ”, có tới ba, bốn kiểu khác nhau. Tất nhiên bọn học trò đa số phát âm loạn cào cào.
Và thằng Lâm là một trong những đứa phát âm bết bát nhất. Vậy mà bây giờ nó buộc phải làm thơ để “dạy” thiên hạ phát âm cái chữ “s” và “es” quỉ quái này cho đúng, quả là oái oăm!
Thoạt đầu, khi nghe nhỏ Hạnh ra “đề thi”, Lâm giật bắn người. Nó cầm chắc phen này sẽ bị Quý ròm qua mặt. Quý ròm là “thần đồng toán” nhưng những môn học khác cũng đều thuộc loại giỏi. Lẹt đẹt như nó mà thi tiếng Anh với Quý ròm chẳng khác nào thi đấu võ với Tiểu Long, thua là cái chắc!
Quới Lương, Quốc Ân, Hải quắn, ba đứa bạn nó trình độ tiếng Anh cũng không khá gì hơn nó, nó chẳng mong nhờ vả. May làm sao, đến phút chót, Lâm chợt nghĩ ra chuyện cầu cứu nhỏ Hạnh.
Nhỏ Hạnh tuy chơi thân với Quý ròm nhưng là lớp phó học tập. Tính tình nhỏ Hạnh xưa nay hiền lành, hay giúp đỡ bạn bè. Nhỏ Hạnh lại nổi tiếng là “nhà thông thái”, là “bộ từ điển biết đi”, hỏi nhỏ Hạnh cũng như… tra từ điển, chẳng có gì phải xấu hổ.
Nghĩ vậy, nên Lâm tìm đến nhà nhỏ Hạnh. Nó không dám hỏi nhỏ Hạnh tại lớp, sợ tụi tổ 3 trêu chọc. Và quả như nó nghĩ, nhỏ Hạnh tiếp nó rất niềm nở và sau khi biết được mục đích của nó, nhỏ Hạnh đã ghi cặn kẽ ra giấy những điều nó cần. Lúc Tiểu Long và Quý ròm xuất hiện, Lâm đã bỏ tọt tờ giấy vào túi áo từ đời tám hoánh rồi.
Quới Lương không biết gì về chuyện đó nên thấp thỏm tới gặp Lâm:
– Sao rồi mày?
– Sao chuyện gì?
– Bài thơ về tiếng Anh đó! – Quới Lương lộ vẻ lo lắng – Mày làm sắp xong chưa?
– Sắp xong rồi!
Quới Lương ngạc nhiên:
– Mày tra trong sách hả?
Lâm vung tay:
– Tao chả cần tra cứu gì cả! Cách phát âm các danh từ số nhiều này ai mà chả biết!
Sự thông thái đột xuất của Lâm khiến Quới Lương tròn xoe mắt:
– Vậy sao tuần trước mày đọc sai be sai bét, chỉ được có 2 điểm?
Lâm không ngờ thằng bạn thân thiết của mình lại hỏi một câu… thiếu thân thiết như thế. Ngắc ngứ mất một lúc, nó mới tặc lưỡi khỏa lấp:
– À, tại bữa đó tao… quên! Thỉnh thoảng tao vẫn hay quên như vậy!
Quới Lương cười hì hì:
– Mày quên hoài chứ thỉnh thoảng cái cóc khô gì!
– Nhưng bây giờ thì tao nhớ!
Lâm nổi khùng. Rồi như để chứng minh cái sự nhớ của mình, nó ngoác miệng ra rả đọc:
– “S” kia fải phát thành “xờ”,
Ngoài ra vẫn phải đọc “zờ” như nhau!
Rồi quay sang Quới Lương, nó hấp háy mắt:
– Hay không?
Quới Lương gật đầu:
– Hay!
Khen “hay” xong, nó lại nghệt mặt ngơ ngác:
– Nhưng tao… chả hiểu gì cả!
– Có gì đâu mà không hiểu! – Lâm khoa tay giảng giải – Này nhé, chữ “s” nếu đứng sau những phụ âm điếc như K, F, P, T phải đọc là “xờ”. Còn khi chữ “s” đứng sau các nguyên âm và sau các phụ âm khác, nghĩa là trong tất cả những trường hợp còn lại, phải đọc là “zờ”! Hiểu chưa?
– Vẫn chưa hiểu! – Quới Lương thật thà – Những điều đó thì liên quan gì đến hai câu thơ vừa rồi?
– Sao lại không liên quan? – Lâm nhăn nhó – K, F, P, T tức là “kia fải phát thành”! “S” kia fải phát thành “xờ” nghĩa là chữ “s” mà đứng sau K, F, P, T phải đọc là “xờ”…
Đến lúc này cái đầu óc chậm chạp của Quới Lương chợt sáng ra. Nó gật đầu lia lịa, không để Lâm giảng tiếp:
– Tao hiểu rồi! Câu thơ thứ hai có nghĩa là ngoài bốn trường hợp trên, những trường hợp còn lại đều phải đọc là “zờ” tất?
Lâm cười sung sướng:
– Chứ gì nữa! Ngoài ra vẫn phải đọc “zờ” như nhau mà lại!
Quới Lương phục bạn quá xá. Nó không ngờ thằng Lâm quanh năm bị điểm kém môn Anh lại giỏi giang như vậy! Chắc là thằng này nó “giỏi ngầm”, nghĩa là giỏi nhưng vẫn làm bộ kém, vẫn lãnh điểm 2 đều để… lừa mọi người chơi! Quới Lương nghĩ bụng, và không nén được, nó nhìn Lâm bằng cặp mắt lé xẹ:
– Mày giỏi ghê!
Lâm chớp mắt:
– Còn phải nói!
Quới Lương lại buột miệng xuýt xoa:
– Giỏi hơn thầy Thừa nữa!
Lâm ưỡn ngực:
– Còn phải…
Nhưng lần này, Lâm không kịp nói hết câu. Dù đang cao hứng, nó cũng chợt nhớ ra nó không thể tự nhận mình giỏi hơn thầy Thừa dạy Anh văn được, nhất là mới tuần trước đây, thầy Thừa vừa phết cho nó con 2, kèm theo một lô những lời rầy la, quở trách.
Vẻ ngập ngừng của Lâm khiến Quới Lương ngẩn ra mất một hồi. Nhưng rồi nó chợt hiểu.
– À, tất nhiên là mày không thể giỏi hơn thầy Thừa được! – Quới Lương vỗ vai bạn – Tao nói là nói chuyện khác. Về chuyện làm sao giúp học sinh nhớ cách phát âm chữ “s” thì mày giỏi hơn, đúng không?
Mặt Lâm tươi lên:
– Ờ, ờ… cái này thì đúng!
Quới Lương tiếp tục tán dương bạn:
– Phải công nhận câu thơ của mày dễ nhớ ghê! Tao chỉ nghe qua một lần là thuộc!
Lâm hớn hở:
– Đâu, mày đọc nghe coi!
Quới Lương lim dim mắt nhắc lại hai câu thơ một cách trơn tru.
Lâm khoái chí:
– Mày thông minh ghê! Với trí nhớ như vậy, nếu… chịu học bài, chắc chắn mày chỉ liếc nhoáng qua là thuộc!
Quới Lương là đứa cứ mỗi lần bị kêu lên bảng dò bài là đứng ấp a ấp úng hằng buổi, câu nọ xọ câu kia. Lâm thừa biết điều đó mặc dù đang tâng bốc bạn lên tận mây xanh, nó vẫn kịp thêm vào mấy chữ “nếu chịu học bài” để lương tâm khỏi cắn rứt.
Quới Lương không cần quan tâm đến ý tứ trong lời khen của bạn. Từ bé đến lớn, chưa từng có ai khen nó thông minh. Nay “thi sĩ Hoàng Hôn” khen nó như vậy, mặc dù thi sĩ khen nó chỉ bởi nó thuộc thơ của thi sĩ, cũng đủ làm nó cảm động muốn rơm rớm nước mắt rồi. Và nó nhìn thằng Lâm, khụt khịt mũi:
– Thơ của mày cũng hay tuyệt!
Hai đứa cứ thế khen qua khen lại. Trước nay, chúng cũng đã từng khen nhau nhiều lần. Khen nhau về tài chạy nhảy, về các màn chọc phá và các trò nghịch tinh khác. Nhưng hôm nay lần đầu tiên chúng ca ngợi nhau về học tập. Vì vậy, chúng thấy lần này có cái gì đó khang khác. Một niềm vui mới mẻ và lạ lẫm len vào hồn khiến chúng vừa ngượng ngùng lại vừa thinh thích. Trong một thoáng, Lâm và Quới lương quên bẵng trong học kỳ một vừa rồi, chúng thuộc vào nhóm những học sinh bị xếp loại yếu trong lớp.
Khi cơn phấn khích dịu xuống, Quới Lương sực nhớ đến mục tiêu trước mắt:
– Phen này chắc chắn Quý ròm phải chào thua mày!
Lâm vung tay:
– Chắc chắn rồi!
– Thơ của nó không thể nào dễ nhớ hơn!
– Dĩ nhiên là vậy!
– Và mày sẽ ẵm “giải thưởng lớn” về giúp bạn học tập!
Lâm cười tít mắt:
– Mày đoán giỏi ghê!
Hôm nay “thi sĩ Hoàng Hôn” thật hào phóng lời khen. Và cũng thật hào phóng tiếng cười.
Nhưng qua ngày hôm sau, Lâm hết cười nổi. Qua ngày hôm sau, nó đay khổ nhận ra nó vẫn không chiến thắng được “thi sĩ Bình Minh” trong cuộc thi thứ hai.
Khi nó và Quý ròm dán bài thơ lên tờ báo tường ở cuối lớp, tụi bạn xúm lại bình phẩm mỗi đứa một phách.
Rốt cuộc khi nhỏ Hạnh lấy ý kiến tập thể, một nửa lớp bầu cho bài thơ của nó, một nửa lớp bầu cho bài thơ của Quý ròm.
Nhỏ Hiền Hòa nhận xét:
– Bài thơ của bạn Lâm phần nói về cách phát âm chữ “s” thì dễ nhớ nhưng phần nói về cách phát âm chữ “es” lại không hay bằng bạn Quý!
Đặng Đạo gật gù tán đồng:
– Bạn Hiền Hòa nói đúng! Tôi cũng thấy phần nói về cách phát âm chữ “es” của bạn Quý dễ thuộc hơn nhiều!
Rồi nó hứng chí đọc:
– Ôi vô ích
Đọc là “zờ”
Còn “i-zờ”
Cho êm giọng…
“Ôi vô ích” là O, V, I, cái đuôi “es” đứng sau ba chữ này phải đọc là “zờ”, còn nếu đứng sau C, E, G… tức “cho êm giọng…”, phải đọc là “i-zờ”. Trong thâm tâm, “thi sĩ Hoàng Hôn” cũng cảm thấy về phần này, bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” gãy gọn và dễ nhớ hơn bài thơ của mình.
Nhưng thấy Đặng Đạo đem thơ của đối thủ ra đọc oang oang ngay trước mũi mình như để chọc tức, Lâm nóng mặt cắt ngang:
– Dẹp mày đi! Mày thù tao chuyện đặt vè chọc tật ngủ gục của mày bữa trước nên tìm cách chê thơ tao chứ gì!
Lời kết tội vô cớ của Lâm làm Đặng Đạo tức muốn xịt khói lỗ tai. Nhưng nó chưa kịp phản ứng, thằng Tần đã lên tiếng bênh vực:
– Bạn Lâm nói vậy không đúng! Thực tình tôi cũng thấy thơ của “thi sĩ Bình Minh” hay hơn thơ của “thi sĩ Hoàng Hôn”! Hì hì!
– Thơ của “thi sĩ Hoàng Hôn” hay hơn! – Quới Lương ông ổng phản kích.
Thằng Dưỡng gân cổ:
– Thơ của “thi sĩ Bình Minh” hay hơn gấp tỉ lần!
Sự so sánh của Dưỡng làm Quốc Ân nổi khùng. Nó chìa cùi chỏ:
– Gấp tỉ lần cái này nè! “Thi sĩ Bình Minh” chỉ đáng xách dép cho “thi sĩ Hoàng Hôn” thôi!
– Thôi thôi, đủ rồi! – Thấy tình hình càng lúc càng lộn xộn và cuộc bình phẩm thơ văn có khuynh hướng trở thành cuộc đấu võ mồm với đủ loại ngôn ngữ thiếu chọn lọc, nhỏ Hạnh vội lên tiếng – Các bạn đã xem cả hai bài thơ, vậy theo các bạn ai là người xứng đáng đoạt giải?
Phe thằng Lâm nhao nhao:
– “Thi sĩ Hoàng Hôn” xứng đáng đoạt giải!
Phe thằng Dưỡng inh ỏi:
– “Thi sĩ Bình Minh” đoạt giải là xứng đáng!
Đa số còn lại tỏ ra khách quan hơn:
– Mỗi bài hay một nửa! Bằng nhau!
– Vậy là hòa! Tỉ số “hai đều”!
– Sao lại “hai đều”?
– Lần trước nữa chi! Lần trước hai bên cũng bất phân thắng bại!
Quới Lương giật tay Lâm:
– Tụi nó thiên vị! Lẽ ra mày đoạt giải mới đúng!
Quốc Ân và Hải quắn hùa theo:
– Đúng rồi! Tại tụi nó không ưa băng “tứ quậy” tụi mình!
Cặp lông mày “thi sĩ Hoàng Hôn” nhăn tít. Mãi một lúc chúng mới chịu dãn ra. Và “thi sĩ Hoàng Hôn” thở đánh thượt:
– Không phải đâu! Đúng là phần nói về cách phát âm “es”, bài thơ của thằng Quý ròm dễ nhớ hơn!
Lời thú nhận bất ngờ của Lâm làm ba đứa bạn nó trợn tròn mắt: “Thi sĩ Hoàng Hôn” khiêm tốn tự bao giờ thế nhỉ?