Bạn đang đọc Kinh Độ Vong FULL – Chương 4
Edit: Cá xinh đẹp ngút trời
Chuyển Chuyển và Đàm Nô rất hào hứng.
Phiêu bạt bên ngoài hơn mấy tháng, cuối cùng cũng đến đích, lại còn đến đúng nơi như tiên cảnh nhân gian, khỏi phải nói bọn cô hài lòng đến mức nào.
“Hầy, cũng được đấy.” Chuyển Chuyển cúi đầu nói khẽ: “Trước kia ở trong Bắc lí*, chỉ hít thở thôi cũng thấy mùi tanh hôi của tiền.
Không ngờ kiếp này có thể bước vào Thần Hòa Nguyên.
Nếu có cơ hội gặp quốc sư một lần thì quả là không uổng chuyến này.”
Vốn dĩ, Liên Đăng còn phân vân có nên rời khỏi thần cung hay không.
Chỉ là thấy Đàm Nô và Chuyển Chuyển đều không muốn rời đi, cô đành nuốt lại lời muốn nói.
Cung nhân chắp hai tay lại, nụ cười chân thành hiện lên trên gương mặt béo trắng: “Cũng không còn sớm nữa, mời ba vị cô nương theo tôi đến nơi ở! Ba năm nữa là quốc sư xuất quan rồi.” Chấn tử canh cổng cầm đèn lồng tới dẫn đường, gã đưa tay mời: “Thần cung quanh năm không có khách lạ, trước khi bế quan, quốc sư có dặn là đã mời trò giỏi của A Bồ tới ở trong Lâm Lang Giới, người đi cùng thì ở Hổ Phách Ổ.”
Trên đường đi, ba người luôn ngủ chung để chăm sóc lẫn nhau, bây giờ đột nhiên phải chia hai nơi thực sự không được quen cho lắm.
Nhưng nhập gia tùy tục, không được đòi hỏi gì hết.
Có điều, Liên Đăng vẫn thả bước chậm lại, hỏi: “Quốc sư biết lai lịch của chúng tôi ư?”
Cung nhân cười đáp: “Bởi vì người là quốc sư.” Ông ta nhận ra bọn cô không muốn tách ra nhưng vẫn phớt lờ, chỉ nói: “Ba vị không có quá sở, ra khỏi Thần Hòa Nguyên sẽ gian nan đủ điều.
Đôn Hoàng cách Trường An hơn ba nghìn dặm.
Đi đường đã mệt mỏi rồi, tạm thời cứ ổn định chỗ ở đã rồi sau đó hãy tính tiếp.”
Nói vậy cũng đúng.
Nếu lại rơi vào tay gã tướng quân họ Tiêu ấy thì chỉ sợ sẽ không dễ dàng thoát thân được.
Cung nhân dẫn bọn cô đến nơi ở của từng người.
Từng ngóc ngách trong thần cung đều có cảnh trí rất đặc biệt, hoa cỏ được chăm sóc tươi tốt đến lạ thường.
Cung nhân vừa đi vừa nói: “Lâm Lang Giới và Hổ Phách Ổ cách xa nhau không xa, chỉ mấy chục bước chân, rất tiện qua lại.
Nhưng có một câu phải nói cho ba vị biết, hãy cố gắng đừng đi lại lung tung.
Thần cung là đàn làm phép của quốc sư, trận pháp được bố trí ở rất nhiều nơi.
Nếu không cẩn thận bước nhầm vào trận pháp thì loanh quanh cả cũng không ra được.” Ông ta lại cười: “Lúc mới tới thần cung, tôi cũng từng chịu trận rồi.
Tôi phải cho hươu thần của quốc sư ăn.
Nhưng có một hôm không biết hươu thần đã đi lạc ở đâu.
Tôi đi tìm khắp nơi, không ngờ lại lọt vào trận, cuối cùng không tìm được đường ra.
May mà lúc đó có Thúy Vi phu nhân nên tôi mới được cứu thoát.”
Chuyển Chuyển ồ lên: “Thần cung có phu nhân? Quốc sư được lấy vợ ư?”
Cung nhân vội vàng xua tay nói: “Cẩn thận, chớ nói bừa.
Thúy Vi phu nhân là sư muội của quốc sư, bởi vì có công cứu giá nên được phong làm Lũng Tây phu nhân.
Bình thường, các đệ tử gọi quen miệng nên đều gọi là Thúy Vi phu nhân.
Phu nhân có ý chỉ bên mình, tạm thời không ở trong thần cung.
Hai ngày nữa quay về sẽ giới thiệu với các vị sau.” Đang nói thì đã đến Hổ Phách Ổ, ông ta giơ tay lệnh cho chấn tử dẫn Đàm Nô và Chuyển Chuyển đi vào, nhã nhặn nói: “Hai vị tạm thời ổn định chỗ ở, tôi sẽ sai người đưa đồ ăn đến sau.”
Chuyển Chuyển và Đàm Nô không hề mang nặng tâm tư như Liên Đăng nên liền vui sướng vẫy tay rồi đi theo chấn tử.
Cung nhân lại thắp đèn đi trước dẫn đường, đang lúc ngày đêm giao hòa, trời đất ngập tràn một màu lam đậm, màu đen khảm lên đường nét đình viện và cây cối mới miễn cưỡng nhìn rõ bố cục xung quanh.
Lâm Lang Giới khác với Hổ Phách Ổ, có suối vờn quanh, có cầu gỗ bắc ngang.
Nơi này không có tường viện, phóng mắt nhìn ra là quái thạch được bày bố rất có hương vị hoang dã.
Đôn Hoàng cát vàng rợp trời, Liên Đăng chưa từng thấy cách bày trí khéo léo của Giang Nam.
Đặt mình vào đây, lòng cũng thấy thư thái.
Cung nhân bắt chuyện với cô: “Cô đi đường vất vả lắm nhỉ?”
Cô đáp vẫn ổn: “Mới đầu không quen cưỡi ngựa nên hơi đau m0ng thôi.”
Cung nô không nhịn được mà cười phá lên.
Thói đời bây giờ, học vấn càng nhiều càng biết cách che đậy, rõ ràng câu chữ rất bình thường mà cũng khiến người xấu hổ khi mở miệng.
Người Trung Nguyên quá câu nệ ý tứ, không sánh bằng sự tự nhiên phóng khoáng của Tây Vực, nghĩ sao nói vậy, ngay thẳng đáng yêu.
Liên Đăng đi xuyên qua qua rừng trúc xanh biếc, một ngôi nhà gỗ ngói đen cột đỏ hiện ra trước mắt.
Ngôi nhà ấy được xây rất lớn, mái hiên sâu hút, mỏ diều hâu thô kệch, dọc đường đi không có ngôi nhà nào kiểu này.
Cung nhân mở cửa mời cô vào,cung kính nói: “Cô sẽ nghỉ ngơi ở đây.
Thiếu gì thì cứ bảo chấn tử tới nói với tôi.
Tôi tên là Lư Khánh, là trưởng sử ở thần cung, chuyên phụ trách những chuyện vụn vặt.
Người tới là khách, chớ khách sáo.” Ông ta vừa nói vừa cúi người đưa đốt lò hương cho cô rồi, tiếp đó gật đầu ra hiệu rồi lui ra ngoài.
Liên Đăng mới tới nơi đây, cứ đứng mãi trong ngôi nhà đẹp đẽ mà không biết phải làm gì.
Lúc ở Đôn Hoàng, cô không ở trong động thì cũng là màn trời chiếu đất, đến đây rồi mới cảm nhận được sự tinh tế của người Trung Nguyên ở từng chi tiết.
Cô lặng lẽ quan sát chung quanh, trông thấy đĩa sứ trắng ở trước gương đồng có bày ít hoa nguyệt quới và quả thiên trúc.
Màu đỏ trắng đen xen lọt vào mắt bỗng khiến lòng cô run lên, không hiểu sao lại thấy như đã từng trông thấy.
Song dù cô có nghĩ sâu hơn nữa thì cũng chỉ có sự m0ng lung mờ mịt, không một manh mối.
Có lẽ là kí ức lúc trước còn sót lại.
A Gia của cô trấn giữ An Tây, dù sao cũng là người Trung Nguyên.
Phàm là người từng được đọc sách thì trong lòng luôn có vẻ tình tứ và nỗi nhớ quê nhà khôn nguôi, cách bày biện trong nhà cũng khác với người Tây Vực.
Ví như đốt hương, làm vườn, tinh tế đến mức mỗi lò hương, mỗi chiếc chén nhỏ đều phải tuân theo ước lệ thẩm mỹ của Trung Nguyên.
Nghĩ như vậy thì cũng không còn gì kì lạ nữa.
Cô nhanh chóng lấy lại sự thoải mái mà đi đến trước gương soi.
Mặc dù không ngừng bôn ba đi đường nhưng sắc mặt cô còn tốt hơn cả lúc trước.
Có lẽ là do khí hậu Trung Nguyên nuôi dưỡng con người tốt hơn.
Trong hộp trang điểm có một bộ lược xinh đẹp làm từ sừng tê giác.
Cô lấy một chiếc lên chải đầu, nhìn những phu nhân ở Trường An chải tóc vô cùng động lòng người, cô cũng thử nghịch búi tóc.
Múa may một hồi, cảm thấy buồn cười quá, cô đành bỏ cuộc.
Cả ngày nay đã hao tâm tổn sức, cô thực sự hơi mệt.
Liên Đăng bỏ túi đồ xuống định nghỉ ngơi, ai ngờ vừa mới ngồi xuống giường thì bỗng nghe thấy có tiếng động ở bên ngoài.
Nhìn xuyên qua lớp giấy hoa đào trên cánh cửa khiến mọi thứ không được rõ ràng.
Liên Đăng nín thở lắng tai nghe, tiếng bước chân đã đi tới bậc thềm, chần chừ một hồi, cuối cùng vẫn không vào trong nhà.
Chờ thêm một lát mà vẫn như thế, Liên Đăng khẽ c4n môi, nhấc kim thác đao lên nhảy ra ngoài.
Vốn tưởng là có người, nhưng khi đi ra ngoài xem thì chỉ có một con hươu ở trước nhà.
Trên cây cột ở đầu cầu có treo đèn lồng, Liên Đăng nhìn xung quanh, mọi thứ vẫn bình thường, vậy thì tiếng bước chân ấy là do con hươu này đi lại sao?
Cô thở phào nhẹ nhõm, cúi đầu nhìn, hươu ở đây là hươu nuôi nên không sợ người.
Thấy cô đi ra thì chỉ mở to đôi mắt vô tội nhìn cô, cũng không tránh ra xa.
Liên Đăng thử xoa đầu nó, nó liền ngẩng đầu lên, xoay cổ cọ vào tay cô.
Dáng vẻ vô cùng ngây thơ khiến người ta yêu thích.
Liên Đăng buông bỏ sự đề phòng.
Cô ngồi xuống bậc thềm, đặt đao ở bên cạnh, tập trung chơi với nó.
Nhớ ra trong người có lạc rang, cô liền mở túi tiền ra đổ vào lòng bàn tay cho nó ăn.
Con hươu ngửi thử, có lẽ là không hợp khẩu vị nên nó chẳng thèm nể mặt cô mà ăn.
Liên Đăng nâng hai tay lên hỏi: “Không thích hả? Không thích thật hả? Lạc ngon lắm đấy…” Nó quay đầu sang hướng khác, không thèm để ý đến cô.
Liên Đăng tiếc nuối cất lạc đi.
Con hươu không rời đi, vậy là cô cứ ôm gối ngây ra nhìn nó.
Trong đêm tối buốt giá, một người một hươu bầu bạn với nhau cũng thấy được an ủi tâm hồn.
Hoa văn trên thân con hươu sao này không dày đặc giống những con khác, thưa mà sáng màu, thỉnh thoảng mới có một hai hoa văn hình đám mây.
Chiếc sừng mới nhú trên đầu chỉ dài gần một tấc (~4cm), vẫn chưa học được khí thế diễu võ dương oai của hươu đực trưởng thành.
Liên Đăng đối mặt với nó.
Nó có đôi mắt sáng long lanh rất đẹp, khiến cô nhớ tới nước hồ Nguyệt Nha Tuyền.
Cô còn muốn giơ tay chạm vào thì nó đã khéo léo nhảy né ra.
Liên Đăng tiu nghỉu nhìn nó bước vào bóng tối.
Cô bỗng nhớ tới Vương A Bồ, không biết bây giờ anh ta có khỏe không.
Sống một mình quá lâu liệu có trở nên ngốc nghếch chậm lụt hay không.
Cô nhặt hòn đá lên, vẽ lung tung hai nét lên viên gạch xanh, vừa ngẩng đầu lên nhìn, con hươu ấy đã lại xuất hiện, miệng còn ngậm cành hoa đi về phía cô.
Liên Đăng rất kinh ngạc: “Tặng tao hả?” Cô ném hòn đá đi rồi phủi tay, cẩn thận nhận lấy bông hoa rồi đặt lên mũi ngửi, mùi hương rất trong trẻo.
Con hươu ấy thấy cô thích thì lại chậm rãi chạy quanh mà cào móng soàn soạt lên nền gạch xanh.
Nó nhảy tung tung về phía trước, nhảy được một đoạn thì dừng lại nhìn cô.
Liên Đăng không hiểu ý nó, cô chần chừ đuổi theo hai bước, nó lại dẫn cô đi sang bên kia cây cầu gỗ.
Thậm chí nó còn sợ không không theo kịp, cứ đang đi lại dừng lại đợi cô.
Hươu ở nơi kì quái này có linh tính, quả thật rất giống con người.
Liên Đăng đi theo đến cổng giới thì nhớ tới lời Lư Khánh, cô không dám đuổi theo nữa mà đứng trên cầu vẫy tay với vẻ buồn phiền.
Con hươu giậm chân lắc đầu, tựa như rất thất vọng vì cô.
Trường An mới tháng mười đã rất lạnh.
Mặc dù chưa có tuyết nhưng khi thở ra thì đã có khói.
Liên Đăng vẫn luôn sợ lạnh, trước khi Đôn Hoàng vào đông, cô sẽ tích trữ đầy đủ củi khô, chỉ cần có củi đốt thì cô sẽ tuyệt đối không suy xét chuyện phơi nắng.
Mùa đông ở đây lạnh hơn Đôn Hoàng rất nhiều, đứng ngoài trời hồi lâu khiến tay chân hơi đông cứng lại.
Cô đang định vào nhà thì bỗng nghe thấy tiếng sáo được đưa tới theo gió, thanh thúy mà trầm bổng, dường như cách đây không xa.
Liên Đăng cũng hiểu đôi chút về âm luật, nghe làn điệu thì không phải âm nhạc Khâu Từ.
Kể từ lúc được Vương A Bồ cứu, mặc dù không nhớ nổi chuyện trước kia nhưng cô lại thường xuyên có lúc đột nhiên thông suốt.
Hẳn là trước mười ba tuổi, cô đã được rèn giũa hun đúc rất nhiều, vậy nên cô mới có sự quan tâm vô hạn đối với văn hóa Trung Nguyên.
Đứng trong gió lạnh, tiếng sáo không bi thương mà cũng chẳng hân hoan, dường như đã vượt ra khỏi thế gian.
Nhạc khúc hay có thể hớp hồn người ta, cô đi theo tiếng sáo, cẩn thận phân biệt phương hướng.
Tiếng sáo truyền tới từ phía Đông Nam Lâm Lang Giới, chỉ mong là không quá xa.
Có những lúc, rất khó để nói rõ được hành động của bản thân, chỉ đơn giản là không cầm lòng được.
Cô bỏ ngoài tai lời cảnh cáo của Lư Khánh mà giẫm lên bãi cỏ đẫm sương, dần bước lại gần, nơi ấy đã gần ngay trước mắt.
Lúc đi đường, cô đã nghĩ không biết tìm được rồi thì sao, có lẽ chỉ là để hỏi tên điệu nhạc.
Cô lại trông thấy con hươu ấy đang chạy băng băng trước mặt rồi nhanh chóng lẩn vào rừng trúc.
Liên Đăng nương theo những ngọn đèn gác đêm chằng chịt mà tiến lên trước, càng lại gần, tiếng sáo ấy càng rung động lòng người.
Ánh đèn mờ sáng chiếu rọi một tòa bảo tháp chín tầng.
Tòa bảo tháp ấy thanh tao thoát tục, hoàn toàn không ăn nhập với bố cục xung quanh.
Các kiến trúc lớn ở Trường An đều được xây móng nện rất cao.
Cô không đi cửa chính mà mượn cây trúc ở bên cạnh để trèo lên.
Vừa mới lên trên, tầm mắt trở nên rộng mở.
Khoảng sân trống được thắp đèn ở chung quanh, một người đang ngồi trên tảng lá lớn, tay áo bay phấp phới.
Trời lạnh như vậy mà chàng ta ăn mặc rất phong phanh.
Có cơn gió thổi đến, mái tóc đen và vạt áo trắng phiêu bồng theo gió, tựa như tiên hạ phàm.
Chuyển Chuyển từng dùng từ rất đẹp để miêu tả với bọn cô về tiểu lang quân chỉ chợt xuất hiện rồi biến mất trong biển người.
Trước đó, Liên Đăng không hiểu được, cũng không tin trên đời này lại có chàng trai như vậy.
Có một lần, cô từng lén vào thành nghe nhạc sư Khâu Từ ca hát, hát rằng nữ giới là dòng nước trong, nam giới là con suối đục.
Nam giới ở Tây Vực mặt mũi toàn râu quai nón, đến ngũ quan còn chẳng nhìn rõ, nói gì đến đẹp xấu.
Có một dạo, cô cảm thấy lời ca ấy rất đáng tin, song bây giờ cô lại thấy hoài nghi.
Bởi người trước thực sự đẹp đến khôn tả.
Chàng ta có vóc dáng cao lớn, làn da trắng ngần.
Ngón tay chàng ta vừa thon vừa dài, mỗi lần chạm lên lỗ sáo đều như cuốn tranh thi họa.
Ánh lửa dập dờn nhảy nhót trên mặt chàng ta, mày tựa móc bạc, mắt tựa sao trời.
Nếu như nói người Tây Vực thô kệch thì Tiêu Triều Đô gặp ngày hôm nay cũng được coi là khôi ngô trong số những người Trung Nguyên, nhưng so với người này thì vẫn còn kém rất ra.
Khúc nhạc ôn hòa nhã nhặn, người cũng như nhạc, trong trẻo đến mức dường như không thuộc về hồng trần.
Liên Đăng rất kinh ngạc, lòng cô khẽ dậy sóng, khi trông thấy chàng ta, sự chú ý vốn đặt trên tiếng sáo đã bị quên hết sạch.
Không biết chàng ta là ai, có lẽ là đệ tử của quốc sư.
Đêm hôm khuya khoắt lại đi thổi sáo, người Trường An quả là có nhã hứng.
Liên Đăng đang thầm nghĩ vậy thì tiếng sáo bỗng ngừng lại.
Nhìn kĩ lại, tảng đá lớn đã trống không, người thổi sáo đã đột nhiên biến mất.
Mới chỉ trong cái chớp mắt, sao có thể nói biến mất là biến mất luôn được? Cô ngó nghiêng xung quanh, không thấy bóng dáng ai hết.
Gió thổi qua rừng trúc khiến lá trúc tạo thành làn sóng.
Giữa cành lá rậm rạp trên ngọn trúc ngọc, có tiếng chuông bạc tinh tang mơ hồ.
Liên Đăng ngẩng lên nhìn.
Cô ngạc nhiên phát hiện ra chàng trai thổi sáo ấy đang đứng trên ngọn trúc chỉ nhỏ như chiếc đũa.
Bởi vì đứng trên cao nên chàng ta đang nhìn xuống cô bằng góc độ trách trời thương dân.
– –
*Bắc lí: 1 khúc múa thời cổ, thời Đường dùng để chỉ kĩ viện
*Nguyệt quới (tên khác: Nguyệt quất, cửu lí hương…!cũng bị gọi nhầm là nguyệt quế), cây nhỏ, cùng họ với cam, lá có mùi hơi hắc, dùng làm thuốc.
– —–oOo——.