Khuynh Tẫn Thiên Hạ – Loạn Thế Phồn Hoa

Chương 38


Đọc truyện Khuynh Tẫn Thiên Hạ – Loạn Thế Phồn Hoa – Chương 38

Bắt những đại hán ngày thường thô lậu, tay chân đã quen với đao thương cung kiếm ngồi yên đọc sách viết chữ thì so với việc lôi họ ra giết phứt đi còn thống khổ hơn gấp vạn lần! Ai nấy đều đeo vẻ mặt ai oán khổ sở nghe Tiếu Khuynh Vũ ở trên bục chậm rãi giảng giải, nào là ‘Cao đích phá địch thập tam kế’, rồi cái gì ‘Kỵ binh chiến thuật diễn luyện’ (1)… Thật đúng là còn hơn đem người đi đày ải, sống không bằng chết!

Nhưng bọn họ không có can đảm bỏ đi không nghe nữa, bởi vì ngày hôm sau Tiếu Khuynh Vũ sẽ tiến hành khảo hạch (2), nếu mà không thông qua… Chỉ mới nghĩ tới đó, cả bọn không khỏi rùng mình ớn lạnh…

Ban đầu, hình phạt tối đa chỉ là ngồi chép sách, chép chừng vài bản là quá lắm (chư vị độc giả cứ thử tưởng tượng đến cảnh một đám đại hán cao lớn thô kệch ngồi một loạt, ngoan ngoãn y như học trò tiểu học, chép phạt hết bản này đến bản khác, bấy nhiêu thật cũng khổ sở lắm rồi – phỏng ý TG), ai ngờ, Phương tiểu hầu gia lại nghĩ ra ý tưởng độc địa, chủ ý ban đầu bị thay đổi, càng thê thảm hơn…!

Hắn thản nhiên đề nghị Vô Song công tử trừng phạt những kẻ không được thông qua bằng cách đem họ ra làm bao cát người cho binh lính tập dợt thao luyện! Vừa đau thể xác, vừa mất thể diện!

Tiếu Khuynh Vũ không phát biểu ý kiến, chỉ yên lặng nhìn hắn chằm chằm. Sau đó, Phương tiểu hầu gia vô lương tâm lại đề nghị lần nữa, nếu cách kia không được thì cho họ đi quét dọn nhà xí cũng được…!!!

“……?” “……?!” “……!!”

Nói tới đó, ngay cả Tiếu Khuynh Vũ cũng hết nhịn nổi, thầm than một câu: vốn cũng sinh ra như nhau, làm vậy chẳng phải rất quá đáng sao!!

So với chư vị Bát Phương tướng lĩnh, mấy ngày qua đối với Phương tiểu hầu gia cũng không đến nỗi nào, thống khổ có, mà vui như mở cờ trong bụng cũng có – Vui là bởi vì, việc học tập hóa ra lại không khiến cho hắn khổ sở như người khác, mà ngược lại, có một cảm giác thoải mái, ý vị tuyệt vời, ngày nào cũng được sớm chiều kề cận cùng Tiếu Khuynh Vũ, bao nhiêu tư vị thống khoái cũng không đủ để khoe với thiên hạ, nhưng còn thống khổ chính là – Vì cái lẽ gì mà tên tiểu tử Trương Tẫn Nhai kia lúc nào cũng đeo dính công tử nhà nó một tấc cũng không rời, y hệt âm hồn bất tán?! (3)

Trương Tẫn Nhai Trương tiểu bằng hữu ở cùng với Vô Song công tử, được y truyền thụ văn chương thơ phú, cầm kỳ thi họa, nhưng lại có thiên phú đặc biệt đối với cổ cầm. Ngay cả Vô Song công tử vốn kiệm lời cũng không nhịn được mà thốt lên lời khen: “Tẫn Nhai thật vì từ khúc (4) mà sinh, vì âm nhạc mà lớn. Khúc ‘Dương Xuân Bạch Tuyết’ (5) xưa nay vẫn hiếm kẻ hữu duyên, vậy mà ngươi dù chỉ tùy tay gảy, dư âm vẫn còn vương vấn đến ba ngày chưa hết, cứ ngân nga không dứt bên tai!”

Trương Tẫn Nhai nghe công tử khen thì mắc cỡ đỏ bừng mặt: “Tẫn Nhai chỉ cầu mong học được một hai phần tuyệt kỹ của công tử đã thấy hãnh diện lắm rồi…”


Vô Song công tử mỉm cười: “Không đâu!” Nói xong nhẹ nhàng nhắm mắt, an nhiên tự tại, tinh tế lắng nghe tiếng đàn, im lặng không nói.

Hai ngày sau, Tiếu Khuynh Vũ bỗng gọi Trương tiểu bằng hữu đến, nhẹ nhàng bảo: “Ta nghe trong tiếng đàn của ngươi dường như ẩn hiện thanh âm lanh canh trong trẻo của binh khí va chạm, vậy ta tặng ngươi nhạc khí này, hãy cố gắng luyện tập, đừng phụ lòng ta!”

Trương Tẫn Nhai hai mắt mở to kinh ngạc, nhìn trân trân vào thanh nhạc khí bằng gỗ trên tay công tử. Mặt đàn hình giống như nửa quả lê cắt ra, căng bốn dây.

Tiếu Khuynh Vũ nghiêm nghị nói: “Nhạc khí này có tên là ‘Tỳ bà’, âm sắc của nó chẳng những trong trẻo mượt mà, lại còn có thể phát ra thanh âm mạnh mẽ mãnh liệt như binh khí tương tranh. Ngươi may mắn có thiên phú bẩm sinh, thực sự nếu chuyên tâm luyện tập, chỉ trong thời gian ngắn đã có thể dương danh thiên hạ.”

Trương Tẫn Nhai nhìn thấy trong đôi mắt trong suốt trữ định của công tử ánh lên sự kỳ vọng đặc biệt, trong lòng không khỏi dấy lên một cảm giác vừa tự hào, vì được công tử thừa nhận, vừa trĩu nặng gánh lo, sợ bản thân không thể đáp ứng. Cậu nhỏ cung kính nâng cả hai tay tiếp nhận thanh tỳ bà, ôm vào lòng, rồi ngay lập tức khuỵu gối xuống, hành đại lễ ba quỳ chín lạy với Tiếu Khuynh Vũ: “Ân sư tại thượng, xin hãy nhận đại lễ của đồ nhi!”

Ngày hôm đó, Trương Tẫn Nhai chính thức trở thành đệ tử chân truyền của Vô Song công tử.

Vào lúc ấy, Phương Quân Càn cũng an vị bên cạnh Tiếu Khuynh Vũ, bởi vậy hắn được chứng kiến từ đầu đến cuối cái cảnh trang nghiêm mà ấm áp đó.

Từ rày về sau, bất luận là ngày đông buốt giá hay đêm hè nóng nực, bất kể gió táp mưa sa, bất kể ba đào biến động, Trương Tẫn Nhai đều ngày đêm khổ luyện cầm nghệ, cần cù chăm chỉ không một chút lơ là.

Ngày sau, khi Vô Song công tử từ trần, Trương Tẫn Nhai đau xót ôm tỳ bà vân du thiên hạ, cầm nghệ trác tuyệt khuynh đảo thế nhân, cuối cùng trở thành Thiên hạ tỳ bà đệ nhất danh gia!

Khi mọi người hỏi vì sao trước kia lại chọn đàn tỳ bà mà không phải các nhạc khí khác, Trương Tẫn Nhai chỉ mỉm cười, không trả lời.


Thế nhân trước sau chỉ biết, cây đàn luôn được hắn ôm khư khư trong lòng ngực kia, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm thời gian, dù có bị ăn mòn cũ nát, mãi mãi vẫn đi theo bầu bạn cùng Trương Tẫn Nhai, đến tận lúc sức cùng lực kiệt, từ bỏ cõi trần.

Khi hấp hối, tỳ bà quốc thủ Trương Tẫn Nhai run rẩy vuốt ve thân đàn, lệ tuôn đẫm mặt, chỉ khe khẽ để lại năm chữ: “Ân sư… của ta… nha…”

Phương tiểu hầu gia tiu nghỉu. Vậy rồi cuối cùng cũng có một ngày không nhịn được, thẽ thọt phàn nàn với Vô Song công tử, chẳng cần lúc nào cũng phải đem Trương đồng học theo bên người đâu, ngay từ nhỏ phải rèn luyện tính tự lập, biết tự chủ dần đi là vừa, vậy nên, cho nó ra ngoài chơi một mình đi!

Mà quả thật cái cậu nhỏ láu lỉnh kia chẳng có lúc nào không lẽo đẽo bên Tiếu Khuynh Vũ, dính chặt y hệt một khối kẹo đường dẻo quánh, kéo mãi không ra!

Có thể làm cho kẻ da mặt siêu dày không biết xấu hổ là gì như Phương tiểu hầu gia sốt ruột đến không thể chịu được, đủ thấy, Trương tiểu bằng hữu của chúng ta đích thực sở hữu một loại tố chất không thể xem thường.

Tiếu Khuynh Vũ ngay lập tức phản ứng: “Huynh đường đường là Phương tiểu hầu gia, vậy mà lại đi ăn thua với một đứa trẻ, không biết ngượng là gì sao?”

Phương tiểu hầu gia chẳng chút do dự, đáp liền: “Không biết!”

Tiếu Khuynh Vũ tiếp tục công kích: “Tiểu hầu gia quả thật da mặt quá dày không ai sánh kịp, Tiếu mỗ bội phục, bội bội phục!”

“Khuynh Vũ à –!” – Hắn cúi sát người xuống bên Tiếu Khuynh Vũ, khóe môi cười nụ, “Coi kìa, hôm nay trời trong nắng ấm, hứng khởi biết bao, nếu cả ngày chỉ ngồi ủ rũ trong phòng thì có phải quá lãng phí cảnh quan tươi đẹp kia không chứ, chi bằng chúng ta ra ngoài tản bộ – Ách, không cần phải đưa Trương tiểu bằng hữu theo đâu!”


Tiếu Khuynh Vũ vẫn ngồi điềm nhiên ngay ngắn trong luân y, chậm rãi mà lạnh lùng vuốt ve bàn tay quấn kim tuyến: “Nhưng Tiếu mỗ đi lại bất tiện mà!”

“Ta đẩy huynh đi!” – Đôi tay Phương Quân Càn lập tức vịn vào lưng tựa của luân y, chẳng để y có cơ hội thoái thác “Ngồi cho vững nha!”

Tiếu Khuynh Vũ cảm thấy phía sau lưng mình nóng rực thân nhiệt của Phương Quân Càn, cho dù ngăn cách bởi lưng ghế gỗ vẫn cảm giác được. Sự ấm áp ấy như ôm trọn cả thể xác lẫn tinh thần lạnh lẽo băng tuyết của y…

Tự nhiên, thấy mình có một chút run rẩy hốt hoảng, cả người gồng cứng lại.

Phương Quân Càn không hay biết, vẫn khoan thai đẩy luân y ra khỏi quân doanh.

—oOo—

(1): ‘Mười ba kế hay phá địch’, ‘Chiến thật thao luyện kỵ binh’

(2): trả bài

(3): âm hồn không chịu siêu thoát, cứ đi theo ám người ta hoài

(4): một thể loại văn vần, ngôn ngữ biến hóa linh hoạt

(5): một trong ‘Thập đại danh khúc’ của Trung Hoa cổ xưa, bao gồm:


1. Cao sơn lưu thuỷ

2. Quảng lăng tán

3. B́ình sa lạc nhạn

4. Mai hoa tam lộng

5. Thập diện mai phục

6. Tịch dương tiêu cổ

7. Ngư tiều vấn đáp

8. Hồ gia thập bát phách

9. Hán cung thu nguyệt

10.Dương xuân bạch tuyết

Thực sự danh sách mười danh khúc này vẫn còn nhiều tranh cãi, người thêm, người bớt theo ý của mình, do đó, chư vị quan tâm hiểu biết thì xin góp ý thêm. Đa tạ!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.