Đọc truyện Khúc Cầu Hồn – Chương 1: Mở đầu
Nhựa đường cắt ngang
miền đồng quê như một vết sẹo dài do vệt lẹm sắc ngọt của cái dao cạo
gây ra. Hơi nóng chưa xoắn quyện vào trong không khí, nhưng người tài xế biết chẳng mấy chốc điều đó sẽ xảy ra, ánh nắng nóng rát như đổ lửa, ở
một nơi xa ánh sáng như một vệt xanh bị nén xuống. Ông chỉnh lại cặp
kính mát, liếc mắt nhìn lên gương chiếu hậu lớn ở tít phía trên kính
chắn gió. Chiều dài chiếc xe bus và toàn bộ hành khách đều hiện ra. Ba
mươi năm qua, ông đã thấy vô khối loại người qua cái gương ấy: từ những
cô nàng xinh xắn tới những gã đàn ông khánh kiệt, những gã say khướt và
những kẻ điên rồ, cả những cô nàng ngực bự nóng bỏng và những đứa trẻ
nhăn nhúm. Người tài xế có thể tiên liệu vấn đề cả dặm từ xa, ông có thể phân biệt ai bình thường và kẻ bỏ nhà đi hoang.
Ông nhìn một thằng nhóc.
Cậu nhóc này trông như kẻ bỏ nhà đi hoang.
Da bong tróc khỏi mũi cậu, nhưng dưới lớp da sạm nắng là vẻ xanh xao vàng
bủng do thiếu ngủ hoặc suy dinh dưỡng, hoặc cả hai. Xương gò má nhô cao
dưới lớp da bị kéo dãn hết cỡ. Cậu bé còn nhỏ, độ mười tuổi, mái tóc
hoang dại mọc đen trên đầu. Mái tóc cắt không đều lởm chởm, như thể cậu
tự cắt cho mình. Quần áo sờn rách từ cổ áo sơ mi và từ đầu gối quần
jeans. Đôi giày gần như mòn vẹt. Trên đùi, cậu kẹp chặt cái ba lô màu
xanh, và không biết những gì chứa đựng trong đó, cũng không nhiều lắm.
Cậu nhóc trông khá kháu khỉnh, nhưng điều gây ấn tượng nhất với người tài
xế là đôi mắt cậu. To và đen thẫm, chúng di chuyển liên tục như thể cảnh giác cao độ với mọi người xung quanh, với cái xe bus cà khổ đầy ích các thể loại người vào một buổi sáng nóng nực của vùng đồi cát Bắc
Carolina: nửa tá là người lao động tha phương, vài tay cãi nhau nhìn
giống cựu quân nhân, một hoặc hai gia đình, vài người lớn tuổi, một vài
tay anh chị choai choai xăm trổ đầy mình tụ họp ở xóm nhà lá tít phía
đằng sau.
Đôi mắt cậu bé thường chú ý vào gã đàn ông ngồi hàng
ghế đối diện, một người buôn bán chào hàng đầu tóc bóng mượt trong bộ
vest nhăn nhúm và đôi giày lười nứt nẻ. Chỗ đó cũng có một người da đen
với quyển Thánh Kinh quăn mép và hộp soda kẹp giữa đùi, có vẻ ông ta
cũng bắt được cái nhìn của cậu nhóc. Đằng sau ghế cậu là một bà cụ mặc
bộ váy da cừu. Khi bà vươn người về phía trước hỏi câu gì đó, cậu bé chỉ khẽ lắc đầu và trả lời cẩn trọng:
Thưa bà không.
Lời của
cậu lan nhẹ lên cao như khói tỏa, và bà già an vị trở lại, những ngón
tay với đường gân xanh sờ soạng trên sợi dây xích giữ cặp mắt kính. Bà
nhìn qua cửa sổ và tròng mắt kính loé chớp, rồi chuyển sang đen thẫm khi chiếc xe rẽ vào con đường rợp bóng cây với những hàng thông xanh vút.
Cũng ánh sáng này rọi vào trong xe bus, và người tài xế quan sát người
đàn ông mặc bộ vest nhăn dúm. Da ông ta xanh xao và mồ hôi vã ra do chưa tỉnh rượu, đôi mắt nhỏ hí lạ thường và một sự bồn chồn căng thẳng của
hắn làm người tài xế chột dạ. Cứ mỗi một hoặc hai phút, ông ta lại cựa
quậy trong ghế. Ông ta ngồi bắt chéo chân rồi lại bung đôi chân ngồi
bình thường trở lại, chồm người lên trước, rồi ngả ra phía đằng sau.
Những ngón tay của ông ta gõ nhịp trên bộ vest luộm thuộm và ông ta luôn nuốt nước bọt mỗi khi hướng cái nhìn lờ đờ về phía cậu trai, rồi lại
quay đi chỗ khác, lờ đờ và nấn ná.
Người tài xế mệt nhoài vì công việc, nhưng ông giữ mọi chuyện tươm tất trên xe bus. Ông không chấp
nhận sự say xỉn, thác loạn hay những tiếng nói ồn ào. Mẹ ông nuôi dạy
ông trưởng thành như vậy hơn năm mươi năm về trước và ông không có một
thôi thúc nào cần thiết phải thay đổi. Do vậy ông để ý cậu trai trẻ, và
gã đàn ông hào nhoáng với cặp mắt hau háu, bụng dạ đứng ngồi không yên.
Ông quan sát cách gã nhìn cậu nhóc, thấy gã buông người trên chiếc ghế
nhầy nhụa mỡ màng khi con dao được móc ra. Cậu nhóc thờ ơ chuyện này.
Cậu lôi nó ra từ túi quần và bung lưỡi dao ra bằng một ngón tay cái. Cậu cầm nó một chốc, rõ ràng ai cũng thấy, rồi lôi ra một quả táo từ trong
túi xách và gọt nó bằng thao tác bén, gọn. Mùi táo thoảng bay lên cao
hơn cả những chiếc ghế ám mùi du khách và sàn xe nhuốm đầy bụi bẩn của
đường phố. Vượt lên mùi hôi nồng của dầu cặn diesel, người tài xế ngửi
được hương vị gắt, ngọt của nó. Cậu nhóc nhìn một lần vào gã đàn ông
bảnh bao có đôi mắt to rộng, khuôn mặt nhợt nhạt, sau đó cậu gấp con dao và nhét nó trở vào trong túi quần.
Người tài xế buông người và
chú tâm vào con đường, tâm trí không bị quấy rầy trong vài phút. Ông ta
thấy cậu nhóc này có vẻ quen quen, nhưng cái cảm giác ấy đi biến. Ba
mươi năm dài. Ông chùng cơ thể to béo sâu chặt hơn vào ghế.
Ông từng thấy quá nhiều cậu trai trẻ.
Quá nhiều dân bụi đời đi hoang.
***
Mỗi lần người tài xế nhìn mình, cậu bé đều cảm nhận được điều đó. Nó là một thiên bẩm cậu có, một biệt tài. Ngay cả khi đôi kính râm đen thẫm đeo
trên mắt ông ta và đường cong lớn trên bề mặt cái gương ngăn cản, cậu bé vẫn có thể biết. Đây là chuyến thứ ba đi bằng xe bus trong nhiều tuần.
Cậu ngồi ở những ghế khác nhau và mặc quần áo khác nhau, nhưng đoán
chừng trước sau gì cũng có người sẽ hỏi cậu làm trò gì trên chuyến xe
bus ngang dọc tiểu bang vào lúc bảy giờ sáng trong ngày, cái giờ lẽ ra
học trò phải đến trường học. Cậu đoán chừng câu hỏi này sẽ đến từ người
tài xế.
Nhưng chuyện này chưa xảy ra.
Cậu bé xoay ra nhìn
cửa sổ và xoay nghiêng đôi vai để không ai khác có thể nói chuyện được
với mình. Cậu nhìn sự phản chiếu trong cửa kính, sự chuyển dịch và những khuôn mặt. Cậu nghĩ về những cái cây cao ngút trời và những bộ lông nâu đuôi màu trắng.
Con dao cộm lên trong túi quần cậu.
Bốn
mươi phút sau, chiếc xe bus lựng khựng dừng lại ở một cây xăng ẩn nấp
trong một khoảng trống của rừng thông, bụi rậm và nóng bức, đất cát. Cậu nhóc đi xuống hàng ghế chật hẹp và bước xuống bậc cuối cùng trước khi
người tài xế có thể nhắc nhở chẳng có gì ngoài những chiếc xe kéo nằm ụ
trong bãi đậu, hay không có người lớn nào ở đây để đón nhận cậu, một cậu bé mười ba tuổi nhìn dáng người không quá tuổi thứ mười. Ánh nắng mặt
trời như nung đỏ cổ cậu. Cậu xốc cái balô sau lưng, và đám khói đen dầu
cặn bốc lên cao; chiếc xe bus sau đó gầm gừ và lăn bánh xuôi xuống phía
Nam. Trạm xăng có hai đầu bơm, một băng ghế dài, và một ông lão gầy gò
trong bộ quần áo màu xanh dính đầy dầu mỡ. Ông ta gật đầu chào từ đằng
sau tấm kính lem luốc nhưng không buồn ra bên ngoài trời hừng hực nóng.
Máy bán nước lon tự động đặt ở trong chỗ có bóng râm của trạm xăng, quá
cũ kỹ đến nỗi chỉ đòi hỏi năm mươi cent cho một lon. Cậu nhóc thọc tay
vào túi quần, ngón tay lục lọi tìm năm đồng hào mỏng dính và mua lon
nước nho tuột bung ra dưới cái phễu đổ xuống trong cái chai thủy tinh
lạnh. Cậu bật nắp lon nước, xoay người về phía chiếc xe bus ban nãy trờ
đến, và bắt đầu bước bộ xuống con đường bụi mù mịt, đen ngòm như rắn bò.
Sau ba dặm đường và hai lần rẽ, con đường biến mất, nhựa đường trở thành
đá, đá càng ngày càng mỏng đi. Cái bảng không hề thay đổi từ lần sau
cùng cậu thấy nó. Nó cũ kỹ và bị bỏ hoang, những thớ sơn bong tróc để
lòi thịt gỗ ở phía dưới: SÔNG CÁ SẤU RỪNG BẢO TỒN CHIM ĂN THỊT. Phía bên trên các mẫu tự, một con đại bàng tung cánh bay, và trên đôi cánh của
nó, những cọng lông dính đầy sơn bong tróc.
Cậu nhóc nhổ kẹo gum vào tay và đập dính miếng gum vào tấm bảng khi cậu bước ngang qua.
Phải mất hai giờ đồng hồ để tìm một cái tổ chim, hai giờ của mồ hôi, những
bụi gai góc và muỗi rừng làm da cậu sưng đỏ ửng. Cậu tìm thấy một bụi
cành nhánh đan nhau to khủng khiếp trên những cành cao của loài thông lá dài mọc thẳng đứng và cao ngồng trên nền đất ẩm dọc bờ sông. Ánh nắng
mặt trời xuyên thấu cánh rừng, bầu trời sáng rực và xanh ngắt làm chói
đau cả mắt. Tổ chim là một chấm nhỏ.
Cậu nhún vai hất bỏ balô và
bắt đầu trèo lên cây, vỏ cây xù xì làm đau buốt làn da bỏng nắng của
cậu. Thận trọng và sợ hãi, cậu trông chừng chim đại bàng khi leo lên
cây. Có một con chim nhồi bông ngồi trên kệ trong viện bảo tàng ở
Raleigh, và cậu nhớ tới sự hung tợn của nó. Đôi mắt bằng thủy tinh,
nhưng đôi cánh của nó xoãi dài hơn một mét rưỡi từ đầu cánh bên này qua
đầu cánh bên kia, móng vuốt của nó dài bằng ngón tay giữa của một cậu
bé. Chỉ nội mỏ của nó đủ mổ đứt vành tai một người lớn. Cái mà cậu cần
là cọng lông của nó. Cậu thích một cọng lông đuôi màu trắng, sạch sẽ,
hay một cọng lông thật to màu nâu; nhưng rốt cục, nó có thể là một cọng
lông nhỏ nhất từ những chỗ bồng bềnh mềm mại nhất, một cọng lông kim, có thể, hoặc một cọng lông măng mềm dưới cánh.
Nhưng nó không thực sự là vấn đề.
Ma lực là ma lực.
Cậu càng leo cao bao nhiêu thì cành càng cong bấy nhiêu. Gió quật cành cây
và quật cả vào người cậu. Khi gió giật, cậu ép mạnh mặt mình vào vỏ cây, tim đập thình thịch, và những ngón tay bám chặt chuyển màu trắng bệch.
Thông là vua của các loài cây, cao đến mức đứng từ trên nhìn xuống, con
sông thu nhỏ lại ở phía dưới như một chấm đen.
Cậu gần leo lên
đến ngọn cây. Leo gần cỡ này, tổ chim dang rộng như cái bàn ăn và có lẽ
cân nặng khoảng chín kilogram. Tuổi đời của nó phải hàng thập kỷ, hôi
thối với những thứ mục rữa, cứt đái và xương cốt thỏ. Cậu mở tung cõi
lòng đón nhận cái mùi, và cái quyền năng của nó. Cậu di chuyển một tay,
chạm chân trên một cành xám tro vì năm tháng và trơ trọi không còn vỏ
cây. Phía dưới cậu, rừng thông trùng trùng điệp điệp tít tận những ngọn
đồi xa thẳm. Con sông uốn mình, đen, tối và bóng loáng như than đá. Cậu
đu người lên trên cao khỏi tổ chim và thấy những con chim con, hai con
cả thảy, xanh xao và lốm đốm màu, trong lòng chảo của cái tổ. Chúng
ngoác mở to cái mỏ bén nhọn, nài nỉ thức ăn, và cậu nghe một âm thanh
như con diều mắc trên dây khi gió tốc mạnh hơn. Cậu liều lĩnh nhòm ngó,
đột nhiên một con đại bàng đâm bổ xuống từ bầu trời tuyệt đẹp. Trong
giây phút tích tắc, cậu chỉ thấy toàn lông, rồi sau đó đôi cánh đập vỗ
xuống và móng vuốt vươn ra. Con chim gào thét.
Cậu vươn tay lên
trong khi móng vuốt của nó phập sâu vào trong da thịt; rồi cậu rơi
xuống, và con chim – đôi mắt vàng sáng rực, móng vuốt móc dính vào da
thịt và áo của cậu – rớt xuống cùng cậu.
Vào lúc 3:47, một chiếc
xe bus lăn bánh cũng vào cái bãi đậu xe ở trạm xăng một gian nhà đó. Lần này trực chỉ đi về hướng bắc, nó là chiếc xe bus khác, tài xế khác.
Tiếng cửa xe lọc xọc mở và một dúm người bệnh thấp khớp xuống xe. Người
tài xế gầy còm, gốc Tây Ban Nha, hai lăm tuổi và dáng dấp mệt mỏi. Anh
ta không buồn nhìn cậu bé gầy còm đứng lên từ cái ghế dài và cà nhắc đến cửa xe bus. Anh ta cũng không để ý quần áo rách nát hoặc sự tuyệt vọng
cùng cực trên khuôn mặt cậu. Và nếu nó là vết máu trên bàn tay đưa tờ vé xe bus, rõ ràng không phải việc của một tài xế xe bus để mà bàn luận về nó.
Cậu nhóc buông tờ vé xe bus. Cậu cố gắng lôi mình lên những
bậc bước và cố gắng giữ cho những mảnh vải áo liền với nhau. Cái balô
cậu đeo trông nặng nề, nhồi nhét đến mức gần như sắp vỡ tung, và một cái gì đó thấm đỏ ở mí ghép dưới đáy túi. Người cậu bốc mùi, mùi của bùn
sình, con sông và một cái gì đó sống nhăn; nhưng chuyện đó cũng không
phải việc liên can đến tay tài xế. Cậu đi vào sâu hơn trong lòng xe bus. Cậu ngã, một lần va vào lưng một chiếc ghế, rồi sau đó đi đến cuối tận
cùng, nơi cậu ngồi một mình trong góc. Cậu ôm chặt cái túi vào ngực và
gác hai chân lên trên ghế. Những lỗ sâu hoắm găm sâu vào trong da thịt
và cổ của cậu bị rách toạc; nhưng không ai nhìn cậu, không ai quan tâm.
Cậu ôm chiếc túi chặt hơn, cảm thấy cái nóng còn lưu lại, cơ thể gãy
vụn, như một cành cây gãy nát. Cậu mường tượng hai con chim nhỏ còn lông măng, một mình trong tổ chim. Một mình trong tổ và bị bỏ đói.
Cậu rung người trong bóng tối.
Cậu rung người trong bóng tối và lau những giọt nước mắt nóng ấm, đắng cay.