Kinh Thánh Của Một Người

Chương 30


Đọc truyện Kinh Thánh Của Một Người – Chương 30

Tài liệu anh xem được trước tiên là tờ truyền đơn in rô-nê-ô, đưa tin ông Mao gặp gỡ thủ lĩnh phe tạo phản của năm trường đại học Bắc Kinh tại Đại lễ đường nhân dân. Ông nói: “Nay là lúc tiểu tướng các em phạm sai lầm rồi”, giọng điệu đó giống như đế vương ban xuống các tướng lĩnh dưới quyền, các ngươi nên nghỉ đi cho rảnh. Tiểu tướng Khoái Đại Phú, người đã có công lớn vì thống soái tối cao mà ra tay trừ khử không biết bao nhiêu là lão chiến hữu cách mạng năm xưa, người không hổ danh là lãnh tụ học sinh sinh viên, ngay tức khắc đã hiểu rõ ý nghĩa của câu nói, rồi khóc thảm thiết giữa lễ đường, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ. Ông già lấy cớ một bài đại tự báo của Đại học Bắc Kinh mà đốt lên ngọn lửa lớn Đại cách mạng văn hóa, rồi tự tay tiêu diệt quần chúng học đường, những người đứng dậy trước tiên, hưởng ứng phong trào do ông phát động, tham gia cuộc cách mạng do ông cầm đầu. Hàng vạn công nhân dưới sự chỉ huy của bộ đội cảnh vệ thuộc quyền ông tiến vào vườn trường Đại học Thanh Hoa.

Chiều hôm ấy hay tin, anh vội tới đó nghe ngóng tình hình và tận mắt nhìn thấy công nhân do quân đội dẫn đường đã chiếm lĩnh cứ điểm cuối cùng của binh đoàn “Tỉnh Cương Sơn”, lực lượng phe tạo phản sinh viên được thành lập sớm nhất. Đấy là một tòa lầu lạnh lẽo, cô quạnh đối diện với sân vận động. Các đội tuyên truyền công nhân tay đeo băng đỏ ngồi bệt xuống đất thành từng nhóm, người này cạnh người kia bao vây tòa lầu và cả sân vận động. Nắng chiều chiếu xiên xiên lên hai tấm biểu ngữ nền đỏ chữ đen treo dọc từ đỉnh tòa lầu thả xuống, vế thứ nhất Tuyết lí mai hoa khai bất bại, vế thứ hai Tỉnh Cương Sơn nhân cảm thượng đoạn đầu đài!, mỗi con chữ to bằng ô cửa sổ tòa lầu. Câu đối đó cứ lượn bay trong gió, những sinh viên tạo phản thuộc binh đoàn “Tỉnh Cương Sơn” tự ví mình như hoa mai nở giữa tuyết lạnh chẳng bao giờ tàn và sẵn sàng bước lên máy chém, dám chịu cảnh máu chảy đầu rơi. Không khí vườn trường Thanh Hoa chiều nay quá đỗi bi hùng. Công nhân và binh lính xông vào tòa lầu, một lát sau thì điện và nước đều bị cúp sạch, cứ điểm cuối cùng của “Tỉnh Cương Sơn” trong tình trạng đơn độc hoàn toàn, rồi hai biểu ngữ cũng từ từ rơi xuống, gió cuốn bay ra giữa sân vận động, tiếng hô “vạn tuế, vạn tuế” lập tức dậy đất vang trời. Sinh viên phe tạo phản ngày nào cũng hét to như thế thì giờ đây giương cờ trắng ra hàng. Toàn bộ lực lượng công nhân xung phong chiếm lĩnh, họ mang theo vài ba khẩu súng, chẳng rõ là có đạn hay không, vì chỉ nghe mỗi tiếng ùng oàng đập cửa.

Trận chiến kết thúc nhanh chóng, thế mà đêm qua lúc công nhân tiến vào sân trường đã nếm mùi lựu đạn tự chế của sinh viên, một vài người bị thương trước sức chống trả tuyệt vọng từ những thanh niên từng ra sức bảo vệ lãnh tụ tối cao, nhưng nay người không cần nữa, dùng xong và ném vứt họ luôn. Lũ trẻ nhận ra người lớn lừa dối mình, cũng dẫm chân, la hét, khóc lóc một lúc cho hả giận, rồi đâu lại vào đấy. Thanh Hoa chiều hôm đó là như thế, anh sáng tỏ một điều, rằng hỗn loạn đã đến hồi phải kết thúc và dự cảm số phận rồi cũng chẳng may mắn gì hơn, nên hãy mượn cô đi điều tra mà rời khỏi Bắc Kinh.

– Quay trở về!

Đó là lời cảnh báo đầu tiên của người bác họ ở Thượng Hải mà trên đường công tác anh đã ghé thăm.


– Quay về đâu? – Anh hỏi, và nói rằng vấn đề của cha anh, cái án “cất giấu súng riêng” còn treo lơ lửng, không có cách gì giải quyết nổi, thì “có nhà cũng như không, không thể quay về”.

– Trở về cơ quan của cháu, chuyên cần với nghiệp vụ xưa nay!

– Cơ quan đã tan rã, không còn nghiệp vụ gì nữa để mà làm, nên cháu mới viện lí do điều tra để đi đây đi đó.

– Điều tra ai, điều tra cái gì?

– Thẩm tra cán bộ, xác minh lí lịch của số lão thành, phát hiện ra vấn đề, cũng là công việc lớn!


– Cháu hiểu như thế nào cơ chứ? Đây đâu phải là trò chơi, cháu không còn ngây thơ nhỏ dại, cần giữ lấy cái đầu.

– Sách không được xem, có việc gì nữa mà làm?

– Thì quan sát, cháu không biết quan sát à? Bác bây giờ cũng là nhà quan sát, đóng cửa không đi đâu cả, chẳng tham gia phái này phái nọ, chỉ xem bọn chúng luân phiên biểu diễn trên, dưới vũ đài.

– Nhưng cháu phải đi làm, đến công sở, không giống như bác ở nhà dưỡng bệnh.

– Vậy không nói năng, phát biểu không được hay sao. Cháu hãy nhớ cái miệng mọc lên ở đâu, ở cái đầu này này.


– Thưa bác, bác ở nhà nghỉ dưỡng lâu ngày, nào có biết khi phong trào vừa ập tới mọi người đều phải tỏ rõ thái độ, không thể đứng ngoài cuộc!

Nhà cách mạng lão thành như ông bác họ của anh tất nhiên không phải là không biết, nên đành than rằng “Thời loạn mà, muốn sống nổi, e chỉ còn cách lên núi, vào chùa làm hòa thượng”. Đây mới thật là lời nói chân thành và tâm huyết của ông, lần đầu tiên ông đề cập đến vấn đề chính trị với anh, ông không còn xem anh là trẻ con nữa:

– Bác cũng đang mượn cớ bệnh hoạn mà tránh gió trốn bão đây, giá mà sau Đại nhảy vọt, trong nội bộ Đảng đừng có chủ trương chống hữu khuynh, vẫn cứ thế cho đến bây giờ, thì bác đã không yếm thế bảy tám năm trời, thì bác cũng kéo dài được một chút tàn hơi.

Người bác họ kể cho anh nghe câu chuyện vị nguyên lão, thượng cấp nọ của ông, đã vào sinh ra tử hồi chiến tranh, trước khi bùng nổ Văn cách có ghé thăm ông, bảo lính cận vệ đứng bên ngoài, đoạn nói khẽ: Trung ương có đại sự rồi, từ nay về sau chắc khó gặp nhau. Lúc chia tay, vị ấy để lại tấm bọc chăn lụa gấm gọi là kỉ vật ghi nhớ ngày này, vĩnh quyết…

– Cháu về nói với ba cháu, không ai cứu nổi ai đâu, hãy tự bảo trọng lấy mình!


Đó là lời trăn trối cuối cùng của người bác họ khi tiễn anh ra khỏi cửa. Sau đó không lâu, chẳng phải là già nua gì cho cam, chỉ cảm sốt sơ sơ, đưa vào bệnh viện quân đội, tiêm một mũi, không ngờ chưa tới vài tiếng đồng hồ thì ông cụ đã bị đẩy xuống nhà xác. Vị nguyên lão, thượng cấp của ông bác họ anh, tương tự, một năm sau cũng qua đời trong quân y viện. Những tư liệu nêu trên anh đọc được từ bài điếu văn tại lễ phục hồi danh dự cho nhà cách mạng lão thành. Chắc chắn khi vào sinh ra tử, xông pha trận mạc họ không ngờ lại có ngày cách mạng bắt họ phải trương mắt chờ chết, chẳng dám ngọ nguậy, và ngay trong giờ phút lâm chung, họ cũng không hề hối hận, anh thật không thể nào hiểu nổi.

Thế thì còn tạo phản cái gì cơ chứ, còn muốn làm nguyên liệu, làm gia vị cho cái máy xay thịt người đến bao lâu nữa? Nhìn lại một quá trình và những bước đi ban đầu, anh không thể không tự vấn, rồi trả lời, rằng tình thế đã như vậy, khó lòng lạnh nhạt bàng quan. Nhưng anh đã hiểu, không thể làm con tốt cho phong trào, không thể xả thân cho thống soái, mà phải vì sự sinh tồn của cá nhân mình.

Thế thì không thể không chọn lựa một cách sống nhờ, sống gửi, làm thảo dân, nước nổi bèo trôi, có hôm nay mà chẳng biết ngày mai, tùy thời tiết khí hậu chính trị để biến đổi theo cùng, nói những gì người khác cần nghe, thấy quyền lực là cúi đầu quy thuận. Anh lại tự hỏi, rồi lại tự trả lời, rằng cách sống đó càng khó, so với tạo phản càng lao tâm khổ tứ, phải mọi lúc mọi nơi nắm bắt tình hình nắng, mưa, giông bão. Mà tính khí và tâm tư ông trời thì làm sao biết nổi, tiểu dân bách tính như cha anh là một ví dụ, lúc lâm chung vẫn uống cả một lọ thuốc ngủ, khác hẳn với lối ra đi của người bác họ lão thành cách mạng, còn anh sở dĩ tạo phản, cũng chẳng có mục đích gì rõ ràng, giống như châu chấu đá xe, hoàn toàn xuất phát từ bản năng cứu mạng, mưu cầu sinh sống.

Vậy thử hỏi anh là tên tạo phản bẩm sinh, vừa lọt lòng mẹ đã sẵn có loại tư tưởng chống đối hay sao? Không, anh nói, anh sinh ra vốn dĩ ôn hòa như người cha mình vậy. Có điều khi lớn lên, khí huyết mãnh liệt, đường cũ của các bậc gia trưởng, tiền bối thì không thể bước tiếp mà lối ra mới mẻ cũng chẳng rõ nơi đâu.

Hay đào tẩu, chạy trốn?

Biết chạy trốn đến chỗ nào, làm sao thoát khỏi quốc thổ bao la, to lớn thế này, làm sao rời bỏ tòa lầu cơ quan, tuy là một tổ ong khổng lồ nhưng ngày ngày cho anh cơm ăn, tháng tháng cho anh chút tiền lương tiêu vặt, xác nhận anh là cư dân thành phố, có hộ khẩu thường trú, thụ hưởng chế độ tem phiếu: hai mươi tám cân[8] lương thực, một cân dầu, nửa cân đường, một cân thịt và hai mươi thước[9] vải mỗi năm. Sau đó còn căn cứ vào bậc lương để cấp tem phiếu mua đồng hồ, xe đạp, len đan áo và các công nghệ phẩm thường dùng. Còn nữa, thân phận công dân của anh cũng do tòa lầu tổ ong này định đoạt, vậy thử hỏi anh sẽ bay tới đâu để nương mình, tìm một chỗ đậu an toàn? Khó lắm, cho dù bầy ong có nhiễm phải bệnh điên thì cũng ở ngay trong đó mà cắn xé lẫn nhau, mà làm càn làm quấy. Liệu trong hoàn cảnh như thế cái mạng này ai cứu nổi? Anh cười đau khổ, ban đầu ta đã ý thức được rằng, bất quá chỉ là con giun con dế với nhiều vẻ quái dị. Không, quái dị là do thế giới, chứ chẳng phải giun tôi, để tôi sống nhờ trong đó.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.