Đọc truyện Không Thể Chạm Vào Em – Chương 18: Giải cứu
Sảnh phòng tang lễ đủ rộng với sức chứa khoảng trăm người. Một tấm mành trắng ngăn cách cỗ quan tài và sảnh viếng, chia căn phòng làm ba phần, cỗ quan tài một phần, hai phần còn lại là nơi khách viếng cùng hai dãy ghế được xếp ngay ngắn, chia đều hai bên, mỗi dãy năm hàng và mỗi hàng sáu chiếc. Trước di ảnh khổ lớn được bao bọc bởi nhiều hàng hoa hồng trắng là một chiếc bàn phủ khăn dài che khuất bốn chân. Trên bàn là dãy nến trắng được cài trên những chân nến có vẻ đắt tiền, chạy vòng cung từ di ảnh của Bạch Quân ra tận mép bàn. Chính giữa bàn đặt một chiếc lư hương to; nơi đó, ba cây nhang khổng lồ đang nghi ngút khói.
Tuyết Hà thấm nước mắt, bùi ngùi đứng giữa một nhóm người, có lẽ bà đang nói về sự ra đi đột ngột của chồng. Giữa dãy vòng hoa viếng trắng tinh khôi – một kiểu sử dụng màu sắc truyền thống của gia tộc này, mà những mối quan hệ thân tín, hay nói đúng hơn là những kẻ nên bi lụy gia đình này phải biết – là những lời xì xầm to nhỏ về việc số tài sản mà ai cũng tưởng là to lớn sẽ đi về đâu, về tay người vợ sau khôn ngoan, hay trôi dạt theo đứa con gái rượu không rõ tung tích của người đã khuất; là những thắc mắc cay nghiệt về sự thật đằng sau cái đám tang hoành tráng này, phải chăng là một âm mưu nào đó như trong phim truyền hình, rằng bà vợ đang thậm thụt cùng một gã trai trẻ nào đó và bị chồng phát hiện, rồi cả hai đồng lòng thủ tiêu chồng. Thị phi là thứ không chịu giới hạn bao giờ! Thế nên, ngay giữa đám tang một người, những ngờ vực cũng chẳng ngần ngại gì mà không phát ra thành tiếng. Mọi âm thanh hỗn tạp bỗng dưng ngừng lại một cách đột ngột như mỗi lần có một vị khách vào viếng.
Trần Kha cùng Bá Lâm xuất hiện với bộ đồ Âu đen như những người khách bình thường đến chia buồn cùng gia chủ. Bá Lâm không còn xa lạ với Tuyết Hà sau lần gặp gỡ trước, mà thật ra nếu có xa lạ, thì trong tình huống này, Bá Lâm cũng phải cố tỏ ra thân quen với Tuyết Hà – điều này có lợi và giúp ích cho Trần Kha rất nhiều. Bá Lâm không quá phô trương, không lại gần nơi Tuyết Hà đang đứng cùng khách khứa, mà tiến đến một góc vừa khớp để Tuyết Hà nhận thấy sự xuất hiện của anh. Và, đúng như dự đoán, Tuyết Hà lập tức kết thúc câu chuyện đau buồn của mình, chào tạm biệt một vị khách, tiến đến nơi Bá Lâm đang đứng.
– Tôi đến với tư cách cá nhân! Xin chia buồn cùng gia đình! – Bá Lâm nhẹ giọng, hơi nghiêng đầu, một tay cho vào túi quần, một tay vịn lại phần dưới chiếc cà vạt đen trước bụng.
– Cậu chỉ đến một mình? – Tuyết Hà dò hỏi.
– Bạn gái tôi! – Bá Lâm đặt nhẹ tay lên vai Trần Kha.
Trần Kha bước đến bên cạnh Bá Lâm, nhếch môi cười qua loa như những lần Trần Kha buộc phải làm trong các buổi tiệc xã giao. Lúc này, nụ cười của Trần Kha có lẽ cũng chỉ để phục vụ cho việc tìm kiếm Miên Tú. Nhưng không vì thế mà Trần Kha tỏ ra vội vàng và mất bình tĩnh. Trần Kha cũng muốn quan sát kỹ người phụ nữ đã từng sống cùng Miên Tú từng ấy năm. Nét ủ rũ trên gương mặt kia không giống như sự buồn bã, đau đớn vì tình – hẳn là vì tình, bởi, dù gì người đàn ông trong di ảnh kia cũng là người khiến bà ta từng chấp nhận bước đến như một người thay thế.
Nét khổ sở đó đôi lúc được điểm thêm vài ánh cười thoáng qua trên đôi mắt nay đã hằn rõ nhiều vết chân chim của Tuyết Hà. Có lẽ đó chính là thứ khác lạ Trần Kha cảm nhận được. Trần Kha khá kiệm lời, nhưng thi thoảng, Trần Kha phải lên tiếng trong một vài trường hợp đặc biệt.
– Bà có một đôi mắt biết cười! – Trần Kha nhếch nhẹ mép môi trái.
– Bạn cậu có vẻ không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây! – Tuyết Hà cố lấp liếm.
Bá Lâm liếc nhìn Trần Kha. Rõ ràng Trần Kha cố ý thách thức bà ấy. Bởi, Trần Kha thừa thông minh để hiểu rằng, việc cần làm lúc này là rời khỏi tầm mắt của Tuyết Hà, và cố làm cho bà ấy không chú ý đến mình càng nhanh càng tốt. Cũng chẳng cần phải hiểu cái liếc mắt vừa rồi của Bá Lâm mang ý gì; thật thì đây không phải lúc để thể hiện rõ ham muốn đối đầu của mình, Trần Kha chủ động rời đi.
– Em qua kia ngồi một lát! – Trần Kha bước nhanh về phía dãy ghế ngoài cùng, ngay cửa ra vào.
– Cô ấy hơi mệt! – Bá Lâm đỡ lời. – Đáng lẽ tôi không nên nói chuyện công việc vào lúc này, nhưng…
Tuyết Hà dò xét thái độ của Bá Lâm. Có thể cậu ta có điều gì khó nói. Tuyết Hà nhìn thấy được, tuy Bá Lâm không hề có quan hệ máu mủ, ruột rà với Hoàng Phong, không phải con cháu của nhà họ Hoàng, nhưng cậu ta có một vị trí không hề nhỏ, và đặc biệt, lời nói của cậu ta có trọng lượng – có trọng lượng với những kẻ ngạo mạn nhất trong thế giới hào nhoáng của Hoàng Đình. Vào ngày cưới của Miên Tú, dẫu Hoàng Phong rất phẫn nộ vì một người phục vụ làm vây rượu đỏ vào bộ vest trắng tinh của mình, nhưng Bá Lâm chỉ cần đến bên cạnh, nói một điều gì đó, cơn thịnh nộ của Hoàng Phong có vẻ đã dịu đến bảy phần, chứng tỏ Bá Lâm không hề đơn giản!
Lần gặp gần nhất, Tuyết Hà cũng hiểu được phần nào mối quan hệ của hai người họ. Bá Lâm giữ vai trò chủ chốt trong những hợp đồng lớn của Hoàng Đình. Đương nhiên, quyền quyết định vẫn là của Hoàng Phong, nhưng con người này, Tuyết Hà thấy rõ ràng có thể khai thác được, dẫu cậu ta là gì đi nữa, chỉ cần có cơ hội để tiếp cận Hoàng Phong, Tuyết Hà tuyệt nhiên không bỏ qua. Giá trị lợi dụng của một con người giống y hệt một món hàng vậy, hoàn toàn có thể mua bán và đổi chác, chỉ là có tìm thấy cái giá phù hợp hay không mà thôi! Không một ai không có sẵn một cái giá cả; thế nên, nếu không thể mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền!
– Tôi ổn! Cậu cứ nói đi!
– Chúng ta có thể nói chuyện này ở một nơi riêng tư hơn, được không?
*
Duyệt Quân nhìn chiếc đồng hồ màu demi đắt tiền trên tay. Thói quen đúng giờ luôn thôi thúc Duyệt Quân đến sớm hơn giờ hẹn mươi phút. Nhưng, rõ ràng, người hẹn với cô không xem trọng cuộc hẹn này và cố tình trễ hẹn. Điều đó thể hiện qua nét mặt đăm chiêu của Duyệt Quân và tách cà phê nguội lạnh đặt trên chiếc bàn gỗ tròn nhỏ cao ngang tầm với đôi chân đang bắt tréo không hề thoải mái kia. Duyệt Quân không còn đủ bình tĩnh để khuấy đều tách cà phê thơm ngon của mình rồi thưởng thức như mọi khi. Thay vào đó là việc liên tục xem giờ. Đồng hồ đã điểm mười hai giờ. Tức là Duyệt Quân đã chờ người kia hơn hai tiếng đồng hồ.
Một bóng đàn ông vận đồ Âu xuất hiện. Vẫn là Hoàng Phong nhưng không còn sự lịch thiệp và dáng vẻ ân cần với Duyệt Quân như mọi khi. Hoàng Phong mặc chiếc áo sơ mi trắng, đóng thùng, cùng chiếc cà vạt tiệp màu với chiếc quần Âu đen vừa khít với thân hình và đôi chân dài cân đối. Hoàng Phong ngồi xuống đối diện Duyệt Quân, tựa lưng vào thành ghế, bắt tréo chân, tỏ thái độ bất cần.
– Tôi và cô còn gì để nói với nhau sao? – Hoàng Phong đan hai tay vào nhau, đặt phần giao nhau của hai bàn tay lên bàn.
– Thái độ của anh như vậy là sao?! – Duyệt Quân thắc mắc.
– Chả sao cả! – Hoàng Phong vẫn trả lời một cách bất cần.
– Tôi không nghĩ anh lại vô trách nhiệm như thế! Việc này, chính anh là người khơi mào mà? – Duyệt Quân gắt gỏng.
– Thì sao?!
– Thì… anh phải giải quyết cho đến cùng chứ?!
– Vậy theo cô, đến cùng là sao? Là đưa Miên Tú trở về, rồi tôi lại tiếp tục làm chồng cô ta hả?
– …
– Cô không có quyền chỉ trích tôi! Tôi không có nghĩa vụ phải nghe theo sắp đặt của ai hết!
– Nhưng, từ đầu…
– Không nhưng nhị gì cả! Cô muốn giữ người yêu thế nào, đó là chuyện của cô! Đừng lôi kéo tôi vào chuyện tình yêu vớ vẩn của các người! – Hoàng Phong đặt thẳng chân xuống đất, toan đứng dậy.
– Tôi không lôi kéo ai cả! Tất cả là do anh! Anh ép tôi phải tổn thương người tôi yêu! – Duyệt Quân lớn giọng, khan hơn.
– Cô tự hỏi lòng mình đi! Nếu cô không muốn, tôi ép cô được không?! – Hoàng Phong ngừng lại, trả thân hình về tư thế ban đầu, cười khẩy.
– Loại người như anh, biết gì về tình yêu mà lên án tôi chứ?!
– Tôi là loại không biết gì về tình yêu, vậy, cô biết ư?! – Hoàng Phong chầm chậm xoáy cái nhìn lạnh băng của mình vào Duyệt Quân.
Duyệt Quân khựng lại. Hoàng Phong vừa nói gì vậy?! Ai cho anh ta cái quyền đánh đồng Duyệt Quân với anh ta? Sao anh ta dám nghĩ rằng cô là người không biết yêu cơ chứ? Không, cô yêu Trần Kha, đó rõ ràng là tình yêu và chẳng ai có quyền nói sai đi cả! Anh ta có quyền gì mà áp đặt suy nghĩ cay nghiệt của mình lên Duyệt Quân? Anh ta hiểu được tình yêu là gì không mà dám lên án Duyệt Quân cơ chứ?! Anh ta đã từng yêu ai chưa? Duyệt Quân muốn giành lại Trần Kha thì có gì là sai đâu? Trần Kha vốn là của Duyệt Quân, con người Trần Kha, trái tim Trần Kha, sự yêu thương của Trần Kha, vốn là của Duyệt Quân. Duyệt Quân không muốn cô đơn, đau thương một mình như những tháng ngày vừa qua nữa. Duyệt Quân chỉ muốn rúc trong vòng tay Trần Kha, để có được những đêm yên bình, những ngày vui vẻ, hạnh phúc như đã từng thôi, cô đâu đòi hỏi gì quá cao siêu, quá lớn lao. Vậy mà, chỉ ngần ấy thôi, cũng không được. Là Miên Tú! Tất cả là tại Miên Tú, chính nó đã cướp hết mọi thứ của cô. Làm cho tất cả những hy sinh của Duyệt Quân trở thành con số không tròn trĩnh. Chính Miên Tú cũng đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tình – Duyệt Quân ngỡ sẽ còn đường cứu vãn – của cô và Trần Kha.
Sau tất cả những gì bản thân đã cố gắng, đáng lẽ ra Duyệt Quân phải được hạnh phúc với Trần Kha. Đó là điều hiển nhiên. Cuộc tranh giành nào cũng phải có đích đến, có kẻ được, người mất… Có thể hiện tại, Trần Kha sẽ đau khổ một chút vì mất Miên Tú, nhưng Trần Kha còn bao nhiêu ngày tháng nữa để cùng Duyệt Quân vui vẻ, hạnh phúc. Đâu phải chỉ mỗi Miên Tú có thể đem lại hạnh phúc cho Trần Kha?! Duyệt Quân cũng có thể, như cô đã từng. Lấy lại những thứ rơi vào khái niệm “đã từng” có thể khó, nhưng không phải là không thể; chỉ là nó có đáng hay không mà thôi?! Và với Duyệt Quân thì đây là điều đáng hơn tất cả mọi điều đáng có trong cuộc đời.
Duyệt Quân thoáng giật mình với những suy nghĩ vừa xuất hiện trong đầu… Có thật là Duyệt Quân thừa biết, nếu mất đi Miên Tú, Trần Kha sẽ rất đau lòng, nhưng cô vẫn cố tình đẩy Miên Tú ra khỏi Trần Kha, cố tình làm cho Trần Kha phải đau đớn như những ngày tháng Trần Kha đau đớn vì sự ra đi của Duyệt Quân? Duyệt Quân tự vấn bản thân, từ khi nào, cái ham muốn chiếm hữu đó lại lớn hơn cả tình yêu Duyệt Quân đã dành cho Trần Kha trước đây? Duyệt Quân tự vấn bản thân, có khi nào sự ích kỷ đó nhen nhóm trong đầu chưa, rồi dường như… câu trả lời là có.
Thái độ của Duyệt Quân chứng tỏ những lời Hoàng Phong nói là đúng. Hoàng Phong không có nhiều kinh nghiệm yêu, có thể nói là chưa từng yêu, nhưng chẳng phải trên báo, đài vẫn thường ca tụng tình yêu theo một kiểu mà Hoàng Phong cho rằng nó hết sức tốn thời gian và ngu dốt, bởi, yêu là phải hy sinh, là mong muốn người kia hạnh phúc mặc kệ mình đau khổ. Hoàng Phong từng bật cười vì những lý thuyết sáo rỗng ấy cho đến khi nhìn thấy Bá Lâm yêu Trần Kha một cách điên cuồng, khờ dại, rồi cứ hy sinh nhiều năm trời để mong Trần Kha hạnh phúc. Hoàng Phong chợt hiểu những lý thuyết đó không phải tự nhiên mà có, nó vốn xuất phát từ đời thực, từ những con người đang yêu kia, từ những cảm giác, hành động được ai đó cô đọng thành câu, thành chữ, rồi truyền bá rộng rãi, cổ xúy cho thứ tình cảm luôn làm tốn nhiều thời gian của mọi người, ấy thế mà không ít con người thèm khát và mong muốn sở hữu nó.
Hoàng Phong rút ví, lấy một tờ tiền – có lẽ đủ trả cho tách cà phê nguội lạnh của Duyệt Quân và tách cà phê còn đang phảng phất chút khói vừa được đặt xuống bàn kia, để lại trên bàn rồi đứng dậy, đi thẳng ra ngoài, mặc cho Duyệt Quân đang vật vã với suy nghĩ hỗn loạn của cô. Việc mời Duyệt Quân hay bất kỳ một người nào khác một ly nước không quá khó với Hoàng Phong, chỉ là lúc này, thật sự Hoàng Phong không hề muốn, thế nên cảm giác như anh ta vừa móc ra cả gia tài đặt lên bàn vậy; nhưng ngay lập tức cái phong độ đàn ông trong anh nhanh chóng chiến thắng sự chán ghét và miệt thị dành cho cô gái đối diện – anh đã hành động đúng như một kẻ ở tầng lớp thượng lưu, và tiền bạc đơn giản chỉ là một con số. Có thể, Hoàng Phong ghê tởm Duyệt Quân, nhưng những gì cô ta chứng tỏ được trong thời gian qua, Hoàng Phong không thể nào phủ nhận hoàn toàn, rằng, Duyệt Quân thật sự có năng lực, thật sự có tầm nhìn và có cá tính; và Hoàng Phong cũng từng si mê Duyệt Quân như bao người phụ nữ thông minh khác. Chỉ là, khi nhận ra, Duyệt Quân không như những cô gái luôn vây quanh mình, Duyệt Quân không tìm kiếm tình yêu với một người đàn ông, Hoàng Phong thất vọng, ghê tởm, rồi những điều tốt đẹp anh đã từng cảm nhận kia nhanh chóng bị lấn át bởi cái nhìn tiêu cực không khác người đời là bao.
*
Trần Kha đi trên tấm thảm hoa văn cầu kỳ được trải dọc theo hành lang rộng rồi rẽ vào một lối hẹp – hẹp so với hành lang khi nãy, và so với thiết kế của ngôi biệt thự, nhưng thật ra nó vẫn đủ chiều rộng cho ba người có thể cùng lúc đi song song nhau – với điệu bộ khá bình tĩnh. Thi thoảng, Trần Kha đảo mắt, ngó quanh quất. Ngôi nhà thật sự quá rộng với số lượng người như thế.
*
Từ lúc bước vào cánh cổng sắt cao đen mang nhiều hơi hướm đe dọa, Trần Kha thật sự không thể cưỡng lại sức hút của nơi này; dẫu đây là nơi mà cô không nên để mình bị chi phối bởi bất kỳ lý do gì. Nhưng quả thật, sự rộng lớn của khu vườn với thảm cỏ xanh mướt mát được cắt tỉa tỉ mẩn như tính trên từng đầu ngọn cỏ, đến vô số những loại cây cảnh trông có vẻ lạ, hiếm và đắt tiền được bố trí theo một quy luật nào đó… khiến Trần Kha không thể cứ dửng dưng mà đi qua. Cô trầm ngâm một lát trước lối đi được tạo nên bởi những phiến đá trơn nhẵn, xếp đặt tự nhiên giữa thảm cỏ xanh – chắc chắn đây không phải là lựa chọn khôn ngoan cho một người đang vội. Thêm một đoạn di chuyển nữa, ở gần cuối góc vườn, cây cổ thụ sừng sững đứng, điềm nhiên vươn cành làm giá đỡ cho chiếc xích đu trắng, cạnh bên hồ nước nhân tạo… Thật là tuyệt tác phong thủy! Trần Kha không thể không dừng lại trầm trồ, ngưỡng mộ chủ nhân khuôn viên này.
Tòa biệt thự trắng nằm chếch một góc nghiêng tính từ gốc cây cổ thụ. Chỉ vài bậc thang không quá cao nhưng đủ để người nhìn cảm giác được sự ngạo nghễ của công trình kiến trúc xứng đáng được gọi là siêu phẩm ấy. Lan can hình vòng cung giữ mớ hoa dâm bụt đang cố choài mình về phía cầu thang – một kiểu nhắc nhở về sự chừng mực thật sự tinh tế. Trần Kha cẩn trọng bước từng bước; lên đến khoảng sân rộng, cô đưa mắt nhìn những vòm kính lớn – bắt từ đất đến gần hết chiều cao của tòa nhà – rồi lại hướng mắt về cửa chính. Mọi thứ đều lặng im. Cánh cửa lớn lặng thinh khép chặt, chẳng có vẻ gì là sẵn sàng đón khách cả! Hẳn nhiên thôi! Lúc này, nên là thế!
Trần Kha và Bá Lâm được một người đàn ông mặc vest đen đón và hướng dẫn rẽ sang phải, đi vào một căn phòng lớn ở cuối hành lang, băng qua khá nhiều cánh cửa phòng đang đóng im ỉm.
*
Trần Kha thoáng bối rối khi giáp mặt một nữ giúp việc có thân hình khá giống mình – dong dỏng cao và có phần cứng nhắc so với một phụ nữ. Nhưng chỉ thoảng qua thôi, vì ngay lập tức, Trần Kha để tâm đến bộ quần áo trên người cô gái đối diện – áo xám suông, cổ đứng, viền tay và vạt áo màu đen, tiệp màu với hàng nút vải tết theo kiểu Trung Hoa; chiếc quần đen được thiết kế đủ rộng để thoải mái di chuyển và không gặp trở ngại trong khi làm việc. Một kiểu đồng phục cổ điển và gọn gàng, quan trọng là phù hợp với phong cách bài trí ngôi nhà của gia chủ.
– Xin lỗi! Cô cần gì ạ? – Nữ giúp việc lên tiếng hỏi Trần Kha với thái độ lịch sự và lễ phép.
– Tôi tìm nhà vệ sinh! – Trần Kha nhanh nhảu trả lời.
– Dạ! Hướng… – Cô gái xoay người về phía vừa đến, nâng cánh tay lên.
Trần Kha lập tức đỡ lấy thân hình cô gái vừa ngã khụy xuống sau cú đánh thẳng vào huyệt Á Môn. Trần Kha vội vàng đưa ngón tay trỏ vào phía dưới hai cánh mũi cô gái để kiểm tra xem cô ấy còn thở không. Vốn Trần Kha luôn tin tưởng vào khả năng kiểm soát sức mạnh của mình. Nhưng trong lúc cấp bách này, Trần Kha cũng khó lòng mà bỏ mặc sống chết của người khác, đặc biệt là họ vô tội. Có những thứ đã là tính cách, là bản chất thì khó có thể thay đổi được. Trần Kha mở vội cánh cửa bên tay phải, nhấc bổng cơ thể của cô giúp việc vào trong. Lát sau, Trần Kha trở ra với bộ đồng phục của cô gái nọ.
Lúc này, Trần Kha tự tin hơn trong việc tìm kiếm Miên Tú mà không sợ đánh động đến quá nhiều người. Trần Kha rảo bước về phía cô gái vừa nãy đến. Có điều gì đó mách bảo, theo lối đó, Trần Kha sẽ tìm được Miên Tú. Thấp thoáng cuối hành lang, Trần Kha nhìn thấy hai người đàn ông mặc quần áo đen, mang kính đen đứng ngay cửa ra vào, dáng điệu trang nghiêm, không động đậy. Phải chăng, đó là nơi họ đang giam giữ Miên Tú? Nếu không phải thì sao?! Bởi, không có lý do gì chắc chắn cho suy nghĩ của Trần Kha cả. Trần Kha cứ đứng từ phía xa, quan sát và tự hỏi mình phải làm gì để tiếp cận nơi đó. Đánh nhau ư?! Có lẽ, họ không phải là đối thủ của Trần Kha, nhưng đánh nhau, thì sẽ kinh động đến nhiều người, làm sao Trần Kha có thể đưa Miên Tú ra khỏi đây một cách êm thấm như Trần Kha muốn được. Mà, nếu đó không phải nơi họ giam giữ Miên Tú thì sao?! Trần Kha có nên tiếp cận không?!
– Sao không đi làm việc? Đứng đây làm gì? – Một giọng nữ lớn tuổi cất lên cùng cái đặt tay bất ngờ, mạnh bạo lên vai làm Trần Kha giật nảy người, xoay lại.
– Dạ… – Trần Kha ú ớ khi nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi đang cố nheo mắt nhìn mình.
Dường như người phụ nữ không nhìn rõ mặt Trần Kha, chỉ nói theo phản xạ. Quần áo của bà khác hẳn bộ quần áo Trần Kha đang mặc trên người. Từ đường nét, hoa văn đến chiếc váy đen thay cho quần, Trần Kha đoán người này có lẽ là quản gia, hay một chức vụ gì đó cao hơn cô gái kia. Không đợi Trần Kha trả lời, người phụ nữ lên tiếng.
– Tôi đã nói bà chủ ra lệnh phải tránh xa chỗ này! Sao cô cứ rình mò hoài vậy? Cô muốn bị đuổi việc phải không?
– Dạ không ạ! – Trần Kha lí nhí, cố để giọng nói của mình không quá rõ ràng.
– Đi làm việc đi! – Người phụ nữ cố xua Trần Kha đi.
Trần Kha bước đi, rẽ hẳn qua ngã ba của hành lang, đứng lại đó, dựa sát vào khoảng trống thụt vào của vách tường nơi đang treo bức tranh phong cảnh có vẻ đắt tiền. Dưới bức tranh là một cây tiêu ngọc được đặt vững vàng trên một bệ đỡ bằng gỗ, tiệp màu với chiếc bàn gỗ khá sang trọng.
“Bà chủ ra lệnh phải tránh xa chỗ đó”? Có nghĩa Miên Tú rất có thể ở bên trong? Nhưng đã có gì chắc chắn đâu, có khi, đó chỉ là một căn phòng chứa đồ quý giá hay một thứ gì đó quan trọng mà gia chủ không muốn người hầu bén mảng? Người giàu có, họ thường có những suy nghĩ, hành động khó hiểu. Trần Kha cũng không muốn tìm hiểu nhiều. Vừa dợm bước đi thì Trần Kha khựng lại, khi nghe tiếng ai đó cất lên.
– Cô chủ cả tuần rồi không ăn uống gì hết! Không biết cầm cự được bao lâu đây! Có khi nào…
– Suỵt! Nói bậy bạ! Tới tai bà chủ đi… rồi thấy cảnh!
– Ờ! Ờ!… Thôi đi lẹ đi! Bà chủ mà thấy tới lui ở đây thì mệt nữa!
Hai người giúp việc đi thẳng qua lối giao với nơi Trần Kha đang nép mình. Họ đang giữ Miên Tú ở đó! Chắc chắn là vậy! Trần Kha phải làm sao?! Bằng mọi giá, Trần Kha phải đưa Miên Tú ra khỏi đây, dù bằng cách gì đi nữa. Nhưng, hiện tại, Trần Kha đang rối bời khi biết tình trạng của Miên Tú qua cuộc đối thoại của hai người giúp việc vừa rồi. Miên Tú đang kiệt sức, không ăn uống nhiều ngày, làm sao có thể cầm cự nổi. Miên Tú vốn đã không khỏe, tình trạng này sẽ càng làm Miên Tú kiệt sức. Nghĩ đến đây, tim Trần Kha thắt lại… Trần Kha hiểu, lúc cấp bách này, cô không được như thế! Càng như thế là càng kéo dài thời gian nguy hiểm của Miên Tú. Trần Kha phải bình tĩnh, phải thật bình tĩnh để tìm cách đưa Miên Tú về với Trần Kha, về với cuộc sống bình yên như những tháng ngày vừa qua.
Đang lúc loay hoay suy nghĩ, Trần Kha liếc nhanh vào cánh cửa phòng hé mở, bắt gặp chiếc ly sứ vằn vện hoa văn màu xanh dương được đậy kín, đặt trên chiếc tủ đầu giường.
*
– Đi đâu?! – Người đàn ông đứng bên trái đưa tay ra chặn Trần Kha lại.
– Bà chủ sai tôi mang trà sâm tới! – Trần Kha giơ chiếc ly sứ lên, bình tĩnh nói.
– Tôi chưa gặp cô bao giờ? – Người đàn ông còn lại thắc mắc.
– Tôi mới tới làm việc hôm qua, mọi người đang bận lo tang lễ cho ông chủ! – Trần Kha lấp liếm.
– Đưa đây! – Người đàn ông toan giật lấy chiếc ly trên tay Trần Kha.
– Bà chủ dặn tôi phải đút cho cô chủ uống! – Trần Kha rụt chiếc ly khỏi tầm với của anh ta, nhưng lại tức thì chìa ly nước về phía trước. – Mà thôi! Anh làm cũng được! Tôi đỡ phải mệt!
Hai người đàn ông nhìn nhau, rồi nhìn Trần Kha. Có vẻ rụt rè, rồi người đàn ông chủ động mở cửa cho Trần Kha vào.
*
Chân run rẩy, Trần Kha như muốn khụy xuống khi thấy Miên Tú đang nằm trên giường, chăn đắp ngang ngực, mặt gầy mọp, xanh xao, cộng thêm đôi môi tái nhợt. Lòng dạ Trần Kha như bị thiêu đốt trong ngàn ngọn lửa. Trần Kha cảm nhận được thân nhiệt của mình tăng nhanh. Giá mà, Trần Kha nhận ra mọi thứ sớm hơn. Giá mà, khi biết mọi chuyện, Trần Kha thẳng thắn chia sẻ cùng Miên Tú, đừng âm thầm yêu thương, đừng âm thầm che chở, không để Miên Tú ra đi. Giá mà, Trần Kha tìm được Miên Tú sớm hơn… Trần Kha đặt chiếc ly xuống bàn bên cạnh cửa ra vào, bước nhanh tới bên giường.
*
Miên Tú hít thở từng hơi nặng nhọc. Miên Tú thừa hiểu tình trạng hiện tại của mình. Miên Tú thừa biết, sức khỏe của bản thân không thể chịu đựng việc không ăn, không uống nhiều ngày. Nên Miên Tú chọn cách này, mà, thật ra, nếu không phải cách này, Miên Tú cũng sẽ chọn một khác nào đó – khác về mặt hành động, nhưng vẫn chung một tính chất tự hủy hoại mình mà thôi. Chỉ là, nó là cách khả thi nhất trong thời điểm hiện tại. Miên Tú không thuộc tuýp người cam chịu, chấp nhận tất cả những gì con sóng dữ mang tên số phận đổ ầm vào đời mình rồi cuốn phăng mọi thứ đi. Mà, không đúng! Không hoàn toàn đúng! Miên Tú đã từng sống trong con sóng dữ đó rất nhiều năm. Miên Tú chấp nhận nó như một phần của cuộc đời mình, để rồi nhận ra, có hoàn toàn chấp nhận, chịu đựng, thì đó cũng chỉ là một sự đè nén; đến một ngày, Miên Tú cũng phải bật ra, vùng dậy và thoát ra khỏi số phận – điều Miên Tú luôn tự trấn an rằng, từ khi sinh ra, cô đã được định sẵn phải chấp nhận.
Đến lúc, Miên Tú không muốn tiếp tục cuộc sống với vai trò của một món đồ vật dùng để đổi chác – đúng nghĩa là đổi chác. Điều mà bất kỳ giây phút nào – khi còn ở trong ngôi nhà này – Miên Tú chưa từng nghĩ dám cho phép mình quên, có chăng cũng chỉ là việc vin vào những con người đang trông đợi cái kết quả từ giá trị mà cô mang lại, rằng ừ vì cha, vì mẹ, vì cơ ngơi của gia đình, vì sự sống còn của ngôi biệt thự hoành tráng này, cùng chén cơm, manh áo của bao nhiêu con người đã và đang cúc cung tận tụy với gia đình cô từ nhiều năm qua. Miên Tú chấp nhận việc có trách nhiệm với nhiều con người hơn ngoài cha mẹ. Rồi đến khi Miên Tú thật sự muốn chối bỏ cái trách nhiệm không cần thiết đó, chạy trốn tất cả để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Có đôi lần, Miên Tú tự hỏi… liệu việc mình hạnh phúc kia, có gián tiếp làm cho nhiều người trở nên đau khổ không?!
Miên Tú chọn ở bên Trần Kha. Miên Tú chọn hạnh phúc lớn lao mà Trần Kha đem đến cho Miên Tú. Sự lớn lao này không bao giờ đánh đồng với những thứ to lớn, hoành tráng của vật chất được, với Miên Tú, trái tim của Trần Kha, tình yêu của Trần Kha quý giá hơn hết thảy mọi thứ trên đời này. Trần Kha chọn một cô gái không thân phận, không gia đình, không gì cả để yêu… mà, như Trần Kha nói, Trần Kha cũng chẳng phải chọn Miên Tú, đơn giản chỉ là Trần Kha yêu Miên Tú, thế thôi! Trần Kha cũng chưa từng gặng hỏi Miên Tú bất cứ điều gì. Trần Kha có quan niệm về tình yêu kỳ lạ lắm! Trần Kha nói, yêu đâu thể nào rõ ràng như điều tra vụ án, phải truy cho bằng cùng tất cả mọi thứ, chỉ một điều duy nhất cần rõ ràng, đó là tình cảm của đối phương dành cho mình mà thôi! Miên Tú luôn bật cười trước những khái niệm rất Trần Kha. Dường như, chỉ mình Trần Kha nghĩ ra những điều buồn cười đó, trong khi những người khác phải nghĩ về kinh tế, về gia cảnh, về nhan sắc, về tình dục rồi sau cùng mới tới tình cảm. Trần Kha thì ngược lại hoàn toàn, chỉ cần yêu, yêu thôi, với Trần Kha, trái tim của Miên Tú, tình yêu của Miên Tú mới là quan trọng nhất.