Đọc truyện Kiếm Châu Duyên – Chương 31: Phóng lưỡi dao, hiệp nữ tránh xa nguy hiểm Báo quan huyện, tiểu tốt lại lập cơ mưu
Nói về phần Tấn Từ, hồi trước đây cùng đi với Diêu
Cương đến huyện Nhã An, rồi Diêu Cương quay ra đi tìm tông tích phần mộ
anh em và bảo Tấn Từ đứng yên ở đó để đợi.
Nhưng sau khi Diêu Cương đi rồi thì Tấn Từ chợt nhớ đến Tất
tẩu tử hiện tu ở am Tĩnh Thổ mà lâu nay chưa được gặp mặt. Tấn Từ nhân
đoán chắc là Diêu Cương còn đi tìm phần mộ đám kia thì có lẽ cũng còn
lâu mới về. Nàng bèn thừa lúc rỗi rãi vô sự muốn qua đến Tĩnh Thổ am tìm Tất tẩu tử thăm hỏi mấy câu rồi lại tới đó để tìm Diêu Cương thì chắc
cũng kịp.
Tấn Từ nghĩ như vậy, bèn xăm xăm đi ngay đến Tĩnh Thổ am.
Khi tới nơi thì thấy cửa am đóng cài chặt chẽ. Nàng bèn gõ cửa mấy tiếng thì thấy sư già Thượng Tĩnh trong chạy ra và hỏi lên rằng:
– Ai hỏi có việc gì đấy ?
Tấn Từ vội đáp:
– Thưa sư cụ chúng tôi muốn vào hỏi thăm Tất tẩu tử… Chẳng hay Tẩu tử tôi có nhà hay vắng?
Thượng Tĩnh sư thái nghe thấy là tiếng đàn bà, chưa biết là ai, nhưng cũng mở cửa cho vào.
Tấn Từ bước vào khỏi cổng, Thượng Tĩnh trông thấy ăn mặc lam
lũ như một đứa ăn mày thì cau nét mặt toan hỏi. Tấn Từ hiểu ý nhân hỏi
vội lên rằng:
– Sư thái đã quên tôi là Tấn Từ rồi hay sao?
Thượng Tĩnh nghe nói đưa mắt nhìn Tấn Từ một lượt, vội vàng cài ngay cổng lại rồi dắt tay nàng vào thẳng trong phòng của mình.
Khi vào tới nơi, Thượng Tĩnh sư thái cài cửa phòng lại, rồi ra dáng kinh hoàng sợ hãi khẽ hỏi Tấn Từ rằng:
– Cô nương cũng to gan thật? Cô nương đi đâu mà lại dám trở về đây nữa?
Tấn Từ thở dài một tiếng và đáp:
– Dám thưa sư thái, chúng tôi về đây cũng tự biết là một việc rất nguy hiểm, song sự thể bắt buộc không lẽ tôi lại chối từ.
Nàng vừa nói tới đó thì Thượng Tĩnh sư thái ngắt lời mà hỏi:
– Có việc gì bắt buộc, xe cô nương nói cho tôi được biết.
Tấn Từ lại thở dài, rồi đem chuyện định về thăm mộ anh em nói
thoang thoáng cho Thượng Tĩnh nghe và lại tỏ ý muốn gặp Tất tẩu tử để
thăm hỏi mấy câu. Thượng Tĩnh sư thái nghe nói gật đầu vui vẻ, vội vàng
mở cửa quay ra gọi ngay Tất tẩu tử đến.
Được một lát thì quả nhiên thấy Tất tẩu tử đã lật đật chạy
đến, nhác trông dáng dấp ăn mặc đã nghiễm nhiên rõ ra một vị sư cô. Tất
tẩu tử trông thấy Tấn Từ thì nhận ra ngay, chạy vào nắm tay nàng, ứa hai hàng nước mắt mà hỏi rằng:
– Cô nương hãy còn sống sót hay sao? Tôi vẫn tưởng rằng chúng
nó làm như dạo trước thì tất cả chị em khó lòng có ai mà thoát được
thân…
Tấn Từ nhân đem thoang thoáng câu chuyện từ khi Lục Bất hòa
thượng cứu vợ chồng mình cho tới ngày nay thuật lại để Tất tẩu tử biết.
Chuyện trò một lát, rồi Tấn Từ đứng dậy cáo biệt ra đi.
Tất tẩu tử cũng không giữ lại, liền đưa chân nàng ra tận cổng, rồi nắm tay nàng mà dặn rằng:
– Nếu cô nương có còn đến đất này thì xin cô nương về đây mà nghỉ.
Tấn Từ vâng lời vội vàng quay ra lối cũ để tìm Diêu Cương.
Nhưng không ngờ lúc đó là lần thứ nhất mà Diêu Cương quay về chỗ đó tìm
nàng không thấy, rồi lại quay ra ngoài thành để tìm nơi khác cho nên hai người không được gặp nhau. Tấn Từ đợi mãi ở đấy cho đến chiều hôm cũng
không thấy Diêu Cương trở lại nàng bèn quay về Tĩnh Thổ am lưu lại ở đấy với Tất tẩu tử một đêm. Đêm hôm ấy hai chị em trò chuyện với nhau mãi
đến gần sáng mới quay ra ngủ. Đến khi tỉnh dậy thì trời đã sắp trưa. Tất tẩu tử bèn dọn cơm chay lên cho Tấn Từ ăn, rồi Tấn Từ lại đeo bộ quần
áo rách rưới đi ra chỗ cũ để tìm Diêu Cương.
Nàng ra tới nơi thì vừa lúc Diêu Cương đã đợi lâu ở đấy mà
không thấy nàng nên chàng lại quay đi lối khác để tìm. Tấn Từ lại đợi
một lúc lâu không thấy Diêu Cương đâu, nàng nhân đã hỏi biết những mồ mả anh em đều chôn tại Lạc Ưng Đình ở ngoài cửa Bắc, nên nàng đoán chắc là Diêu Cương ở đó, bèn lật đật chạy ra đó để tìm. Khi ra tới Lạc Ưng
Đình, tìm quanh tìm quẩn lại không thấy dấu vết Diêu Cương ở đâu. Bấy
giờ nàng lấy làm nóng lòng sốt ruột, ứa hai hàng nước mắt đứng nhìn ngơ
ngẩn hồi lâu rồi mới quay ra.
Bất chợt nàng vừa mới quay ra thì gặp ngay hai tên bộ dịch ở huyện Nhã An là Cao Long và Từ Đắc cũng đi lờ mờ qua đấy.
Từ Đắc là một người mới vào làm việc ở huyện, nên những người
trong huyện cũng không quen thuộc chi mấy. Duy có Cao Long thì làm bộ
dịch ở huyện Nhã An đã tới 15, 16 năm trời, cho nên bao nhiêu những
người già trẻ trong huyện này hắn đều thuộc mặt.
Khi hai người ấy lảng vảng gần tới Lạc Ưng đình chợt trông
thấy có một kẻ ăn mày luẩn quẩn loanh quanh ở đó thì trong bụng hơi hơi
có ý nghi ngờ, bèn bảo nhau lẳng lặng đứng xa phía ngoài để đợi rình
xem.
Đến lúc Tấn Từ quay ra thì Cao Long trông thấy rõ mặt, bèn khẽ bấm cho Từ Đắc biết. Nhưng Tấn Từ là một người tinh nhanh, nên vừa
trông thoáng thấy Cao Long thì vội quay ra, không dám trở về thành mà
phải lảng ra lối đằng trước để đi.
Đằng này bọn Cao Long cùng Từ Đắc thấy Tấn Từ đi rồi thì hai người cũng lẽo đẽo xa xa theo ở đằng sau.
Từ Đắc không hiểu Tấn Từ là ai, nhân hỏi Cao Long rằng:
– Người con gái vừa rồi là ai thế? Nó có việc gì mà chúng ta theo đuổi bây giờ.
Cao Long nghe hỏi trợn mắt lên bảo Từ Đắc:
– Anh không biết, con bé này bị tội phản nghịch từ năm trước
nó trốn đi đâu bây giờ mới lại về đây. Chắc là nó định vào thành, nhưng
biết ý là có chúng ta theo đuổi cho nên lại phải quay đi. Vậy ta thử dò
xem nó sẽ đi đến chỗ nào, rồi chúng ta về báo với quan cho lính vây bắt
lập tức thì chắc là không tránh đi đâu được nữa.
Từ Đắc vừa nghe tới đó thì hỏi vội ngay lên:
– Chúng ta cần gì mà phải về báo quan! Cứ hai thằng đến nắm cổ nó rồi khênh ngay về mà lấy phần thưởng có thú hơn không?
Cao Long lắc đầu quầy quậy, giơ tay lên bịt vào mồm Từ Đắc rồi nói:
– Anh đừng nói đùa thế mà lại chết oan. Con bé ấy trông nó như thế mà bản lĩnh của nó ghê gớm lắm đấy… Cứ thế tôi với anh gọi là nó
chỉ quần cho một mẻ thì chết không còn ngáp được đâu.
Từ Đắc nghe tới đó mới hiểu chân tình, không nói năng chi nữa. Hai người bèn cứ lỉnh thỉnh đi theo về phía sau Tấn Từ xem nàng cử chỉ
ra sao.
Đằng kia Tấn Từ tuy vẫn ra bộ nghiêm chỉnh đi đường, song
thỉnh thoảng nàng lại đưa mắt trông lại thì quả thấy hai anh chàng này
vẫn còn lẽo đẽo theo ở đằng sau. Nàng nhân nghĩ ra một kế bèn đi săm săm đến một khu rừng trước mặt, rồi nhảy tót ngay vào trong rừng. Cao Long
thấy vậy vội vàng chạy sắn bước lên rồi cũng nhảy đuổi vào theo.
Bất chợt hắn ta vừa mới bước tới chỗ gốc cây thì chợt thấy Tấn Từ nấp ở bên kia gốc cây nhảy sổ ngay ra quát to lên rằng:
– Thằng khốn nạn này phải biết tay bà mới được.
Cao Long thấy vậy luống cuống sợ hãi co cẳng toan chạy lui lại thì Tấn Từ đã nhảy sấn đến ngay trước mặt nắm được cổ Cao Long vật cho
đến hự một cái ngã ngay xuống đất. Cao Long vội kêu cuống lên mấy tiếng:
– Anh em vào cứu tôi mau không thì chết.
Hắn vừa kêu tới đó thì mũi dao găm trong tay Tấn Từ đã thích
ngay vào mồm một cái thủng suốt từ bên này cuống họng sang đến bên gáy
bên kia chết ngay ra đó.
Bấy giờ Từ Đắc đi ở phía ngoài đường đương toan theo vào bỗng
nghe tiếng Cao Long kêu như vậy thì biết là sự thế nguy hiểm đến nơi,
hắn liệu sức lực của minh cũng không thể nào cự được bèn co cẳng quay về trong thành ù té chạy luôn một mạch.
Khi Tấn Từ giết xong Cao Long quay ra thì thấy Từ Đắc đã chạy
xa rồi, nàng sợ đuổi hắn mà ngộ lỡ có ai trông thấy thì lại sinh chuyện
lôi thôi. Nhân vậy nàng bèn quay vào trong tìm ngồi lánh nghỉ một lúc.
Ngồi nghỉ một lúc rồi, Tấn Từ chợt nhớ đến cách ẩn thân của nàng, có thể được việc cho những lúc này.
Nàng bèn làm phép ẩn thân rồi quay ra phía rừng đi thẳng vào thành để tìm Diêu Cương.
Hồi lâu vào khoảng gần tối. Tấn Từ đã lang thang tìm khắp mọi
nơi mà cũng không thấy tâm hơi Diêu Cương đâu cả, trong bụng lại càng
sôi nổi lo sợ, lại cố đi quanh các hướng để tìm.
Không ngờ khi nàng đi tới một phố kia gần về phía cửa tây
thành thì bất thình lình bị một mụ già ở trong phố đó, bưng chậu nước
bẩn, hất hơ hất hãi chạy ra, hất toẹt một cái, trúng ngay vào Tấn Từ,
ướt bẩn từ đầu chí chân.
Nguyên phép ẩn thân của Tấn Từ xưa nay vốn là mầu nhiệm, song
hễ gặp các thức uế bẩn giây vào thì lập tức mất ngay hiệu lực mà lại trơ lộ người ra. Lúc đó nhà mụ già Trương Thi kia có người con dâu mới đẻ
vừa mới tắm rửa uế tạp vào chậu nước xong, và nhân nhà nghèo không có ai giúp việc, nên mụ Trương Thi phải vội vàng bưng ra hắt đi để toan vào
nâng đỡ con dâu.
Ngờ đâu khi mụ bưng nước ra thì vì Tấn Từ dùng phép ẩn hình
nên mụ không trông thấy mà hắt ngay vào Tấn Từ. Đến khi Tấn Từ bị uế vật dính vào, lộ hẳn người ra thì mụ già mới trông thấy rõ, mụ cho ngay là
vì mụ hoa mắt đến nỗi lỡ đổ vào nàng mà mụ không biết.
Nhân thế Tấn Từ khi bị nước hắt vào vừa mới đứng dừng lại thì
mụ Trương Thị đã vội vàng đon đả chạy ra van lạy xin lỗi và mời vào
trong nhà để tắm giặt đền ngay. Tấn Từ bấy giờ vừa phần quần áo ướt bẩn
vừa phần cách ẩn hình của nàng mất cả hiệu lực, cần phải tắm thay sạch
sẽ thì mới có thể thi hành phép được Vì thế nên thấy Trương Thị mời chào xin lỗi thì nàng cũng phải nhận lời vào ngay, không dám trùng trình
đứng ngoài phố nữa.
Khi vào tới nơi thì trời đã tối hẳn. Tấn Từ nhìn vào trong nhà thấy chỉ có hai gian làm liền với nhau, ở giữa có một cái bức vách ngăn ra làm đôi, mà lại duy có một bên là có một ngọn đèn con để đó. Trương
Thị dẫn Tấn Từ vào tới cửa, bảo nàng đứng đợi đó rời quay vào một gian
phòng nọ để lấy cái đèn.
Trương Thị bước vào, Tấn Từ ngó cổ nhìn theo thì thấy trong
phòng đó có kê một cái giường tre, có một người đàn bà đầu óc bịt kín
đương ẵm một đứa trẻ nằm ngủ khò khò trên giường.
Trương thị đi vào bảo người kia mấy câu gì không biết, rồi thấy cầm cái đèn ra, vừa chép mồm vừa nói với Tấn Từ rằng:
– Đấy là đứa con dâu nhà tôi nó vừa mới đẻ xong. Vậy mời cô
sang phòng bên này, sẵn nhà còn nước nóng tôi mang lên cô tắm. Và cô lấy quần áo tôi thay tạm, để tôi giặt sạch quần áo trả cô rồi sáng mai cô
sẽ lại đi…
Nói đoạn liền đưa Tấn Từ sang buồng bên cạnh, bảo nàng đợi đó
quay ra vọi nước nóng và lấy cái bồn lớn mang lên. Khi mang lên tới nơi, Trương thị liền đem ra một cái quần và một cái áo vắt lên cửa, rồi quay ra khép cửa lại cho Tấn Từ tắm. Tấn Từ lúc đó người đương ngứa ngáy bẩn thỉu, nên thấy mụ già ra rồi thì vội vàng bỏ ngay cả quần áo ra, vất ra ngoài chỗ ngưỡng cửa rồi quay xào đổ nước ra bồn ngồi ngay vào tắm.
Bất chợt đương khi nàng tắm thì con mụ già là Từ Thăng, tức là em họ Từ Đắc, cũng làm bộ dịch huyện Nhã An cũng vừa đi về. Từ Thăng về tới nhà, thấy bên phòng ấy có người đương tắm lõm bõm, nhân non nót ghé vào khe cửa nhìn xem thì bỗng từng thấy ngay mặt Tấn Từ. Anh chàng vốn
biết Tấn Từ từ lâu, nên khi trông thấy thì lấy làm ngạc nhiên vội quay
vào hỏi mẹ.
Bà mẹ cũng không biết nếp tẻ thế nào cũng nói thực cho con
nghe. Từ Thăng nghe đoạn, nhân đem tung tích của Tấn Từ nói cho Trương
thị biết và lại hứa rằng:
– Con bé này bản lĩnh giỏi lắm, con không thể làm gì được nó.
Song nếu lập cách giữ nó ở lại được một lúc nữa, để con báo quan xin
người về bắt thì tất sẽ được thưởng to.
Trương thị nghe nói tham món tiền thưởng, bèn bảo con cứ đi
báo quan để mình ở nhà giữ lại. Khi Từ Thăng đi rồi, mụ già bèn chạy
sang nói dối là quần có chỗ rách chưa vá, rồi cầm ngay cả hai lọn xống
áo đi sang bên này, bỏ mặc Tấn Từ ở đó.
Được một lát, Tấn Từ tắm xong đương toan giục mụ già đưa quần
áo vào thì chợt thấy phía ngoài sân có tiếng người ồn ào đi tới. Nàng
lấy làm ngạc nhiên, đứng dậy nhìn chỗ khe cửa ra nhìn thì thấy có bóng
đèn đuốc sáng choang, và có một bọn người toàn là đám bộ tịch trong
huyện đương kéo nhau đi tới.
Tấn Từ biết là nguy cấp, muốn tìm quần áo mặc vào, song không
sao mà có. Cũng may bấy giờ nàng đã tắm rửa sạch sẽ, nên phép ẩn hình
nàng lại có thể thi hành ngay được. Nhân thế nàng không cần phải đợi áo
quần, bèn dùng ngay phép ẩn thân, rồi thì lỏn tót ra ngoài đi thẳng để
thoát lấy thân. Bọn kia kéo vào tìm không thấy nữa, bèn lại kéo nhau
nhớn nháo quay về, đều trách Từ Thăng là phường nói láo.
Tấn Từ ra phố đi một quãng xa, mới gặp một nhà còn mở cửa thắp rèn đang thức. Nàng bèn vào ngôi nhà đó lấy được một bộ quần áo đàn bà
mặc vào tử tế rồi mới quay ra, tìm đường về Tĩnh Thổ am.
Trong khi đi đường lúc trước, nàng vì để lộ thân thể mà gặp
phải sương gió lạnh lùng một lúc nên về tới Tĩnh Thổ am thì nàng liền bị cảm rất nặng, tê mê hàng mấy mươi hôm, không sao đi tìm Diêu Cương được nữa.
Bởi thế đằng kia Diêu Cương cũng lẩn quẩn ở thành Nhã An trong mấy hôm trời, mà không sao tìm thấy tung tích Tấn Từ đâu cả. Chàng ta
lấy làm sốt lòng sốt ruột vô cùng, bèn vội vàng phải sang ngay Giang Nam lùng đến Duyên Thu các để hỏi Lục Bất hòa thượng, và chàng đem chuyện
để thuật cho hòa thượng nghe.
Hòa thượng nghe nói, nhắm nghiền mắt lại, lắc đầu quầy quậy mà rằng:
– Anh thực là một người nhiễu sự, hiện nay vợ anh cũng vẫn
quanh quẩn ở đấy chớ có đi đâu mà anh còn đến hỏi tôi! Anh cứ về ngay
đấy rồi sẽ thấy nhau, đừng lẩn quẩn ở đây chi nữa.
Diêu Cương lại hỏi:
– Vậy hiện nay ở huyện hạt nào, xin sư phụ làm phúc bảo giúp cho.
Lục Bất cười khanh khách mà đáp:
– Trước đây anh ở đâu đi ra thì nay anh lại về đó mà tìm, không phải lôi thôi chi cả.
Diêu Cương nghe nói, không dám hỏi nữa, bèn lại lật đật quay về Tứ Xuyên rồi đến ngay huyện Nhã An để tìm kiếm Tấn Từ.
Non nước lận đận bao phen,
Phải chăng còn chút lời nguyền năm nao!
Vi đâu đông biển tây đào,
Thuyền quyên nát ruột anh hào nát gan?
Ngại ngùng trong lúc bi hoan.
Lấy ai vui vẻ thở than với mình!
Dù khi lên thác xuống ghềnh.
Còn thân đâu lẽ dứt tình phụ ai?