Kính vạn hoa - Tập 20 - Anh và em

Chương 6


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 20 – Anh và em – Chương 6


Chương 6
Mẹ con cô Tư chỉ ở chơi với gia đình Quý ròm có hai ngày. Tới ngày thứ ba, cô phải dẫn Mạnh về nhà cho nó đi học.
Mẹ con cô tuy không ở chơi lâu nhưng niềm vui mẹ con cô đem lại cho Quý ròm thật là to lớn.
Từ ngày có chiếc máy ảnh, Quý ròm cứ mang nó theo kè kè bên người. Cả khối đứa trên lớp đòi mượn chụp nhưng Quý ròm không cho. Nó chỉ cho mỗi đứa cầm lấy chiếc máy rờ rẫm, săm soi một tí và đưa lên mắt ngắm suông cảnh vật qua khung hình thôi. Vậy mà đã có khối đứa trầm trồ:
– Chiếc máy này chụp hình đẹp phải biết nhé!
– Ừ, với chiếc máy như thế này, người xấu cũng có thể chụp thành đẹp kia đấy!
Mặc cho lũ bạn tha hồ tưởng tượng, Quý ròm quay sang Tiểu Long, thì thào:
– Chiều nay tao, mày và nhỏ Hạnh đi chụp hình đi!
– Chụp ở đâu?
– Ở đâu có cảnh đẹp ấy!
– Nhưng cảnh đẹp ở đâu? – Tiểu long lại ngẩn ra.
Quý ròm chìa cùi chỏ:
– Ở đây nè! – Rồi nó hừ mũi tiếp – Cảnh đẹp ở đâu mà cũng không biết, rõ là đồ ngốc tử!
Bị thằng ròm mắng “ngốc tử” là chuyện thường như cơm bữa, Tiểu Long chẳng chút chú tâm. Nó đưa tay quẹt mũi:
– Mày muốn nói đến các khu du lịch Đầm Sen, Kỳ Hòa, Bửu Long, Suối Tiên… ấy ư?
– Những nơi đó chưa thể đi ngay được! – Quý ròm nhún vai – Chiều nay tụi mình đến vườn Tao Đàn và nhà thờ Đức Bà chụp ảnh chơi!
Gợi ý của Quý ròm làm đầu óc Tiểu Long “sáng” ra. Nó hí hửng bổ sung:
– Đúng rồi! Sau đó tụi mình sẽ đến Thảo Cầm Viên, đến chùa Vĩnh Nghiêm, rồi quay lại thư viện Quốc gia. Chụp ảnh ở Thư viện Quốc gia xong, tụi mình sẽ chạy qua…
– Thôi, thôi! – Quý ròm nhăn nhó xua tay – Đi hai nơi đã tối mịt rồi, thì giờ đâu mà chạy qua chạy lại nhặng xị thế! Hơn nữa…
– Hơn nữa sao?
Quý ròm liếm môi:
– Hơn nữa tao chỉ có một cuộn phim thôi! Muốn chụp được hết những cảnh mày kể, phải cần tới cả chụp cuộn phim lận, mày có tiền không?
Đụng đến tiền, Tiểu Long xụi lơ:
– Không!
Quý ròm cười khì:

– Thấy chưa! Muốn là một chuyện, còn làm được hay không đâu phải do mình!
Nhỏ Hạnh nghe Tiểu Long và Quý ròm rủ đi chụp hình, mặt mày sáng rỡ:
– Mấy giờ đi?
– Hai giờ tôi và Tiểu Long sẽ đến nhà gọi Hạnh!
Chiều đó, ba đứa hai xe, bọn Quý ròm la cà đến chiều tối mới về tới nhà. Chỉ loanh quanh trong vườn Tao Đàn thôi đã mất gần hai tiếng đồng hồ. Tiểu Long khoái lắm. Nó xuýt xoa luôn miệng:
– Có máy ảnh thích thật! Muốn chụp bao nhiêu thì chụp!
Nhỏ Hạnh cũng khoái, nhưng nó dè dặt hơn:
– Còn chờ rửa ảnh ra đã! Lúc đó mới biết ảnh có đẹp không!
Quý ròm khoa tay:
– Tất nhiên là phải đẹp!
Đang hùng hổ, bỗng nhiên nó liếc Tiểu Long, hạ giọng:
– Nhưng nếu khi rửa ảnh ra, mày trông giống Trư Bát Giới thì đó là do…
Thấy Quý ròm ngập ngừng, Tiểu Long sốt ruột:
– Do gì?
Quý ròm cười hì hì:
– Thì do Trư Bát Giới quá giống mày thôi!
Bị thằng ròm chơi một vố đau điếng, Tiểu Long tức lắm. Nhưng nó chẳng nghĩ ra câu gì để trả đũa. Xét về ngoại hình, Quý ròm nom giống Tôn Ngộ không ra phết, nhưng họ Tôn là nhân vật tài ba, nếu bảo Quý ròm giống Tề Thiên có khi nó còn nhơn nhơn hếch mặt lên trời không chừng. Nghĩ vậy nên Tiểu Long làm thinh.
Chỉ có Quý ròm là khoái chí.Vừa về tới nhà, nó tót ngay vào phòng ngủ, bô bô khoe với nhỏ Diệp:
– Hồi chiều tụi tao đi chụp hình vui ơi là vui!
Nhỏ Diệp nhìn chiếc máy ảnh trên tay anh:
– Anh đi với anh Tiểu Long hả?
– Ừ. Có cả nhỏ Hạnh nữa! Tụi tao vô vườn Tao Đàn, rồi sau đó đạp xe đến nhà thờ Đức Bà chơi…
Đang nói, nhác thấy ánh mắt buồn bã của nhỏ em, Quý ròm áy náy hỏi:
– Mày vẫn còn nóng sốt hở? Nhỏ Diệp sờ tay lên trán, thở dài:
– Không hiểu sao mãi em vẫn chưa hết sốt!

Quý ròm nhìn gương mặt xanh xao của nhỏ em, tự dưng cảm thấy mất hẳn hào hứng. Nó đã định kể tỉ mỉ cho nhỏ Diệp nghe về chuyến đi chơi vui vẻ của tụi nó, kể về chuyện thằng Tiểu Long gà mờ đã cầm ngược máy ảnh ra sao, nhỏ Hạnh đểnh đoảng suýt làm vỡ máy ảnh khiến nó và Tiểu Long phải thét lên be be như thế nào, nhưng rốt cuộc Quý ròm đã chẳng nói gì. Nó chỉ hỏi:
– Mày thấy trong người ra sao? Có mệt lắm không?
– Em cũng chả rõ!- Nhỏ Diệp liếm cặp môi khô – Lúc em cảm thấy khỏe, lúc lại cảm thấy mệt!
Quý ròm nhìn ra ngoài trời, nói:
– Ai sắp hết bệnh cũng đếu cảm thấy như thế, mày đừng lo!
Rồi nó quay lại, giọng hiền lành:
– Mày cứ nằm nghỉ đi! Chiều mai tao sẽ không đi chụp hình nữa đâu!
Nhỏ Diệp không hiểu:
– Không đi chụp hình, vậy anh đi đâu?
– Tao chẳng đi đâu cả! Tao sẽ ở nhà chơi với mày!
Quý ròm làm nhỏ Diệp ngạc nhiên quá chừng. Lúc nó khỏe mạnh, Quý ròm cũng chưa bao giờ thèm chơi với nó, xưa nay Quý ròm vẫn xem nó và tụi bạn nó là đồ nhãi nhép, chả buồn để vào mắt, thề mà hôm nay Quý ròm lại tuyên bố sẽ không đi đâu cả chỉ để ở nhà chơi với nó, bảo nó không thuỗn mặt ra sao được!
Ngơ ngác mất một lúc, nhỏ Diệp mới lí nhí nói:
– Em đang ốm mà!
– Mày ốm thì kệ mày! – Quý ròm phẩy tay – Mày ốm thì mày cứ nằm yên một chỗ, tao sẽ ngồi bên cạnh kể chuyện cổ tích cho mày nghe!
Đề nghị của ông anh làm mắt nhỏ Diệp sáng lên:
– Ừ, anh kể chuyện cho em nghe đi! Nằm mãi một chỗ chả làm gì, chán ghê là!
Thấy nhỏ em nhanh nhẩu hưởng ứng, Quý ròm khoái lắm. Nó lắc đầu:
– Chưa thể kể ngay bây giờ được đâu! Tao còn phải ăn cơm rồi làm bài, rồi chép bài giùm mày, sau đó là… đi ngủ! Mày gắng đợi đi, chiều mai thế nào tao cũng kể lắm chuyện hay cho mà nghe!
Quý ròm không nói suông. Chiều hôm sau, ngủ trưa dậy, nó bắc ghế ngồi cạnh giường nhỏ Diệp, dáng điệu trịnh trọng.
Thấy ông anh sửa bộ sửa tịch, nhỏ Diệp cũng không dám sơ sài. Nó kê chiếc gối lên thành giường, nửa nằm nửa ngồi, vẻ cung kính sẵn sàng lắng nghe.
Quý ròm liếc nhỏ em, “e hèm”:
– Tao bắt đầu à nha!
Nhỏ Diệp háo hức gật đầu:

– Ừ, anh kể đi.
Quý ròm ngước mặt lên trần nhà:
– Ngày xửa ngày xưa có một bác thợ xay. Bác thợ xay có ba người con trai, gia tài của bác cũng có ba thứ: một cối xay gió, một con lừa và một con mèo…
– Cối xay gió là cái gì? – Nhỏ Diệp cắt ngang.
– Cối xay gió là cối xay gió chứ cái gì! – Quý ròm hít vào một hơi – Tức là cái cối xay chạy bằng gió ấy!
Nhỏ Diệp chớp mắt:
– Cối xay làm sao chạy bằng gió được?
– Sao lại không được, rõ là ngốc! – Quý ròm khẽ nhăn mặt – Gió thổi làm quay các cánh quạt, cánh quạt sẽ xoay bánh lái và bánh lái sẽ tác động lên các răng bánh xe giúp cối xay hoạt động…
Đang làm một tràng, Quý ròm bỗng phẩy tay:
– Nhưng thôi, lúc này là lúc tao kể chuyện chứ không phải lúc tao giảng bài cho mày!
Rồi không để cho nhỏ em hỏi tới hỏi lui, Quý ròm nhanh nhẩu kể tiếp:
– Khi người thợ xay qua đời, ba người con chia nhau gia tài: người anh cả lấy cối xay gió, người anh thứ hai lấy con lừa, người em út đành phải lấy con mèo…
Một lần nữa nhỏ Diệp lại làm Quý ròm cụt hứng. Nó bật cười khúc khích:
– Chuyện này khác cơ! Người anh lấy chiếc máy ảnh, do đó người em út đành phải lấy con mèo bông!
Này, này, tao không có đùa với mày đâu đấy! – Quý ròm đỏ mặt tía tai – Chiếc máy ảnh vừa rồi chính mày tự nguyện nhường cho tao chứ tao có giành lấy của mày đâu!
Thấy ông anh gầm gừ ghê quá, nhỏ Diệp vội rụt cổ:
– Thấy câu chuyện hơi giông giống nên em buột miệng nói chơi thôi mà!
– Giống cái đầu mày! – Quý ròm hừ mũi – Một bên là mèo thật, một bên là mèo bông, giống nhau thế quái nào được!
Nhưng dù mèo thật hay mèo bông cũng vẫn là mèo! Nhỏ Diệp lẩm bẩm nhưng sợ sẽ lại làm ông anh nổi cáu, nó bèn nói xuôi theo:
– Thôi được rồi, không giống thì không giống! Bây giờ thì anh kể tiếp đi! Người em út lấy con mèo rồi sao nữa?
– Thì nghèo mạt rệp chứ là sao! – Quý ròm nhún vai – Con mèo thì làm được cóc khô gì! Đi cày thì không được, giữ nhà cũng chẳng nên thân, đại khái nó vô tích sự giống như… mày vậy!
Tới phiên nhỏ Diệp giãy nảy:
– Này, này, anh đừng có lôi em vào đây đấy nhé!
– Ai mà thèm lôi mày! – Quý ròm cười hề hề – Tại tao thấy câu chuyện giông giống nên tao buột miệng nói chơi vậy thôi!
Biết ông anh “trả đũa” câu nói trêu của mình khi nãy, nhỏ Diệp đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nó cười gượng gạo:
– Anh kể tiếp đi! Rồi người em út làm gì với con mèo?
Đã trả được “thù”, mặt Quý ròm tươi roi rói. Nó vung tay:
– Làm gì ư? Với một con mèo như vậy thì biết làm gì bây giờ! Rốt cuộc, người em quyết định cho nó “đi bán muối”!
– Đi bán muối? – Nhỏ Diệp ngẩn tò te – Muối ở đâu mà bán?

– Nói chuyện với mày chán bỏ xừ! – Quý ròm thở đánh thượt – “Đi bán muối” ở đây tức là “đi về âm phủ” ấy. Dân chơi chợ Cầu Muối gọi là “đi bán muối”!
– Eo ôi! – Nhỏ Diệp đưa tay bụm mặt – Thế có nghĩa người em định giết chết con mèo ư?
– Thì vậy! Người em định giết mèo lột da để làm một đôi găng tay bằng lông!
Hết bụm mặt, nhỏ Diệp lại đưa tay bịt tai:
– Ôi, ác quá! Em không nghe nữa đâu!
Thái độ của nhỏ Diệp làm Quý ròm tự ái quá xá. Nó quắc mắt:
– Mày bỏ tay ra đi! Tao đã kể xong đâu!
Nhỏ Diệp lắc đầu quầy quậy:
– Kể chưa xong em cũng không nghe!
Vừa đáp nhỏ Diệp càng áp chặt hai tay vào tai khiến Quý ròm thêm điên tiết:
– Mày nhất định không chịu bỏ tay xuống phải không?
– Không! – Giọng nhỏ Diệp kiên quyết.
Tới đây thì Quý ròm gần như không nhịn được nữa. Nó đã định chồm tới giật phắt cánh tay của cô em bướng bỉnh xuống nhưng đến phút chót, đột nhiên nó bình tĩnh trở lại.
Vừa nhỏm người dậy, nó liền ngồi ngay xuống và nhếch mép gật gù:
– Thôi được, mày không muốn nghe tao kể tiếp thì thôi! Tiếc là mày sẽ không bao giờ biết được con mèo tinh khôn kia đã nói với ông chủ của nó những gì khiến ông chủ nó phải thay đổi ý định…
– Anh nói sao? – Quý ròm chưa nói dứt câu, nhỏ Diệp đã bỏ phắt tay xuống, mắt tròn xoe – Người em út rốt cuộc đã không giết con mèo của mình ư?
– Dĩ nhiên là không! – Quý ròm hừ mũi – Trong truyện này, con mèo là nhân vật chính. Giết nó đi thì còn quái gì chuyện mà kể!
– Ôi, thế mà khi nãy anh không bảo trước! – Nhỏ Diệp nói như reo, rồi nó hào hứng giục – Vậy anh kể tiếp đoạn sau cho em nghe đi!
Chỉ đợi có vậy, Quý ròm làm bộ ngạc nhiên:
– Ủa, thế vừa rồi đứa nào nói chuyện với tao thế?
Quý ròm ngơ ngác làm nhỏ Diệp ngơ ngác theo:
– Từ nãy đến giờ chỉ có em nói chuyện với anh chứ đâu có ai!
– Không phải mày! Đứa khác cơ – Quý ròm nheo mắt, tinh quái! – Mày thì bảo tao kể tiếp đoạn sau cho mày nghe, còn cái đứa khi nãy thì cứ một mực khăng khăng “em không nghe nữa đâu”, lại còn bịt mũi bịt tai như người bị rớt xuống nước ấy!
Nghe tới đây thì nhỏ Diệp hiểu ra. Nó đỏ mặt đập chân xuống nệm:
– Anh đừng có chọc em nữa có được không! Khi nãy em đâu có biết con mèo sẽ không chết!
Quý ròm lườm em:
– Muốn biết con mèo có chết hay không, mày phải lặng yên nghe tao kể nốt đã chứ! Lần sau nếu mày cứ nhảy vô họng tao mày ngồi chồm hổm như thế, tao chả thèm kể chuyện cho mày nghe nữa đâu!
Lần này thì nhỏ Diệp ngoan ngoãn một phép. Nó lại đưa hai tay lên, nhưng thay vì hùng hổ bịt tai thì chậm rãi chống vào cằm, lặng lẽ chờ…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.