Đọc truyện Kiếm Lai – Chương 6: Thẻ Hạ
Dịch giả: Diệp Tu
Trần Bình An đi tới cửa Đông, thấy gã đàn ông kia đang ngồi xếp bằng dưới gốc cây cạnh cửa hàng rào, nhàn nhã hưởng thụ nắng đầu Xuân, hai mắt nhắm lại, miệng hừ hừ hát, hai tay phối hợp vỗ vỗ đầu gối.
Trần Bình An ngồi xổm bên cạnh gã, với thiếu niên mà nói, chuyện đòi nợ thực sự khó để mở miệng.
Thiếu niên chỉ biết yên lặng nhìn về phía con đường lớn phía Đông, con đường uốn lượn mà dài dằng dặc, trông như như một con rắn khổng lồ dài màu vàng.
Hắn theo thói quen bốc lên một nắm đất, nắm trong lòng bàn tay, chậm rãi nặn miết.
Hắn đi theo lão Diêu lên núi xuống sông xung quanh trấn Nhỏ, lưng mang hành lý nặng trịch, trong đi trang bị sài đao, cuốc và đầy chặt những đồ vật với đủ màu sắc. Dưới sự hướng dẫn của lão Diêu, cứ đi các nơi, mỗi nơi dừng một lúc, Trần Bình An vì thế mà thường xuyên ‘ăn đất’, nắm một nắm bùn đất, cứ thế bỏ thẳng vào miệng, nhai nếm bùn đất, từ từ cảm nhận mùi vị. Dần dà qua thời gian thành quen tay hay việc, Trần Bình An dù chỉ dùng ngón tay bóp vụn một chốc cũng có thể phân tích rõ chất đất. Từ đó mà sau này, mảnh vụn gốm sứ trên thị trường của những hầm lò lâu năm, Trần Bình An chỉ cần suy nghĩ một chút liền có thể biết là từ hầm lò nào, thậm chí còn biết là đồ do vị sư phụ nào nung ra.
Tuy lão Diêu tình tính quái gỡ, bất cận nhân tình, động cái là đánh chửi Trần Bình An, đã có một lần, lão không chịu nổi việc Trần Bình An ngộ tính quá kém, thực sự là một kẻ ngu lâu dốt bền khó đào tạo, trong lúc tức giận mới dân hắn vào rừng hoang núi thẳm, xong rồi một mình đi về hầm lò của mình. Chờ tới lúc thiếu niên đi cả quãng đường sáu mươi dặm đường núi, trở về gần hầm lò thì đêm đã khuya, trời đổ mưa lớn, tập tễnh bước trên con đường lầy lội, cuối cùng khi thấy được ánh sáng phía xa xa, thiếu niên quật cường một mình lo thân lần đầu tiên có cảm giác muốn khóc.
Thế nhưng hắn chưa bao giờ oán trách lão Diêu, càng không có ghi hận.
Thiếu niên gia cảnh nghèo khó, chưa được đọc sách nhưng lại hiểu rõ một đạo lý ngoài sách vở đó là, trên đời ngoài cha mẹ ra, sẽ chẳng có người nào phải có trách nhiệm đối tốt với mình cả.
Mà cha mẹ hắn, đã sớm mất rồi.
Trần Bình An tính nhẫn nại đến phát ngốc, gã đàn ông dơ dáy kia hình như cảm thấy quá nửa là không có cách nào lừa được rồi, liền trợn mắt cười nói: “Chẳng phải năm văn tiền thôi, nam nhân nhỏ mọn vậy, sau này không có tiền đồ lớn đó.”
Trần Bình An mặt đầy vẻ bất đắc dĩ, đáp: “Ngươi chẳng phải cũng đang so đo tính toán sao?”
Hán tử nhếch miệng để lộ bộ răng chín sáu ba không vàng khè, cười hắc hắc nói: “Thế nên là, nếu không muốn sau này biến thành lưu manh như ta thì chớ nhớ thương năm văn tiền kia a.”
Trần Bình An thở dài, ngẩng đầu, chân thành nói: “Ngươi muốn nuốt không, vậy năm văn tiền kia coi như bỏ đi, thế nhưng ta phải nói trước một điều, về sau một phong thư một văn tiền, không thể quỵt nữa đó.”
Hán tử cả người toát ra mùi chua chua hôi hám quay đầu, cười tủm tỉm đáp: “Tiểu gia hỏa, loại người có tính khí khắm khú cứng nhắc như ngươi, tương lai rất dễ chịu thiệt đó. Chẳng lẽ ngươi chưa từng nghe qua một câu cách ngôn, chịu thiệt là phúc sao? Ngươi đến chút thiệt nhỏ cũng không chịu…”
Gã thoáng nhìn đám đất trong tay thiếu niên, ngưng lại một chút rồi ranh mãnh nói tiếp: “Chính là số kiếp bán mặt cho đất bán lưng cho trời rồi.”
Trần Bình An phản bác: “Ta mới rồi không phải đã nói là không cần năm văn tiền nữa sao? Chẳng lẽ không tính là chịu thiệt nhỏ?”
Hán tử có chút ngạc nhiên, vẻ mặt tức tối, phất tay đuổi người: “Cút cút cút, chuyện phiếm với tiểu tử ngươi thật mệt.”
Trần Bình An thả lỏng ngón tay, ném nắm đất đi xong đứng dậy, nói: “Gốc cây con hơi ẩm nặng…”
Trần Bình An buông tay ra chỉ, ném đi bùn đất, đứng dậy rồi nói ra: “Gốc cây cụt hơi ẩm nặng…”(1)
Hán tử ngẩng đầu cười mắng: “Ông đây còn cần ngươi giáo huấn? Người trẻ tuổi dương khí sung mãn, trên mông có thể nướng bánh!” (2)
Hán tử quay đầu đưa mắt nhìn bóng lưng thiếu niên, miệng nhăn nhó, lầm bầm một câu, trông như đang chán nản mắng ông trời.
————
Tề tiên sinh của trường tư thục chẳng biết vì sao hôm nay lần đầu tiên nghỉ dạy sớm.
Phía sau trường có một sân nhỏ, mặt Bắc còn mở một cái cổng tre nhỏ thấp, nối thông ra phía rừng trúc.
Khi Tống Tập Tân và tỳ nữ đang đứng dưới gốc cây Hòe già nghe kể chuyện xưa thì có người tới gọi đi đánh cờ, y không muốn đi lắm nhưng người tới gọi nói đây cũng là ý của tiên sinh, người định xem xem khả năng chơi cờ của bọn hắn có tiến bộ không. Tống Tập Tập có một cảm giác mờ mịt khó nói rõ với vị Tề tiên sinh ăn nói đầy ý vị này, đại khái thì có thể gọi là kính và sợ, thế nên đạo thánh chỉ do chính Tề tiên sinh giáng xuống này, Tống Tập Tân không thể không đồng ý, có điều y nhất định phải đợi tiên sinh kể chuyện kia kể chuyện xưa đã, xong rồi mới tới đi tới sân sau trường. Thiếu niên áo xanh chuyển lời hộ tiên sinh chỉ đành trở về trước, cũng không quên dặn Tống Tập Tân tuyệt đối đừng đến chận, càm ràm liên tục không thôi, hơn nữa vẫn là luận điệu cũ rích nói đi nói lại bao lần, rằng cái gì tiên sinh nhà ta là người rất để ý quy củ đấy, không thích người khác nói không giữ lời, vân vân và vân vân…
Tống Tập Tân ngoáy ngoáy lỗ tai, chẳng quản người khác làm phiền, luôn miệng đã biết đã biết.
Khi Tống Tập Tân dẫn Trĩ Khuê đi vào sâu sau trường, gió mát hây hây, thiếu niên áo xanh văn nhã đang như mọi ngày, nghiêm chỉnh thẳng lừng ngồi sẵn trên ghế phía Nam.
Tống Tập Tân đặt mông ngồi phía đối diện thiếu niên áo xanh theo hướng Bắc – Nam.
Tề tiên sinh ngồi ở phía Tây, luôn chỉ ngồi xem cuộc cờ mà không nói gì.
Tỳ nữ Trĩ Khuê mỗi lần thấy thiếu gia nhà mình đánh cờ với người khác đều ra rừng trúc đi dạo để tránh làm phiền ba vị “Người Đọc Sách”, hôm nay cũng không ngoại lệ.
Trấn Nhỏ ở vùng hẻo lánh xa trung tâm, không có cái gì gọi là thư hương môn đệ (3), thế nên người đọc sách có thể nói là hiếm như mào phượng sừng lân.
Dưa theo quy định do Tề tiên sinh lập, Tống Tập Tân và thiếu niên áo phải đoán quân, chấp đen đi trước.(4)
Tống Tập Tân và bạn cờ đối diện cùng lứa, hình như cũng bắt đầu học chơi cờ cùng thời điểm, có điều Tống Tập Tân thiên tư thông minh, kỳ lực tiến bộ thần tốc, tiến triển cực nhanh, vì thế Tề tiên sinh, người truyền thụ kỳ nghệ cho cả hai liền xem y là Cao Đoạn giả(5), trước lúc đoán con, Tống Tập Tân liền móc từ trong hộp đựng quân cờ ra một nắm quân cờ trắng, số lượng không xác định, không ai thấy được. Tiếp đó, thiếu niên áo xanh sẽ lấy ra một hoặc hai quân cờ đen, đoán số lượng quân cờ mà Tống Tập Tân đã lấy ra là chẵn hay lẻ, đoán xong là có thể chấp đen đi trước, ai đi trước tất nhiên có chút lợi thế rồi. Trong hai năm đầu tiên chơi cờ, Tống Tập Tân bất luận là chấp trắng đi sau hay chấp đen đi đàu đều không thua trận nào.
Có điều, Tống Tập Tân không húng thú lắm với việc đánh cờ, ba ngày đánh hai ngày ngủ, trái lại thiếu niên áo xanh tuy tư chất thua kém nhưng thân là đệ tử hương thục lại kiêm nhiệm vị trí thư đồng, được sớm tối ở cạnh Tề tiên sinh, dù chỉ là đứng ngoài quan sát tiên sinh đánh cờ chay cũng thu được lợi ích không nhỏ, vì thế theo chấp quân đen mới có thể may mắn chiến thứng, cho tới bây giờ chỉ cần chấp quân đen là có thể đấu ngang tay với Tống Tập Tân, tay nghề chơi cờ đúng là tiến bộ rõ rệt. Tề tiên sinh với việc này vẫn luôn giữ thái độ nhất quán là, đứng nhìn mà thôi.
Tống Tập Tân vừa định nắm quân cờ, Tề tiên đột nhiên nói: “Hôm nay các ngươi sẽ chơi bàn Tọa Tử Kỳ, chấp trắng đi trước.”
Hai thiếu niên không rõ thế là thế nào, cả hai đều không biết ‘Tọa Tử Kỳ’ là thứ gì.
Tề tiên sinh thong thả giải thích tỉ mỉ qua về luật chơi, cũng không phức tạp gì lắm, chỉ là đặt hai quân trắng, hai quân đen vào Tứ Tinh Vị (6).
Tiên sinh trung niên về quân đặt cờ, động tác rất thành thạo như nước chảy mây trôi, nhìn trông thực rất đẹp mắt.
Thiếu niên áo vốn thường ngày luôn là người thích tuân thủ quy củ nghiêm ngặt, nghe được ‘tin dữ’ xong liền trợn mắt há mồm, si ngốc nhìn bàn cờ, mãi sau mới dè dặt từng chút nói: “Tiên sinh, nếu thế này thì hình như rất nhiều cách suy tinh thông thường không cần dùng nữa.”
Tống Tập Tân nhíu mày suy nghĩ một lát, hai mắt thoáng cái liền tỏa sáng, giãn mày ra tiếp lời: “Là bố cục bàn cờ nhỏ lại.”
Tống Tập Tân tiếp đó liền như tranh công, ngẩng đầu cười hỏi: “Đúng không, Tề tiên sinh?”
Nho sĩ trung niên gật đầu, đáp: “Đúng là như thế.”
Tống Tập Tân nhìn người bạn đồng lứa ngồi ở phía đối diện, nháy mắt một cái, cười hỏi: “Có muốn đi trước hai nước không, nếu không gia hỏa này chắc chắn thua.”
Thiếu niên đối diện lập tức mặt đỏ tía tai, xấu hổ nhỏ giọng ậm ừ, lý do là vì y tự biết rõ, số lần mình thắng ngày càng nhiều, ngoài việc kỳ lực tiến bộ, nguyên nhân chủ yếu là do Tống Tập Tân, trong hai năm qua y đánh cờ càng ngày càng không tập trung, thậm chí có phần thờ ờ mặc kệ, rất nhiều trận khi thắng bại nắm trong tay rồi nhưng Tống Tập Tân vẫn cố ý nhường, hoặc là thế cờ của y đang chiếm ưu thế rồi, sau đó khi chơi tới lúc tàn cuộc, Tống Tập Tân lại vì ra sức diệt rồng lớn mà điều binh đi nước cờ hiểm.(7)
Với việc chơi cờ, Tống Tập Tân tài hoa hơn người không quan tâm việc thắng hay thua, chơi có thú vị hay không mới là thứ y đặt lên đầu.
Với thiếu niên áo xanh thì khác, từ ngay lần đầu tiên cầm quân hạ cờ xuống bàn, y đã cố chấp với hai chữ thắng bại.
Tề tiên sinh nhìn về phía cậu học sinh trường tư, nói: “Ngươi có thể chấp trắng đi trước.”
Tiếp đó, thiếu niên áo xanh mỗi lần đặt quân cờ đều chậm chạp, cẩn trọng chặt chẽ, từng nước thận trọng. Tống Tập Tân vẫn như cũ, đặt quân như bay, đại khai đại hợp, linh dương treo sừng.(8)
Tính tình hai bên khác nhau như trời với vực.
Có điều khi đi hơn tám mươi nước, thiếu niên áo xanh liền bị ép vào thế bí rối tinh rối mù, chỉ đành im lặng cúi đầu, miệng mím chặt.
Tống Tập Tân một tay chống khuỷu lên mặt bàn, bàn tay đỡ cằm, tay kia đưa hai ngọn nhịp lên bàn đá, không đánh nữa.
Theo quy định của Tề tiên sinh, hai bên chơi cờ, im lặng bỏ quân cờ đi là nhận thua, tuyệt đối không được nói ba chữ “Ta thua rồi.”.
Thiếu niên áo xanh dù không cam lòng thế nào cũng đành phải chậm chạp bỏ quân cờ lại.
Tề tiên sinh ra lệnh cho học trò mình: “Đi luyện chữ đi, không cần ở lại dọn bàn, viết ba trăm lần chữ ‘Vĩnh’.”
Thiếu niên áo xanh nhanh nhẹn đứng dậy, thở dài, cung kính cáo lui.
Tống Tập Tân đợi khi bóng dáng thiếu niên kia biến mất mới nhỏ giọng hỏi: “Tiên sinh cũng phải rời khỏi đây sao?”
Văn sĩ nho nhã hai bên tóc mai bạc trắng gật đầu đáp: “Nội trong một tuần sẽ đi.”
Tống Tập Tân cười tiếp: “Vậy thì thật tốt, ta còn có thể đi tiễn tiên sinh.”
Vị tiên sinh dạy học này do dự một lúc, sau cùng mới lên tiếng: “Không cần đi tiễn ta. Tống Tập Tân, ngươi sau này ở bên ngoài trấn, nhớ kỹ đừng khoa trương quá. Ta không có gì khác, ba cuốn sách vỡ lòng, Tiểu Học, Lễ Nhạc, Quan Chỉ, ngươi có thể cầm cả đi, thường xuyên ôn tập, phải biết rằng đọc sách trăm lần, ý nghĩa tự rõ. Nếu có thể đọc qua vạn cuộn, càng là hạ bút như thân, chân ý ở đây…ừm, sau nay ngươi tự nhiên sẽ hiểu được. Về phần ba cuốn tạp ký, thuật tính toán ‘Tinh Vi’, kỳ phổ ‘Đào Lý’, văn tập ‘Sơn Hải Sách’, lúc rỗi chớ ngại đọc qua cũng có thể di tình dưỡng tính.(9)”
Tống Tập Tân mặt đầy sự ngạc nhiên, người có phần lúng túng, bạo gan nói: “Tiên sinh làm như ‘thác cố’(10) thế này sẽ làm ta thật khó tiếp nhận.”
Tề tiên sinh thần tình như cười, hiền hậu nói: “Không có ghê gớm như vậy, nhân sinh nơi nào không gặp lại, về sau luôn sẽ có ngày gặp lại nhau.”
Lúc tiên sinh mỉm cười khiến cho người ta có cảm giác như đang tắm trong gió xuân.
Tiên sinh đột nhiên đổi chủ đề: “Ngươi đi xem Triệu Diêu bên kia đi, xem như tạm biệt trước.”
Tống Tập Tân đứng dậy cười đáp: “Dạ được. Bàn cờ này này làm phiền tiên sinh thu dọn vậy.”
Thiếu niên vui sướng chạy đi.
Nho sĩ trung niên cúi người thu dọn quân cờ, nhìn như đông nhặt một quân, tây nhặt một quân, kỳ thật lại theo thứ tự đen trước trắng sau, bắt đầu từ con cờ đen mà Tống Tập Tân đặt xuống sau cùng kia, ông nhặt ngược lại theo đúng trình tự ván cờ mới đây, một nước cũng không sai.
Chẳng biết từ khi nào, tỳ nữ Trĩ Khuê đã đi dạo rừng trúc trở về, có điều nàng chỉ đứng ở ngoài cổng tre chứ không bước vào trong sân.
Tiên sinh không quay đầu, trầm giọng nói: “Tự giải quyết cho tốt.”
Thiếu niên lớn lên ở ngõ Nê Bình lúc này mặt đầy vẻ ngây thơ, mong manh e lệ, điềm đạm đáng yếu.
Nho sĩ tao nhã mơ hồ lộ ra vẻ giận dữ, chậm rãi quay đầu nhìn lại.
Ánh mắt lạnh lùng.
Thiếu nữ vẫn như cũ, mơ mơ màng màng.
Thiên chân vô tà.
Người đọc sách trung niên đứng thẳng người lên, ngọc thụ lâm phong, đưa mắt nhìn về phía thiếu nữ, cười lạnh nói tiếp: “Nghiệp chướng nghịch loại!”
Thiếu nữ từ từ thu lại vẻ ngây thơ vô tội trên mặt, ánh mắt dần trở nên lạnh lùng, khóe miệng nhếch lên nở nụ cười mai mỉa.
Nàng tựa như đang nói, ngươi có thể làm khó ta sao?
Nàng cứ như vậy trực diện đối mặt với nho sĩ.
Trong ngoài sân nhỏ, phảng phất như có một cặp Giao Xà đang giằng co.
Cả hai người cùng nhìn chằm chằm vào nhau như thấy cừu nhân kẻ cướp.
Xa xa, Tống Tập Tân cao giọng hô: “Trĩ Khuê, về nhà thôi.”
Thiếu nữ lập tức nhón chân lên, ngoan ngoãn đáp: “A, vâng thưa công tử.”
Nàng đẩy cổng tre ra, chạy thong thả qua sát người tiên sinh dạy học, sau khi qua vài bước, nàng không quên quay người làm lễ vạn phúc, dùng giọng thanh thúy động lòng nói: “Tiên sinh, Trĩ Khuê đi trước.”
Hồi lâu sau đó, nho sĩ thở dài.
Gió xuân ấm áp, lá trúc chập chờn, như tiếng lật sách.
————
Đạo nhân trẻ tuổi đầu đội liên hoa quan(11) thu dọn sạp hàng, thở dài ai oán, dân chúng quen biết y trong trấn liền hỏi làm sao, y lại chỉ thờ ơ không đáp.
Cuối cùng, một vị phu nhân mới lập gia đình từng nhờ y xem nhân duyên đi qua chỗ này, mắt thấy đạo nhân khác thường như vậy mới ngại ngần, e thẹn dừng bước, tiếng nói mềm yếu, ngoài miệng hỏi chuyện, đôi mắt ướt át như rất biết nói chuyện kia cứ đảo khắp trên khuôn mặt anh tuấn của đạo nhân trẻ tuổi.
Đạo nhân trẻ tuổi mặt không đổi sắc liếc nhìn cô gái, ánh mắt hơi hướng xuống, là nhìn một bức tranh vẽ cái túi căng phồng, sau đó nuốt một ngụm nước bọt, lẩm bẩm nói một câu thần bí, khó hiểu: “Hôm nay bần đạo tự rút cho mình một thẻ, thẻ Hạ, đại hung a.”
Chú giải:
1 + 2: Trần Bình An có ý mỉa mai gã kia là phương lưu manh, vô dụng như cái gốc cây bị người cưa đi, gặp hơi ẩm thì toàn thấy nấm mốc xung quanh. Gã vặc lại rằng Trần Bình An trẻ tuổi ngựa non háu đá, nóng nảy như đít có lửa. Thú thực mình không tìm ra câu nào của TQ như thế này nên chỉ có thể đoán ý tác giả là vậy.
3. Thư hương môn đệ: Ở đây là người theo nghiệp đèn sách, hoặc gia đình có truyền thống học hành.
4. Đoán quân, chấp đen đi trước: Một thủ tục để chọn ra người đi trước trong cờ vây. Người được đánh giá là cao cờ hơn sẽ nắm một nắm quân trắng mà không ai biết số lượng là bao nhiêu. Đối phương sẽ cầm một hoặc hai quân đen đặt xuống rồi đoán. Nếu đặt một quân đen mà số số quân trắng bốc ra là lẻ thì đen trước, trắng sau, chẵn thì trắng trước đen sau. Nếu người đó đặt xuống hai quân đen mà thì nếu số quân trắng là lẻ thì trắng trước đen sau, chẵn thì đen trước trắng sau.
5. Cao đoan giả: Là người được đánh giá cao cờ hơn trong hai người đấu cờ.
6. Tứ Tinh Vị: Một bàn cờ vây cỡ thường cho người trẻ chơi sẽ có 5 dấu chấm. 1 chấm ở trung tâm và 4 chấm ở bốn góc, 4 chấm đó là Tứ Tinh Vị. Tọa Tử Kỳ chính như Tề tiên sinh đã nói là giới hạn khuôn khổ bàn cờ nhỏ lại.
7. Cờ Vây dễ chơi nhưng chơi rất phức tạp, có nhiều trường hợp thí quân để tìm lối ra, đây có thể là cách Tống Tập Tân ưa thích.
8. Đại khai đại hợp, linh dương treo sừng: Tống Tập Tân có lối đánh phát triển thế cục rộng và vây hãm ở phạm vi lớn. Linh dương treo sừng: Linh dương ngủ đêm treo sừng lên cây, chân không chạm đất để tránh nguy hiểm. Câu này có nhiều cách hiểu, ở đây là ví von lối chơi của Tập Tân độc đáo phóng khoáng.
9. Di tình dưỡng tính: Giúp người vui vẻ, thoải mái, tính tình tốt đẹp.
10. Thác cố: Là lời gửi gắm, phó thác lại, thường dùng khi ly biệt không gặp lại nhau hoặc khi ai đó sắp chết.
11. liên hoa quan: Mũ đội đầu hình hoa sen, tựa như mũ của Thái Thượng Lão Quân trong phim Tây Du Ký.