Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 24 – Giải thưởng lớn – Chương 3
Chương 3
Trên đường về, Quý ròm cằn nhằn nhỏ Hạnh:
– Hạnh bày ra trò này chi vậy? Tự nhiên lại xúi tôi thi làm thơ với thằng Lâm!
Nhỏ Hạnh cười:
– Tự nhiên sao mà tự nhiên! Có thế mới khiến bạn Lâm thôi chọc phá người khác chứ!
– Mặc nó! – Quý ròm vẫn chưa hết bực mình – Nó chọc phá thì báo với cô Trinh để cô trị tội nó.
Tiểu Long khịt khịt mũi:
– “Thi sĩ Bình Minh” gì mà ỉu xìu thế! Mày phải nhân cơ hội này chứng minh cho tụi bạn trong lớp thấy tài thơ của mày chứ! Quý ròm cười khổ:
– Tao đã nói rồi, cái đó đâu phải là thơ!
Nhỏ Hạnh nhún vai:
– Thơ hay không thơ gì cũng được! Miễn sao bài của Quý dễ nhớ hơn bài của Lâm là Quý thắng.
– Thắng thì được giải gì? – Quý ròm “xì” một tiếng.
– Sao lại không được giải gì! – Nhỏ Hạnh nheo nheo mắt – Hạnh sẽ đề nghị ban cán sự lớp trao giải. Gọi là giải… giải…
– Quả bóng vàng! – Tiểu Long vọt miệng.
Trong khi Quý ròm trừng mắt nhìn thằng mập thì nhỏ Hạnh vỗ vỗ trán:
– Hạnh nghĩ ra rồi. Gọi là “giải thưởng lớn” về giúp bạn học tập!
– Hay lắm!
Tiểu Long vỗ tay reo. Còn Quý ròm thì liếc nhỏ Hạnh, làu bàu:
– Đúng là… lớp phó học tập có khác!
Nhỏ Hạnh đã nói là làm. Sáng hôm sau trong giờ ra chơi, nó cùng Xuyến Chi đứng lên long trọng tuyên bố sẽ trích quỹ lớp để tặng giải thưởng “giúp bạn học tập” cho “thi sĩ” nào được tập thể bình chọn.
Thằng Lâm đón nhận tin đó bằng vẻ hào hứng đặc biệt. Nó leo lên ghế chắp tay chào bốn phía, bô bô:
– Xin cảm ơn các bạn đã bỏ phiếu bình chọn bài thơ của tôi. Tôi hứa tiếp tục cố gắng phục vụ tốt hơn cho việc học tập của các bạn. Riêng giải thưởng hôm nay, tôi xin tặng lại cho bạn nào có gia cảnh khó khăn…
Nói xong, nó cúi xuống hai tay nâng chiếc cặp đang đặt trên bàn chìa ra phía trước.
Quới Lương quá quen với những màn biểu diễn ngẫu hứng của bạn. Nó lập tức đứng lên đón chiếc cặp từ tay thằng Lâm, cúi gập đầu, trịnh trọng:
– Thay mặt cho Hội phụ huynh học sinh nhà trường, tôi xin cảm ơn nghĩa cử của thi sĩ…
Dù không ưa gì những màn chọc phá của băng “tứ quậy” nhưng mỗi khi bọn này làm trò, cả lớp đều không khỏi ôm bụng cười bò.
Lớp trưởng Xuyến Chi quẹt nước mắt:
– Tôi hy vọng “hoạt cảnh” hôm nay của bạn Lâm sẽ được tái hiện trong ngày trao giải chính thức!
Lâm nhơn nhơn:
– Đương nhiên rồi! Chính vì vậy tôi phải tập dợt trước đó chứ!
Ngay cả “thi sĩ Bình Minh” cũng không nhịn cười được trước trò nghịch ngợm của đối thủ. Nhưng Quý ròm chỉ cười một chút rồi thôi. Sau đó nó tự ái nghĩ: Thằng Lâm này quả là huênh hoang! Nó cứ làm như giải thưởng đó nằm trong túi nó rồi hay sao ấy!
Lời chúc sau đó của nhỏ Xuyến Chi càng làm Quý ròm thêm giận dỗi. Và nó cắn môi tự nhủ:
“Để rồi xem!”. Nếu lúc đó cô Nga không xuống tới chắc “thi sĩ Bình Minh” cắn dập môi mình mất.
Bụng dạ sôi sục, vừa đi học về tới nhà là Quý ròm ngồi ngay vào bàn, lôi giấy bút ra làm thơ… dự thi. Buổi chiều cũng vậy, nó bỏ béng giấc ngủ trưa quen thuộc, ngồi lì trong phòng học cố làm cho xong.
Cho đến khi Tiểu Long gọi í ới trước cửa thì Quý ròm đã “sáng tác” xong bài thơ lượng giác:
Tìm “sin”: lấy đối chia huyền
“Cosin”: hai cạnh kề, huyền chia nhau
Tìm “tang”: lấy đối chia kề
“Cotang” ngược lại: lấy kề chia đôi…
Tiểu Long vừa bước vô nhà, thấy Quý ròm cầm tờ giấy chạy ra, trố mắt hỏi:
– Gì thế? Lịch thi đấu bóng đá World Cup hả?
– Không phải! – Quý ròm phe phẩy tờ giấy trước mặt bạn, hớn hở khoe – Đây là bài thơ lượng giác!
Tiểu Long lật đật chìa tay:
– Đưa tao đọc thử coi!
Trong khi Tiểu Long “thưởng thức” bài thơ thì Quý ròm nhìn lom lom vô mặt bạn, hồi hộp thăm dò phản ứng. Và nó như mở cờ trong bụng khi thấy bạn mình không ngớt gục gà gục gặc. Nếu thơ không hay, chẳng ai gục gặc làm chi cho mỏi cổ! Quý ròm phấn khởi nhủ thầm và khoan khoái quan sát nét mặt rạng rỡ của thằng mập.
Nhưng Tiểu Long chỉ rạng rỡ có ba câu đầu. Đến câu thứ tư, cặp lông mày nó đột nhiên nhăn tít.
– Sao lạ vậy nè? – Tiểu Long ngước mắt lên khỏi trang giấy – Tìm “cotang” sao lại lấy cạnh kề chia đôi? Mày có nhầm không đấy?
Quý ròm nhe răng cười:
– “Chia đôi” ở đây không phải là “chia hai” mà là “chia đối”! Muốn tìm “cotang” thì phải lấy cạnh kề chia cho cạnh đối, ý của câu thơ là như vậy, hiểu chưa?
Tiểu Long giương mắt ếch:
– Thế sao mày không viết “chia đối” mà viết “chia đôi”? – “Chia đối sao được mà “chia đối”! – Quý ròm nhăn nhó – Đây là thơ lục bát, chữ cuối câu tám không thể có thanh trắc được.
Tiểu Long thở dài:
– Nhưng viết “chia đôi” rất dễ gây hiểu lầm…
Quý ròm nhún vai:
– Tính tỉ số lượng giác của góc nhọn không có trường hợp nào chia đôi, chỉ có cạnh này chia cho cạnh kia, vì vậy không thể gây hiểu lầm được!
Nghe Quý ròm phân tích một hồi, Tiểu Long thôi ngay thắc mắc. Tuy vậy, nó không tin một bài thơ trong đó hai chữ “chia đối” bị biến thành “chia đôi” lại có thể đoạt giải! Nhưng Tiểu Long chỉ nghĩ trong bụng thế thôi, chứ nó không nói ra miệng. Nó không muốn làm Quý ròm cụt hứng.
Khi nghĩ như vậy Tiểu Long không ngờ bài thơ của Quý ròm lại được bạn bè hoan ngênh nhiệt liệt.
Sáng hôm sau, Quý ròm vừa dán bài thơ lên tờ báo tường treo ở cuối lớp, tụi bạn đã xúm đen xúm đỏ trước tờ báo nhao nhao bình phẩm.
Minh Vương xuýt xoa:
– Bài thơ hay ghê!
Nhỏ Hiền Hòa phụ họa:
– Không những hay lại còn dễ thuộc nữa!
Đỗ Lễ thắc mắc:
– Nhưng tìm “cotang” tại sao lại “lấy kề chia đôi”?
Minh Vương tỏ thông thái:
– “Đôi” ở đây tức là “đối” đấy!
– Thế sao không viết “chia đối” mà viết “chia đôi”? – Đỗ Lễ tiếp tục tròn mắt.
Thấy Đỗ Lễ khù khờ giống hệt mình hôm qua, Tiểu Long ngứa ngáy quá chừng, liền vọt miệng:
– Thơ lục bát chữ cuối câu tám không thể có thanh trắc nên không viết là “đối” được!
– Tiểu Long nói đúng đó! – “Thi sĩ” Lan Kiều lên tiếng xác nhận – Hai chữ “chia đôi” trong câu này phải hiểu là “chia đối”!
– Thì ra vậy! – Đỗ Lễ gật gù, có vẻ áy náy về sự dốt thơ của mình.
– Ha ha! – Giọng cười chế giễu của thằng Lâm thình lình vang lên – “Đối” là “đối”, “đôi” là “đôi”, làm quái gì có chuyện chữ này thay cho chữ kia được!
– Sao lại không được? – Tiểu Long hừ mũi.
– Tao nói không được là không được! – Lâm vênh mặt – Chỉ có kiểu “thơ vắt trên cành thơ chạy loanh quanh” mới đổi lung tung thế thôi!
Tiểu Long mím môi:
– Thế bài thơ của mày đâu? Bữa nay là hạn chót rồi!
Lâm khoát tay:
– Đừng vội! Lát ra chơi mày sẽ thấy bài thơ tuyệt tác của tao!
Quả nhiên, trống vừa đánh tùng tùng, cả lớp còn chưa kéo ra hết, trên tờ báo tường đã xuất hiện một bài thơ nằm chễm chệ cạnh bài thơ của Quý ròm. Minh Vương phát hiện ra điều đó trước tiên.
– A, thơ của “thi sĩ Hoàng Hôn”!
Tiếng Minh Vương reo lên khiến tụi bạn đang dồn cục chỗ cửa lớp rần rần kép trở xuống dãy bàn chót.
Thằng Cung họa sĩ nhanh chân nhất. Nó phóng tới trước tờ báo, nhẩm đọc một hai câu, bỗng la toáng:
– Thơ gì kỳ thế này!
Tiếng la của Cung càng khiến tụi bạn tò mò tròn mắt đọc:
– Tìm “tang” lấy đối chia kề
“Cotang” lấy kế chia đồi là xong!
Bài thơ chỉ có hai câu, bên dưới ghi “thi sĩ Hoàng Hôn”. Bài thơ khiến tụi bạn ôm bụng cười bò.
Thằng Tần tổ trưởng tổ 1 thét be be:
– Ối trời ơi! Thơ nói lái anh em ơi!
Nhỏ Vành Khuyên cười rúc rích:
– Lâm làm thơ về học tập hay thật đấy!
Tiểu Long tức thằng làm chuyện cãi cọ lúc nãy, tính cà khịa nó một câu nhưng chưa kịp mở miệng thì Lâm đã nhảy dựng, mặt đỏ gay:
– Đứa nào? Đứa nào giả mạo?
Tiếng hét của Lâm khiến tụi bạn ngơ ngác:
– Giả mạo gì?
Lâm bốc khói ra đằng mũi:
– Giả mạo tao chứ giả mạo gì! Đây đâu phải là thơ của tao!
Vừa nói, Lâm vừa cho tay vào túi áo lôi ra một tờ giấy. Nó phe phẩy tờ giấy trước mặt:
– Đây mới là tuyệt tác của “thi sĩ Hoàng Hôn” nè!
Tần chìa tay:
– Đưa coi nào!
– Khỏi! – Lâm từ chối – Để tao dán lên báo cho cả lớp coi chung luôn!
Bài thơ này chắc chắn ăn đứt bài thơ của Quý ròm!
– Chỉ nói phét! Tần bĩu môi “xì” một tiếng. Nó chẳng ưa gì tật huênh hoang của Lâm.
Nhưng khi Lâm dán bài thơ lên báo, Tần bước lại nhẩm đọc một hồi, đầu không khỏi gật gù:
– Ừ, cũng được đấy!
– Được thế nào mà được! – Lâm ưỡn ngực – Hay tuyệt cú mèo đi chứ lị!
Quới Lương hùa theo:
– Thật không chê vào đâu được!
Hải quắn vung tay:
– Hay hơn thơ của “thi sĩ Bình Minh” gấp ngàn lần!
Quốc Ân cổ vũ “gà nhà” bằng cách gí sát mắt vào bài thơ, đọc oang oang:
– Đối chia huyền là “sin” thấy rõ
Kề chia huyền ta có “cosin”
Còn “tang”: kề dưới đối trên
“Cotang”: đối dưới kề trên đó mà!
Rồi hớn hở bình luận:
– Thơ cỡ này đến Ngô Tất Tố cũng phải ngả nón bái phục!
Nhỏ Vành Khuyên cười hi hi:
– Ba hoa cũng không biết cách! Ông Ngô Tất Tố viết văn chứ có làm thơ bao giờ đâu!
Trong khi Quốc Ân chết đứng trước cú đòn hiểm của nhỏ Vành Khuyên thì “thi sĩ Hoàng Hôn” ứng biến nhanh như máy. Nó tỉnh khô:
– Ai chả biết ông Ngô Tất Tố là nhà văn! Nhưng chính vì không biết làm thơ cho nên ổng phục các nhà thơ đó chứ!
Nhỏ Hiền Hòa nãy giờ không nói gì, bỗng vọt miệng:
– Nhưng dù thơ của bạn Lâm có được nhà văn Ngõ Tất Tố bái phục sát đất đi nữa thì vẫn không bằng thơ của bạn Quý!
Nhận xét của Hiền Hòa làm Lâm suýt chút nữa bắn vọt lên trần nhà như pháp thăng thiên. Nó nắm chặt tay, giọng tức tối:
– Này, này! Bạn đừng có thiên vị trắng trợn như thế chứ! Thơ của tôi “kề” ra “kề”, “đối” ra “đối”, chứ đâu có “chia đôi”, “chia hai” loạn cào cào như thơ của Quý ròm!
Nhỏ Hiền Hòa nhún vai:
– Nhưng dù sao đi nữa thơ của bạn Quý vẫn dễ thuộc dễ nhớ hơn!
– Trời ơi là trời! – Lâm dang hai tay – Đó là do trí nhớ của bạn bị trục trặc chứ đâu phải do thơ của Hoàng Hôn này kém cỏi!
Rồi như không nén được uất ức, Lâm quay sang nhỏ Xuyến Chi, kêu oan:
– Bạn là lớp trưởng, bạn phân xử giùm đi! Giữa tôi và Quý ròm, rốt cuộc ai xứng đáng được nhận “giải thưởng lớn” của lớp?
Lớp trưởng Xuyến Chi chưa kịp phát biểu, Quới Lương, Quốc Ân và Hải quắn đã đồng thanh:
– Dĩ nhiên là “thi sĩ Hoàng Hôn”!
Tần, Dưỡng và nhỏ Hiền Hòa, ba đứa chung bàn ở tổ 1, liền nhất loạt phản kích:
– Đương nhiên là “thi sĩ Bình Minh”!
– Thôi, thôi, các bạn đừng cãi nhau nữa! – Nhỏ Hạnh bước tới một bước, hắng giọng – Theo tôi, cả hai bài thơ đều đạt yêu cầu…
Lâm nhìn lớp phó học tập, méo xệch miệng:
– Bạn nói vậy nghĩa là…
Nhỏ Hạnh gật đầu:
– Nghĩa là cuộc thi này bất phân thắng bại! Muốn xác định “giải thưởng” thuộc về ai, cần phải có một cuộc thi thứ hai!
Rồi không để “thi sĩ Hoàng Hôn” ca cẩm, nhỏ Hạnh lướt mắt nhìn khắp lớp:
– Hạnh nói vậy, các bạn có đồng ý không?
– Đồng ý! Đồng ý!
– Thi tiếp! Thi tiếp!
Cả lớp nhao nhao khiến “thi sĩ Hoàng Hôn” nhăn nhó đưa tay bịt tai lại.