Bạn đang đọc Không gia đình: Chương 07
Chương 07 – Học vỡ lòng
Những nghệ sĩ đại tài của ông Vitali – tôi muốn nói những con chó và khỉ – nhưng những tài hoa đó không được thay đổi và biến hóa. Khi chúng diễn xong ba hay bốn trò, thì người ta biết hết chương trình. Mà chúng chỉ có thể diễn đi diễn lại những trò đó thôi. Vì thế, không thể lưu lại lâu ở một tỉnh nào. Ở Utxen được ba ngày, chúng tôi lại phải tìm đi nơi khác.
– Thưa thầy, bây giờ đi đâu?
Tôi đánh bạo hỏi thầy tôi như thế. Thầy tôi nhìn tôi và trả lời:
– Con không biết vùng này à?
– Không.
– Thế sao con lại hỏi bây giờ đi đâu?
– Để biết.
– Biết cái gì?
Tôi bí quá, nhìn con đường trắng xóa trước mặt dài dằng dặc vào tận một thung lũng sâu và rậm rạp, không tìm được câu trả lời.
Thầy tôi nói tiếp:
– Nếu ta bảo con là chúng ta đến Oriăc, để đi Boocđô, rồi từ Boocđô lại Pyrênê, thì con có hiểu gì không?
– Thế thầy biết rõ miền này à?
– Ta chưa đi qua bao giờ.
– Thế sao thầy cũng biết những nơi chúng ta phải đi?
Thầy tôi nhìn tôi một lúc lâu như muốn tìm hiểu điều gì trong lòng tôi. Đoạn thầy tôi hỏi tôi:
– Con không biết đọc phải không?
– Không ạ.
– Con có biết thế nào là quyển sách không?
– Có. Người ta thường mang sách đến nhà thờ để đọc kinh, khi người ta không niệm bằng tràng hạt nữa, con đã được nhìn thấy nhiều sách, những sách đẹp, trong có ảnh, ngoài bọc da.
– Tốt. Vậy con có hiểu người ta đã in vào trong sách những câu kinh không?
– Có ạ.
– Người ta có thể viết những điều khác nữa vào trong sách. Khi con niệm tràng hạt thì con đọc lại những tiếng mà mẹ con đã rót vào tai con. Những tiếng đó từ tai con xếp vào óc con, để rồi khi con niệm, thì những tiếng đó xuống đầu lưỡi con và ra trên môi con. Còn như những người đọc kinh bằng sách thì họ không rút những tiếng ở trong óc họ ra. Họ dùng mắt để lấy những tiếng đó đã in sẵn trong sách. Thế nghĩa là họ đọc đấy.
Tôi mừng quá, như một người không ngu ngốc nữa, đã hiểu thấu những điều người ta nói ình hay, liền nói: Con đã trông thấy người ta đọc sách.
Thầy tôi nói tiếp:
– Người ta đã làm sách chép kinh, thì người ta cũng có thể làm sách chép những điều khác được. Ta cũng có một quyển sách, khi nào rỗi sẽ đưa con xem. Ta sẽ tìm thấy trong sách đó những chuyện của những tỉnh mà ta đi qua. Những người đã ở đây hay đã đi qua những tỉnh đó đã “để” vào trong cuốn sách của ta những điều họ đã trông thấy hay đã nghe thấy. Ta chỉ việc mở cuốn sách của ta ra đọc và biết được những tỉnh đó. Ta biết chuyện các nơi đó chẳng khác chi có người kể lại bên tai cho ta nghe vậy.
Tôi vốn sống ở nơi quê mùa, nên không có ý niệm gì về đời sống văn minh. Những lời nói đó của thầy tôi đã chiếu rọi vào óc tôi trước còn lờ mờ, sau sáng sủa dần. Thực ra mẹ tôi cũng đã cho tôi đi học nhưng chỉ học được một tháng thôi. Trong tháng đó, người ta không hề đặt quyển sách vào tay tôi, cũng không hề dạy tôi tập đọc hay tập viết. Tóm lại người ta không hề dạy tôi một bài học nào bất cứ dưới hình thức nào.
Không nên đem những tình hình hiện hữu ở các trường học ngày nay mà cho lời tôi nói là vô lý. Vì hồi đó có rất nhiều làng ở nước Pháp không có trường học. Ở những làng có trường học thì các thầy, vì lẽ này hay lẽ khác, nghĩa là các thày không biết gì, hay có biết nhưng còn công việc khác phải làm, các thày chẳng dạy gì cả. Các thày chỉ việc giữ trẻ con khỏi chạy rông, tưởng rằng thế là đủ nhiệm vụ rồi.
Đó là trường hợp thầy giáo ở làng tôi. Không biết thầy có đôi chút học thức không? Có thể có, tôi không dám buộc thày vào tội dốt. Nhưng sự thực là trong suốt thời gian tôi đến nhà ông, ông không hề cho bạn tôi cũng như cho tôi một bài học ngắn nào. Ông vốn chuyên nghề đẽo guốc, nên ông chỉ đẽo guốc. Từ sáng đến tối, người ta thấy thày lúi húi làm bắn chung quanh thày những vỏ bào gỗ dẻ hay gỗ hồ đào. Chẳng bao giờ thày nói với chúng tôi một lời, trừ khi thày hỏi thăm cha mẹ chúng tôi, hay nói về trời rét, trời mưa. Đến việc tập đọc, làm tính, tuyệt nhiên thày không nói một tiếng nào. Về việc này, thày giáo cho cô con gái thay thày để dạy chúng tôi. Nhưng cô này chuyên nghề may thuê, cũng chăm làm như cha. Trong khi thày bào, đẽo, thì cô múa cây kim thoăn thoắt.
Phải làm để sống. Vì chúng tôi cả thảy là mười hai học sinh, mỗi tháng mỗi người phải đóng năm mươi xu. Tổng cộng là sáu phơ răng không đủ nuôi sống hai người trong ba mươi ngày. Những cái guốc và đồ khâu phải bổ sung cho số thu nhập của nhà trường. Vì thế, có đến trường, có đi học, mà tôi không được một chữ nào.
Tôi vừa đi vừa nghĩ. Một lúc lâu, tôi hỏi ông Vitali:
– Học đọc có khó khăn lắm không?
– Khó cho những kẻ tối dạ. Khó hơn nữa cho những kẻ không có chí. Con có tối dạ không?
– Con không biết. Nhưng nếu thày dạy con tập đọc, con chắc rằng con không đến nỗi không có chí.
– Tốt lắm. Chúng ta sẽ học, khi nào có thì giờ.
Khi nào có thì giờ! Sao không bắt đầu ngay từ bây giờ. Tôi không hiểu rằng học đọc cũng khó, có dễ đâu. Tôi cứ tưởng tượng mở quyển sách ra là lập tức đọc được ngay.
Hôm sau, trong khi đi đường, tôi thấy thày tôi cúi xuống đất nhặt một mảnh gỗ mỏng, cát bụi bám gần khắp. Thầy tôi bảo tôi:
– Sách tập đọc của con đây.
Quyển sách sao lại là một mảnh gỗ? Tôi nhìn thầy tôi xem ông có ý chế giễu tôi chăng. Tôi thấy vẻ mặt thầy tôi nghiêm trang, nên tôi nhìn lại kỹ mảnh gỗ thầy tôi vừa nhặt được. Đó là một mảnh gỗ dẻ thôi, dài bằng cánh tay, rộng bằng hai bàn tay, hai mặt nhẵn nhụi. Ở trên không thấy một chữ hay một nét vẽ nào cả. Đọc thế nào trên mảnh gỗ đó? Mà đọc cái gì?
Thầy tôi cười và hỏi:
– Con nghĩ gì thế?
– Thầy định giễu con?
– Con ơi! Không. Sự chế giễu đôi khi cũng tốt là để cải hóa một thói xấu. Nhưng nếu dùng để đùa cợt một người dốt thì lại là vô ý thức. Con hãy đợi khi đến lùm cây ở đằng kia, chúng ta sẽ nghỉ và con sẽ được xem ta dạy con học bằng mảnh gỗ đó.
Chúng tôi rảo bước đến chòm cây. Túi bỏ ra, chúng tôi ngồi trên đám cỏ xanh non, đó đây điểm vài bông cúc trắng. Giôlicơ được tháo xích, trèo tót lên cây, rung hết cành nọ đến cành kia như để làm rụng hạt dẻ. Còn những con chó trầm tĩnh hơn, nhất là nhọc mệt hơn, nằm tròn chung quanh chúng tôi.
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Ông Vitali móc dao trong túi ra, cầm mảnh gỗ, cố tách ra một miếng rất mỏng. Khi tách xong, thầy tôi lấy lưỡi dao cạo nhẵn cả hai mặt. Xong thầy tôi cắt thành từng miếng vuông nhỏ đều nhau, tôi đếm được mười hai miếng.
Tôi chăm chú nhìn thầy tôi làm. Mặc dầu tôi nghĩ nát óc, tôi cũng không thể hiểu với những mẩu gỗ đó, thầy tôi làm sách bằng cách nào. Tôi tuy dốt nát thực, nhưng cũng biết, một quyển phải có những tờ bằng giấy trắng, bên trên có ghi những dấu đen. Bảo là sách thì những tờ giấy đâu? Những dấu đen đen đâu? Thầy tôi nói:
– Đến mai ta sẽ lấy mũi dao khắc trên mỗi miếng gỗ đó một chữ cái. Con sẽ học và nhận mặt từng chữ. Khi con đã thuộc tất cả các chữ không nhầm, con sẽ ghép những chữ ấy lại thành tiếng. Khi con ghép được những tiếng ta đọc cho con theo, thế là con có thể tự mình nhìn trong sách mà đọc được.
Từ hôm đó, trong túi tôi lúc nào cũng chứa đầy những miếng gỗ đẹp. Rồi không bao lâu tôi đã thuộc tất cả các chữ cái. Nhưng biết đọc lại là một chuyện khác. Không phải ngày một ngày hai mà đọc được. Đã có lúc tôi nghĩ mình rất dại, tự nhiên lại xin học chữ.
Muốn cho công minh, tôi phải nói ra rằng không phải vì tôi lười mà tôi nghĩ thế, mà chính là vì lòng tự ái của tôi bị xúc phạm. Vì khi dạy tôi học. Ông Vitali nghĩ rằng cùng một lúc có thể dạy Capi được, vì con chó có thể xem giờ đồng hồ được, thì sao lại không nhận được mặt chữ.
Thế là chúng tôi cùng học chung một bài. Tôi là bạn học của Capi, hay Capi là bạn học của tôi, nói thế nào cũng được. Lẽ dĩ nhiên, Capi không đọc lên được những chữ nó trông thấy, vì nó không biết nói, nhưng khi miếng gỗ bày ra trên cỏ, nó biết lấy chân kéo ra những chữ mà thầy tôi đọc lên.
Buổi đầu, tôi học tấn tới hơn Capi nhiều. Nhưng nếu tôi thông minh hơn nó, thì nó cũng có trí nhớ hơn tôi. Cái gì nó đã thuộc rồi, thì nó nhớ mãi, không bao giờ quên. Vì nó không đãng trí, nên không bao giờ nó ngập ngừng hoặc nhầm lẫn cả. Một hôm tôi đọc sai, thầy tôi nói luôn:
– Capi sẽ biết đọc trước Rêmi.
Con chó nghe thấy, có lẽ nó hiểu nên nó đắc chí vẫy vẫy cái đuôi.
Ông Vitali lại nói:
– Ngu hơn loài vật, trong khi diễn trò thì hay, chứ lúc học mà thế thì xấu hổ lắm.
Tôi bực quá, hết sức chăm chú, không dám sao nhãng phút nào. Ít lâu sau tôi đọc được, khi đó con Capi đáng thương chỉ biết “viết” tên nó bằng cách rút những chữ gỗ trong bảng chữ cái. Ông Vitali hỏi tôi:
– Bây giờ con đọc chữ thông rồi, con có muốn học đọc “nốt nhạc” không?
Đôi khi, ông Vitali có hát. Nghe ông hát lòng tôi rất thích thú, nhưng tôi không biết hát.
– Vậy con muốn hát như ta?
– Ô! Hát như thầy! Hát làm sao được. Con chỉ muốn hát được thôi.
– Con thích nghe ta hát?
– Thích nhất đời! Con họa mi hót đã hay, mà tiếng thầy còn hay hơn, mà giọng hát lại thay đổi luôn. Khi thầy hát lên, thầy có thể sai khiến được lòng con, lúc con muốn khóc, lúc con muốn cười. Và câu này con nói ra thì có lẽ thầy cho con là ngu xuẩn: khi thầy hát giọng êm ái và buồn rầu, nghe những tiếng hát đó tự nhiên con nhớ đến mẹ con, và tưởng chừng như đang ở gần mẹ con, trông thấy mẹ con ở nhà. Tuy nhiên, con vẫn không hiểu những lời trong bài hát đó, vì nó bằng tiếng Ý.
Tôi vừa nói vừa nhìn thầy. Tôi thấy thầy hơi rơm rớm nước mắt. Tôi thôi không nói nữa và hỏi thầy rằng:
– Con nói thế làm cho thầy buồn?
Bằng giọng cảm động, thầy tôi đáp:
– Không, con ạ. Con không làm ta buồn đâu, trái lại, con làm ta nhớ lại thời trai trẻ, những ngày tươi đẹp của ta thôi. Con cứ yên tâm. Ta sẽ dạy cho con biết hát. Vì con là một đứa trẻ có tình cảm, con cũng sẽ làm cho người ta khóc được và con sẽ được hoan hô. Rồi con xem…
Nói đến đây, thầy tôi bỗng ngừng lại. Tôi cho rằng về chuyện này thầy không muốn đi xa hơn nữa. Còn cái lý do làm cho thầy ngừng lời thì tôi không sao đoán được. Mãi về sau này tôi mới được rõ nguyên nhân trong những trường hợp thật đau khổ đối với tôi. Sau này, tôi sẽ xin kể đến việc đó.
Sáng hôm sau, thầy tôi bắt đầu gọt những miếng gỗ vuông và dùng mũi dao khắc những dấu vào các miếng gôc ấy, chẳng khác gì lần trước, để làm sách dạy âm nhạc cho tôi.
Tuy nhiên, công việc lần này của thầy tôi có phần khó khăn hơn, vì những dấu cần thiết để ghi nốt nhạc rất tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều công phu hơn là bảng chữ cái.
Mỗi miếng gỗ gọt nhẵn hai mặt, mặt nào cũng kẻ năm vạch ngang: một mặt ghi khóa sol, một mặt ghi khóa fa. Khi đã làm xong đâu đấy, bài học bắt đầu. Tôi xin thú thực rằng những bài học đó cũng khó vào óc không kém những bài tập đọc. Nhiều lần, ông Vitali vốn là người rất kiên nhẫn với các con vật, đã phải gắt với tôi. Thầy tôi kêu to:
– Với một con vật, người ta có thể chịu đựng được vì người ta biết đó là loài vật; còn con, con làm ta đến chết mất thôi!
Thầy tôi vừa nói vừa giơ hai tay lên trời như khi diễn trò, rồi vỗ đét xuống đùi. Giôlicơ hay có tính bắt chước những cái lạ, liền “rập” đúng cái cử chỉ đó. Nó thường ngồi cạnh nhìn tôi tập hát. Khi tôi ấp úng, nó liền chạy ra, giơ thẳng hai tay lên trời, rồi vỗ đét vào đùi. Tôi bực mình quá nhưng không làm sao được. Đã thế, thầy tôi lại nói thêm:
– Giôlicơ nó cũng giễu con đấy!
Nếu tôi dám, thì tôi đã cãi rằng nó giễu cả thầy lẫn trò đấy. Nhưng phần vì kính trọng, phần vì nể sợ thầy, nên tôi không dám ứng đối thế. Tôi chỉ lẩm bẩm câu đó một mình, mỗi khi con khỉ vừa nhăm nhăn nhó vừa đập tay đánh đét lên đùi.
Không bao lâu, bước đầu đã vượt qua với bao khó nhọc, tôi cầm giấy và đã đọc được những nốt nhạc mà thầy tôi ghi cho tôi.
Hôm đó, thầy tôi không vỗ đùi nữa, mà lấy tay sẽ đập đập vào hai bên má tôi với vẻ trìu mến và tuyên bố rằng nếu tôi tiếp tục học như thế, tôi sẽ trở thành một đại danh ca.
Quý độc giả đã biết, việc học của tôi không phải thực hành trong một ngày mà hàng tuần, hàng tháng với những mảnh gỗ lúc nào cũng chèn đầy trong túi. Hơn nữa, việc học của tôi lại không được đều đặn như việc học của học trò đến trường vào những giờ nhất định. Chỉ có lúc nào thầy tôi rảnh việc thì tôi mới được học.
Mỗi ngày, chúng tôi phải đi cho hết đoạn đường hoặc dài, hoặc ngắn tùy theo những làng ở cách xa hay gần. Chúng tôi phải diễn trò mỗi khi gặp chỗ đông đúc có thể thu được tiền. Chúng tôi phải luyện lại những vai trò cho các con chó và con Giôlicơ. Chúng tôi còn phải nấu cơm bữa sáng, bữa chiều. Xong những việc đó, mới là thì giờ để học chữ hay học nhạc. Nơi dừng chân để học phần nhiều là trong quán chợ, dưới gốc cây hay trên đống đá, lấy bãi cỏ hay vệ đường làm bàn để bày những miếng gỗ. Cách học tập này khác hẳn cách học tập đối với phần đông những trẻ bằng tuổi tôi được đến nhà trường. Chúng tôi không phải làm lụng gì, chỉ có việc học. Thế mà nhiều khi chúng còn phàn nàn là không đủ thì giờ để làm bài. Nhưng có một điều quan trọng gấp mấy thì giờ để học tập, đó là sự chuyên cần. Không phải dành nhiều thời gian để học bài là có thể ghi được bài đó vào ký ức của ta đâu, mà cái chính là tập trung tư tưởng kia.
May cho tôi, tôi đã tập trung hết tấm trí vào việc học không bị thú chơi đùa cám dỗ. Nếu tôi chỉ có việc ngồi trong phòng với hai tay bịt tai, hai mắt dán vào quyển sách như vài đứa trẻ ù lì khác, thì liệu tôi sẽ học được gì? Chẳng được gì cả, vì chúng tôi không có buồng để mà giam mình, và trong khi đi dường, tôi phải luôn nhìn xuống chân cho khỏi vấp ngã.
Thế mà, tôi cũng đã học được đôi điều, đồng thời cũng tập quen đi đường trường, một môn học không kém bổ ích bằng những bài của thầy tôi. Tôi là đứa trẻ yếu ớt khi còn ở với mẹ tôi. Ông Bacbơranh đã kêu tôi là “đứa trẻ tỉnh thành”. Ông Vitali đã chê tôi “chân tay mảnh dẻ quá”, như vậy đủ hiểu tình cảnh của tôi hồi đó đến thế nào.
Ở cạnh thầy tôi, được sống những nơi thoáng đãng, lại được đi nhiều, chân tay trở nên cứng cáp, lồng ngực nở nang ra, da dày dạn nắng gió, vì thế tôi có thể chịu được rét cũng như bức, mưa cũng như nắng, chịu được đau buồn, thiếu thốn, mệt nhọc.
Thời kỳ tập nghề này thực là một may mắn lớn cho tôi, vì nó đã rèn luyện tôi để sau này đủ sức chiến thắng những tai biến hiểm nghèo, ghê gớm dồn dập giáng xuống đầu tôi trong những ngày niên thiếu bơ vơ.