Bạn đang đọc Kiến Lộc FULL – Chương 34
Đang yên bỗng dưng Cảnh Yến cất tiếng: “Nguyên Nguyên, bổn vương còn chưa đánh cờ với nàng bao giờ thế mà hoàng thượng lại tranh trước chứ.”
Ngài ấy ghen vô cớ quá, nghe mà ta thấy buồn cười, chẳng suy nghĩ, cứ thế đáp lại luôn: “Nếu mà tính như thế thì Nguyên Nguyên và ngài còn chưa bái đường đâu.”
Khi nói những lời ấy ta cũng chẳng suy xét gì, nghĩ gì nói nấy.
Nói xong mới chợt thấy như thể ta đang ghen vậy, cũng hơi chột dạ.
Cảnh Yến cười vui lắm: “Nguyên Nguyên, bổn vương biết cả đấy nhé! Nàng ghen thật rồi.”
“Không phải! Xem ngài kìa.” Ngài chọc đúng tâm tư của ta thành ra ta cũng hơi ngại, không muốn thừa nhận: “Học theo ngài cả mà.
Sao vậy, ngài không phân được thật giả nữa?”
Ta cảm nhận được tâm trạng của Cảnh Yến đương tốt.
Ngài không xoáy sâu thêm, chỉ cười.
Thỉnh thoảng tay ngài lại không yên phận chọc vào người ta.
Ta gặp hoàng thượng, hành lễ theo đúng quy củ, lần này hoàng thượng ban ngồi.
Hắn còn nói là người một nhà cả, không cần phải khách khí quá.
“Trẫm đang có một thế cờ như thế này, Tiểu Cửu, đệ xem thử xem có thể phá thế cờ này không?”
Nghe vậy, Cảnh Yến bước lên, ngồi đối diện với hoàng đế, chăm chú quan sát toàn bàn cờ.
“Hoàng thượng, nếu muốn phá thế cờ này, e là phải chịu bị bắt mất một toán quân đen, tổn hại không hề nhỏ.”
Hoàng đế lấy một quân đen đưa cho Cảnh Yến: “Đệ thử đi xem sao.”
Cảnh Yến trù trừ, mãi vẫn chưa hạ nước cờ.
Ta không nhìn thấy bàn cờ đang như thế nào nên đương nhiên cũng không biết hai người họ đang đánh “nước cờ hiểm” gì.
Bỗng nhiên hoàng đế phất tay gọi ta lại: “Ngươi biết đánh cờ không?”
Trong đầu ta đang thầm gảy bàn tính, nói: “Luận về cờ vây, hoàng thượng là bậc kỳ tài…!Còn nô tỳ…nếu như có người chỉ điểm, bảo đánh đâu nô tỳ đánh đấy, may ra còn được ạ.”
Tiếng cười của hắn ẩn chứa thâm trầm: “Không tự mình làm chủ?”
“Bẩm hoàng thượng, không làm chủ được.”
“Xem ra cũng là người biết thận trọng.” Trong chốc lát, hoàng đế bỗng trầm ngâm, sau đó lại nói: “Qua đây xem đi.”
Lúc ấy ta mới từ tốn đi lên, nhìn một lượt thế cờ.
Đây vốn không phải là thế cờ khó giải.
Nhưng như lời Cảnh Yến nói, muốn mở đường sống bắt buộc phải bỏ cả một toán quân đen.
Hoàng đế để tay hờ hững, bỏ quân cờ trắng vào lại hộp, nói với ta: “Ngươi đánh quân trắng, chơi một ván với Tiểu Cửu đi.”
Vừa nói xong đã có người bày ghế ra cho ta.
Sau khi tạ ơn hoàng thượng, ta ngồi xuống, cầm một quân cờ trắng lên.
Hoàng đế đang muốn ám chỉ điều gì?
Ta đoán rằng, y muốn nói ta chính là quân cờ đen của Cảnh Yến trên bàn cờ này, buông được thì có thể thắng, không buông được chắc chắn sẽ thua.
Hắn muốn thăm dò vị trí của ta trong lòng Cảnh Yến, để xem ngài muốn giang sơn hay muốn mỹ nhân.
Hắn muốn ta nắm quân trắng, là muốn lợi dụng ta để “chơi trò” với Cảnh Yến.
Nhưng có lẽ hắn đã tính sai rồi.
Thiết nghĩ, đối với Cảnh Yến, ta nào có quan trọng đến thế.
Cảnh Yến hạ quân cờ trước, không đánh nước quan trọng mà chỉ đi sát rìa, không thể đột phá thế cờ.
Ngài muốn để ta bắt quân sao.
Ta giả vờ không hiểu, đánh bừa một nước, bắt đầu vòi ngài: “Vương gia, ngài nhường thiếp đi mà.”
Cảnh Yến không đáp, lại đi thêm một nước cờ vô thưởng vô phạt.
Ngài ấy tỏ rõ muốn nhận thua.
Ta không do dự nữa, hạ điểm cờ cuối kết thúc ván này: “Hoàng thượng, nô tỳ đúng là mèo mù vớ phải cá rán, không ngờ lại thắng được ván này.”
Cảnh Yến cũng nói: “Hoàng thượng, thần thua rồi.”
Hoàng đế chẳng buồn nhếch mày, chỉ hỏi Cảnh Yến: “Tiểu Cửu, không phải đệ nói nếu bỏ lại một phiến quân đen thì có thể thắng sao?”
Cảnh Yến đẩy bàn ra, đứng lên hành lễ, nói: “Cả một toán quân đen, nếu như phải bỏ thật sự rất tiếc.”
Cảnh Yến là kẻ khôn ngoan, ý tứ của hoàng thượng ngài đã rõ từ lâu.
Bây giờ ngài đang diễn, đóng vai một kẻ si tình, hết lòng yêu thích ta.
Như vậy, ý đã ở ngay trong câu trả lời kia: Hoàng thượng, giang sơn là của ngài, thần muốn mỹ nhân.
Hoàng thượng cười, ánh mắt chứa nhiều tâm tư khó đoán, dò xét ta: “Ngươi cưới được một lang quân tốt đấy.”
Ta cũng không ngốc đến nỗi không hiểu, bèn liên miệng đáp vâng.
Bấy giờ, bỗng có tiếng thét the thé từ đâu: “Hoàng tổ mẫu, rốt cuộc người muốn con phải nhẫn nhịn con tiện nhân kia đến bao giờ!”
Ngay sau đó lại là tiếng thét, chắc là bị đánh.
Cái giọng nói này có chết ta cũng không quên, chính là giọng Vãn Thược.
Không ngờ cô ta và thái hậu chỉ cách bọn ta có một bức tường.
Nguy hiểm quá, may mà chưa nói điều gì không nên nói.
Tay ta vẫn đang giơ giữa không trung, nhưng hoàng đế không dừng, hắn khiêu khích: “Xem ra ở Vương phủ, Vãn Thược không ít lần bị ngươi chèn ép.”
Rõ ràng là hắn bày mưu, bây giờ lại quay ngoắt sang nói ta chèn ép Vãn Thược.
Đám giả nhân giả nghĩa này đã ở mức độ khiến người ta cảm thấy tởm lợm.
Ta ép mình phải bình tĩnh, vươn tay đến hai hộp đựng cờ, nhặt một quân đen lên, hỏi: “Hoàng thượng, nô tỳ muốn hỏi rằng, quân cờ này liệu là sống hay là chết?”
Hắn mở căng mắt, động tác nhàn tản đáp lại: “Quân cờ đương nhiên là chết.”
Ta lại hỏi tiếp: “Nếu như là chết, vậy hoàng thượng, liệu quân cờ có biết mình là quân cờ không?”
Ta là quân cờ.
Vãn Thược cũng là quân cờ.
Nhưng ả là quân cờ lại không biết mình là quân cờ.
Hoàng đế không đáp, lướt nhìn ta, rồi lại nhìn sang Cảnh Yến: “Tiểu Cửu, phu nhân đệ cũng ghê gớm đây.”
Cảnh Yến cười khổ, cũng hùa theo: “Thần cũng không phải đối thủ của nàng.”
Hoàng đế trầm ngâm, hỏi lại ta: “Vậy ngươi nói xem, quân đen với quân trắng có gì khác biệt?”
Ta đặt hai quân cờ lên tay, nhìn đi nhìn lại một chặp, nhưng vẫn chưa nghĩ được gì, gáy đã toát mồ hôi lạnh.
Cảnh Yến ho nhẹ một tiếng, ta nghe vậy cũng khẽ liếc sang.
Ta thấy tay ngài đang mân mê ngọc bội.
Hóa ra là vậy!
Ta mới chợt ngộ ra, bèn đặt hai quân cờ xuống, đáp lại: “Quân trắng được mài từ ngọc, quân đen là đẽo từ đá.
Hạt ngọc tuy quý giá nhưng lại dễ vỡ.
Viên đá tuy rẻ mạt nhưng cứng rắn vô cùng.”.