Kim Kiếm Lệnh

Chương 14: Vì lầm gặp phúc


Đọc truyện Kim Kiếm Lệnh – Chương 14: Vì lầm gặp phúc

Thấy Thôi thị niềm nở dịu hiền như một bà từ mẫu, Vệ Thiên Tường cảm thấy muôn vàn cảm xúc, vội vàng đứng dậy chắp tay lạy nói :

– Nếu được vậy, thì tiểu điệt xin kính bái đại thẩm, cùng Phụng… muội.

Thôi thị mỉm cười nó :

– Phụng nhi, sao chưa chào gọi Tường ca đi con!

Lăng Vân Phụng đỏ mặt vì thẹn thùng lẫn sung sướng, bẽn lẽn cất tiếng kêu nhỏ :

– Tường ca ca!

Sau đó Vệ Thiên Tường nói :

– Tối hôm qua chỉ vì tiểu điệt vô ý bị lầm kế nên mới bị chúng hại ngầm. Nếu căn cứ vào tài nghệ của Hắc Phi Yên và Kim Diện Nhị Lang, tiểu diệt cũng thừa sức đối phó. Hơn nữa gần đây sáu vị thúc thúc cũng lục đục về đủ mặt. Hiện nay nhật kỳ đã gần tới, tiểu điệt xin phép được bái biệt.

Lăng Vân Phụng nghe Vệ Thiên Tường muốn đi ngay không khỏi ngẩn ngơ, mặt mày buồn rười rượi, nghẹn ngào không nói được lời nào.

Thôi thị thừa rõ trách nhiệm và việc làm của Vệ Thiên Tường là quan trọng và cấp bách, không tiện nài nỉ lưu lại, chỉ gật đầu nói :

– Hiền điệt cần lên đường đi ngay, già này không dám giữ lại. Nhưng có một điều suýt quên mất. Số là trước khi già biết, Điểm Thương Vạn đại hiệp có dặn rằng, sau đó ba tháng, hiền điệt nên tới Kim Lăng tìm y. Vậy chúng ta nên nhớ kỹ để cùng hội ngộ nơi ấy nhé.

Vệ Thiên Tường chắp tay vâng lời, cất tấm mặt nạ vào bọc rồi cùng mẹ con Thôi thị bái biệt.

Lăng Vân Phụng đứng sau lưng mẹ nhìn theo, giọt dài giọt ngắn, không ngỡ chia tay. Thôi thị dặn đi dặn lại phải thận trọng trên bước giang hồ.

Sau khi chia lên đường, Vệ Thiên Tường cứ theo lời chỉ điểm của Thôi thị nhằm đường Ngọc Sơn và Tích Giang mà đi vượt qua Giang Sơn, Cù Châu, Long Du, Toại Xương, Thanh Điền rồi đến ngay Lạc Thành.

Hôm đó là ngày mùng chín tháng chín, trước ngày Trung dương một bữa. Vệ Thiên Tường không dám ở lại Hồng Kiến dùng cơm tối, đi luôn một mạch đến thôn Phù Dung ở dưới chân núi, tìm nơi trong núi, tạm nghỉ một đêm.

Suốt dọc đường, chàng để ý dò xét nghe ngóng, chưa thấy tăm dạng sáu vị thúc thúc, trong lòng vô cùng nóng nảy.

Cứ theo khẩu khí Cổ thúc thúc thì nhân cuộc gặp gỡ tại Nhạn Đãng sơn, sự nghiệp và thân thế của mình sẽ được phanh phui, phơi bày ra ánh sáng. Vì vậy lòng chàng lúc nào cũng nôn nao chờ đợi.

Suốt đem hôm đó, chàng trằn trọc lăn lộn mãi không sao ngủ được. Vừa mở mắt trời rạng sáng, chàng vội vàng trở dậy nai nịt gọn gàng, lấy ít bạc lẻ cảm ơn chủ trọ rồi bắt đầu đi lên núi.

Nhạn Đãng sơn gồm cả thảy một trăm lẻ hai ngọn núi có tên, ngoài ra còn không biết cơ man nào những ngọn nhỏ khác nữa.

Sở dĩ thiên hạ gọi Nhạn Đãng sơn vì trên đỉnh núi cao nhất có một cái ao quanh năm không bao giờ khô cạn.

Cứ mỗi mùa thu tới, hàng ngàn chim hồng nhạn đến kéo nhau tập trung về bay lượn trên mặt hồ.

Theo lời khẩu truyền thì trước đây có một vị cao tăng Ấn Độ đến Trung Nguyên có nói, nếu ở địa phương nào sẽ lấy hoa đặt tên thôn và lấy chim đặt tên núi.

Ông xây cất một đạo tràng, tại thôn Phù Dung rồi đến núi Nhạn Đãng.

Sau đó lục tục hàng năm trăm vị hòa thượng cũng kéo về đây. Hiện nay vẫn còn đền thờ của năm trăm vị La Hán tại các khu rừng và Nhạn Đãng sơn đã trở thành nơi thánh địa của Trung Nguyên.

Vệ Thiên Tường vội đi tìm sáu vị thúc thúc chạy dài theo con đường quanh co theo triền núi từ Ling Phụng tự đến Linh Nham tự thì dã đúng trưa rồi vẫn không thấy mặt một vị thúc thúc nào hết. Ngay cả chỗ hẹn có ghi dấu của Cổ thúc thúc cũng không tìm thấy đâu cả.

Hôm đó là chính tiết Trùng dương. Giữa hai ngồi chùa trước dãy núi rất đông tao nhân mặc khách kéo nhau lũ lượt trẩy hội. Họ sánh vai nhau nói nói cười cười, ngâm thơ vịnh phú, ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Tòa núi này là ngọn cao nhất trong vùng tên gọi là “Thính Thi Tẩu” (cụ già nghe thơ) đứng xa nhìn lại tựa hồ như một ông lão đang cúi đầu lắng tai nghe bình thơ.

Nhưng Vệ Thiên Tường trong lòng nôn nóng, trăm mối lo âu, đâu còn mơ tưởng gì đến chuyện thưởng thức cảnh đẹp, cứ cặm cụi đi hoài. Vì trước mặt có quá đông người qua lại, không tiện dùng khinh công nên mặc dù bụng nôn, chân cũng phải rảo bước đi như người thường.

Không bao lâu đã đến chân núi Triển Kỳ phong. Chàng đưa mắt nhìn lên vách đá ngay lối đi bên phải, thấy có người dùng đá vẽ hình một con bươm bướm, nét vẽ linh động vô cùng, mới xem qua hình như một con bướm thật đang tung cánh bay liệng.

Chàng hết sức vui mừng vì nhận ra đích thị là dấu hiệu “Kim Tiền Hồ Điệp” của Tạ thúc thúc rồi. Tất nhiên bấy giờ ông ta đã có mặt trên núi này rồi.

Chàng vội vàng rảo bước trèo lên núi.

Quả núi này, mường tượng như một cây cờ lớn, đứng sừng sững, cao chót vót, đỉnh khuất trong mây, bốn mặt vách đá cheo leo. Chỉ một con đường mòn nho nhỏ, khúc khuỷu quanh co, rêu xanh bám kín, luẩn quẩn mãi không có cách gì lên được. Ngay cả người dân bản xứ cũng ít kẻ lên được tới nơi.


Vệ Thiên Tường không chút do dự, bèn đề khí vận dung khinh công thượng thặng “Thảo Thượng Phi”. Thân hình như một cái bòng mờ lao vút lên mãi. Không bao lâu đã vượt tới đỉnh núi rồi.

Nơi đây trống trải bốn bề gió lộng thổi các tà áo tung bay phần phật.

Nhìn ra xung quanh, ngoài mấy tảng đá nhấp nho, không thấy bóng dáng Tạ thúc thúc đâu hết.

Trong lòng chàng lấy làm kỳ dị, tự nghĩ :

– “Chả lẽ thúc thúc đã xuống núi rồi sao? Từ dưới lên đây chỉ có một con đường nhỏ này, ngoài ra không một lối đi nào khác. Chẳng lẽ thúc thúc biết bay”.

Bụng nghĩ, chân cứ bước tới. Bỗng nhiên thấy trên một mô đá bằng phẳng lại có vẽ một con bướm đang xòe cánh bay ngang, và hình như bay về phía bên trái.

Vệ Thiên Tường liếc mắt nhìn về phía đó. Nơi đây không còn đường đi mà chỉ có mọt sợi xích sắt dài to tướng. Một đầu dây cột vào chân trụ đá, còn một đầu vắt ngang dài hàng trăm trượng, thẳng một mạch đến núi Thiên Trụ.

Một sợi dây bay khác hẳn với con đường sạn đạo khi xưa trên núi Kiếm Các thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Vì rằng con đường sạn đạo còn đục vào đá có chỗ bám chân, tuy khó đi nhưng không nguy hiểm.

So với Trường Không Sạn ở núi Hoa Sơn tuy là dây sắt chằng ngang, nhưng ở trên còn có cát gỗ, tuy nguy hiểm nhưng đi lại vẫn bình thường.

Nơi đây, đường đi qua hố thẳm chỉ là một sợi dây trơn tru, gió lộng rập rình, vắt ngang giữa hai đỉnh núi. Đừng nói phải bước lên đi, chỉ cần nhìn xem và tưởng tượng cũng thấy lạnh gáy rồi.

Vệ Thiên Tường nghĩ bụng :

– “Tạ thúc thúc có vẽ con bướm trên mô đá đầu đường. Chắc hẳn ông ta đã leo ngang qua dây này tới núi Thiên Trụ rồi”.

Nếu Vệ Thiên Tường không được Tu Linh Quân luyện qua môn “Nghịch Thiên huyền công” của Tu La môn, suốt trên trăm năm, chưa ai luyện được, thì chắc chỉ đành nhìn dây thở dài mà thôi.

Hiện nay, trong người chàng, “Nghịch Thiên huyền công” đã tới năm thành hỏa hầu, hơn nữa mấy ngày vừa rồi, mẹ con Thôi thị có cho chàng ăn mấy hạt “Tuyết Liên Tử”, cho nên chàng tự xét có thể vượt qua con đường dây này khá dễ dàng.

Chàng không do dự gì nữa, đề khí phi thân lên trên sợi dây, vun vút lao tới như tên bay, chớp mắt đã qua hơn nửa đường. Vừa đảo mắt nhìn qua phía dưới, một hiện tượng lạ lùng khiến chàng ngạc nhiên kêu lên, suýt nữa bị mất thăng bằng.

Thì ra, phía trước mặt chàng không xa có một người thân hình gầy bé khẳng khi, mặc áo màu xám, nằm sấp, hai chân hai tay quấn chặt lấy sợi dây sắt, ngủ gáy khò khò.

Người ấy nằm úp mặt xuống không nhìn thấy rõ mặt, nhưng trên đầu có tết một chiếc hoa trắng nhỏ, có lẽ là một cụ già.

Vệ Thiên Tường phải dừng chân đứng lại. Xung quanh gió lộng ào ào, sợi dây song đưa qua vụt lại như chiếc võng, mỗi lúc càng thêm mạnh, nhìn xuống dưới kia, vực sâu thăm thẳm, chỉ muốn chóng mặt, đứng hết muốn vững.

Ông cụ già bé nhỏ ốm tong tựa hồ như ngủ rất ngon giấc, lưng hơi còng, hai đùi co rút lại gần cánh tay, thỉnh thoảng xoay chiều như người đang nằm trở mình trên giường, miệng cứ ngáy ầm ì như kéo gỗ.

Chỉ một động tác xoay mình này cũng đủ khiến cho Vệ Thiên Tường khiếp đởm mình toát mồ hôi, vội vàng gọi lớn :

– Lão trượng, hãy thức dậy, nguy quá!

Ngờ đâu ông cụ vừa co mình một cái khiến sợi dây chao đi thật mạnh lắc lư như chiếc thuyền bị sóng dập. Đồng thời từ phía trên, vì sức trọng lượng của hai người khá nặng, có tiếng kêu kẹt kẹt nho nhỏ cơ hồ như sắp đứt.

Vệ Thiên Tường hoảng hốt tưởng chừng như hai chân sắp mất điểm tựa, vội vàng đề khí giữ lại thăng bằng và kêu lớn :

– Lão trượng… lão trượng!

– Ồ, thằng bé làm cái gì om sòm cả lên như vậy? Tao kiếm mãi mới tìm được chỗ vắng vẻ ngon lành để đánh một giấc cho khoái. Tưởng nơi đây không còn ai lên nữa, ngờ đâu thằng bè này kiếm chuyện phá quấy mãi. Quả thật khổ cho cái thân già cơ cực, mày có giỏi thì cứ phóng qua đầu tao mà đi đừng có làm ồn, lái nhái cái miệng mãi.

Miệng thì nói, nhưng đôi mắt ông lão vẫn nhắm tít. Mắng xong mấy câu lại ngủ khì.

Vệ Thiên Tường thấy ông ta như vậy chẳng biết tính sao, thầm nghĩ :

– “Nếu mình phóng qua lưng ông ta, rủi ông ta tình cờ cong mình lên thì cũng phải xa ba thước. Nếu cứ phi thân bay lướt qua đường dây rồi cứ nhắm đúng đích là sợi dây mà đặt chân xuống thì cũng không đến nỗi sai được”.

Nghĩ như vậy liền hít một luồng chân khí vào ngực, tung mình nhảy lên, vượt qua khỏi mình ông già rồi hạ xuống phía bên kia cái dây.

Ngờ đâu khi thân hình vừa mới bây lên hình như có một trở lực vô hình kéo trở lại. Chàng chú ý đặt chân xuống đúng đường dây phía trên đầu ông lão nhưng không hiểu vì sao lại vướng vào búi tóc nhỏ như củ tỏi trên đầu ông, khiến chút nữa trượt chân rơi xuống vực thẳm.


Cũng may khi ấy chàng đề tụ đầy đủ chân lực nên tuy lo sợ cuống quít, toát mồ hồi, cũng cố giữ vững bình tĩnh vội vàng chúi chân về phía trước chấm mũi giầy đúng ngay đường dây rồi lướt luôn tới như bay bên tai còn nghe cụ già quát vang cả lên :

– Ồ, thằng bé này nghịch ngợm thật! Mày dám đá luôn vào đầu tóc lão à?

Vệ Thiên Tường vừa tức vừa buồn cười. Nhưng chàng không bận tâm để ý đến ông ta nữa, dùng phép đề khí lao vút lên núi Thiên Trụ.

Không bao lâu đã đi hết con đường bằng dây sắt và vừa đúng khi vừa đặt chân xuống bãi đá đầu tiên, thở phào một cái đỡ mệt đã nghe tiếng người léo nhéo thật lớn :

– Bây giờ mày mới đến sao thằng bé. Ta chờ đây lâu quá phát sốt cả ruột. Này, lão già hỏi đây: Hết chuyện đùa rồi nhè vào đầu tao mà đá như vậy hử. Hãy nói mau lên.

Nghe tiếng quát vang động như sấm, Vệ Thiên Tường giật mình sợ hãi nhìn về phía phát ra tiếng nói thì thấy bên cạnh một tảng đấ lớn trên đỉnh núi cao, ông già kỳ lạ với thân hình ốm cong, với búi tóc nhỏ trên đầu và chòm râu lún phún nơi cằm đã ngồi ngất ngưởng tự bao giờ rồi, hình dạng thật là quái lạ. Bên mình ông ta có một chiếc hộp nhỏ và dài, chạm trổ tinh vi, trong tay ông đang cầm một thanh kiếm nhỏ màu vàng lấp lánh ánh sáng chói lòa mắt.

Mắt ông đang nhìn chàng, nhưng tay lại khẽ xoay tròn thanh kiếm trông chừng nhàn hạ lắm.

Vệ Thiên Tường hoảng kinh tự hỏi :

– “Ủa, lạ quá! Trong khi nhảy qua mình thì ông lão đang ngáy pho pho, tại sao bây giờ ông ấy lại đến trước mình mà đi bằng lối nào mới được?”

Chàng ngạc nhiên hơn khi nhìn kỹ thanh kiếm vàng trong tay ông lão :

– Trời, còn thanh kiếm ông đang cầm múa may chơi, sao giống hệt thanh kiếm “Chính Nghĩa” lắm vậy?

Vệ Thiên Tường vội đưa tay rờ vào ngực thì ô hô, hộp kiếm vàng đang cất kỹ trong mấy lớp áo, đã không cánh mà bay đâu mất rồi!

– Thằng bé, tạii sao tao hỏi mà mày không thèm đáp. Mày lại khinh thị già này sao? Khi nãy ta ngủ quên mày tinh nghịch đá vào đầu mà chơi, lúc ta hỏi mày lại gan lì không thèm đáp. Mày xem thường ta lắm vậy? Hãy nói đi, mau lên.

Ông càng nói càng gằn giọng ra chiều bực tức lắm, vừa hỏi vừa chửi bới cho đã cơn giận.

Vệ Thiên Tường đinh ninh mình đã gặp được một bậc kỳ nhân tiền bối, tuy chưa rõ là ai, nhưng chàng vẫn thủ lễ, chạy đến gần, chắp tay kính cẩn thưa :

– Xin lão trượng bớt giận, cháu đây vì quá nóng ruột đi tìm các vị thúc thúc đến nỗi làm xúc động tới lão trượng, cháu xin tình nguyện chịu mọi sự trừng phạt.

Ông cụ già liếc đôi mắt nhỏ xíu nhưng sáng như điện chớp lạnh lùng nói :

– Thằng bé quả thật mày muốn lãnh phạt, thật không?

Vệ Thiên Tường ấp úng nói :

– Cháu lỡ xâm phạm đến bề trên, tất nhiên đã bị lỗi xin vui lòng nhận phạt, nhưng chỉ có một điều…

Nghe Vệ Thiên Tường nói hết câu, lão già đã thay hẳn thái độ, lấy giận làm mừng, gật đầu nói :

– Thế thì được rồi. Hình phạt của ta cũng không nặng mấy. Chỉ cần… ta không thèm vàng, chỉ cần… năm lạng bạc là đủ rồi. Ồ mà phải rồi, cái đó tùy ý mày, để khỏi bảo rằng lão già này quá tham lam đòi hỏi. Có nhắc lại mới nhớ, đã mấy ngày rồi thiếu rượu, những con sâu trong bụng đã cào xé hành hung quá nhiều rồi, hết đói đến ghiền đua nhau đến báo hại mãi. Ta đã nghĩ kỹ rồi, chỉ có một cách là ngủ tràn lên độ năm ba hôm thẳng thét để xem còn trùng rượu có còn đủ sức để phá phách nữa không.

Nhìn thẳng vào mặt chàng, lão nói :

– Ngờ đâu thằng bé chết bầm lại mang xác đến hết kêu réo lại nghịch ngợm đá vào đầu, phá cả giấc ngủ đang say. Bây giờ lũ sâu rượu đột nhiên hoành hành ghê gớm hơn nữa. Nếu bây giờ không có mấy chục cân mỹ tửu chắc không có gì là hứng thú nữa. Thằng bé, năm lạng bạc chỉ vừa đủ mua rượu dắt bụng ta còn phải cầm đỡ chiếc áo ngoài để mua thêm tí đồ nhắm mới thú vị. Chắc mày đã nghe kỹ rồi chứ? Vậy bạc đâu rồi, sao không đưa đây cho rồi, còn chần chờ gì nữa?

Vệ Thiên Tường nghe ông ta nói ngang quá cũng phải buồn cười, liền sờ vào mình thấy còn mười lạng bạc, bỏ vào bọc sau còn một nén khác chừng năm lạng nữa. Chàng cầm lấy trao ra.

Ông lão cầm nén bạc trắng tinh thích chí cười tít mắt. Hai tay xoa nén bạc, nhồi lên nhồi xuống mấy lần để ước lưọng thử sức nặng rồi xuýt xoa nói :

– Thôi bao nhiêu cũng đủ rồi, thiếu chút ít ta sẽ bù thêm vào sau vậy.

Nói đến đó đưa tay vỗ bụng lẩm bẩm nói :


– Thôi mày cứ yên tâm đi. Bây giờ là phải tìm mua rượu đã, gắng chờ nhé.

Thấy điệu bộ ông lão khôi hài quá, Vệ Thiên Tường cũng phải bật cười, nhưng trực nhìn lại thanh kiếm vàng để bên mình ông ta, vội vàng chắp tay lễ phép nói :

– Thưa lão trượng!…

Ông lão cầm nén bạc trong tay định cất vào bọc, nghe nói vội hỏi ngay :

– Thằng bé, mày còn tiếc hả?

Vệ Thiên Tường vội vàng đáp :

– Số bạc nhỏ mọn kính lão trượng mua rượu, cháu đâu dám tiếc.

Ông lão cười khà khà hỏi :

– Vậy thì còn muốn gì mà thưa bẩm lôi thôi nữa?

Chàng đưa tay chỉ vào thanh kiếm vàng nói :

– Thanh kiếm vàng này của cháu vừa làm rớt, xin lão trượng rộng lòng cho nhận lại.

Ông già nghe xong trợn mắt quát lớn :

– Thằng bé ta định hỏi mày mà quên đi mất. Vật này tìm được ở đâu?

Vệ Thiên Tường nghiêm sắc mặt nói :

– Thanh kiếm này vốn thật của cháu. Nó theo cháu từ mười năm rồi. Nhưng tại sao lão trượng lại nhận biết thanh kiếm ấy?

Ông già ngơ ngác hỏi lại :

– Kiếm này theo mày từ mười ba năm rồi sao?

Hỏi xong ông quắc đôi mắt nhỏ xíu như hai hạt đậu đen phát ra hai luồn kim quang sáng quắc, nhìn chòng chọc vào mặt Vệ Thiên Tường. Đoạn ông gật đầu lia lịa nói :

– Mày… mày chưa nhận… biết! Ha ha… lão đang muốn tìm mày. Này thằng bé ngoan, mày có phải họ “Vệ” không?

Toàn thân Vệ Thiên Tường bỗng rung động mãnh liệt, vội vàng dạ một tiếng rồi đáp :

– Cháu chính họ Vệ, tên Thiên Tường. Chẳng hay vì đâu lão trượng lại biết rõ?

Ông già đắc ý cười giòn rồi gật đầu nói :

– Phải, đúng đấy! Kiếm này quả thật của mày. Mày hãy nhận lấy đi.

Nói xong cầm thanh kiếm vàng lẫn chiếc hộp gỗ trao trả.

Vệ Thiên Tường chưa hiểu lý do vì sao ông cười, nhưng cũng đưa tay tiếp nhận.

Ông lão bỗng rờ vào áo rộng tìm kiếm móc ra một cuốn sách mỏng và nói :

– Còn cái này cũng của mày luôn. Thật ra nó cũng theo ta mười ba năm nay rồi. Đáng lẽ ta còn giữ lại, làm khó làm dễ mày để vòi tiền uống rượu, nhưng đã lấy mày một đĩnh bạc rồi, bây giờ cho mày cũng được rồi.

Miệng nói, tay ném cuộn sách về phía Vệ Thiên Tường.

Vệ Thiên Tường đang nghe ông nói, thấy cuốn sách bay là là đến, vì tay phải đang bận cầm thanh kiếm, vội đưa tay trái chộp lấy.

Ngờ đâu cuốn sách nhỏ bé có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thật ra rất nặng nề, với một tiềm lực khổng lồ dào dạt xô lại.

Vệ Thiên Tường giật mình lập tức vận công đứng lại, thân mình nhấc bổng lên, tiến tới hai bước.

Ông già không ngờ chàng thiếu niên còn ít tuổi mà đã có một trình độ nội công khá thâm hậu, chép miệng khen thầm.

Vệ Thiên Tường dưa mắt nhìn vào bì sách thấy có bốn chữ triện đỏ chói: “Thái Thanh tâm pháp”.

Chàng giật mình nghĩ thầm :

– “Thái Thanh tâm pháp! Trước kia có lần Cổ thúc thúc có nhắc đến chuyện này. Hình như đây là “Huyền Môn Vô Thượng Tâm Pháp”. Khi ấy mình có hỏi, nhưng Cổ thúc thúc chỉ nói quanh co lấy lệ, chỉ cho biết đây là một bí pháp thất truyền từ lâu, nội dung như thế nào, chưa thể biết đích xác được”.


Vệ Thiên Tường nhìn cuốn sách, sợ hãi lẫn ngạc nhiên, ngần ngại nói :

– Tập này… Thái Thanh tâm pháp, lão trượng thương tình hậu tử, cháu hết sức đội ơn, nhưng thật tình không dám nhận lãnh.

Ông lão ngước mắt lên trời cười ngất nói :

– Thiên hạ thì phải dùng đủ mưu mô, đem hết tâm cơ để giành giật mà không có được. Ha ha, còn mày, thằng bé, cứ như mày nói, bao nhiêu tâm huyết của ta đã tan tành mây khói, uổng phí tất cả.

Nói xong ông chăm chú nhìn thẳng vào Vệ Thiên Tường sắc mặt vừa ngạc nhiên vừa bực tức.

Rồi ông nói tiếp :

– Mày quả là một thằng bé ngu ngốc hết chỗ nói! Tại sao chưa lấy đi cho rồi, rồi ta sẽ kể câu chuyện cũ cho mà nghe.

Vệ Thiên Tường chẳng biết nói sao, vội cất kiếm lẫn sách vào bọc. Lão già chỉ vào tảng đá lớn bên cạnh bảo Vệ Thiên Tường ngồi xuống và nói luôn :

– Thằng bé, mày có biết lai lịch cuốn sách nhỏ này không?

Vệ Thiên Tường lắc đầu đáp :

– Cháu đã được nghe nói qua một lần do Cổ thúc thúc kể, nhưng chưa được rõ ràng.

Ông lão tỏ vẻ tự hào cao giọng nói tiếp :

– Khắp gầm trời này, chỉ một mình lão là biết được lai lịch sách ấy mà thôi.

Ngừng một chặp ông nói luôn :

– Trước kia trong võ lâm có ba đại kỳ nhân, thiên hạ gọi là “Vũ Nội tam kỳ”, “Nho, Thích, Đạo”!

Vệ Thiên Tường lạ lùng hỏi :

– Thưa lão trượng, việc này cháu chưa hề nghe ai nói tới bao giờ.

Ông già mắng lớn :

– Thằng bé ngây ngô quá! Đó là câu chuyện từ hai trăm năm trước, mày nhớ chưa? Khắp gầm trời, chỉ một mình lão biết mà thôi, mày có thấy như vậy không?

Vệ Thiên Tường chẳng dám lên tiếng, ông lão tiếp tục nói :

– Tam Kỳ gồm có “Nho” là Từ Tham Khách, một môn phái của Học tôn tử phủ. Ông ta truyền cho một đệ tử, về sau xuất gia tại Thiên Sơn, gọi là Đương Liễu hòa thượng, pháp danh là Vô Cấu. “Thích” là Manh Sơn A Nan đạii sư. Bà ta truyền lại cho một đệ tử là Tuyết Sơn lão ni.

Vệ Thiên Tường ồ lên một tiếng nói :

– Thưa lão trượng, hai người này cháu được biết. Đó là Thiên Sơn thần tăng và Tuyết Sơn thần ni. Người trên giang hồ thường gọi là “Phương Ngoại nhị kỳ”!

Lão già xì một tiếng nói :

– Thần tăng, thần ni cái quái gì! Bất quá là một lão hòa thường và một lão ni cô mà thôi. Ậy, thằng bé đừng nghĩ lãng sang chuyện khác, đẻ ta nói chuyện cho mà nghe. Lẽ ra phải suy tôn Nga Mi Phương chân nhân đứng đầu. Ông ta ở Nga Mi Kim Đỉnh đã quay mặt vào tường suốt năm mươi năm, im lặng tham luyện “Thái Thanh tâm pháp” rồi sáng lập ra “Phục Ma tam kiếm”, có thể nói đã bao gồm hết tinh hoa kiếm pháp võ lâm, thu hết mọi huyền vi tạo hóa. Nhưng người phái Nga Mi không được hưởng thụ chân truyền của ông ta, và cuốn sách nhỏ này, ba mươi năm về trước đã có một người trong võ lâm, tình cờ lượm được.

– Ủa!

Vệ Thiên Tường vừa ủa một tiếng rồi đưa tay sờ vào người suy nghĩ :

– “Chỉ một cuốn sách nhỏ “Thái Thanh tâm pháp” này mà võ lâm đã sôi nổi biết bao lần sóng gió tranh giành!”

Nghĩ xong, vừa quay lại hướng Tây thì thấy mặt trời đã gác núi, bóng tối bắt đầu bao trùm khắp nơi. Vì mải nghe nói chuyện mà quên phức nhiệm vụ trọng đại của mình là đi tìm sáu vị thúc thúc.

Nhưng ông lão đã có lòng chiếu cố tặng mình tập Thái Thanh tâm pháp lại muốn kể câu chuyện cũ ngày xưa, nếu không nghe thật là bất nhã quá.

Vì vậy chàng đàng đứng lại ầm ừ lơ lửng cho qua buổi.

Ông già nói hăng say làm bắn cả nước bọt ra ngoài mồm. nhưng Vệ Thiên Tường không còn thiết nghe, chỉ dạ dạ cho rồi.

Nhưng thái độ thờ ơ làm sao qua nổi ông được nên ông gầm mặt có vẻ không hài lòng nói :

– Già này nói chuyện cũ, mày có nghe không?

Xem tiếp hồi 15 Những biến cố khủng khiếp trên núi Nhạn Đãng


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.