Đọc truyện Không Thể Đến Với Nhau – Chương 4: Phong
Phong không trả lời, òa khóc nức nở. Như bối rối vỗ vai cậu, cũng không biết làm sao để an ủi, nó bèn kéo tay cậu đưa về nhà nó: – Đi. Về nhà chị.
Như cho Phong rửa mặt, rửa chân tay, gột qua quần áo . Nó kiên nhẫn ngồi đợi cậu ngừng khóc mới hỏi chuyện. Phong kém Như hai tuổi, năm nay chuẩn bị lên lớp năm. Nhà Phong ở xóm khác, cách xóm Như ở không xa lắm. Mẹ Phong bỏ đi lấy người khác từ khi cậu mới lên ba, bố cậu lấy vợ hai được vài năm thì bị bắt đi tù vì tội ăn cắp của xí nghiệp nơi ông làm việc. Phong ở với mẹ kế. Bà lạnh nhạt, hay mắng nhiếc cậu. Nhưng cậu vẫn luôn vâng lời, coi bà như mẹ ruột của mình.
Phong kể xong, nhìn Như, giọng nài nỉ:
– Chị ơi! Em không ăn cắp. Bố em cũng không ăn cắp, người ta đổ oan bố em, chị ơi!
Như gật đầu tỏ ý cảm thông, khẽ lau những giọt lệ vừa trào ra vì xúc động, nói:
– Ừ, chị biết. Chị tin em.
Biết Phong không có bạn, Như làm bạn với cậu. Nó hay rủ cậu ra bờ sông xem người ta đánh cá. Thỉnh thoảng, nó còn kèm Phong học thêm để chuẩn bị vào năm học mới. Hai đứa thân nhau như hai chị em ruột. Ông bà Như biết chuyện cũng chẳng cấm đoán gì. Phong là đứa trẻ hiền lành, dễ mến, lại chung cảnh ngộ với Như nên ông bà rất thương cậu, coi cậu như cháu trai của mình.
Thấm thoắt đã hết kì nghỉ hè, Như và Phong đều đã đến lúc phải đi học. Hai trường Tiểu học và Trung học cơ sở của xã nằm sát nhau nên hai đứa luôn cùng nhau đến trường. Được vài tuần, ông bà Như thương nó đi học xa vất vả nên gom góp tiền mua cho nó cái xe đạp cũ. Thế là hàng ngày, Như đạp xe chở Phong đi học. Hai đứa ngồi trên chiếc xe, lóc cóc đi trên con đường làng ngập nắng đầu thu, cười đùa vui vẻ. Những đứa trẻ khác thấy vậy dần xa lánh Như. Nó cũng mặc kệ, có Phong làm bạn với nó, trò chuyện cùng nó là đủ rồi.
Một hôm, vào ngày chủ nhật, Phong sang nhà Như nhờ giảng giúp bài toán. Dù cậu cố tỏ ra vẻ bình thường nhưng Như vẫn thấy được cặp mắt cậu đỏ hoe, giọng nói thì như bị nghẹt mũi, chắc chắn là vừa khóc xong. Như hỏi:
– Em khóc à? Bà dì ghẻ của em lại mắng em sao?
Phong thoáng lưỡng lự, bối rối, một lúc mới gật đầu. Chuyện này Như đã quen, nó rất hay thấy cậu khóc vì bị mắng, bị đánh vô cớ. Nó cũng rất ấm ức khi thấy bà mẹ kế đối xử tồi tệ với Phong. Nó chưa từng thấy tận mắt nhưng qua lời kể của Phong, nó hình dung được phần nào. Bực tức nó nói:
– Sao lại có người như thế nhỉ? Bà ta dù gì cũng là vợ của bố em. Em lại ngoan ngoãn, chăm chỉ thế này, sao bà ta cứ khó chịu chứ?
Phong gạt đi, nhỏ giọng:
– Chị đừng nói mẹ em thế mà tội. Tại em nấu cơm không ngon. Mẹ đi chợ cả ngày vất vả, cáu gắt là chuyện bình thường mà.
Như lại càng bực mình:
– Em đó Phong. Chị chưa thấy ai như em cả. Bà ta đâu có thương em. Sao phải coi bà ta như mẹ? Một tiếng mẹ hai tiếng mẹ. Em gọi dì được không?
Phong lắc đầu quầy quậy, đôi mắt trong ánh lên một tia sáng mờ nhạt:
– Dù mẹ không thương em, em vẫn quý mẹ. Mẹ thương bố em, bố đi tù mẹ vẫn chịu nuôi em chờ bố về. Thế là tốt hơn mẹ đẻ em rồi chị ạ.
Như sững người, không biết nói sao cho phải, cứ nhìn Phong trân trân. Nó không ngờ Phong lại rộng lượng đến thế. Một đứa trẻ mười tuổi mà nghĩ được sâu xa như vậy, thật hiếm thấy. Phải đứa khác chắc chắn là ghét mẹ kế lắm đấy. Như không hiểu nổi tại sao Phong có thể dễ dàng chấp nhận mọi thiệt thòi chỉ với một lí do mà cậu đã nhận ra: mẹ kế yêu bố cậu.
Thấy Như đứng mãi chẳng nói năng gì, Phong vội lấy lại vẻ tươi cười. Nụ cười đẹp như nắng tỏa sáng bừng khuôn mặt cậu. Phong lay cánh tay Như:
– Thôi, chị chỉ em bài đi, tuần sau em thi rồi. Em mà được điểm cao, em sẽ đưa chị đi thả diều. Được không?
Như nhìn cậu, trong lòng không rõ là cảm xúc gì. Nó kéo tay cậu ngồi xuống, vừa giảng bài vừa nghĩ mông lung. Cậu nhỏ hơn nó hai tuổi nhưng suy nghĩ thấu đáo hơn nó rất nhiều. Bất giác, nó thấy một cảm giác gì như cảm thông, như khâm phục đan xen làm tim nó đập rộn từng hồi.
Tuần sau, bài kiểm tra của Phong quả nhiên đạt điểm cao. Trên đường đi học về, cậu hào hứng khoe với Như:
– Chị Như nhìn này, em được 9 điểm đấy! Cách chị chỉ em đúng là hay. Cô còn khen em biết nghĩ ra cách làm ngắn gọn. Chỉ tại chữ em xấu nên không được 10.
Như cười:
– Thế thì lo mà về luyện chữ đi. À này, em hứa đưa chị đi thả diều đó nha.
– Hì hì. Em nhớ mà. Em mới làm con diều đẹp lắm. Cuối tuần này chị em mình đi nhé. Chị đợi em ở bờ sông, tầm ba, bốn giờ chiều ấy. Lúc đấy gió to thả diều mới thích.
– Ừ. Nhớ rồi.
Chiều đầu thu bên sông, gió lồng lộng thổi. Mặt sông sóng gợn lên từng đợt, xô nhau vào bờ. Những chuyến phà ngược xuôi trên sông hối hả, tất bật. Nhưng đứng trên bờ sông, dưới gốc gạo đã tàn mùa hoa, lá trổ xanh mướt. Nó ngắm nhìn con sông, nhìn những cánh đồng ven sông trải ra ngút tầm mắt. Gió chiều làm mái tóc nó tung bay bồng bềnh trông thật đẹp. Như nhắm mắt, tận hưởng cảm giác gió mơn man khắp da thịt. Nó gần như quên khuấy rằng nó ra đây để cùng Phong thả diều. Mãi đến khi thấy cậu hớt hải từ đằng xa chạy lại, tay cầm con diều giấy trắng vẫy vẫy, nó mới nhớ ra, hào hứng đưa tay vẫy lại. Phong chạy đến chỗ nó, cúi gập người thở không ra hơi, tiếng nói đứt quãng:
– Chị! Em…em đến rồi. Chị…chờ…chờ lâu không?
Như bật cười:
– Không lâu. Làm gì thở hồng hộc thế? Chạy cho đã, mệt chưa hả?
Phong cũng cười, gãi gãi đầu:
– Em sợ chị chờ lâu, chị giận. Giờ mình thả diều chị nhé.
Như gật đầu, tay cầm lấy con diều trắng Phong đưa. Con diều tuy không có gì đặc biệt nhưng được làm rất khéo. Khung chắc, giấy dán khít, đuôi dài vừa đủ. “Xem ra thằng nhóc này khéo tay đấy chứ.” – Như thầm nghĩ.
Phong thả dây diều ra, lùi dần đến khi cách Như một quãng. Cậu hét to:
– Bao giờ em đếm đến ba thì chị bỏ tay ra nhé!
– Rồi OK!
– Một…hai…baaaa!
Như buông tay, Phong cầm dây diều chạy thật nhanh. Con diều gặp gió lớn bay lên rất cao. Chờ nó ổn định rồi, Phong mới từ từ đi về phía Như. Hai đứa ngồi bệt dưới gốc cây, mắt nhìn theo con diều chao lượn trên nền trời, trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả. Trước kia, Như từng được xem người ta thả diều, nhưng đều là đứng từ xa ngó lại chứ có ai cho nó chơi chung đâu. Đây là lần đầu tiên nó được tham gia. Nó hứng lên bảo Phong đưa dây cho nó cầm. Cậu vui vẻ đồng ý, còn chỉ cho nó cách điều khiển dây sao cho diều bay vừa tầm để khỏi đứt. Tay giật giật sợi dây mảnh, Như cười tươi thích thú. Phút chốc nó muốn bay bổng người lên theo cánh diều kia…