Kính vạn hoa - Tập 03 - Thám tử nghiệp dư

Chương 8


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 03 – Thám tử nghiệp dư – Chương 8

Chương 8
Sân khấu ca nhạc được thiết kế ngoài trời với vòng rào bao quanh. Những chiếc bàn con bày ngay trên bãi cỏ. Khách mua vé vào xem được phục vụ nước giải khát tại chỗ, tất nhiên là phải trả tiền.
Khi bọn Quý ròm đến, chương trình mới rục rịch bắt đầu.
Tiểu Long nghiêng người về phía Quý ròm, hỏi khẽ:
– Nếu có ca sĩ nào đó hát bài “Hạ trắng” thì sao?
Quý ròm hạ giọng, thận trọng đáp:
– Thì ca sĩ đó là người liên lạc của bọn họ! Mình phải kín đáo theo dõi!
Tiểu Long không hỏi nữa. Nó ngồi im dỏng tai chờ đợi.
Nhưng hai, ba ca sĩ nối tiếp nhau ra vô mà chẳng có ai ca bài “Hạ trắng”. Họ toàn hát nhạc trẻ, biểu diễn với điệu bộ nhún nhảy.
Tới người thứ năm thì Tiểu Long đã thấy sốt ruột. Đã mấy lần, nó quay sang Quý ròm định nói gì đó nhưng cuối cùng lại thôi.
Chỉ có Mạnh là không kềm chế nổi. Nó cất giọng làu bàu:
– Biết vậy khỏi mò tới đây cho nhọc xác!
Quý ròm quay lại:
– Kiên nhẫn chút đi! Biết đâu bài “Hạ trắng” nằm ở cuối chương trình…
Đang nói, Quý ròm bỗng đờ ra, miệng há hốc. Cả bọn nhạc nhiên ngoảnh cổ nhìn theo ánh mắt của Quý ròm và khi nhác thấy ba người thanh niên hôm qua đang lững tiến ra cổng, đứa nào đứa nấy giật thót như thể có một luồng điện chạy qua người.
Tiểu Long định thần lại trước tiên. Nó khẽ hô:
– Đuổi theo chứ?
Cả bọn như choàng tỉnh, lật đật đứng cả dậy, dợm phóng theo ba bóng người trước mắt.
Chợt có tiếng kêu:
– Ê, ê! Khoan đã!
Bọn trẻ chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì người phục vụ từ trong bóng tối bước ra, từ tốn nhắc:
– Các cháu chưa trả tiền nước!
Sự cố bất ngờ khiến bọn trẻ tẽn tò nhìn nhau. Quý ròm nhìn bốn ly nước ngọt đang uống dở trên bàn, nửa cười nửa mếu hỏi:
– Bao nhiêu vậy chú?
– Mười ngàn.
Không ngờ chỉ trong một tích tắc trì hoãn đó, mọi sự đâm ra hỏng bét. Khi bọn trẻ trả tiền xong và chạy theo ra tới cổng, ba người thanh niên đã biến mất tự bao giờ.
Quý ròm ra đứng giữa đường, nhìn ngược nhìn xuôi một hồi vẫn chẳng thấy tông tích đối phương đâu, liền vò đầu bứt tai:
– Lại sổng nữa! Tức ơi là tức!
Nhỏ Hạnh nhìn Tiểu Long:
– Vừa rồi Long có nghe thấy tiếng xe nổ máy không?
– Không! – Đang nói, Tiểu Long bỗng ngập ngừng – Nhưng cũng có thể có mà tôi không nghe! Tiếng nhạc ồn quá!
– Họ vào lúc nào sao mình chẳng biết! – Mạnh hỏi bâng quơ.

Nhỏ Hạnh chép miệng:
– Tại bất ngờ nên mình không để ý đó thôi! Nếu chịu khó quan sát, chắc chắn mình đã phát hiện ra họ từ trước!
– Nhưng tại sao họ lại đột nhiên tới chỗ này? – Mạnh chột dạ – Hay là họ cố tình theo dõi ngược lại bọn mình?
Tiểu Long mím môi:
– Dám lắm!
– Không có đâu! – Nhỏ Hạnh lắc đầu – Mục tiêu của họ cũng như mình thôi! Họ đi tìm người hát bài “Hạ trắng” để bắt liên lạc!
– Thế sao họ bỏ về?
Nhỏ Hạnh trầm ngâm một lát rồi chậm rãi giải thích:
– Có thể sau khi nghe vài ba bài, họ đã tới gặp ban tổ chức để tìm hiểu danh sách những bài hát sẽ được trình diễn tiếp theo. Khi không thấy bản “Hạ trắng” trong chương trình, họ quyết định ra về. Nhưng nếu quả như vậy, thế nào tối mai họ cũng quay lại!
Trong khi Quý ròm gật gù thán phục tài suy luận của nhỏ Hạnh thì Tiểu Long hồi hộp thăm dò:
– Thế còn tụi mình?
– Tụi mình sao?
– Bây giờ tụi mình về chứ?
– Hẳn nhiên rồi.
– Và mãi đến tối mai tụi mình mới quay lại đây chứ?
– Hẳn nhiên luôn! – Nhỏ Hạnh đáp, giọng pha trò – Nhưng tại sao Long lại hỏi kỹ thế?
– Tôi hỏi như vậy chỉ vì… chỉ vì…
Thấy Tiểu Long cà lăm cả buổi, Quý ròm tức mình vọt miệng:
– Chỉ vì tôi muốn biết ngày mai có thì giờ rảnh để đi bơi không chứ gì?
– Thì đại khái là vậy!
Bị Quý ròm nói trúng ngay tim đen, Tiểu Long đáp với vẻ bẽn lẽn.
– Đúng thì nói đúng đại cho rồi! Còn bày đặt “đại khái”!
Quý ròm lại tiếp tục trêu nhưng lần này thì Tiểu Long nhe răng cười hì hì. Mồm mép nó thua xa Quý ròm, nó chẳng dại gì dây vào thằng còm nhỏm còm nhom này. Miễn ngày mai được bông nhông xuống biển là thích rồi! Tiểu Long nhủ bụng và tối đó nó cứ thao thức mong cho trời chóng sáng.
Nhưng sáng hôm sau, cả bọn nằm ngủ thẳng cẳng đến trưa. Lết bộ suốt một ngày, tối lại còn mò đi “xem ca nhạc”, thân thể rã rời nên mặc cho cô Tư mấy lần vào kêu dậy ăn sáng, cả bọn cứ nằm ườn ra, chẳng thèm nhúc nhích.
Tới giờ cơm trưa, bọn trẻ mới lục tục bò dậy chạy đi đánh răng rửa mặt.
Cô Tư lắc đầu:
– Rong chơi cho lắm vào! Dù sao các cháu cũng phải biết giữ gìn sức khỏe chứ!
Bọn trẻ chỉ mỉm cười và lặng lẽ ngồi vào bàn, cắm cúi ăn. Chẳng lẽ nói cho cô biết là hôm qua cả bọn phải bỏ sức lùng sục ba gã thanh niên khả nghi kia?
Cô Tư lại hỏi:
– Thế hôm qua các cháu có đi tắm biển không?
– Dạ có ạ! – Quý ròm cười cười – Thăm Thích Ca phật đài xong là tụi cháu nhảy xuống biển ngâm mình suốt cả buổi chiều!
– Thế các cháu đã ngán chưa?

– Ngán gì ạ?
– Ngán tắm biển ấy!
– Dạ, ngán lắm rồi ạ!
Quý ròm vừa nói vừa đưa mắt liếc về phía Tiểu Long, thấy thằng này mặt nhăn mày nhó như đang nhai phải bốn, năm hạt sạn trong miệng. Trong khi đó, Mạnh và nhỏ Hạnh phải cố lắm mới khỏi phì cười. Thậm chí chúng còn cẩn thận đưa tay lên che miệng, sợ bất thần phun cơm ra như bữa trước.
Cô Tư chẳng hay biết những sự cố xảy ra với bọn trẻ. Thỉnh thoảng cô hỏi những câu oái ăm khiến Quý ròm phải phịa hết câu này đến câu khác. Những đứa kia thì hồi hộp vểnh tai nghe, lăm lăm tư thế “cứu bồ” nếu Quý ròm chẳng may sơ sẩy.
Cho đến khi rút vào phòng ngủ, bọn trẻ mới thở phào. Tiểu Long vẫn chưa nguôi ấm ức. Nó nói trổng trổng:
– Có người làm ảo thuật hay ghê!
Biết Tiểu Long ám chỉ mình, Quý ròm hừ giọng:
– Xiên xỏ gì đó mày?
– Tao đâu có nói mày! – Giọng Tiểu Long giận dỗi – Tao chỉ nói đứa nào đặt chân đến Vũng Tàu đã ba ngày mà chưa hề biết nước biển mặn nhạt thế nào, đã vậy còn la ngán nữa!
– Long không nên trách Quý! – Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, nhỏ Hạnh liền vội vàng can thiệp – Nếu Quý không nói vậy, cô Tư sẽ thắc mắc hỏi tới hỏi lui, rốt cuộc lộ chuyện hết!
Quý ròm mỉm cười:
– Ngốc ơi là ngốc! Tụi mình chẳng thỏa thuận ngày hôm nay đi tắm biển là gì! – Rồi nó giở giọng châm chọc – Lát chiều mày sẽ tha hồ… uống nước biển đầy bụng, chả ai giành với mày đâu!
Bọn trẻ cãi qua cãi lại một hồi rồi thi nhau tót lên giường nằm ngủ. Tiểu Long đã thôi hờn giận Quý ròm. Nó nằm mơ màng đến những giây phút lặn hụp trong sóng nước.
Khoảng ba giờ chiều, bọn trẻ kéo nhau thả bộ ra Bãi Dứa. Tiểu Long to con nhất được phân công xách túi đựng mấy bộ đồ tắm và dăm chai nước ngọt.
Lẽ ra bọn trẻ mặc sẵn đồ tắm ở nhà, như vậy gọn hơn, nhưng Tiểu Long luôn mồm hối thúc nên cả bọn đành nhét đồ tắm vào túi xách đem theo.
Nhưng khi đến Bãi Dứa, bọn trẻ lại ngần ngừ không biết có nên thay đồ xuống tắm hay không. Chiều cuối tuần, bãi biển đông nghẹt người từ các nơi đổ về, lúc nhúc cả trên bờ lẫn dưới nước.
Tiểu Long háo hức là thế, vậy mà bây giờ cũng than thầm trong bụng. Bãi biển có một khúc ngắn ngủn mà người ngợm như nêm thế này, lấy chỗ đâu mà bơi với lội!
– Hay là tụi mình ra Bãi Sau tắm! – Mạnh gợi ý.
Tiểu Long tặc lưỡi:
– Chiều cuối tuần thì bãi nào cũng vậy thôi!
– Khác nhau xa chứ! – Mạnh gân cổ – Bãi Dứa hẹp như cái lỗ mũi còn Bãi Sau rộng mênh mông! Có nhét cả thành phố xuống biển thì Bãi Sau vẫn còn thừa chỗ cho bọn mình!
– Vậy thì đi! – Nhỏ Hạnh đặt tay lên vai Mạnh – Nhưng Bãi Sau ở chỗ nào, có gần đây không?
– Gần xịt hà! – Mạnh hăm hở chỉ tay lên đỉnh dốc – Đi thẳng theo hướng này, qua khỏi Mũi Nghinh Phong là tới nơi!
Thế là bọn trẻ lục tục kéo nhau theo Mạnh.
Dốc không cao lắm nhưng đi một lát, nhỏ Hạnh đã thấy mỏi chân. Nó cứ hít hà luôn miệng:
– Sao lâu quá vậy? Gần tới chưa?
– Còn chút xíu nữa hà! – Mạnh trấn an.
Pho tượng trắng khổng lồ đột ngột hiện ra sau một khúc quanh. Tiểu Long reo lên:
– A, tượng Chúa!
– Không phải tượng Chúa đâu! – Mạnh cười – Đây là tượng thánh George!

– Sao em biết? – Nhỏ Hạnh hỏi.
Mạnh chớp mắt:
– Trong bản đồ du lịch Vũng Tàu người ta ghi vậy!
Nhỏ Hạnh trầm ngâm một lát rồi khẽ lắc đầu:
– Có thể trong bản đồ người ta ghi sai! Chị có đọc một tài liệu của một tác giả người Pháp. Ông ta khẳng định đây là tượng chúa Jésus!
Thấy nhỏ Hạnh đem tài liệu này tài liệu nọ ra làm bằng chứng. Mạnh hết ham cãi. Nó gãi đầu:
– Nhưng Thánh hay Chúa gì cũng là người một nhà cả thôi!
Nhỏ Hạnh không để ý đến câu nói vớt vát của Mạnh. Nó nheo mắt nhìn lên pho tượng lấp lóa nắng chiều trên đỉnh núi, miệng xuýt xoa:
– Đẹp quá hén!
Thấy nhỏ Hạnh trầm trồ khen pho tượng, Mạnh vọt miệng khoe:
– Pho tượng này có thể trèo lên được! Hôm nào em dẫn chị leo lên đó chơi!
– Em chỉ đùa! – Nhỏ Hạnh khịt mũi – Pho tượng cao to như thế, có bắc thang cũng chưa chắc trèo lên được, nói gì trèo tay không!
Mạnh vênh mặt:
– Chị chả biết gì hết! Pho tượng có cầu thang trong ruột! Em đã leo lên đó cả ngàn lần rồi!
– Ôi, hay quá! – Tiểu Long hào hứng – Vậy hôm nào tụi mình trèo lên đó chơi đi!
– Mai đi! – Mạnh vui vẻ – Sáng mai ăn cơm xong, em sẽ dẫn mọi người lên đó!
-Nhưng cầu thang trong ruột pho tượng dẫn lên tới đâu? – Nhỏ Hạnh chợt thắc mắc.
– Dẫn lên tới cánh tay pho tượng! – Mạnh đáp – Ngay chỗ vai pho tượng có trổ một cái bao lơn, đứng chỗ vai pho tượng có thể nhìn thấy toàn bộ Bãi Sau. Thấy người ta đi đi lại lại, bé tẹo như một bầy kiến, trông vui lắm!
Nhưng lúc này nhỏ Hạnh chẳng còn lòng dạ nào quan tâm đến lời quảng cáo “trông vui lắm” của Mạnh. Nó ngẩn ngơ hỏi lại:
– Trên vai pho tượng có một cái bao lơn ư?
Mạnh chưa kịp đáp thì Quý ròm nãy giờ vẫn im thin thít bỗng thảng thốt kêu lên:
– Bỏ xừ rồi! Có vậy mà hổm rày mình nghĩ không ra!
Nhỏ Hạnh mỉm cười nhìn bạn:
– Quý cũng nghĩ như vậy hả?
– Chứ còn gì nữa! – Quý ròm mím môi, giọng quả quyết – Chắc chắn là vậy rồi!
Nhỏ Hạnh mặt tươi hơn hớn:
– Vậy bây giờ tụi mình phải leo lên đó ngay!
– Leo lên đâu?
Tiểu Long và Mạnh ngơ ngác hỏi, nãy giờ cả hai chẳng hiểu Quý ròm và nhỏ Hạnh đối đáp những gì.
Quý ròm nheo mắt:
– Leo lên pho tượng chứ leo lên đâu?
– Leo lên pho tượng? – Tiểu Long ngạc nhiên – Sao bảo là ngày mai mình mới leo lên đó!
Quý ròm gọn lỏn:
– Ngày mai thì hỏng bét!
Nhỏ Hạnh từ tốn giải thích:
– Nếu trên vai pho tượng có một cái bao lơn để khách du lịch leo lên đứng ngoạn cảnh thì rất có thể đó là địa điểm mà bọn người bí mật kai muốn ám chỉ qua lời nhạc của Trịnh Công Sơn!
Đến lúc này, Tiểu Long và Mạnh mới sực nhớ đến câu “Gọi nắng trên vai em gầy” được ghi trên mảnh giấy giấu trong chiếc hộp đen. Ừ nhỉ, những chữ “trên vai em gầy” trong câu “mật mã” bí hiểm này chắc là có liên quan đến cái bao lơn trên vai pho tượng khổng lồ kia! Mạnh nghĩ và không băn khoăn nữa, có cầm tay Tiểu Long vội vàng rảo bước.

Có một vài người khách cũng định leo lên pho tượng. Khi bọn Tiểu Long đến nơi, đã thấy bóng người lấp ló ở bên trong. Bọn trẻ liền hối hả nối đuôi nhau đi vào.
Lòng pho tượng không rộng như nhỏ Hạnh hình dung. Chiếc cầu thang xoắn vừa đủ cho một người đi lọt. Mạnh đi trước, Tiểu Long đi đoạn hậu, cả bọn lần theo tay vịn leo dần lên cao.
Đúng như Mạnh quảng cáo, cầu thang dẫn lên một bao lơn vuông vức được thiết kế trên vai pho tượng. Đứng trên đó có thể nhìn bao quát cả vùng biển quanh Mũi Nghinh Phong.
Vừa nhô đầu lên bao lơn, Tiểu Long đã xuýt xoa:
– Mát quá! Mát quá!
Rồi đảo mắt một vòng, nó reo lên:
– Ôi, đẹp quá! Xem biển đổi màu kìa!
Quả thật, nhìn từ trên cao, biển không tuyền một màu xanh như nhìn từ dưới đất. Tùy theo độ nông sâu và có bị mây che hay không mà từng vùng biển có màu đậm nhạt khác nhau, chỗ thì màu rêu, chỗ xanh da trời, chỗ màu tím than, thậm chí có vùng biển ánh lên màu hổ phách. Cứ chốc chốc biển lại đổi màu, lung linh, lóng lánh, hợp với màu trời thành một cảnh quan huyền ảo và kỳ vĩ.
Nhưng tiếng reo của Tiểu Long chỉ đánh động những người khách lạ đứng quanh đó. Vài người ngoảnh đầu nhìn theo tay chỉ của nó. Còn bọn Quý ròm, nhỏ Hạnh và Mạnh thì đầu óc đang để hết vào việc dò tìm những dấu vết khả nghi.
– Đây rồi! – Mạnh bật kêu khẽ.
Ba đứa kia lật đật xúm lại, và theo cái nháy mắt ra hiệu của Mạnh, cả bọn ngẩng đầu nhìn lên bức vách đối diện, nơi có một bài thơ được chép nắn nót, nét chữ nghiêng nghiêng.
Nhỏ Hạnh nheo mắt đọc:
Vai kề vai âu yếm giữa mây trời
Thương tượng đá một mình trên đỉnh núi
Biết bao giờ có bạn để thành đôi
Rồi mai đây ta trở về mặt đất
Chẳng thể nào quên kỷ niệm hôm nay
Nụ hôn nồng trao gửi lúc chia tay
Mùi hương ấy muôn đời anh vẫn nhớ!
Bài thơ làm nhỏ Hạnh đỏ mặt. Nó thò tay cốc đầu Mạnh một cái và trợn mắt mắng, quên cả cảnh giác:
– Bài thơ tầm bậy tầm bạ này mà em dám kêu là “mật mã” hả?
– Ai mà biết! – Mạnh xoa đầu, nhăn nhó phân trần – Hôm trước ở trong chùa cũng thơ, bữa nay ở đây cũng thơ, làm sao em biết thơ nào là “thơ mật mã”, thơ nào là thơ… tầm bậy?
– Hạnh tầm bậy thì có! – Quý ròm cười cười, trêu – Anh Vũ của tôi cũng làm cho chị Ngần cả khối thơ như thế này, chẳng lẽ là thơ tầm bậy hết sao?
Nhỏ Hạnh phớt lờ sự châm chọc của Quý ròm, quay sang Mạnh, dịu giọng dỗ dành:
– Thôi đừng có làm bộ xoa tới xoa lui trên đầu nữa! Chị cốc nhẹ hều đâu có đau! – Rồi nó chép miệng giải thích – Đây là thơ của một đôi trai gái nào đó, hiểu chưa hả ngốc? Người ta lên đây chơi rồi đề thơ làm kỷ niệm chứ mật mã mật miếc gì!
Mạnh chừng hiểu ra. Nó bỏ tay xuống, chớp chớp mắt:
– Nhưng bài thơ này cũng hay đấy chứ?
– Hay gì mà hay! – Nhỏ Hạnh “xì” một tiếng và quay mặt đi – Thơ gì hôn hít thấy mà ghê!
Bộ tịch của nhỏ Hạnh khiến Quý ròm bật cười. Nó định giở trò nghịch ngợm trêu thêm nhỏ Hạnh một, hai câu nhưng chưa kịp mở miệng, nụ cười trên môi nó đột ngột tắt ngấm. Nó vừa nhác thấy chỗ bức vách Tiểu Long vừa xích ra có hai hàng chữ lờ mờ. Nhưng điều đó không quan trọng. Cái làm cho tim nó đập thình thịch là hình vẽ kế hàng chữ. Đó là hình vẽ một con chim hải âu đang tung cánh. Từ nãy đến giờ, Tiểu Long đứng che mất chỗ đó nên không đứa nào nhìn thấy và nếu thằng mập này không vô tình nhích qua thì Quý ròm lẫn nhỏ Hạnh cũng đành bó tay.
Tiểu Long, nhỏ Hạnh và Mạnh nhanh chóng phát hiện ra vẻ sửng sốt của Quý ròm và theo hướng mắt của nó, ba đứa lập tức nhận ra dấu hiệu quen thuộc kia và cùng “ồ” lên một tiếng.
Bốn cái đầu liền chụm vào bức vách và bốn đôi môi cùng mấp máy:
Mây trắng về xuôi hai cây số
Đầm rồng hang cọp chớ xông vô!
Trong khi Tiểu Long lắc đầu, Quý ròm khịt mũi, nhỏ Hạnh vỗ vỗ trán thì Mạnh khẽ bước lui ra sau, lẩm bẩm:
Lần này thì chắc chắn không phải là thơ tầm bậy, mà là thơ… tầm phào!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.