Bạn đang đọc Không gia đình: chương 12
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE
Chương 12 – Người bạn đầu tiên của tôi
Bà mẹ Actơ là người Anh, tên gọi Miligơn. Bà góa chồng và tôi tin tưởng Actơ là con một của bà – nhưng sau tôi được biết là bà còn có người con đầu lòng bị mất tích trong một trường hợp bí ẩn mà người ta không tìm thấy dấu vết gì. Việc đó xảy ra khi ông Miligơn hấp hối, còn bà Miligơn thì ốm trầm trọng, mê mẩn không biết gì. Khi bà tỉnh dậy thì chồng đã ra người thiên cổ và con cũng biệt tích từ bao giờ. Việc tìm kiếm bà giao cho ông Giêm là em chồng bà. Người ta thấy có sự bất lợi trong sự ủy thác đó, vì nếu chồng bà chết mà không có con thì đến lượt Giêm được thừa hưởng sản nghiệp của người quá cố.
Tuy vậy, Giêm không được quyền thừa kế đó, là vì sáu tháng sau khi chồng mất, bà sinh hạ được một người con trai, đó chính là cậu Actơ bây giờ.
Nhưng đứa con trai đó mảnh dẻ, yếu ớt, khó lòng nuôi được. Các thầy thuốc bảo thế, ngày một ngày hai nó sẽ chết. Đến lúc đó Giêm sẽ đương nhiên được hưởng tước vị và tài sản của anh, vì luật lệ về quyền thừa kế của mỗi nước một khác, nên ở nước Anh, một trong vài trường hợp người anh mất đi, em có quyền thừa kế, người vợ góa phải chịu thiệt thòi.
Cháu trai ra đời làm cho Giêm thất vọng, nhưng không phải tuyệt vọng vì ông ta có thể đợi. Ông ta đã đợi!
Những lời tiên đoán của thầy thuốc không nghiệm. Đứa bé tuy ẻo lả thật, nhưng nó vẫn dai dẳng, không chết, có hy vọng nuôi được. Đó là nhờ lòng hy sinh săn sóc của bà mẹ. Và ơn Thượng Đế, đó cũng là một sự kỳ diệu.
Đã hai mươi lần người ta tưởng nó chết, đã hai mươi lần nó lại được cứu sống Rồi cứ quặt quẹo luôn, có khi hàng trăm thứ bệnh dồn vào mình nó.
Gần đây, nó mắc chứng đau xương hông. Thầy thuốc khuyên đi tắm ở suối nước có chất lưu hoàng. Bà Miligơn không quản ngại, đã sang Pháp tìm đến núi Pyrênê, nhưng dùng nước suối đó vô hiệu. Một danh y lại cho cách điều trị khác là giữ cho thân thể bệnh nhân nằm thẳng, không được bước chân xuống đất. Vì thế bà Miligơn phải đặt làm ở Booc-đô cái thuyền lạ kiểu, mà hiện thời tôi đang nương náu ở đó.
Bà nghĩ không thể giam con mãi trong nhà được. Nó sẽ chết mòn vì buồn và thiếu khí lành. Actơ không đi được thì cái nhà sẽ đi thay cho Actơ.
Người ta đã chế cái thuyền thành một thứ nhà nổi, có buồng ngủ, có bếp, có phòng khách và hiên ngồi hóng mát. Thuyền đó được đặt tên là Thiên Nga. Chính ở trong phòng khách ấy hay ở dưới mái hiên ấy, tùy theo tiết trời, Actơ ra nằm đó từ sáng đến chiều, chuyện trò với mẹ, hay nhìn phong cảnh luôn luôn diễn ra trước mắt, không mất công di chuyển và cũng không phải nhọc nhằn gì. Con thuyền khởi hành từ Boo-đô đã hơn một tháng nay rồi. Sau khi ngược sông Garon, thuyền vào sông Nam. Nhờ sông này, thuyền qua những cừ, những lạch, lượn theo ven bờ biển Địa Trung Hải để đến sông Rôn. Lại ngược sông Rôn và phụ lưu Xôn để sang sông Loa, đến tỉnh Bria thì rẽ vào sông đào tỉnh ấy. Rồi từ sông này vào sông Xen, xuôi xuống hải cảng Ruăng. Ở đó, bà Miligơn cùng con sẽ đáp tàu về Anh.
Hôm tôi xuống thuyền, tôi chỉ biết cái buồng dành cho tôi thôi. Mặc dầu nó dài chừng hai mét, rộng độ một mét, nhưng rất mỹ lệ và sạch sẽ. Đồ đạc trong buồng chỉ có một cái tủ thấp, nhưng cái tủ này chẳng khác gì cái chai của một nhà vật lý học, bên trong chứa đựng không biết bao nhiêu là thứ. Mở nắp tủ ra, người ta thấy một cái giường tủ đệm, gối, chăn. Dưới giường là một ngăn kéo có đủ các thứ dùng cho việc tắm rửa. Dưới ngăn kéo lại có cái ngăn kéo thứ hai chia làm nhiều ô để xếp quần áo. Không có bàn, không có ghế. Nhưng ở đầu giường, có một tấm gỗ xinh xắn, đóng vào bức ngăn, hạ xuống thành cái ghế dựa. Một cái cửa sổ tròn, khoét ra ở sườn thuyền, có cánh lồng kính, dùng để lấy ánh sáng và thay đổi khí trời.
Những bức ngăn, đều bằng gỗ thông sơn bóng. Trên sàn trải một cái khăn bằng vải sơn kẻ ô vuông đen và trắng. Cái buồng này không những đẹp mắt mà còn làm cho lòng tôi thích thú nữa.
Sau khi cởi áo rồi, lên giường nằm, tôi có một cảm giác êm đềm mới. Lần đầu tiên tôi đặt mình trên cái khăn trải giường mịn màng, không cào vào da. Ở nhà mẹ tôi, tôi nằm trên cái khăn bằng gai thô ráp. Đi với thầy tôi, chúng tôi thường ngủ trên rơm, trên cỏ, có khi vào nhà trọ thì chỗ nằm chẳng hơn ổ súc vật bao nhiêu.
Ôi! Cái chăn mềm ấm và thơm tho biết bao! Cái nệm êm ái hơn ổ lá thông đêm trước rất nhiều. Cái tĩnh lặng ban đêm không làm cho tôi lo lắng, bóng tôi cũng không chập chờn như ma nữa! Và cả những ngôi sao nhìn tôi qua cửa sổ, khích lệ tôi và hứa hẹn rất nhiều.
Tuy được ngủ ngon trên chiếc giường êm ấm, tôi không quên dậy sớm, vì tôi vẫn nghĩ đến những bạn tôi không biết đêm qua ngủ nghê thế nào.
Tôi thấy tất cả các bạn tôi đều nằm yên ở chỗ tối qua tôi xếp đặt và ngủ dài như ở nhà mình. Khi tôi lại gần, những con chó thức dậy, vui mừng chạy lại cho tôi vuốt ve. Còn Giôlicơ tuy một mắt đã hé mở, nhưng không cử động và nó cứ ngáy khò khò như tiếng kèn hai ống.
Thấy thế tôi hiểu ngay. Ngài Giôlicơ bản chất hay chạnh lòng, mỗi khi phật ý thì giận rất lâu. Vì hoàn cảnh bắt buộc, hôm qua tôi không để ngài ngủ trong phòng cùng tôi, nên ngài giận và giả vờ ngủ. Tôi không làm sao cắt nghĩa cho Giôlicơ hiểu được rằng tôi buộc lòng phải để cho nó ngủ ngoài sân. Tôi liền bế nó lên tay vuốt ve nó và tỏ lòng áy náy của tôi. Thoạt nhiên, nó cứ hờn dỗi mãi, một lúc lâu, vì tính hiếu động, nó nghĩ đến việc khác rồi ra hiệu cho tôi biết nếu cho nó lên bộ chơi một lúc, thì nó không giận nữa. Lúc đó người lái thuyền đã dậy và đang lau sàn. Tôi nhờ bác ta bắc cầu cho tôi cùng các con vật lên cánh đồng cỏ chơi một lúc.
Tôi chơi đùa với các con chó và Giôlicơ. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi leo cây. Thời giờ đi nhanh quá. Khi chúng tôi trở về thuyền thì hai con ngựa đã buộc dây sẵn sàng vào lệnh chạy. Chúng tôi vội vàng xuống thuyền. Vài phút sau, người chân sào tháo dây ở bờ ra rút cầu. Người kéo thuyền lên mình ngựa. Tiếng dây kèn kẹt: chúng tôi bắt đầu đi.
Đi thuyền mới thú biết bao! Những con ngựa chạy đều trên bờ. Chúng tôi lướt nhẹ nhàng trên mặt nước. Cây côi hai bên bờ chạy lùi về phía sau chúng tôi. Người ta chỉ nghe thấy tiếng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền lẫn tiếng nhạc đồng hồ đeo ở cổ con ngựa ở trên bờ.
Đứng ở trên bao lơn thuyền, tôi nhìn những cây bạch dương, rễ bò trong đám cỏ tươi, lá hiu hiu động trong bầu không khí ban mai tĩnh lặng. Rặng cây bạch dương xếp thành hàng dọc theo bờ sông như một tấm màn màu lục, ngăn ánh nắng xiên khoai, chỉ để lọt qua kẽ lá một vài tia nắng dịu dàng. Mặt sông có chỗ nước đen thẫm như phủ trên những vực sâu, có chỗ nước trong vắt trông rõ cả những viên sỏi bóng loáng và những đám cỏ mịn như nhung dưới đáy sông.
Tôi đang mải ngắm cảnh, chợt có tiếng gọi tôi ở phía sau. Tôi quay lại và thấy cậu Actơ. Người ta đã đưa cậu ra nằm chơi ở đó. Mẹ cậu ngồi bên cạnh. Actơ nói:
– Đêm qua anh ngủ ngon hơn ở cánh đồng chứ?
Tôi chạy lại gần, tìm những câu lễ phép để trả lời cậu và mẹ cậu. Cậu hỏi:
– Những con chó đâu?
Tôi gọi chúng đến. Những con chó vừa đến vừa giơ tay chào; Giôlicơ nhăn mặt cúi đầu. Chúng tưởng sắp có cuộc diễn trò. Nhưng sáng này không phải làm gì cả. Bà Miligơn cho con nằm ở chỗ khuất nắng và bà ngồi bên cạnh. Bà bảo tôi:
– Con đem những con chó và khỉ ra chỗ khác chơi, để chúng ta làm việc.
Tôi theo lời, đưa đàn chó và Giôlicơ ra mũi thuyền.
Cậu bé tàn tật cũng có thể làm việc được sao?
Tôi nhìn thấy mẹ cậu cầm quyển sách đọc từng câu và bắt cậu nhắc lại. Nằm trên tấm ván, cậu miệng lẩm nhẩm nhắc những câu mẹ đọc.
Cậu nhắc khó nhọc lắm, nhắc lại ba tiếng cũng không trơn tru, nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Bà mẹ kiên nhẫn sửa lại nhiều lần những câu sai đó một cách dịu dàng, không kém phần cương nghị. Bà nói:
– Con không thuộc bài ngụ ngôn của con rồi.
Actơ kêu bằng một giọng chán nản:
– Ồ! Hôm nay con đọc sai hơn hôm qua nhiều.
– Con vẫn cố học.
– Và con chẳng thuộc gì cả.
– Con không thể học thuộc được.
– Tại sao?
– Con không biết…bởi vì con không thể học thuộc được…con ốm.
– Óc con không ốm. Mẹ không bằng lòng con không học gì. Con cứ lấy nê ốm mà không học thì lớn lên con sẽ dốt nát. Bà Miligơn tỏ ra nghiêm nghị, nhưng bà nói rất ôn tồn, êm ái:
– Tại sao con chán học bài?
– Thưa mẹ, con không sao học được, quả thật con không sao học được.
rồi Actơ khóc òa lên. Nhưng bà không chuyển lòng mặc dầu bà vẫn thương con. Bà hỏi:
– Hôm nay mẹ định học xong, thì cho con chơi với Rêmi và đàn chó. Nhưng con lại không học thuộc thì chơi làm sao được?
Nói xong, bà đưa sách cho con và bước vài bước định vào trong phòng để mặc cho con nằm trên tấm ván.
Actơ khóc nức nở. Ở ngoài mũi thuyền tôi cũng nghe thấy tiếng nghẹn ngào của cậu.
Bà Miligơn sao lại quá nghiêm khắc với đứa con ốm yếu mà bà thương yêu nhất đời thế? Cậu không thuộc được bài, không phải lỗi tại cậu, mà là do bệnh tật sinh ra. Bà định bỏ con nằm một mình ở đó và không an ủi con lời nào hay sao?
Không. Bà không bỏ con nằm đó. Định vào trong phòng, nhưng bà lại trở lại. Bà nói:
– Vậy mẹ cùng học với con nhé?
– Thưa mẹ, cùng học, vâng.
Bà liền ngồi cạnh con, cầm lấy sách và đọc rất thong thả bài ngụ ngôn chó sói và con cừu non. Actơ theo mẹ nhắc lại từng tiếng từng câu.
Bà đọc như thế ba lần, xong bà trao sách cho Actơ bảo con tập học một mình và bà vào trong thuyền.
Actơ tiếp tục học bài ngụ ngôn. Ở chỗ tôi ngồi, tôi nhìn rõ môi cậu lắp bắp.
Cậu cũng biết nghe lời mẹ và chịu khó đấy chứ!
Nhưng sự chăm chú ấy không được lâu. Lát sau cậu nhìn ra ngoài quyển sách, môi cử động chậm dần, rồi im bặt. Cậu không đọc nữa, không nhẩm nữa. Cậu nhìn quanh nhìn quẩn và trông thấy tôi. Tôi giơ tay làm hiệu, khuyến khích cho cậu tiếp tục học bài. Cậu mỉm cười như để cảm ơn tôi, rồi lại nhìn vào quyển sách.
Nhưng được một lát, cậu lại nhìn ra bờ sông, hết bờ này sang bờ kia.
Lúc đó, tôi vô tình đứng dậy, làm cho cậu để ý nhìn tôi, tôi trỏ vào quyển sách, cậu luống cuống, lại nhẩm bài.
Không may, hai phút sau, có con chim bay vụt như một mũi tên ngang sông, qua đầu thuyền để lại sau nó một vệt màu lam.
Actơ nghển đầu nhìn theo. Khi con trả đã biến rồi, cậu nhìn tôi và nói:
– Anh ơi! Tôi muốn học lắm, nhưng…
Tôi lại gần cậu và nói:
– Bài ngụ ngôn này không khó lắm đâu.
– Ồ! Khó lắm chứ!
– Tôi thấy dễ. Nghe bà đọc ban nãy, tôi đã nhớ cả rồi.
Cậu mỉm cười có ý nghi ngờ.
– Cậu có muốn tôi đọc lại cho cậu nghe không?
– Đọc làm sao được. Cậu cầm sách dò, tôi cố đọc xem có đúng không.
Cậu cầm sách nhìn, tôi đọc lại. Cậu chỉ phải chữa một hai tiếng tôi quên thôi. Cậu nói:
– Thế anh thuộc thực à?
– Không được thuộc lắm. Nhưng bây giờ tôi có thể đọc lại không sai.
– Anh làm thế nào mà thuộc được.
– Tôi nghe bà đọc, nghe một cách rất chăm chú, không để ý hoặc nhìn những vật xung quanh tôi. Cậu đỏ mặt, nhìn ra chỗ khác. Xong, hết thẹn, cậu bảo tôi:
– Tôi đã hiểu cách nghe của anh thế nào rồi. Tôi sẽ cũng nghe như anh. Nhưng anh làm thế nào mà được tất cả những tiếng ngổn ngang ấy trong óc? Nó cứ rối bời trong trí nhớ của tôi.
Tôi đã làm thế nào? Tôi cũng không biết vì không bao giờ tôi để ý đến điều đó. Tuy nhiên, tôi cũng theo kinh nghiệm của tôi, cắt nghĩa cho cậu nghe, tôi nói:
– Bài ngụ ngôn nói về cái gì? Về con cừu. Tôi bắt đầu nghĩ đến những con cừu. Rồi tôi nghĩ đến chúng nó làm gì? “những con cừu đang ở yên lành trong chuồng”. Tôi trông thấy những con cừu nằm và ngủ trong vườn, vì chúng được yên ổn. Và đã nhìn thấy chúng, tôi không quên được nữa.
Cậu nói:
– Phải đấy, tôi cũng trông thấy chúng: “những con cừu ở yên trong chuồng”. Tôi trông có con trắng, có con đen, tôi trông thấy cả những con cừu cái, cừu con. Tôi trông thấy cả chuồng rào giậu thưa.
– Như vậy cậu không quên được nữa chứ?
– Ồ! Không quên được.
– Thường thì ai giữ việc chăn cừu?
– Những con chó.
– Khi chúng không cần coi cừu, vì những con này đã được an toàn thì chúng làm gì?
– Chúng chả làm gì cả.
– Lúc đó chúng có thể ngủ được. Vậy ta nói: “những con chó nằm ngủ cả”.
– Chính thế! Dễ quá.
– Có phải dễ lắm không? Bây giờ, ta nghĩ đến cái khác. Ai thường coi cừu cùng với chó?
– Người chăn cừu.
– Nếu những con cừu được yên lành, người chăn cừu ngồi rôi, thì anh ta dùng thì giờ để làm gì?
– Để thổi sáo.
– Cậu có nhìn thấy không?
– Có.
– Vậy anh ta ở đâu?
– Dưới bóng cây du to.
– Anh ta chơi một mình phải không?
– Không. Anh ta chơi với những anh chăn cừu láng giềng khác.
– Bây giờ cậu đã trông thấy cừu, thấy chuồng, thấy chó và người chăn cừu. Vậy có thể nhắc lại không sai đoạn đầu bài ngụ ngôn được không?
– May ra thì được.
– Cậu cố nhắc lại xem.
Nghe tôi nói và cắt nghĩa bài học như thế nào cho chóng thuộc, Actơ nhìn tôi vừa cảm động vừa e sợ vì không tin điều tôi nói là thật. Tuy nhiên, sau vài giây ngập ngừng, cậu nhất định đọc:
– “Những con cừu ở yên lành trong chuồng. Những con chó nằm ngủ cả. Người chăn cừu ngồi dưới bóng cây du đang thổi sáo chơi cùng các bạn khác”. Xong cậu vỗ tay reo:
– Tôi thuộc hết, không sai chữ nào!
– Vậy cứ theo cách đó, cậu học các đoạn sau.
– Ừ! Với anh tôi tin rằng tôi có thể học thuộc hết được. A! Mẹ tôi sẽ sung sướng biết bao.
Rồi cậu theo cách học đoạn đầu, cậu tiếp tục đọc các đoạn sau.
Không tới mười lăm phút, cậu thuộc hết và đọc rất trôi chảy. Khi cậu đọc vừa xong, thì mẹ cậu ở trong ra, đứng sau chúng tôi.
Thoạt tiên, bà có ý không bằng lòng, tưởng chúng tôi họp nhau để chơi, nhưng Actơ không để bà hỏi, nói luôn:
– Mẹ ơi! Con thuộc rồi! Chính Rêmi đã dạy con học đấy!
Bà Miligơn ngạc nhiên nhìn tôi. Bà định hỏi tôi thì Actơ không chờ mẹ bảo, đọc luôn bài ngụ ngôn một mạch, không ngập ngừng và không sai chữ nào, đôi mắt sáng ngời đắc thắng.
Trong khi đó, tôi nhìn bà Miligơn, gương mặt kiều diễm của bà tươi hẳn lên, hai mắt long lanh ướt. Bà cúi xuống ôm lấy con hôn, không biết bà có khóc không. Actơ nói với mẹ:
– Những chữ suông không nghĩa lý gì, nhưng những vật thì người ta nhìn thấy. Rêmi bảo con nhìn thấy người chăn cừu với cây sáo của anh ta. Khi con học con không nghĩ tới mọi thứ chung quanh con, con chỉ nhìn thấy cây sáo của người chăn cừu và con nghe thấy cả điệu sáo thổi nữa. Mẹ muốn nghe con hát điệu đó không?
Rồi cậu hát, một bài điệu hơi buồn bằng tiếng Anh.
Continue……