Kinh Độ Vong

Chương 26


Bạn đang đọc Kinh Độ Vong FULL – Chương 26


Edit: Lin
Beta: Cá dễ thương lại còn tốt tính
Cô gọi với lại: “Này chàng trai, anh muốn bảo gì tôi à?”
Người nọ không trả lời, quay mặt đi đầy khinh bỉ, cái vẻ ngông nghênh ấy làm cô nhớ đến Cửu Sắc.
Liên Đăng ngờ vực nhíu mày, bỗng thấy đề phòng, chẳng lẽ những việc lúc trước đã khiến Đại Lý tự nghi ngờ ư? Quần áo của người này trông không hề giống nha sai, phong thái và ánh mắt ngạo mạn kia cũng chẳng giống kẻ cam chịu uốn gối trước người khác.

Chẳng lẽ đúng như lời Chuyển Chuyển nói, chợ đêm là cái nôi của những cuộc “diễm ngộ”?
Cô thấy hơi bi ai, có gặp thì cũng thế mà thôi.

Kiếp này của cô đã bị đóng đinh rồi, quốc sư không đưa thuốc giải cho cô, cô chẳng dám mạo hiểm chơi trò chớm nở tình đầu với lang quân khác trước mối nguy bụng nát ruột tan ấy đâu.
Cô quơ quơ tay với chàng ta: “Đừng theo tôi nữa, nhìn thấy quả đấm này của tôi chưa?” Cô trầm giọng cảnh cáo: “Cứng lắm đấy nhá!”
Cô quay người đi tới một khu rộng rãi, trông rất tiêu sái.

Chàng ta khoanh tay trông theo, cái tính tình thẳng đuột này cũng thú vị đấy.

Lúc ở cạnh chàng ta thì dè dặt cẩn thận, không ngờ ra ngoài lại phách lối thế.
Nhưng có lẽ là do sự e thẹn của thiếu nữ thôi, mặc dù cách của cô có hơi thô bạo song nghĩ lại cũng vẫn thông cảm được.

Ít ra cô không bị mê muội bởi sắc đẹp này, về điểm này, quốc sư thấy biểu hiện của cô khá tốt.
Cô không cho chàng ta đi theo, đương nhiên là chàng ta không nghe.

Buồn cười, đường rộng thênh thang, ai đi phần người nấy, bùn đất mà cô giẫm lên chẳng lẽ người khác không được giẫm nữa à?
Quốc sư chắp tay đi theo cô, nhìn sắc trời, ánh sao ảm đạm, ngay cả trăng cũng chẳng thấy bóng đâu.

Cách đó không xa là một quán rượu nhỏ dựng từ lều có thể di chuyển, bên mái hiên treo đèn lồng chiếu sáng bàn ghế hiu hắt trong lều.

Trông cô có vẻ muốn ghé vào đây, đêm ba mươi ngay cả du khách cũng đã cơm nước no nê, chỉ có cô không nơi để về mới rỗng bụng đến giờ.
Quả nhiên, cô bước vào, cất giọng gọi người bán rượu, ném mấy đồng ngũ thù lên bàn, gọi vài con cá khô và một vò rượu.

Con gái Trung Nguyên thường không vào quán rượu một mình, nhưng cô khác với những cô khuê nữ ấy.

Người Tây Vực hào sảng, không để ý nhiều như thế.

Cô hùng hổ ngồi xuống băng ghế, cho dù quán rượu trống trải thì trông vẫn cứ không ăn nhập với nhau.
Người bán rượu rụt cổ bưng đồ cô đã gọi lên, cười nói: “Sao hôm nay cô nương lại đi một mình thế này?”
“Còn hai người bạn nữa, nhưng tách riêng rồi, tôi đến đây nghỉ chân một lát.” Liên Đăng đáp, cô móc một quả mơ trong tay áo ra c4n một miếng, chua đến xuýt xoa.


Trung Nguyên có cách ăn đồ chua là chấm với muối, nghe nói có thể vị chua.

Cô hỏi người bán rượu xin một nắm, rạp người lên bàn chấm thử rồi c4n thêm miếng nữa, cái vị vừa chua vừa mặn xộc lên.
Cô mới đến Trường An không lâu, cách ăn nói còn đậm chất đại mạc.

Người bán rượu nghe ra, dù sao cũng đang rảnh rỗi nên đứng cạnh bắt chuyện: “Cô nương đến từ Tây Vực sao? Nghe giọng không giống người Trường An.”
Liên Đăng nghĩ, tiếng vùng sông Lạc Thủy gọi cá chìa vôi gọi là cá lao*, dù là ăn mặc có giống người Trung Nguyên đến mức nào thì vừa lên tiếng là sẽ bị nhận ra ngay.
(Nguyên văn: 洛下音里管鱼叫哟, Cá vẫn đang cấn từ洛下 vì theo Cá tra nó chỉ thành Lạc Dương, cũng thể hiểu là vùng sông Lạc Thủy (trong đó có cả Lạc Dương) nhưng thành Lạc Dương thì không liên quan đến truyện)
Cô cười: “Đúng vậy, tôi tới Trường An thăm người thân.” Vừa nói, cô vừa toét miệng ném quả mơ đi.
Quả mơ lăn đến cửa lều, cô lơ đãng quét mắt qua, trông thấy người đi theo cô cả quãng đường cũng đến trước cửa lều, chọn một góc rồi tao nhã ngồi xuống.
Chàng ta cách cô không xa, chỉ khoảng hai, ba bàn.

Chàng ta bám dai như đỉa khiến Liên Đăng đề phòng, cứ tưởng là chàng ta đã bỏ đi, không ngờ lại theo tới tận đây.

Xem ra người này có vấn đề, nếu cứ thế này cô buộc phải ra tay với chàng ta mất.
Cô thầm tính toán, miệng ngậm cá khô, thấy chàng ta quét mắt về phía bàn cô rồi gọi đồ giống y vậy.
Người sống trong nhung lụa sao không quen ăn mấy đồ vặt ở dân gian, quốc sư không uống rượu, rót một chén ra rồi chỉ ngửi.

Có lẽ vì rượu khá nặng, ngửi thôi như đã chuếnh choáng nên chàng ta đẩy chén rượu ra xa.

Lại nhìn cá khô trên đĩa, ngón tay chàng gẩy vài cái, mặt mày có vẻ chê bôi.
Liên Đăng không nhìn nổi nữa, chỉ chàng ta từ xa: “Ăn đi, ngon lắm ấy.”
Chàng ta gác tay lên bàn, thái độ vô cùng ngạo mạn.

Chàng ta ngước lên nhìn cô, đôi mắt thâm thúy tựa biển sâu.

Liên Đăng thấy hơi kì lạ, cảm thấy dường như mình quên điều gì đó.

Hẳn cô đã từng gặp người này, chỉ là trong chốc lát không nhớ ra.
Cô thấy không an toàn lắm, nếu phải đối đầu thì chỉ sợ chàng ta không phải người dễ đối phó.

Có ở lại cũng là vô ích, chỉ là tiếc vò rượu này thôi.

Cô không nỡ để phí, bèn cầm lên uống hai hớp rồi âm thầm đứng dậy, nhanh chóng rời khỏi quán rượu.
Quốc sư để lại tiền rượu rồi theo sau, thoáng cái đã không biết cô đi đâu, nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng.

Một khi nhận thấy nguy hiểm, chắc chắn con người ta sẽ muốn quay về nơi ở! Chàng ta phất tay áo quay người, chậm rãi đi về phía Vân Đầu Quán.
Thật ra Liên Đăng cũng không đi xa, cô chỉ nép ở góc nhà nhìn chàng ta quan sát xung quanh.


Thấy chàng ta đi về hướng này, cô càng tin rằng người này không hề đơn giản.

Nếu là người của Đại Lý tự thì chẳng cần cố ra vẻ huyền bí như thế.

Nhưng dù chàng ta có là ai, cứ khống chế được đã rồi bàn sau.
Cô ém mình trong bóng tối chờ đợi, rút dải lụa trong tay áo ra, quấn chặt hai đầu vào hai tay.

Chàng ta tới gần, vừa đến bên cạnh là cô nhảy lên, vốn muốn siết cổ chàng rồi tra hỏi, không ngờ lại gặp phải cao thủ.

Phản xạ của chàng ta quá nhanh, kiềm tay cô rồi thuận thế xoay mình, hai tay của cô đã bị chính dải lụa của cô trói lại.
Liên Đăng hoảng loạn: “Rốt cuộc anh là ai?”
Chàng ta cười giễu: “Mắt to mà không tinh, nhạy bén cũng không đủ, võ vẽ như này mà thành công tận hai lần, đúng là đánh bậy đánh bạ.”
Cô không nhận ra mặt nhưng lại nhận ra giọng nói của chàng ta.

Cô lập tức thả lỏng người: “Ấy quốc sư, tội gì ngài phải làm vậy!”
Chàng ta đẩy cô ra, lực rất mạnh, làm cô phải lảo đảo mấy bước.

Quốc sư không biết thương hương tiếc ngọc, Liên Đăng cũng chẳng có suy nghĩ con gái cần được thương yêu, bị đẩy ra vẫn sán lại, nhìn mặt chàng ta mà lẩm bẩm: “Đúng là chẳng thể nhận ra được, hồi trước quốc sư nói sẽ có sơ hở, sơ hở ở đâu vậy?”
Cô rất tò mò, vươn tay định sờ, lại bị chàng ta hất ra: “Cô còn muốn đánh lén bổn tọa, đúng là to gan!”
Liên Đăng nắm vạt áo, ấm ức nói: “Tôi không cố ý mà, quốc sư cứ đi theo tôi, tôi sợ là thám tử do ai phái đến.

Nếu sớm biết là quốc sư thì có cho tôi hai lá gan tôi cũng không dám.” Thấy chàng ta trừng mắt, cô vội chuyển chủ đề: “Quốc sư cũng vào thành đón giao thừa ư? Không ngờ lại gặp nhau ở đây, đúng là trùng hợp quá.”
Chàng ta đáp với vẻ uy nghiêm: “Ừm.

Bổn tọa đi dạo qua đây, không ngờ lại chạm mặt.

Trường An nhỏ thật.” Vừa nói, chàng ta vừa đưa mắt về phía đèn hoa rực rỡ: “Xuân quan không đi chung với cô à?”
“Phải.

Anh ta hợp cạ với Chuyển Chuyển nên tôi cố tình để cho họ có không gian nói chuyện.”
Mặt chàng thiếu niên thấp thoáng nụ cười: “Cô tốt ghê nhỉ? Tác hợp cho người khác, tình nguyện để mình lẻ loi.”
Cô không hứng thú với đề tài này, đôi mắt dán lấy chàng: “… Lúc cười cũng chẳng thấy giả ở chỗ nào, thuật dịch dung của quốc sư quả là vô cùng thần thông quảng đại.” Cô cười xấu hổ: “Lạ thật, quốc sư đổi mặt xong trông dễ gần hơn nhiều.”
Chàng ta nhíu mày, lạnh lùng nói: “Chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài mà đã khiến cô có cái nhìn mới ư? Bổn tọa hỏi cô, trước khi dịch dung và sau khi dịch dung khác nhau ở chỗ nào?”
Liên Đăng cẩn thận cân nhắc: “Tấm mặt nạ này hẳn là được phỏng theo thiếu niên, thoạt nhìn chỉ độ mười bảy, mười tám tuổi.”
Quốc sư liếc cô, hết sức không hài lòng: “Bổn tọa đã nói cái tinh túy của dịch dung nằm ở chỗ tương phản…” Chàng ta bỗng ngớ ra: “Ý cô là sao?”

Liên Đăng thầm giật thót, không biết lại chọc phải dây thần kinh nhạy cảm nào của quốc sư, vội vã sửa lời: “Ý của tôi là tấm mặt nạ này nhìn trẻ trung quá, thế nhưng ướm vào mặt quốc sư lại chẳng hề thấy có chỗ nào không phù hợp cả mà chỉ thấy vị lang quân này chững chạc điềm đạm, vô cùng hiếm gặp.”
Có thế, nét mặt chàng ta mới hòa hoãn đôi chút, gật đầu nói: “Dung mạo cũng chỉ làm được đến thế mà thôi, đẹp nữa thì lại không chân thật.”
Liên Đăng vội theo lời: “Dẫu sao cõi đời này có thể có mấy quốc sư được chứ!”
Nịnh đúng chỗ khiến thái độ của quốc sư tốt hơn nhiều.

Ánh sáng đèn lồng bên đường dịu dàng hắt lên mặt quốc sư.

Chàng ta mặt mày thản nhiên, đổi sang giọng điệu thoải mái: “Cô vừa bỏ đi được hai ngày thì mặt nạ làm xong, sao, có muốn xem không?”
Liên Đăng rất vui.

Cô không giỏi tưởng tượng, nếu chỉ miêu tả sơ qua với cô thì có lẽ cô sẽ chỉ biết lơ mơ gật đầu, chẳng có yêu cầu gì thêm.

Nhưng mà có hiệu quả trực tiếp đặt trước mặt cô, ví như dáng vẻ Đàm Nô mặc áo ngắn, gương mặt sau khi dịch dung của quốc sư.

Phàm là thứ khiến cô thấy hứng thú là cô sẽ lập tức sốt sắng muốn xem, lòng nóng như lửa đốt.
“Muốn, muốn…” Cô xoa tay nói: “Ở đâu vậy, quốc sư có mang theo không?”
Chàng ta phủi tay áo, sau đó nhìn chung quanh: “Nhưng đây không phải nơi phù hợp.”
Liên Đăng tha thiết nói: “Quốc sư đến Vân Đầu quán với tôi đi, Chuyển Chuyển với Đàm Nô chưa về ngay đâu, không ai quấy rầy đến quốc sư cả.”
Nghe vậy, chàng ta chuyển mắt lườm cô: “Trung Nguyên không có tục đàn bà mời đàn ông vào khuê phòng, chỉ có người thân thiết nhất mới được chung phòng thôi”
Cô lại tỏ ra rất vô tư: “Không sao, quốc sư là trưởng bối, Trung Nguyên cũng không có tục phải tránh trưởng bối.”
Câu trưởng bối này làm khóe miệng quốc sư giần giật.

Trong lòng cô, chàng ta còn già hơn Vương Lãng rất nhiều, không phải là bậc cha chú nữa mà sợ là phải lên đến hàng tổ tông!
Chàng ta không dị nghị gì nữa, nhưng trong lòng chẳng vui.

Hai người chậm rãi đi về Vân Đầu quán, cô đi đằng trước, thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn chàng ta, cứ như sợ chàng ta đi lạc.

Quốc sư quay mặt đi, không thích kiểu quan tâm tôn kính người già này của cô.

Có lẽ cô cũng nhận ra nên dè đặt hỏi: “Quốc sư, quốc sư không vui hả?”
Chàng ta cười nhạt: “Có gì đáng vui à?”
Chàng ta luôn như thế, như lúc nào cũng soi mói.

Mới gặp thì tốt lắm, ít ra chàng ta cũng rất nhã nhặn, khoan dung.

Càng về sau càng sai sai, cứ như sự tồn tại của cô khiến chàng ta không thoải mái, lúc nào cũng mặt mày như cứt ngâm, thể hiện sự bất mãn với cô.
Liên Đăng vốn có lòng tự trọng cao, người khác chỉ cần bất thiện một tí thôi là cô bật lại ngay.

Nhưng trước mặt quốc sư, lòng tự trọng của cô chỉ như bong bóng, chọc cái là thủng.

Cô đã luyện thành cái tính trơ mặt, trưởng bối mắng mấy câu cũng chẳng là gì sất, quốc sư ngứa mắt cô chắc chắn là do cô làm chưa đủ tốt.

Thế nên cô càng phải cẩn thận hơn, tranh thủ khiến chàng ta có thêm cảm tình.
Vân Đầu quán ở nơi hẻo lánh, dần cách xa chợ đêm, đường sá cũng không còn sáng sủa.


Cô dẫn chàng ta đi theo con đường lúc tới, trước đó có cắm đèn lồng bên đường, phòng khi về không nhìn thấy gì.

Song khi quay lại, đèn lồng vẫn còn đó nhưng nến đã cháy hết.
Cô cúi nhìn, buồn bã nói: “Tiêu rồi, tắt mất rồi…” Cô quay lại đưa tới trước mặt quốc sư: “Quốc sư làm nó sáng lên đi!”
Chàng ta lườm cô: “Có bột mới gột nên hồ, nến cháy hết rồi thì châm sáng kiểu gì?”
Cô định kể lại buổi tối ở ao tụ sao, chẳng phải chàng ta vừa phất tay áo là đèn lồng sáng lên luôn đấy thôi? Sao giờ pháp thuật lại không linh nữa vậy… Ngẫm nghĩ một hồi rồi lại thôi, tránh chọc chàng ta tức giận.

Thật ra nếu có mình cô thì đã chẳng hề gì, dù không thấy rõ đường cô cũng tự mò được đường về.

Còn không phải là vì cô sợ quốc sư bị hụt chân ư?! Cô nhét tay vào tay áo thở dài, đang thương cảm thì trước mặt có người cầm đèn lồng đi đến, nhét đèn lồng vào tay cô rồi đi luôn.
Cô ố á quay đầu nhìn, người nọ đã biến mất trong nháy mắt.

Nhớ lại cách ăn bận của người đó, hình như là người của Thái Thượng Thần cung.

Cô ngạc nhiên nhìn quốc sư: “Đó là vị quan nào?”
Quốc sư tiệm mồm đáp là Hạ quan, đoạn nhìn cô, cô cầm đèn lồng rất thấp, ánh sáng hắt lên đổ bóng trên mặt trông như ma quỷ, đôi môi đỏ mọng chầm chậm mấp máy: “Có hộ vệ đi theo, tốt thật đấy.”
Chàng ta hít sâu: “Không muốn bị tôi coi là yêu quái mà bắt giữ thì dẫn đường mau lên.”
Liên Đăng vội đáp vâng, ngoan ngoãn xoay người dẫn đường, bản thân có lảo đảo cũng chẳng màng, chỉ cần chiếu sáng đường cho quốc sư là được.
Nhưng cô lại không dẫn chàng vào cổng chính mà dừng lại ở chỗ chân tường vắng vẻ, cô khó xử cúi người: “Cổng chính có đạo cô trông coi, muộn thế này rồi, tôi dẫn đàn ông về sợ sẽ bị chê trách.

Đạo quán là chốn thanh tịnh, cũng nên kiêng kị, bởi vậy…” Cô nhìn bức tường: “Chúng ta nhảy tường đi!” Thấy chàng ta sắp nổi bão, cô kịp thời chắp tay vái: “Khiến quốc sư phải chịu thiệt rồi, xin lỗi, xin lỗi.

So với bị hỏi vặn thì chẳng thà tránh đi.

Tôi cũng chỉ muốn bớt phiền phức thôi, không hề có ý xúc phạm quốc sư.”
Quốc sư ngẫm nghĩ, thấy cũng có lý.

Quân tử mềm được cứng được, dù sao chàng ta cũng dịch dung rồi, nhảy thì nhảy thôi! Chàng ta nhìn cô: “Cô lên trước, bổn tọa theo sau tiếp ứng.”.
Liên Đăng chẳng hề thấy có gì sai, gập người đồng ý, cung kính dâng đèn lồng cho chàng ta, nhún người nhảy lên bờ tường.

Dõi mắt nhìn, mấy gian tĩnh thất đã sáng đèn, không ai đi lại, chắc hẳn là nhân lúc quán chủ không ở đây, những đạo cô kia đã lén đi chơi hết rồi.

Cô nhảy xuống, bắc tay thành hình loa, nhỏ giọng gọi: “Được rồi, sang đây đi!” Chỉ thấy tiếng gió vù vù, lại không nghe thấy động tĩnh của quốc sư.
Cô hơi buồn bực, chẳng lẽ chàng ta đi luôn không từ biệt ư? Cô đang định nhảy lên xem thì thấy chàng nhẹ nhàng bay tới, phong thái thanh cao khiến người khác phải trầm trồ.

Cho dù là đang làm chuyện xấu, chàng ta vẫn mang hào quang không thể khinh nhờn.
Liên Đăng thấy như đang nghênh đón Bồ Tát, mỉm cười kính trọng nghênh đón chàng ta.

Lúc dẫn chàng ta vào phòng ngủ, cô lại thấy hơi ngượng nghịu, Lâm Lang giới đẹp thanh tịnh là thế, so ra chỗ này còn chẳng bằng chuồng ngựa ở Thần cung.

– —–oOo——.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.