Kiến Lộc

Chương 25


Bạn đang đọc Kiến Lộc FULL – Chương 25


Ngài cười với ta.

Nụ cười ấy không hề gượng ép nhưng tiếng cười chỉ nhàn nhạt, lại có phần thê lương.
Chữ ấy (chữ “Cửu”-phong hào của vương gia) thể hiện rõ tâm tư của những kẻ kia – chúng muốn nhục mạ ngài.

Không một khắc nào chúng không nhắc nhở Cảnh Yến về xuất thân thấp hèn đã ăn trong máu ngài.

Ở bên cạnh vua chúa không khác nào đang vuốt râu hùm, đang xỉa răng cọp, không biết bao năm qua, Cảnh Yến đã phải chịu biết bao nhiêu khổ nhục.
“Nhưng bổn vương nào có phải người lương thiện đâu Nguyên Nguyên.” Ngài vuốt hờ mặt ta: “Bổn vương đã làm biết bao chuyện xấu, đã lấy mạng không ít người.

Khi chọn nàng bổn vương còn không thèm nhìn kĩ, bởi vì bổn vương chưa từng nghĩ nàng sẽ sống được quá 3 ngày.

Nàng còn sống được đến giờ hoàn toàn là tự dựa vào chính nàng.”
“Nguyên Nguyên, bổn vương từng cảm thấy hối hận.

Càng ăn ở với nàng bổn vương càng ý thức được rằng khó lòng để nàng sống lâu được.

Nhiều khi nàng say giấc, bổn vương lại lần tìm con dao, trong đầu văng vẳng câu hỏi có nên giết nàng không.


Có lúc sắp chìm vào giấc ngủ, tay ta lại phải giữ chặt con dao vì sợ nàng muốn giết ta.” Ngài vỗ nhè nhẹ lên đầu ta, nói: “Nguyên Nguyên, nàng hơn người ở cái thông minh.

Lòng nàng vốn không dung chứa cái ác, nàng không thể khoanh tay đứng nhìn mẹ con Chức Hoan nộp mạng thay mình.

Nàng hãy còn giữ được thiên lương.

Chính bổn vương đã khiến nàng trở thành như thế này.”
Hệt như ngài đang thốt ra tiếng lòng thổn thức vốn bị chôn giấu, nhưng ta cũng biết trong đó chắc chắn không thiếu phần “bi kịch”.

Đầu tiên ngài ra tay giết ta trước, sau đó lại trải lòng với ta, để ta thấy khoảnh khắc yếu lòng của ngài khiến ta đồng cảm, nhờ vậy sẽ xóa tan khoảng cách giữa hai người.

Ngài lùi một bước để tiến ba bước.
Nói cách khác, kế hoạch của ngài chưa bao giờ thay đổi, chỉ là vị trí của ta trong lòng ngài đã khác, không còn là vết chân trên cát, cát vùi vết mất như trước nữa.
“Vương gia.” Se sẽ đặt tay lên tay ngài, ta nói: “Con dao của ngài không phải ở dưới gối, con dao của ngài ở đây, trong tay ngài.”
Ta với ngài chỉ là hai lữ khách cô độc trên cùng một chiếc thuyền.

Con thuyền rong giữa vùng biển hiểm, kẻ địch kéo đến như đại hồng thủy.

Ngài ấy đứng trên mũi thuyền, ngài hô “giết”, nhưng ta vẫn đứng ở đuôi thuyền, gắng kéo căng buồm, nắm chắc tay chèo.
Ánh mắt ngài dừng mãi trên người ra, ngài khẽ thở dài, giọng ngài dịu nhẹ: “Nguyên Nguyên cũng biết “tự vạch áo cho nàng xem lưng” không phải là chuyện dễ dàng mà.”
Ngài cho ta xem “lưng”, còn ta thì sao? Ngài từng nói ta là một con sói nhỏ nhưng nanh và móng sắc lắm.

Dẫu vậy, khi đứng trước mặt ngài, ta không có lựa chọn.

Ta chỉ có thể phơi ra phần da thịt mềm yếu.
Nghỉ ngơi đến gần hết ngày ngài mới chịu ra khỏi phòng.

Tối đến, ngài cần thoa thuốc, bấy giờ ta mới trông rõ từng vết thương trên người ngài.

Tay ngài chi chít những vết bầm, sưng, sát giống vết đánh bằng cây, gậy.


Mấy vết trên tay ấy là lành nhanh nhất rồi, hai vết dao đâm trên người nhìn thì không sâu lắm nhưng hễ đụng vào là lại rịn đầy máu.
Dẫu vậy, mấy vết thương ấy cũng không khiếp đảm bằng những vết sẹo hình dáng kì lạ để lại từ những vết thương trước.

Ngài chưa từng dẫn binh đánh giặc, bình thường tuy có luyện võ nhưng cũng không dùng đao hay thương thật.

Vậy những vết thương nông sâu từng vệt này ở đâu mà ra? Thật sự nghĩ cũng không dám nghĩ.
Ta đưa tay ra, khẽ chạm vào từng vết sẹo, còn ngài thì lại giở trò để lẩn trốn ta: “Nguyên Nguyên, sao đằng ấy lại thừa cơ thế…”
“Đêm xuân phong nguyệt “khó nhọc” lòng ai.” Ta cũng bắt chước ngài giở thói trêu hoa ghẹo nguyệt, tiếp ngay lời để không đứt mạch chuyện: “Vương gia không chỉ có gương mặt như hoa còn thân thể cũng tựa ngọc, chẳng trách lại dám giết người bằng nụ cười mỹ nhân.”
“Nàng nói gì vậy?” Ngài ngoái lại nguýt ta, ánh mắt đong ý cười: “Nguyên Nguyên, nàng càng ngày càng giỏi rồi.”
“Yên nào còn bôi thuốc.” Ta vòng ra phía trước, lại đây mới thấy rõ hai vết dao đâm trên người ngài nghiêm trọng hơn ta nghĩ, xung quanh đã hơi lở loét: “Sao lại bị thế này?”
“Không phải nàng làm sao?”
Ta nghẹn họng, mãi mới lí nhí được một câu: “Chắc không đến nỗi loét ra thế này chứ.”
“Che giấu thương tích, 3 ngày rồi giờ mới xử lí nên vậy.”
“Sao ngài không gọi Nghiêm Phong, lẽ nào ngài không tin cả ngài ấy sao?”
“Ta sợ bôi thuốc thì lành nhanh quá, không còn dịp tỏ vẻ đáng thương trước mặt nàng nữa.” Cái khuôn mặt nhìn trông nửa thật nửa đùa, nói xong ngài còn phá cười: “Nguyên Nguyên, khổ nhục kế đấy nàng có biết không?”
Ta hừ một tiếng, cũng học theo thói vương gia, chớp chớp mắt, rót vào tai ngài mấy lời: “Vương gia, e là khổ nhục kế không có tác dụng đâu, biết đâu mỹ nhân kế lại qua được.”
Ta hơi lúng túng chưa biết xử lí vết thương ra sao: “Phải làm sao đây vương gia? Thiếp không biết.”
“Lấy con dao hơ đỏ lên rồi khoét chỗ thịt thối đi.”
Ngài nói cứ như chuyện của ai chứ chẳng phải mình, còn ta chẳng phải vết thương trên người mình thì lại đổ mồ hôi hột: “Vương gia, thiếp không dám làm.”
“Nàng lấy dao là được rồi, chỉ rõ chỗ nào cần khoét cho bổn vương còn để bổn vương tự làm.” Ngài nói xong nhân lúc ta đi lấy mấy thứ cần thiết lại nhỏ giọng buông thêm một câu: “Đâm tay cắt chân người ta, nàng lại dám?”
Nhưng tai ta thính nên vẫn nghe rõ lời ngài, ta khựng lại, ngài thôi không nói nữa.


Sau đó ngài lặp đi lặp lại: Bận sau không nhắc đến nữa.
Ngài cau mày, trán rịn mồ hôi, động tác dứt khoát như đã quen tay.

Ngài cố chịu đựng không kêu đau, đôi lúc thở hắt ra một hơi.
Ta ném khăn đã thấm đầy máu vào chậu than.

Hai vết thương từ rịn máu chuyển sang đẫm máu, bấy giờ tay ta cầm thuốc mà cũng muốn run lên.
“Nguyên Nguyên, nàng run tay đổ mất nửa lọ thuốc quá.

Bổn vương nhà có giàu cũng không dùng thuốc-một-nửa thế được đâu.” Ngài còn cười: “Nàng đâm mà nàng sợ gì?”
Ngài dùng khổ nhục kế sớm đã thành thần, cảm tưởng không khác gì ăn cơm uống nước.
“Ngài đừng nhắc đến nữa mà.” Ta cố gắng lắm mới rắc được thuốc lên miệng vết thương, khe khẽ thổi: “Vương gia thấy thiếp chưa đủ khổ sao, hay để thiếp phải khóc cho ngài xem?”
Ngài yên lặng nhìn ta, một chặp mới nói: “Nguyên Nguyên, ngày tháng ngậm đắng nuốt cay còn dài rộng, bổn vương muốn đến lúc ấy nàng cũng như bây giờ không được rơi nước mắt.”
Ta hiểu ngài muốn nói gì.
Bị thương ở đâu ngài tự biết, thuốc ngài cũng tự bôi được.

Cái ngài muốn là muốn ta phải đến, phải nhìn, phải tận mắt thấy ngài đau đớn, thấy máu ngài chảy rồi khắc ghi lần sau không dám phạm sai lầm như thế nữa..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.