Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 01 – Nhà Ảo Thuật – Chương 2
Nhà Tiểu Long rất nghèo. Ba nó là thợ hồ. Mẹ nó bán những thứ linh tinh như thuốc lá, nước ngọt, mì gói và những mặt hàng lặt vặt khác, toàn bộ “gia tài” chất trên một chiếc xe đẩy nhỏ.
Tiểu Long có hai ông anh sinh đôi là anh Tuấn với anh Tú. Cả hai đều đã nghỉ học từ cuối năm lớp chín để đi làm phụ giúp gia đình. Anh Tuấn làm bảo vệ ở một xí nghiệp may. Còn anh Tú là công nhân trong một nhà máy sản xuất giày dép.
Tiểu Long còn một đứa em gái là nhỏ Oanh. Nhỏ Oanh cùng tuổi và học cùng lớp cùng trường với nhỏ Diệp, em Quý ròm. Con bé tuy nhỏ tuổi nhưng nom chững chạc ra phết, chả bù với tính nhõng nhẽo của nhỏ Diệp.
Nhà Tiểu Long nằm cuối một con hẻm cụt. Mẹ nó ngồi bán ở ngay đầu hẻm, sáng đẩy xe ra tối đẩy xe vào.
Lúc Quý ròm tới, mẹ Tiểu Long đang bán mấy bịch kẹo xanh xanh đỏ đỏ cho một thằng nhóc trong hẻm.
Vừa nhác thấy Quý ròm, không đợi nó kịp hỏi, bà đã niềm nở:
– Cháu vào chơi đi! Tiểu Long có ở nhà đấy!
Cũng như nhà Quý ròm, nhà Tiểu Long vào giờ này vắng tanh vắng ngắt. Mọi người đã đi làm, đi học cả. Ngay cả Tiểu Long cũng không thấy đâu.
Nhưng Quý ròm không hề ngạc nhiên. Như một kẻ quá quen thuộc với những ngóc ngách trong nhà, nó xăm xăm đi thẳng ra mảnh sân nhỏ phía sau nhà.
Quả nhiên, vừa bước qua khỏi góc bếp, Quý ròm đã nhìn thấy Tiểu Long. Nhưng trái với sự hình dung của nó, Tiểu Long đang ngồi thừ ra trên chiếc ghế gỗ cuối vườn chứ không bay nhảy đấm đá như mọi ngày.
Không hiểu sao anh em Tiểu Long người nào cũng mê võ nghệ. Anh Tuấn học Karaté, anh Tú theo Vovinam. Noi gương hai anh, cách đây mấy năm, Tiểu Long lò dò đến trung tâm võ thuật quận đăng ký học Taekwondo. Bây giờ nó đã là võ sinh huyền đai đệ nhị đẳng.
Bà của Quý ròm không biết Tiểu Long học võ nhưng bà nói trúng phóc. Bà bảo cứ trông tướng tá của thằng Tiểu Long biết ngay nó là đứa ham tập thể dục, thật chả bù với thằng cháu lười hoạt động, chân cẳng cứ như que sậy của bà!
Tất nhiên Tiểu Long không chỉ tập thể dục suông. Mảnh sân nhỏ phía sau nhà nó treo lủng lẳng toàn những bao cát. Ðó chính là “luyện võ đường” của anh em nhà nó.
Hằng ngày, vào những giờ rãnh rỗi, Tiểu Long thường ra đây ôn quyền luyện cước. Lần nào bắt gặp Tiểu Long ở phía sau nhà, Quý ròm cũng thấy nó tay đấm chân đá huỳnh huỵch vào các bao cát, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Vậy mà hôm nay Tiểu Long lại ngồi im ru trên ghế, dáng điệu rù rù như con gà chết, lạ thật!
Chắc là nó đang bí bài tập toán thầy Hiếu mới cho về nhà hôm trước! Quý ròm nhủ bụng và rảo bước tiến lại.
Nghe tiếng động, Tiểu Long giật mình quay đầu lại. Quý ròm vừa mở miệng định hỏi, Tiểu Long đã nhanh nhẩu hỏi trước. Nó nhìn tướng đi khập khiễng của Quý ròm, mắt trố lên:
– Chân mày sao vậy?
Quý ròm tặc lưỡi:
– Tao vừa mới đánh nhau!
– Ðánh nhau?
Vẻ nghi hoặc của Tiểu Long khiến Quý ròm đâm tự ái. Nó khịt mũi:
– Chẳng lẽ chỉ có mày mới biết đánh nhau?
– Tao đâu nghĩ vậy! – Tiểu Long hạ giọng – Nhưng mày đánh nhau với ai?
Quý ròm không trả lời thẳng. Nó “nhập đề” theo kiểu “lung khởi”:
– Trên đường đến nhà mày, tao gặp một con chó!
Tiểu Long gục gặc đầu:
– Tao hiểu rồi! Và mày đánh nhau với nó!
– Ừ.
– Và đó là một con chó… con!
– Dẹp mày đi! – Quý ròm sầm mặt – Một con béc-giê giống Ðức đang hoàng! Nó bay vào người tao. Thế là tao lập tức bay…
-…lên lề! – Tiểu Long bất thần chen ngang.
Quý ròm nghiến răng trèo trẹo:
– Bậy! Tao cũng bay vào người nó! “Ầm” một cái, con chó lăn quay, xương cổ gãy nghe răng rắc!
Tiểu Long mỉm cười:
– Nó gãy cổ, còn mày thì gãy chân!
Quý ròm rung rung chân:
– Chân tao dễ gì gãy! Chỉ trầy trụa sơ sơ thôi! Tao đá bằng thế võ của mày mà lại!
– Thế võ của tao ? – Tiểu Long đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác – Thế gì vậy?
– Tao quên rồi! Ðể tao nhớ lại đã! – Quý ròm nhíu mày cố nghĩ đến một cái tên nước ngoài – À, à, hình như thế võ này có tên là Oshin thì phải!
Thế võ của Quý ròm khiến Tiểu Long ôm bụng cười bò:
– Làm gì có thế võ nào tên là Oshin! Chỉ có phim Oshin đang chiếu trên ti-vi thì có!
Biết mình bị hớ, Quý ròm đỏ bừng mặt. Nhưng nó vẫn cố vớt vát:
– Có thế võ này mà! Mày nhớ kỹ lại đi!
Tiểu Long quệt nước mắt:
– Hay là mày muốn nói đến thế Osoto-Otoshi?
Mắt Quý ròm sáng rỡ:
– Có thế võ này hả? Vậy thì đúng rồi! Khi nãy tao dùng chính thế này để hạ con bé
bẹc-giê hung dữ đó!
Tiểu Long nhún vai:
– Nhưng tao đâu có biết sử dụng thế võ này! Ðây là đòn thế của nhu đạo, không phải của Taekwondo!
Quý ròm phẩy tay:
– Nhu đạo hay Taekwondo gì cũng vậy! Hễ thế võ nào hay là tao dùng!
Nói xong, Quý ròm ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh tỏ vẻ muốn kết thúc câu chuyện về chiến công tưởng tượng của mình. Nó biết nếu cứ kéo dài thêm, sớm muộn gì nó cũng sẽ thòi ra một vài câu bá láp. Và lúc đó thì tha hồ cho Tiểu Long chọc ghẹo.
Thật ra Tiểu Long làm gì mà chẳng biết bạn mình đang bịa chuyện. Ngữ như Quý ròm, trời sinh ra không phải để đánh nhau, càng không phải để đánh nhau với chó bẹc-giê Ðức. Quý ròm có thể trở thành nhà bác học hay nhà ảo thuật lừng danh thế giới, nhưng trở thành võ sĩ thì không đời nào, dù là võ sĩ hạng tép trong phường.
Nhưng khổ nỗi, thói đời là khi không có cái gì, con người ta lại thích khoe khoang về cái đó. Anh em Tiểu Long võ nghệ kinh người nhưng chả bao giờ nói đến chuyện đánh nhau. Còn còm nhỏm còm nhom như Quý ròm hễ mở miệng ra là kể toàn chuyện đánh với đấm, làm như ngày nào nó cũng phải “kịch chiến” với những người chung quanh chừng vài chục trận vậy. Mà những trận đánh của Quý ròm đâu phải là xoàng, trận nào cũng có “xương cổ gãy răng rắc”, “xương sườn gãy rào rào”, toàn cảnh máu chảy thây phơi nghe phát ớn!
Thấy Tiểu Long tủm tỉm ngồi cười một mình, Quý ròm đâm chột dạ:
– Mày cười gì vậy?
– Thích thì cười chơi vậy thôi! – Tiểu Long chối phắt.
Quý ròm không tin. Nó hừ giọng:
– Xạo đi mày! Khi nãy ngồi như con gà rù, bây giờ lại tự nhiên thích cười!
– Ừ, tính tao vậy đó!
Nói xong, mặt Tiểu Long lại xịu xuống.
Lúc nãy, nghe Quý ròm gân cổ ba hoa chuyện đánh nhau với chó béc-giê, nó buồn cười quá cỡ, vì vậy nó quên béng mất nỗi phiền muộn trong lòng. Bây giờ, Quý ròm đột nhiên nhắc tới chuyện đó khiến lòng nó đang vui bỗng chùng hẳn xuống.
Quý ròm nhìn đăm đăm vào bộ mặt rầu rĩ của bạn:
– Mày có chuyện gì buồn hả?
– Ừ.
– Chuyện gì vậy? Kể tao nghe được không? – Vừa hỏi Quý ròm vừa xích ghế gần lại.
Tiểu Long có vẻ lưỡng lự. Nó không biết có nên thổ lộ tâm sự với bạn mình hay không.
Quý ròm lại xích ghế sát hơn nữa:
– Mấy bài tập đại số hóc búa của thầy Hiếu làm mày “hết muốn sống” phải không?
Ở lớp, Tiểu Long thuộc loại học sinh bị xếp hạng trung bình yếu. Và trong các môn, nó yếu nhất là môn Toán. Kể cũng lạ, trong khi thằng bạn chí thân của nó là Quý ròm được xưng tụng là thần đồng tóan học thì nó cứ trông thấy các con số và các hình vẽ vuông vuông tròn tròn là sợ vãi cả mật.
“Cứ thấy cuốn sách toán là tao… hết muốn sống!”, câu nói nổi tiếng này của Tiểu Long lâu lâu lại bị Quý ròm lôi ra giễu cợt và những lúc như vậy, Tiểu Long chỉ biết nhe răng cười trừ.
Nhưng hôm nay Tiểu Long không cười. Nó hờ hững nhếch mép:
– Lớp mình còn nghỉ cả tuần nữa mà sợ gì!
– Vậy thì mày buồn chuyện gì ? – Lần này thì quả tình Quý ròm không hiểu được điều gì đang xảy đến với thằng bạn của nó.
Sau một thoáng ngập ngừng, Tiểu Long tặc lưỡi:
– Tao cần tiền!
– Tiền? – Quý ròm chưng hửng, nó không hề nghĩ nỗi buồn của Tiểu Long lại liên quan đến những tờ giấy bạc – Mày cần bao nhiêu?
– Một trăm ngàn! – Tiểu Long buông thõng.
– Một trăm ngàn? – Quý ròm bất giác buột miệng lặp lại, con số quá lớn làm miệng nó há hốc.
Quý ròm sửng sốt là phải, một phần vì số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng của nó, phần khác “nỗi buồn tiền bạc” này có vẻ gì đó lạ lẫm so với tâm tính thường ngày của thằng bạn nó.
Xưa nay Tiểu Long nổi tiếng là một đứa tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn. Ý thức được sự khó khăn của gia đình, Tiểu Long luôn biết cách tự hài lòng với những gì mình có. Từ chuyện ăn mặc, tóc tai cho đến vui chơi, giải trí, nó không bao giờ đua đòi, bắt chước bạn bè.
Nói chung, Tiểu Long hầu như ít khi sử dụng đến tiền bạc. Chạy đủ ăn từng bữa, đối với nó đã là một chuyện nhiêu khê. Vì vậy, nó không muốn ba mẹ và các anh phải lo nghĩ thêm về những nhu cầu riêng tư của nọ.
Vậy mà bây giờ cái đứa không bao giờ đụng đến tiền bạc đó lại đâm ra thẫn thờ vì cần tới những một trăm ngàn một lúc, bảo Quý ròm không kinh ngạc sao được!
– Mày cần tiền chi vậy? – Cuối cùng không nhịn được, Quý ròm buột miệng hỏi.
Tiểu Long bùi ngùi :
– Tao thương em tao!
Câu trả lời không ăn nhập đâu vào đâu của Tiểu Long khiến Quý ròm ngơ ngác mất một lúc mới lờ mờ đoán ra:
– Bộ nhỏ Oanh không có tiền đóng học phí hả?
Tiểu Long lắc đầu:
– Học phí đóng rồi!
– Hay nó thiếu tiền mua sách vở?
Tiểu Long vẫn lắc đầu.
Quý ròm gãi đầu:
– Hay nó hết quần áo mặc?
Lần này Tiểu Long không lắc đầu nữa. Mà thở dài:
– Nó thích một con gấu bông!
– Gấu bông? – Quý ròm tròn xoe mắt.
– Ừ! – Giọng Tiểu Long buồn buồn – Nó thích con gấu bông bày trong tủ kính ở cửa hàng Sao Mai!
Quý ròm chớp mắt:
– Nhỏ Oanh bảo với mày vậy hả?
– Nó không bảo. Nhưng ngày nào tao đi học về, nó cũng lo lắng hỏi tao đã có ai mua con gấu bông đó chưa. Khi nghe tao bảo con gấu vẫn còn nằm trong tủ kính, nó mừng lắm, mặc dù nó biết chẳng bao giờ nó mua được con gấu đó!
Trong khi Quý ròm đang im lặng buồn lây nỗi buồn của bạn, giọng Tiểu Long vẫn trầm trầm:
– Tối nào cũng thấy nó ôm chiếc gối, nựng nịu “Ngủ đi, gấu bông ngoan của chị”, tao buồn không chịu được. Vì vậy tao quyết tâm kiếm tiền mua con gấu cho nó, càng sớm càng tốt. Tao sợ nhỡ một ngày nào đó, con gấu bị ai mua đi mất, lúc đó…
Tiểu Long bỏ lửng câu nói, thay vào đó là những tiếng tặc lưỡi đượm vẻ bồn chồn.
Quý ròm ngồi ngây người bên cạnh. Nó chẳng biết phải an ủi bạn bằng cách nào. Nó cũng chẳng nghĩ ra cách gì giúp bạn. Một trăm ngàn là số tiền quá khủng khiếp so với bọn học trò như nó và Tiểu Long. Khổ nỗi, những chuyện gay cấn như vậy Tiểu Long lại không thể thổ lộ với ba mẹ và cách anh được. Mặc dù nhỏ Oanh là con gái út, được cưng nhất trong nhà, nhưng bỏ một khoản tiền lớn ra mua một món đồ chơi xa xỉ như gấu bông kia thì quả là một ý tưởng điên rồ đối với những người quen sống chắt bóp, tằn tiện lâu nay!
Nhưng với Quý ròm thì mơ ước của Tiểu Long chẳng có một chút xíu gì gọi là điên rồ. Nó có một đứa em gái, vì vậy nó biết lòng thương em là thế nào. Nhỏ Diệp em nó có cuộc sống tương đối đầy đủ, vậy mà nó còn thương. Huống hồ gì Tiểu Long. Em nó lúc nào cũng thiếu thốn. Nhỏ Oanh lại là một đứa em ngoan. Cũng như Tiểu Long, chẳng bao giờ nó vòi vĩnh ba mẹ một điều gì. Chỉ khi nào thèm khát quá mức một cái gì đó, nó mới rụt rè tâm sự với Tiểu Long. Như chuyện con gấu bông này chẳng hạn. Tội nghiệp nó ghê!
Quý ròm ngồi rầu rầu. Tiểu Long ngồi rầu rầu. Hai đứa như hai pho tượng, thẫn thờ theo đuổi những ý nghĩ lãng đãng trong đầu.
Chợt Quý ròm vỗ đùi đánh đét:
– Chậc, tao nghĩ ra cách rồi!
Tiểu Long giật mình ngước lên, giọng mừng rỡ xen lẫn ngờ vực:
– Cách kiếm tiền hả?
Quý ròm mạnh bạo:
– Ừ! Cách này chắc ăn như bắp!
Rồi không đợi Tiểu Long kịp phản ứng, nó đứng bật dậy nắm tay bạn kéo đi:
– Ði! Ði theo tao!
Tiểu Long nhăn nhó:
– Nhưng mà đi đâu?
– Tới nhà tao! – Quý ròm hăm hở – Tới đó mày sẽ biết!
Rồi bất chấp cái chân đau, nó cầm tay Tiểu Long lôi một mạch khiến thằng này không có cách nào khác là co giò lính quýnh chạy theo.