Kim Ốc Hận

Chương 3: Nhìn lại nửa cuộc đời phồn hoa


Đọc truyện Kim Ốc Hận – Chương 3: Nhìn lại nửa cuộc đời phồn hoa

Hàn Nhạn Thanh thấy lại bản thân mình thuở còn bé, cũng cặp
mắt, đôi mày ấy, đang cười vui chạy trốn trong dãy hành lang dài dằng dặc. Một
phu nhân có gương mặt xinh đẹp kiểu cổ điển từ đầu kia hành lang đi tới, cử chỉ
ưu nhã, vẻ mặt nhu hòa.

“A Kiều, con không được bướng bỉnh như vậy.”

A Kiều?

Phải rồi, nàng chợt hiểu cô bé mặc y phục thời Hán bằng tơ lụa
tôn quý kia không phải là mình mà là Trần A Kiều khi còn nhỏ.

Năm đó là năm Tiền Nguyên thứ năm[1] triều Hán Cảnh Đế.

[1] Trong thời gian làm vua hai mươi ba năm, Hán Cảnh Đế đã
đặt ra các niên hiệu: Tiền Nguyên (156-150 TCN), Trung Nguyên (149-144 TCN) và
Hậu Nguyên (143-141 TCN).

Tiểu A Kiều nũng nịu: “Mẫu thân, cung Trường Nhạc thật là buồn
chán, con sang Ngự hoa viên chơi được không?”

Trưởng công chúa Quán Đào mỉm cười gật đầu. A Kiều cất tiếng
hoan hô rồi chạy biến đi như làn khói, chỉ nghe mẫu thân ở phía sau dặn với
theo: “Khoan đã, con dẫn mấy cung nữ đi theo cho an toàn.”

Lâu đài, đình, các trong Ngự hoa viên đều tinh xảo trang
nhã. Tiểu A Kiều đang chui luồn qua một hòn giả sơn thì chợt nghe thấy tiếng
khóc nho nhỏ thoảng theo làn gió. Nàng ta lần theo tiếng khóc đi tìm, vòng qua
mấy hòn giả sơn thì thấy một cậu bé mặc áo quần tôn quý đang quay lưng về phía
mình khóc rấm rứt. A Kiều không nhìn thấy mặt cậu bé, chỉ nhận thấy thân hình của
cậu thật nhỏ, thật nhỏ.

“Ngươi là ai?”

Cậu bé hoảng hốt, cuống quýt lau nước mắt, quay đầu lại nhìn
nàng ta. Hàn Nhạn Thanh thấy khuôn mặt cậu ta rất trắng trẻo, đôi tròng mắt đen
láy.

“Thế còn ngươi là ai?” Tiểu A Kiều mỉm cười, thấy rõ là cậu
bé đang cố ra vẻ cứng cỏi để che giấu sự bối rối. “Ta là A Kiều”, A Kiều trả lời,
giọng nói ngây thơ trong trẻo.

“Ồ!” Cậu bé khẽ kêu lên, hiển nhiên đã biết cái tên đó ở
trong cung Vị Ương này có ý nghĩa gì, đứng dậy định vòng qua A Kiều rời đi.

“Người còn chưa nói cho ta biết người là ai mà.” A Kiều túm
lấy tay không cho cậu bé vượt qua. Nàng ta lớn tuổi hơn nên dù cậu bé có cố gắng
đến đỏ mặt tía tai cũng không thể nào giãy ra được. Giằng co một hồi lâu, A Kiều
bực mình buông tay ra, “Không nói thì thôi.” Nói xong nàng ta quay ngoắt đi.

Cậu bé đứng sau lưng nàng ta hơi chần chừ, cuối cùng nói giọng
yếu xìu, “Ta là Triệt Nhi.”

Hàn Nhạn Thanh suýt nữa ngã ngửa ra. Đây chính là Hán Vũ Đế
vang danh thiên cổ, võ công hiển hách đó sao? Rõ ràng chỉ là một cậu bé yếu đuối,
đáng yêu và kỳ quặc mà thôi!

“Triệt Nhi, hứ… chính là hoàng tử mà Cao Tổ báo mộng ban cho
tên Trệ[2] đó hả?”, A Kiều chợt thốt lên. Khuôn mặt Lưu Triệt lúc xanh lúc trắng,
quay đầu bước đi phăm phăm.


[2] Trệ: Theo sách ‘Hán Vũ cố sự’ có ghi lại, mẹ của Lưu Triệt
là Vương phu nhân khi có thai Lưu Triệt được Hán Cao Tổ báo mộng lấy tên là Trệ
vì thế khi sinh ra được đặt tên là Lưu Trệ. Đến năm lên bảy tuổi thì được Hán Cảnh
Đế đổi tên thành Lưu Triệt. Chữ “Trệ” còn có nghĩa là loài heo, người Trung Hoa
cổ đại cho rằng heo là loài vật rất thông minh nên lấy để đặt tên cho người.

“Này, Triệt Nhi”, A Kiều đuổi theo, “Triệt Nhi, người làm
sao vậy?” Nàng ta không rõ tại sao tiểu biểu đệ[3] lại tức giận, chỉ muốn hắn
chơi đùa với nàng ta nên đuổi theo. Lưu Triệt đang đi phía trước đột nhiên dừng
lại khiến nàng ta nhất thời không hãm kịp, đụng trúng vào lưng, cậu bé vốn gầy
yếu nên bị xô loạng choạng.

[3] Thời xưa, biểu huynh, biểu đệ, biểu muội, biểu tỷ lần lượt
để chỉ anh họ, em trai họ, chị họ, em gái họ bên ngoại. Còn đường huynh, đường
đệ, đường tỷ, đường muội lần lượt chỉ anh họ, em trai họ, chị họ, em gái họ bên
nội.

“Chuyện gì thế này?” Trần A Kiều nhìn qua đầu Lưu Triệt ra
phía ngoài thì thấy có một đội nghi trượng đang đi qua hành lang quanh co dưới
chân hòn giả sơn. Hán Cảnh Đế, cữu cữu[4] của nàng ta, ngồi trên ngự liễn[5] ở
chính giữa đoàn.

[4] Cữu cữu: Cậu, em của mẹ.

[5] Ngự liễn: Xe của vua.

A Kiều hiểu ra liền cúi đầu xuống. Trên khuôn mặt trẻ thơ của
Lưu Triệt hiện rõ vẻ ngưỡng mộ lẫn u oán, nghe thấy A Kiều ở sau lưng mình ngây
thơ hét gọi, “Hoàng đế cữu cữu, Hoàng đế cữu cữu.”

Cách đó không xa, Cảnh Đế Lưu Khải quay đầu nhìn sang, thấy
hai đứa trẻ thì kinh ngạc rồi cười vẻ khoan dung. A Kiều dắt tay cậu bé chạy tới,
các cung nữ vội vàng nhường lối. Hán Cảnh Đế ôm lấy A Kiều, hiền từ hỏi nàng ta
mấy câu.

Cậu bé đứng một góc, cực kỳ lúng túng. Cậu vốn rất ít khi gặp
riêng phụ hoàng trong khoảng cách gần như vậy nên không biết mở miệng thế nào.
A Kiều rúc vào trong lòng cữu cữu của mình, cố gắng quay đầu lại gọi, “Triệt
Nhi, tới đây đi.”

Cậu bé kinh ngạc nhìn nàng ta, thấy trên gương mặt nàng ta nụ
cười xán lạn. Tựa hồ đến giờ cậu mới phát hiện đây rõ ràng không phải là cô bé
đang được hưởng ân sủng lớn lao trong cung đình, mà thật sự là một người con
gái xinh đẹp như ngọc, lung linh rạng rỡ như trăng rằm.

Tiểu Lưu Triệt đầy khao khát nhìn về phía Hán Cảnh Đế khiến
ông hơi kinh ngạc nhưng vẫn khẽ gật đầu. Liền đó, Lưu Triệt rất vui sướng leo
lên ngự liễn rồi cả đoàn tiếp tục đi theo hành lang về hướng cung Trường Nhạc.
Tiến vào cung Trường Nhạc, Trưởng công chúa Quán Đào kinh ngạc nhìn A Kiều dắt
tay một cậu bé thanh tú bẽn lẽn theo đệ đệ của mình bước vào.

“Đây là hoàng tử của Vương phu nhân, tên Triệt”, thị nữ bên
cạnh nhỏ giọng báo.

“Ừ”, bà khẽ gật đầu, không biết đang nghĩ điều gì.

Hán Cảnh Đế thỉnh an mẫu thân xong, đang nấn ná thì có người
đến tấu trình việc quân cơ nên liền rời đi.

“Triệt Nhi, lại đây!” Công chúa Quán Đào cầm chén trà, thản

nhiên nói.

Tiểu Lưu Triệt lặng lẽ bước tới, thi lễ theo đúng phép tắc
trong cung, khẽ thưa, “Cô cô!”

“Mẫu thân”, A Kiều liền vụt tới: “Triệt Nhi rất tốt”, nàng
ta ngước nhìn mẫu thân vẻ ngây thơ nói, “Mẫu thân không được làm khó hắn.”

Quán Đào lấy làm kinh ngạc liếc nhìn con gái, cố ý hỏi Lưu
Triệt vài câu về chuyện sinh hoạt rồi phất tay áo bảo cậu lui ra.

“Quán Đào nghĩ thế nào?” Đậu thái hậu đang ôm cháu gái yêu A
Kiều ngồi ghế trên cao, tựa như tình cờ hỏi.

“Không có gì”, Quán Đào trả lời mẫu thân, “Con chỉ muốn tính
toán một chút cho A Kiều.”

A Kiều nghe nhắc đến tên mình liền ló đầu ra khỏi lòng bà
ngoại, nhìn mẫu thân vẻ nghi hoặc.

Năm Tiền Nguyên thứ sáu triều Hán Cảnh Đế.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó đã qua một năm. A Kiều
vẫn là một cô bé hồn nhiên còn Lưu Triệt đã dần bắt đầu hiểu chuyện, hai đứa trẻ
càng ngày càng quấn quýt với nhau. Một hôm, A Kiều đang chơi đùa với Lưu Triệt
trong điện Linh Tâm của Vương phu nhân thì Trưởng công chúa Quán Đào tới tìm
con gái. Vương phu nhân lật đật ra nghênh đón.

Lưu Triệt bước tới hành lễ, Trưởng công chúa Quán Đào đỡ cậu
bé dậy. Bà nhìn con gái mình vẻ trìu mến, bỗng nhiên nổi ý đùa giỡn bèn hỏi,
“Triệt Nhi đã muốn lấy vợ chưa?”, cũng không để ý tới Lưu Triệt sau khi giật bắn
mình đang lộ vẻ cực kỳ bối rối, tiện tay chỉ vào một thiếu nữ xinh đẹp trong
nhóm thị nữ đứng cạnh Vương phu nhân, “Cô ta có được không?”

Lưu Triệt lắc đầu, “Không được.”

Quán Đào chỉ thêm mười mấy thị nữ nữa nhưng Lưu Triệt đều lắc
đầu. “Vậy thì…” Quán Đào đi vài bước trong điện rồi bỗng nhiên chỉ vào A Kiều
đang phì cười theo dõi, “A Kiều của ta có được không?”

Lưu Triệt ngẩn người, kín đáo liếc nhìn mẫu thân, thấy bà khẽ
gật đầu ra hiệu bèn cười nói, “Được! Nếu là A Kiều thì ta muốn xây nhà vàng cho
nàng ở.”

A Kiều đỏ mặt, xẵng giọng, “Ngươi nói cái gì đó?”, nói xong
nàng ta chạy tót ra khỏi điện Linh Tâm, vờ như không nghe thấy một tràng cười rộ
lên ở phía sau.

Vào tháng Giêng năm Tiền Nguyên thứ bảy triều Hán Cảnh Đế,
Thái tử Lưu Vinh bị phế làm Lâm Giang vương. Tháng Tư, Hán Cảnh Đế lập Vương
phu nhân làm hoàng hậu, lập Lưu Triệt làm thái tử.

Tháng Ba năm Trung Nguyên thứ hai triều Hán Cảnh Đế, Lâm
Giang vương Lưu Vinh bị bức tử do xâm phạm thái miếu.

Tháng Giêng năm Trung Nguyên thứ ba triều Hán Cảnh Đế, hoàng
hậu bị phế Bạc thị qua đời.


Tháng Tư năm Trung Nguyên thứ bảy triều Hán Cảnh Đế, Lương
vương chết, được truy phong tên thụy là Hiếu Vương.

Thời gian cứ trôi qua hết năm này đến năm khác, người đời
cũng lớn lên rồi già đi như bóng câu qua cửa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, A Kiều cũng
đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Nhân dịp đoàn ngựa xe của chủ nhân Đường Ấp
đi ngang rợp đất kinh thành, Hán Cảnh Đế mỉm cười khen ngợi, “Cháu gái A Kiều của
trẫm là thiếu nữ xinh đẹp nhất Đại Hán.” Nhưng lòng nàng ta vẫn như hồi còn nhỏ
chỉ thích có một người, đó chính là Triệt Nhi của nàng ta.

Mùa xuân năm Trung Nguyên thứ chín triều Hán Cảnh Đế, Thái tử
Lưu Triệt dùng nghi lễ long trọng nhất thành thân với Quận chúa Đường Ấp Trần A
Kiều.

Trong phòng tân hôn, bàn tay Lưu Triệt vén tấm mạng cô dâu thêu
mây ngũ sắc lên, nụ cười rạng rỡ của A Kiều từ từ hiện ra xinh đẹp át cả hoa
sen.

“Triệt Nhi, lễ nghi phiền phức quá”, A Kiều than phiền, kéo
tay y qua, “Chàng không vui à?”

“Kiều Kiều”, Lưu Triệt bật cười, “Nàng không thể hoàn thành
lễ nghi theo đúng quy định được sao?”

“Ôi chao, chàng đâu phải là người ngoài”, A Kiều duyên dáng
nói rồi uống rượu hợp cẩn.

Lưu Triệt phất tay, “Các ngươi lui xuống đi.”

“Dạ!” Một đám nô tỳ khom người lui ra. A Kiều lúc này mới ý
thức được rằng trong cung đã không còn một ai, khuôn mặt dần dần rực hồng trước
cặp mắt nóng bỏng của Lưu Triệt. “Chàng nhìn cái gì vậy?”, nàng ta xẵng giọng.

“Nhìn nàng đấy.”

“Thiếp có gì đẹp mà nhìn chứ, nhìn bao nhiêu năm như vậy vẫn
chưa đủ sao?” Khuôn mặt nàng ta đỏ ửng lên như trái đào chín mọng, rạng ngời
như ánh bình mình. Lưu Triệt càng lúc càng cảm thấy ý loạn tình mê, khẽ âu yếm
khuôn mặt mềm mại của nàng ta, lơ đãng, “Không giống, khi đó nàng còn chưa phải
là vợ ta.”

“Dẻo miệng!” Giọng A Kiều thấp dần. Sau khi tấm trướng được
buông ra, chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng Lưu Triệt ôm lấy A Kiều từ từ ngả xuống.

Hàn Nhạn Thanh đứng ở đằng xa, nhìn điện Tiêu Phong chạm
vàng dát ngọc, vui vẻ ngập tràn. Trong thời khắc này còn có thêm cảnh tượng như
hoa thêu trên gấm, lửa cháy thêm dầu là bữa tiệc tân hôn tình ý dạt dào khiến
lòng nàng ngược lại phủ đầy bằng tuyết.

“Triệt Nhi!”, trong màn truyền ra tiếng A Kiều rên rỉ.

Vào thế kỷ XXI, ở phương Tây, khi một đôi nam nữ kết làm vợ
chồng, mục sư sẽ hỏi như thế này: “Con có nguyện ý buồn vui sống chết cùng cô ấy,
yêu thương cô ấy, tôn trọng cô ấy, an ủi cô ấy, bảo vệ cô ấy, hai người cùng
xây một gia đình hạnh phúc trọn đời không?”

Nàng nghĩ, Trần A Kiều chắc chắn sẽ nguyện ý, chỉ là nàng ta
lại gặp phải Lưu Triệt mà thôi.

“A Kiều, sau này ta muốn trở thành một vị hoàng đế anh minh
vĩ đại, đánh bại Hung Nô, muốn tạo nên một Đại Hán hưng thịnh để sau này truyền
lại cho con cái chúng ta.”

“Ừm”, Trần A Kiều cúi đầu đáp, có lẽ quá mệt, có lẽ quá xấu
hổ, cơ hồ nghe không thấy thanh âm.

Hàn Nhạn Thanh ở sau cây cột của cung điện trống trải, khuôn
mặt ửng đỏ.

Khi Lưu Triệt nói ra những lời này thì vẫn còn chân thật.

Lúc cặp nến long phượng cháy trắng đêm trong điện Tiêu Phòng, nào ai có thể
đoán trước được cái kết cục của câu chuyện Kim ốc tàng Kiều vào mười năm sau lại
bi thảm như vậy?

Thời gian vẫn trôi đi như nước chảy mây bay, đến tháng Giêng
năm Hậu Nguyên thứ nhất triều Hán Cảnh Đế thì Điều hầu Chu Á Phu bị hạ ngục rồi
chết.

Tháng Giêng năm Hậu Nguyên thứ ba triều Hán Cảnh Đế, Cảnh Đế
băng hà, Lưu Triệt là thái tử lên ngôi kế vị, tôn Đậu thái hậu làm Thái hoàng
thái hậu, Vương hoàng hậu làm Hoàng thái hậu, lập Thái tử phi Trần A Kiều làm
Trung Cung hoàng hậu, ở tại điện Tiêu Phòng. Vợ chồng đều đang tuổi thanh xuân,
ân ái mặn nồng, về sau thì lấy niên hiệu là Kiến Nguyên.

Năm Kiến Nguyên thứ hai, vị đế vương trẻ tuổi đến phủ đệ của
tỷ tỷ là Bình Dương công chúa Kỳ Trường thì gặp Vệ Tử Phu dịu dàng xinh đẹp, mở
màn cho cuộc tranh chấp giữa Đế và Hậu sau này.

A Kiều hận, A Kiều oán. Tình nghĩa ân ái nhiều năm như vậy,
cuối cùng Triệt Nhi của nàng ta lại có thể quay đầu đi yêu cô gái khác. Điều
này sao nàng ta chịu nổi? Tính cách cương liệt thà làm ngọc nát còn hơn ngói
lành khiến nàng ta chỉ ôm lấy chuyện xưa mà không còn chia sẻ vui buồn với Triệt
Nhi, ân ái mặn nồng giữa hai vợ chồng càng lúc càng xa. Người đàn ông nàng ta
yêu nhiều năm như vậy quay lưng lại không chịu nhìn nàng ta, chẳng lẽ không thấy
dưới ánh mắt si oán của nàng ta là một tình yêu say đắm. Thoáng chốc đã tới năm
Kiến Nguyên thứ năm. Vào năm đó, tình duyên của Trần A Kiều và Lưu Triệt rốt cuộc
đi tới hồi kết thúc.

Từ điện Tuyên Thất kín đáo truyền ra tin tức rằng bệ hạ đã
quyết ý phế Hoàng hậu. A Kiều nghe được thì cả đêm nước mắt tuôn rơi, cuối cùng
nói, “Mời bệ hạ tới đây.” Thật ra nàng ta không biết y có tới hay không, cũng
không hiểu mình có hy vọng y tới hay không. Chuyện đã tới nước này, thật ra thì
đã từ lâu nàng ta có gặp y cũng như không.

“Người thật đã quyết định… phải phế thiếp sao?” Cuối cùng,
nàng ta không thể kiên cường được nữa, vừa ngập ngừng hỏi vừa dựa lưng vào chiếc
cột trống trải trong cung, vì không như thế thì không thể đứng vững.

Lưu Triệt quay lưng về phía nàng ta, phất tay thản nhiên, “Sau
này trẫm sẽ cho người chăm sóc nàng thật tốt, nàng hãy trân trọng.”

“Tại sao?” A Kiều nhìn chằm chằm vào lưng phu quân của mình.
Y đứng đó, bộ y phục rộng rãi, hoa văn tỉ mỉ, không chút dao động.

Nàng ta nhớ lại chuyện trong hành lang dài dặc của cung Vị
Ương năm đó, nàng ta vui vẻ chạy xuyên qua hành lang, chui luồn qua hòn giả sơn
ở Ngự hoa viên rồi thấy một câu bé đang khóc rấm rứt, đâu ngờ rằng cậu bé đó đã
trở thành một vị quân chủ hùng tài đại lược nhưng âm trầm tàn ác, chỉ có nàng
ta vẫn là cô bé ngây thơ.

“Chuyện đã tới nước này, hỏi lý do còn có tác dụng gì?”

Lưu Triệt từ từ bước ra khỏi cung Cam Tuyền, phía sau truyền
đến tiếng gọi xé lòng của A Kiều.

“Triệt Nhi…”

Y thoáng ngừng lại, nhưng cuối cùng vẫn không quay đầu.

A Kiều bắt đầu đập phá đồ đạc. Cung Cam Tuyền lặng ngắt, chỉ
còn nghe thấy tiếng đồ sứ vỡ vụn trong trẻo như cứa vào lòng mỗi người.

Ba ngày sau, thánh chỉ tới cung Cam Tuyền.

“Hoàng hậu Trần thị, mê hoặc bằng Vu cổ, không thể tiếp tục
thừa thượng mệnh[6]. Hoàng thượng ra lệnh, bãi lui về cung Trường Môn.”

[6] Thừa thượng mệnh: Vâng theo mệnh trên mà hành sự với kẻ
dưới.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.