Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 13 – Khu vườn trên mái nhà – Chương 2: Tập 13-Khu vườn trên mái nhà –
Chương 3
Khu vườn của chị em nhỏ Hạnh mỗi ngày một tốt tươi. Giàn hoa giấy và những đoá hồng thi nhau khoe sắc làm sáng rực cả khu vườn. Những bông dâm bụt cháy lập loè trong tán lá xanh như những ngọn đèn đứng gác trông vô cùng thích mắt.Ổi bắt đầu ra hoa và cây chanh đã cho những trái nhỏ li ti bằng nửa hạt đậu xanh.
Thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương tới thăm vườn, reo ầm:
– Ôi, cây chanh ra trái rồi kìa!
Tùng sung sướng:
– Ừ, trái nhiều lắm! Sắp tới các bạn tha hồ uống nước chanh!
Nghị hào hứng:
– Uống nước chanh xong, tụi mình ăn ổi! Ổi cũng sắp sửa đậu trái rồi!
Tùng hào phóng:
– Ừ, ăn ổi nữa!
Ăn uống bao giờ cũng là chuyện hấp dẫn nhưng dù sao trong lúc này ăn ổi và uống nước chanh vẫn chỉ là chuyện mơ mộng. Ổi đương độ ra hoa và những trái chanh vẫn còn bé tí.Vì vậy nhỏ Cúc Phương chun mũi hít hít một hồi, chả nghe mùi ổi chín, chỉ có mùi hương là lạ, thơm ngào ngạt:
– Ôi, hương gì thơm ghê!
– Hương ngọc lan đó! – Tùng hớn hở “thuyết minh”.
– Đâu? – Nhỏ Cúc Phương nhìn dáo dác – Cây ngọc lan là cây nào đâu?
– Cái cây cao cao, gầy gầy có những cánh hoa trắng muốt đằng kia kìa!
Nhỏ Cúc Phương háo hức nhìn theo tay chỉ của Tùng, mắt rực lên:
– Ôi, cây ngọc lan!
– Bạn chưa thấy cây ngọc lan bao giờ sao?
Tùng nheo mắt hỏi, vẻ lịch lãm, mặc dù cho đến trước ngày mẹ đem chậu ngọc lan về, nó cũng chưa biết cây ngọc lan hình thù ra sao.
Nhỏ Cúc Phương dĩ nhiên không rõ chuyện đó. Nghe Tùng hỏi, nó tưởng bạn mình là nhà thực vật quốc tế thứ thiệt, bèn bẽn lẽn gật đầu:
– Cúc Phương mới nhìn thấy cây ngọc lan lần đầu!
Tùng lên giọng kẻ cả:
– Học sinh thành phố ai mà chả vậy! Còn nhiều loại cây bạn không biết lắm!
Rồi trước vẻ mặt thuỗn ra của nhỏ bạn, nó hăm hở chỉ tay vào chậu cây hoa tím kế bên cây ngọc lan:
– Bạn biết cây gì đây không?
Dĩ nhiên nhỏ Cúc Phương ngẩn tò te.Tùng khoái trá quay sang Nghị:
– Thế còn mày? Mày có biết cây gì không?
Nghị thật thà:
– Tao cũng không biết!
– Đó là cây chuỗi ngọc! – Tùng kiêu hãnh nói, rồi nó hùng hồn giải thích – Cây chuỗi ngọc ra hoa tím. Khi hoa tàn, nhị hoa trổ thành trái vàng. Trái vàng kết thành từng chuỗi, do đó nó có tên là cây chuỗi ngọc.
Những điều đó, Tùng chỉ nghe mẹ nói chứ nó chưa từng trông thấy cây chuỗi ngọc kết trái bao giờ. Cây chuỗi ngọc nhà nó chỉ mới đơm hoa. Nhưng chỉ cần lặp lại những điều mẹ nói thôi, Tùng đã khiến hai đứa bạn phải trố mắt lên vì thán phục rồi.
Nghị gật gù:
– Ra là vậy!
Còn nhỏ Cúc Phương thì nói như reo:
– Ôi, hay quá! Thế khi nào cây chuỗi ngọc kết trái, mình hái xuống lấy chỉ xỏ qua làm vòng đeo cổ chơi!
Tùng rộng lượng:
– Ừ, tới lúc đó bạn cứ xâu chuỗi tha hồ!
Ba đứa vừa kháo chuyện vừa say sưa ngắm chùm hoa tím cứ mỗi lần gió thoảng lại khẽ khàng đung đưa giữa những bóng lá dập dờn.
Vườn lắm hoa nên dạo này ong bướm thường rủ nhau về hút mật. Nghị chỉ tay vào một con ong đang đậu chênh vênh trên chùm hoa tím:
– Con ong kia giỏi ghê! Nó đậu hờ trên cây chuỗi ngọc thế mà không rớt!
– Ai bảo em đó là cây chuỗi ngọc?
Giọng nhỏ Hạnh thình lình vang lên bên tai khiến tụi thằng Tùng giật mình quay lại, Nghị nhìn bà chị, gãi gãi đầu:
– Thì khi nãy bạn Tùng mới bảo tụi em như thế! Chẳng lẽ cây này không phải là cây chuỗi ngọc?
– Tất nhiên là không rồi! – Nhỏ Hạnh nheo mắt – Cây này là cây tường vi!
Lời nói của nhỏ Hạnh khiến Nghị và nhỏ Cúc Phương nhìn nhau ngơ ngác. Rõ ràng mới vừa rồi thằng Tùng bảo đây là cây chuỗi ngọc, sao bây giờ chị nó lại bảo là cây tường vi? Tùng càng ngẩn ngơ hơn nữa:
– Ai bảo chị đây là cây tường vi?
– Cần gì ai bảo! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi – Nhà chị Văn Châu có cây tường vi ở góc vườn, chị tới chơi hoài chẳng lẽ chị không biết.
Mặt Tùng bất giác ửng đỏ. Nếu quả như nhỏ Hạnh nói thì nó đã bị hố to. Nhưng Tùng không phải là đứa dễ dàng đầu hàng, nhất là lúc này thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương đang đứng bên cạnh nhìn chằm chằm vào hai chị em nó, vểnh tai nghe ngóng.
– Coi chừng chị nhầm đấy! – Tùng gân cổ – Mẹ từng bảo em cây chuỗi ngọc là cây ra hoa tím kia mà!
Nhỏ Hạnh lườm em:
– Cây chuỗi ngọc hẳn nhiên là cây ra hoa tím, nhưng như vậy đâu có nghĩa bất cứ cây nào ra hoa tím cũng là cây chuỗi ngọc?
Rồi trước gương mặt lỏn lẻn của Tùng, nhỏ Hạnh chỉ tay vào một bụi cây rợp lá trên những cành mảnh đứng khuất sau dãy dâm bụt:
– Cây chuỗi ngọc kia kìa! Nó cũng ra hoa tím nhưng tím sẫm! Còn hoa tường vi tím nhạt, lại dính vào nhau như san hô!
– À, ra thế! – Tùng ấp úng chữa thẹn, nhưng nó vẫn cố vớt vát – Nhưng cũng tại chị và mẹ cả thôi! Cây chuỗi ngọc đặt tít đằng xa như thế, ai mà nhìn thấy!
Bữa đó, Tùng “quê” với Nghị và nhỏ Cúc Phương quá chừng! Cũng may, Nghị và Cúc Phương là hai đứa tử tế, thấy Tùng “sập hố” tụi nó làm thinh vờ như không có gì quan trọng. Nhưng dù hai đứa lịch sự không mở miệng trêu, Tùng cũng đã ngượng chín người. Đang đường đường là một nhà thực vật lỗi lạc dưới mắt tụi nó đây, bỗng dưng lại hoá thành anh chàng bốc phét chín tầng mây, bảo Tùng không mắc cỡ sao được!
Nhưng Tùng không chỉ “quê” với tụi bạn mỗi một lần. Hết Nghị và nhỏ Cúc Phương, tới thằng Đạt.
Đạt tới, dạo tới dạo lui trong vườn, nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi rồi buột miệng:
– Chim đâu?
– Chim gì?
Đạt hấp háy mắt:
– Chim hoạ mi chứ chim gì! Hôm trước mày chẳng khoe chim hoạ mi về hót trong vườn nhà mày là gì!
Tùng bối rối:
– Tao bảo là “sẽ” chứ bộ.
– Chối đi mày! – Đạt hừ mũi – Hôm trước mày có bảo là “sắp” hay “sẽ” gì đâu!
Tùng khổ sở:
– Có! Tao có nói!
Đạt vẫn khăng khăng:
– Không có! Nếu mày nói thì tao đã nghe!
Tùng nuốt nước bọt:
– Chắc tại tao nói nhỏ nên mày không nghe thấy!
Bộ tịch thảm não của Tùng có lẽ làm Đạt động lòng. Nên nó gật gù, giọng đã thôi cứng rắn:
– Ừ, có thể là tại mày nói nhỏ!
Tùng mừng rơn:
– Tao nói nhỏ thật mà!
Đạt khịt mũi:
– Thế vườn nhà mày không có chim hót thật à?
Tùng gãi má:
– Khu vườn này mới “khai trương”, lũ chim chưa biết!
– Ha ha! – Đạt ôm bụng – Vườn cây mà mày làm như nhà hàng hay siêu thị không bằng! Thế sao mày không quảng cáo trên ti-vi cho lũ chim biết?
Giọng của Đạt rõ là giọng chế nhạo. Nhưng Tùng phớt lờ. Nó nói, mặt nghiêm trang:
– Rồi mày coi! Cũng giống như siêu thị hay nhà hàng thôi! Khi đã biết rồi, lũ chim sẽ kháo nhau! Rồi chúng sẽ kéo tới từng đàn!
Đạt ngó Tùng, không rõ nó hỏi thật hay giễu cợt:
– Thế tao phải đợi đến bao giờ?
Tùng ngần ngừ:- Tao cũng chả biết! Nhưng có lẽ không lâu đâu!
Đạt đảo mắt nhìn quanh, “xì” một tiếng:
– Tao cóc tin! Bọn chim chẳng bao giờ mò đến những chỗ như thế này!
– Mày không tin thì kệ mày! – Tùng nổi sùng – Còn tao, tao cứ tin! Hết bướm hết ong thế nào cũng tới chim!
Thấy bạn mình đỏ mặt tía tai, Đạt hết ham cà khịa. Nhưng từ hôm đó, cứ cách vài ba ngày nó lại chạy qua nhà Tùng. Hễ tới là nó tót ngay ra vườn, miệng tía lia:
– Chim đâu?
– Chưa! Chim đâu mà sớm thế!
Lần nào Đạt cũng lặp đi lặp lại mỗi một câu hỏi và Tùng cũng lặp đi lặp lại mỗi một câu trả lời. Nhưng tới lần thứ tư thì Tùng đâm quạu. Nó sầm mặt:
– Cái miệng mày lúc nào cũng ầm ĩ như phường săn gõ thùng thiếc, bố con chim nào dám về đậu!
Thấy bạn cáu kỉnh, Đạt rụt cổ vờ sợ hãi. Nhưng sau lần đó, mỗi khi ra chơi vườn miệng mồm nó đã thôi ong óng.
Và không hiểu có phải do Đạt giữ mồm giữ miệng hay không mà một hôm chim về đậu thật. Trưa đang ngồi ăn cơm, dì Khuê bỗng reo lên:
– Ôi, chim kìa! Câu nói của dì Khuê lập tức khiến cả nhà xôn xao.
– Đâu? Đâu?
Cả bốn cái miệng cùng nhao nhao, vừa hỏi ai nấy vừa chồm người trố mắt nhìn theo tay chỉ của dì Khuê.
– Nó đậu trên cành tre đó! – Dì Khuê lại nói, giọng hào hứng như hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu thắng cảnh cho khách tham quan.
Bốn cặp mắt đánh vụt lên ngọn tre, sục sạo:
– Đâu? Đâu?
Dì Khuê ngạc nhiên:
– Chưa thấy hả?
– Chẳng thấy gì cả! – Ba nói – Dì chỉ rõ hơn chút nữa xem!
Thấy các “khách tham quan” mắt kém quá xá dì Khuê cười:
– Nó đậu trên cành tre de ngang dây trầu bà đó!
Dây trầu bà trồng trong chậu sành treo lủng lẳng trước cửa sổ phòng học của nhỏ Hạnh, những nhánh lá của nó đang rũ loà xoà xuống ngọn tre bên dưới. Bốn người lập tức đảo mắt nhìn lên:
– Vẫn không thấy dì ơi! – Nhỏ Hạnh chớp chớp mắt – Hay là nó đã bay đi rồi?
– Bay đâu mà bay! Nó vẫn còn ở chỗ cũ!
Tùng nóng ruột:- Hay là mình chạy lại gần xem!
– Không được đâu! – Mẹ nói – Con lại gần, nó sẽ bay mất!
Đúng lúc đó, con chim trên cành tre bỗng chuyền qua cây ổi rồi lại bắn qua cây ngọc lan, có lẽ nó quá ngán ngẩm trước việc phải dài cổ chờ đợi bốn con người trong kia phát hiện ra mình. Quả nhiên, nó vừa nhảy vụt một phát, bốn cái miệng cùng reo lên
– A, thấy rồi!
Ba hớn hở quay sang mẹ:
– Em thấy chưa! Anh đã bảo bọn chim sẽ về hót trong vườn nhà ta mà!
Me nheo nheo mắt:
– Nhưng con chim này đâu có hót! Nó chỉ nhảy tới nhảy lui thôi!
– Tại nó ham chơi! Chắc con chim này còn bé! Cỡ thằng Tùng nhà mình!
Rồi ba “e hèm” một tiếng:
– Nhưng em cứ yên trí! Nhảy nhót chán, thế nào nó cũng hót!
– Chưa chắc! – Mẹ khịt mũi – Nếu hót thì nó đã hót rồi!
– Nó không thể hót trong khi còn mải chí thú nhảy nhót được! Con người ta cũng vậy, chẳng ai hát hò trong khi chạy nhảy cả!
Mẹ có vẻ không tin lời ba. Nhưng mẹ không buồn cãi, chỉ nói:
– Được rồi, em sẽ đợi đến khi nó nhảy chán
Không rõ con chim này tính mau chán hay vì nó sợ mẹ sốt ruột mà mẹ vừa nói xong, nó bỗng đứng im không nhúc nhích. Mẹ liền chỉ tay lên cành ngọc lan:
– Nó đứng yên rồi đấy! Đã hót đâu!
– Chưa! – Ba tặc lưỡi – Nhảy nhót xong, nó còn phải nghỉ mệt! Nghỉ giải lao một lát nó mới lấy hơi được!
Ba nói không phải là không có lý! Ừ, mệt đứt hơi thì ai mà hát hò nổi? Thế là cả nhà chong mắt vào con chim, hồi hộp chờ nó hót. Nhưng con chim “nghỉ giải lao” lâu lắc. Nó đứng im lâu thật lâu. Đứng im chán, nó lại nghển cổ nhìn quanh quất. Rồi lại cúi đầu loay hoay rỉa mỏ vào lông. Xong, lại rụt đầu, lim dim mắt. Tóm lại nó làm đủ mọi trò. Chỉ trừ trò hót.
Mẹ cười:
– Thấy chưa! Nó nghỉ cả buổi rồi mà có chịu hót đâu!
– Chắc nó buồn ngủ! – Ba thản nhiên – Ngủ dậy thế nào nó cũng hót!
– Thế thì anh ở đó chờ nó ngủ dậy! Em đi dọn bàn đây!
Nói xong, mẹ quay lại bàn ăn cùng dì Khuê dọn dẹp chén bát. Ba, nhỏ Hạnh và Tùng vẫn đứng tại chỗ nín thở dòm con chim, bỏ luôn bữa ăn dở.Ngắm nghía một hồi. Tùng khẽ buột miệng:
– Nó ngủ thật rồi hở ba?
– Có lẽ thế!
– Thế lát nữa ngủ dậy nó có sẽ hót không?
Ba cười:
– Tất nhiên là không! Loại chim này không biết hót!
Tùng ỉu xìu:
– Thế nó không phải là chim hoạ mi à?
– Không! Chim hoạ mi lớn hơn nhiều!
– Hay nó là chim vàng anh? – Tùng vẫn cố hi vọng.
Lần này ba chưa kịp lên tiếng, nhỏ Hạnh đã trả lời thay:
– Chim vàng anh có màu vàng đen, chim này màu nâu tất nhiên không phải!
Nhưng dù con chim lạ không hót thì nó vẫn cứ là chim. Chim về chơi đùa trên các nhánh cây trong khu vườn đã là một kì tích! Tùng tự an ủi. Thế mà thằng Đạt dám khăng khăng “Bọn chim chẳng bao giờ mò đến những chỗ như thế này”! Hừm, khi nào đến đây nó sẽ biết! Ý nghĩ đó khiến Tùng nôn nao. Nó quên bẵng mất nỗi buồn chim hót.
Chương 4
Đạt đến, như mong mỏi của Tùng.Nhưng khổ nỗi lúc Đạt đến thì con chim hôm nọ lại không chịu đến. Vì vậy, khi Tùng huơ tay khoe:
– Chim vừa đến vườn nhà tao!
Đạt đảo mắt:
– Đâu?
Thì Tùng ú ớ:
– Hôm trước cơ! Hôm nay chả thấy nó đâu!
Đạt bán tín bán nghi:
– Thật không đấy?
Thấy thằng bạn tỏ ý nghi ngờ, mặt Tùng đỏ gay:
– Tao xạo mày làm gì! Không tin, mày hỏi dì Khuê hoặc chị Hạnh tao xem!
Tất nhiên Đạt không dại gì “phạm thượng”. Nó toét miệng cười:
– Thôi khôi! Tao tin!
Tùng vênh mặt:
– Thấy chưa! Vậy mà mày bảo lũ chim sẽ không đến!
Đạt nheo mắt:
– Thế đó là chim gì vậy?
– Chim gì hả? – Tùng thoắt bối rối – Thực ra thì… tao cũng không biết!
– Thế nó hót có hay không? – Mắt Đạt vẫn mở to.
Thoạt đầu Tùng định đáp “Hay lắm” nhưng đến phút chót nó lại đâm ngượng ngập.Vẻ lúng túng của Tùng không lọt khỏi mắt Đạt. Đạt nhìn bạn chăm chăm:
– Hay là nó không biết hót?Tùng gãi gãi đầu:
– Ờ, ờ, không hiểu tại sao nó lại không hót!
– Chim mà không hót thì đâu phải là chim!
Đạt hạ một câu khiến Tùng đỏ rần mặt. Nó nuốt nước bọt:
– Có thể nó còn bé quá!
Đạt khăng khăng:
– Bé vẫn hót! Chim mà lại!
– Mày chả biết gì mà cũng nói! – Tùng gân cổ – Chim thì chim chứ, đã bé thì không thể hót được!
– Ai bảo mày vậy?
– Cần gì ai bảo! – Tùng xoa mũi – Chim cũng như người thôi! Mày có thấy đứa bé nào vừa sinh ra đã biết nói ngay chưa?
Lần này thì Đạt tắc tị. Câu hỏi oái oăm của Tùng khiến nó hết đường cãi, đành cười khì:
– Ừ nhỉ!
Rồi không cam tâm chịu thua, nó liền tiếp ngay, giọng đe doạ:
– Được rồi, tao sẽ đợi! Để xem con chim đó hót ra sao!
Nhưng con chim hôm nọ không về nữa. Nó chỉ đến khu vườn một lần, rồi có lẽ không tìm được món ăn thích miệng, nó bỏ đi luôn, mặc Tùng và nhỏ Hạnh mỏi mòn mong ngóng.Nhưng dù con chim lạ có quay lại, Tùng cũng không thể bắt nó hót cho thằng Đạt nghe. Ba đã nói rồi. Ba bảo loài chim đó không biết hót. Không phải loài chim nào cũng biết hót. Cũng như người ta vậy, có người là ca sĩ, có người không. Nhưng những “ca sĩ” như hoạ mi, sơn ca, vàng anh lại chẳng thấy tăm hơi đâu. Chắc chúng ở mãi trong núi cao rừng thẳm.
Tùng buồn buồn nói với ba:
– Thế là bọn chim không về hót trong vườn nhà ta, ba ạ!
Ba xoa đầu Tùng:
– Rồi chúng sẽ về!
Tùng ngước mắt lên:
– Ba nói thật đấy chứ?- Hẳn nhiên rồi!
Vẻ tự tin của ba khiến Tùng nghe long mình ấm hẳn. Và nó háo hức hỏi:
– Chừng nào chúng sẽ về hở ba?
– Ngày mai! – Ba thản nhiên.
– Ngày mai? – Tùng trố mắt.
– Ừ.
Tùng thắc mắc:
– Làm sao ba biết được là ngày mai chúng sẽ về?
Ba mỉm cười bí ẩn:
– Thế mà ba biết! Ba có một phương pháp đặc biệt!
“Phương pháp đặc biệt” đó ngay ngày hôm sau là Tùng biết liền. Buổi trưa đi học về, vừa bước ra vườn, Tùng nhìn thấy ngay một chiếc lồng chim treo trên nhánh ổi. Trong lồng, hai con chim nhỏ bằng nắm tay, cánh đen ức vàng, đang nghịch ngợm nhảy nhót.
– Chị Hạnh ơi!
Tùng reo lên, giọng ngạc nhiên xen lẫn thích thú.Nhỏ Hạnh ở trên gác thò đầu ra:
– Gì thế?
Tùng chỉ tay vào chiếc lồng:
– Chị thấy cái này chưa?
– Ôi, ở đâu ra thế?
Nhác thấy chiếc lồng chim, nhỏ Hạnh kinh ngạc kêu lên và lật đật phóng vù xuống khỏi gác. Nó đi học về trước Tùng nhưng chưa đặt chân ra vườn nên không biết có chiếc lồng chim mắc trên cây ổi. Tùng đón bà chị bằng vẻ mặt rạng rỡ:
– Hai con chim đẹp ghê! Chị có biết chim gì đây không?
Nhỏ Hạnh giương mắt nhìn vào lồng:
– Ồ, đây chính là chim vàng anh! Hôm trước chị nói rồi, lông chúng có màu vàng đen, em không nhớ sao!
– À, chị nhắc em mới nhớ!
Tùng nói và lại ngoảnh đầu ngắm hai con chim.
– Ở đâu ra vậy kìa? – Nhỏ Hạnh bỗng thắc mắc.
– Cái gì cơ?
– Hai con chim chứ cái gì? Ở đâu ra vậy?
Tùng hấp háy mắt:
– Có lẽ là ba mua! Hôm qua ba nói với em là hôm nay chim sẽ về vườn nhà mình! Em cứ tưởng là chim về thật!
– Thì về thật chứ còn gì nữa! – Tiếng ba đột ngột vang lên sau lưng, vừa nói ba vừa mỉm cười bước lại – Chẳng lẽ con nghĩ đây là chim giả?
– Con đâu nói thế! – Tùng khụt khịt mũi – Nhưng dù sao đây vẫn là những con chim ở trong lồng!
Ba nhướn mắt:
– Thì sao?
Tùng ấp úng:
– Chả sao cả! Nhưng con vẫn thích nhìn thấy những con chim ở ngoài trời hơn!
– Dễ thôi! Ba sẽ thả nó ra!
Ba nói vừa dứt câu, nhỏ Hạnh đã hốt hoảng kêu lên:
– Uý, không được đâu, ba ơi! Chúng sẽ bay đi mất!
– Con yên trí! – Ba trấn an – Vàng anh là loại chim quyến luyến chỗ ở! Nó sẽ không bay mất đâu!
Tùng vỗ tay:
– Ôi, thế thì thích quá! – Rồi nó hăm hở – Vậy ba thả chúng ra ngay bây giờ đi!
– Ngay bây giờ thì chưa được! – Ba nhún vai – Phải đợi ít hôm cho chúng quen lồng đã!
Nghe ba nói vậy, Tùng không dám giục nữa. Nó bấm bụng đợi, và ngày nào cũng thôi thúc hỏi:
– Thả được chưa ba?Mặc dù nó biết trước câu trả lời.
– Chưa đâu con! – Bao giờ ba nó cũng bảo thế.
Lồng chim có hai cái lọ, một lọ đựng nước một lọ đựng bột cám. Đó là thức ăn thức uống của vàng anh. Mỗi sáng trước khi đi làm ba tự tay thay thức ăn thức uống cho chúng. Trước khi đóng cửa lồng, ba không quên bỏ thêm vào một quả chuối chín đã bóc vỏ sẵn.Hai con chim rất háu ăn. Chúng giành nhau chúi mỏ vào lọ bột cám, rồi lại giành quả chuối mổ lấy mổ để. Xong, lại nhảy nhót. Rồi lại ăn. Lại nhảy, lại ăn. Cứ thế, nhưng vẫn không hót. Như con chim lạ hôm nào.
Tùng ngạc nhiên:
– Chúng vẫn không hót kìa ba!
– Chưa đâu! Phải lớn một tí nữa! Hai con chim này còn bé!
Trong khi chờ cho hai con vàng anh hót, ba mở cửa lồng cho chúng bay ra. Tùng đứng bên, thấp thỏm hỏi:
– Chúng quen lồng rồi hở ba?
– Chắc thế! Đã một tuần rồi còn gì!
Hôm ba mở cửa lồng, cả nhà ai nấy đều phấp phỏng giương mắt theo dõi. Thoạt đầu, hai con vàng anh không chịu ra ngay. Tùng tưởng chúng không nhìn thấy cửa lồng đã mở, nhưng nó liền biết ngay là không phải. Một trong hai con nhảy lên thanh tre bắt ngang cửa lồng, thò đầu ra ngoài dòm dáo dác một lúc lại nhảy xuống quay vào chỗ quả chuối, mổ lích chích. Nó chẳng có vẻ gì muốn tận hưởng niềm vui “thoát cũi sổ lồng”. Quả chuối và lọ cám đối với nó dường như hấp dẫn hơn nhiều.
Nhỏ Hạnh cười khúc khích:
– Hai con chim này có “tâm hồn ăn uống” dễ sợ!
Tùng đía ngay:
– Giống hệt chị!
– Giống em thì có! – Nhỏ Hạnh chun mũi.
Tùng ngoác miệng tính phản kích nhưng mặt nó bỗng ngây ra. Con vàng anh mon men ra cửa lồng khi nãy bay đánh vù một cái, đã vắt vẻo trên cành ngọc lan đối diện.
– Hay quá! Nó bay ra rồi kìa! – Dì Khuê reo lên.
Mẹ suỵt:
– Đừng nói lớn, nó sợ!
Ra được ngoài trời, con vàng anh có vẻ thích chí. Nó hết nghiêng đầu sang bên trái lại nghiêng đầu sang bên phải, hiếng mắt nghiêng ngó. Rồi nó hí hoáy quẹt mỏ rỉa lông, vẻ khoái trá.
– Nó có bay đi không hở ba? – Nhỏ Hạnh hỏi, không yên lòng.
– Không đâu!
Ba đáp giọng tự tin. Nhưng nhìn mắt ba, nhỏ Hạnh có cảm giác ba cũng phập phồng không kém gì mình. Như để tăng thêm sự hồi hộp cho mọi người, con vàng anh rỉa lông xong, cứ đứng ra đó, không buồn nhúc nhích.Nó đứng ì, mọi người đành phải đứng theo.
– Hay là nó không chịu trở vào lồng? – Mẹ lo âu buột miệng.
Mẹ hỏi trổng nhưng ai cũng biết mẹ dành câu hỏi đó cho ba, người chủ xướng vụ mở cửa lồng. Trong khi ba nhăn nhó chưa kịp đáp thì may làm sao, con vàng anh đã trả lời giùm ba. Nó nhảy phóc một phát từ cành ngọc lan qua cây chuỗi ngọc. Rồi sau khi ngoẹo đầu quan sát bốn phía, nó đập cánh bay đậu trên nóc lồng.
Tùng reo khẽ:
– Nó đang tìm dường vào lồng đó!
Quả nhiên, Tùng vừa nói xong, con vàng anh bay đảo một vòng và đáp ngay choc xuống thanh gỗ nằm ngang trước cửa lồng. Nhoáng một cái, nó đã nhảy vào bên trong, đủng đỉnh tiến lại chỗ quả chuối.
Ba cười:
– Con chim này “đi mô rồi cũng nhớ về… quả chuối”!
Thấy ba nhái lời bài hát để trêu con vàng anh, Tùng và nhỏ Hạnh, cả mẹ và dì Khuê nữa, đều phì cười.
– Nó lại bay ra nữa kìa! – Đang cười, Tùng bỗng giật giọng kêu lên.
– Làm gì mà con hoảng lên thế! – Ba nói – Nó đi dạo mát đấy! Rồi nó cũng sẽ trở vào lồng thôi!
Lần này con vàng anh khi nãy không bay ra một mình. Nó rủ con vàng anh thứ hai đi theo. Nó dẫn bạn về phía cửa lồng, bộ tịch nghênh nghênh ra vẻ ta đây “dân chơi” thứ thiệt, chẳng ngóc ngách nào là không biết. Vèo một cái, hai con chim đã ở trên cành ngọc lan. Rồi dưới sự chỉ vẽ của con chim đi trước, con chim kia cũng quẹt mỏ rỉa lông, cũng nghiêng nghiêng ngó ngó ra chiều thích thú. Và cũng như khi nãy, sau khi hóng gió hóng nắng đã đời, chuyền hết cành này sang cành nọ, hai con vàng anh lại kéo nhau vào lồng và hối hả chạy lại chỗ đặt đồ ăn thức uống, hệt như sắp chết đói chết khát đến nơi.
Ba bước lại đóng cửa lồng, cười nói:
– Hôm nay “biểu diễn” thế đủ rồi! Nhốt lại chứ không chúng cao hứng bay mất thì khốn!
Dì Khuê gật gù:
– Cứ cái kiểu này thì bọn chim này sẽ không bỏ đi đâu!
Nhỏ Hạnh vui vẻ:
– Chim vàng anh cũng là chúa luyến tổ!
– Chúa tham ăn thì có!
Tùng bĩu môi. Tuy nói vậy nhưng cặp mắt nó lại sáng trưng. Nó đang nghĩ đến ngày tự tay nó thả bọn chim ra vườn dạo mát trước những cặp mắt sửng sốt của tụi Nghị, Đạt và Cúc Phương.