Không gia đình

Chương 04


Bạn đang đọc Không gia đình: Chương 04

Chương 04 – Nhà mẹ tôi
Khi chúng tôi vừa bước chân về đến nhà, thì mẹ tôi hỏi ngay.
– Thế nào? Ông xã trưởng bảo sao?
– Tôi không đến trụ sở xã.
– Sao không đến?
– Không đến, vì tôi gặp mấy ông bạn ở quán cà phê Đức Bà giữ lại ngồi chơi. Khi ở đấy ra thì muộn quá. Để mai đi vậy.
Như vậy, ông Giêrôm đã thôi việc giao dịch với ông già có đàn chó rồi.
Trên đường về, nhiều lần tôi tự hỏi, chắc là lại có mưu mẹo gì đây. Nhưng nghe câu cuối cùng ông vừa nói, thì tôi yên tâm và không ngờ vực gì nữa. Vì ngày hôm sau, chúng tôi lại phải đến trụ sở xã, thì chắc chắn rằng ông Giêrôm đã bỏ việc bán tôi cho ông Vitali.
Mặc dầu ông Giêrôm đã đe dọa tôi, nếu được lúc thuận tiện thế nào tôi cũng kể lại chuyện ẹ tôi nghe. Nhưng suốt cả buổi chiều, ông Giêrôm không đi đâu cả. Tối đến, tôi phải đi ngủ, tiếc không sao có dịp nói với mẹ tôi được.
Tôi lên giường ngủ, định tâm đến hôm sau thế nào cũng nói ẹ tôi hay.
Nhưng sáng hôm sau, khi tôi dậy thì không thấy mẹ tôi đâu cả.
– Mẹ ơi!
– Bà ấy vào làng đến chiều mới về.
Tôi không hiểu sao sự vắng mặt của bà làm cho tôi lo âu ghê gớm. Hôm qua, bà không nói là hôm nay có việc phải vào làng. Sao bà không đợi chúng tôi cùng đi, vì trưa nay ông Giêrôm sẽ đưa tôi đến chỗ xã trưởng? Trước khi chúng tôi đi không biết bà có kịp về không?
Một sự sợ hãi mơ hồ làm hồi hộp trái tim tôi. Không biết rõ cái nguy hiểm đang đe dọa tôi là gì, nhưng tôi cảm thấy có một tai nạn sắp xảy đến cho tôi. Ông Giêrôm cứ chòng chọc nhìn tôi.
Tôi phải ra vườn lánh mặt ông ta.
Cái vườn đó, không to lắm nhưng đối với nhà tôi, rất có giá trị vì chính nó nuôi chúng tôi, trừ lúa mì ra, hầu hết các thức ăn hàng ngày, nào khoai, đậu, nào bắp cải, củ cải trắng, đỏ… Vì thế, không một tấc đất nào bỏ không. Thế mà mẹ tôi cũng dành cho tôi một góc nho nhỏ để trồng những cỏ, những cây, những rêu mà tôi nhặt ở rìa rừng hay ở bờ giậu khi đi chăn bò, tất cả những thứ đó được cắm dày đặc trong góc vườn của tôi.
Vườn của tôi không phải là một hoa viên với những lối đi rải sỏi, với những luống hoa xinh đẹp mà những khách qua đường phải dừng chân bên hàng giậu xén đều để ghé trông. Nhưng tôi thấy nó đẹp và quý nó vì nó là của tôi, của riêng tôi.
Mùa hè trước, tôi kiếm được ít  hạt giống về trồng. Tính đến mùa xuân tới thì mới nở hoa. Nhưng đó là những giống hoa sớm, nên không đợi hết mùa đông, nó đã lần lượt khai hoa. Tính tò mò của tôi lúc này càng được kích thích. Cây trường thọ đã có nụ vàng. Cây tử đinh hương đã đâm mấy cành chi chít những điểm tim tím. Và trong đám lá của cây ngọc trâm nụ trổ lên mấy búp như sắp nở tung ra. Tôi thích thú vô cùng.

Nhưng còn một khoảng vườn mà tôi lưu tâm nhất là chỗ tôi đã trồng một thứ cây lạ, không có ở vùng này, mà người ta đã cho tôi, đó là cây cúc-vu. Người ta đã bảo giống cây này có những củ như khoai tây, nhưng thơm ngon hơn. Những hứa hẹn tốt đẹp đó đã khiến tôi nảy ra một ý là sẽ làm ẹ tôi một bữa phải ngạc nhiên. Vì thế tôi không nói gì ẹ tôi biết. Nó có nảy mầm, mọc lá, mẹ tôi sẽ tưởng là một giống hoa. Rồi đến ngày nào đó có củ, nhằm lúc mẹ tôi vắng nhà, tôi bới lên, làm món súp tân kỳ – tôi chưa nấu súp bao giờ, nhưng chắc cũng dễ – và múc ra đĩa.
Ai sẽ phải ngạc nhiên? Mẹ tôi.
Ai sẽ được vui sướng? Mẹ tôi.
Thế là chúng tôi có một món ăn mới thay ón khoai thường xuyên và mẹ tôi cũng bớt đau khổ về việc bán con Russet tội nghiệp. Người sáng chế ra món ăn đó là tôi, là Rêmi. Như vậy tôi cũng có ích cho gia đình tôi đấy chứ.
Với dự định lớn lao ấy, ai cũng hiểu rằng tôi chăm chú đến cây cúc-vu biết là dường nào. Ngày nào tôi cũng ra xem nó đã mọc đến đâu. Vì tôi nóng lòng chờ đợi, nên thấy nó chẳng lớn được tý nào. Tôi quỳ xuống đất, chống hai tay cúi đầu nhìn đám cây cúc-vu.
Bỗng có tiếng gọi tôi rất gấp. Tiếng ông Giêrôm. Ông ấy muốn gì tôi?
Tôi vội vàng chạy về nhà. Tôi tái mặt lại, khi thấy ông Vitali với đàn chó đứng trước lò sưởi. Tôi hiểu ngay ông Giêrôm muốn gì. Biết là không hy vọng gì ông Giêrôm thường tôi, cứu tôi, tôi liền chạy đến ông già.
– Ông ơi! Ông thương con. Ông đừng bắt con đi.
Rồi tôi òa khóc lên. Ông già nhẹ nhàng bảo tôi:
– Nín đi. Con ơi! Đi với ta, con sẽ không khổ đâu, ta không hay đánh trẻ con. Rồi con có những học trò ta làm bạn, chúng rất vui. Con còn luyến tiếc gì nữa?
– Mẹ tôi! Mẹ tôi!
Ông Giêrôm kéo tay tôi và nói: Dù sao, mày cũng không được ở cái nhà này nữa. Đi với ông già hay đi trại trẻ rơi. Mày chọn đằng nào thì chọn!
– Không! Tôi ở với mẹ tôi.
Ông Giêrôm nổi giận đùng đùng gầm thét:
– À! Mày nhiễu tao có phải không? Nếu mày muốn đánh, để tao đánh ày ngay bây giờ đây.
Ông Vitali can:
– Thằng bé này nó nhớ mẹ nó. Không nên vì thế mà đánh nó. Nó có tình có nghĩa đấy.
– Nếu ông thương hại nó, nó lại gào lên!

– Bây giờ ta thanh toán cho xong đi.
Nói xong, Vitali xỉa lê bàn tám đồng năm phơ răng. Ông Giêrôm vơ luôn bỏ túi.
Ông Vitali hỏi:
– Gói đồ đâu?
Ông Giêrôm đưa một bọc, gói bằng chiếc khăn xanh thắt bốn góc, nói:
– Đây!
Ông Vitali cởi nút mùi khăn xem: trong có hai áo sơ mi và một cái quần vải của tôi. Ông Vitali nói:
– Không đúng như giao ước. Quần áo lành đâu? Đây ông đưa toàn đồ rách.
– Không có đồ nào khác.
– Nếu tôi hỏi thằng này, tất nó sẽ nói là không đúng. Nhưng thôi, tôi không muốn cãi với ông vì tôi không có thì giờ. Tôi phải đi bây giờ. Đi, bé con! À, tên nó là gì?
– Rêmi.
– Vậy Rêmi, hãy cầm lấy gói đồ, đi trước con Capi. Tiến lên trước, tiến!
Tôi khóc và giơ hai tay về phía ông già, rồi về phía ông Giêrôm, nhưng cả hai người đều ngoảnh mặt đi. Tôi thấy bàn tay ông già cầm cổ tay tôi kéo đi. Đành phải đi thôi.
Chao ôi! Ngôi nhà yêu dấu, khi bước chân khỏi cửa, tưởng chừng như tôi đã để lại cả miếng da, miếng thịt của tôi.
Tôi vội nhìn chung quanh, nhưng mắt tôi mờ đi vì giàn giụa nước mắt, tôi chẳng nhìn thấy ai để kêu cứu cả. Không có một ai trên đường và cũng không có người nào ở cánh đồng cỏ gần đó. Tôi cất tiếng gọi:
– Mẹ ơi! Mẹ Bacbơranh ơi!
Nhưng không ai trả lời. Tiếng kêu của tôi nghẹn dần. Tôi phải theo, ông Vitali không buông cổ tay tôi. Ông Giêrôm nói theo:

– Lên đường mạnh giỏi!
Rồi ông ta vào nhà.
Ôi thôi! Thế là hết!
– Rêmi! Con đi đi chứ!
Và bàn tay ông kéo tôi đi.
Lúc đó, tôi đi cạnh ông. May sao ông không bắt tôi đi nhanh và hình như ông theo bước tôi, đi chậm lại.
Con đường chúng tôi đi dần dần lên dốc và theo hình chữ chi. Mỗi một chỗ ngoẹo, tôi lại nhìn thấy chà mẹ tôi nhỏ dần, nhỏ dần đi. Nhiều lần tôi đã đi qua con đường này, nên tôi biết rằng chỉ còn một chỗ ngoẹo nữa là còn trông thấy nhà tôi thôi. Qua chỗ này vài bước, lên tới cao nguyên thì hết, hết cả, không còn nhìn thấy gì. Trước mặt tôi, phong cảnh xa lạ, sau lưng tôi là căn nhà, ở đấy, cho tới ngày nay, tôi đã sống sung sướng, mà rồi đây có lẽ không bao giờ tôi lại được nhìn thấy nữa.
May sao cái dốc đó khá dài. Nhưng đi mãi rồi chúng tôi cũng lên đến đầu dốc. Ông Vitali vẫn nắm cổ tay tôi. Tôi nói:
– Ông cho con nghỉ một chút.
– Được. Con cứ nghỉ đi.
Thế là lẫn đầu tiên ông già buông cổ tay tôi ra. Nhưng đồng thời, ông đưa mắt nhìn Capi và ra hiệu. Con này hiểu ngay. Lập tức, nó bỏ đàn chó và đến ngồi chồm hỗm bên tôi. Tôi hiểu là ông già đã ra lệnh cho con chó gác tôi. Nếu tôi làm một cử động gì để trốn, nó sẽ nhảy vào cắn chân tôi.
Tôi tìm chỗ ngồi trên một thảm cỏ êm. Capi theo sát tôi.
Ngồi trên thảm cỏ tôi đưa mắt tìm nhà mẹ tôi, nước mắt cứ trào ra.
Dưới chân tôi là một thung lũng mà ở đó, chúng tôi vừa đi qua, cánh rừng và cánh đồng cỏ, rồi đến chỗ thấp hơn hiện ra ngôi nhà lẻ loi, cô quạnh của tuổi thơ tôi, ngôi nhà mẹ tôi.
Ngôi nhà đó dễ nhận vì ở giữa đám cây cao, có một làn khói xanh xanh từ mái bếp tỏa lên trên trời và bay về phía tôi ngồi. Không rõ vì quá tưởng tượng hay vì thực sự mà làn khói đó đưa đến bên tôi một mùi quen thuộc của cành sồi. Thứ củi duy nhất mà chúng tôi đã dùng trong suốt mùa đông. Tôi mường tượng như là đang ngồi cạnh bếp nhà tôi, trên chiếc ghế dài, hai chân vùi vào đống tro, gió luồn vào nóc bếp hắt khói vào mặt chúng tôi. Mặc dầu, tôi ở xa và ngồi cao, trông về nhà tôi, mọi vật đều giữ nguyên hình rất rõ, duy có phần bị thu nhỏ đi thôi.
Trên đống phân khô, con gà mái nhà tôi, con gà cuối cùng còn lại, đang đi kiếm ăn, nhưng nó trông nhỏ đi nhiều. Nếu người không biết nó thì cho đó là con chim câu. Đầu nhà, tôi nhìn thấy cây táo thân cong mà tôi vẫn giả làm ngựa để cưỡi. Rồi, bên cạnh dòng suối như một dải bạc trên đám cỏ xanh, tôi nghĩ đến cái rãnh sâu mà tôi đã hì hục, xẻ để chạy cánh cối xay, một thứ chong chóng tôi chế mất bao nhiêu công sức mà nó không sao quay được.
Tất cả mọi vật đều ở chỗ cũ, từ cái xe một bánh của tôi, cái cây làm bằng cành cây của tôi, cái chuồng thỏ khi chúng tôi còn nuôi thỏ, cho đến cái vườn, góc vườn thân yêu của tôi, nhìn rõ mồn một.
Ai sẽ ngắm nó nở những bông hoa xấu số của tôi? Ai sẽ sờ đến khóm cúc-vu của tôi? Chắc hẳn là ông Giêrôm, con người độc ác.
Chỉ bước thêm một bước nữa là tôi mất tất cả những thứ thân yêu đó.
Chợt trên con đường về nhà, tôi nhìn xa xa thấy bóng cái mũ vải trắng. Nó biến vào trong đám cây, rồi lại hiện ra.
Từ chỗ tôi đến đó xa quá, nên tôi chỉ nhìn thấy màu trắng của cái mũ lượn trong đám cành cây như một cánh bướm mùa xuân. Cũng có những lúc lòng người nhìn rõ hơn mắt, dù là những con mắt tinh nhất. Vì thế, tuy đứng xa, tôi biết ngay là mẹ tôi. Phải, chính mẹ tôi đấy. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Ông Vitali chợt gọi tôi:
– Rêmi ơi! Ta tiếp tục đi đi!
– Ôi! Thưa ông, con xin ông cho con…
– Ông Giêrôm nói đúng. Con không có chân. Mới đi có thế đã nhọc. Như thế thì còn làm ăn gì được. Tôi không trả lời. Tôi cứ nhìn về phía nhà tôi.
Chính mẹ tôi. Chính cái mũ vải của bà, chính chiếc áo xanh của bà. Chính bà đó. Bà rảo bước, hình như mong cho chóng về tới nhà. Về đến cổng, bà đẩy cửa vào, đi qua sân rất nhanh.
Tôi liền đứng choàng dậy trên bờ cỏ, không để ý đến con Capi nhảy đến bên tôi. Mẹ tôi không ở trong nhà lâu mà ra ngay và hớt hải chạy ngang chạy ngửa trong sân, hai cánh tay giơ lên thất vọng. Mẹ tôi đang tìm tôi đấy.
Tụ nhiên tôi chồm mình về đằng trước và gào to:
– Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Nhưng tiếng gọi của tôi không xuống tới chân núi, không át nổi tiếng suối rid rào. Nó tắt hẳn trong khoảng không. Ông Vitali hỏi tôi:
– Gì thế? Con điên à?
Không trả lời, tôi đứng trơ, hai mắt dõi sâu về phía mẹ tôi, nhưng mẹ tôi nào có biết tôi còn đang đứng gần mẹ, nên mẹ không ngẩng đầu lên.
Mẹ tôi lại đi qua sân, ra hẳn ngoài đường nhìn tứ phía. Tôi lại gào to hơn, nhưng cũng như lần trước, vô ích thôi. Bấy giờ, ông Vitali nghi hoặc, cũng leo lên trên bờ cỏ chỗ tôi. Ông nhận ngay thấy cái mũ trăng trắng đang cử động. Ông nói một mình:
– Tội nghiệp cho thằng bé!
Nghe câu nói của ông, tôi liền kêu lên:
– Ông ơi! Ông thương con! Ông cho con về với mẹ con.
Nhưng ông cầm cổ tay tôi, dắt xuống và nói:
– Con ơi! Chúng ta nghỉ đã lâu rồi. Bây giờ đi đi.
Tôi định giật tay ông ra, nhưng ông già giữ chặt quá. Ông gọi:
– Capi đâu! Decbinô đâu!
Tức thì, hai con chó đến vây tôi. Decbinô đi trước, Capi đi sau. Đi được vài bước, tôi quay đầu lại. Chúng tôi đã qua đỉnh núi. Tôi không nhìn thấy thung lũng và nhà tôi nữa. Xa xa, chỉ thấy những ngọn đồi xanh lô nhô trên nền trời cao rộng. Mắt tôi nhòa đi trong khoảng không gian vô tận.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.