Kính vạn hoa - Tập 16 - Ba lô màu xanh

Chương 1Tập 16 - Ba Lô màu xanh -


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 16 – Ba lô màu xanh – Chương 1: Tập 16 – Ba Lô màu xanh –

Chương 1
– Sắp tới chưa Tiểu Long?
Quý ròm mắt nhắm mắt mở, hỏi bằng giọng nhừa nhựa.
– Chưa! Cứ yên tâm “nướng” tiếp đi! Khi nào tới bến xe, tao sẽ gọi dậy!
Tiểu Long vừa đáp vừa lắc đầu nhìn nhỏ Hạnh. Bắt gặp ánh mắt của bạn, nhỏ Hạnh không nói gì, chỉ mỉm cười. Nó chẳng lạ gì tật say ngủ của Quý ròm. Lớn tồng ngồng rồi mà sáng nào Quý ròm cũng đợi bà nó kêu khản cả cổ, hết lay tới đập, mới chịu lồm cồm leo xuống khỏi giường. Ði đâu xa cũng vậy, hễ bước lên xe, mới nói qua nói lại được một hai câu, Quý ròm đã ngáy khò, tự nhiên và ngon lành cứ như thể đang ở trong phòng ngủ nhà mình vậy!
Thấy nhỏ Hạnh làm thinh, Tiểu Long thở dài than vãn:
– Chả biết mai mốt lớn lên, nó sẽ làm ăn ra sao! Cứ cái kiểu ngủ nghê này, chắc nó bị người ta đuổi việc sớm!
– Kệ tao mày! – Giọng Quý ròm làu bàu bên dưới cuốn sách – Mày nên lo cho cái thân mập của mày thì
hơn!
Tiểu Long nhún vai: – Tao chẳng có gì phải lo!
– Theo tao là có đấy! – Giọng Quý ròm vẫn tiếp tục vang lên.
– Lo chuyện gi?
– Lo chuyến đi Vũng Tàu lần này mày có được tắm biển thỏa thích hay không! Hay lại phải chạy loăng quăng trên bờ như lần trước!
Lời dọa dẫm của Quý ròm khiến nhỏ Hạnh phì cười:
– Quý hăm như thế, Long bỏ về thành phố lập tức cho coi!
– Mặc nó! – Quý ròm hừ mũi – Cho nó về!
Tiểu Long bĩu môi:
– Tao có phải trẻ con đâu mà mày dọa!
– Tao chẳng dọa! Rồi mày xem.
– Xem chuyện gì?
– Chuyện gì rồi mày sẽ biết!
Tiểu Long nheo mắt:
– Xem bài thơ trên vách chùa Phật nằm hả?
– Tao không nói chuyện đó!
– Hay là xem tảng đá xanh trong toà Bạch dinh?
Quý ròm “xì” một tiếng:
– Những chuyện cũ rích đó ai mà kể! Chuyện này hoàn toàn khác.
Thấy Quý ròm úp úp mở mở, nhỏ Hạnh tò mò hỏi:
– Quý nói thật hay nói chơi đấy?
– Nói thật!
– Thế đó là chuyện gì?
– Bố ai mà biết đó là chuyện gì!

Quý ròm không biết thật. Nhưng nó cũng không dọa suông. Hồi trước, dạo mò lên thành phố và tình cờ đụng độ với “đảng Chim Ưng” của Dũng cò, Mạnh bảo khi nào tụi Quý ròm trở lại Vũng Tàu, các anh chị trong nhóm Hải Âu sẽ dành cho tụi nó một trò chơi cực kỳ hấp dẫn, còn hấp dẫn gấp mấy lần trò đi tìm tòa “lâu đài ma” kỳ trước nữa.
Nhớ đến chuyện cũ, Quý ròm không khỏi cười thầm. Lần đó, suốt ngày phải lẽo đẽo đi thao Quý ròm, nhỏ Hạnh và thằng Mạnh truy lùng dấu vết của nhóm Hải Âu đến bở hơi tai, Tiểu Long than trời như bộng. Lần này, nếu nhóm Hải Âu bày trò, tình hình chắc cũng chẳng sáng sủa hơn. Nghĩ vậy nên Quý ròm cao giọng hăm he Tiểu Long. Còn nhóm Hải Âu sẽ bày trò gì để đón tiếp tụi nó, Quý ròm có tài thánh mới biết được!
Nhỏ Hạnh không hiểu điều ngoắt nghoéo đó nên nhăn nhó nói:
– Quý đùa đấy hả? Không biết chuyện gì là chuyện gì mà dám nói!
Quý ròm kéo cuốn sách ra khỏi mặt:
– Tôi không biết chuyện gì là chuyện gì thật, nhưng chắc chắn có một chuyện gì đó đang chờ đón tụi mình!
Lời tiên tri của Quý ròm nghe thật rùng rợn. Nhưng Tiểu Long lại cười khì:
– Có trời sập tao cũng chẳng sợ! Nếu gặp nguy hiểm, tao sẽ giở “thế võ Oshin” bảo bối của tao ra!
Bị thằng mập kê nguyên cái tủ buýp-phê ngay cuống họng, Quý ròm nghiến răng:
– Tao không giỡn với mày à nghen!
– Tao cũng đâu có giỡn! – Tiểu Long thản nhiên – Thế võ độc đáo này đâu phải do tao nghĩ ra!
Thấy thằng mập bữa nay mồm mép khkông thua gì mình, Quý ròm thuỗn mặt:
– Chà, chà, mày lột lưỡi tự bao giờ thế?
– Lột lưỡi? – Tiểu Long không hiểu Quý ròm muốn nói gì.
Quý ròm mỉm cười:
– Ừ, lột lưỡi nói nhiều giống như con sáo của anh em thằng Nở bên kinh Tàu Hủ ấy! Muốn lột lưỡi, con sáo phải ăn ớt, còn mày ăn gì?
Tiểu Long ngớ người chưa kịp đáp, Quý ròm đã cười hì hì:
– Hay mấy bữa nay mày tò tò đi theo nhỏ Hạnh ăn bò viên?
Tự nhiên bị Quý ròm lôi chuyện ăn uống ra chòng ghẹo, nhỏ Hạnh nguýt dài:
– Hạnh chẳng trêu gì đến “thế võ Oshin” nổi tiếng của Quý à nghen!
Nhỏ Hạnh bảo chẳng trêu nhưng nó nói vậy còn hơn là bắt kiến bỏ vào cổ áo Quý ròm.
Quý ròm nhảy nhổm trên băng ghế:
– Này, này, bộ Hạnh định hùa theo thằng mập chọc cho tôi bầm gan tím ruột mới vừa lòng chắc?
Miệng lưỡi Quý ròm đích thị là có bôi mỡ. Nó trêu nhỏ Hạnh trước, bây giờ lại ra vẻ ta là nạn nhân. Nhưng nhỏ Hạnh không thèm trả lời Quý ròm. Nó chỉ gọn lỏn:
– Chuẩn bị đồ đạc đi! Xe tới bến rồi!
Nhỏ Hạnh làm Quý ròm cụt hứng ngay tút xuỵt. Nhưng biết làm thế nào, xe đã ngoặt vào bãi đỗ. Hành khách lục đục đứng lên khỏi ghế chen nhau ra cửa. Bọn Quý ròm cũng là hành khách, vì vậy chúng tốp ngay màn cãi cọ, lật đật quơ lấy đồ đạc tuôn theo dòng người. Theo sự phân công từ trước, Tiểu Long xách túi vật dụng nằng ì, Quý ròm “phụ trách” ba lô quần áo. Nhỏ Hạnh là con gái, được ưu tiên xách chiếc giỏ nhẹ hều.
Vừa xuống khỏi xe, hành khách lập tức tản mát. Người thì leo lên xe thân nhân từ trong thành phố ra đón. Người không có thân nhân thì leo lên xích lô hoặc xe ôm. Tron gkhi mọi người hè nhau biến nhau như gió, bọn Quý ròm vẫn túm tụm lại một chỗ. Quý ròm đưa mắt ngó quanh, vẻ sốt ruột:
– Thằng Mạnh nó bảo sẽ ra đón sao chẳng thấy đâu kìa?
– Chờ một tí đi! – Tiểu Long nói – Nếu nó đã hẹn thế nào nó cũng ra!
Nghe lời bạn, Quý ròm chờ thêm một tí. Nhưng rồi nó lại nóng nảy buột miệng:
– Ðã “một tí” rồi, sao nó vẫn chưa ra?
Tiểu Long cười hì hì:

-“Một tí” đâu mà “một tí”! Mới có “nửa tí” à!
“Một tí” hay “nửa tí” là thứ đơn vị thời gian chẳng ai đo được. Vì vậy, Quý ròm chả buồn tranh cãi. Nó đặt chiếc ba lô xuống đất và thản nhiên ngồi lên đó:
– Ðược rồi! Tao sẽ đợi thêm “nửa tí” nữa!
– Trời đất! – Tiểu Long trợn mắt – Mày ngồi như vậy bẹp dúm chiếc ba lô còn gì!
Mặc cho Tiểu Long la hoảng, Quý ròm vẫn không nhúc nhích:
– Mày đừng có thét lên be be như thế! Tao là Quý ròm chứ đâu phải Long Mập mà bẹp với chả bẹp!
– Nhưng nếu Quý ngồi lên đó, quần áo thẳng thớm bên trong sẽ nhăn nhúm, bèo nhèo hết! – Nhỏ Hạnh cau mày trách.
Lời trách của nhỏ Hạnh quả là có chất lượng. Nhưng Tiểu Long bỗng nghĩ ra một câu chất lượng hơn. Nó reo lên:
– Thằng Mạnh tới kìa!
– Quả nhiên, Quý ròm bị tiếng hét của Tiểu Long dựng bật dậy hệt như dưới mông nó không phải chiếc ba lô mà là một chiếc lò xo vậy.
– Ðâu? – Quý ròm đảo mắt bốn phía, hấp tấp hỏi.
– Ðâu cái gì?
– Thằng Mạnh đâu?
Tiểu Long cười hích hích:
– Nó đâu đã tới!
Phát hiện ra mình bị gạt, mặt Quý ròm hầm hầm:
– Bộ mày không nghĩ ra được trò nào tử tế hơn hả Tiểu Long?
– Trò này chẳng có gì là không tử tế! – Tiểu Long đưa tay quẹt mũi – Bởi vì “nửa tí” chờ đợi của tụi mình đã qua lâu rồi!
– Thôi, đừng cãi qua cãi lại nữa – Nhỏ Hạnh vội lên tiếng can thiệp – Tụi mình đón xích lô về nhà đi thôi!
Ðề nghị bất ngờ của nhỏ Hạnh làm Quý ròm và Tiểu Long chưng hửng:
– Không đợi thằng Mạnh nữa hả?
– Mạnh sẽ không tới đâu!
Tiểu Long trố mắt:
– Sao Hạnh biết?
Nhỏ Hạnh điềm nhiên:
– Ðến giờ này mà Mạnh không tới có nghĩa là nó kẹt chuyện gì đó hoặc nó đã đổi ý!
Bảo thằng Mạnh kẹt công chuyện đột xuất không thể ra đón, Quý ròm còn chấp nhận được, chứ bảo thằng Mạnh bỗng dưng đổi ý nằm lì ở nhà thì Quý ròm dứt khoát không tin. Nó lắc đầu:
– Thằng Mạnh chẳng có lý do gì để đổi ý cả!
– Theo Hạnh là có!

Quý ròm nhíu mày:
– Lý do gì vậy?
– Lý do thứ nhất là tụi mình không cần Mạnh dẫn đường cũng có thể đi và nhà được! Lý do thứ hai là nếu có ra đón, Mạnh cũng chẳng thể chở cùng lúc ba người! Vậy ra đón làm gì!
– Nói như Hạnh – Quý ròm “xì” một tiếng – Ðã hẹn đón là đón, còn chở về hay cùng đi xích lô về đâu phải là chuyện quan trọng!
Nghe nhắc đến xích lô, Tiểu Long hăm hở:
– Tôi đi kêu xe đây! Lên xích lô ngồi cãi tiếp coi bộ dễ chịu hơn là đứng lì ở đây!
Nói xong, không đợi Quý ròm và nhỏ Hạnh kịp có ý kiến, Tiểu Long phom phom bước lại chỗ chiếc xích lô đậu cách đó một quãng. Quý ròm cũng uể oải đứng dậy. Thế là cuối cùng thằng oắt Mạnh đã không ra đón! Lát nữa về nhà mình phải hỏi xem tại sao nó lại dám thất hẹn với ông anh nó như thế! Quý ròm hậm hực nhủ bụng và cúi xuống định nhấc chiếc ba lô lên rảo bước theo Tiểu Long.
Nhưng trong một thoáng, Quý ròm bổng cảm thấy có điều gì đó không ổn. Nó điếng người khi nhận ra mình đang quờ tay vào khoảng không. Hệt như bị ai nện búa vào đầu, Quý ròm phải chớp chớp mắt vài lần để trấn tĩnh. Không, nó không hề hoa mắt. Chiếc ba lô nó vừa ngồi khi nãy đã tự dưng biến mất.
Chương 2
Trong đời mình, Quý ròm cũng đã nhiều lần làm biến mất đồ đạc khi biểu diễn ảo thuật. Nhưng đây là lần đầu tiên nó bị người khác làm biến mất đồ đạc của mình.
– Tiểu Long!
Ngay khi vừa phát hiện ra tình huống bất thường, phản xạ đầu tiên của Quý ròm là báo động cho thằng mập biết. Nó quên phắt nhỏ Hạnh đang đứng bên cạnh, mặt mày sửng sốt không hiểu Quý ròm mắc chứng gì mà lại hét inh ỏi giữa đường giữa sá như thế. Nghe Quý ròm la thất thanh, Tiểu Long ngạc nhiên quay đầu lại:
– Gì thế?
– Chiếc ba lô….
Chưa hết kinh hãi, Quý ròm chỉ đủ sức thốt ra ba tiếng. Nhưng Tiểu Long không cần Quý ròm nói hết câu. Vừa nghe ba tiếng cụt ngủn đó, Tiểu Long đã lia vội mắt xuống chân Quý ròm. Không thấy chiếc ba lô màu xanh quen thuộc đâu, nó xoay người nhanh như chớp, quét mắt ra bốn phía. Đến lúc này, nhỏ Hạnh mới ngỡ ngàng phát giác chiếc ba lô dưới chân Quý ròm không cánh mà bay.
– Trời đất! Chiếc ba lô mới còn đây…
Nhưng Tiểu Long không để nhỏ Hạnh phát biểu xong cảm tưởng. Nó hét giật:
– Hắn chạy đằng kia kìa! Đuổi theo mau!
Tiểu Long vừa hét vừa hối hả phóng người đuổi theo tên giật dọc. Ở phía sau, Quý ròm và nhỏ Hạnh cũng ba chân bốn cẳng vội vàng bám theo. Quý ròm vừa chạy lệt bệt vừa nhướn cổ nhìn về phía trước. Khác với cặp mắt tinh tường của Tiểu Long, Quý ròm phải nhìn một hồi mới nhận ra một bóng người đang chạy lúp xúp sau rặng cây xa tít đằng xa, trên lưng hắn quả đang cõng chiếc ba lô của Quý ròm. Tên đạo tặc rất khôn ranh. Hắn vừa chạy vừa cố ý lẩn vào đăng sau các thân cây hòng che mắt những kẻ rượt đuổi. Nhưng cũng chính vì phải di chuyển ngoằn nghoèo như vậy, lại thêm chiếc ba lô trên lưng, hắng không thể chạy nhanh được. Nhưng khổ nỗi, nếu tên giật dọc bận bịu với chiếc ba lô thì Tiểu Long lại vướng víu với chiếc túi vật dụng. Có lẽ sợ buông ra, chiếc túi xách sẽ lẳng lặng đi theo chiếc ba lô nên Tiểu Long vẫn cầm khư khư trên tay. Rốt lại, tốc độ của Tiểu Long chẳng hơn đối phương được bao lăm.
– Bỏ chiếc túi xuống cho Hạnh giữ!
Quý ròm phát hiện ra điều oái oăm đó liền gân cổ hét toáng. Quả nhiên sau khi buông chiếc túi ra theo lời Quý ròm, guồng chân của Tiểu Long nhanh nhẹn hẳn. Nó cắm đầu cắm cổ phóng vèo vèo như tên lửa. Tiếng hét oang oang của Quý ròm vừa nhắc nhở Tiểu Long nhưng cũng đồng thời đánh động tên giật dọc phía trước. Dương như đánh hơi được sự nguy ngập, hắn rướn người chạy thêm vài chục mét rồi bất thần ngoặt vào một hẻm nhỏ bên đường. Hành động đột ngột của tên giật dọc khiến Tiểu Long điếng người. Sợ đối phương trốn thoát, nó mím môi mím lợi phóng thục mạng, đôi chân nhoáng nhoàng như chong chóng. Trong nháy mắt, tên giật dọc trước Tiểu Long sau cả hai thi nhau mất hút vào trong hẻm. Quý ròm dĩ nhiên vẫn lếch thếch đằng sau như một con vịt què. Rõ ràng trời sinh nó ra không phải để bắt cướp. Biết thânt biết phận, Quý ròm không dám với cao. Nó không so sánh với Tiểu Long mà bì với nhỏ Hạnh đang thở hồng hộc sau lưng nó:
– Làm gì Hạnh chạy chậm rờ thế! Lẹ lên tiếp với Tiểu Long một tay chứ!
Mệt muốn đứt hơi, nhỏ Hạnh không thèm cãi, mặc cho Quý ròm ra oai. Thấy nhỏ Hạnh làm thinh, Quý ròm được thể làm tới:
– Hạnh xem tôi đây nè! Chạy là phải như thế chứ!
Tới đây thì nhỏ Hạnh hết chịu nổi. Nó khịt mũi:
-Xem rồi! Quý chạy giống hệt con rùa!
Ví von của nhỏ Hạnh làm Quý ròm muốn khóc thét. Nó nghiến răng ken két:
– Nè, nè, đừng ỷ mình là con gái rồi muốn nói gì thì nói à nghen! Thằng này …
Nhưng Quý ròm chưa kịp trút hết cơn giận đã phải im bặt: hai đứa cãi qua cãi lại một hồi đã tới đầu hẻm lúc nào không hay.
Vừa đánh mắt vào bên trong, Quý ròm đã nhìn thấy ngay Tiểu Long. Tiểu Long đứng một mình. Tên giật dọc khi nãy biến đâu mất tiêu. Nhưng điều khủng khiếp nhất là cả chiếc ba lô đựng quần áo cũng chẳng thấy đâu. Như vậy có nghĩa là Tiểu Long không đuổi kịp đối phương. VÀ như vậy cũng có nghĩa là những ngày sắp tới Tiểu Long, nhỏ Hạnh và Quý ròm chả đào đâu ra quần áo để mặc. Viễn ảnh u ám đó khiến miệng Quý ròm mếu xệch. Nó hấp tấp lao vào hẻm, giọng hớt hải:
– Không bắt được tên kia hả?
Câu hỏi của Quý ròm rõ là thừa. Và vì là thừa nên Tiểu Long không buồn đáp lại. Nó vẫn đứng trầm ngâm nơi cuối hẻm, tay khoanh trước ngực, bộ tịch có vẻ đang lo ghĩ ghê lắm. Con hẻm mà tên giật dọc chuồn vào không phải là con hẻm cụt. Cuối hẻm nơi Tiểu Long đang đứng thừ người có một bức tường chắng ngang. Men theo bờ tường là hai con đường nhỏ rẽ về hai phía. Có lẽ Tiểu Long đang phân vân không biết nên đuổi theo hướng nào. Bây giờ nhỏ Hạnh đã đứng ngay sau lưng Tiểu Long. Mặt nhỏ Hạnh cũng chảy dài như mặt Quý ròm. Nó gắng gượng hỏi:
– Long không thấy tên đó chạy về hướng nào hả?
– Không! – Tiểu Long lắc đầu – Hắn chạy nhanh quá! Hơn nữa ngóc ngách trong này rất chằng chịt!
Rồi khẽ phác tay một vòng, Tiểu Long ngán ngẩm nói:
– Hai đường hẻm này còn thông ra nhiều con hẻm khác nữa! Sa vào đây như sa vào bát quái trận!
– Thế bây giờ mình phải làm sao?

Nhỏ Hạnh vốn là đứa siêu thông minh. Nhưng trước tình hình đột biến như thế này, nó không thể nào giữ nổi bình tĩnh. Bọn con trai như Tiểu Long, Quý ròm không có quần áo thay cũng chẳng đến nỗi lúng túng. Nhưng con gái như nó gặp phải cảnh này thì đúng là chỉ có khóc. Nhỏ Hạnh không khóc. Nó chỉ hỏi. Và câu hỏi của nó làm Tiểu Long ngớ ra:
– Câu này lẽ ra để cho tôi hỏi Hạnh chứ đâu phải để cho Hạnh hỏi tôi!
Tiểu Long nói đúng quá xá khiến nhỏ Hạnh không biết nên mếu hay nên cười. Quả là trước nay gặp những tình huống nan giải, chỉ có Tiểu Long hỏi, còn nó với Quý ròm giải đáp. Nhưng lần này sự thể bỗng dưng đảo ngược. Như nhận ra sự bối rối quá mức của mình, nhỏ Hạnh chớp mắt, bẽn lẽn:
– Thì ai hỏi ai chẳng được! Miễn sao có cách tìm ra chiếc ba lô thôi chứ!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
– Hay là tụi mình …
– Tụi mình sao?
Tiểu Long ngập ngừng:
– Tụi mình…báo công an!
Ðề nghị của Tiểu Long khiến nhỏ Hạnh cười khúc khích:
– Tưởng Long học tập ai không ngờ lại đi học thằng oắt Mạnh! Hở một tí là báo công an!
Trong khi Tiểu Long đang đỏ mặt tía tai thì Quý ròm đột ngột nói:
– Tôi có một cách!
Khi nãy hỏi một câu không được Tiểu Long đáp trả, Quý ròm tức mình không thèm mở miệng nữa, chỉ đứng yên đưa mắt quan sát “hiện trường”. Bây giờ không hiểu nghĩ ra được mẹo gì, nó lại hăm hở lên tiếng. Chiếc phao Quý ròm vừa tung ra khiến Tiểu Long và nhỏ Hạnh mừng quýnh:
– Cách gì thế?
Quý ròm nghiêm trang:
– Quay về thành phố Hồ Chí Minh mua lại chiếc ba lô khác!
Mặt Tiểu Long vừa rạng lên vụt tối sầm:
– Dẹp mày đi!
Còn nhỏ Hạnh thì nhăn như bị:
– Giờ này mà Quý còn đùa được hả?
– Tôi không đùa! – Quý ròm nói mà không cười – Nếu các bạn không đồng ý cách thứ nhất thì tôi có cách thứ hai!
Nhỏ Hạnh cố nén bực mình:
– Cách thứ hai là cách gì?
– Ðó là chúng ta không cần đuổi theo tên khi nãy nữa!
Quý ròm càng hiến kế Tiểu Long càng muốn khóc. Nó bứt tai:
– Tưởng mày nghĩ ra cách đuổi theo tên giật dọc, chứ nghĩ ra cách không đuổi theo thì tao nghĩ cũng được, cần quáy gì tới mày!
– Rõ là đồ ngốc tử! – Quý ròm lườm bạn – Tao đã nói hết đâu!
Bị mắng là “ngốc”, Tiểu Long ức lắm nhưng vì nóng lòng nghe Quý ròm trình bày tiếp kế hoạch, nó đành nhẫn lại làm thinh.
– Tụi mình không cần đuổi theo tên khi nãy nhưng vẫn có thể tóm được hắn và lấy lại chiếc ba lô!
– Quý ròm lại khoa tay hùng hồn “diễn thuyết”.
– Nhưng muốn vậy, chúng ta không nên khờ khạo tìm kiếm ở hai bên mà phải nhìn thẳng vào bức tường!
Thấy thằng ròm hết mắng “ngốc” lại tìm cách xỏ xiên mình là “khờ khạo”, Tiểu Long khịt mũi trả đũa:
– Nhìn vào bức tường xem có lỗ thủng nào không để chui qua bắt trộm chứ gì?
– Lại nhanh nhẩu đoảng! – Quý ròm nheo mắt – Thì mày cứ nhìn thẳng vào bức tường theo lời tao đi!
Tiểu Long chưa kịp làm theo lời Quý ròm thì nhỏ Hạnh như sực nghĩ ra chuyện gì liền buột miệng “à” một tiếng và quay phắt người lại. Quả như suy đoán của nó, trên bức tường trước mặt lờ mờ một bài thơ năm chữ. Bài thơ viết bằng phấn trắng trên nên tường xanh nhạt, nếu không để ý khó ai có thể nhận ra. Nhưng bài thơ trên vách không phải là điều đáng kinh ngạc nhất. Cái làm nhỏ Hạnh há hốc miệng là ký hiệu ở bên cạnh bài thơ: Hình vẽ một con chim hải âu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.