Đọc truyện Không Có Ngày Mai – Chương 19
TÔI VẪN CÒN ĐANG Ở
PHÍA BÊN KIA phố đối diện cửa của Đồn Cảnh sát Khu vực 14 thì Theresa
Lee bước ra cùng hai người mặc com lê xanh và sơ mi trắng bẻ cổ. Cô
trông có vẻ mệt mỏi. Cô đã nhận cuộc gọi lúc hai giờ sáng, việc này có
nghĩa cô trực ca đêm, như vậy cô sẽ hết ca lúc khoảng bảy giờ và tám giờ thì đã ngủ ở nhà. Lee đã làm ngoài giờ sáu tiếng. Tốt cho tài khoản
ngân hàng của cô, không tốt lắm cho bất kỳ thứ nào khác. Nữ thám tử đứng trong ánh nắng, hấp háy mắt, duỗi người và rồi trông thấy tôi trên vỉa
hè phía xa, liền tỏ thái độ vờ ngạc nhiên kinh điển. Cô vỗ vào khuỷu tay người đứng cạnh mình mà nói gì đó rồi trỏ thẳng vào tôi. Tôi ở quá xa
nên chẳng nghe được những lời Theresa nói, song ngôn ngữ cơ thể của cô
hét lên rằng Này, ông ta ở kia kìa, với một dấu chấm than lớn qua vẻ
quyết liệt trong điệu bộ của cô.
Theo phản xạ, hai tay mặc com lê ngó về bên trái nhìn dòng xe cộ, điều đó cho tôi biết rằng trụ sở của
họ nằm trong thành phố. Các phố đánh số lẻ chạy theo hướng Đông sang
Tây, các phố đánh số chẵn chạy từ Tây sang Đông. Họ biết điều này, từ
trong máu. Vì vậy, họ là người địa phương. Nhưng hai tay này quen lái xe hơn cuốc bộ, bởi họ không để ý xem liệu có những người truyền tin đi xe đạp chạy trái đường không. Họ chỉ vội vã băng ngang phố, tránh những
chiếc xe hơi, tách ra và đồng thời tiếp cận tôi từ bên trái và bên phải, cho tôi thấy rằng họ đã được huấn luyện thực tế ở mức độ nào đó, và
đang vội vàng. Tôi đoán chiếc Crown Vic có những cần ăng ten mảnh như
cây kim là xe của họ. Tôi đứng trong bóng râm chờ đợi. Hai người đàn ông đều đi giày đen, đeo cà vạt xanh, áo lót lộ ra ở cổ, áo trắng mặc bên
trong áo trắng. Phía trái của áo khoác ngoài cộm lên hơn phía phải. Các
nhân viên thuận tay phải mang bao súng đeo qua vai. Tuổi họ chừng trên
dưới bốn mươi. Trong thời kỳ trưởng thành tối đa. Không phải lính mới,
chưa đến mức cho về hưu non.
Họ thấy rằng tôi sẽ chẳng đi đâu nên giảm tốc độ một chút và tiến về phía tôi bằng những sải chân dài. FBI,
tôi nghĩ, gần với cảnh sát hơn lực lượng bán quân đội. Họ không trưng
phù hiệu cho tôi xem. Họ chỉ cho rằng tôi đã biết họ là ai.
“Chúng tôi cần nói chuyện với ông,” tay bên trái tôi cất tiếng.
“Tôi biết,” tôi nói.
“Làm thế nào mà biết?”
“Vì các ông vừa chạy cắt ngang dòng xe cộ để tới đây.”
“Ông biết vì sao không?”
“Không. Trừ phi nguyên nhân là mời tôi tư vấn tâm lý do bị tổn thương.”
Miệng tay này dúm lại vẻ thiếu kiên nhẫn, như thể anh ta sẵn sàng chửi tôi vì đã mai mỉa. Rồi thái độ anh ta thay đổi một chút trở thành nụ cười
nhạo, anh ta nói, “Được rồi, đây là nội dung tư vấn của tôi. Hãy trả lời vài câu hỏi rồi quên đi chuyện ông đã từng ở trên chuyến tàu đó.”
“Chuyến tàu nào?”
Tay này bắt đầu mở miệng trả lời nhưng rồi dừng lại, không kịp phát hiện
thấy rằng tôi đang bỡn cợt hắn, và bối rối vì đã tỏ ra không bén.
Tôi hỏi, “Những câu hỏi nào?”
Anh ta hỏi, “Số điện thoại của ông là gì?”
Tôi nói, “Tôi không có số điện thoại.”
“Thậm chí điện thoại di động cũng không à?”
“Đặc biệt là thậm chí như thế cũng không,” tôi đáp.
“Thật vậy sao?”
“Tôi là tên đó đó,” tôi nói. “Xin chúc mừng. Các ông đã tìm thấy tôi.”
“Tên nào?”
“Tên duy nhất trên thế giới không có điện thoại di động.”
“Ông là người Canada à?”
“Tại sao tôi lại là người Canada?”
“Viên thám tử bảo chúng tôi rằng ông nói tiếng Pháp.”
“Rất nhiều người nói tiếng Pháp. Có cả một nước ở châu Âu đấy.”
“Ông là người Pháp hả?”
“Mẹ tôi.”
“Lần gần đây nhất ông ở Canada là khi nào?”
“Tôi không nhớ. Có lẽ cách đây nhiều năm rồi.”
“Ông chắc chắn không?”
“Rất chắc.”
“Ông có bạn bè hay đồng sự người Canada nào không?”
“Không.”
Tay này im lặng. Theresa Lee vẫn đứng trên vỉa hè bên ngoài cửa Đồn Cảnh
sát Khu vực 14. Cô đang đứng trong nắng quan sát chúng tôi từ bên kia
phố. Tay còn lại nói, “Đó chỉ là một vụ tự sát trên tàu. Chẳng vui gì,
nhưng không quan trọng. Chuyện tệ hại xảy ra. Chúng ta rõ rồi chứ?”
Tôi nói, “Chúng ta xong rồi chứ?”
“Cô ta có trao gì cho ông không?”
“Không.”
“Ông chắc chứ?”
“Hoàn toàn chắc chắn. Chúng ta xong chưa?”
Tay này hỏi, “Ông có kế hoạch gì à?”
“Tôi sẽ rời thành phố.”
“Đi đâu?”
“Một nơi khác.”
Anh ta gật đầu. “Được rồi, chúng ta đã xong. Giờ thì lượn thôi.”
Tôi đứng yên tại chỗ. Tôi để cho cả hai bước đi, trở lại xe họ. Họ vào xe,
đợi có một khoảng trống trong dòng xe cộ rồi đánh xe ra lái đi. Tôi đoán là họ sẽ đi theo hết xa lộ West Side về trung tâm thành phố, trở về bàn làm việc của mình.
Theresa Lee vẫn đứng trên vỉa hè.
Tôi
băng ngang phố, lách qua giữa hai chiếc xe tuần tra màu xanh trắng đang
đỗ rồi bước lên rìa vỉa hè, đứng gần cô, đủ xa để thể hiện sự tôn trọng, đủ gần để cho cô nghe thấy tiếng, mặt quay về phía tòa nhà để mắt tôi
không bị chói nắng. Tôi hỏi, “Tất cả chuyện đó là sao thế?”
Cô đáp, “Người ta đã tìm thấy xe của Susan Mark. Nó đỗ ở tận dưới khu SoHo. Sáng nay xe được kéo đi rồi.”
“Và gì nữa?”
“Họ đã lục soát xe, điều đó thì rõ rồi.”
“Tại sao lại rõ? Họ đã rất quan tâm đến chuyện gì đó mà chính họ tuyên bố là không quan trọng?”
“Họ không giải thích suy nghĩ của họ. Nói kiểu gì thì nói, họ không giải thích với chúng tôi.”
“Họ đã tìm thấy gì?”
“Một mẩu giấy, trên đó có thứ mà họ nghĩ là một số điện thoại. Kiểu như mẩu thư ngắn viết vội vàng. Vò nát, như rác ấy.”
“Số thế nào?”
“Nó có mã vùng 600, họ bảo đó là mã của một dịch vụ điện thoại di động
Canada. Một mạng đặc biệt. Rồi một con số, rồi chữ D, như chữ cái đầu
của từ nào đó.”
“Chẳng có ý nghĩa gì với tôi,” tôi nói.
“Tôi cũng thế. Trừ việc tôi không tin đó là số điện thoại một tí nào. Không có mã tổng đài[28] và lại có quá nhiều con số.”
“Nếu đó là mạng đặc biệt thì có lẽ nó không cần mã tổng đài.”
“Có vẻ không hợp lý.”
“Vậy nó là gì?”
Theresa Lee đáp lời bằng cách vòng tay ra sau người rút từ túi sau ra một cuốn
sổ ghi nhỏ. Không phải loại sổ được cấp của cảnh sát. Nó có bìa cứng màu đen và một đai đàn hồi giữ bìa gập vào. Cả cuốn sổ hơi quăn lại, như
thể nó đã nằm trong túi cô rất lâu. Cô nới đai, mở sổ ra chìa cho tôi
thấy một trang màu nâu vàng có ghi 600-82219-D bằng nét chữ gọn gàng.
Chữ viết tay của cô, tôi nghĩ thế. Chỉ là thông tin, không phải một bức
fax. Không phải sao chụp lại chính xác một mẩu thư ngắn viết vội vàng.
600-82219-D.
“Có thấy gì không?” Lee hỏi.
Tôi đáp. “Hình như các số điện thoại di động ở Canada có nhiều con số hơn.” Tôi biết rằng các công ty điện thoại trên khắp thế giới đều sợ cháy kho số. Thêm một con số thì sẽ tăng kho số của một mã khu vực lên mười lần. Ba mươi triệu, không phải ba triệu. Dù dân số Canada nhỏ. Đất đai rộng
lớn, nhưng hầu hết diện tích không có người. Chừng ba mươi ba triệu
người, tôi nghĩ. Ít hơn bang California. Thế nhưng California cũng chỉ
cần đầu số điện thoại thông thường là đủ.
Lee nói, “Đó không phải số điện thoại. Là một thứ gì khác. Kiểu như mật mã hay số xê ri. Hoặc
là số hồ sơ. Đám ấy đang phí thời gian.”
“Có thể nó không có liên quan. Rác trong xe có thể là bất cứ thứ gì.”
“Không phải vấn đề tôi quan tâm.”
Tôi hỏi, “Có hành lý trong xe không?”
“Không. Chẳng có gì ngoài thứ rác rưởi thường thấy tích lại trong xe.”
“Thế thì đó chắc là chuyến đi ngắn. Đi rồi về.”
Lee không đáp. Cô ngáp và chẳng nói gì. Cô đang mệt.
Tôi hỏi, “Những tay ấy có nói chuyện với em trai Susan không?”
“Tôi không biết.”
“Có vẻ ông ta muốn cho qua và quên hết đi.”
“Dễ hiểu thôi,” cô nói. “Luôn có một lý do, và lý do đó không bao giờ hay ho cho lắm. Dù sao đó cũng là kinh nghiệm của tôi.”
“Cô sẽ khép hồ sơ à?”
“Nó đã được đóng lại rồi.”
“Cô hài lòng với chuyện đó sao?”
“Sao tôi lại không thế được chứ?”
“Các con số thống kê,” tôi đáp. “Tám mươi phần trăm số người tự tử là nam
giới. Tự tử ở khu Đông ít hơn rất nhiều so với khu Tây. Và nơi cô ta
thực hiện việc ấy thật kỳ lạ.”
“Nhưng cô ấy đã thực hiện. Ông đã
trông thấy cô ấy làm việc đó. Chẳng có gì nghi ngờ về chuyện đó. Không
có mâu thuẫn gì. Đó không phải một vụ án mạng được che đậy tinh vi.”
“Có thể cô ta đã bị đẩy tới nước đó. Có thể đó là án mạng gián tiếp.”
“Thế thì tất cả các vụ tự sát đều thế.”
Lee liếc xuôi liếc ngược theo phố, muốn ra đi, nhưng quá lịch sự nên không thể nói ra. Tôi nói, “Rồi, rất vui vì được gặp cô.”
“Ông sẽ rời thành phố à?”
Tôi gật đầu. “Tôi sẽ đi đến thủ đô Washington.”