Bạn đang đọc Kiến Lộc FULL – Chương 47
Ta thở dài: “Cũng không phải là tha, chỉ là cho nàng một cơ hội mà thôi.”
Ta vốn định nói cho Cảnh Yến biết nguyên nhân Thập hoàng tử qua đời.
Nhưng nghĩ lại, thôi vậy, cứ chôn vùi bí mật ấy để cả đời này ngài không hay biết.
Như vậy có lẽ cũng tốt, còn hơn là biết để rồi quãng đời còn lại sống trong thù hận.
Mạc hầu sụp đổ, thái hậu chẳng mấy chốc cũng không trụ vững.
Nghe nói bà ấy bệnh nặng, đoán rằng không qua nổi mùa đông năm nay.
Quả thật, vẫn chưa lập đông, thái hậu đã không qua khỏi.
Hoàng đế và Cảnh Yến là hai người con duy nhất còn lại của tiên hoàng, nên ngài phải vào cung cung tiễn thái hậu đoạn đường cuối cùng.
Nhưng Cảnh Yến nói với ta, thái hậu bỗng nhiên trở bệnh nặng là bởi vì bà cãi vã với hoàng đế, công khai đoạn tuyệt.
Thái hậu nói ta dìu dắt ngươi lên làm hoàng đế, là vì muốn ngươi lập uy danh cho Mạc gia ta chứ không phải để ngươi hủy hoại.
Còn hoàng đế lại nói, từ nhỏ bà đánh bà chửi ta, tiên hoàng không sủng ái bà, bà vứt ta vào trong lu nước, lừa ông ấy là ta bị đuối nước.
Khắp thiên hạ có mẫu thân nào như bà hả?
Cuối cùng, Cảnh Yến nói, Nguyên Nguyên, hắn coi thường mẫu phi ta là cung nữ, nhưng mẫu phi vô cùng yêu thương bổn vương, cả đời người chưa từng hại ai.
Ngài nói mẫu phi ngài mất là vì muốn nhân cơ hội chơi cờ với tiên hoàng để đòi lại con, làm cho tiên hoàng bực bội.
Thế ông ấy là nói Thố Nhi, nàng chơi xong ván này thì đến dẫn Yến Nhi về đi.
Nhưng ván cờ ấy không bao giờ kết thúc.
Tiên quý phi không có con trai, ván cờ ấy sao mà kết thúc được đây?
Thái hậu sang bên kia trước một bước.
Còn Mạc hầu, ngày xử tử đã định.
Trước khi chết ông ấy vẫn muốn được gặp con gái, nhưng hoàng đế không cho phép.
Nghe nói trước khi bị hành hình, ông ấy chửi hoàng đế tàn bạo vô nhân đạo, nhưng chưa kịp thốt nốt chữ “đạo” thì đã rơi đầu.
Mạc hầu chết rồi, còn trưởng công chúa bị đày đến Bảo Ninh tự làm ni cô, ngày ngày giảng giải sự tích Bồ Tát cho Vãn Thược.
Khi chơi cờ, hoàng đế cũng nhắc mấy lần, ý tứ rằng Vãn Thược là ả điên, nên chết sớm cho nhẹ gánh.
Ta nói hoàng thượng, thêm nửa tháng nữa là đến sinh nhật của Cửu vương gia, để máu vấy lên vương phủ là điềm không lành.
Ta ở bên Cảnh Yến sắp được 6 năm rồi.
Cho dù là thời còn hay diễn trò, hay là khi trò giả tình thật rồi, năm nào ta cũng đón sinh nhật với ngài.
Đúng ngày sinh nhật, ngài sẽ ăn tiệc mừng cùng với các khách khứa.
Còn đến ngày hôm sau, “bữa tiệc” ấy chỉ dành riêng cho hai ta.
Nói thì nói vậy, song thực ra mấy chuyện giường chiếu cũng vẫn chỉ nhiêu đấy.
Cho dù có lắm trò thì cũng đã vui đùa với nhau 6 năm nay, đào đâu ra trò nào mới mẻ nữa? Nhưng ngài không chán, ta cũng vậy.
Kì lạ!
Nhưng năm nay hơi khác.
Cảnh Yến ngồi trước gương vu vơ hỏi: “Nguyên Nguyên, nàng xem cho bổn vương với, có phải chỗ này có sợi tóc bạc không?”
Năm nay ngài chưa đến 30, làm gì có tóc bạc chứ! Ta vẫn lại gần nhìn thử, tóc ngài vẫn đen nhánh.
Ta đang định đáp, nhưng chợt sững lại, hình như ngài có chuyện muốn nói.
“Vương gia, Nguyên Nguyên hoa mắt không trông thấy rõ.”
Cảnh Yến cười quay lại véo mũi ta: “Nguyên Nguyên, nàng lại muốn lừa ta! Cô nương nhà ai 24 tuổi đầu đã hoa mắt chứ?”
Thế là ta cũng hỏi lại ngay: “Vậy công tử nhà ai 30 tuổi đầu đã bạc tóc chứ?”
Ngài chớp chớp mắt, lại giở thói không đứng đắn: “Có lẽ là bị con sói nhỏ này cào cấu cho nên mới thế đấy, người nào mà chịu nổi.”
Ta bèn nhe nanh múa vuốt gừ một tiếng, vừa gặm vừa cắn ngài.
Mệt rồi, ngài nói với ta: “Nguyên Nguyên, bổn vương cũng ba mươi tuổi rồi, tam thập nhi lập [1].”
Đúng vậy, đã đến lúc ngài gây dựng sự nghiệp rồi.
[1] “Luận ngữ” – Khổng Tử: “Tam thập nhi lập”, nghĩa là 30 tuổi thì tự lập, gây dựng sự nghiệp cho mình, có khả năng nuôi sống bản thân và xác lập một vị trí nhất định của mình trong xã hội.
“Nguyên Nguyên, nàng thực sự đã nghĩ kĩ chưa? Nàng nỡ sao?”
Ta biết ngài đang hỏi ta nỡ buông bỏ tình cảm của hai ta sao, nhưng chính bởi vì không nỡ nên ta mới phải dứt áo ra đi.
“Nguyên Nguyên từ thân nô tỳ đến được ngày hôm nay, có gì mà không nỡ chứ?”
“Nguyên Nguyên, nàng biết không phải bổn vương muốn hỏi vấn đề này.
Bổn vương không nói đến vinh hoa phú quý.”
Ngài hỏi lại ta một lần nữa: “Nguyên Nguyên nàng nỡ sao?”
Ta nhìn ngài, cúi xuống hôn ngài, một lát sau mới buông ra, nhưng vẫn không lên tiếng.
Ta chỉ sợ một khi ta cất tiếng thì sẽ không nỡ rời xa ngài, không thể rời xa ngài.
Ngài lúc nào cũng thấu hiểu ta, ngài nhìn xuyên qua ánh mắt ta, nói: “Nếu như nàng không nỡ, vậy Nguyên Nguyên, bổn vương thay nàng.”
Ngài định buông hết tất cả mọi thứ trong 30 năm nay, định buông bỏ cơ hội trời ban này, định từ bỏ đại nghiệp cả đời.
Điều ta không muốn chứng kiến nhất chính là cảnh ngài thất bại.
Hơn nữa, ở dưới trướng hoàng đế, không phản, liệu sống được bao lâu?
Ta vuốt ve khuôn mặt ngài, ngón tay chạm vào từng ngũ quan trên khuôn mặt ấy: “Vương gia, ngài còn nhớ lúc đi săn cùng với hoàng thượng không? Hôm ấy thiếp đã nói với ngài một câu.
Thiếp nói, đừng nhìn thiếp, hãy nhìn hươu.”
Cảnh Yến, ta không muốn ánh mắt ngài dõi theo ta, ta không muốn mình sẽ kéo chân ngài.
Ta muốn ngài phóng tầm mắt ra giang sơn vạn dặm, chỉ cần trong lòng ngài biết, trong giang sơn ấy có ta.
Mùa đông chậm chạp đi qua, mùa xuân nhẩn nha đến, Vãn Thược vẫn điên như vậy.
Cuối cùng nàng ta cũng quỳ gối dưới chân ta, cầu xin ta.
Nàng nói Nguyên Nguyên, ta cầu xin ngươi, ta không còn gì hết, ta chỉ còn Cảnh Yến ca ca thôi, cầu xin ngươi nhường chàng lại cho ta! Cầu xin ngươi nhường chàng ấy cho ta!
Ta hỏi nàng: “Ngươi yêu điều gì ở chàng?”
Nàng ngơ ngẩn, ngừng khóc, hỏi ta: “Không yêu chàng ta biết phải làm gì?”
Ta ngồi xuống trước mặt nàng, định nhìn cho kĩ dáng vẻ cuối cùng của nàng: “Vãn Thược, thế nào là yêu?”
Nghe hỏi vậy, nàng bất chợt im bặt, rất lâu sau mới ôm đầu kêu lên thảm thiết, nàng hét: “Ta không biết, làm gì có ai yêu ta, ta không biết…”
Ta chống tay, nói khẽ: “Ngươi còn không biết làm sao để yêu một người, vậy sao ta nhường chàng lại cho ngươi được?”.