Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 01 – Nhà Ảo Thuật – Chương 4
Tất nhiên lần này Quý ròm chả dại gì gây ra tiếng nổ. Nó chỉ làm trò lửa cháy thôi. Nhưng lửa cháy trong phòng, lại bùng lên rồi tắt ngay, hẳn là bà không thấy.
Bây giờ chỉ còn mỗi chuyện trang phục. Quý ròm vừa căng tấm drap lên tường vừa cố nhớ xem trong tủ có bộ quần áo nào giông giống với bộ cánh mà các nhà ảo thuật thường mặc hay không, nhưng nó chẳng nhớ ra một bộ nào như vậy cả.
Rốt cuộc, sau một hồi lục lục lọi lọi, Quý ròm đành tạm bằng lòng với chiếc áo ghi-lê màu tím thẫm, loại áo khoác bên ngoài sơ-mi mà lâu nay nó rất ít đụng tới.
Ðang đứng săm soi ngắm nghía trước gương, Quý ròm chợt thấy Tiểu Long thò đầu vào.
– Sao, mày đã dán tờ quảng cáo lên cổng chưa? – Quý ròm quay lại hỏi.
– Rồi! Tụi nhóc bu đông như kiến!
Quý ròm sung sướng:
– Tụi nó có nói gì không?
– Có.
– Tụi nó nói sao?
Quý ròm hỏi dồn khiến Tiểu Long đâm rụt rè. Nó ngắc ngứ một hồi rồi mới đáp:
– Tụi nó bảo mày xạo!
Quý ròm sầm mặt:
– Ðứa nào nói vậy, mày cứ gõ bẹp đầu! Bảo tụi nó, nếu tao xạo, cho tụi nó dẫn ba mẹ tới đòi tiền lại!
Tiểu Long quay ra một lát lại quay vào. Lần này mặt mày nó trông hí hửng:
– Tao bán được ba vé rồi!
Quý ròm cau mặt:
– Ba vé thì ăn nhằm gì! Ra bán tiếp đi!
Tiểu Long chớp mắt:
– Tụi nó hỏi chừng nào mới bắt đầu biểu diễn!
– Mày cứ nói là mười lăm phút nữa!
Tiểu Long lại quay ra. Nhưng cứ chốc chốc nó lại thò đầu vào, thông báo:
– Ðược năm vé rồi!
– Ðược tám vé!
– Mười hai vé!
Quý ròm vuốt vuốt cổ áo:
– Mười hai vé mới được hăm bốn ngàn, chưa ăn thua gì cả!
Nhưng Tiểu Long chẳng thể làm hơn được nữa. Nó bán tới vé thứ mười lăm thì những đứa đã mua vé sốt ruột lắm rồi. Chúng nhao nhao:
– Diễn đi chứ! Mười lăm phút sao lầu quá vậy?
– Mở màn lẹ đi! Tao còn phải chạy đi mua dầu cho mẹ tao!
– Không diễn là ông trả vé lại à!
Tiểu Long nhăn nhó nhìn Quý ròm:
– Giờ sao mày?
– Ðành phải bắt đầu chứ sao! – Quý ròm nhún vai, rồi nó tặc lưỡi an ủi bạn – Ðược ba chục ngàn cũng khá lắm rồi! Mày cứ yên chí, rồi mình sẽ nghĩ ra cách để xoay tiếp!
Nói xong, nó lẩn ngay vào phòng.
Khi Tiểu Long dẫn khán giả vào thì Quý ròm đã ung dung đứng trước chiếc bàn ngổn ngang chai lo, mặt mày lạnh lẽo không thua gì David Copperfield lúc sắp sửa đi xuyên qua bức tường của Vạn lý trường thành.
Rèm cứa buông kín và những chiếc bóng đèn được Quý ròm phủ một lớp giấy bóng đang tỏa ra thứ ánh sáng nhờ nhờ càng làm tăng thêm vẻ nghiêm trang, huyền bí.
Nhưng khung cảnh âm u hồi hộp đó đã nhanh chóng bị phá vỡ bởi đám khán giả ồn ào, lắm miệng. Tiếng một đứa oang oang:
– Ngồi ở đâu đây? Rạp xiếc gì chả có ghế ghiếc gì hết vậy?
Khi nghe Tiểu Long bảo phải ngồi xếp bằng dưới đất, bọn nhóc lại la rân:
– Trời đất! Ông bỏ tới hai ngàn mua vé mà vào đây bắt ông ngồi dưới đất!
– Tao chẳng chịu đâu! Ngồi dơ quần lát về mẹ tao đánh cho bét đít!
Giữa những tiếng la chí chóe của đám trẻ bát nháo, bộ tịch Tiểu Long nom đến tội. Nó cứ xoay hết bên này đến bên kia, nhấn cổ được ông nhóc này ngồi xuống thì ông nhóc khác lại nhổm lên, cứ hệt như một chị nhà quê đang cuống cuồng đuổi bắt đàn vịt sổng giữa chợ.
Quý ròm nhìn quang cảnh trước mặt, vừa tức vừa buồn cười. Cuối cùng, thấy Tiểu Long cứ loay hoay mãi vẫn không dẹp được bọn lỏi tì, nó liền cầm lên chiếc đũa thủy tinh gõ “coong coong” vào chiếc bình trước mặt.
– Yên lặng! Yên lặng! Màn ảo thuật thứ nhất bắt đầu!
Mưu kế của Quý ròm quả nhiên hiệu nghiệm như thần. Nó vừa cất tiếng, bọn nhóc lập tức im bặt, mắt đứa nào đứa nấy thò lỏ nhìn về phía nó.
Ðến bây giờ bọn nhóc mới để ý đến chiếc áo khoác lửng trên người Quý ròm và chiếc mũ đen Quý ròm đang đội. Ừ, thằng này nom cũng có vẻ ảo thuật gia ra phết! Nhiều đứa nghĩ, và vì thế chúng ngồi im trố mắt xem thử Quý ròm định làm trò gì, quên bẵng mất nỗi lo dơ quần dơ áo.
Thấy bọn nhóc đã bắt đầu tập trung chú ý đến mình, Quý ròm buông chiếc đũa thủy tinh xuống và từ từ nhấc hai chiếc bình trước mặt lên, giọng trịnh trọng:
– Thưa các bạn! Thưa quý ông quý bà!
Quý ròm mới nói đến đây đã nghe phía dưới có tiếng cười hí hí, nhưng nó phớt lờ, tiếp:
– Màn ảo thuật lạ lùng mà tôi sắp trình diễn với quý ông quý bà đây có liên quan đến một vụ án thời xưa…
Nói đến đây, Quý ròm cố ý ngưng một chút, cốt tạo sự hồi hộp cho khán giả. Quả nhiên, nghe nói có “vụ án”, bọn nhóc há hốc mồm, lắng tai chờ nghe tiếp:
– Cái vụ án đó là như thế này! – Quý ròm hắng giọng kể – Ngày xưa có một tay nhà giàu nọ muốn cướp vợ của một người hàng xóm nghèo, bèn lập kế gọi người hàng xóm đó đến xay gạo giùm, rồi vu cho anh ta tội ăn cắp vàng bạc của gia chủ. Vụ án lập tực đước báo lên quan. Quan ăn của đút của tay nhà giàu từ trước nên mặc cho người hàng xóm kêu oan như bộng, vẫn đổ riệt tội trạng lên đầu anh ta và kêu án đày biệt xứ. May thay lúc ấy có một người thuật sĩ đi ngang qua, nghe chuyện, liền xin vào ra mắt. Sau khi hỏi han đầu đuôi tự sự, người thuật sĩ biết vụ án có nhiều oan khuất, bèn đứng ra minh oan cho anh hàng xóm nghèo và vạch trần âm mưu đổi trắng thay đen của tên nhà giàu quỷ quyệt. Lý lẽ vững chắc của người thuật sĩ khiến quan cứng họng không cãi lại được tiếng nào. Tức mình, quan bèn đập bàn hét “Trắng là trắng, đen là đen! Ðổi trắng thay đen thế nào được mà nhà ngươi cứ lải nhải mãi thế!”. Trước trận lôi đình của quan, người thuật sĩ vẫn bình tĩnh dáp “Thưa ngài, đổi trắng thay đen là chuyện thường tình ở đời. Ngay cả thứ nước màu trắng trong chiếc bình trước mặt ngài đây, tôi cũng có thể biến nó thành màu đen trong chớp mắt, huống gì những chuyện xa xôi!”…
Kể đến đây, Quý ròm lắc lắc hai chiếc bình đang cầm trên tay rồi nhẹ nhàng đặt xuống, giọng nghiêm nghị:
– Ðó chính là hai chiếc bình này đây!
Bọn nhóc lập tức chen nhau chồm tới trước để nhìn cho rõ hai chiếc bình.
Một đứa hỏi:
– Như vậy là người thuật sĩ có cả thảy mấy chiếc bình? Hai chiếc hay một chiếc?
Quý ròm khịt mũi:
– Tất nhiên là hai chiếc!
– Sao khi nãy mày bảo chỉ có một chiếc? – Thằng nhóc cãi lại.
– Tao chả bảo gì cả! – Quý ròm nổi quạu – Một chiếc hay hai chiếc cũng vậy thôi!
Một đứa khác tỏ ý nghi ngờ:
– Nhưng chắc gì đây là hai chiếc bình của người thuật sĩ nọ?
Quý ròm gầm gừ:
– Chắc hay không gì thì dang ra rồi mày sẽ biết!
Vừa nói Quý ròm vừa nháy mắt ra hiệu cho Tiểu Long “dẹp loạn”. Hiểu ý bạn, Tiểu Long vội vàng dang rộng hai cánh tay vạm vỡ lùa đám khán giả đang chồm chồm trở về chỗ cũ:
– Ngồi xuống! Ngồi xuống!
Khi bọn nhóc đã ổn định trật tự, Quý ròm liền cầm hai chiếc bình đưa qua đưa lại trước mặt:
– Quý ông quý bà nhìn kỹ đi! Trong hai chiếc bình này, một chiếc đựng nước trắng, một chiếc đựng bột trắng. Nói chung chỉ toàn màu trắng. Và người thuật sĩ đã làm như thế này đây!
Nói vừa dứt câu, Quý ròm nhanh tay đổ chất dịch lỏng trong suốt vào bình chứa bột. Xong, nó lấy chiếc đũa thủy tinh quậy lên.
Trong thoáng chốc, trước ánh mắt ngỡ ngàng của bọn nhóc, chiếc bình thủy tinh đột ngột sẫm màu lại và bắt đầu bốc khói. Và chừng vài phút sau, một khối cứng màu đen bỗng trồi lên khỏi miệng bình đến mấy phân, nổi bật trên nền trắng của tấm drap căng phía sau và kéo theo nó những tiếng xuýt xoa thán phục:
– Chậc, chậc! Tài quá hén!
– Ðúng là “đổi trắng thay đen”! Hay thật!
– Có thế mới đáng đồng tiền bát gạo chứ!
Tiểu Long ngồi lẫn trong đám nhóc, nghe khen, sướng phổng mũi, luôn miệng cười hì hì.
Quý ròm cũng khoái chí không kém, nhưng lỡ đóng vai David Copperfield, nó phải cố giữ vẻ đĩnh đạc và phớt tỉnh để xứng đáng với tầm vóc của mình.
Sau khi dẹp hai chiếc bình và đặt lên bàn một tấm bìa cứng, Quý ròm gõ gõ chiếc đũa thủy tinh xuống bàn:
– Quý ông quý bà lưu ý! Ðây là màn ảo thuật thứ hai, còn ly kỳ hấp dẫn hơn màn thứ nhất! Màn này…
– Khoan đã! Màn khi nãy đã xong đâu! – Một ông nhóc bỗng chồm dậy vọt miệng chen ngang.
Ðám đông đang nôn nóng chờ xem màn tiếp theo, thình lình bị ông nhóc này làm cụt hứng, bèn nhao nhao phản đối:
– Ðồ phá đám, ngồi xuống đi!
– Người ta đã đổi trắng thành đen rồi, còn xong với chưa xong gì nữa!
Ông nhóc gãi đầu:
– Nhưng còn người hàng xóm nọ…
– Người hàng xóm nào? – Có tiếng hỏi.
– Thì người hàng xóm trong câu chuyện khi nãy chứ người hàng xóm nào! Rốt cuộc anh ta có được tha hay không?
– Tất nhiên là được tha rồi!
– Sao mày biết?
– Sao lại không biết!
– Ðừng có dóc! Câu chuyện vừa rồi đã kể hết đâu!
– Kể chưa hết cũng biết! Nếu không được tha thì chẳng ai kể làm gì!
Thấy cuộc đối đáp lạc đề này có nguy cơ kéo dài đến vô tận, Quý ròm vội vã can thiệp:
– Thôi đừng cãi nhau nữa! Tóm lại là người hàng xóm được tha, tên nhà giàu vô ngục! Bây giờ xin mời quý ông quý bà xem tiếp…