Kính vạn hoa - Tập 06 - Người bạn lạ lùng

Chương 3Tập 6-Người bạn lạ lùng -


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 06 – Người bạn lạ lùng – Chương 3: Tập 6-Người bạn lạ lùng –

Chương 5
Tiểu Long hỏi Quý ròm:
– Lúc Văn Châu bỏ đi, mày có trông thấy không?
– Dĩ nhiên là thấy.
– Sao mày không gọi nó lại?
– Gọi làm gì?
Câu hỏi vặn của Quý ròm làm Tiểu Long đực mặt ra. Ừ nhỉ, gọi nó lại để làm gì? Chẳng lẽ bảo nó cởi áo ra theo yêu cầu của tụi khu phố 8? Nếu nó là con trai thì không sao, nhưng nhỡ nó là con gái thật thì khác gì làm khó nó!
Tiểu Long nhăn trán nghĩ ngợi một hồi rồi thở dài quay sang nhỏ Hạnh:
– Hạnh thấy sao?
– Thấy sao chuyện gì?
– Chuyện Văn Châu chứ chuyện gì. Cuối cùng thì nó là con trai hay con gái vậy?
Nhỏ Hạnh lắc đầu:
– Hạnh không biết.
Tiểu Long ngớ người:
– Hạnh quan sát nó cả buổi sao lại không biết?
– Theo như những gì Hạnh nhìn thấy thì Văn Châu rõ ràng là con trai. – Nhỏ Hạnh vừa đẩy gọng kính trên sống mũi vừa chậm rãi phân bua – Nhưng tụi khu phố 8 cứ khăng khăng nó là con gái. Mà Văn Châu lại thình lình chuồn mất. Vì vậy Hạnh không thể quả quyết được.
Quý ròm tặc lưỡi:
– Bây giờ chỉ có cách điều tra xem nó học trường nào. Tới đó là biết ngay.
Nhỏ Hạnh gật gù tán đồng:
– Hạnh cũng nghĩ vậy. Nếu là con gái thì khi đi học nó bắt buộc phải mặc đồng phục nữ sinh.
Tiểu Long lộ vẻ băn khoăn:
– Hôm trước đi học nó vẫn mặc quần soọc áo pull vậy.
– Mày rõ lẩn thẩn! – Quý ròm nhếch mép – Đi học thêm buổi chiều, nó mặc gì chẳng được.
Bị Quý ròm “sửa lưng”, Tiểu Long không nói gì. Nó chỉ mỉm cười ngượng nghịu.
Nhưng Tiểu Long chỉ ngượng một chút rồi thôi. Còn Quý ròm thì ngượng cả tuần lễ sau đó. Bởi sáu, bảy ngày liên tiếp, nó dò hỏi đến mòn hơi vẫn không xác định được Văn Châu học trường nào. Kế hoạch của Quý ròm thoạt nghe thì có vẻ hay ho nhưng khi thực hiện lại đâm ra bế tắc. Tìm kiếm ngôi trường của một học sinh không rõ gốc tích chẳng khác nào chuyện mò kim đáy bể.
Công việc điều tra không kết quả, Quý ròm đã bực, lên trường ngày nào cũng bị Tiểu Long và nhỏ Hạnh hỏi thăm, nó càng thêm cáu.
– Hỏi, hỏi hoài! – Quý ròm xẵng giọng – Chuyện gì cũng phải từ từ chứ. Tụi mày nôn nóng thì tự đi mà điều tra lấy.
Quý ròm nổi cộc chừng một, hai lần, Tiểu Long và nhỏ Hạnh hoảng vía im ru.
Nhưng mặc dù Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã thôi mở miệng, ánh mắt thăm dò của tụi nó vẫn khiến Quý ròm cảm thấy nhột nhạt. Nó tự ái nhủ bụng “phải cố, phải cố” nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ công cốc.
Đến ngày thứ bảy thì Quý ròm bất lực thú nhận:
– Chịu! Tao không tài nào lần ra cái ngôi trường quỷ quái của thằng lỏi đó được.
Nhìn vẻ mặt buồn xo của Quý ròm, nhỏ Hạnh bất giác động lòng. Nó nói, giọng điệu ngược hẳn với thái độ nôn nóng trước đây:
– Chuyện đó khó lắm, không thể gấp gáp được đâu.
Tiểu Long liếm môi:
– Chẳng lẽ tụi mình chịu thua sao?
– Chịu thua thì dĩ nhiên không chịu thua. – Nhỏ Hạnh chép miệng – Nhưng phải từ từ.
Thấy nhỏ Hạnh đề cao phương châm “từ từ” của mình, Quý ròm khoái lắm. Vẻ rầu rĩ biến mất, nó toét miệng cười:
– Đúng rồi đó. Phải từ từ. Ông bà nói “dục tốc bất đạt”. Vội vàng chả làm được cái quái gì cả.
Tiểu Long nhăn nhó:
– Nhưng ít ra mình cũng phải biết mình sẽ bắt đầu từ đâu chứ?
Nhỏ Hạnh điềm nhiên đáp:
– Bắt đầu từ nhà Văn Châu.
– Từ nhà Văn Châu? – Tiểu Long chưng hửng – Tụi mình đã biết nhà nó đâu.
Nhỏ Hạnh lắc mái tóc:
– Không biết thì mình sẽ tìm. Tìm nhà nó dù sao cũng dễ hơn tìm trường học của nó nhiều.
Nghe tới đây, Tiểu Long gục gặc đầu dường như hiểu ra:
– Và mình sẽ chờ nó đi học để bám theo xem nó học trường nào?
– Tiểu Long ơi là Tiểu Long! – Trước vẻ khờ khạo của Tiểu Long, Quý ròm không chịu được bèn kêu lên – Sao mày ngốc thế? Nếu nó đi học thì vừa ra khỏi cửa nó đã mặc đồng phục rồi, cần quái gì phải bám theo nó đến tận trường.
– Ờ há! – Tiểu Long lỏn lẻn, rồi để khoả lấp sự ngượng ngập, nó hỏi ngay – Vậy chừng nào mình mới tìm đến nhà nó?
– Ngay chiều nay. – Quý ròm nhanh nhảu.
Chiều đó, đúng ba giờ rưỡi, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã có mặt ở nhà Quý ròm.
Ba đứa đứng thập thò bên trong hàng rào chong mắt nhìn qua kẽ hở của đám dây leo, chờ Văn Châu đi học về.
Lúc hai giờ, Quý ròm đã phát hiện Văn Châu đi ngang qua trước cổng. Đó là giờ nó đi học thêm. Như vậy thế nào lúc bốn giờ nó cũng sẽ về ngang. Xưa nay vậy.
Quả đúng như Quý ròm tiên liệu, bọn trẻ nhấp nhổm khoảng hai mươi phút đã thấy Văn Châu xuất hiện phía đầu đường. Vẫn ngổ ngáo như thường lệ, tập nhét túi quần, nó vừa đi vừa chốc chốc co chân sút vào các thứ vặt vãnh bắt gặp dọc đường.
Lúc đi ngang qua cổng nhà Quý ròm, nó ngoảnh cổ nhìn vào.
Tiểu Long hồi hộp:

– Coi chừng nó nhìn thấy.
– Thấy thế quái nào được. – Quý ròm khịt mũi – Dây leo ken dày như thế này.
Lời trấn an của Quý ròm chẳng làm Tiểu Long yên tâm. Nó thụp người xuống:
– Rụt cổ lại dù sao cũng chắc ăn hơn.
Nhưng sự cẩn thận của Tiểu Long hoàn toàn thừa thãi. Văn Châu chỉ liếc vào nhà Quý ròm một thoáng rồi cắm cúi đi tiếp, lòng không gợn chút nghi ngờ.
Đợi Văn Châu đi một quãng khá xa, bọn Quý ròm bắt đầu tuôn ra khỏi cổng và lật đật bám theo.
Văn Châu không hề hay biết. Nó mải hào hứng luyện sút bóng với những chiếc lon rỗng và các loại vỏ trái cây nằm rải rác trên đường.
Nhỏ Hạnh vừa men sát hàng hiên dọc theo dãy phố vừa dán chặt mắt vào Văn Châu, miệng hỏi:
– Quý nghĩ sao hả Quý?
– Nghĩ chuyện gì?
Nhỏ Hạnh không trả lời mà buột miệng theo ý mình:
– Hạnh nghĩ Văn Châu không thể là con gái được.
Quý ròm chưa kịp bày tỏ ý kiến thì Văn Châu đã ngoặt quanh góc phố.
– Chết rồi! Đuổi theo!
Quý ròm hớt hải kêu và hấp tấp vượt lên trước.
Nhỏ Hạnh quên phắt câu chuyện dang dở, cùng Tiểu Long rảo bước chạy theo Quý ròm lúc này cũng đã khuất dạng sau góc đường.
Lúc tới nơi, cả hai vô cùng kinh ngạc khi chẳng thấy Văn Châu đâu. Chỉ có mỗi Quý ròm đang đứng bên lề đường dáo dác nhòm quanh.
– Nó đâu? – Tiểu Long sửng sốt hỏi.
– Tao chẳng biết. – Giọng Quý ròm hoang mang – Vừa đuổi tới đây thì mất hút.
Tiểu Long ngẩn tò te:
– Lạ thật! Chẳng lẽ nó biết bị theo dõi?
– Không thể như thế được. – Quý ròm mím môi – Từ nãy đến giờ nó đâu có quay đầu lại lần nào.
Tiểu Long gãi đầu:
– Thế thì tại sao nó đột ngột biến mất? Chẳng lẽ nó biết bay?
– A! – Nhỏ Hạnh chợt reo lên và mừng rỡ chỉ tay vào cổng chợ kế ngã tư – Chắc chắn nó đã vào trong kia.
Tiểu Long nheo mắt, bán tín bán nghi:
– Nó vào chợ làm gì?
– Làm sao Hạnh biết được. Có thể nó định mua một thứ gì đó. – Nhỏ Hạnh nhíu mày một thoáng rồi ngập ngừng nói thêm – Vả lại, nếu Văn Châu quả thực là con gái thì chuyện nó vào chợ không có gì đáng gọi là kì lạ.
Trước những lí lẽ vững chắc của nhỏ Hạnh, Tiểu Long không còn thắc mắc nữa. Nó lặng lẽ bước theo hai bạn tiến vào cổng chợ.
Đang đi, Quý ròm đột nhiên đứng lại:
– Nhìn kìa!
Tiểu Long và nhỏ Hạnh cùng bật hỏi, giọng căng thẳng:
– Văn Châu hả?
Câu hỏi vừa buột ra khỏi miệng, cả hai liền quay đầu nhớn nhác dòm quanh.
Quý ròm chỉ tay vào chiếc xe bán hủ tiếu bò viên, cười hì hì:
– Không phải! Cái này nè.
Đang bị ám ảnh bởi việc truy lùng dấu vết Văn Châu nên ngay cả khi Quý ròm chỉ ngay chóc vào chiếc xe hủ tiếu bò viên để trêu cợt mình, nhỏ Hạnh vẫn chưa kịp hiểu ra. Nó ngớ người:
– Quý chỉ cái gì thế?
– Món ăn mà Hạnh ưa thích! – Quý ròm nheo mắt, giọng tinh quái.
– Giờ này mà Quý còn đùa được hả?
Vừa hét lên nhỏ Hạnh vừa chồm tới định tóm lấy áo Quý ròm. Nhưng mới vừa rướn người, mặt nó bỗng biến sắc:
– Nấp mau! Văn Châu!
Giật mình quay lại, thấy Văn Châu đang đứng cách đó chừng mười mét, Tiểu Long và Quý ròm điếng hồn. Cả hai quýnh quáng chui tọt vào quầy bán hủ tiếu, ngồi thu lu đằng sau chiếc xe, ngóc cổ trông ra.
Phía bên kia, nhỏ Hạnh cũng đang ngồi lấp ló sau gánh bún riêu, chốc chốc lại thò nửa đầu ra ngoài quan sát.
Cũng may là Văn Châu đang lúi húi chọn mua thứ gì đó chỗ sạp bán trái cây, nếu không, với khoảng cách gần như thế, chắc chắn nó đã phát hiện ra bọn Quý ròm một cách dễ dàng.
Cả bọn nấp chừng năm phút, Văn Châu đã lững thững quay ra, tay xách theo một túi lê-ki-ma vàng ruộm.
Thằng nhóc này lạ lùng thật! Nhác thấy túi trái cây lủng lẳng trên tay Văn Châu, Quý ròm nhủ bụng. Thường, ít ai ăn lê-ki-ma. Người ta chỉ thích ăn vú sữa, hồng xiêm, mãng cầu, xoài, nho, táo, măng cụt…
Đang nghĩ ngợi, Quý ròm bỗng hốt hoảng co giò chạy. Văn Châu lại vừa mất dạng sau một khúc rẽ.
Nhưng khác với khi nãy, lần này vừa chạy tới góc phố, Quý ròm liền thở phào khi thấy Văn Châu vẫn đang thả bộ tà tà trước mặt.
Nhỏ Hạnh trờ tới, chọc:
– Đừng lo. Ở đây chả có cái chợ nào đâu.
Quý ròm nhún vai:
– Đừng nói sớm. Chợ trước mặt kìa.
Quý ròm nói bừa, không ngờ trúng phóc. Không chỉ một cái chợ mà trên lộ trình vòng vèo, khúc khuỷu và dài dằng dặc của mình, Văn Châu đã dẫn bọn Quý ròm qua thêm hai cái chợ, một cái cầu, ba cái ngã ba và năm cái ngã tư cả thảy.
Nhỏ Hạnh ngán ngẩm:

– Nhà nó ở đâu mà xa tít mù thế này.
Tiểu Long quẹt mũi, uể oải:
– Ở đây thuộc về quận khác rồi.
Chỉ có Quý ròm là tươi hơn hớn:
– Hèn gì tao không tìm ra trường của nó. Nếu nó học một trong những trường ở quận mình thì tao đã điều tra ra từ lâu rồi.
– Lạ thật! – Nhỏ Hạnh nhíu mày – Thế tại sao nó phải đi học thêm bên quận mình cho xa?
– Hoàn toàn dễ hiểu. – Quý ròm khịt mũi – Bởi trung tâm tin học ở quận mình là trung tâm uy tín nhất.
Đang nói, Quý ròm bỗng dang hai tay ra hiệu cho cả bọn lùi vào sau cột điện.
Cuối cùng, đôi chân dẻo dai của Văn Châu cũng dừng bước. Nó đứng trước một toà biệt thự nguy nga toạ lạc ngay góc phố và nhìn vào với vẻ lưỡng lự. Điệu bộ của nó nửa muốn vào nửa muốn không.
Tiểu Long khều Quý ròm:
– Nhà nó đấy hả mày?
– Không biết. – Quý ròm khẽ đáp, mắt vẫn dán chặt vào ngôi biệt thự – Chờ một lát nữa đi.
Văn Châu đứng ngần ngừ trước toà biệt thự sang trọng kia có đến năm phút. Rốt cuộc nó cúi xuống co chân sút tung một hòn sỏi ra đường rồi lầm lũi bỏ đi.
Khi Văn Châu vừa rẽ ngoặt và khuất dạng sau góc hàng rào bao quanh toà biệt thự, bọn Quý ròm lập tức nhô ra khỏi chỗ nấp và ba chân bốn cẳng rượt theo.
Cả ba rón rén men theo bờ rao rậm rạp lần về phía góc đường. Nhưng vừa thò đầu ra, bọn Quý ròm suýt nhảy dựng lên khi thấy Văn Châu đứng lù lù cách đó chừng ba mét, trước một cánh cổng sắt cao nghễu.
Văn Châu đang kiễng chân nhìn vào căn nhà nhỏ nằm sau cổng nên không trông thấy bọn Quý ròm, nhưng dù vậy, tim đứa nào đứa nấy vẫn đập thình thịch như muốn vọt ra khỏi ***g ngực.
Không ai bảo ai, cả ba hấp tấp rụt đầu lại, thấp thỏm đứng nép sau mép rào và cố gồng mình đứng yên để tránh gây ra tiếng động. Nếu con người ta không thở mà vẫn sống thì hẳn ba đứa cũng đã nín thở luôn rồi.
Trong tư thế bất động đó, dĩ nhiên bọn Quý ròm chẳng thể nhìn thấy Văn Châu. Chúng đành gắng hết sức vểnh tai lên.
Nghe ngóng một hồi chẳng thấy động tĩnh gì, Quý ròm đoán là Văn Châu còn đang suy tính chuyện gì hoặc đang tìm kiếm người nào đó trong căn nhà nhỏ bên trong cổng.
Quả nhiên, sau một hồi im lặng chờ đợi, Văn Châu cất tiếng gọi:
– Chị Thắm! Mở cổng giùm em đi!
– Văn Châu hả! – Tiếng một người phụ nữ vang lên bên trong hàng rào – Đợi chị một chút.
Lát sau, có tiếng ổ khoá kêu lách cách và tiếng cánh cổng khô dầu rít lên. Và tiếng chị Thắm:
– Em vào đi!
Khổ nỗi, đúng vào lúc Văn Châu dợm chân, không hiểu do cảm cúm, do căng thẳng hay do ma xui quỷ khiến thế nào mà Quý ròm bỗng “hắt-xì” một tiếng to như sấm.
Âm thanh khủng khiếp đó tất nhiên không lọt khỏi tai Văn Châu. Vừa cất chân định bước qua cổng, nó bỗng sững người nhìn về chỗ góc rào bằng ánh mắt hoang mang, nghi hoặc.
Chương 6
Sau một thoáng phân vân, Văn Châu mím môi lò dò tiến lại phía góc rào.
– Em đi đâu đấy?
Chị Thắm ngạc nhiên hỏi. Nhưng Văn Châu không đáp, cũng không dừng chân, mắt vẫn dán chặt vào bụi dâm bụt nơi vừa phát ra tiếng động khả nghi, lom lom dò xét.
– Ối! Tụi mày làm gì thế này?
Vừa thò đầu ra khỏi mép rào, Văn Châu bỗng bật lên tiếng la hoảng khi nhìn thấy bọn Quý ròm.
– Tụi tao có làm gì đâu. – Quý ròm đỏ mặt lúng búng – Tụi tao chỉ đứng đây… hóng mát thôi.
– Đừng có xạo! – Văn Châu hừ mũi – Tụi mày rình rập tao phải không?
Tiểu Long nuốt nước bọt:
– Tụi tôi chỉ muốn biết… nhà bạn thôi.
Nó không dám nói thật mục đích sâu xa của cả bọn.
Văn Châu lừ mắt nghi ngờ:
– Tụi mày muốn biết nhà tao làm chi?
Tiểu Long liếm môi:
– Để tới chơi.
Rồi nó đổi giọng nghiêm trang:
– Dù sao bạn cũng đã giúp tụi này đá bại tụi khu phố 8.
Nghe nhắc đến chuyện đá bóng, mặt Văn Châu tươi lên một chút. Nhưng rồi nó sầm ngay lại:
– Thế sao tụi mày không hỏi tao mà lại lén lút theo dõi?
Nhỏ Hạnh nãy giờ im lặng đứng nghe, nay thấy hai bạn mình lộ vẻ bối rối trước câu hỏi vặn của Văn Châu, liền lên tiếng “giải vây”:
– Tụi này đi chơi phố, tình cờ nhìn thấy bạn liền tò mò đi theo chứ đâu phải cố ý theo dõi.
Văn Châu nhìn nhỏ Hạnh, cặp lông mày từ từ giãn ra:
– Mày nói thật không đấy?
– Tất nhiên là thật – Nhỏ Hạnh gật đầu, rồi sợ Văn Châu vặn vẹo tiếp, nó vội vàng hỏi trước – Nhà bạn đây phải không?
Văn Châu khẽ liếc về phía căn nhà nhỏ phía trong hàng rào, khẽ lắc đầu:
– Đây là nhà ông tao.

Nhỏ Hạnh chớp mắt:
– Tụi này vào chơi được không?
Văn Châu lộ vẻ đắn đo. Trán nó nhăn tít.
Vẻ khó xử của Văn Châu khiến nhỏ Hạnh vô cùng ngạc nhiên. Rủ bạn vào nhà chơi đâu phải là chuyện gì ghê gớm mà anh chàng này phải suy tính khổ sở thế không biết! Nhưng nó chỉ nghĩ bụng chứ không dám buột miệng hỏi lí do.
Mãi một lúc Văn Châu mới gật đầu:
– Thôi được, các bạn đi theo tôi!
Giọng nó trầm ngâm, vẻ bất đắc dĩ. Nó cũng không còn “mày mày tao tao” như khi nãy nữa.
Chị Thắm đứng đợi ở cổng, thấy Văn Châu kéo cả lố bạn xộc vào, liền chặn hỏi:
– Sao em dẫn bạn vào đông thế?
Văn Châu cau mặt:
– Chẳng lẽ chị muốn em không có bạn bè gì sao?
Chị Thắm nhìn Tiểu Long và Quý ròm, ngập ngừng:
– Còn hai bạn này…
Chị nói chưa hết câu, Văn Châu đã hừ giọng cắt ngang:
– Đó là những bạn tốt của em.
Và không nói không rằng, Văn Châu quay lại ngoắc bọn Quý ròm đi theo. Cả bọn lục tục tuôn qua cổng trước vẻ mặt phân vân của chị Thắm.
Vừa đặt chân lên bậc thềm của căn nhà nhỏ góc vườn, Văn Châu đã rối rít gọi:
– Ông ơi, ông! Cháu đem cái này về cho ông nè.
– Cháu của ông ngoan lắm! Cháu đem về cái gì thế?
Ông của Văn Châu ngồi trên chiếc phản gỗ kê giữa nhà, nghe tiếng cháu liền âu yếm hỏi.
Văn Châu đặt túi lê-ki-ma vào tay ông:
– Đố ông biết đây là cái gì?
Câu đánh đố của Văn Châu khiến bọn Quý ròm cố nín cười. Tưởng gì chứ trái lê-ki-ma thì trẻ con ba tuổi cũng biết, huống gì người đã sống đến bạc tóc như ông nó. Chuyện dễ ợt vậy mà cũng đố!
Nhưng vẻ cười cợt trên mặt bọn Quý ròm lập tức tắt ngấm.
– Để ông đoán xem nhé.
Ông của Văn Châu vừa nói vừa mỉm cười đưa tay sờ soạng túi trái cây.
Hoá ra ông bị loà! Bọn Quý ròm giật thót và trố mắt nhìn những ngón tay ông đang mò mẫm và nắn nhẹ từng trái lê-ki-ma trong túi ni-lông.
Ông không cần phải nghĩ ngợi lâu. Chỉ rờ rẫm một thoáng, ông đã đoán ra ngay:
– Ông biết rồi! – Giọng ông vui vẻ pha lẫn cảm động – Đây là thứ trái cây mà ông thích nhất. Trái lê-ki-ma.
Rồi ông chậm rãi bảo:
– Cháu bỏ trái cây vào đĩa rồi đặt lên đầu tủ cho ông!
Văn Châu “dạ” một tiếng rõ to nhưng nó chưa kịp chạy ra nhà sau thì ông đã gọi giật:
– Gượm đã!
– Gì hả ông?
Ông quay về hướng bọn Quý ròm đang đứng nãy giờ:
– Sao cháu còn chưa giới thiệu các bạn của cháu cho ông biết?
Câu nói của ông khiến Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh giật nảy người. Từ khi bước vào nhà đến giờ, ba đứa vẫn đứng lặng nơi ngạch cửa, không thốt một tiếng nào, vậy mà không hiểu sao ông vẫn phát giác được.
– Cháu quên. – Văn Châu cười lỏn lẻn – Đây là ba người bạn thân của cháu. Hôm nay cháu rủ các bạn về nhà chơi.
Văn Châu vừa dứt lời, bọn Quý ròm liền đồng thanh:
– Chào ông ạ!
– Các cháu ngoan lắm. – Ông hấp háy mắt dù chẳng nhìn thấy gì – Các cháu nhớ siêng năng đến chơi với bạn Văn Châu nhé!
– Dạ!
Bọn trẻ miệng “dạ” mà trong bụng thắc mắc vô kể. Chị Thắm thì có vẻ không muốn cho bọn chúng vào nhà, trong khi đó người ông lại niềm nở mời bọn chúng thường xuyên đến chơi, sự mâu thuẫn đó khiến bọn trẻ không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.
Nhỏ Hạnh vừa nghĩ ngợi vừa đảo mắt nhìn quanh.
Căn nhà của ông Văn Châu bày biện đơn sơ, gọn gàng. Kế chiếc phản gỗ ông ngồi là một bộ bàn ghế mây nhỏ. Góc nhà treo một chiếc võng gai. Đằng cửa sổ lủng lẳng một giò lan đang ra hoa tím. Phát hiện đó khiến nhỏ Hạnh ngẩn ngơ. Nó không tưởng tượng được một người không nhìn thấy gì lại thích chơi hoa.
Sát vách tường bên trái là một chiếc tủ nhỏ. Trên đầu tủ, đằng sau bát nhang và đĩa lê-ki-ma Văn Châu mới đặt lên là một tấm ảnh ***g khung. Nhìn tấm ảnh, nhỏ Hạnh đoán đó là bà của Văn Châu.
– Bà của bạn phải không? – Đợi Văn Châu lại gần, nhỏ Hạnh trỏ tay lên đầu tủ hỏi.
– Ừ.
– Bà bạn mất rồi hả?
Câu hỏi của nhỏ Hạnh rõ thừa thãi. Nhưng Văn Châu vẫn gật đầu:
– Ừ, bà tôi mất bốn năm nay rồi.
Quý ròm đột ngột xen lời:
– Ông bạn ngộ ghê!
– Ngộ gì đâu?
Quý ròm chớp mắt:
– Tôi không nghĩ là ông bạn lại thích ăn lê-ki-ma.
– Ông tôi không ăn lê-ki-ma. – Văn Châu lắc đầu – Chỉ có bà tôi thích. Vì vậy khi bà mất, ông muốn bày loại trái cây này để cúng bà.
Ra là vậy! – Quý ròm nhủ bụng – Như vạy hồi bà còn sống, chắc là ông rất yêu bà.
Chị Thắm ở ngoài chạy vụt vào, cắt đứt ý nghĩ của Quý ròm bằng giọng hớt hải:
– Chết rồi! Ba em tới, Văn Châu ơi.
Chị Thắm vừa dứt câu, Văn Châu vội đứng bật dậy nhìn bọn Quý ròm, nói nhanh:
– Các bạn theo tôi vào trong này!
Ba đứa không hiểu tại sao ba Văn Châu tới thì cả bọn phải lánh mặt nhưng không đứa nào hé môi, cứ lẳng lặng đi theo Văn Châu vào nhà sau.
“Bố trí” cho bọn Quý ròm đâu đó xong xuôi, Văn Châu quay trở ra nhà ngoài.

Tuy không nhìn thấy mặt ba của Văn Châu nhưng nấp ở bên trong nghe tiếng ông, bọn Quý ròm đều có cảm giác ông là một người rất nghiêm khắc.
Vừa bước vào nhà, ba Văn Châu đã cất tiếng hỏi thăm ông của nó:
– Chào ba! Ba có được khoẻ không?
– Ba vẫn bình thường.
– Cô Thắm chăm sóc ba có chu đáo không?
– Tốt lắm con ạ. – Giọng ông nó vẫn trầm trầm – Con đi đâu đây?
– Con đi thăm ba. – Ba nó khịt mũi – Vả lại, cũng để xem có Văn Châu ở đây không.
Đang nói, nhác thấy Văn Châu từ nhà sau bước ra, ba nó hỏi ngay:
– Sao con chưa chịu về nhà? Sắp tới giờ cơm rồi.
Văn Châu phụng phịu:
– Con ở lại đây ăn cơm với ông.
– Nhưng các bạn con đang đợi con ở nhà.
– Ai vậy ba?
– Mấy đứa con bác Đốc.
– Thôi, con không về đâu. – Văn Châu vùng vằng – Con không thích mấy đứa đó.
– Con lạ thật! Con nhà tử tế thì không chơi. Cứ đi lông bông ngoài đường kết bạn toàn với tụi lêu bêu, hư hỏng.
Giọng ba Văn Châu đượm vẻ phật ý. Rồi nhác thấy quả bóng nằm lăn lóc dưới gầm phản, ba nó hừ mũi:
– Suốt ngày hết đấu võ lại tới đá bóng. Thật ba chưa từng thấy một đứa con gái nào kì quặc như con.
Lời trách móc của ba Văn Châu khiến bọn Quý ròm đang dỏng tai nghe trộm bỗng giật bắn như bị điện giật.
Tiểu Long hí hửng thì thào:
– Thấy chưa! Tôi đã bảo nó là con gái mà Quý với Hạnh cứ cãi.
Nhỏ Hạnh thở dài:
– Thật không thể nào tin được.
Riêng Quý ròm cố tìm cách chống chế:
– Thì ngay từ đầu tao đã thấy nghi nghi rồi.
Trong khi Quý ròm đang chống chế bên trong thì ở bên ngoài ông của Văn Châu cũng đang chống chế cho nó. Ông bảo ba nó:
– Chơi thể thao dù sao cũng có lợi cho sức khoẻ, con ạ.
– Nhưng muốn chơi thể thao, nó có thể chơi bóng bàn, cầu lông hoặc tập aérobic. – Giọng ba nó gay gắt – Còn đánh võ với đá bóng là trò của con trai.
Rồi như vẫn còn bực bội, ông hậm hực nói thêm:
– Chẳng lẽ ba không sợ cứ cái đà này nó sẽ biến thành một cái thằng hay sao?
– Con thử nghĩ lại xem. – Ông nó im lặng hồi lâu rồi trầm ngâm nói – Lỗi này xét ra đâu phải là do nó.
Lần này thì ba Văn Châu làm thinh. Có vẻ như ông đang suy nghĩ lung lắm. Mãi một lúc ông bực bội hắng giọng:
– Thôi, con về đây.
Trước khi bước ra khỏi cửa, ông còn tặc lưỡi nói thêm:
– Dù sao con cũng không muốn ba chiều nó thái quá. Nhất là đừng để nó đi lang thang suốt.
– Theo ba, vấn đề không phải ở chỗ đó. – Ông của Văn Châu hừ giọng, vẻ phật ý – Một khi nó thích ở ngoài đường hơn ở trong nhà thì ba nghĩ vợ chồng con nên xem lại cách quan tâm chăm sóc của mình.
Nhưng lần này không rõ ba Văn Châu có nghe thấy những lời trách cứ của ông không. Tiếng giày gõ cồm cộp xuống nền đất mỗi lúc một nhỏ dần.
Ba Văn Châu đi khỏi chừng năm phút, Văn Châu mới quay vào nhà trong ngoắc bọn Quý ròm:
– Ra được rồi!
Rồi nó khẽ nhún vai:
– Bây giờ thì các bạn đã biết tôi là con trai hay con gái rồi chứ gì?
– Ừ.
Ba đứa trẻ bẽn lẽn gật đầu. Ngay trong lúc đó bọn trẻ muốn hỏi Văn Châu biết bao nhiêu là chuyện nhưng không đứa nào đủ cản đảm mở miệng. Nhỏ Hạnh chỉ đảo mắt nhìn quanh:
– Ba bạn về rồi hả?
– Ừ.
– Nhà bạn ở đâu thế?
– Xa lắm.
– Thế bạn đến đây là để chơi với ông bạn đấy ư?
Văn Châu gật đầu:
– Ừ. Nhưng tôi cũng sắp về nhà rồi. – Rồi nó nói như xua đuổi – Mà các bạn cũng nên về đi.
Thấy không còn cớ gì nấn ná, bọn Quý ròm đành chào ông của Văn Châu rồi lục tục tuôn ra cổng.
Lúc sắp sửa chia tay, nhỏ Hạnh còn chỉ tay về phía toà biệt thự nguy nga bên cạnh, cố hỏi thêm:
– Đó là nhà ai thế?
– Nhà hàng xóm. – Văn Châu khịt mũi đáp.
– Nhà hàng xóm sao lại nằm trong khuôn viên của nhà ông bạn?
Văn Châu nhún vai:
– Nhà ông tôi nằm trong khuôn viên của ngôi biệt thự nọ thì đúng hơn.
Nhỏ Hạnh tròn xoe mắt:
– Sao lại như thế được?
– Sao lại không được?
Văn Châu nhếch mép hỏi vặn và thò tay cầm lấy mép cổng.
Bọn Quý ròm hiểu đó là dấu hiệu tiễn khách.
– Hẹn gặp lại!
Tiểu Long nói khẽ và quay mình đi trước. Quý ròm và nhỏ Hạnh lẽo đẽo theo sau. Đứa nào đứa nấy ngực nặng như đeo chì.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.