Đọc truyện Kiếm Châu Duyên – Chương 19: Gỡ bước nguy, anh hùng thất tiết, Vào phòng tắm, thiếu nữ nguy thân
Bấy giờ trời đã tối khuya nên khách khứa trong hàng cũng không có mấy,
duy có những người làm trong hàng cơm nghe thấy tiếng Ngọc Di Đà kêu la, đều đổ xô cả đến buồng Tiêu Minh Phượng để xem và hỏi ra đuôi đầu.
Trong đó có một tên thủ quỹ họ Vương là anh chàng đứng tuổi
nhất đám, vả lại là người giỏi thạo công việc xưa nay. Khi anh chàng
nghe mụ Ngọc Di Đà kể ra câu chuyện Tứ cô bị ngã chết cho chàng nghe,
chàng ta bèn nghĩ ngay ra một kế, bảo mọi người phải im lặng tất cả
không được nói gì xôn xao lên nữa.
Đoạn rồi chàng ta kéo ngay mụ Ngọc Di Đà ra một chỗ vắng gần cửa phòng đó mà bảo mụ rằng:
– Bây giờ chẳng may người khách hàng đó lỡ tay làm chết mợ Tư
cứ kể thì vẫn là người ta có tội. Duy bây giờ đem người ta xuống quan
thì mụ là bọn mãi dâm lậu thuế, tất cũng mắc vạ lôi thôi, mà nhà tôi đây chứa mụ, cũng khó lòng tránh được . Vả hiện nay cái người bị chết kia
đã chết mất rồi, dù có xuống đến cửa quan cũng không thể nào sống lại
được nữa. Vậy tôi bàn một kế này, mụ có nghe tôi hay không là tùy ý mụ…
Ngọc Di Đà vội hỏi:
– Ông có kế thế nào, ông hãy cứ cho tôi nghe đã…
Vương thủ quỹ cười mà đáp rằng:
– Cái đó cũng không lấy gì làm khó. Tôi tưởng đời mụ giang hồ
lưu lạc, cần nhất là có đồng tiền. Vậy bây giờ nhân cơ hội ấy, chi bằng
ta bắt anh chàng họ Tiêu đền cho món tiền kha khá, trước là để lo liệu
việc mai táng cho Tứ nương, sau còn thừa ra thì mụ lại giữ lấy để mà sắm sửa, rồi im hẳn chuyện này đi… như thế có phải là ổn chuyện hay không?
Ngọc Di Đà nghe nói, ra vẻ ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
– Ông bảo như thế đã đành rất phải. Nhưng bây giờ biết bảo người ta lấy bao nhiêu tiền cho xứng đáng?
– Tôi tưởng việc này cứ bắt anh chàng phải đền 300 lạng cũng là ổn thỏa lắm rồi.
– Chết nỗi, một người con gái hơ hớ như thế mà có 300 lạng đã đền được mạng hay sao?
Vương thủ quỹ cười nói mà rằng:
– Cứ theo ý tôi, tôi cho như thế cũng là quá lắm rồi. Vả chăng nhân có việc này, biết đâu mà lại không phát tài khá giả về sau.
Ngọc Di Đà nghe tới đó, bỗng gật gật ra vẻ đắc ý, bảo Vương thủ quĩ rằng:
– Được rồi nếu vậy để một mình tôi vào giao thiệp với chàng ta xem sao cái đã.
Vương thủ quỹ lấy làm phải bèn gọi mọi người bảo chạy ra tất
cả để một mình Ngọc Di Đà vào buồng giao thiệp với Tiêu Minh Phượng.
Khi vào tới nơi, Ngọc Di Đà nhân làm ra vẻ ôn hòa tử tế chạy đến gần chỗ Tiêu Minh Phượng mà nói rằng:
– Này cậu Tiêu ơi ! Cậu là một người thông minh lịch sư, chắc
cậu cũng hiểu cho tôi. Cô em tôi thực như một đóa hoa tươi mới nở, sau
đây còn có bao nhiêu hạnh phúc ở đời. Vậy mà bỗng dưng vô cớ bị cậu làm
cho chết lập tức như thế cậu nghĩ có đáng hay không?
Nói tới đó, mụ lại bưng mặt giả vờ khóc nức nở. Tiêu Minh Phượng thì thần mặt ra một lúc rồi mới khẽ nói lên rằng:
– Bây giờ đã trót lỡ tay ra thế, cô bảo tôi biết làm sao được nữa! Thôi cái đó là tùy ở cô.
Ngọc Di Đà lại giả vờ nấc lên một tiếng, rồi giở khăn lay lên lau nước mắt, nhìn vào mặt Tiêu Minh Phượng một lúc và nói:
– Cứ theo lời người thủ quỹ ở trong hàng đây thì họ định đem
việc này đi trình quan để bắt đền mạng. Duy tôi là người quen giữ lối từ bi xưa nay, không nỡ làm một việc gì quá đáng, và trông cậu cũng còn
trẻ tuổi hiền lành, chẳng qua cậu lỡ tay ra thế nay nếu bắt cậu đem thân đền mạng thì thực là oan uổng cho cậu một đời. Bởi vậy tôi muốn giàn
xếp cho im câu chuyện thì hơn. Nhưng cốt nhất là cậu phải ưng nhận cho
tôi hai điều này mới được.
Tiêu Minh Phượng thấy Ngọc Di Đà nói hàng tràng như vậy rồi kết cục lại có hai điều thì trong bụng cũng đã hơi mừng, liền hỏi:
– Cô bảo hai điều thế nào, cô cho tôi biết, nếu có thể được thì tôi xin theo lập tức.
Ngọc Di Đà đỏ bừng một lên hàm răng trên cắn vào môi dưới một lát rồi mới đáp:
– Cứ kể ra cô em tôi bị chết như thế cũng là quá thảm, nhưng
bây giờ trót lỡ ra rồi, dẫu đánh người vàng cũng không cứu lại được. Vậy cậu phải làm sao cho cô ta được mồ yên mã ấm thế cũng là xong. Đó là
một điều thứ nhất. Còn điều thứ hai thì, tôi đây nguyên là trông cậy vào cô ta để nuôi thân, vậy mà nay cô ta đã chết mất rồi thì đối với tôi,
cậu có chịu…
Nói tới đó, Ngọc Di Đà bỗng nhìn trộm Tiêu Minh Phượng một cái rồi im không nói nữa.
Minh Phượng cũng đoán biết đôi phần, nhân hỏi luôn:
– Đối với cô thế nào, cô cứ nói nốt tôi nghe.
Ngọc Di Đà hơi cau mặt lại, rồi ra dáng cười gượng giơ tay trỏ vào trán Minh Phượng mà rằng:
– Tôi tưởng là cậu thông minh mà sao cậu lại hỏi lẩn thẩn thế?
Nói đoạn lại cúi xuống đập chân xuống đất làm bộ tảng lờ không nói nữa. Minh Phượng lúc đó cũng không cần hỏi nữa, song nghĩ lại ngay
điều thứ nhất về việc chôn lấp Tứ cô cũng đã là một sự khó khăn, vì tiền lương trong túi, tính ra không còn được 10 lạng bạc thì làm sao lo liệu cho xong. Nhân thế chàng ngồi xuống, nghĩ ngợi hồi lâu, không biết nói
sao cho tiện!
Ngọc Di Đà thấy vậy, cũng hơi hiểu biết tâm sự, nhân cười bảo Minh Phượng rằng:
– Tôi nói thực cho cậu biết, cậu cứ ưng điều thứ hai cho tôi đi là điều thứ nhất khắc thế nào cũng xong được cả.
Minh Phượng tới lúc đó sự thể bức bách, tưởng chừng nếu không
ưng lời thì cũng khó lòng thoát được thân, chàng liền giả vờ làm bộ vui
vẻ mà rằng:
– Tôi đã hiểu rồi, ý cô định thế nào tôi cũng xin theo như thế. Ngọc Di Đà nghe nói hớn hở tươi cười mà rằng:
– Nếu thế thì còn gì hay hơn nữa! nhưng cậu nói thực hay cậu lại giả dối cả tôi.
Minh Phượng lại cười mà rằng:
– Cô cứ yên tâm, tôi không khi nào nói dối bao giờ.
Ngọc Di Đà mừng cuống người lên, vội nắm ngay lấy tay Minh Phượng, trỏ lên giường và nói:
– Tốt lắm, tôi khéo biết cậu cũng là một người tử tế không
sai. Bây giờ ta hãy lên giường nằm mà tính bàn công chuyện, can chi ngồi cho mệt người.
Minh Phượng nghe nói, nửa bực mình, lại nửa tức cười, vội gạt đi mà rằng:
– Cô cứ thong thả, đi đâu mà vội. Bây giờ chúng ta bàn chuyện
mai táng cô em làm sao cái đã… Hiện đây tôi chỉ có 7, 8 lạng bạc thì
làm sao cho xong được việc.
Ngọc Di Đà cười ngặt nghẹo mà rằng:
– Cậu lẩn thẩn quá! Có bao nhiêu thì cậu cứ bỏ ra đây, xem tôi có liệu xong việc hay không!
Minh Phượng hiểu ý, bèn cởi bọc lấy ra mấy lạng còn sót lại
đưa cả cho Ngọc Di Đà. Ngọc Di Đà nhận lấy món tiền quay ra, thêm vào
một ít của mình, đưa nhờ viên thủ quĩ thuê người liệu lý các việc vừa
tới quá nửa đêm một lúc thì xong. Thế là câu chuyện Tứ cô bị chết dẹp
bẵng ngay đi, không còn một ai nói năng đến nữa.
Sau khi công việc xong rồi, Ngọc Di Đà bèn hí hửng quay vào trong phòng bắt ép Tiêu Minh Phượng lên giường đi ngủ.
Minh Phượng lúc đó trong bụng rất lấy làm chán nản khó chịu,
song cũng phải lấy lời ôn hòa nói ngọt để trùng trình thư hoãn chứ không dám cự ngay. Ngọc Di Đà thấy Minh Phượng chưa chịu lên giường, bèn vội
vàng cởi quần áo ngoài, để lộ bộ cánh tay và hai cái bắp chân như ngà
như ngọc cho Minh Phượng nhìn thấy, rồi trèo trước lên giường cố đem
những ngón phong tình khơi ghẹo Minh Phượng.
Minh Phượng vốn tuổi còn măng sữa, khí huyết đương hăng, lại
nhân tai nghe mắt trông như vậy thì bất giác tấm lòng niên thiếu bùng
bùng bốc nổi ngay lên. Đoạn rồi tựa như ma quỷ đẩy đưa, chàng bất giác
đứng phắt ngay dậy, cởi bỏ áo dài để toan lên ngủ. Khi chàng vừa mới tụt tay áo dài ra, chợt đâu lại thấy ngay cái xuyến vàng nhặt được của Thúy Như hôm nọ, vẫn còn để ở túi áo mình thì bỗng dưng tấm lòng luyến
nguyệt tham hoa, ở đâu lại càng kéo lên rần rật, không sao mà nén đi
được.
Rồi thì những câu Vu Anh dặn dò và những câu thề thốt cùng Vu
Anh hôm trước đều bẵng quên đi, mà trong tai mắt tim gan, chỉ còn phảng
phất những chuyện phong tình lưu lại.
Khi cởi áo xong rồi, Tiêu Minh Phượng liền trèo phắt lên giường cùng Ngọc Di Đà chung chạ, kỳ cho thỏa thích mới thôi.
Sáng hôm sau, trời hơi tảng sáng thì Tiêu Minh Phượng tỉnh
dậy. Chàng non nót ở trên giường đi xuống, quay nhìn lại giường, thấy
Ngọc Di Đà còn đương say ngủ, phấn thừa hương thải bừa bãi bộn bề, trông rất ra chiều đáng chán. Chàng trông thấy vậy nhân lại tự hối cho mình
cái thói cuồng đãng đêm qua, không biết vì sao mà thế.
Nhân vậy chàng ta thở dài một tiếng, rồi bỗng dưng đổi bụng
nghĩ ngay, vội vàng lẳng lặng sửa soạn áo xống gọn gàng, để mặc cho Ngọc Di Đà nằm đó, rồi một mình nhảy tót ra ngoài cửa sổ phía sau.
Khi ra tới phía sau, trời cũng còn sớm, xung quanh chưa có ai
dậy, nên không có một ai trông hỏi đến chàng. Chàng ta liền tiện bước
nhảy qua bức tường sau, rồi một mình vùn vụt quay sang hướng bắc, lại
theo đường trở về Cô Tô lối cũ.
Trong khi đi đường, Minh Phượng túng kế chi tiêu, bèn đem cái xuyến vàng nhặt được bữa trước, bán lấy ít tiền để làm hành lý.
Cách mấy hôm sau, về tới Cô Tô, Minh Phượng tìm đến hàng khác
để trọ và lại lần mò tới quanh nhà Thúy Như để dò xem người nằm với Thúy Như bữa trước là ai. Một hôm chàng dò biết đích xác người ấy là chị dâu của Thúy Như, tên là Lưu thị mới góa chồng chừng 2 năm nay mà tư trang
cũng hơi kha khá.
Chàng thầm nghĩ đến, một mình ở nơi đất khách, tiền tiêu cũng
sắp cạn rồi, mà đối với nhan sắc người kia, cũng hơi có lòng mến thích.
Chàng bèn lập kế định đêm hôm ấy là thi hành thủ đoạn trộm hoa và nhân
tiện lại khoắng tiền tiêu một thể.
Chiều hôm ấy về tới hàng trọ, Tiêu Minh Phượng cơm nước no nê
cẩn thận, rồi lại đóng cửa đi ngủ như thường. Đợi đến canh khuya, trong
hàng đâu đó đã ngủ yên tắt cả, chàng mới lóp ngóp bò dậy, ăn mặc lối dạ
hành gọn ghẻ, rồi khép cửa trái đi ra.
Khi ra tới cửa hàng cơm chàng lại nhảy tót lên trên nóc nhà đi chuyền mãi sang phía cũ, làn lần đến chỗ nhà chị Thúy Như. Được một lát chàng đi tới nơi, vì đường lối đã quen lần trước, nên chỉ trong chốc
lát là đã cậy được cánh cửa và vào được chỗ chị Thúy Như nằm.
Lúc đó chị Thúy Như đương mơ màng giấc điệp thì Minh Phượng vào tới nơi. Minh Phượng vừa vén mở màn lên thì mụ
Lưu Thị cũng bừng mắt tỉnh dậy. Lưu Thị trông thấy Minh Phượng bất giác cũng cuồng sợ hãi toan ù té chạy và kêu ầm lên. Bất đồ Minh
Phượng nhanh tay điểm ngay cho một huyệt, mụ Lưu thị lại đờ người ra,
không kêu lên được nữa. Minh Phượng liền thừa thế ôm sấn Lưu thị lên
giường, tha hồ mà vùng vẫy tùy ý.
Hồi lâu, chàng đã no nê chê chán, liền vất Lưu thị ra đó, rồi
quay ra nhặt nhạnh thêm lấy một ít tư trang để đem về chi dụng. Khi nhặt nhạnh xong rồi, chàng lại quay lại khai huyệt cho Lưu thị tỉnh lại, rồi mới nhảy tót ra ngoài cửa sổ, quay về nhà trọ.
Rồi đó từ mấy bữa sau trở đi, trong thành Cô Tô luôn luôn xảy
ra những án trộm hương cắp ngọc về lại đèo thêm những việc mất mát tiền
nong. Trong đó hoặc có người con gái nào ra dáng trinh tiết cố sức chống cự không nghe thì lại bị Minh Phượng tặng cho một mũi kiếm và lưu lại
một cái dấu hiệu “con phượng” vẽ ở trên tường, để tỏ rõ là Minh Phượng
đã làm việc đó.
Tuy vậy song trong thành Cô Tô vẫn chưa ai được biết Minh
Phượng bao giờ cho nên đối với việc đó đâu đấy đều lấy làm nôn nao hoảng sợ. Những nhà có con gái còn trẻ trung đương trạc đều phải cấm cửa ở
nhà, không dám thò chân ra ngoài nửa bước. Nhưng Minh Phượng cũng nhờ
được thủ đoạn đó, nên một tay đã tàn phá bao nhiêu hoa đẹp nhị thơm ở
trong các nhà cao quí và sự chi tiêu cũng nhờ đó mà dư dã vô cùng.
Một hôm kia, Tiêu Minh Phượng nhân khi rỗi rãi, một mình đi
lững thững vào một hiệu cao lâu đánh chén. Bấy giờ chàng ta sẵn tiền sẵn bạc, ăn mặc bảnh bao, và lại vẻ người tuấn nhã trẻ trung, nghiễm nhiên
ra dáng công tử đường hoàng không ai có thể biết chàng là người gian ác.
Đương khi chàng đang đánh chén trong tiệm cao lâu thì chợt
thấy bàn bên cạnh cũng có hai người, một người già và một người trẻ,
đương ngồi đánh chén trò chuyện với nhau. Minh Phượng lắng nghe thì thấy người già tuổi nói với người trẻ rằng:
– Quái lạ, sao mấy hôm nay hết nhà này kêu bị kẻ trộm hoa thì
lại đến nhà kia kêu bị người cắp của, làm cho trong thành xao xuyến luôn luôn, không còn ai biết đâu mà lần ra mối.
Anh chàng trẻ tuổi gật đầu mà rằng:
– Chính tôi cũng cho việc ấy là lạ. Nhưng nghe nói tên cường
đạo nào đó, nó thiên linh địa quỷ lẩn lút bất thần, cho nên không ai
biết đâu mà dò xét cho ra. Hiện nay quan tư cũng đã có treo giải thưởng
để bắt, nhưng nào có ai biết nó đâu. Hôm qua tôi đi đường gặp lão già họ Vương đương hồng hộc chạy thở không kịp. Tôi hỏi thăm đi đâu thì lão
nói là đem con gái sang lánh nạn bên nhà ông cậu ở đất Vô Tích, vì sợ để đây thì lại nguy hiểm không chơi. Nhưng nói ra cho đúng thì cô con gái
nhà ấy đã lấy gì làm nhan sắc cho lắm, mà sợ người ta xâm phạm đến
người. Duy có cô con gái họ Chư, tức là cô Chư Ỷ Phương, là một tay xuất sắc hơn cả vùng này thì tôi cũng hơi e cho cô ta một chút mà thôi.
Lão già vỗ tay cười mà rằng:
– Phải, nhà cô ta thì đẹp thực ! Nhưng cô ta lại biết nhiều võ nghệ và trong nhà có nuôi 8 người giáo sư để canh giữ thì chưa chắc đã
anh nào lẻn vào đấy được… –
Tiêu Minh Phượng nghe tới quãng đó, về sau họ nói những gì
không thèm nghe nữa, bèn đứng phắt dậy, tính trả tiền hàng rồi lật đật
đi ra. Khi ra tới ngoài, chàng liền cố sức đi dò hỏi cho được chỗ nhà
Chư Ỷ Phương ở, để đến đêm hôm ấy sẽ dở thủ đoạn phi hành.
Đêm hôm ấy vào khoảng giữa canh một, Minh Phượng ăn mặc gọn
gàng, một mình lại ở từ nhà trọ đi ra, lần chuyền nóc nhà đi sang bên
lối nhà Chư Ỷ Phương. Khi lần tới nơi, chàng nhân nghe thấy nói trong
nhà đó có 8 tên giáo sư canh giữ nên chàng càng lưu tâm cẩn thận, đề
phòng đủ hết mọi phương.
Thoạt tiên mới vào khỏi cổng, đi tới mỗi nóc nhà, chàng ta lại ung dung nhìn trước nhìn sau một lượt, thấy đích thị là không có một ai biết tới, bấy giờ mới dám tiến đi.
Chàng đi lần mò rình chực mãi mãi, tới một gian nhà kia, bề
ngoài trông có vẻ nhã nhặn, đẹp đẽ mà bề trong còn có ánh sáng le lói
soi ra. Tiêu Minh Phượng đoán chắc chỗ đó là phòng ngủ của Chư Ỷ Phương, bèn vội vàng tìm chỗ hạ mình xuống mặt đất rồi đi lẻn đến gian phòng
đó.
Vừa lúc tới nơi thì thấy cánh cửa phòng còn ngỏ mà nhòm vào trong phòng tịnh chẳng thấy ai.
Tiêu Minh Phượng nhân nhìn kỹ cách kê bầy ở trong thì thấy
giường màn chăn gối, quả ra dáng một gian phòng của bọn nữ nhi, chàng
liền thừa thế đi lẻn ngay vào trong phòng, nấp một nơi để trông sự thể
ra sao.
Chàng ta đứng đợi một lúc thì quả nhiên thấy một con bé ăn mặc ra dáng thị nữ, tay cầm một cái thùng gỗ sơn son ở ngoài đi vào Minh
Phượng trông thấy bèn chạy sấn ngay ra, nắm phắt lấy tay thị nữ. Đứa thị nữ kinh sợ hoảng hồn, toan cất mồm kêu tướng ngay lên. Minh Phượng vội
vàng rút thanh kiếm sáng nhoáng ra, kề vào tận cổ người thiếu nữ mà
rằng:
– Mày kêu thì ta giết chết bây giờ, chỗ phòng này là chỗ ai
ngủ? mày là người thế nào ở nhà, này muốn sống phải nói cho ta biết!
Đứa thị nữ run rẩy lấp bấp nói lên rằng:
– Thưa ngài đây là nhà ngủ của Chư Ỷ Phương tiểu thư, tôi tức là Tiểu Mai, hầu hạ ở đây, xin người tha chết cho tôi.
Minh Phượng gật đầu cười rằng:
– Ừ thôi ta tha cái chết cho ngươi, song Chư tiểu thư bao giờ về ngủ, mày phải nói thực ta nghe.
Tiểu Mai lại run sợ đáp:
– Thưa ngài, tiểu thư tôi sắp vào đây để tắm, rồi đi ngủ bây giờ đó.
Minh Phượng nghe dứt, gật đầu một cái giơ tay điểm cho Tiểu
Mai một huyệt, mê mẩn tinh thần, rồi ẵm vào giấu kín xuống góc gậm
giường. Đoạn rồi chàng quay ra mang cái thùng gỗ đen đến chỗ sau bình
phong thấy có nồi nước hơi bốc lên nghi ngút thì đặt ngay cái thùng gỗ
vào một bên cạnh, rồi quay ra tìm chỗ ẩn thân. Chàng nhìn quanh nhìn
quẩn, thấy chỗ sát vách ngay cạnh thùng tắm lại có một cái tủ áo cao to
ước chừng có thể ngồi nấp được ở trên, và trên nóc tủ lại có một tấm gỗ
chạm hoa chắn ở phía ngoài, rất tiện cho sự ngồi nấp ở trong.
Minh Phượng mừng rỡ cuống người lên đoán chắc ngồi nấp ở đó
thì lát nữa Chư Ỷ Phương vào tắm, thế nào cũng sẽ được một phen khoái
hoạt mắt mình. Nhân vậy chàng bèn nhảy tót lên trên nóc tủ, nằm nấp thon lỏn ở đó để đợi.
Chỉ trong chốc lát, chàng ta ngồi nấp vừa yên thì đã thấy phía ngoài có tiếng dép lẹp kẹp đi vào và có tiếng oanh sang sảng gọi lên
rằng:
– Tiểu Mai đâu, đã sắp sửa đủ nước chưa?
Chàng nghe nói ngẩng lên nhìn thì thấy một cô con gái rất đẹp ở ngoài tha thướt đi vào. Minh Phượng nhìn kỹ người ấy thấy cách ăn mặc
ra dáng lịch sự đài các mà vẻ người thực là khuynh quốc khuynh thành thì lại càng đoán biết người ấy là Ỷ Phương không sai.
Chư Ỷ Phương bước vào tới sau bình phong, thấy nồi nước để đó
mà nhìn quanh không thấy Tiểu Mai đâu, liền cau nét mặt, nói một mình
rằng:
– Con bé quái lạ. Nó đem nước để nguội ở đây cũng không nói với mình một tiếng mà đã đi đâu mất.
Nói đoạn quay ra cài cái cửa lại rồi lại đi vào phía sau bình
phong. Bấy giờ Minh Phượng ngồi nấp trên nóc tủ, dùng hết tinh thần để
nhìn xuống dưới thì thấy Ỷ Phương bắt đầu cởi cái áo ngoài, chỉ còn một
cái áo rất mỏng mặc sát vào mình, hình như da bụng và chân tay đều rõ ra ngoài tất cả. Lần lần đến lúc Ỷ Phương sắp sửa bắt đầu vào tắm thì Minh Phượng ngồi ở trên tủ trong bụng sôi nổi trào lên, nín hơi không được,
bất giác trong cổ ậc lên một tiếng, làm cho Chư Ỷ Phương tinh tai nghe
thấy lập tức Ỷ Phương thấy tiếng đó, trong bụng hơi ngợ, đoán chắc có
người rình mò xem trộm, nàng liền khẽ đưa mắt ngang ngửa khắp cả bốn mạn để xem. Khi nàng nhìn lên tới chỗ trên nóc tủ, chợt đâu trông thoáng
thấy có một đầu chót cái vạt áo của Minh Phượng vô ý để thò ra đó thì
nàng hiểu ngay là có người nằm nấp ở trên.
Nhân vậy, nàng phải làm ra bộ trấn tỉnh, thò tay xuống bồn nước khoắng mấy cái rồi tắc lưỡi mà nói lên rằng:
– Con Tiểu Mai ranh con, nó để cho nước lạnh quá rồi, không thể nào mà tắm được nữa.
Nói đoạn Chư Ỷ Phương lại ung dung vớ lấy cái áo ngoài khoác lên mình, rồi lửng thững bước quay ra và nói:
– Gọi nó lấy thêm một ít nước nóng nữa thì mới có thể tắm được.
Nàng vừa nói vậy, vừa lửng thững đi ra ngoài cửa. Ngờ đâu lúc
đó Minh Phượng ngồi trên nóc tủ, thấy Ỷ Phương không tắm nữa mà lại đi
ra thì trong bụng nóng sốt lạ lùng không sao nhịn được liền nói vội ngay lên rằng:
– Mỹ nhân đi đâu thế!
Tiếng nói chưa dứt thì người chàng đã nhảy đến thoắt một cái
xuống sát phía sau Chư Ỷ Phương. Bấy giờ Ỷ Phương chưa bước ra tới cửa
thì thấy Minh Phượng nhảy sát đến nơi, trong bụng bèn đoán chắc chính là một tay cường bạo trộm hoa, nàng bèn nhất diện quay ngoắt người lại để
chống cự với Tiêu Minh Phượng và nhất diện kêu la để gọi bọn giáo sư đến cứu.
Chẳng dè Chư Ỷ Phương vừa cất mồm lên kêu được nửa tiếng thì
bị Tiêu Minh Phượng sấn đến, điểm cho một huyệt vào giữa thái dương, mê
ngã người ra lập tức.
Tiêu Minh Phượng thấy sự thể đến nơi, không muốn lôi thôi sinh sự liền vội vàng cúi xuống ẵm sốc ngay Ỷ Phương lên nách, rồi nhảy ra
cửa nhảy tót lên mái nhà, chạy như bay như biến quay về nhà trọ.
Khi về tới nhà trọ thì Tiêu Minh Phượng đã nhọc khướt người, mồ hôi đổ ra nhuễ nhại.
Chàng ta thấy trước sau nhà trọ đều ngủ yên tất cả, chàng bèn
len lén đem Chư Ỷ Phương vào trong buồng trọ của mình, đặt nàng nằm lên
trên giường cẩn thận, và định nghỉ ngơi một lúc rồi tính cuộc truy hoan.
Được một lúc lâu lâu, chàng thấy trong người đã khỏi nhọc mệt
rồi, chàng liền cầm cái đèn để vào bên cạnh giường, rồi cúi xuống xem
ngắm nét mặt Ỷ Phương, gật đầu khen ngợi một mình, ra vẻ mừng đắc ý.
Bất đồ đương khi đó thì bổng đâu thấy ở ngoài cửa phòng có
tiếng người gõ cửa. Tiêu Minh Phượng giật mình đến thót một cái vội vàng tắt phụt đèn đi, rồi làm ra bộ ung dung mà hỏi rằng:
– Ai gọi cửa có việc gì đấy?
Tiếng hỏi vừa dứt thì thấy phía ngoài có tiếng tên điếm Tiểu Nhị, cất giọng vội vàng mà nói lên rằng:
– Thưa ngài, ngoài kia có một vị hòa thượng muốn vào hỏi ngài, vị hòa thượng nói là sư phụ của ngài, cho nên tôi phải vào báo để ngài
biết.
Minh Phượng nghe dứt lời, trong bụng kinh sợ vô cùng, vội khẽ bảo tên điếm tiểu nhị:
– Nhà ngươi ra nói với vị hòa thượng, có việc gì xin để đến mai. Bây giờ tôi đi ngủ rồi.
Chàng vừa nói dứt lời thì nghe thấy phía cửa ngoài có tiếng cười ha hả lên và có tiếng nói tiếp luôn rằng:
– Tiêu công tử ơi, bần đạo tức là Lục Bất hòa thượng đây. Bần
đạo chỉ cần nói với công tử một câu rồi lại đi ngay lập tức bây giờ.
Tiêu Minh Phượng nghe nói, càng hoảng hồn lên, luống cuống không biết làm thế nào, vội nói lên rằng:
– Chết nỗi, đại sư đã đến, đệ tử không được biết, xin ngài đại xá tội cho. Đệ tử đương ngủ, áo quần lộn xộn, xin cho chỉnh đốn một tí, và ra đón tiếp đại sư ngay giờ.
Nói đoạn nhân nhớ ra ở phía vách sau có cái cửa sổ đi ra phía
ngoài, chàng liền ẵm ngay Chư Ỷ Phương nhảy tót ra phía sau đặt vào một
chỗ, định giấu ở đó, đợi khi Lục Bất hòa thượng đi rồi thì lại mang vào
trong phòng.
Khi đặt Ỷ Phương vào một nơi xong rồi, chàng ta lại xăm xăm
bước vào trong phòng, tay thì mở cửa miệng thì hớn hở cười nói mà rằng:
– Chúng tôi đương ngủ, đèn lửa không có, thành thử lúng túng khá lâu, xin đại sư tha tội cho.
Lục Bất hòa thượng lắc đầu quầy quậy mà rằng:
– Không kì quản, không kì quản… Dẫu tối tăm cũng chẳng sao, bọn chúng ta cần gì sáng sủa đường hoàng mà sợ…
Nói đoạn liều cầm ngay tay Tiêu Minh Phượng đi thẳng vào trong phòng. Tiêu Minh Phượng xin phép quay ra để đốt đèn lên đã .
Lục Bất hòa thượng gật gật mà rằng:
– Thôi được, công tử để đó nhờ anh nhỏ anh ấy thắp cho cũng được…
Nói đoạn lại quay ra tên điếm tiểu nhị:
– Anh làm ơn hãy cho mượn cái đèn nào đó, chúng tôi chỉ nói chuyện một tí rồi lại trả ngay.
Tên tiểu nhị vâng lời chạy ba chân bốn cẳng ra, lấy ngay ngọn
đèn mang vào. Bấy giờ Lục Bất hòa thượng mới nhìn mặt Tiêu Minh Phượng
một lượt, rồi cười cười lắc đầu mà rằng:
– Trông mặt công tử dạo này xanh xao vàng vọt đi nhiều… Có lẽ công tử vất vả lắm thì phải…
Tiêu Minh Phượng nghe nói, nét mặt thẹn đỏ bừng lên, cứng hẳn
cổ ra, không nói được một tiếng gì. Lục Bất hòa thượng lại vỗ vào vai
Tiêu Minh Phượng mà rằng:
– Này cậu! Tôi gặp cậu đây, cũng không có câu chuyện gì là
quan hệ. Duy tôi muốn dặn cậu một câu, cậu chớ nên quên rằng: cả nhà họ
Tiêu trong suốt bảy chi chỉ còn độc có một mình cậu là người kế tự đó
thôi.
Nói dứt lời, Lục Bất hòa thượng lại cười khanh khách mấy tiếng, rồi quay ngoắt đi ra.
Minh Phượng thấy Lục Bất hòa thượng ra rồi, trong bụng rất lấy làm hồi hộp nghi hoặc, toan chạy theo ra, song lại sợ lỡ khi Lục Bất
bắt theo đi đâu thì đối với việc Chư Ỷ Phương lại bỏ lở cả. Nhân vậy
chàng đứng ra cửa trông theo không thấy bóng Lục Bất hòa thượng đâu thì
liền quay vào ngay phòng. Khi vào tới phòng, chàng ta ngẫm nghĩ lại mấy
câu của Lục Bất hòa thượng đã nói, không câu gì là không có ý châm chọc
khuyên răn, song chẳng qua cũng cho là lời đoán chặn phỏng chừng, chớ
khi nào đã biết đến công việc của chàng làm được.
Nhân vậy chàng ta lại tự yên ủi lấy mình, rồi lại nhảy qua cửa sổ, ra phía đằng sau để tìm Chư Ỷ Phương.
Cạm tình trót đã sa chân,
Còn đâu giáo dục tinh thần xưa nay.
Bước đời nguy hiểm sâu cay.
Phong lưu oan nghiệt rồi đây trách gì?