Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 15 – Thi sĩ hạng ruồi – Chương 6
Chương 6
Quý ròm ra về lầm lũi, sau sự cố xảy ra hồi đầu giờ, suốt bốn tiết học còn lại sau đó, đầu óc nó chẳng tập trung được mảy may. Lởn vởn trong đầu nó là những lời trêu chọc độc địa của thằng Lâm và đồng bọn.
Ngay cả sự bênh vực lúng túng của nhỏ Hạnh cũng chẳng làm nó vui lên được tí nào. Ngược lại nó càng ê chề thêm.
Quang cảnh hồi sáng xem ra chẳng khác nào quang cảnh ở… tòa án. Thằng Lâm và đồng bọn chính là những công tố viên thâm hiểm. Nhỏ Hạnh trong vai một luật sư vụng về. Còn nó, nó đóng vai một tên tội phạm lóng ngóng đáng thương, chỉ biết ngồi trơ mắt ếch cho “công lý” mặc tình xét xử! Mà nó đã làm gì nên tội kia chứ! Làm thơ, dẫu là làm thơ dở, đâu phải là một “tội ác”!
Càng nghĩ, Quý ròm càng cảm thấy cuộc đời sao đầy rẫy những đắng cay và bất công. Trong cơn phẫn uất tối tăm mặt mũi, nó không hiểu rằng chính lòng tự ái và sự sĩ diện hão đã làm hại nó. Nếu nó không cố tranh hơn thua với “thi sĩ mầm non” Lan Kiều để nhắm mắt nhắm mũi nhảy bừa vào một lãnh vực hoàn toàn lạ lẫm với mình thì đã chẳng xảy ra chuyện. Nhưng ngay cả khi đã quyết đi theo con đường thi ca đầy gai gốc đó, nếu nó bình tĩnh đón nhận những lời góp ý thẳng thắn của tờ báo, bình tĩnh thừa nhận sự kém cỏi của mình để từ từ tìm cách vươn lên, đừng tìm cách giấu giếm hành tung để tạo nên một “vụ án” ly kỳ bí mật thì tụi thằng Lâm dù có trêu, tình hình sáng nay cũng chẳng ra dáng một phiên tòa! Chỉ tại nó cả thôi!
Nhưng lúc này Quý ròm nhà ta không nhận ra được điều đó. Nó ra về mặt hầm hầm khiến Tiểu Long và nhỏ Hạnh đang lẽo đẽo bên cạnh không đứa nào dám hó hé một câu.
Mãi một lúc, không nén được, Tiểu Long ngập ngừng buộc miệng:
– Mặc kệ tụi nó, mày ơi! Tức làm quái gì!
Quý ròm vẫn không hé môi. Nó làm như không nghe thấy câu nói của Tiểu Long.
Thái độ lầm lì của thằng ròm làm Tiểu Long nhăn mặt. Nó khẽ liếc nhỏ Hạnh một câu rồi nói tiếp:
– Nếu mày không phải là Bình Minh thì thôi, việc quái gì phải để bụng!
Lần này Quý ròm không ngậm tăm nữa. Nó quay ngoắt sang Tiểu Long, xẳng giọng:
– Thế nếu tao chính là Bình Minh thì sao?
– Ơ! – Phản ứng bất thần của Quý ròm làm Tiểu Long thuỗn mặt ra – Mày là Bình Minh thật hả?
Rồi không đợi Quý ròm xác nhận, nó bỗng reo lên:
– À, tao nhớ rồi! Hôm trước nhỏ Hạnh có bảo tao là dạo này mày đang muốn trở thành thi sĩ mà tao quên khuấy đi mất!
Tiểu Long là đứa thật thà. Câu nói của nó cũng thật thà.Nhưng lúc này câu nói của nó làm Quý ròm nhức xương quá xá! Lòng dạ đang rối bời, Quý ròm nhìn đâu cũng tưởng thiên hạ đang thi nhau châm chọc mình. Mặt nó thoáng sa sầm:
– Thi sĩ cái đầu mày! Đây là Hạnh chỉ đùa thôi!
– Đùa?
– Chứ sao!
Miệng Tiểu Long càng há hốc:
– Nghĩa là mày không phải là Bình Minh?
Quý ròm nhếch mép:
– Đương nhiên là không phải?
Tiểu Long nhíu mày:
– Thế sao cái bài “Nhà em” nghe giống hệch nhà mày vậy?
Quý ròm lại nổi khùng:
– Giống cái đầu mày! Nhà nào mà chẳng giống nhà!
Thấy bạn mình đáp ngang như cua, Tiểu Long ngứa miệng tính cãi nhưng trông bộ tịch đằng đằng sát khí của Quý ròm, nó liền chột dạ làm thinh.
Nhỏ Hạnh lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề:
– Quý đã bảo không phải thì cứ cho là không phải, Long thắc mắc làm gì cho mệt!
Rồi nó cười khúc khích:
– Làm thơ nhiều chữ mới khó chứ nếu cứ viết hai chữ rồi xuống hàng như bài “Lớp em” thì cả khối người làm được, đâu nhất thiết phải là Quý!
Nghe nhỏ Hạnh “phân tích”, Tiểu Long tin ngay. Nó gục gặt đầu một cách hồn nhiên:
– Ờ há!
Chỉ Quý ròm là giật mình thon thót. Nó biết nhỏ Hạnh chỉ làm bộ làm tịch. Nhỏ Hạnh nhắc lại câu nói của nó bữa trước không phải để bênh nó mà chính là để trêu nó. Nhưng có Tiểu Long đứng đó, Quý ròm không tiện gây sự.
Quý ròm bấm bụng nín nhịn. Từ lúc đó cho đến khi về tới nhà, nó cắm cúi bước, chả buồn nói thêm một tiếng nào, không cả đáp lại lời chào của nhỏ Hạnh khi cô bạn gái rẽ ngoặt chỗ góc phố đầu tiên. Với thằng Tiểu Long khờ khạo cũng vậy, lúc hai đứa chia tay chỗ ngã ba Cây Điệp, thằng mập nói “Về nhé!”, Quý ròm cũng chẳng buồn ừ hử.
Quý ròm mong chóng về đến nhà. Nó mong chóng thoát khỏi sự “tra tấn” của lũ bạn trên trường. Nó mong được nghỉ ngơi biết bao!
Đang bấn loạn, Quý ròm quên phắt rằng nhà nó không phải là chỗ trú ẩn an toàn trong những tình huống như thế này. Đang nôn nao chờ đón nó ở nhà là nhỏ Diệp tinh quái.
Vừa thấy Quý ròm ló mặt qua khỏi cổng là nhỏ Diệp nhảy bổ ra ngay. Làm như nó nấp đâu sẵn sau kẹt cửa.
– A, anh Quý! Em biết rồi! Em biết rồi! – Nhỏ Diệp vừa chạy vừa reo.
Quý ròm lừ mắt:
– Làm gì mà mày la toáng thế? Mày biết gì?
Nhỏ Diệp nheo nheo cặp mắt láu lỉnh:
– Em biết tại sao dạo này anh thường mua báo Khăn Quàng Đỏ rồi!
Câu nói của nhỏ em khiến Quý ròm điếng người. Thôi rồi, không khéo con nhỏ này phát hiện ra hành tung của mình cũng nên! Vừa than thầm, Quý ròm vừa cố giữ vẻ thản nhiên:
– Thì tao chả bảo mày rồi là gì! Tao đọc mục “Nhà khoa học trẻ”!
– Xì! Anh đừng giấu em! – Nhỏ Diệp chun mũi – Chả phải anh đọc mục “Nhà khoa học trẻ”! Anh làm thơ!
Quý ròm có cảm giác như ai đang gõ búa lên đầu mình. Nó nhăn hí:
– Tao chẳng hiểu mày nói gì cả!
Mặt nhỏ Diệp vẫn nhơn nhơn:
– Anh hiểu mà anh làm bộ đó thôi! Anh là nhà thơ Bình Minh!
– Trời đất! – Quý ròm kêu lên bằng giọng oan ức – Hồi sáng tụi bạn trên lớp cũng bảo như thế, bây giờ lại đến phiên mày! Đúng là thế giới này hóa điên hết rồi!
– Em chả điên đâu! – Nhỏ Diệp khăng khăng – Em tin chắc Bình Minh là anh! Bài “Nhà em” tả giống y như nhà mình!
Lập luận của nhỏ Diệp không khác lập luận của Tiểu Long một mảy. Quý ròm bèn giở mửng cũ:
– Nhà nào chẳng giống nhà!
Nhỏ Diệp cười hì hì:
– Nhưng đây là nhà mình! Bởi tác giả bài thơ là học sinh lớp 8A4!
Quỷ tha ma bắt cái lớp 8A4 này đi! Quý ròm rủa thầm và bất giác giận mình kinh khủng. Đã muốn giấu mọi người chuyện làm thơ làm thẩn mà viết thư cho tòa báo lại hiên ngang để tên trường tên lớp, thật ngu ơi là ngu! Nếu không có cái địa chỉ sờ sờ như chọc vào mắt thiên hạ này, còn lâu mọi người mới nghi ngờ và thay nhau “làm khổ” mình!
Nhưng hối hận thì đã muộn, bây giờ Quý ròm chỉ còn cách làm sao cố phá tan nỗi ngờ vực vừa chớm lên trong cái đầu ương bướng của nhỏ em cực kỳ ngoan cố này. Nó làm bộ thở dài:
– Mày ngốc quá! Lớp 8A4 thì 8A4 chứ! Trong lớp tao thiếu gì đứa biết làm thơ và thiếu gì đứa có bà, có anh giống như tao vậy!
Bộ tịch thiểu não của ông anh khiến nhỏ Diệp chợt động lòng. Nó nhìn Quý ròm lom khom:
– Bộ anh không phải là Bình Minh thật hả?
Bụng mừng rơn nhưng ngoài mặt Quý ròm vẫn làm bộ tỉnh:
– Thì tao đã nói với mày ngay từ đầu rồi! Tao không phải là Bình Minh! Trước nay tao có làm thơ bao giờ đâu!
Cặp mắt nhỏ Diệp đảo lia:
– Thế anh có biết Bình Minh là ai không?
– Tao cũng chả biết! – Quý ròm chớp mắt – Ở trên lớp tụi nó cũng đang điều tra nhưng chưa ra!
– Điều tra? – Nhỏ Diệp ngạc nhiên – Sao lại phải điều tra?
– Tại sao hả? – Quý ròm đâm lúng túng – Thì tại vì… tại vì chẳng đứa nào nhận mình là Bình Minh cả!
Nhỏ Diệp cúi đầu lộ vẻ trầm ngâm:
– Lạ nhỉ! Làm thơ mà lại không dám nhận!
Nhận xét vô tình của nhỏ em làm Quý ròm nghe lồng ngực mình nhói một cái. Nhưng nhỏ Diệp là con nhỏ ác ôn. Nó không dừng lại ở đó. Đang nhíu mày nghỉ ngợi, nó bỗng ngẩng phắt đầu lên, hí hửng nói:
– Em hiểu rồi!
Quý ròm chột dạ:
– Mày hiểu gì?
– Em hiểu tại sao không ai dám nhận mình là nhà thơ Bình Minh rồi!
– Tại sao?
Giọng Quý ròm cảnh giác. Mơ hồ nhận thấy điều chẳng lành, Quý ròm định lờ tịt nhưng không hiểu sao cuối cùng nó vẫn buột miệng hỏi lại.
Quả như sự lo lắng của nó, nhỏ Diệp tươi tỉnh giải thích:
– Tại vì Bình Minh làm thơ ẹ quá chứ sao! Thơ thẩn như vậy, tác giả trốn biệt là phải rồi!
Quý ròm không nói gì. Nó chỉ nghiến răng trèo trẹo. Nhưng nhỏ Diệp không trông thấy, lại hỏi:
– Theo anh, suy đoán của em có đúng không?
Quý ròm ngó lơ chỗ khác, nó đáp mà miệng méo xệch:
– Ừ, tao cũng nghĩ y như mày!
Rồi sợ nhỏ em ngứa miệng nói năng lôi thôi, Quý ròm vội xốc cặp rảo bước vào nhà.
Nhưng khổ nỗi, ông anh muốn thoát ly cô em nhưng cô em lại không chịu thoát ly ông anh.
Nhỏ Diệp tò tò đi theo Quý ròm như hình với bong, miệng không ngừng ra rả:
– Em đọc góp ý của báo Khăn Quàng Đỏ cho nhà thơ Bình Minh mà tức cười quá xá!Thơ gì y như người ta xướng lô-tô: “Lớp em – Làm bài – Thật là – Chính xác – Lớp em – Ca hát – Thật là – Hay ho”…
Quý ròm nghe tai mình lùng bùng. Nó tưởng như có một bầy ong đang bay trong đó. Bụng dạ nhà thơ Bình Minh lúc này đang héo hon quá thể! Nhưng dù sao trong cái rủi vẫn có cái may! – Nhà thơ tự an ủi – Nếu con nhỏ tinh quái này mà nghe mấy câu sáng tác thêm của thằng Lâm khốn nạn chắc mình chỉ có nước đâm đầu xuống sông!
Đó là Quý ròm chỉ giả dụ thế thôi. Chứ hiện nay nó vẫn còn ở trên mặt đất và đang đi bên cạnh nhỏ Diệp lắm mồm. Vì vậy không có lý gì vừa rồi nó nói “Tao cũng nghĩ y như mày” mà bây giờ nhỏ Diệp hăm hở chê bai nhà thơ Bình Minh nó lại không mở miệng chê theo. Quý ròm gật gù đau khổ:
– Ừ, cái tay Bình Minh này làm thơ buồn cười thật!
Thấy ông anh đồng tình, nhỏ Diệp càng khoái chí phê bình tiếp:
– Lại còn “Ong mong ngóng ai – Mà ong hút mật” nữa chứ! Thì ong hút mật là vì mong ngóng… mật chứ còn mong ngóng ai! Hi hi!
Giọng cười giễu cợt và vẻ hăng hái quá đáng của nhỏ Diệp làm Quý ròm điên tiết. Trong một thoáng, nó đâm mất bình tĩnh:
– Mày có im mồm đi không!
Nhỏ Diệp sửng sốt trước phản ứng gay gắt bất thần của ông anh. Miệng nó há hốc:
– Ơ! Việc gì tới anh mà anh quát em?
Câu hỏi ngược của nhỏ Diệp như một gáo nước lạnh tạt vào cái đầu đang nóng phừng phừng của Quý ròm. Nó chợt nhận ra thái độ nóng nảy tai hại của mình. Để sửa chữa sai lầm, Quý ròm giả vờ nghiêm mặt quở trách:
– Không quát mày sao được! Câu thơ vừa rồi chả có gì đáng cười mà mày cũng cười! Tay Bình Minh này còn làm nhiều câu ấm ớ hơn kia! Chẳng hạn hắn viết “Cây mong ngóng ai – Lá vắt trên cành” có khác nào thọc lét người ta!
Con người ta dù tinh ranh đến mấy cũng có lúc khù khờ đột xuất. Nhỏ Diệp cũng vậy. Thấy Quý ròm hùng hổ chỉ trích nhà thơ Bình Minh, nó toét miệng cười phụ họa, quên ngay nỗi nghi ngờ mới chớm:
– Hì hì, tay này bắt chước ca dao mà cũng không biết cách! Ai lại nói “Lá vắt trên cành” bao giờ! Rõ thơ với thẩn!
Nhỏ Diệp rơi vào bẫy của Quý ròm nhưng Quý ròm chẳng phấn khởi tẹo nào. Nó nhún vai, giọng buồn thiu:
– Làm thơ khó lắm! Đâu phải làm toán mà muốn làm lúc nào thì làm!