Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 15 – Thi sĩ hạng ruồi – Chương 8
Chương 8
Rồi cũng đến ngày nhỏ Diệp phát giác ra nhà thơ Bình Minh “chưa lên mà đã xuống” kia chính là ông anh bảo bối của mình.
Phải nói trên con đường quanh co dẫn đến tòa lâu đài thi ca xa vời vợi kia, Quý ròm đã rất cảnh giác khi không để lại một dấu vết nhỏ nào. Nó bí mật làm thơ trong căn phòng đóng chặt cửa, bí mật ra bưu điện bỏ thư, bí mật mò lên tòa báo giữa trưa đứng bóng. Và cuối cùng bí mật dò tìm trên những trang báo đời đời không chịu đăng thơ của nó.
Nhưng dù cực kỳ cẩn thận, Quý ròm vẫn quên một chi tiết quan trọng: những bài thơ viết nháp.
Tất nhiên Quý ròm không cẩu thả đến mức vứt những bản nháp kia bừa bãi khắp nơi. Nó kẹp những bài thơ vào trong một cuốn sách, coi như là kỷ niệm của những ngày đầu tập tễnh trên con đường… trở thành nhà thơ lớn, ít ra là lớn hơn thi sĩ mầm non Lan Kiều.
Nhưng đúng như ông bà nói “họa vô đơn chí”, trong khi nhà thơ ròm tuyệt vọng hiểu rằng mình sẽ chẳng bao giờ trở thành nhà thơ lớn nổi thì những kỷ vật tuyệt mật kia lại xui xẻo bị nhỏ em tinh quái bắt gặp.
Ngay cả nhỏ Diệp cũng không ngờ có ngày mình lại vớ được một món bở như thế.
Hôm đó nhằm ngày thứ năm, nhỏ Diệp được nghỉ. Bình thường dù có được nghỉ, nhỏ Diệp cũng chẳng tọc mạch chui vào phòng học của ông anh mình làm gì. Nhưng xui cho Quý ròm nhà ta, đúng vào cái ngày “định mệnh” đó, nhỏ Diệp phải giải một bài toán về vận tốc thầy Nhãn mới cho về nhà. Giải hoài không xong, chờ ông anh “thần đồng toán” đi học về thì lâu quá, nhỏ Diệp bèn xộc vào phòng Quý ròm.
Đang lục lọi kệ sách để tìm xem có cuốn nào nói về các phép đo thời gian hay không thì nó bỗng thấy những tờ giấy rời từ một cuốn sách rơi ra.
Thoạt đầu nhỏ Diệp không nghĩ đó là những bài thơ. Nhưng khi nó nhặt lên định nhét trở vào trong sách thì mắt nó bỗng bắt gặp những dòng chữ ngay hàng thẳng lối và tẩy xóa chi chít, bèn vội vàng đưa một tờ lên sát mắt, tò mò xem thử.
Chỉ đọc thoáng qua hai, ba dòng đầu, nhỏ Diệp đã bật ngửa. Hóa ra đó là bài thơ “Lớp em” của nhà thơ Bình Minh mà hôm trước báo Khăn Quàng Đỏ đã trích ra để phê bình, góp ý.
Bụng giật đánh thót một cái, nhỏ Diệp hấp tấp lật sang những tờ kế tiếp. Quả như suy đoán của nó, những tờ giấy này là bản nháp của các bài “Nhà em”, và “Khu vườn của em”.
Như vậy là đã rõ! Bình Minh không phải ai xa lạ! Chính là ông anh mình! Vậy mà trước đây mình hỏi, anh Quý cứ một mực chối bay chối biến! Lại còn bảo mua báo Khăn Quàng Đỏ chỉ vì thích mục “Nhà khoa học trẻ” nữa chứ! Hừ, mình bị lừa mà cứ cắm đầu tin lấy tin để, hệt như một con ngốc! Thật tức chết đi được!
Không nói không rằng, nhỏ Diệp hối hả gấp những “báu vật trời cho” này lại và bỏ tọt vào túi áo, với cái vẻ hớn hở của một viên thanh tra tưởng đã không đời nào khám phá nổi vụ án bỗng nhiên thộp được một chứng cớ quan trọng của tên thủ phạm hớ hênh.
Xong, nhỏ Diệp vui vẻ nhảy chân sáo ra khỏi phòng, vui vẻ ca hát, vui vẻ ngồi dán mắt ra cổng đợi… thi sĩ Bình Minh.
Quý ròm không biết tai họa đang chờ mình ở nhà. Trưa trờ trưa trật, nó mới thất thểu về tới, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Chưa nguôi cơn bực tức ở lớp, vừa đặt chân qua cửa, nó đã ném phịch người xuống chiếc ghế nệm giữa phòng khách, miệng làu bàu:
– Thật tức chết đi được! Đúng là bọn rỗi hơi! Lúc nào cũng Bình Minh với Bình Miếc! Làm như trên thế giới này chẳng còn đề tài nào để nói nữa hay sao ấy!
Đang nóng lòng trêu ông anh về mấy tờ “tang vật” vừa tóm được nhưng thấy thái độ của Quý ròm như thế, nhỏ Diệp cố kiềm lại, tò mò hỏi:
– Làm gì mà anh cau có ghê thế?
– À, à! Có gì đâu! – Phát hiện nhỏ Diệp đang nhìn chòng chọc vào mình, Quý ròm hoảng hồn lấp liếm.
– Anh đừng giấu em! – Nhỏ Diệp hấp háy mắt – Em mới nghe anh nói cái gì Bình Minh Bình Miếc đó!
Có một đứa em tai thính như tai mèo quả là khổ! Quý ròm than thầm và trớ nhanh như máy:
À, tao đang bực mình mấy đứa trên lớp! Bữa nay, trời mới… bình minh, chúng nó đã bắt tao vào trường trực sinh rồi!
Nhìn cặp mắt đảo lia đầy vẻ “gian xảo” của ông anh, nhỏ Diệp che miệng cười hí hí:
– Anh chỉ phịa! Ý anh nói vừa rồi không phải vậy?
Quý ròm hừ mũi:
– Ý tao nằm ở trong đầu tao chứ có nằm trong đầu mày đâu mà mày biết!
– Nhưng mà em biết!
– Đừng dóc!
– Em chẳng dóc! – Nhỏ Diệp thản nhiên đáp – Em biết vừa rồi anh nói đến chuyện nhà thơ Bình Minh chứ chẳng phải chuyện trực sinh gì sất!
Mặt Quý ròm bất giác đổi sắc. Nó biết đến nước này càng chối chỉ càng tổ rách việc.
– Ờ, ờ, quả có thế thật! – Quý ròm quyết định dùng kế “trá hàng” – Sáng nay tụi “tứ quậy” lớp tao cứ lôi tay Bình Minh ra châm chọc, thằng này lại hiền như bụt không dám cãi lại nửa lời. Tao thấy tội tội tính lên tiếng bênh vực nhưng chưa kịp nói gì thì đã có trống vào học mất! Không choảng được tụi “tứ quậy” lắm mồm đó một trận, đến giờ vẫn còn tức!
Nghe ông anh huênh hoang về việc định ra tay nghĩa hiệp bênh vực cho nhà thơ Bình Minh, nhỏ Diệp tức cười quá xá. Nhưng ngoài mặt nó vẫn làm bộ ngờ nghệch:
– Ủa, lớp anh đã biết nhà thơ Bình Minh kia là ai rồi hả?
– Chưa biết! – Quý ròm thở dài – Chả đứa nào chịu nhận mình là Bình Minh cả!
Nhỏ Diệp láu lỉnh hỏi tiếp:
– Nếu vậy sao anh biết Bình Minh là con trai, lại hiền như bụt nữa?
– Ờ, ờ, tao đoán thế! – Quý ròm lúng túng – Tụi “tứ quậy” lôi thơ nó ra nói hành nói tỏi, giễu cợt châm chích suốt mà nó chẳng hề lên tiếng, vậy chả phải hiền như bụt là gì! Còn sở dĩ tao đoán nó là con trai bởi vì nếu là con gái, nó đã khóc rấm ra rấm rức hoặc giãy nảy lên trước những trò nhạo báng độc địa của tụi kia rồi!
Nhỏ Diệp càng nghe càng động tính hiếu kỳ:
– Tụi kia nhạo báng như thế nào mà anh bảo là độc địa!
– Ôi, mày không hình dung được đâu! – Quý ròm phẩy tay, vẻ hậm hực – Tụi nó bày đủ trò ác ôn, nhất là thằng Lâm cầm đầu kia!
Câu trả lời lấp lửng của Quý ròm khiến nhỏ Diệp càng thêm nôn nao. Nó nuốt nước bọt:
– Anh chàng Lâm kia đã bày trò gì?
Quý ròm thật chẳng muốn nhắc lại những trò trêu cợt của tụi thằng Lâm chút nào. Nghe nhỏ Diệp hỏi, nó chỉ gọn lỏn:
– Nó đọc thơ!
– Đọc thơ?
– Ừ.
Nhỏ Diệp không hiểu:
– Đọc thơ thì có gì đâu mà ác ôn?
– Mày chả biết cóc khô gì cả! – Quý ròm nổi nóng – Nó đọc thơ nhưng là đọc thơ để chọc!
Thấy ông anh tự dưng quạu quọ, nhỏ Diệp đâm chột dạ. Mãi một hồi nó mới dè dặt hỏi tiếp:
– Anh chàng Lâm đó đọc thơ của Bình Minh hả?
– Không! – Mặt Quý ròm vẫn hầm hầm – Nó đọc thơ của nó!
Ông anh càng “giải đáp thắc mắc”, cô em càng cảm thấy rối rắm. Nhỏ Diệp trố mắt, giọng nó như người vừa từ cung trăng xuống:
– Ẳnh đọc thơ của ảnh thì có gì là độc địa?
– Nói chuyện với đứa ngốc như mày chán bỏ xừ!
Đang gắt gỏng, chợt nhác thấy vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ em, Quý ròm cảm thấy tội tội, bèn tặc lưỡi giải thích:
– Thằng Lâm nó đọc thơ nó làm, nhưng như tao đã nói với mày khi nãy, nó đọc thơ là để chọc thằng Bình Minh chứ không phải đọc khơi khơi, mày hiểu chưa?
Nhỏ Diệp mau mắn:
– Hiểu!
Quý ròm gật gù:
– Hiểu thì tốt! Hóa ra mày cũng không đến nỗi ngốc lắm!
Nhưng mặt mày Quý ròm vừa tươi lên đã vội xẹp ngay xuống khi nhận thấy nhỏ Diệp vẫn chưa thỏa mãn với sự “hiểu biết” ít ỏi đó.
– Thế những bài thơ đó như thế nào? – Nhỏ Diệp có vẻ muốn đi đến cùng.
– Những bài thơ đó hả?
Quý ròm ấp úng hỏi lại. Thoạt đầu nó định chối phắt là mình không nhớ nhưng lại sợ con nhỏ tinh ý này ngờ vực. Rốt cuộc, sau một hồi tính lợi tính hại, nó quyết định kể tất tần tật, ra vẻ cái tay Bình Minh này chẳng liên quan gì đến mình, ai bảo làm thơ dở thì ráng chịu! Thế là Quý ròm hít vào một hơi dài, bấm bụng tường thuật:
– Thằng Lâm nó tự xưng nó là… thi sĩ Hoàng Hôn. Và nó nhảy ra giữa lớp đọc những bài thơ như thế này này…
Quý ròm kể bằng giọng rầu rầu nhưng nhỏ Diệp lại cười phá lên từng chặp. Khi nghe đến đoạn “Lớp em – Không khí – Thật là – Trong lành – Lớp em – Đá banh – Thật là – Bá phát” thì nó không nhịn đuợc, ôm bụng cười ngặt cười nghẽo.
Còn đến chỗ thi sĩ Hoàng Hôn nhại thơ lục bát của thi sĩ Bình Minh để sáng tác bài “Đám giỗ nhà em” thì nhỏ Diệp không đủ sức để cười ra tiếng nữa. Nó tựa người vào thành ghế, ngửa mặt lên trời kêu “hức hức” như người sắp chết sặc.
Quý ròm tức nhiên không nhếch mép. Nó đang rầu thúi ruột. Đã trót đóng vai người ngoài cuộc, nó không dám quát tháo nhỏ em.
Ngực nặng như đeo đá, Quý ròm chỉ biết ngồi im đưa cặp mắt lo lắng nhìn nhỏ Diệp đang chống tay từ từ gượng dậy.
Quý ròm chẳng lạ gì cô em tinh quái của mình. Hôm trước báo Khăn Quàng Đỏ phê bình thơ Bình Minh sát ván, nhỏ Diệp đã hùa theo chê nhà thơ tội nghiệp này tối mày tối mặt. Bữa nay, sau khi “thưởng thức” mấy bài trào phúng độc địa của thi sĩ Hoàng Hôn, lẽ nào nhỏ Diệp lại chịu làm thinh?
Quý ròm phập phồng chờ đợi. Nó đang chờ sấp sét giáng xuống đầu nó, à quên, giáng xuống đầu… nhà thơ Bình Minh.
Trong khi Quý ròm nhìn lom lom cô em thì nhỏ Diệp cũng đang nhìn lom lom ông anh. Cả hai yên lặng nhìn nhau, không ai nói một lời.
Mãi một lúc lâu, nhỏ Diệp mới đưa tay lên quẹt nước mắt:
– Em ghét cái ông Hoàng Hôn này!
Câu phát biểu của nhỏ Diệp làm Quý ròm sửng sốt. Nó như không tin vào tay mình:
– Mày nói sao?
– Em nói em ghét cái ông Hoàng Hôn trong lớp anh!
Quý ròm vẫn không nắm bắt được ý nghĩ của nhỏ Diệp. Nó gãi gãi đầu:
– Sao mày lại ghét nó?
Nhỏ Diệp mím môi:
Những kẻ cười cợt trên nỗi đau khổ của người khác đều đáng ghét!
Nhỏ Diệp khiến Quý ròm ngạc nhiên quá đỗi. Con nhỏ này nó từ bi phật tổ tự lúc nào vậy kìa? Quý ròm nhủ bụng và phân vân hỏi lại:
– Mày nói thật đấy hở?
– Thì thật chứ sao! – Nhỏ Diệp chép miệng – Em ghét cái ông Hoàng Hôn này kinh khủng! Còn anh chàng Bình Minh kia tội nghiệp ghê!
Một lần nữa, nhỏ Diệp lại làm Quý ròm xúc động quá xá cỡ. Nó không ngờ đứa em lém lỉnh không thua gì mình, thường ngày chỉ biết nhõng nhẽo, trêu chọc người khác bữa nay bỗng nhiên lại tỏ ra thông cảm sâu sắc với cảnh ngộ éo le của nhà thơ Bình Minh, cứ như thể đứa đang ngồi trước mặt nó không phải là nhỏ Diệp mà là một bà tiên đang đội lốt vậy!
Dĩ nhiên Quý ròm hoàn toàn không hay biết bí mật của nó đã bị nhỏ em phát giác. Nó cũng không hay biết khi ngồi ngóc cổ đợi nó đi học về với những bài thơ nháp thủ sẵn trong túi áo làm bằng chứng, thực ra nhỏ Diệp chỉ chực chờ tìm cách trêu ghẹo ông anh của mình.
Nhưng ở đời đôi khi trong cái rủi cũng xen lẫn không ít cái may. Khi nghe Quý ròm ảo não thuật lại cảnh nhà thơ Bình Minh đã bị bạn bè trên lớp đem ra bỡn cợt, chế nhạo khốn khổ như thế nào, nhỏ Diệp bất giác đâm mủi lòng. Nó không ngờ ông anh còm nhỏm còm nhom của nó phải im lặng è mớ xương sườn ốm o ra để hứng chịu những đoàn búa tạ như thế.
Mặc dù mọi người có thể không biết Bình Minh là ai, nhưng anh nó tất phải cảm thấy những bài thơ châm chích của tay thi sĩ Hoàng Hôn kia đang đâm thẳng vào trái tim mình. Nếu là nó, chắc chắn nó sẽ khóc nấc, sẽ bụm tai ù chạy về nhà, sẽ cương quyết nghỉ học và năn nỉ ba mẹ xin chuyển sang trường khác. Vậy mà anh nó đã phải cắn răng nén nỗi đau xuống tận đáy lòng, vẫn phải cố giữ vẻ thản nhiên vui đùa cùng chúng bạn. Trong khi đó, nó lại nhẫn tâm ngồi phục sẵn ở nhà để lăm le ra tay làm khổ ông anh đáng thương của nó thêm một lần nữa, thật ác ghê!
Trước nay, nếu có ai hỏi nhỏ Diệp rằng nó có thương anh Quý của nó không, hẳn nhiên nó sẽ trả lời ngay là có. Nhưng nếu hỏi tiếp thương như thế nào chắc chắn nó sẽ cà lăm ngay tút xuỵt. Cái sự thương vốn rất mơ hồ, khó ai diễn tả được rành mạch. Nhưng bửa nay thì nhỏ Diệp đã cảm nhận điều đó một cách cụ thể, rõ ràng.
Nhỏ Diệp biết là nó đang rất thương anh nó. Những câu thơ khôi hài của tay Hoàng Hôn kia quả có khiến nó cười lăn bò càng, nhưng nó cười bởi vì nó không thể nhịn cười, chứ thật ra trong lúc đang cười nấc lên như thế, lòng nó bứt rứt và thương cảm ghê lắm.
Quý ròm có tài thánh mới hòng đọc được những diễn biến trong đầu em mình. Vì vậy khi thấy nhỏ Diệp cười nghiêng cười ngửa trước những câu thơ của thằng Lâm, nó đinh ninh sau khi dứt tràng cười, thế nào nhỏ Diệp cũng sẽ hùa theo giọng điệu hài hước của mấy bài thơ để chích thêm vài phát vào trái tim đang “rướm máu” của mình.
Nhưng nhỏ Diệp đã dắt Quý ròm đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Quý ròm bỗng chốc sướng rơn. Nỗi phấp phỏng ban đầu đã bay biến đâu mất. Nghe nhỏ Diệp tội nghiệp nhà thơ Bình Minh, nó hùa theo ngay, mặt tươi như hoa:
– Ừ, tội nghiệp tay Bình Minh này ghê! Chính vì vậy mà tao đã định “choảng” nhau với tụi thằng Lâm để che chở cho nó!
Nhỏ Diệp mỉm cười:
– Nếu em là anh, em cũng làm như vậy!
Thấy có người hào hiệp bênh vực “mình”, Quý ròm bất giác nghe cay cay nơi song mũi. Tự dưng nó nói:
– Thực ra cũng tại những bài thơ của tay Bình Minh này quá ngô nghê…
– Mới bắt đầu làm thơ, ai mà chả viết như thế? – Nhỏ Diệp ngắt lời, bụng ngạc nhiên không hiểu tại sao bữa nay ông anh mình nhún nhường làm vậy.
Quý ròm không nhận thấy vẻ ngạc nhiên ánh lên trong mắt nhỏ em. Nghe nhỏ Diệp cứ chăm chăm bào chữa hết lần này đến lần khác cho nhà thơ Bình Minh “xa lạ” nọ, Quý ròm thấy người lâng lâng khoan khoái làm sao! Nó tưởng nó đang ngồi trên chín tầng mây.
Từ trên mây, nó tít mắt, nói giọng hào phóng:
– Mày có bài toán nào kho khó đưa tao giảng giùm cho!