Kim Giáp Môn

Chương 17Giả Tiên Lang Đoạt Võ Trạng Nguyên-sát Vương Gia Hựu Đắc Phu Nhân


Đọc truyện Kim Giáp Môn – Chương 17: Giả Tiên Lang Đoạt Võ Trạng Nguyên-sát Vương Gia Hựu Đắc Phu Nhân

Gần cuối tháng giêng tổng đàn mới của Kim Giáp Môn đã an cư ở Tinh Châu. Tử Siêu cùng hai trăm đao thủ giỏi nhất lên đường đến kinh đô. Việc phòng thủ tổng đàn giao cho Xú Diện Sơn Vương Lôi Lãm Kinh và Vạn Xảo Cuồng Sinh. Thông Triệt hòa thượng đã đi với hai lão hữu phái Côn Luân.
Tử Siêu, U Linh chân nhân và Khuất Nham Tuyền đi chung một nhóm. Kinh Phi Độ và Hắc Diện Phán Quan thống lĩnh thuộc hạ theo sau. Tất nhiên, họ luôn trung thành với phương châm cải trang và phân tán nhỏ.
Ba ngày sau, lúc đi qua một cánh rừng cách Bảo Định hai trăm dặm, bọn Tử Siêu nghe bên đường có tiếng rên rỉ. Cạnh bìa rừng là một hán tử đang ngồi dựa gốc cây. Trước ngực gã một thanh đao cắm ngập vào.
Ba người thúc ngựa rẽ trái, đến nơi, Tử Siêu nhảy xuống xem xét, cho nạn nhân uống ba viên linh đan và điểm huyệt cầm máu. Hán tử tỉnh dậy buồn bã nói:
– Đao dã xuyên qua phổi, các hạ đừng nhọc công vô ích.
Tử Siêu thấy cơ thể gã cũng lực lưỡng rắn chắc như mình. Dung mạo lại khí khái hiên ngang nên bất giác có cảm tình. Chàng dịu giọng hỏi:
– Các hạ có tâm nguyện gì chưa hoàn thành xin cứ nói. Nếu Hạng mỗ làm được tất sẽ không từ chối!
U Linh chân nhân chậm rãi đặt tay vào mệnh môn của gã, chậm rãi truyền nội lực vào. Hán tử gượng nói:
– Tại hạ là Phó Cao Tiêu, quê ở đất Cam. Nhờ có sức khoẻ và chút võ nghệ nên được tuần phủ Cam Túc giới thiệu lên kinh thi võ trạng nguyên. Không ngờ đến đây lại bị một toán cường đạo tấn công. Tại hạ giết được bốn tên nhưng cũng bị trọng thương. Nay Tiêu tôi phụ mẫu không còn, chỉ có người biểu thúc là hình bộ thượng thư ở kinh. Chỉ mong các hạ chôn cất giùm thi thể và báo với ông ấy là tốt rồi! Vàng bạc tuy mất hết nhưng thư tiến cử vẫn còn ở trong người. Ngoài ra, còn một bức di thư của tiên phụ, nhờ các hạ trao lại cho hình bộ thượng thư Phó Dân Hồng!
Gã gắng gượng lấy bọc dấu dầu trong bụng ra trao cho Tử Siêu. Chàng ngẫm nghĩ một lúc, nghiêm nghị nói:
– Tại hạ sẽ thay Phó huynh dự kỳ thi võ trạng nguyên để anh linh của huynh đài được mãn nguyện. Tại hạ đang đối đầu với Đông Xưởng nên cần đến lý lịch của Phó huynh.
Mắt họ Phó sáng lên, gã mỉm cười:
– Tiên phụ cũng chết dưới tay Đông Xưởng. Nếu Hạng huynh dùng danh tính của tiểu đệ diệt được chúng thì Tiêu này vui biết mấy.
Gã gắng gượng nói tên phụ mẫu và sơ qua về gia cảnh. Vừa dứt lời thì nhắm mắt qua đời.
Khuất Nham Tuyền đã đào sẵn một lỗ huyệt trong rừng, Họ mai táng họ Phó xong, bắt tay vào bàn bạc kế hoạch mới. Gã có nhiều nét tương đồng với Tử Siêu nên việc hóa trang rất dễ dàng. U Linh chân nhân giả làm tổng quản còn Khuất Nham Tuyền là gia nhân.
Rằm tháng hai, ba người đến Bắc Kinh, vào thẳng dinh hình bộ thượng thư cầu kiến. Phó Dân Hồng mừng rỡ đón chào. Lão bùi ngùi nói:
– Ta với phụ thân ngươi ngoài tình quyến thuộc còn là bạn tri âm. Ngày ông bị Đông Xưởng vu tội tham quan, ta đã hết lời khải tấu nhưng không được. Tiêu nhi đã có chí bước vào đường quan lộ, biểu thúc sẽ hết lòng giúp đỡ.
Lúc uống trà, Tử Siêu trao cho gã bức di thư dán kín của Phó Dân Nam, cha của Phó Cao Tiêu. Lão đọc xong cười ha hả:
– Chuyện hôn ước giữa hiền điệt và Phó Quân Ngọc, biểu thúc sẽ y ước thi hành. Nhưng ít ra cũng sau kỳ thi võ trạng nguyên cái đã!
Tử Siêu chết điếng người, không ngờ chính Phó Cao Tiêu cũng không biết nội dung của bức di thư. Chàng đành ầm ừ cho qua chuyện.
Trong bữa tiệc mừng vào buổi tối. Phó thượng thư đã hoan hỉ giới thiệu Tử Siêu với vợ con. Phó Quân Ngọc là một thiếu nữ xinh đẹp, thùy mị. Nàng thấy Phó Cao Tiêu tướng mạo anh hùng, hiên ngang, lòng xao xuyến mừng cho duyên phận mình không đến nỗi bạc bẽo!
Thượng thư phu nhân cũng vậy, bà hài lòng khi có được rể quý võ nghệ cao cường lại ăn nói ôn hòa, lễ độ. Bà càng khen ngợi thì Tử Siêu càng sầu héo cõi lòng.
Chàng giới thiệu U Linh chân nhân là tổng quản Sách Văn Lục, cũng là thầy dạy võ của mình nên được lão thượng thư tôn kính, mời ngồi chung bàn. Chỉ có Khuất Nham Tuyền là thiệt thòi, gã phải xuống nhà sau ăn với bọn gia nhân. Nhưng nhờ vậy mà gã được tự do ra ngoài liên hệ với Kinh Phi Độ và Lưu Du Tử.
Đêm đến, ba người âm thầm bàn bạc, Lục Đảo Y cười chế giễu:
– Không ngờ Siêu đệ có tài nên đoán biết thượng thư hứa gả Phó Quân Ngọc tiểu thư cho Phó Cao Tiêu nên mới giả danh gã!
Chàng ngao ngán nói:
– Tiểu đệ đang rối như tơ vò, chẳng biết phải giải quyết sao cho ổn thỏa!
Khuất Nham Tuyền cười hì hì:
– Môn chủ hãy cố chờ đến lúc diệt xong Đông Xưởng, đem sự thật ra trình bày rồi rước Phó tiểu thơ về Sơn Tây!
Đầu tháng ba, cuộc thi võ trạng nguyên khai mạc long trọng dưới sự chủ tọa của long nhan và bá quan văn võ. Tổng cộng chỉ có ba mươi thí sinh do các phủ đề cử về dự. Ban giám khảo gồm Tam Vương gia, binh bộ thượng thư, cửu môn đề đốc và Tả thừa tướng.
Tử Siêu dùng thời gian nửa tháng trước đó để luyện tập hai môn mà chàng không biết. Đó là thuật bắn cung và binh pháp. Cũng may trong phòng của phó thượng thư có rất nhiều sách binh thư của Tôn Tử, Võ Hầu, Nhạc Phi, Tân Khí Tập, Văn Thiên Tường. Nhờ trí tuệ siêu phàm, chàng đã dễ dàng thuộc làu và thấu hiểu, Hơn nữa, U Linh chân nhân là người có tài thao lược, chỉ giáo cho chàng rất nhiều điều quý giá về nghệ thuật hành binh. Tử Siêu cười bảo:
– Xét về tài nguyên soái thì Lục huynh hơn hẳn Siêu này. Nhưng sao trước đây Lục huynh lại không chiếm được thượng phong!
Lục Đảo Y nghiêm nghị nói:
– Ngày trước Siêu đệ là chánh, ta là tà. Siêu đệ được lòng người yêu mến, ta thì không! Cầm quân mà không nắm được nhân tâm thì thắng sao nổi!
Còn thuật xạ tiễn thì nhờ có Khuất Nham Tuyền. Gã lưu lạc sang đất Mông suốt năm năm, nên học được phép bắn cung của người Mông Cổ. Nhờ có thầy giỏi nên Tử Siêu học rất dễ dàng.
Địa điểm tổ chức cuộc thi võ trạng là khoảng đất rộng hơn mẫu trước cửa Ngọc Môn. Đây cũng là nơi nhận soái ấn của những vị tướng chinh chiến miền biên ải. Bách tính trong thành đến xem rất đông vì cuộc vui này năm năm mới có một lần. Vụ án nhà họ Phó đã chìm vào quyên lãng, nên chẳng ai nhớ đến vị huyện lệnh Phó Dân Nam đã chết oan. Họ chỉ biết Phó Cao Tiêu là cháu của hình bộ thượng thư.
Cuộc thi gồm có cưỡi ngựa, bắn tên, nhảy qua hào sâu, cử vật rất nặng, binh pháp. Vòng hai còn lại sáu người cao điểm nhất sẽ thi môn võ nghệ. Bãn lãnh ai cao cường nhất sẽ là võ trạng nguyên.
Tử Siêu cố dấu tài nên chỉ thắng những người khác một cách sát sao. Nhưng chàng vẫn là một trong hai thí sinh cuối cùng. Đối thủ của chàng là trưởng tử của tổng đốc tỉnh Quảng Đông tên gọi Định Học Minh. Gã được một trưởng lão phái Không Động nhận là đệ tử ký danh nên tinh thông pho Đoạn Sơn thần quyền. Ngoài ra, họ Đinh còn khổ luyện pho Dương gia thần thương từ năm sáu tuổi. Gã được coi là đệ nhất cao thủ vùng Lưỡng Quảng. Định Học Minh chắc mẩm ngôi võ trạng sẽ về tay mình!
Tử Siêu đã luyện xong pho thần côn chân giải quyển hạ nên dùng trường côn để che dấu sở học. Luật thi không cho phép thí sinh mang vũ khí của mình theo, vì vậy, Định Học Minh chọn cây thương sắt còn Tử Siêu cầm thiết côn. Tiếng chiên của giám đài nổi lên, họ Đinh múa tít trường thương xông vào, gã cao lớn hơn đối phương nên cho rằng mình khoẻ hơn, cố ý để vũ khí chạm nhau.
Tử Siêu vẫn điềm nhiên dùng pho Thiên Ma côn pháp chống đỡ. Đã trăm chiêu trôi qua, đường chiêu của chàng càng thuần thục, bay lượn như thần long. Mũi côn hóathành ngàn vạn điểm tròn khống chế đường thương của họ Đinh. Tử Siêu đã được đọc bí kíp Dương Gia thần thương ở Mai Hoa Cốc nên biết hết mọi sơ hở của pho thương pháp. Trường côn của chàng có mắt, đánh vào những chỗ yếu khiến Định Học Minh toát mồ hôi hột, lùi dần ra khỏi vạch vôi.
Tiếng chiêng vang lên báo hiệu gã đã thua. Định Học Minh phẫn nộ, cắm thương xuống đất rồi vung quyền nhảy vào. Nếu công phu quyền cước của gã cũng không bằng đối thủ thì coi như thất bại. Tử Siêu cũng buông côn phối hợp pho Hoa Sơn thần quyền học của Dã Nhi và pho Ma Ảnh Tồi Tâm Chưởng. Do chàng phải nắm tay lại nên luy lực kém đi nhưng cũng đủ để đối phó với họ Đinh. Quyền ảnh trùng trùng biến ảo, song cước đảo lộn như móng rồng.
Định Học Minh đem hết sở học và công lực ra thi thố mà không thoát khỏi những chiêu thức ảo diệu của đối phương. Gã điên tiết xông vào đổi mạng, gã nghĩ rằng sức chịu đựng của mình phải hơn Phó Cao Tiêu, chịu liền ba quyền vào ngực để trả hai đòn quyền. Tử Siêu không ngờ gã lại liều lĩnh như vậy nên cũng bị trúng đòn, chàng đánh gã không mạnh nhưng gã lại dồn toàn lực quyết hạ cho được chàng. Thần công hộ thể đã triệt tiêu toàn bộ sức lực của họ Đinh. Gã chưa kịp đắc ý thì bị lãnh nguyên một cước vào hông, văng ra khỏi vòng nằm bất tỉnh.
Trên mép Tử Siêu rỉ ra giòng máu đỏ thắm. Chàng đã phải cắn đầu lưỡi để nguỵ trang. Trước con mắt của Tam Vương gia, Tử Siêu không thể để lộ việc mình luyện thành cương khí hộ thân.
Ban giám đài trịnh trọng tuyên bố, Phó Cao Tiêu đã đoạt được chức võ trạng nguyên. Hàng vạn người xem reo hò như sấm động. Hình bộ thượng thư cảm động đến ứa nước mắt. Chàng là cháu và cũng là con rể của lão!
Tân võ trạng nguyên được triệu đến khấu kiến long nhan và bá quan. Tam Vương gia đích thân đội kim khôi võ trạng lên đầu họ Phó. Vương gia tuổi dộ ngũ tuần, người cao gầy, mặt ốm sát xương, đôi nhãn thần sáng loáng. Tử Siêu chợt tự hỏi tại sao lão lại để cho Hồng Điểm Thiên Tôn giả làm trấn nam vương mà lộng hành?
Đúng như dự đoán của Tử Siêu. Tam Vương gia có ý muốn lôi kéo chàng trai trẻ tuổi này vào làm thủ hạ Đông Xưởng, lão tươi cười hỏi:

– Tân võ trạng muốn về quê làm tổng binh hay ở lại kinh thành?
Thực ra chức võ trạng nguyên kém xa văn trạng nguyên. Đó là do bản chất của nền hành chính Trung Hoa thời bấy giờ! Quan niệm vạn ban giai hạ phẩm, dung hữu độc thư cao đã thống trị tư tưởng mọi triều đại, cùng lắm thì võ trạng nguyên chỉ được đề bạt là tổng binh một huyện thành, tương đương hàng ngũ phẩm! Phó Cao Tiêu nghiêm nghị đáp:
– Khải tấu vương gia! Nay cố quận đã vắng bóng huyện đường, quyến thuộc chỉ còn một mình Phó biểu thúc. Thảo dân xin ở lại kinh đô, tùy vương gia sai khiến!
Tam Vương gia đẹp lòng quay lại nói với nhà vua:
– Khải tấu thánh thượng! Hạ thần xin nhận võ trạng nguyên về Đông Xưởng!
Nhà vua tuổi đã hơn thuất tuần, tính tình nhu nhược nên rất nể vì hoàng đệ, Ngài lập tức chuẩn tấu.
Sau cuộc thi, Phó Cao Tiêu trở lại tư dinh hình bộ thượng thư chờ lệnh gọi đến Đông Xưởng. Trong những ngày này, Phó thượng thơ đã bảo tiểu thơ Phó Quân Ngọc cùng hai nữ tỳ đưa Phó Cao Tiêu đi thưởng ngoạn những thắng cảnh trong kinh.
Càng gần gũi nhau, Phó Quân Ngọc càng thương yêu say đắm vị hôn phu. Đôi mắt nàng nhìn chàng đắm đuối và cúi đầu e thẹn khi chàng nhìn lại. Tử Siêu lần đầu tiếp xúc với một khuê nữ đài các, lòng chàng không khỏi xao xuyến. Nhưng nghĩ đến người đang nằm trong cánh rừng hoang. Chàng chợt nghe tim mình lạnh giá!
Giữa tháng ba, Tam Vương gia cho người đến triệu kiến tân võ trạng. Phó Cao Tiêu vội khăn áo chỉnh tề đi theo. Bản doanh của Đông Xưởng là một tòa trang viện đồ sộ nằm cách cấm cung ba dặm. Trước cửa không có chiêu bài nhưng cả để đô đều biết đến nơi này! Con đường trước cửa Đông Xưởng vắng vẻ vì ai cũng muốn tránh, chẳng muốn đi ngang.
Sau bức tường cao hơn trượng là những tòa nhà lạnh lẽo. Đã có hàng ngàn người được đưa vào mà không bao giờ trở ra nữa! Tam Vương gia tiếp kiến Phó Cao Tiêu trong một tòa tiểu viện giống như hàng trăm cái khác.
Trong phòng chỉ có một chiếc bàn gỗ xếp đầu sách vở và vài chiếc ghế. Phó Cao Tiêu thi đại lễ, Tam Vương gia xua tay:
– Ta cũng là người học võ nên không chuộng nghi lễ. Tân võ trạng cứ ngồi!
Cao Tiêu an tọa, nghiêm nghị chờ nghe lệnh. Tam Vương gia đi lại trước bàn dài, đột nhiên lão dừng lại, nhìn thẳng vào mặt họ Phó hỏi:
– Mười năm trước, phụ thân ngươi là Phó Dân Nam đã chết vì sự sai lầm của Đông Xưởng. Việc ấy ngươi nghĩ thế nào?
Tử Siêu không được học hành chu đáo. Chàng chỉ đọc những quyển sách mà Cửu Công Lê Long Tiêu để lại, Trong ấy đương nhiên có rất nhiều sách của Nho giáo. Một trong những điều chàng nhập tâm nhất chính là thái độ vô khả, vô bất khả của Khổng Tử. Đối với ngài, chẳng điều gì Cuồng Sinh thể làm và cũng chẳng có điều gì không thể làm! Ngài chỉ làm những gì hợp với đạo trung dung!
Nay Tam Vương gia âm mưu soán nghịch, gây cảnh binh đao khói lửa, di hai đến hàng vạn bách tính Trung Hoa, Tử Siêu đã quyết vì lê thứ mà trừ họa nên không từ nan bất cứ thủ đoạn nào! Chàng nghiêm nghị trả lời:
– Khải tấu vương gia! Nếu thần còn ôm mối hận kia thì đã xin nhận một chức quan nhỏ ở huyện phủ nào đó! Tiêu này ôm chí lớn tựa chim bằng bay hàng vạn dặm, há vì một chút tiểu tiết mà chịu chôn vùi tài năng ở chốn thôn dã hay sao? Làm thân trượng phu mà không có tham vọng mong gì làm nên nghiệp lớn?
Tam Vương gia khoan khoái bật cườikhanh khách:
– Hảo trượng phu! Ngươi xứng đáng làm thủ hạ của bổn vương gia vậy!
Tử Siêu xụp xuống lạy tạ:
– Thần nguyện đem thân khuyển mã phò tá bậc minh chủ!
Tam Vương gia đỡ chàng dậy, phủ dụ:
– Đông Xưởng vừa khuyết một chân đường chủ. Ba ngày nữa ngươi trở lại đây trình diện tứ vị đường chủ kia rồi nhận chức!
Tử Siêu, Phó Cao Tiêu, trở lại dinh hình bộ thượng thư, báo lại tình hình với biểu thúc. Lão vuốt râu nói:
– Tam Vương gia là người nhiều tham vọng. Nay Tiêu nhi đối đáp như vậy là rất đắc sách! Có điều khi gần gũi lão ta phải luôn cẩn thận, như đang chơi với hổ dữ vậy!
Chàng cúi đầu vâng dạ, vào hậu viện gặp U Linh chân nhân và Khuất Nham Tuyền. Chàng kể xong mọi chuyện liền hỏi lại họ Khuất:
– Anh em đã tìm ra chỗ trú ngụ của Kim Tiền hội hay chưa?
– Bẩm môn chủ! Bọn chúng ở trong một trang viện rộng lớn gần của Bắc. Việc canh phòng rất cẩn mật nên thuộc hạ không vào trong được!
Tử Siêu cười bảo:
– Chỉ cần giám sát chặt chẽ là được. Với cương vị đường chủ Đông Xưởng, trước sau gì ta cũng đến đấy một cách đường chính! À! Tổng số các cao thủ của môn phái Nga Mi, Côn Luân và Cái Bang đến Bắc Kinh là bao nhiêu?
– Bẩm môn chủ! Chỉ độ hai trăm người nhưng đều là tay kiệt xuất, bản doanh của họ đặt tại nông trại ngoại thành! Cả Thông Triệt hòa thượng cũng đã đến Bắc Kinh!
Tử Siêu gật gù hỏi thêm:
– Trinh sát của bổn môn có thấy Vân Chi và Mục Quỳnh Hương ra ngoài hay không?
– Thưa không!
Ba người bàn bạc một lúc, U Linh chân nhân và Khuất Nham Tuyền theo lối sau ra khỏi dinh hình bộ thượng thư! Tử Siêu còn lại một mình, chàng ôn luyện công phu Vô Ảnh Đao Pháp và Bách Bộ thần quyền. Hai tuyệt học này chàng đã thuộc lòng khẩu quyết từ hôm ở Mai Hoa Cốc.
Sau khi uống thiên niên hà thủ ô trí lực của chàng trở nên tinh minh và cường kiện hơn bội phần. Chỉ thoáng đọc qua là đã nhớ không sót một chữ. Chàng lại có căn bản về võ học nên chỉ trong ba ngày đã tinh thông hai loại công phu.
Phó Quân Ngọc không dám quấy nhiễu chàng, chỉ ngồi ghế đá trong công viên xem chàng luyện võ. Cạnh bên là một rổ trái cây ngon ngọt và khăn sạch. Nàng âm thầm đóng vai một người hiền phụ chăm sóc cho phu tướng. Tử Siêu vì ái ngại nên rất ít lời. Nào ngờ Phó Quân Ngọc lại yêu mến đức tính ấy. Nàng là người trầm lặng thiên về cuộc sống nội tâm, rất ghét những kẻ ba hoa nhiều lời!
Chàng cảm nhận được mối tình tha thiết của nàng trong từng ánh mắt, nụ cười. lòng chàng bối rối, chẳng biết tính sao! Danh tiết của nàng sẽ ô nhục, khi chàng lẳng lặng bỏ đi, và Phó Quân Ngọc khó mà sống nổi! Hơn nữa, chân tình của Phó Quân Ngọc đã là rung động trái tim Tử Siêu. Chàng bị chinh phục bởi vẻ yếu đuối, dịu dàng của nàng khuê nữ xinh đẹp.
Chàng định bụng sau khi diệt trừ xong Đông Xưởng sẽ thú thực lai lịch với nàng và Phó thượng thư. Sáng ngày mười chín, Tử Siêu bước đến Đông Xưởng trình diện. Lần này, tên võ sĩ gác cổng đưa chàng vào thẳng đại sảnh, nơi đây rất rộng nhưng không hề trang trí, bốn bức vách trống trơn cẩn vân thạch đen, dãy cửa sổ rộng với chân song kiên cố!
Chàng nghe không khí lạnh lẽo âm u dù ngoài kia nắng xuân đang rực rỡ! Cuối sảnh là một bàn gỗ quý, ngoài cỗ đại ỷ ở chủ vị còn có mười chiếc ghế dựa. Đây có lẽ là chỗ hội họp của Tam Vương gia và thủ hạ Đông Xưởng.
Tử Siêu đứng sau một khung cửa sổ, nhìn những bông hoa tươi thắm nở rộ ngoài vườn. Vài cánh bướm vàng bay lượn gợi nhớ đến Mục Quỳnh Hương! Người con gái kiều diễm này dường như có điều bí ẩn trong tâm sự và lai lịch, thôi thúc chàng phải tìm hiểu. Tử Siêu có cảm giác nàng muốn nhờ chàng cứu vớt ra khỏi bàn tay ma quái của Kim Tiền hội!
Có tiếng chân người bước vào rất nhẹ. Tử Siêu giả vờ không biết, khẽ ngâm nga:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tân
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Ai đó đằng sau chàng bật cười khanh khách tán dương:
– Không ngờ tân võ trạng lại là người tao nhã như vậy!

Tử Siêu quay lại, nhận ra ngay Xuyên Tâm thần kiếm Mã Khuyến Thường, Mục Quỳnh Hương và hai nam nhân nữa. Chàng đoán gã thất tuần có diện mạo âm u kia là Kim Tiền hội chủ. Còn người thứ hai chắc là Phí Vân Dương! Dù gã mang mặt nạ và tóc giả nhưng vẫn không dấu được ánh mắt tàn khốc và cao ngạo. Tử Siêu bỡ ngỡ vòng tay nói:
– Tại hạ chưa được biết chư vị!
Mã thần kiếm vuốt râu:
– Bọn lão phu là khách của vương gia, lát nữa sẽ làm quen sau. Hôm trước không được chứng kiến võ trạng biểu lộ thần oai, chúng ta rất hối tiếc. Nào ngờ lại hội ngộ ở đây!
Mục Quỳnh Hương hôm nay không đeo kim diện. Đôi mắt phượng đen láy nhìn chàng với vẻ dò xét. Tử Siêu chưa kịp nói gì thì Tam Vương gia và bốn đường chủ kia vào đến. Lão ngồi xuống chủ vị, mọi người cùng vào bàn. Hai tỳ nữ bưng tràn lên, nhìn cử chỉ nhanh nhẹn và dứt khoát, Tử Siêu thầm hiểu võ công họ không kém
Vương gia nâng chén mời, chờ mọi người uống xong, hỏi với giọng bí ẩn:
– Chư vị thấy mùi vị trà thế nào?
Kim Tiền hội chủ biến sắc:
– Té ra vương gia đã hạ kỳ độc vào trong chén trà!
Tam Vương gia thản nhiên đáp:
– Bổn vương gia mưu đồ đế nghiệp, tất không thể sơ xuất được. Chất kỳ độc kia có tên là Tam Nguyệt Du Tiên. Nhưng chư vị yên tâm, bổn nhân xin lấy danh dự mà hứa rằng nếu chư vị hết lòng phò tá, ngày ta đăng quang thiên tử, sẽ lập tức giải độc và phong tước, thưởng công!
Mã Khuyến Thường cười nhạt:
– Nếu bây giờ bọn lão phu ra tay khống chế vương gia để lấy thuốc giải thì cũng chẳng khó gì!
Bốn lão đường chủ bỗng bật cười ghê rợn, đưa tay vuốt mặt. Gương mặt của họ giống nhau như đúc và đếu có màu da vàng như sáp! Xuyên Tâm thần kiếm kinh hãi nói:
– Cửu Cung Tứ Lão!
Vương gia cười khẩy bảo:
– Chính là họ! Bản lãnh chư vị dù có cao siêu cũng khó mà thắng được tứ tượng trận của họ, đừng vọng động mà uổng mạng!
Tử Siêu thở dài, nâng chén uống tiếp. Vương gia nhìn chàng với vẻ thích thú:
– Võ trạng không sợ hay sao?
Chàng cười mát đáp:
– Vô độc bất trượng phu! Nếu hạ thần là vương gia thì cũng phải lo xa như vậy thôi! Chỉ mong người giữ lời hứa là được rồi! Còn chuyện có độc thì dù uống ít, hay nhiều cũng thế thôi!
– Hảo! không ngờ nhà họ Phó lại sản sinh được một hậu sinh kiệt liệt như ngươi! Bổn vương gia là chân mạng thiên tử lẽ nào lại nuốt lời!
Bọn Kim Tiền hội thấy sự đã lỡ, đành gượng cười. Mã Khuyến Thường lạnh lùng bảo:
– Bọn lão phu cũng thông cảm với vương gia. Nhưng nếu không giữ lời, bốn trăm sát thủ Kim Tiền hội sẽ không để vương gia được sống yên ổn đâu!
Tam Vương gia muốn họ yên lòng hợp tác nên chỉ tay lên trời lập thệ. Xong xuôi lão bàn đến công việc:
– Đông Xưởng trước đây chia làm năm đường là Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung đường. Mấy tháng trước, Tây đường chủ đi Tứ Xuyên bắt bọn phản tặc ba phái Nga Mi, Côn Luân, Cái Bang không thấy trở lại! Có lẽ đã ngộ hại dọc đường. Nay bổn vương gia phong cho võ trạng Phó Cao Tiêu làm đường chủ Tây đường và thành lập thêm đường thứ sáu là Kim Tiền Đường. Kim Tiền hội chủ Phí Vô Uý và Xuyên Tâm thần kiếm Mã Khuyến Thường sẽ trở thành hộ pháp của Đông Xưởng. Còn đường chủ Kim Tiền đường tùy Phí hội chủ lựa chọn.
Phí Vô Úy thấy mình được phong chức hộ pháp trên cả Cửu Cung Tứ Lão nên cũng hài lòng. Lão nghiêm nghị bảo:
– Mục Quỳnh Hương là nữ nhi, lại đang luyện Ngọc Nữ chân khí đến giai đoạn khẩn yếu nên không thể cáng đáng được trọng trách. Lão phu đề cử khuyển tử Phí Vân Dương làm đường chủ!
Tam Vương gia tán thành, vỗ tay ba cái. Thị tỳ bưng ra một khay gỗ, trên có hai tấm kim bài và hai tờ ngân phiếu. Vương gia tươi cười:
– Đây là kim bài đường chủ và chút quà diện kiến của bổn vương gia. Ba ngàn lượng bạc để Kim Tiền hội nuôi quân. Ba ngàn lượng bạc để Tây đường chủ xài vặt!
Tử Siêu kính cẩn nhận lấy. Chàng nhét ngân phiếu vào lưng, quan sát kim bài. Thẻ bài bằng vàng ròng, lớn độ bàn tay, có dây đeo. Một mặt khắc chữ Đông Xưởng, mặt kia là chữ Tây.
Hơi vàng đã làm cho họ Phí hoan hỉ, quên cả chuyện mình bị hạ độc. Lão dịu giọng nói:
– Ba ngàn lượng vàng này chỉ đủ cho bốn trăm kiếm thủ bổn hội chi phí trong vòng một tháng. Mong Vương gia rộng rãi hơn để họ hết lòng phục vụ! Tính ra mỗi người chỉ được hơn trăm lượng bạc.
Vơng gia cười xòa:
– Hội chủ nói rất phải, bổn vương gia sẽ tăng gấp đôi số ấy!
Lão bảo thị tỳ vào trong lấy thêm hai ngàn lượng nữa!
Cửu Cung Tứ Lão đã mang mặt nạ lại, họ ngồi cười ruồi, không nói một lời. Tam Vương gia nghiêm giọng:
– Đông Xưởng tuy uy quyền trần át thiên hạ nhưng cũng có vài nơi không thể đụng đến, binh quyền hiện nằm trong tay những bậc hoàng thân quốc thích. Muốn bắt họ phải có sự đồng ý của Tôn Nhân Phủ. Chính vì vậy, bổn Vương gia chỉ có cách là ám sát họ rồi đưa người của mình vào thay thế! Lực lượng đáng ngại nhất là đạo quân ba mươi vạn của tổng đốc Hà Bắc, trấn giữ Trường Thành. Ngoài ra còn hai mươi vạn quân Sơn Đông và mười vạn quân Sơn Tây. Nếu triệt hạ được ba vị tổng đốc này, ta mới có thể lên ngôi hoàng đế được. Trước mắt, nhờ Kim Tiền đường đến Sơn Tây ám sát tổng đốc Chu Tòng Thư. Sau đó là tổng đốc Sơn Tây Chu Hùng Phi. Còn tổng đốc Hà Bắc Chu Tuyệt Bích sẽ có cách khác! Phó Cao Tiêu sẽ đem trăm thủ hạ Tây đường hợp với Kim Tiền đường mà hành sự. Bổn vương gia đặt giá mỗi chiếc thủ cấp tổng đốc là vạn lượng vàng, mong chư vị tận lực!
Phí Vân Dương kiêu ngạo đáp:
– Vương gia yên tâm, thuộc hạ sẽ mau chóng mang đầu họ về dâng nạp!
Tử Siêu ngồi nhấm nháp chén trà thơm, bỗng Phí Vân Dương nói:
– Hôm trước, tại hạ không được thưởng lãm võ nghệ kinh nhân của Phó đường chủ. Nay muốn xin lĩnh giáo vài chiêu để mở mang tầm mắt!
Thì ra, gã không bỏ được thói kiêu ngạo khinh người. Từ ngày bị Tử Siêu chém bay sống mũi, gã đâm ra đố kỵ những nam nhân tuấn tú. trẻ trung. Nay thấy Phó Cao Tiêu được phong chức đường chủ ngang hàng với mình lòng càng thêm tức tối!

Tam Vương gia cũng muốn biết thực tài của Phí Vân Dương nên tán thành:
– Hay lắm! Trong lúc nhị vị so tài, bổn vương gia sẽ sai sắp tiểu yến để chúng ta vui say một bữa!
Mọi người đứng lên, theo lão ra sân trước. Tử Siêu cố tình chậm chạp, đi sau cùng. Chàng truyền âm nói với Mục Quỳnh Hương:
– Mục cô nương! Tại hạ là Tử Siêu đây!
Đôi vai gầy của nàng khẽ chấn động nhưng cố trấn tĩnh, khẽ gật đầu tỏ ý đã nghe. Tử Siêu nói tiếp:
– Xin cô nương cho biết bọn họ có nhận biết hai pho võ công Vô ảnh Đao và Bách Bộ thần quyền hay không!
Mục Quỳnh Hương khẽ lắc đầu. Nàng đi tụt lại phía sau Phí Vân Dương nên không ai nhận ra những cử chỉ của nàng. Tử Siêu yên tâm nói
– Nếu được, xin hẹn gặp cô nương ở Thiên Đàn vào giữa canh ba đêm nay!
Mục Quỳnh Hương lại gật đầu, ra đến ngoài, mọi người dừng chân dưới mái hiên, còn Phí Vân Dương và Tử Siêu đi ra giữa sân. Bọn võ si mau mắn lấy ghế cho Vương gia và những người kia an tọa quan chiến. Phí Vân Dương cười khẩy:
– Phí mỗ xin võ trạng chỉ giáo vài đường quyền chưởng trước đã, sau đó là mấy chiêu đao kiếm!
Tử Siêu điềm đạm gật đầu, xuống thủ thế y như một võ sinh non nớt. Phí Vân Dương dùng sáu chiêu Ma Ảnh Tồi Tâm Chưởng pháp tấn công như vũ bão. Gã tưởng chừng có thể nuốt chửng đối phương trong nháy mắt.
Nhưng Tử Siêu dùng pho Bách Bộ thần quyền đối phó rất kiên cường. Có điều mỗi lần chưởng kình va chạm, chàng cố tình yếu sức hơn, lùi lại một bước. Pho Ma Ảnh Tồi Tâm Chưởng chàng đã thuộc làu nên không hề bị hoa mắt bởi màn chưởng ảnh trùng trùng lớp lớp, nhưng nói chung chàng thủ nhiều hơn công.
Đã hai trăm chiêu trôi qua. Phí Vân Dương vẫn chưa đánh trúng đối thủ chưởng nào. Gã động nộ, vận toàn lực dánh chiêu Ma ảnh Thần Thông, chưởng cuối cùng trong pho chưởng pháp. Chưởng kình cuốn bay cát bụi và những chiếc lá khô trên sân, xoáy tít vào người Tử Siêu, uy hiếp cả bốn phía. Tiếng chưởng kình chạm vào nhau vang rền, Tử Siêu lùi bốn bước còn Phí Vân Dương ba bước. Tam Vương gia vỗ tay tán thưởng:
– Hảo công phu! Bây giờ đến lượt so tài bằng vũ khí! Nhưng không được gây đổ máu đấy nhé!
Phí Vân Dương rút phăng thanh bảo kiếm thủ thế. Đây là thanh kiếm tốt nhất trong những di vật của Văn Võ nhị thánh. Có tên là Phi Hồng Bảo Kiếm. Đây là vũ khí tùy thân của Võ thánh, chém sắt như chém bùn!
Tử Siêu mỉm cười:
– Với thanh bảo kiếm kia trong tay thì Phí đường chủ không đánh cũng đã thắng rồi!
Phí Vân Dương ngượng ngùng đáp:
– Nếu vậy chúng ta mượn đao kiếm của vương gia mà so tài!
Hai tên võ sĩ hầu cận chạy vào sảnh mang ra một kiếm một đao bằng thép thường. Tử Siêu nhận lấy dùng thức đầu tiên trong pho Vô Ảnh Đao pháp của Tây Thục đệ nhất đao thủ thế. Cao thủ này xuất hiện trước cả thiên hạ đệ nhất đao và chỉ tung hoành trong võ lâm có mấy năm nên thiên hạ ít người nhận ra đao pháp của lão! Thực ra, so với Hắc Vân Đao thì Vô Ảnh Đao không hề thua kém, có điều đao phổ rất tối nghĩa nên chẳng ai luyện được. Lúc đầu, Tử Siêu cũng gặp khó khăn, chàng áp dụng cách biến chiêu của Hắc Vân đao pháp và tìm ra yếu quyết. Có lẽ hai pho đao này có chung nguồn gốc nhưng chia ra làm hai phái hệ riêng!
Hắc Vân đao pháp dùng đao nặng, chiêu thức trầm ổn, hùng mạnh. Còn Vô Ảnh Đao chủ ở chữ khoái, chiêu thức nhanh như chớp giật, dùng đao nhẹ thì thích hợp hơn!
Nhắc lại, Phí Vân Dương nhận trường kiếm, xuất ngay chiêu đầu trong pho Phi Hồng kiếm pháp ra tấn công đối thủ. Kiếm quang như chiếc mống bạc lấp loáng bay vào ngực Tử Siêu. Nếu gã dùng Phi Hồng kiếm sẽ tạo ra luồng kiếm quang bảy sắc như cầu vồng.
Khi đánh nhau bằng vũ khí không sợ người ngoài phát hiện sự chênh lệch về nội lực nên Tử Siêu ung dung phát huy hết tinh túy của pho đao pháp. Luồng đao quang màu nhạt xô đến đón kiếm chiêu, tiếng thép chạm nhau ngân dài. Tử Siêu dùng phép khoái đao đánh liền một hơi tám chiêu liên hoàn đẩy Phí Vân Dương lùi hơn hai trượng.
Phí Vô Úy và Mã Khuyến Thường tái mặt, cố tìm cho ra lộ số pho đao pháp kỳ diệu. Phí Vân Dương hổ thẹn gầm vang, bốc cao lên không xuất chiêu Khinh Vũ Phi Hồng. Mũi kiếm hóa thành muôn vạn điểm hàn tinh, lấp lánh trong màn kiếm quang, như trận mưa sao phủ xuống đầu đối thủ.
Tử Siêu không dám coi thường tuyệt học của Nhị Thánh, chàng dồn tám thành công lực vào thân đao, xuất chiêu Đao ảnh Tùy Phong. Đao kình xoáy tít, cuồn cuộn đập vào màn kiếm quang. Đám hàn tinh tắt lịm, mũi đao của chàng chỉ vào ngực trái Vân Dương.
Tam Vương gia và Cửu Cung Tứ Lão vỗ tay vang dội:
– Hảo đao pháp!
Tử Siêu hạ đao, lùi lại bốn bước vòng tay nói:
– Lúc nãy Phí đường chủ nương tay với Phó mỗ. Nay Tiêu này chiếm được chút ưu thế, coi như hòa!
Phí Vân Dương gượng cười bắt tay chàng rồi quay về chỗ. Kim Tiền hội chủ lạnh lùng hỏi:
– Chẳng hay Phó đường chủ học nghệ cao nhân nào mà đao pháp thông thần như vậy?
Tử Siêu kính cẩn đáp:
– Cung bẩm hộ pháp! Gia sư là ẩn sĩ ở đất Cam. Nghe nói người là cháu của Tây Thục đệ nhất đao Phan Thủy Phục!
Xuyên Tâm thần kiếm kinh ngạc:
– Té ra Vô Ảnh Đao đấy ư!
– Thưa vâng!
Tam Vương gia cười ha hả:
– Nhị vị đường chủ đều là bậc kỳ tài trẻ tuổi. Bổn vương gia rất cao hứng được nhị vị phò tá. Chúng ta mau vào dự yến!
Đêm xuống, Khuất Nham Tuyền và Kinh Phi Độ đem thuộc hạ vây chặt Thiên Đàn để bảo vệ cuộc hội kiến của Tử Siêu với Mục Quỳnh Hương!
Thiên Đàn là một đồi đất nhân tạo cao mười lăm trượng, chung quanh có bậc thang lót đá, Đây là nơi thiên tử là lễ cúng tế trời đất ngày đầu xuân. Khu vực này nằm cách cấm cung mười dặm. Dù không có ai canh gác, nhưng bá tính Bắc Kinh cũng chẳng dám lên đến đỉnh. Chiều chiều, họ ngồi trên những bậc ở dưới để hóng mát, ban đêm thì tuyệt nhiên vắng vẻ.
Nhiệm vụ của đám cao thủ Kim Giáp Môn là cảnh giới, dùng tín hiệu riêng báo động để Tử Siêu và Mục Quỳnh Hương kịp thời thoát đi. Còn việc đánh đấm không đặt ra, trừ trường hợp bị phe đối phương tập kích.
Đầu canh ba, Tử Siêu đã có mặt trên đỉnh đàn. Gió xuân lồng lộng thổi bay vạt áo dạ hành. Ngàn sao lấp lánh trên trời cao vời vợi và dưới kia chập chờn vài ánh đèn của nhà ai. Chàng quen sống trên núi nên rất thích cảnh tịch mịch, cô quạnh này. Lát sau, tiếng cú rúc báo hiệu Mục Quỳnh Hương đã xuất hiện, nàng dùng khinh công lướt nhanh trên những bậc thang lên đỉnh. Nhận ra Tử Siêu, nàng tiến lại gần, tháo khăn che mặt cười hỏi:
– Công tử đợi thiếp có lâu chưa?
Tử Siêu lắc đầu, lấy trong áo ra một trái cầu xanh biếc to bằng nắm tay. Ánh sáng của nó mờ nhạt nhưng cũng đủ soi sáng gương mặt hai người, Đây là trái hỏa cầu mà U Linh chân nhân đã tặng. Tử Siêu trải áo choàng lên mặt đá, mời Mục Quỳnh Hương an tọa. Tấm áo không lớn nên họ rất gần nhau.
Dưới ánh sáng xanh mờ, đôi mắt nhung huyền kia ai oán và tình tứ khiến Tử Siêu rung động, nhìn Mục Quỳnh Hương say đắm. Nàng thẹn thùng hỏi:
– Đêm ấy phải chăng công tử núp dưới hồ?
– Phải, cũng may tại hạ nghe được tiếng động lạ nên sớm ẩn mình.
Mục Quỳnh Hương mỉm cười:
– Vân Chi đột nhiên đến Mai Hoa Cốc tố cáo việc thiếp tư thông với công tử, còn nói rõ cả cuộc hẹn đêm rằm. Cũng may, trong phòng thiếp có một lối đi bí mật nên không ai dám nghĩ rằng thiếp đã ra ngoài. Nhờ vậy, thiếp có thể chối cãi đến cùng. Sư phụ thiếp bán tin bán nghi nên bắt thiếp dẫn đến Động Đình Hồ xem công tử có đấy hay không? Thiếp tự nhủ nếu việc bại lộ sẽ cùng chàng hợp lực phá vây nên đồng ý. Trong toán kiếm thủ Kim Tiền hội có hai gã là anh em ruột nên lúc nào cũng đi gần nhau, một gã thuận tay hữu, gã kia thì ngược lại, vì vậy, thừa lúc chúng đi sát nhau, thiếp khéo léo dùng chỉ kình đẩy cho hai thanh kiếm chạm vào nhau. May mà công tử là người thông tuệ, qua tín hiệu vô nghĩa ấy mà đoán ra nguy cơ. Nếu không hai ta khó mà toàn mạng!
Tử Siêu dịu giọng hỏi:
– Tại hạ có cảm giác rằng nàng không giống như bọn Kim Tiền hội?
Mục Quỳnh Hương sa lệ nói:
– Tiên mẫu là ái nữ của Văn thánh còn tiên phụ là đồ đệ của Võ thánh. Bốn mươi năm trước Nhị Thánh xây dựng xong Văn Võ thần cung liền ra quan ngoại hội kiến với một cố hữu. Nào ngờ, họ đi mà không trở lại. Năm năm trước đây, song thân tiểu muội vượt Trường Thành tìm kiếm nhị vị lão gia nhưng cũng thất tung. Ngày ấy hiếp mới mười sáu tuổi, liều mạng xuất quan tìm phụ mẫu. Khi đến bờ sông Liêu Hà thì gặp Kim Tiền hội chủ Phí Vô Úy. Lão ta nói rằng tiên phụ và tiên mẫu bị tuyết chôn vùi trên ngọn Liêu Sơn. Lão chỉ đem được thi hài về chôn cất. Thiếp cảm cái ơn ấy nên nhận lời làm đồ đệ lão và đã giải thích họa đồ mà tiên phụ để lại. Nhờ vậy năm ngoái, Phí Vô Úy tìm được Văn Võ thần cung. Thiếp cũng tình cờ khám phá ra Kim Tiền hội chủ chính là người sát hại song thân! Thiếp ngậm đắng nuốt cay, nhận giặc làm cha để chờ cơ hội báo phục! Nay thiếp luyện pho Ngọc Nữ thần công đến lớp thứ sáu, cần chút nguyên dương để điều hòa kinh mạch mới mong thành tựu. Thiếp xin gởi tấm thân hèn mọn này cho công tử, mong chàng đừng chê bỏ!

Nói xong Mục Quỳnh Hương thẹn thùng cúi mặt, dòng châu lã chã. Tử Siêu cảm động vươn tay kéo nàng vào lòng, cúi xuống hôn lên trán nàng rồi nói:
– Sau lần Vân Chi giết hại Lan Tần Nga, lòng ta nguội lạnh, e sợ chuyện đa mang! Nhưng thương muội cũng là một cô nhi mang nặng mối đại cừu, Siêu này vui sướng được gã nghĩa với nàng. Chỉ mong sao lòng nàng không quá hẹp hòi thì mối lương duyên mới mong bền vững!
(………thiếu………….)
nhưng lại được trời xanh ưu ái tặng cho những nàng tiên xinh đẹp!
Chàng là người thông tuệ nên hiểu rõ tính chất âm dương tương hỗ của phép luyện khí. Chính bản thân chàng, sau khi gặp Kỳ Lan mới vượt qua lớp thứ tám của Nghịch Chuyển Ma Công! Cũng do những giới luật khắc khe của phật môn mà chưa có vị cao tăng nào luyện thành pho Kim Cương chân kinh! Cái gì đi ngược với đạo tự nhiên của đất trời thì khó mà viên thành được.
Tử Siêu biết Mục Quỳnh Hương cần mình, chàng nhẹ nhàng cởi xiêm y của nàng, say đắm vuốt ve thân hình ngà ngọc. Mục Quỳnh Hương nhắm mắt nghe da thịt run rẩy dưới bàn tay của người trong mộng! Nàng cao hơn Kỳ Lan và Thu Uyên một chút, thân thể thon dài, mượt mà và rắn chắc. Làn da trắng mịn màng tỏa mùi hương nồng thắm. Ánh lân hỏa phản chiếu trời sao làm đèn hoa chúc cho đôi tình nhân trẻ tuổi.
Tử Siêu nhẹ nhàng khai mở động đào, đưa Mục Quỳnh Hương vào chốn thiên thai. Nàng xiết chặt thân thể cường tráng của Tử Siêu, rên rỉ ca ngợi niềm hoan lạc ngút ngàn!
Nủa canh giờ sau, bàn bạc xong hai người chia tay nhau. Mục Quỳnh Hương bèn lên tiếng nói:
– Tiểu muội phải tọa quan luyện công bảy ngày, chắc lúc ấy Siêu ca đã ở Sơn Tây! Xin hẹn ngày chàng trở lại!
Tử Siêu thì thầm:
– Phí Vô Uý và Mã Khuyến Thường là những kẻ tâm cơ thâm trầm, nàng nhớ bảo trọng!
Hôm sau, Tử Siêu đến Đông Xưởng nhận năm chục cao thủ Tây đường cùng Phí Vân Dương lên đường đi Sơn Tây. Họ Phí cũng đem theo năm mươi thuộc hạ. Tất cả đều mặc y phục cấm quân. Nhưng vừa ra khỏi Bắc Kinh chừng ba chục dặm đã gặp phục binh.
Từ những bụi lau hai bên đường, độc châm phóng ra như mưa rào. Phó Cao Tiêu là người thọ nạn đầu tiên, vai và lưng gã dính mười mấy mũi, ngã lăn xuống ngựa! Phí Vân Dương cũng chẳng khá hơn, gã nghe hai bàn tay tê dại vội quát thuộc hạ rút lui.
Nhưng phe đối phương đông gấp bội, võ công lại rất cao cường, nên mau chớng thanh toán chiến trường. Một người bịt mặt cao gầy lướt đến vung chưởng đánh ngất Phí Vân Dương, kẹp vào nách mang đi, họ chỉ chừa lại đúng một tên đệ tử Kim Tiền hội.Gã này có nhiệm vụ mang về một phong thư cho hội chủ Phí Vô Uý. Trong thư chỉ vỏn vẹn có mấy chữ:
“Nếu canh ba đêm nay, Tam Vương gia không chết thì Phí Vân Dương sẽ mất mạng. Ngay lúc cuối canh, gã sẽ được thả ở cửa Nam thành.”
Phí Vô Úy có mình Vân Dương là con nên rất yêu thương. Lão đọc thư mà nghe chân tay rụng rời, quay hỏi ý kiến Mã Khuyến Thường và Mục Quỳnh Hương. Thần kiếm vuốt râu chậm rãi nói:
– Chuyện này rất quan trọng, lão phu không dám nói càn, Nhưng bất kể Phí lão đệ quyết định thế nào lão phu cũng ủng hộ!
Mục Quỳnh Hương thì khác, nàng ra vẻ lo lắng cho sinh mạng của Phí Vân Dương, đốc thúc Phí Vô Úy đáp ứng điều kiện của bọn người lạ mặt. Nàng nói:
– Tam Vương gia là người thâm hiểm tráo trở. Chúng ta phục vụ lão cũng như nuôi hổ trong nhà, chưa chắc khi đế nghiệp thành lão ta chịu giải chất độc Tam Nguyệt Du Tiên. Nay Dương sư đệ rơi vào hiểm cảnh, chẳng lẽ sư phụ lại nhẫn tâm bỏ y? Chẳng thà đêm nay âm thầm vào Đông Xưởng bắt Tam Vương gia tra khảo để lấy thuốc giải. Sau đó giết lão và vét sạch tài sản rồi rút về Văn Võ thần cung.
Phí Vô Úy phần vì thương con, phần vì nghĩ đến gia sản khổng lồ của Vương gia nên quyết định nghe theo. Ba trăm năm mươi kiếm thủ của Kim Tiền hội chuẩn bị hành lý rút về Nam sau khi đắc thủ. Xuyên Tâm thần kiếm giả vờ đến Đông Xưởng tìm Cửu Cung Tứ Lão hàn huyên. Nghe nói bốn lão đi vắng. Mã Khuyến Thường mừng rỡ trở về báo tin.
Đầu canh hai, Phí Vô Úy cùng họ Mã thống lĩnh thủ hạ đến Đông Xưởng. Mấy trăm kiếm thủ âm thầm vây chặt cơ ngơi này. Mục Quỳnh Hương và Vân Chi dẫn bọn nữ tỳ ra của Nam trước.
Hai lão ác ma ung dung đến cổng xin vào bái kiến Vương gia. Họ là hộ pháp của Đông Xưởng nên rất được tôn kính. Một gã nói:
– Nhị vị hộ pháp cứ đến thẳng thư phòng. Vương gia đang ở đấy!
Hai lão xâm xâm đi theo hướng chỉ. Họ ập vào như cơn lốc, điểm huyệt Tam Vương gia rồi kề kiếm vào cổ lão đe doạ:
– Nếu ngươi không đưa thuốc giải độc thì đừng trách bọn ta độc ác!
Tam Vương gia chết điếng người lắp bắp:
– Sao nhị vị lại trở mặt với ta?
Phí Vô Uý cười khẩy:
– Suốt đời lão phu ghét nhất là bị kẻ khác khống chế! Mau đưa thuốc giải ra đây!
Họ Mã kéo nhẹ thanh trường kiếm, cắt đứt da cổ đối phương. Vương gia biết mình thất thế, thò tay vào ngăn tủ lấy ra một hũ ngọc. Phí Vô Uý chụp lấy uống một viên rồi nhắm mắt vận khí. Nghe kinh mạch thông suốt, biết là thuốc thực liền trao cho Xuyên Tâm thần kiếm. Họ mã uống thuốc xong, nghiến răng gặt tay, chặt bay thủ cấp Tam Vương gia.
Hai người ra sức lục soát khắp nơi. Cuối cùng, họ hoan hỉ tìm được một túi châu báu và số ngân phiếu mười hai vạn lượng vàng. Hai lão nhanh chân rời phòng đi ra cổng. Bỗng Cửu Cung Tứ Lão từ ngoài đi vào, thấy trên lưng Kim Tiền hội chủ có túi vải vàng, họ sinh nghi, chặn lại hỏi. Nhưng hai lão ma đã nhất tề vung chưởng hợp công. Hai đạo chưởng kình rực rỡ, một xanh một đỏ đã chụp lấy bốn lão già mặt vàng.
Họ rú lên thảm khốc, da thịt cháy nám, xương cốt gẫy vụn! Uy lực của Âm Dương thần chưởng khiến cho một bóng đen nấp trên một ngọn cây gần cổng phải ngao ngán thở dài! Bốn tên võ sĩ Đông Xưởng chưa kịp la đã chết vì ám khí của bọn kiếm thủ Kim Tiền hội.
Hai lão thúc thuộc hạ bước nhanh. Hơn khắc sau, họ ra cửa Nam thì thấy Phí Vân Dương đang nằm thiêm thiếp trên chiếc áo choàng của Mục Quỳnh Hương bên vệ đường. Xuyên Tâm thần kiếm ôm lấy Phí Vân Dương, lên ngựa phóng nhanh. Họ đi rồi, tiếng vó ngựa của cấm quân mới vọng đến.
Trưa hôm sau, cả kinh thành chấn động vì tin Tam Vương gia bị hành thích và cướp của. Các đại thần nhân dịp này khải tấu và xin thiên tử giải tán luôn Đông Xưởng. Long nhan lập tức chuẩn tấu và ra lệnh cử hành tang lễ trọng thể cho hoàng đệ.
Nhưng chẳng ai biết hung thủ, nên việc điều tra không có hiệu quả, Chỉ tội cho cửu môn đề đốc bị khiển trách nặng nề! Các bộ đầu toàn phủ Hồ Bắc cũng lao đao mấy tháng trời.
Hình bộ thượng thư rầu rĩ vì sự thất tung của võ trạng nguyên Phó Cao Tiêu. Lão điều tra đám thủ hạ Đông Xưởng thì được biết tin cháu mình đi Sơn Tây và đã mất tích! Tiểu thư Quân Ngọc đau đớn khóc vùi. Nếu không vì thương song thân già yếu, nàng đã quyên sinh cho trọn tấm chân tình!
Năm ngày sau, một cỗ se song mã chở quan tài đến ngôi chùa ở cửa Tây đế đô. Đồng thời Phó thượng thư cũng nhận được một bức thơ. Ông vội vã đưa phu nhân và ái nữ đến Pháp Hoa Tự nhận xác Phó Cao Tiêu. Toán quân đi theo được lệnh đứng ngoài.
Ba người vào khách xá của chùa. Kẻ tiếp họ là một thanh niên tuổi đôi mươi, vóc dáng giống hệt như họ Phó, nhưng trẻ đẹp hơn! Chàng ta kính cẩn thi lễ với phu thê thượng thư và mỉm cười với Quân Ngọc. Nàng sững sờ nhận ra ánh mắt và nụ cười của người lạ mặt này rất thân quen! Chàng trai mời khách an tọa rồi nghiêm nghị nói:
– Tại hạ là Hạng Tử Siêu, một kẻ áo vải trên giang hồ, Mong tam vị cố bình tâm nghe tại hạ nói rõ nguồn cơn!
Tử Siêu bèn thuật lại việc chàng gặp Phó Cao Tiêu lúc y sắp chết và việc Tam Vương gia liên kết với Kim Tiền hội mưu toan làm phản. Đó là lý do tại sao chàng phải giả làm Phó Cao Tiêu để xâm nhập vào Đông Xưởng! Chàng cũng ngỏ lời cầu hôn tiểu thư Phó Quân Ngọc nếu nàng không từ chối!
Hình bộ thượng thư là người thông tình đạt lý. Không những ông không bắt lỗi mà còn tán dương Tử Siêu:
– Thiếu hiệp vì xã tắc mà xả thân, lao tâm khổ trí tìm phương diệt trừ gian thần, lão phu hết lòng khâm phục! Còn chuyện hôn nhân, xin để Ngọc nhi tự quyết định!
Nãy giờ, Phó Quân Ngọc nghe Tử Siêu đàm đạo với phụ thân, phong thái quen thuộc, thân thiết nên nàng bớt ngỡ ngàng. Phó tiểu thư dịu dàng nói:
– Tiểu muội mong thiếu hiệp đến chơi tệ xá ba ngày. Sau đó tiểu muội mới có thể phúc đáp được!
Tử Siêu đồng ý. Chàng dự tang lễ Phó Cao Tiêu xong, trở lại dinh hình bộ thượng thư bầu bạn với Phó Quân Ngọc.
Phó tiểu thư càng gần gũi với chàng, càng nhận ra mình yêu bản chất anh hùng, hào sảng và nhân hậu của Tử Siêu. Hơn nũa, dung mạo chàng còn tuấn nhã hơn Phó Cao Tiêu! Làm thân nữ nhi, có được bậc trượng phu như vậy còn mong muốn gì hơn! Dẫu chàng có hai, ba vợ cũng mặc lòng. Quan niệm đương thời không cho việc đa thê là sai trái.
Thượng thư phu nhân là người cẩn trọng. Bà bắt Tử Siêu phải gọi Kỳ Lan và Thu Uyên đến hỏi cưới Phó tiểu thư cho danh chính ngôn thuận.
Đầu tháng tư, Kim Giáp Môn hộ tống nhị vị môn chủ phu nhân đến Bắc Kinh. Vạn Xảo Cuồng Sinh cũng đi theo. Họ mang theo mấy rương đầy gấm lụa và nữ trang làm sính lễ, trị giá không dưới ngàn lượng vàng.
Lúc này, vợ chồng Phó thượng thư mới biết con rể mình là bậc đại phú! Dung nhan và cung cách của Kỳ Lan và Thu Uyên khiến họ yên lòng. Phó mẫu bèn nhận hai nàng làm nghĩa nữ để Quân Ngọc được đối xử tốt. Tạm thời chỉ cử hành lễ đính hôn, chờ ngày Tử Siêu diệt xong Kim Tiền hội mới làm lễ cưới.
Hai tiểu hài Minh Kính và Thúy Hoa rất dễ thương. Chúng bi bô gọi vợ chồng thượng thư bằng ngoại công ngoại mẫu khiến họ khoan khoái, chẳng chịu rời xa!
Tử Siêu đành gởi thê tử ở lại dinh thượng thư, còn chàng cùng thuộc hạ kéo xuống Lạc Dương. Tìm cách tiêu diệt Kim Tiền hội.
Ba nàng đều biết mối tình của chàng cùng Mục Quỳnh Hương, họ rộng lượng chấp thuận và đốc thúc chàng đưa nàng về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.