Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 15 – Thi sĩ hạng ruồi – Chương 4
Chương 4
Thực ra, việc Quý ròm “mời” nhỏ Diệp vào phòng học của mình để “tham quan” chồng báo Khăn Quàng Đỏ là một hành động khôn ngoan.
Muốn đánh tan nghi ngờ trong đầu một đứa ưa tò mò, tọc mạch như nhỏ Diệp, cách tốt nhất là cứ làm ra vẻ ta đây chẳng có gì bí mật! Đó là chưa kể, dù có dùng kính hiển vi soi lên trang báo để dọa dẫm từng chữ một, nhỏ Diệp cũng đừng hòng phát hiện được một dấu vết khả nghi nào.
Nhà thơ Bình Minh cho đến nay vẫn chưa bén mảng được đến khu vườn thi ca đầy hương sắc nơi mà thi sĩ Lan Kiều đã từng ngồi chễm chệ. Mà cho dù hai bài thơ của Quý ròm có được đăng lên báo nhưng với một bút hiệu lạ hoắc lạ huơ như thế có tài thánh nhỏ Diệp mới tưởng tượng nổi nhà thơ Bình Minh tài hoa đó là ông anh còm nhỏm còm nhom của mình.
Nhưng đến lúc đó, đến lúc những sáng tác của Quý ròm đã hiên ngang ngự trên mặt báo và độc giả khắp nơi gửi thư về như bươm bướm để năn nỉ xin ảnh, xin chữ ký, xin làm quen, xin làm “anh em kết nghĩa”, nhỏ Diệp có phát giác ra Quý ròm chính là thi sĩ Bình Minh tài năng đang độ rực rỡ chói chang thì càng tốt chứ sao! Quý ròm chỉ sợ thiên hạ chê mình là thi sĩ dỏm, sợ nhỏ Diệp biết mình cạy cục sáng tác hết bài thơ này đến bài thơ khác gửi liên tục cho báo Khăn Quàng Đỏ, sau đó vét túi mua báo hết tuần này sang tuần nọ để theo dỏi mà thơ với thẩn vẫn phiêu diêu tận cõi xa xăm cực lạc nào.
Vì tất cả những lẽ đó mà Quý ròm sẵn lòng cho nhỏ Diệp “nghiên cứu” chồng báo trong phòng mình. Và cũng vì tất cả những lẽ đó, Quý ròm vẫn tiếp tục bí mật làm thêm bài thơ thứ ba. Ông bà đã nói “sự bất quá tam”, Quý ròm chỉ mới sáng tác có hai bài, đâu thể gọi là đã gắng hết sức! Biết đâu đến lần này, vận may mới mỉm cười với mình! Biết đâu lần này, tài năng tiềm ẩn của mình mới trồi lên và bắt đầu nở rộ! Quý ròm nôn nao nhủ bụng và bặm môi cầm lên cây viết sau khi đóng cửa phòng đâu đó cẩn thận.
Bài thơ thứ ba hẳn nhiên phải viết bằng thể thơ… thứ ba. Quý ròm đã làm thơ hai chữ, thơ sáu chữ và tám chữ và đã nhận lãnh “hậu quả đau thương” do chúng mang lại. Bây giờ Quý ròm quyết tâm thay đổi số phận bằng cách thay đổi thể thơ. Nó không thể để vận xui cứ bám mãi theo mình.
Khi nãy Quý ròm lẻn vào phòng anh Vũ. Lục lọi một hồi, nó mừng húm khi vớ được cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” dày cộm, liền rón rén ôm về phòng mình. Bây giờ, nó giở cuốn sách ra để trước mặt, chúi mũi tham khảo.
Cuốn sách toàn những thơ là thơ, không lèo tèo ít ỏi như trong sách giáo khoa. Sau dăm phút mày mò, Quý ròm tìm thấy một bài viết theo thể thơ bốn chữ. Nó tròn mắt đọc:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt trên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt không ngủ yên…
Bài thơ làm Quý ròm ngây ngất. Thơ bốn chữ thật ra âm điệu cũng gần giống như thơ hai chữ đọc liền câu, Quý ròm tin rằng mình thừa sức làm. Đó là chưa kể thể thơ này Quý ròm đã từng làm qua một lần khi “sáng tác” bài “Con mả con ma – Mày đà có vợ…” dạo nó về chơi quê Tiểu Long. Nhưng Quý ròm tự biết đó không phải là thơ. Nó chỉ nhại theo các bài vè kiểu như “Nghe vẻ nghe ve – Nghe vè đánh bạc…” để soạn tạm cho thằng Lượm làm thần chú trừ tà ma thôi. Còn thơ chính hiệu như bài “Khăn thương nhớ ai” thì lại khác. Hình ảnh và âm hưởng của bài thơ thứ thiệt này khiến ngay cả “trái tim khô khan” của Quý ròm cũng phải lâng lâng xao xuyến. Là nhà toán học bẩm sinh, Quý ròm chỉ quen phân tích những gì chính xác, cụ thể, còn cái tâm trạng nao nao mơ hồ do thi ca đem lại này, nó không làm sao cắt nghĩa cho rành mạch được.
Cuối cùng, Quý ròm đành đi tìm sự cắt nghĩa ở trong sách. Sách viết “Nghệ thuật nhân cách hóa ở đây đã tiến lên từng cung bậc một. Trước là cái khăn, một vật hoàn toàn tĩnh; đến ngọn đèn, tuy cũng là vô tri vô giác nhưng ngọn lửa cũng có thể rung động khi có gió… Từ vật vô tri vô giác đến chim muông, khi ca dao đã nói đến là đều gán cho chúng những tâm tình ý nghĩ như người”. Hóa ra là vậy! – Quý ròm gật gù tâm đắc – Thơ của mình trước nay toàn tả người ta, hết lớp em đến bà em rồi ba mẹ em, nên đâu có “nhân cách hóa” cho nó “cao siêu” như bài ca dao tuyệt cú mèo này được! Con nhỏ Lan Kiều tuy học hành dở hơn mình nhưng nó rất giỏi trò “nhân cách hóa”. Nó viết nào là “Anh gạch – Màu đỏ – Nho nhỏ – Dễ thương”, nào là “Và những – Chị ngói – Mảnh dẻ – Đáng yêu”, viết như vậy báo Khăn Quàng Đỏ đăng ngay cho nó cũng là điều dễ hiểu.
Khám phá ra “điều dễ hiểu” đó, Quý ròm mừng rỡ còn hơn Christophe Colomb bất ngờ khám phá ra Châu Mỹ. Cảm thấy đầu óc tự dưng sáng láng hẳn ra, Quý ròm lập tức bắt tay vào thực hành ngay những điều vừa thu hoạch được.
Để áp dụng tối đa biện pháp “nhân cách hóa”, Quý ròm chọn đề tài cây cối. Nó viết bài thơ “Khu vườn của em”, thể bốn chữ:
Cây mong ngóng ai
Quả rơi xuống đất
Cây mong ngóng ai
Lá vắt trên cành…
Thoạt đầu Quý ròm tính bê nguyên xi ca dao: “Lá vắt trên vai”, nhưng đọc tới đọc lui thấy lộ liễu quá, hình ảnh lại kỳ cục, nó bèn sửa lại thành “Lá vắt trên cành” cho hợp tình hợp cảnh.
Bài thơ mới nhất của Quý ròm có tổng cộng mười hai câu cả thảy, trong đó có những hình ảnh được “nhân cách hóa” một cách táo bạo như:
Ong mong ngóng ai
Mà ong hút mật
Mật ngong ngóng ai
Mà mật ngọt ghê!
Lần này làm xong, Quý ròm đọc đi đọc lại bài thơ của mình một cách kỹ lưỡng. Qua hai keo thất bại vừa rồi, nó không còn tự thán phục tài thơ của mình một cách vô tội vạ như trước đây nữa.
Quý ròm đọc bài thơ “Khu vườn của em” bằng cặp mắt lạnh lùng, nghiêm khắc của một nhà phê bình khó tính. Nhà phê bình Quý ròm cố tìm ra những chỗ kém cỏi trong bài thơ của thi sĩ Quý ròm. Nhưng dù cố soi mói đến mỏi cả mắt, nhà phê bình vẫn chẳng tìm thấy một tí ti kẻm cỏi nào.
Càng đọc, đôi mắt lạnh lùng của nhà phê bình càng mất vẻ lạnh lùng. Cuối cùng nhà phê bình Quý ròm bèn nói với nhà thơ Quý ròm bằng một giọng ấm áp:
– Không thể nào làm hay hơn được nữa! Báo Khăn Quàng Đỏ kì này mà không đăng bài thơ này có họa là cả tòa soạn hóa điên!
Dĩ nhiên là nhà thơ hí hửng đồng ý ngay với lời nhận xét rộng rãi của nhà phê bình. Nhưng rút kinh nghiệm những lần trước, lần này nhà thơ Quý ròm của chúng ta không gửi thư theo đường bưu điện nữa. Nó đạp xe thẳng tới tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ.
Tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ tọa lạc trên đường Phạm Ngọc Thạch, gần hồ Con Rùa. Những lúc đi chơi với bạn bè, Quý ròm từng chạy ngang qua đó mấy lần, nhưng chưa bao giờ Quý ròm có ý nghĩ sẽ có ngày nó đặt chân vào chốn “thâm nghiêm” đó.
Nhưng hôm nay lại khác. Nó cần phải đem trực tiếp bài thơ đến tòa soạn. Nó sợ bài thơ “không có chỗ nào kém cỏi” của nó bị bưu điện làm thất lạc. Hơn nữa, kèm theo bài thơ, kỳ này Quý ròm còn viết một “bức tâm thư” gửi “các cô chú và anh chị trong tòa soạn”. “Bức tâm thư” đầy hờn trách:
“Trước đây không lâu, em cũng đã gửi đến quý báo hai bài thơ có tên là “Lớp em” và “Nhà em”, một bài viết theo thể hai chữ, một bài viết theo thể lục bát. Nhưng em ngóng dài cả cổ, vẫn chẳng thấy tòa soạn chọn đăng. Kỳ này em tiếp tục gửi thêm một bài thơ mới, bài “Khu vườn của em”, viết theo thể bốn chữ. Em hy vọng bài thơ này sẽ khá hơn hai bài thơ trước. Nếu thấy sáng tác của em còn yếu kém, chưa thể đăng được thì mong các cô chú anh chị phụ trách thẳng thắn góp ý và cho em những lời khuyên hữu ích”.
Quý ròm kết thúc lá thư một cách lịch sự, nhã nhặn, ra vẻ ta đây là một người thành khẩn, cầu tiến trong khi trong thâm tâm nó không tin bài thơ “Khu vườn của em” lại “còn yếu kém”, “chưa thể đăng được” như nó khiêm tốn trong thư.
Quý ròm đánh một vòng rộng quanh đài phun nước và hồi hộp dừng xe trước tòa nhà đồ sộ của báo Khăn Quàng Đỏ.
Lạ thay, trên đường đi Quý ròm hăng hái bao nhiêu thì khi đứng thập thò trước cổng tòa soạn nó lại rụt rè bấy nhiêu! Không dám dắt xe vào, nó cứ đứng lớ ngớ trước cổng, mắt nhớn nhác nhìn quanh quất, còn tay thì đưa lên túi áo mân mê lá thư một cách vẩn vơ.
– Tìm ai thế em?
Thấy Quý ròm đứng ngẩn hằng buổi trước cổng, anh bảo vệ cơ quan ngồi bên trong thò đầu ra hỏi.
– Dạ, thưa… không ạ! – Quý ròm lí nhí, sự lanh lẹ của nó bay vèo đâu mất.
Anh bảo vệ không hiểu:
– Không là sao?
Quý ròm lại ấp úng:
– Dạ, không là em không… tìm ai cả ạ!
– Thế em đứng đây làm gì thế? – Anh bảo vệ không nén được tò mò.
Quý ròm hít vào một hơi:
– Dạ, em định… gửi thư!
– Gửi thư?
– Dạ.
– Gửi thư cho ai?
Quý ròm chớp mắt:
– Thưa, gửi cho tòa soạn ạ!
– Trời đất! – Anh bảo vệ kêu lên – Thế thì đưa đây cho anh! Có thế mà em phải đứng suốt từ trưa đến giờ ư?
Quý ròm không trả lời câu hỏi oái oăm của anh bảo vệ. Nó đỏ mặt móc lá thư trong túi chìa ra, nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng ngàn cân.
Trước khi nó quay xe ra về, anh bảo vệ ân cần dặn:
– Lần sau có gửi gì cho tòa soạn, em cứ đưa anh nhé! Đừng ngại!
– Dạ.
Quý ròm “dạ” một tiếng nhỏ xíu và quày quả phóng xe vọt lẹ, tim vẫn đập thình thịch trong ngực.
Quý ròm không hiểu tại sao mình bỗng dưng nhát cáy như vậy.Nó đã từng đi thi toán thành rồi toàn quốc, ở vào những tình huống căng thẳng hơn nhiều, nhưng chưa bao giờ nó cảm thấy nơm nớp như khi đứng trước tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ. Hay vì đấy chính là nơi quá xa lạ với mình?
Quý ròm trầm tư ra về. Nó tự an ủi dù sao thì cuối cùng bài thơ của nó cũng đến thẳng tòa báo, không sợ chuyện thất lạc dọc đường. Bây giờ, nó chỉ còn mỗi việc ngồi nhà theo dõi, chờ ngày bài thơ được đăng lên, chờ ngày vỗ ngực oang oang với Tiểu Long và nhỏ Hạnh “Thi sĩ Bình Minh chính là thằng ròm này đấy”, để nở từng khúc ruột khi trông thấy bộ dạng đờ đẫn vì sửng sốt của hai đứa này.
Và không chỉ Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Còn cả lớp nữa. Cả lớp lúc đó sẽ nhìn Quý ròm bằng ánh mắt ngưỡng mộ như tụi nó đã từng lác mắt trước nhỏ Lan Kiều. Nhỏ Bội Linh lúc đó sẽ hết dám bô bô “cả lớp này không ai làm thơ nổi, trừ Lan Kiều!”. Và “thi sĩ mầm non” Lan Kiều cũng sẽ không còn dám tuyên bố bạt mạng “Làm thơ chứ đâu phải làm toán mà muốn làm lúc nào thì làm!”
Hừ, hãy đợi đấy! Quý ròm lẩm bẩm, khoái trá hình dung đến ngày tên tuổi mình xuất hiện trên mặt báo.